Thursday, January 20, 2005

tham gia đối thoại sử học *

Tạ Chí Đại Trường


Nguồn tin tức

Suốt ngày, suốt tuần loay hoay với mấy sợi dây điện, với những chuyện lằng nhằng kì kèo kình cãi trong sốp làm, nào có thấy trời trăng gì đâu! Anh bạn Nguyễn Xuân Sơn ở New York là người đầu tiên cho biết có một quyển sách vừa xuất bản ở Việt Nam đòi đặt lại một số vấn đề về sử Việt, làm xôn xao dư luận. Thế rồi đến trong tầm tay là tạp chí Hợp Lưu số tháng 6-7/2000 đăng bài phỏng vấn và bài phân tích sơ qua quyển sách, của bà Thuỵ Khuê. (Hình như Hợp Lưu bị ám ảnh bởi đề tài chung nên bài thứ nhất của bà Thuỵ Khuê đã là “Đối thoại văn học” thay vì “Đối thoại sử học”?) Nhưng đó là chuyện tận tháng 2, tháng 3-2000! Biết tên tác giả là Bùi Thiết (BT) rồi nhờ các nhà sách Nam Cali “giao lưu văn hoá với VC”, chúng tôi thấy có quyển Việt Nam thời cổ xưa (VNTCX) của tác giả này, liền gượng bỏ tiền ra mua ngay. Anh bạn NY lại có nhã ý gởi quyển Đối thoại sử học (ĐTSH) định cho mượn đọc, rồi cho luôn! Vẫn biết rằng “đa đa ích thiện, càng nhiều càng tốt” nhưng người-viết cũng có thể viện dẫn “tri túc tiện túc” để tham gia đối thoại cho vui. Ai muốn kiểm tra người-viết thì xin mua Hợp Lưu (gợi ý may ra ông KT bán thêm được vài số), mua sách ở VN (nghe nói hơi khó vì đã bán sạch). Quý vị nào có phương tiện để có tin tức nhiều hơn, xin chớ trách.

Có một cuộc nội chiến

Tên “Đối thoại sử học” là của quyển sách “in 1 500 bản... [k]ế hoạch xuất bản năm 1999... [g]iấy phép... 14-8-1999... nộp lưu chiểu quý 1 năm 2000” nhưng ở bìa 4 của Việt Nam thời cổ xưa với giấy phép 3-5-1999, in và nộp lưu chiểu tháng 1-2000, thì tên sách là “Đối thoại lịch sử”. Người bên ngoài không thể hiểu lí do của sự thay đổi nhưng đứng về phương diện thuần tuý chữ nghĩa thì cái tên được lựa chọn cuối cùng có vẻ hợp lí, xác định hơn.

Chuyện bất đồng ý kiến thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có nhưng cái khác là ở tính chất tương thông với bên ngoài. Áp lực bên ngoài dữ dằn, tạo được hiệu quả nhãn tiền thì người ta nín thinh, nuốt vào bụng, cho đến khi trở thành thói quen không phản ứng, bởi vì Đảng và Nhà nước nói xuôi nói ngược lúc nào cũng đúng; áp lực nhẹ hơn một chút, chút thôi, thì người ta càu nhàu nói xiên nói xỏ. Lúc quyền bính thấy không kềm hãm được thì mở ra một hướng “bảo lưu”, nói nhỏ với nhau nghe mà thôi, “cấm ngoại thỉ không ai được biết.” Cho đến khi có nổ bùng, tức nước vỡ bờ. Không phải bởi người ngoài. Tranh giành không phải là chuyện của kẻ không quyền lực, của những người ngoài hệ thống. “Chuyện thường ngày ở” xã thì cũng như chuyện chữ nghĩa cao cấp. Không phải cách mạng. Chưa kể đây lại là một mưu toan đảo chính phục hồi. Bởi vậy cho nên phát sinh nhiều nhận định từ vị thế trong, ngoài của đất nước, trong trong, ngoài ngoài của lãnh vực chuyên môn. Chữ nghĩa thời hậu... hậu gì đó thật điên cái đầu.

Hồi ở trong nước, nghe có lời chê bai: vọng ngoại, nghĩa là cho cái gì bên ngoài cũng tốt, thường khi tốt hơn sự thật, theo trí tưởng tượng và tâm cảm của mình. Bây giờ ra đến ngoài rồi, nhìn về trong nước với tinh thần đó thì gọi là gì? Vọng nội? Không được, những người lưu tâm đến vấn đề đều đã là Mĩ, Anh, Pháp, Càri... cả, dù là da vàng. Vậy thì theo chính danh vẫn phải dùng chữ vọng ngoại – ngoại của nội! Ngày tháng nguôi ngoai, lâu ngày tránh thoát những áp lực cũ, bực bõ với những đa đoan trước mắt, người hướng-về khen bên trong hết lời, bênh che cả những việc người trong cuộc thấy chưa cần đến “nhiệm vụ lịch sử” đó, hăng hái khen như sợ người ta giành mất địa vị hồi chánh của mình. Người còn hăng say, hay rụt rè nhút nhát mong kẻ khác làm-thay mình, thấy bên trong có tên nào cự nự thì tưởng như là đồng chí của mình, tung hô theo dòng tưởng tượng các chiến sĩ tiền đồn đang “nhìn hoả châu rơi”. Người-còn-bên-trong cũng coi là một dịp phát tiết anh hoa theo, chống. Và thế là phát sinh rắc rối, ồn ào, mở rộng tầm “đối thoại”.

Bà Thuỵ Khuê hỏi “các nhà nghiên cứu sử (Hà Nội)” thì được trả lời: Đó là chuyện trò đánh thầy, chuyện đấu đá quyền lực, chuyện nhắc lại những điều ai cũng biết rồi, không có gì mới. Người phỏng vấn cũng hỏi ý kiến một nhà nghiên cứu về quyển sách ĐTSH. Tuy có lời dè chừng rằng ông Lại Nguyên Ân không phải là sử gia, nhưng ông ấy là người “bên trong” cho nên ta chộp riêng cái ý “không khí học phiệt” để hiểu về tình trạng có chiếu trên chiếu dưới trong làng nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay. Ở trong chăn mới biết chăn có rận... Chuyện trò đánh thầy, nên hay không, là vấn đề ngoại sử học. Vấn đề không đặt ra nếu nơi đào tạo, trường đại học, cho ra đại học, không nên là một cấp bực trên - trung học, ở đó sách là Kinh để học trò tụng niệm từng chữ, từng câu cho qua ải thi cử, và khi ra đời thì trưng dẫn lời Thánh như một điều không thể thiếu được trong kiến thức, trong lối sống cơm áo. Sách của Thầy cũng nương theo đà quyền bính của sách giáo khoa, nơi chứa đựng kiến thức được cho là của “pháp lệnh (Nhà nước)”. (Dù rằng có sách giáo khoa vẽ bóng từ Hà Nội, dạy rằng: ‘Sài Gòn ở trên sông Đồng Nai’!) Vai trò tối thượng của sách vở như thế đối với trong nước rõ rệt trong lối gằn giọng của ông BT khi phê bình các tác giả khác.

Không điều gì cho thấy quan niệm sách chỉ là phương tiện đi vào kiến thức, nhất là đối với sinh viên đại học, và hiểu như thế thì sẽ không có lời chê trách trò đánh thầy. Chuyện “nhắc lại những điều ai cũng biết rồi” thì chứng tỏ ngay trong ĐTSH, ở đó công khai, rõ ràng trên diện phổ biến rộng là các bài của ông Đinh Văn Nhật về Hai Bà Trưng, từng đăng ở tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Trong tình trạng bản quyền mù mờ, không cần quan tâm ở Việt Nam như từng thấy, chúng ta không biết các bài của tác giả đã chết này được đưa vào đây theo tính cách nào.

Một số vấn đề khác (chuyện “Nội các quan bản” của Toàn thư, chuyện Đặng Tiến Đông, chế độ chiếm hữu nô lệ) thì lúc còn ở trong nước chúng tôi cũng thấy bàn đến đâu đó – gián tiếp giúp cho trí nhớ mù mờ của chúng tôi là ngay trong các bài phản đối ở ĐTSH có nhắc đến những bài tham luận được đọc ở các hội nghị chuyên môn. Có điều sự phổ biến hẳn là hạn hẹp hơn nên có sự bực tức (chỉ đăng ở các tờ Thông tin..., báo hàng ngày, hoặc “chưa công bố”, bị “bỏ quên” ở toà soạn Nghiên cứu lịch sử). Tất nhiên là cũng có sự chèn ép, nhưng người nắm quyền lực và uy thế cũng có thể viện dẫn chính trong chuyên môn để gạt bài ra, viện dẫn lí do trình độ thấp của những người phản đối, rõ rệt trong những bài đưa ra ở ĐTSH, hay của người chủ chốt đầu đàn, ông BT, trong khả năng thực hiện một tác phẩm sử học (VNTCX) không được vừa tầm với mong ước của ông khi chỉ trích người khác. Vậy thì quả đúng là có chuyện giành giật.

Một tác giả tranh luận đã dùng chữ “Thế lực khoa học” ( ĐTSH, tr. 352) để chỉ thẳng vào địch thủ. “Thế lực” đó được nêu rõ, không giấu giếm gì: các ông Phan Huy Lê (người chấp bút Lịch sử Việt Nam tập I của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, tác giả một phần của Lịch sử Việt Nam tập I [rắc rối quá!] khác, chủ chốt trong sự kiện “bản Chính Hoà”, Hội trưởng ‘Hội văn hoá’ Việt Nhật với giải thưởng khá bộn tiền theo tin tức trên báo hải ngoại), Trần Quốc Vượng (nhiều năm đi tham dự hội nghị sử học Úc, Mĩ ), Hà Văn Tấn (được coi là nhà khảo cổ có uy tín), Phan Đại Doãn (coi như người ăn-theo?)... Ông BT chê trách các “cách nghiên cứu áp đặt... thiếu cả tự do dân chủ... do sự bao sân của một vài người được gọi là có quyền uy!”“sự phớt lờ của các phía hữu quan... sự răn đe áp đặt này khác... sự chụp mũ...” (ĐTSH, tr. 422-423).

Cho nên thật có nhiều chòng chéo phức tạp bên trong “đối thoại”: Cũng phải có những luận cứ đánh vào các sơ hở, các yếu kém có thật của đối phương, phải viện dẫn đến chính thống, ngược lại, không từ luôn việc sử dụng những nguyên tắc khoa học, đạo lí khác đè lên cả sự chính thống kia. Và bất chợt, đẩy đối phương đứng về phía lợi dụng Mở cửa (khiến cho người đọc phải đặt câu hỏi về sự ra đời của ĐTSH). Nghĩa là đòn nào cũng có đủ, theo chiến thuật ưu việt, từng đạt hiệu quả: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Chỉ có điều là rốt lại sự việc giống như của bầy cua bỏ trong giỏ, que càng cứ quắp vào nhau, loay hoay vặn vẹo, bực mình, rộn người. Do tính cách chống đối đó mà người đọc có thể chọn lựa trong ĐTSH phần hợp ý của mình.

Có thể viện dẫn khoa học bình thường mà chống lời buộc tội trò đánh thầy. Có thể theo sử gia quan chức - uy tín nhỏ chê quan chức uy tín lớn là làm việc của cán bộ tuyên truyền. Có thể chê giáo dục lịch sử hiện tại nói toàn chuyện chiến tranh. (Nhưng không có cái tiền đề nhấn mạnh đó thì làm sao đề cao chiến thắng “đánh cho Mĩ cút, nguỵ nhào” – từ đó đẻ ra chuyện Đô đốc Giản trở lại áo Đô đốc Đông thay thế Đô đốc Long trong nhà Bảo tàng Bình Định, dấu hiệu của một tình trạng “thực dân văn hoá khu vực” từ sau 1975 – thời điểm chiến thắng làm cơ sở cho quyền lực mà những người dù chống hay theo trong “đối thoại” cũng phải bám chắc không rời?) Cũng có thể trích một câu trong đà hăng say của người viết khi làm việc công kích, đại loại: “Không thể tân trang tương lai xã hội trong lồng kính của các tư tưởng mục nát” (BT) để cho rằng ĐTSH là bước đầu cho việc đặt lại vấn đề nghiên cứu sử, viết sử và dạy sử, là chứa đựng một tinh thần cách mạng trong lãnh vực sử học ở Việt Nam ngày nay.

Tuy nhiên khi đọc kĩ cuốn ĐTSH và kết quả chuyển từ lí thuyết sang thực hành của nó, quyển VNTCX, người ta lại cứ muốn như bà già thành La Mã xưa “cầu cho bạo chúa (Neron) sống lâu”.

Trước hết phải nói đến mặt yếu kém hình thức (từ đó dẫn đến nội dung) không thể tha thứ được của các luận văn. Bài viết chưa được hoàn chỉnh đã cho ra đời. Chúng tôi chưa nói đến những tiêu chuẩn chú thích của việc nghiên cứu chẳng hạn. (Có ai muốn nhức đầu vì tác giả khoe kiến thức thì mò tìm các chú thích ở VNTCX, hay lấy ra ví dụ ở tr. 82, 88, 115... của ĐTSH.) Bài in được ghi rõ là do tác giả (hay các tác giả) xem lại, đã có những lỗi không phải do in ấn mà ta cho rằng tác giả đã để sơ sót. Kì quái nhất là các dấu chấm hỏi. Hà Nội? Tác giả đâu có chỉ nghe đến tên sách rồi viết bừa (hay dùng sách chợ trời mất bìa còn ruột) mà không biết sách xuất bản ở đâu, hay ví dụ không thể kiểm tra lại năm xuất bản (nếu đó là năm) của sách ở Hà Nội? Dấu chấm hỏi thường đặt ở những câu không thể nào là nghi vấn được.

Không thể nghĩ tệ là tác giả không biết viết một câu văn. (Tuy cũng có những câu khiến người ta phải nghĩ như vậy.) Chỉ nên nghĩ rằng tác giả đưa ra một ý kiến, một kết luận mà còn nghi ngại rồi cứ để đó cho ra sách. Quyển ĐTSH, vàVNTCX, đầy dẫy những chấm hỏi như vậy khiến người ta càng nghĩ rằng tác giả sau khi công kích người khác, muốn đưa ra kiến giải mới, dựa vào hiểu biết tưởng là sâu về một lí thuyết (sẽ nói sau) đến lúc đem vào áp dụng, thấy phân vân (cũng là một sự trung thực bên trong đáng khen), liền đặt dấu chấm hỏi... và quên luôn! Đó là do tình trạng khả năng chưa tới mà muốn làm “lớn chuyện” rồi đâm ra lúng túng.

Gặp một quyển sách như vậy không thể có can đảm đọc tiếp được. Huống chi bên trong nội dung đầy quả đoán, đầy mâu thuẫn (cả với chủ trương của chính tác giả) chỉ có thể hiểu được khi cho rằng tác giả muốn “nói lấy được”, muốn nói gì thì nói. Nhưng người viết những dòng này vốn có những ngày weekend không đủ kiên nhẫn đi câu cá, còn dành sức lực đi làm, lại nhân dịp thiên hạ ồn ào “đối thoại”, lỡ đọc rồi nên phải làm-tới để suy nghĩ thêm về tình trạng sử học trong nước, về một ngành mình muốn dấn thân mà có lúc lửng lơ thành người ngoại cuộc – và từ đó, thành người ngoại quốc! Thôi thì cứ bàn một vài điểm chính, nói về ông BT mà không phải chỉ ông BT.

Về tính mác-xít phục hồi quật khởi

Nếu là người “bên trong” thì phải nói đến tính giai cấp, tính Đảng trong việc nghiên cứu sử học. Như ông Viện trưởng Viện sử học Văn Tạo tuyên bố trong một hội nghị quốc tế năm 1988: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.” Câu nói nằm trong thời gian hồ hởi mở cửa hân hoan, chưa trói lại. Cho nên không lấy làm lạ khi năm 2000, ông BT, mở đầu thiên niên kỉ mới, nhất quyết viết sử Việt Nam theo lời dạy của Mác, Ănghen, Lênin (không nói tới Stalin với quyển Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, sách gối đầu giường một thời của nhà sử học mácxít!)

Bìa 4 của quyển VNTCX cho đoán hiểu một chút về thái độ của ông. Ông từ cái nôi xô viết của nước Việt, tiếp nối thành phần Tam phủ ngày xưa (như có người nói lén về vai trò những đồng hương của ông bây giờ). Ông sinh năm 1944, tốt nghiệp Đại học 1965, nghĩa là học tập nhuần nhuyễn trong lòng chế độ mới, có thể tự phụ là hiểu biết về mácxít, tinh hoa của loài người, hơn những người ông công kích, thuộc lớp lớn, tuy có vai vế chỉ vì đi trước nhưng “có những hạn chế về trình độ lí luận, về khả năng của khái quát và xử lí thông tin” (ĐTSH, tr. 111), không được hiểu thấu lí thuyết bằng ông.

Sự tự phụ về kiến thức chính thống tỏ rõ trong những bài và phần bài bàn về chế độ nô lệ, phương thức sản xuất châu Á, không phải chỉ như một tranh cãi về phương pháp luận đem áp dụng vào thực tiễn cụ thể là Việt Nam mà là một dịp để trổ tài uyên bác. Không chỉ coi là một đệ tử bình thường của Marx, Engels, ông còn muốn chứng tỏ là một đệ tử xuất sắc nữa khi ông vạch ra được “một chân lí mà lâu nay chưa được làm sáng tỏ, chưa được nhận thức đúng mức trong các giáo khoa thư về chủ nghĩa Mác” (ĐTSH, tr.33). Với ông, không thể bài bác việc ông dẫn chứng Marx hay Engels trong sử học. Với ông, không thể như những tên “phản động”, “xét lại” chê Marx là người của thế kỉ XIX, đầy tinh thần “quy về châu Âu”, ví dụ như khi ông này đặt “phương thức sản xuất châu Á” trước cả thời cổ đại – thời có chế độ chiếm hữu nô lệ – ngang tầm với chế độ cộng sản nguyên thuỷ, theo ông hiểu. Không thể hỏi ông, cũng như hỏi những người sống chung với ông, rằng “tác phẩm vĩ đại” Nguồn gốc của gia đình... (1884) của Engels là dựa trên nghiên cứu của L. H. Morgan: Xã hội cổ đại (1877) theo tinh thần “đơn tuyến” mà ông chỉ trích, vậy chẳng lẽ từ bấy đến nay khoa nhân chủng, dân tộc học không có tiến bộ nào khác sao?

Không thể chỉ cho ông thấy sự trung thành ngây dại khi ông trích dẫn Engels: “Sắt là thứ nguyên liệu cuối cùng – cho đến khi khoai tây xuất hiện – và là thứ nguyên liệu quan trọng nhất cuối cùng của các nguyên liệu đóng một vai trò cách mạng trong lịch sử” (ĐTSH, tr.21). Câu trích, lấy của Engels vốn đã ngớ ngẩn như thế mà giá như ông BT khôn ngoan lược đi phần chúng tôi nhấn mạnh thì chứng tỏ ông còn chút thông minh, không bị sự tự phụ mù quáng che lấp, coi ai không ra gì cả. Ông không biết rằng khoai tây gốc Nam Mĩ được đưa về châu Âu đã là một “phát minh” quan trọng với ông Engels vì là thứ thực phẩm cứu đói cho dân châu Âu, những trận đói ví dụ như trong thập niên 1840 ở Ireland, thời Engels hẳn biết, trận đói làm dân xứ này di cư hàng loạt làm nền nhân chủng quan trọng của Hoa Kì còn thấy trong văn học ngày nay. Nhưng ông BT vẫn trung kiên bám vào Engels, Morgan, thấy không cần thay đổi gì hết. Bởi vì, với ông, “những nghiên cứu và khái quát của (Mác, Ănghen, Lênin) về chế độ chiếm hữu nô lệ, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có tính định hướng rõ ràng, nhiều phát hiện tư liệu mới trong vòng một thế kỉ qua càng làm sáng tỏ thêm những tư tưởng đó.” (ĐTSH, tr. 27)

Có thể thấy trong sách của ông những lời tán tụng về Marx... không còn có thể dùng những từ ngữ nào khác hơn được. Khi công kích bộ sách Lịch sử Việt Nam I của tập thể tác giả Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh (phân biệt với LSVN tập I của Uỷ ban Khoa học xã hội, nhưng ông cũng có vài dòng xen vào), ông đóng vai trò đại diện đích truyền của Marx, “đã chỉ ra rằng” phải hiểu đúng trật tự phân kì lịch sử xã hội loài người của Marx, bởi vì “trong điều kiện hiện nay, chưa cho phép ai hiểu khác trật tự đó, nếu cố tình hiểu sai là phản lại Mác..!”(ĐTSH, tr. 112, chúng tôi nhấn mạnh, mà tưởng như còn vọng lên lời ông Phạm Huy Thông đâu đây.) Phải biết sợ ông, bởi vì ông cảnh cáo “không riêng gì các nhà sử học” đâu!

Chỉ tiếc rằng khi đem lí thuyết áp dụng vào lịch sử cụ thể, ví dụ trong VNTCX, thì ông nói lung tung, chữ ba-hoa nhiều hơn sự kiện, từ ngữ không chọn lựa, nghe có lúc vẫn như bài diễn văn của ông Trường Chinh, Lê Duẩn gì đó, và viết câu sau quên mất những gì ông đã viết ở câu trước, nơi khác! Cũng không nên đổ tội oan cho ông BT. Cái lối viết chính-trị-sử là ưu thế của các sử gia mácxít. Ở cái xứ từng là thành đồng của chủ nghĩa xã hội, được xưng tụng là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, người ta viết lịch sử nước Pháp như là của đảng Cộng sản Pháp anh em, với ông lãnh tụ M. Thorez trốn quân dịch vì nghe theo chỉ thị của Đệ tam Quốc tế chống “chiến tranh giữa bọn tư bản với nhau” trong lúc Stalin kí hiệp ước bất tương xâm với Đức Quốc xã – và rồi được tên thực dân De Gaulle ân xá để đảng Cộng Sản Pháp tham gia nghị viện, ủng hộ việc tái chiếm Việt Nam, quên mất tình nghĩa quốc tế!

Với sử gia mácxít Việt Nam thì càng dữ dằn hơn vì đậm thêm tính yêu nước nồng nàn. Sau 4-1975, một cậu bé trung học Sài Gòn đã làm bài thi tán dương anh Nguyễn Văn Trỗi đặt bom định giết tên Mắc Lênin, và bị cấm thi ba năm sau khi thoát được đề nghị của những bậc tôn sư khả kính đòi bỏ tù tên môn sinh phản động. Một cô sinh viên lại ca tụng đồng chí Nguyễn Cao Kì dám làm cách mạng. Nghe như chuyện về “những người lính Tây tiến đã anh dũng chiến đấu với đế quốc Mĩ, giữ gìn biên cương Tây Bắc của Tổ quốc.” Chúng tôi đã nghe được bài của một sinh viên khoa sử viết đầy tinh thần yêu nước chống chủ nghĩa đế quốc thực dân loạn xà ngầu như thế. Thành quả của các thầy giáo “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” từ các trường đại học Hà Nội, Vinh đem chân lí vào để xoá tan đầu óc bọn trẻ Miền Nam nhiễm đầy nọc độc văn hoá nô dịch của Mĩ nguỵ đấy!

Kết quả sau 25 năm cũng có chiều hướng tích cực vì mới đây một cậu bé theo gia đình sang Mĩ đã hỏi người lớn: “Chú ơi chú, có phải hồi trước nếu Mĩ thắng thì nó lấy hết nước mình rồi, phải không chú?” Cậu bé đã ra đi, nhưng bạn bè ở lại sẽ có thể học bài của nhà Văn hoá học Trần Ngọc Thêm để ba hoa rằng Đông Nam Á là một trong những cái nôi hình thành loài người, một trung tâm văn hoá lớn ngay từ thời cổ đại, trong đó Việt Nam là “nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hoá khu vực”, mà tinh hoa cuối cùng sẽ loạn xạ dồn vào một người: Bác Hồ, “người tích hợp các giá trị văn hoá Đông Tây với tinh hoa của chủ nghĩa Mác”. (Marx đứng chỗ nào trong khu vực Đông, Tây?) “Chính vì đặt nước lên trên mà một người dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo... [d]ám không lập gia đình (theo Nho giáo thì Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại... không có con nối dõi là tội nặng nhất).” Sinh viên khoa Văn, Sử gì đó của ông thầy giảng dạy tại “trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh... kiêm Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đông phương trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh”, chắc rồi lúc ra đời cũng sẽ bắt chước tôn sư núp bóng quyền lực chính trị, muốn nói gì thì nói, không cần sự kiện, sự thật! (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Bộ Giáo dục xuất bản 1998, 334 trang. Sách được in 5 lần qua 4 cơ sở xuất bản khác nhau, thuộc các Đại học và Bộ Giáo dục.)

Thật ra không phải những người ông BT phản đối đã “phản lại Mác” như ông buộc tội. Với người đứng ngoài, tình trạng xung đột đó cũng chỉ là hiện tượng thăng trầm chính trị trong chế độ cộng sản (hay dùng chữ “xã hội chủ nghĩa” cho người ta bằng lòng) qua những lúc người ta tố cáo nhau “tả”, “hữu”, “xét lại” theo tình hình thuận tiện để diệt trừ nhau mà thôi. Chúng tôi được một anh bạn nhà giáo chỉ giúp rằng trong ấn bản 1971 của quyển LSVN tập I, có câu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắn nhủ các sử gia (đại khái): “Các đồng chí phải nặn óc tìm cho ra chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam.” Câu này không thấy trong bản in mà chúng tôi có. Những năm này không phải là năm mất uy thế của anh/bác/đồng chí Tô để Uỷ ban KHXHVN dám bỏ câu của Thủ tướng.

Việc xác định có hay không chế độ CHNL ở Việt Nam theo cách hiểu tính chất “gia trưởng” hay “điển hình”, chỉ mang tính cách chi tiết để giành quyền chính thống chứ không biến các tác giả LSVN (ở cả hai quyển khác nhau) thành người không-mácxít, phản-mácxít chút nào! Chính vì tự nhận là người bảo vệ đạo lí chính thống, nên ông BT đã nói đến các “sai lầm” của các tác giả kia với giọng dạy dỗ rõ rệt. Và lạ lùng đối với dân chúng cùng trí thức Miền Nam là những lời đay nghiến hách dịch ấy lại được khai mào và đóng kết bằng những câu rào đón nhũn nhặn khiêm cung, một cung cách sinh hoạt giả dối rồi sẽ trở thành thống nhất quen thuộc trên toàn quốc sau 4-1975.

Vấn đề đặt ra là tại sao ông BT lại nổi lên như người mácxít chính thống dữ dằn như vậy? Ngoài nguyên nhân ở tính chất cá nhân muốn chơi trội, ngoài ý muốn tranh giành, chèn lấn, còn có lí do nào khác không? BT cho mình là người có bổn phận phải chấn chỉnh sự lệch hướng vì “thời gian gần đây, cùng với không khí đổi mới, nhân học thuật có rộng hơn...” (ĐTSH, tr. 464) đã phát sinh nhiều sai sót trong nhận định về nhân vật lịch sử. Nên chú ý, đây là bài ông phản kháng một nhận định “bịa đặt” của Phan Huy Lê, Phan Đãi (sic) Doãn, tác giả sách Khởi nghĩa Lam Sơn viết từ 30 năm trước! Vậy thì sự bất mãn của ông về “không khí đổi mới” (nếu có) trong sử học Việt Nam có thể cùng đến từ những sự kiện và nguyên nhân khác.

Đó là ý thức bảo vệ nền chính thống mácxít trong hồi nó lung lay (tuy chính quyền vẫn còn vững.) Đó là công tác có thể do ông tự đảm nhận không cần ai xúi bẩy, công tác trong lãnh vực sử học, tương tự như những người viết “văn” trên tờ Văn nghệ trung ương (dịch bài) tán tụng thiên tài của Thống chế Stalin, nuối tiếc quá khứ Xô-viết, khẳng định “không ai có thể thủ tiêu trí tuệ (CS) được.” Đó là những loạt bài “lịch sử” về đánh cho Mĩ cút nguỵ nhào của một chức sắc hội Nhà báo (nơi mà Thông tin là căn bản) có bằng chứng Tướng Ngô Quang Trưởng gọi ông Tổng lãnh sự Mĩ ở Huế là “Ngài... ngài” ngon ơ! (Tất nhiên là hiểu chữ “ngài” nịnh bợ theo lối người ta muốn hiểu, như trong những bài báo sau tháng 4-1975, người ta cho cả lính VNCH gọi thượng sĩ là “ngài”.)

Tuy nhiên lại cũng trên tờ Văn nghệ, có những tiếng nói lạc lõng, như riêng của ông Phan Ngọc. Ông này cho rằng thời xưa có những người được thờ cúng “bất kể thuộc thành phần gì”: “Tôi thấy những việc này không làm thiệt hại gì tới lí luận của Cách mạng, trái lại khẳng định bước đổi mới quyết định dưới chế độ XHCN, nước và Đảng, chính quyền là của dân, không phải của riêng một giai cấp nào, một tổ chức nào.” Bài viết, theo thói quen dễ hiểu, núp dưới chuyện tán tụng việc cứu trợ bão lụt 1999, với nhan đề: “Một thắng lợi lớn sau tai nạn”, rõ ràng là lợi dụng “không khí đổi mới” để bài bác mácxít, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Ông BT khi đặt bài tranh luận lí thuyết với ông PN trang trọng nơi đầu sách của ông, có vì lí do từ những bài viết “phản động” về trước của ông PN mà chúng tôi không được biết chăng? Có thể nào tình trạng “mở cửa” chẳng-đặng-đừng đã khiến cho một số người chậm lụt nhìn những kẻ nhanh chân đổi thay, cơm áo thoải mái hơn mà phát sinh nỗi luyến tiếc quá khứ của một thời bao cấp bình đẳng như nhau, trong đó mình cũng có phần (khá lớn so với dân chúng), phản ứng cùng kiểu các nhà văn, sử gia Liên Xô cũ?

Nhưng vấn đề ông PN là “chuyện nhỏ”. Địch thủ của ông BT là một nhóm lớn hơn, có địa vị vững vàng hơn, càng lúc càng vững vàng hơn bởi vì đã lan ra ngoài nước. Tình thật ra, không phải người ngoại quốc có lòng ưu ái với riêng ai đâu. Trong giao tiếp của tương quan quốc gia với quốc gia, người ta chỉ nhắm vào những khuôn mặt (hãy cứ cho là) đại diện cho quốc gia mà thôi. Mấy cái anh lèo tèo bên dưới muốn ngoi lên phải có cố gắng vượt bực, chữ nghĩa đàng hoàng, hơn cả những người đương chức, mới được người ta chú ý tới – mà có khi đến chết cũng không đạt được kết quả. Có không bằng lòng thì đành chịu, thường thì vẫn phải nên chấp nhận luật chơi đó của con người. Vậy thì phải bằng lòng với việc ông Phan Huy Lê có địa vị trong hội Việt Nhật, ông Hà Văn Tấn có uy tín ở Pháp, ông Trần Quốc Vượng đi lung tung ở Mĩ.

Những người này trong giao tiếp với bên ngoài có “lợi dụng sơ hở của Đổi mới” để viết lách, tuyên bố những gì “phản mácxít” khiến ông BT nổi giận không? Trong tình hình hiểu biết hiện tại, chúng tôi chỉ nghe được chuyện ông Trần Quốc Vượng ở Mĩ vung vẩy về “Bác Hồ” và lúc xuống phi trường Nội Bài bị anh công an trẻ đòi xem tướng tay, báo cho biết cái “hạn” sắp đến mà thôi. Và cả chuyện ông bị tịch thu mất năm ngàn đôla, chắc là để dành từ những ngày ăn mì gói ở Mĩ Úc. Còn đây là phần phỏng đoán: Ông Hà Văn Tấn khi viết về khảo cổ học chắc chỉ lo lượm xương, gom đá, gốm... và suy luận từ các chứng cứ đó chứ không lấy đó để chứng minh sự đúng đắn của các luận điểm của Marx, Engels về tình trạng quần hôn, hợp hôn, tính chất giai cấp... gì gì! Viết ở trong nước, nói về “nội dung chủ đạo của lịch sử mácxít, được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đặt nền móng vững chãi và cho đến nay chưa có sự phủ định đối với nó”, như ông BT dạy, viết như thế cho Đảng và Nhà nước bằng lòng, chứ đem ra ngoại quốc, Tây với Mĩ nó vứt vào sọt rác! Cho nên ông BT không bằng lòng.

Lúc loạn li mới biết đến trung thần hiếu tử. Tính chất “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” hiện ra rõ rệt khi cuốn sách và ông BT được nồng nhiệt ca tụng hết mình trên tờ Tiền Phong, cơ quan trung ương của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, những người nắm vận mệnh tương lai Việt Nam nếu đất nước vẫn còn tiến triển theo đà ì ạch xốc tới hiện nay.

Về tính yêu nước nồng nhiệt và tính trung thực khoa học làng nhàng

Bước ra khỏi lãnh vực lí thuyết khô khan, cứng nhắc, ông BT có thể tìm được quần chúng rộng rãi hơn. Đó là chuyện lịch sử quốc gia dân tộc không theo lối phân tích phương thức sản xuất như ông đề nghị..., chỉ theo hướng chiến tranh (Hai Bà Trưng, chống Minh, Quang Trung...) mà ông cho là người ta đã nói quá nhiều. Bạn bè tham gia của ông nhiều hơn, quyển sách trở nên dày hơn, và nếu thực hiện được ý định ông tuyên bố với đài RFI thì nó còn dày hơn nữa. Có lẽ không mong được như vậy. Trong số hàng trăm trang viết, chỉ có một bài ngắn gọn “Bàn về niên đại của bản đồ mang tên Hoài Đức phủ toàn đồ” (ít ra là theo những chứng cớ được đưa ra) là chứng tỏ ông BT biết đứng vào vị trí của một sử gia, đi theo con đường làm việc bình thường của một người nghiên cứu. Tuy kết quả còn dở dang, ý định công kích chưa mất, nhưng ông đã biết dừng lại trong khả năng của mình. Không như lúc ông “bành trướng” khả năng đó để định làm người phát hiện luận thuyết “sắt có trước đồng” trên thế giới mà mập mờ giấu giếm trong khung cảnh tiền sử Việt Nam (ĐTSH, tr. 19-22.) Hay chỉ vì coi Việt Nam là trung tâm của thế giới, tinh hoa của loài người mà cái gì có thể xảy ra ở Việt Nam cũng là bắt buộc phải xảy ra trên thế giới?

Có một chút gì không bình thường trong đời sống của trí thức quốc nội. Đổ thừa tại chính trị o ép đã trở thành nhàm chán rồi. Có bằng chứng từ những phát biểu, bài viết cho thấy sự nịnh bợ lộ liễu đã trở thành cuộc sống bình thường. Hình như trí thức Việt Nam hơi lười biếng trong hoạt động... trí thức. Huênh hoang cũng là một dạng khác của nó. Huênh hoang sau khi bằng lòng với những gì có sẵn, do người khác, do tình thế đưa đến. Vì thế ông BT mới e sợ về những quyển sách đã ra đời của các tác giả ông chống đối, sẽ có ảnh hưởng nguy hại đến muôn đời con cháu mai sau. Nỗi e ngại như thế cũng có cái lí của nó xét theo tình hình đã xảy ra, đang xảy ra. Nội một chuyện nhỏ như vấn đề phiên âm danh từ riêng đầy tính chất vô lí trên phương diện nghiên cứu mà vẫn không thể nào thoát ra được. Thời bần cố nồng ấm ngang ngạnh thì người ta cho rằng phải phiên âm cho quần chúng dễ đọc, dễ hiểu (mà có thật như vậy không?) Rồi viện dẫn tinh thần yêu nước để Việt Nam hoá chúng, theo một chân lí đúng đắn là quần chúng vốn đầy lòng yêu nước, vì chứng cớ là có những nhà trí thức nào đó xa quê hương, sống ở Âu Mĩ bao nhiêu năm khi viết tiếng Việt vẫn phiên âm các danh từ riêng ấy! Thế là khi ông Trương Bửu Lâm ở Mĩ muốn làm Sách dẫn cho các bài ở tờ Nghiên cứu lịch sử đành phải ngớ ra khi gặp các tên không phải quen thuộc như Đờ Cu mà là Nhốp, Bốp gì đấy.

Việt Nam hoá kiến thức, một thời theo kiểu học bài tiếng Anh về sự cần kiệm của Bác Hồ, về tinh thần trâu bò yêu nước chống Mĩ (trong một bài học Văn), bắt tiếng Anh trở thành tiếng Việt, “Tây” không hiểu đã đành mà học xong cũng không biết để làm gì! Sự thật thì đó là những biện minh cho tính lười biếng trí thức, bằng lòng (và bắt người khác bằng lòng) với cảnh gà què ăn quẩn cối xay trong lúc cái cối xay đã phải bỏ viện Bảo tàng dân tộc học để đi vào viện Bảo tàng lịch sử rồi. Phiên âm là một cách (tự) chận đứng cửa ngõ giao tiếp với bên ngoài; người viết bằng lòng với những gì sao chép lại, người đọc không thể kiểm tra xem người viết nói có đúng không, không những người mù chữ vốn đã nhiều mà người có chữ cũng trở thành mù chữ và thế là xảy ra tình trạng bịa chữ, bịa người để hù nhát kẻ khác về kiến thức!

Ôi, yêu nước, trăm sự chỉ vì mi!

Chuyện yêu nước thì nói mãi vẫn không ai dám nói chán. Người ta phải nói đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng “làm tan vỡ ... âm mưu bành trướng” (như rơi rớt của một thời thù địch mới đây); phải phân biệt bạn thù, chỉ đích danh những tên bán nước không cho chúng lộn sòng đòi chia phần thắng lợi; phải nói đến thiên tài quân sự của Quang Trung át hẳn các tướng lãnh từ xưa đến nay... Phải dè chừng “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tinh thần sô vanh dân tộc” (ĐTSH, tr. 95) cho nên phải vơ dân nước Chân Lạp tham gia vào “sự nghiệp bảo vệ đất nước” (Việt Nam) của Nguyễn Huệ (ĐTSH, tr. 377.) Muốn đi đúng tinh thần quốc tế vô sản, tránh tiếng “bành trướng lãnh thổ” (ĐTSH, tr.97) thì phải đem các tập họp phía Nam vào lịch sử Việt – cho ngồi ở đâu, được phép hưởng những gì lại là chuyện hậu xét.

Nhưng đi vào một lãnh vực càng rộng thì không những phe ta nhiều hơn mà phe địch cũng có cơ hội nhiều hơn. Trừ phi ta viện dẫn đến một thế lực khác. Phải có tinh thần khoa học nên bác bỏ thời đại mở đầu Hùng Vương 4000 năm tính đến nay. (Bộ quên đó là con số tính gọn theo Ngô Sĩ Liên 1479 sao?) Kể ra thì cũng ngớ ngẩn khi chuyện đó đưa vào sách của các sử gia danh tiếng đại diện cho quốc gia thời đánh thắng bao đế quốc sừng sỏ (mà có các đế quốc đàn anh yểm trợ sau lưng), nhưng cũng có thể tha thứ được khi thấy năm 1986 ông Thủ tướng Nhật lại nói chuyện con cháu Thái Dương Thần nữ làm thiên hạ ó ré om sòm. Theo Việt sử lược thì có vẻ hợp lí hơn, nhưng ví dụ ở Nhật, ông thủ tướng chỉ để truyền thống bất chợt nổi dậy trong một cơn hứng khởi chính trị, còn ở Việt Nam thì chính trị đè các nhà khoa học đến nghẹt thở, cũng nên thông cảm cho người ta ráng ú ớ vài tiếng mà sống với đời. Cái “truyền thống” nó dai dẳng lắm.

Hồi chưa nói chuyện “khoa học” thì Hùng Vương 4000 năm là chỗ bám víu, hồi có “khoa học” thì Hùng Vương 2500/2600 năm gì đấy, nhưng để bù lại thiệt thòi thì phải cho Hùng Vương nhất định có chữ viết (dựa trên sự phát hiện chữ viết “có thể đã xuất hiện cùng với văn hoá khảo cổ học Gò Mun” của ông bạn Lê Trọng Khánh), chắc là để ông vua ra đạo Dụ với dân chúng Lạc Hồng. Một ông vua Hùng không thể sống đến 130 năm thì phải rồi, nhưng bù lại “theo căn cứ các tài liệu nhân học” Thẩm Khuyên, Thẩm Òm gì đấy (chừng chừng ngang với thời đại đá cũ núi Đọ bị nồng nhiệt bác bỏ) thì dân Việt phải trường tồn liên tục đến 300 000 năm! Lỡ dại dột như ông Y. Tsuboi nói “người Việt từ Nam Trung Hoa đến Bắc Bộ khoảng 200 tr.C.n.” thì bị ông BT nổi máu yêu nước đòi xét lại giá trị văn bằng tiến sĩ Paris của ông tuỳ viên văn hoá Toà Đại sứ Nhật ở Hà Nội (chắc nay đã bị ông BT đuổi đi rồi.) (VNTCX, tr. 144. chú 17).

Nhiệt tình dâng cao làm ông BT không thấy đó chỉ là câu đoạn trong một thèse nói về một thời đại khác, bàn về vấn đề khác chuyện nguồn gốc dân tộc vốn chỉ có các sử gia Việt Nam (gồm ông BT) mới coi là đã giải quyết xong, thuộc loại “không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện” (Phạm Huy Thông). Ngoài các Tuyển tập, Toàn tập... ông BT không đọc lịch sử thế giới để thấy chuyện các tập họp người / dân tộc di chuyển trên các lục địa là thường tình, không thấy rằng tính cách bản địa, nếu vẫn tồn tại vì tính chất cô lập thì đó là bằng chứng của sự ngu dốt, lạc hậu không chối cãi được. Còn nói dân Việt (?) Thẩm Khuyên Thẩm Òm (chỉ còn lưu lại hai ba cái răng khô gì đó) đã có từ trong gene tính chất tự phát triển, tự thích ứng siêu việt thì điều đó ngày nay hình như chưa chứng minh được, nói gì đến ông Mác! Phải như đừng “lên gân” yêu nước thì khỏi phải có mặc cảm để đặt ra nhiều vấn đề giả trá rồi quanh quẩn bào chữa, biện minh.

Cứ theo tinh thần sử học bình thường, nhìn sự kiện như nó đã xảy ra thì hiện tượng Nam tiến không thể là điều chối bỏ, không phải là viết lịch sử theo vương triều phong kiến, theo tính cách “đơn tuyến” để đề nghị lối “đa tuyến” rồi giật mình phân trần không phải nói chuyện “đa nguyên”, theo thói quen sợ mất lập trường, sợ đến cả gió thổi, lá rơi biết đâu lại có bóng công an trong đó! (Nếu muốn ra ngoài lãnh vực khoa học, đi vào đời sống, tìm bài học lịch sử cho tương lai theo hướng nhân bản, văn minh thì trong quá khứ đã “bành trướng”, về sau chớ bành trướng nữa, mình muốn sống được hãy để kẻ khác sống với! Chớ bắt chước ông Trần Ngọc Thêm khẳng định rằng Việt đánh Chàm chỉ là bất đắc dĩ phải tự vệ! Phủ nhận sự bành trướng trong quá khứ là chuẩn bị cho những bành trướng trong tương lai mà tiêu chuẩn cao vời lúc nào cũng có sẵn để đưa ra, ví dụ trong thời gian gần đây là “làm nghĩa vụ quốc tế”. Và chớ tưởng rằng tính chất lấn lướt lúc nào cũng biểu lộ rõ rệt để cần đến biện minh. Có khi nó nằm trong tiềm thức được chấp nhận, đem ra xử trí đối với cả người trong nước như vụ thay thế Đô đốc Long bằng Đô đốc Giản/Đông mà chính những người phản đối cũng không nhận ra.)

Đề nghị về một quyển sử Việt viết luôn cả lịch sử các dân tộc ít người, lịch sử Chiêm Thành, Phù Nam, cho rằng sẽ tránh được “tinh thần dân tộc hẹp hòi”, sự thật lại chứa đựng một cách biện minh trá hình cho sự bành trướng. Theo ông BT, người Việt cổ có mặt đến tận đèo Cả, hẳn là dựa vào một vài luận điểm cho rằng biên giới Nhật Nam choàng tận nơi đó, và điều này thì lại được các nhà khảo cổ học sau 1975 chứng minh bằng các dấu vết văn minh Đông Sơn gì đấy. (Theo kiểu chứng minh này thì dân Việt cổ đã từng có mặt ở cả Mã Lai, Nam Dương ngày nay!) Như thế thì cái nước Chiêm Thành không phải đã bị Trần, Lê, Nguyễn chiếm mà các họ này chỉ góp sức với nhân dân Chăm bị bóc lột, lật đổ bọn cầm quyền áp bức để lập nền thống-nhất-trở-về-với-dân-tộc-anh-em đấy thôi! Cái dân tộc có tiếng nói mà vùng Hà Tĩnh, quê hương ông BT, còn cố công gìn giữ được đến 80% (ĐTSH, tr. 110) thật xứng đáng là tổ tiên còn lại của người Việt ngày nay!

Còn Phù Nam, Chân Lạp?

Sao hồi đó các sử quan nhà Hán không nói biên giới Nhật Nam đến đồng bằng Cửu Long thì tiện việc sổ sách biết mấy! Nhưng đã có chữ “Nam Bộ” rồi thì dùng tạm cũng được, chẳng thằng cha Norodom Ranariddh, Hun Xen nào dám hé răng.

Các tác giả hai quyển LSVN nên từ bỏ thái độ lạc hậu theo vương triều, phản mácxít của mình mà đi theo đường lối tiến bộ của ông BT. Ông BT tuy có chê người ta viết sử theo vương triều cũ nhưng cũng không thoát ra ngoài cách đó. Cuối sách VNTCX tr. 408-435 có bản Niên biểu lịch sử Việt Nam, về thời hiện đại chỉ rõ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm chính, và phụ là Việt Nam Cộng hoà, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Hãy đọc rõ chữ “phụ” để tưởng chúng ta đang đọc Toàn thư trong đó có ghi các nhuận triều, Phụ: Hồ Quý Li..., Phụ: Mạc Đăng Dung... Tội nghiệp Mặt trận Giải phóng một thời có toà Đại diện nhiều nơi, sống bằng tiền của Hà Nội ăn độn, nghe nói có nơi sang hơn toà Đại sứ của Bác, thế mà thành lập “nước” để phục vụ cho đến phút chót vẫn chỉ là phụ, ngang hàng với bọn nguỵ.

Thế cũng còn là may vì tuy tiếng nhỏ nhưng cũng có miếng. Còn bọn nguỵ có khi chỉ cần ông chủ tịch phường dán miếng giấy trước cửa là phải dọn nhà đi ngay. Tài sản tạm gọi là văn hoá cũng vậy: Chúng tôi có quyển sách bị chửi dài dài suốt mười năm, chỉ tạm dừng khi có khẩu hiệu “Đổi mới hay là Chết.” Nhưng bài chửi trong cuộc “hội thảo lịch sử” nào cũng có ý, chữ, cả đoạn, bài trong sách của chúng tôi, đem ra dùng làm tài liệu, dẫn chứng – không phải để phản đối.

Có ông sử gia danh tiếng cả gan trích từng câu, bôi xoá rồi thay vào vài chữ làm bài của mình, đăng ở Sài Gòn Giải phóng, chúng tôi thấy được, phản đối ở tờ Tuổi trẻ thì cơ quan địa phương của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiên tiến này im luôn. Dù gì thì cũng phải bảo vệ cho nhau chứ! Chuyện đó trong giới giang hồ gọi là “cướp giựt”, nhưng sử gia chỉ thấy là chuyện-nhỏ trong một chế độ tạm gọi là “thực dân nội biên”. Thằng nguỵ chỉ có quyền “nghiên cứu” dựa theo công trình của các bậc đàn anh Miền Bắc. Nhưng chớ dại dột mà vạch ra những điều sai lầm có thể làm mất mặt kẻ thắng.

Một hôm đứng ngơ ngơ giữa chợ trời sách Đặng Thị Nhu (Sài Gòn) thấy được quyển Cơ sở khảo cổ học của nhóm ông Trần Quốc Vượng (đối thủ của ông BT, sướng nhé!) trong đó có in lại bản khuôn tiền đá tìm được ở núi Voi (Bắc Thái.) Bản in trên giấy vàng lèm nhèm khó đọc nhưng ham quá, chúng tôi cũng ráng mua về lấy kính lúp lật qua lật lại soi xem những chữ gì mà các nhà khảo cứu nói là khuôn tiền Khai nguyên đời Đường. Kết quả chúng tôi thấy được chỉ có một khuôn Khai nguyên, tiền gốc là ở thế kỉ VII, còn bao nhiêu là của đời Tống thế kỉ X, XI!

Thấy có một tên nguỵ cũng được mời tham gia vào hội thảo lịch sử Hoa Lư 1982, sách đăng 1984(*), chúng tôi định núp bóng ăn theo, liền gởi bài của mình cho tờ Khảo cổ học, và nó mất tiêu! Chuyện khuôn tiền đá được coi là phát hiện quan trọng làm bằng cớ lịch sử cho một nhận định tình hình thời Bắc thuộc trong quyển Lịch sử Việt Nam tập I (1971) nghe nói người chấp bút được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thưởng cho hai kí đường (Vua khen thằng Cát có tài, Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền), và sách được Nhân dân xuất bản xã Bắc Kinh in bản dịch chữ Hán (1977). Phát hiện khuôn tiền đá đời Đường ở Việt Nam từ sách trên được người anh em thông báo nhau thành một tin tức nhỏ đăng trên tờ Hiệp Tây kim dung (Trung Quốc), vào mắt ông F. Thierry, nhà cổ tiền học của Pháp, thế là bay khắp nơi. Cho đến năm 1997, khi bài viết chúng tôi ra đời trong quyển Những bài dã sử Việt (Thanh văn, California 1996), ông F. Thierry mới giật mình: Người ta không cho biết khuôn tiền ấy có đến 8 lỗ và họ chỉ đọc được có một lỗ Khai nguyên rồi mà-mắt thiên hạ, kết luận ngay đó là khuôn tiền đời Đường đã phát hiện trên đất Việt. (Bài thông báo đính chính của ông F. Thierry đăng trong Bulletin de la Société francaise de numismatique, No 3, Mars 1997, pp. 40-41).

Không phải bày trò kiêu ngạo, nhưng là người bình thường thì không ai chịu làm dân Việt Nam hạng nhì cả, thành thử cái trò Phụ của ông BT không thể chấp nhận được. Thà cứ để cho đảng Cộng sản coi VNCH như không có trên đời này còn đỡ có vẻ giả dối hơn. Thật ra thì có một cách viết sử Việt Nam bao gồm Chiêm Thành, Phù Nam – Chân Lạp (nói chung chung cho gọn) mà không phải mặc cảm gì hết. Chúng tôi đã phác hoạ lối viết như thế trong một bài năm 1964 đăng trên Tập san Sử Địa (Sài Gòn, quên mất số, năm). Bài viết của anh học trò mới ra trường một hai năm, suy nghĩ từ trong quân trường Thủ Đức, hình như nói loạn xà ngầu, nhưng dựa trên ý tưởng căn bản này: Sử một nước phải nói về quá khứ của các tập đoàn người từng sống trên đất nước ấy; người thắng viết thay cho kẻ bại, người sống nói thay cho xác chết. Chẳng mắc cỡ, bào chữa gì hết! Ngày tháng phôi pha, thôi thì cứ coi như đó là cái ngông của một thời thanh niên, nhân có người đưa ra vấn đề mà hình như không thấy ra sự gian dối che giấu dưới vỏ bọc nhân bản văn minh thì cũng ngứa miệng tự phô mà thôi. Tính cách bao chiếm coi như đương nhiên đó cũng lộ ra khi tranh cãi về các nhân vật lịch sử.

Ở đây là trường hợp của Phan Liêu. Ông BT chụp mũ trật hai ông Phan Huy LêPhan Đại Doãn khi mở đầu bài công kích hai ông này với sự lợi dụng “nhân Đổi mới”. Đó là chuyện hai ông Phan “bịa đặt” tính yêu nước của nhân vật Phan Liêu mà ông BT cho là một kẻ “phản dân phản nước đáng bị trừng trị và bị muôn đời sau lên án.” (Cụ Hồ dặn “trong thơ phải có thép” là để dạy thi sĩ kia, sử gia sao lại lật đật nhảy vô lãnh gươm làm đao phủ thủ, còn trách gì sách sử chỉ dạy về chiến tranh chém giết mà thôi?)

Thực ra phe bênh phe chống đều trật chìa hết! Ông Phan Liêu nằm trong mồ nghe những danh tài của nước Việt bàn tán đến mình, chửi lộn vì mình, liền nhảy nhổm la lên (tạm dịch, không biết có trúng không):

“Ơ kìa, tui là người của thế kỉ XV, sao lại bắt tui trung thành với nước Việt của thế kỉ XX? Mà phải là yêu nước theo phe của các ông, phải yêu cùng với chủ nghĩa xã hội tan tành, mới được cơ! Các ông có tài [B]út tre, bút máy, gõ còmpuytơ mới làm được như vậy, chớ còn tui thì xin chịu! Các ông có viện dẫn đến “nhà văn hoá lớn” mê Thái hậu Dương Vân Nga cải lương là Đặng Thái Mai, hay theo cụ Thánh Hoàng Xuân Hãn mà các ông kiểm duyệt đục bỏ, thì cũng vậy thôi! Tui là “thổ quan” mọi rợ, không có gia phả để lại nhưng đoán chừng họ Phan của tui gốc là “phiên” đó! Cũng giống như quan của tổ các ông vào Trà Vinh, Sóc Trăng kêu lên tên người Miên: danh (tên) Sót, danh (tên) Bên... rồi người Việt (mới) có thêm một cái họ Danh nữa. Vậy thì nhắc lại: Thời tui sống khác hẳn như các ông đã tận lực suy nghĩ, vắt óc viết lách và gán cho sự việc rắc rối từ những sự kiện rất giản dị.

“Hãy đọc kĩ, và thông minh, cuốn sách sử độc nhất mà các ông đang cãi nhau chí choé Nội các hay Quốc tử giám gì đó. Sách nói ở thế kỉ X, Lê Hoàn giết dân Hoan, Ái không biết bao nhiêu là kể, hẳn là dân đồng bằng, cụ tổ của họ Phan Huy và ông BT (cho rằng họ đã hiện diện vào thời ấy rồi). Một ông Nùng Tông Đản hùa theo Lí đánh Tống rồi trở cờ theo Tống (cứ hỏi cụ Hoàng Xuân Hãn thì biết), có gì khác với tui mà các ông đặt tên đường để lưu lại cho đời sau đặc trưng chế độ ưu việt ngày nay trong cái “sổ Tông Đản”? Trong đời Trần mà cha ông tui thần phục thì vẫn còn có sự phân biệt Kinh, Trại (bao gồm vùng cha tui và tui cai trị). Bọn tui là thủ lãnh một phương, đầu phục họ Trần ở Thăng Long là đi theo một thế lực mạnh mà cũng là theo cách “đôi bên cùng có lợi”: Trần có người giữ yên một phương thu thuế má cho đầy kho của họ, bắt lính để bảo vệ nước của họ, còn bọn tui thì lấn xuống đồng bằng, cũng kiếm được chút cháo, chớ có vì tổ cuốc tổ cò gì đâu! Cho nên thế lực Minh thay họ Trần thì tui theo Minh, nào có phản bội ai? Bọn Minh tham quá lấy vàng bạc của tui thì tui đánh nó, có lúc nào tui nói vì nghĩa lớn đâu mà chê trách tui, chửi bới mạnh bạo vì biết mình không bị trừng trị ‘[S]ự nổi loạn của Liêu là hành vi bẩn thỉu đòi chia chác với kẻ xâm lược, bọn chó săn vẫn là chó săn làm sao có thể tranh ăn phần hơn với ông chủ sai khiến mình?’ Là mọi rợ, nhưng bị áp bức còn biết chống đối (dù là cho bản thân) còn hơn các ông bị mắng chửi mà cứ cúi đầu ca tụng, che đậy sự hèn nhát của mình bằng ‘nghĩa lớn!’ Về phần Nguyễn Biểu, hắn thuộc phe đối địch của tui, không giết thì có dịp hắn cũng giết tui, cứ coi cách hắn ăn thịt người không biết tanh thì đủ rõ. Các ông là người của thế kỉ XXI mà vẫn cho rằng hễ cứ viện dẫn lòng yêu nước ra là có quyền ăn thịt người thoả thích sao? Cái đầu kia là của đồng bào các ông đó! Chớ tội gì Trương Phụ chặt đầu lính của nó để đãi khách mà hòng ăn ‘đầu người Bắc’ để so sánh với vị đầu người Nam (từng ăn)?

“Làm quan đồng bằng nên nghe chuyện kinh sử, tui cũng bắt chước than là mình chống Minh mà không gặp ‘thời’ để bây giờ các ông tranh cãi chuyện bán nước, đổi nước. Không như ông Lê Lợi của các ông. Không phải là ‘Chàng Lê kéo bừa’(tội nghiệp!) như một bài ca của các ông đâu. Dân du canh du cư đấy, cứ đọc Lam Sơn thực lục cho thông minh một chút thì biết. Còn một bộ phận lớn dân ông Lê cầm gậy chọc lỗ mỏi tay. Ông vua con (Thái Tông) về ở Đông Đô còn cầm cung bắn chim. Ông vua cháu (Nhân Tông) còn thấy chăng lưới săn trước nhà. Cung nhà Lê đầy chuyện bùa chú pháp thuật mang từ rừng chiến khu về... Chỉ thiếu có cái nhà sàn cất thêm bên cạnh dinh Đô hộ phủ cũ của Vương Thông mà thôi! Bước đầu khởi nghĩa thì cũng là tranh giành ruộng đất với xóm giềng mà bị quan Minh binh phe địch. Chính ông vua đã không nghe lời bọn tay chân nịnh hót, bợ đỡ công “cứu dân trừ bạo” của mình, mà thành thật thú nhận rằng “khởi binh chỉ là sự bất đắc dĩ” sau khi “đã đem hết của cải để thờ phụng” giặc mà không được. Làm chúa một vùng nên Mã Kì Trương Phụ không cắt lính cầm giáo canh trước cửa nhà sàn, xẻo ngay từ lúc đầu để đến nỗi vạ thành lớn và ông ta làm vua! Ôi, thời lai đồ điếu thành công dị..!

“Nói như vậy để các ông chớ lộn chuyện đời xưa đời nay. Mà dù có nhắc nhở các ông cũng không nghe đâu. Bề dày văn minh các ông không nhiều lắm nên cho dù có mang kinh sách mới ra tụng thì chữ của thánh hiền cũ vẫn cứ hiện lên như thường. Mà bởi vì thánh hiền mới cũng như cũ đều bàn chuyện xa vời to tát cho nên các đệ tử cứ muốn nói chuyện to lớn siêu việt, suy tưởng theo hướng triết lí mông lung đến khi không được thì theo đà thực hành hoang tưởng, đao to búa lớn. Ngay cả khi kéo về một vấn đề nhỏ như một chỗ lui quân chờ viện binh của chủ tướng Tây Sơn mà một người quen với ngôn từ chiến tranh, ồn ào xướng lên “phòng tuyến Tam Điệp” thì ông BT ra tài chỉ huy trên giấy, thuyết lí tràng giang đại hải như một tham mưu trưởng liên quân trong lúc chắc ông ta chỉ là một nhân viên được phát khẩu CKC canh giữ cơ sở hành chính của ông mà thôi. Ưa bàn chuyện to lớn nên nhập cục những thời đại khác nhau, dễ dẫn đến lí sự tào lao hoặc những xác định hiển nhiên (truism). Có thể nói bài ‘Bi kịch của những nhà cải cách trong lịch sử trung cận đại Việt Nam’ là một minh chứng như thế, nếu không kể đó là một dịp cho ông BT nhảy sang địa hạt chính trị làm người dạy dỗ lãnh tụ: ‘Bài học cho những nhà cải cách đương đại thật là đơn giản: Cái gì thì có thể cải cách và cái gì thì cần cách mạng? Không nên nhầm lẫn giữa hai cách làm đó!’

“Thật ra thì cái lối tán rộng nói khoác cũng là truyền thống của sử quan, trí thức phương Đông dưới áp lực của chính quyền. Như Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu ánĐại Việt sử kí tiền biên. Lưu Bang, rồi Lê Thánh Tông bắt chước theo, từng vạch quần đái vào mũ của nhà nho nhưng lại sử dụng Nho giáo như một phương tiện để thu phục tay chân trí thức bằng quan tước và để các ông nghe lời tâng bốc về ‘kẻ sĩ’, ‘sĩ phu’. Nhưng nghe mãi lời tán tụng chắc cũng chán như ông vua trong chuyện Zadig (?) của Voltaire, ông Trường Chinh có lúc cũng ngượng nên nhắc nhở là chớ nhìn Đảng trong quá khứ như trong hiện tại. Nhưng lời đó chỉ làm sáng giá thêm cho lãnh tụ chứ sử gia làm sao theo cho được? Làm sao đưa vào tiểu sử ông Tổng bí thư Đỗ Mười nghề hoạn lợn, làm sao kể gốc du đãng của ông Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Nội vụ, Uỷ viên Bộ Chính trị? Không phải chuyện cá nhân đâu. Đó là các nhân vật lãnh đạo có ảnh hưởng trên trường chính trị một thời. Chưa kể các sự kiện lớn hơn... Sử gia XHCN có cái khuôn duy vật lịch sử đặt để sẵn, có tờ tem phiếu quơ quơ trước mặt, vô hình đâu đó mà lại hiện diện cùng khắp, có bóng công an, làm sao bây giờ? Phải giấu tờ tem phiếu, nói chuyện cao cấp về hình thái kinh tế xã hội, chuyện yêu nước cao cả cho ra vẻ trí thức đàng hoàng. Điều đó trở thành “truyền thống” khó bỏ, hoặc vướng vít dai dẳng. Chỉ vì sự phối hợp đã gặp khó khăn vô vàn: Những khái niệm mơ hồ vốn dành cho tương lai chưa chắc có, đi vào thực tế đối chọi nhau chan chát phải tuỳ theo lời giải thích của người có quyền tuỳ lúc, rồi thầy dở thợ vụng... Sử gia đem áp dụng trong thực tế của ngành đành nói cái này quên cái kia, từng lúc phải biết khôn ngoan lặng thinh, tảng lờ để khỏi vạ vào thân, khỏi mang tiếng không yêu nước. To tiếng với đền Cẩu Nhi vì có bằng cớ để lấn át phe địch, nhưng cứ để cái Tháp Rùa cuối thế kỉ XIX nằm đó như của ông Lê Lợi xây lên từ lúc ông ta nuôi loại rùa đặc biệt mới có tên khoa học tự đặt gần đây. Để khỏi mang tiếng không yêu nước nên không hỏi thăm bà Hồ Xuân Hương có phải gò Đống Đa là chứng cớ chiến tích của Quang Trung năm đó không? Có phải đó là nơi chôn xác quân Thanh như người ta nghĩ về các đống đa khác đã bị san bằng khi Hà Nội phát triển không? Có phải cái ụ đất lưa thưa năm ba cây lớn với hàng đá bậc cấp làm chỗ cho ông Quang Trung ngày nay lẫm liệt núp sau lưng, sở dĩ thoát khỏi cảnh tàn phá chỉ vì trên ấy có miếu Sầm Nghi Đống mà bà “Dậu thưa” mỉa mai không?

“Khi cần chọn lựa để nói ra thì chân lí căn cứ vào đó phải được tuyên bố to lên cho át mâu thuẫn. Phải núp bóng Tổ quốc, vung vẩy với chuyện sắt có trước đồng trong biện chứng về trường hợp Vi...
[...]

0 Comments:

Post a Comment

<< Home