Thursday, February 26, 2004

HƯỚNG BIÊN KHẢO MỚI - Nguyễn Đức Cung

SỬ GIA NGUYỄN PHƯƠNG (1921-1993) VÀ NỖ LỰC KHAI PHÁ

HƯỚNG BIÊN KHẢO MỚI

TRONG NGÀNH SỬ HỌC VIỆT NAM.

Nguyễn Đức Cung

Cách đây 10 năm, vào lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1993 tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, tôi được linh mục Trần Điển lúc bấy giờ (và hiện nay còn sống) hưu dưỡng tại Chi dòng Đồng Công Việt Nam ở Carthage, Missouri, báo tin linh mục Nguyễn Phương, nguyên giáo sư sử học thuộc Viện Đại Học Huế, cũng là thầy dạy của tôi đã từ trần sau một cuộc giải phẩu tim trước đó hai tuần lễ. Lòng tôi đau như cắt và bàng hoàng trước biến cố xảy ra rất đột ngột này. Tôi chợt nghĩ đến một số công trình văn hóa hãy còn dở dang của ngài mà khi mới đặt chân tới Hoa Kỳ tháng 7 năm 1991 tôi đã được cơ may theo dõi và đã có nhiều dịp cùng ngài chia xẻ mối quan tâm. Thế là thêm một vì sao biến mất trên vòm trời văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại. Mới đó mà thấm thoắt đã mười năm...

Tôi biết linh mục Nguyễn Phương hơn 50 năm về trước khi còn ở quê tôi làng Tam Tòa, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau ngày Miền Nam sụp đổ, trong hơn 13 năm trải qua các trại tập trung của chế độ Cộng sản ở trong Nam ngoài Bắc, tôi vẫn luôn luôn nhớ đến vị thầy dạy cũ tại trường Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm thuộc Viện Đại Học Huế và vẫn nuôi một ước mơ là có ngày được tái ngộ cùng ngài trên đất nước tự do Hoa Kỳ với hy vọng có dịp thấy thêm nhiều công trình văn hóa nhất là về lãnh vực sử học của vị thầy dạy cũ của mình. Ước mong của tôi đã toại nguyện khi đầu tháng 8 năm 1991, chỉ sau một tháng đến Hoa Kỳ, tôi đi Carthage, Missouri để hành hương tham dự Ngày Thánh Mẫu (Marian Day), cuộc lễ thường niên do Chi Dòng Đồng Công Việt Nam tổ chức, và cũng để gặp lại vị thầy dạy cũ của tôi là linh mục Nguyễn Phương lúc bấy giờ đã hưu dưỡng tại đây, với mái đầu bạc phơ nhưng nét tinh anh vẫn còn thể hiện trong tư tưởng và phong cách của ngài.

Linh mục Nguyễn Phương sinh ngày 5.1.1921 (có tài liệu nói năm 1919) (1) tại làng Hòa Ninh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh. Cụ thân sinh của Linh mục tên là Nguyễn Thịnh, là một bậc túc nho và là một người có tài nặn tượng (điêu khắc). Thân mẫu của Linh mục là bà Phạm Thị Nhân, một bà mẹ quê hiền thục. Làng Hòa Ninh là một làng Công Giáo có rất nhiều vị linh mục và tu sĩ nam nữ.

Khoảng đầu năm 1953, linh mục Nguyễn Phương sau khi được thụ phong chức thánh tại Đại chủng viện Huế, đã được bổ nhiệm làm phó xứ Tam Tòa cho cha chính xứ Hoàng Văn Tâm. Tại đây linh mục đã cho in tác phẩm Truyện hay nhất (2), là một tập thơ viết theo thể song thất lục bát diễn tả Phúc âm Thánh Gioan, và tỏ ra có năng khiếu về hội họa với bức vẽ chân dung Đức Giáo Hoàng Lê-Ô XIII, nhân kỷ niệm 62 năm Thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum). Năm 1954, được giáo quyền Địa phận Vinh cử đi du học Hoa Kỳ, linh mục Nguyễn Phương vốn là người có tư chất thông minh nên chỉ trong một thời gian ngắn đã lấy hai bằng Master về lịch sử và kinh tế tại Đại Học San Francisco và sau đó vì nhu cầu Địa phận Vinh gọi ngài trở về VN.

Về nước năm 1956, linh mục Nguyễn Phương bắt đầu biên soạn một số tác phẩm mang tính thời cuộc và cho xuất bản các sách với nhan đề Liên lạc giữa Mỹ và Việt Nam, Ánh sáng dân chủ, Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế (3).

Năm 1957, sau mấy tháng làm giám đốc trường Trung học Sao Mai Đà Nẵng (lúc bấy giờ cố giám mục Lê Văn Ấn hãy còn là linh mục, làm hiệu trưởng), linh mục Nguyễn Phương đã được cha Cao Văn Luận mời ra Huế dạy môn lịch sử tại hai trường Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm thuộc Viện Đại Học Huế. Kể từ đây con người có năng khiếu về môn sử học có đất dụng võ để phát triển tài ba và nhận thức của mình góp công xây dựng nền sử học quốc gia ngày càng thêm phong phú, khởi sắc.

1.- Về phương pháp luận sử học và sự phân chia thời đại trong Việt sử.

Với những kiến thức thu thập được trong thời gian du học tại Hoa Kỳ, cộng thêm số vốn tiếp thu từ các trường phái sử học Âu châu, linh mục Nguyễn Phương đã bắt đầu viết và cho đăng tải trên tạp chí Bách Khoa ở Sài gòn từ năm 1960 một loạt bài nói về phương pháp sử học. Đây là một công trình biên khảo mới mẻ và có hệ thống về việc viết sử mà mục đích của tác giả nhắm vào là đánh đổ quan niệm dễ dãi khi viết về lịch sử, và nhất là khi đem tâm tư tình cảm chủ quan, cá nhân để viết sử. Năm 1964, toàn bộ loạt bài được thu thập lại, triển khai thêm, và xuất bản thành sách với nhan đề Phương Pháp Sử Học (4). Trong sách này, linh mục Nguyễn Phương đã nói lên tính cách quan trọng của phương pháp viết sử: “Về môn sử học cũng thế, người ta phải nhờ đến phương pháp để có thể vươn lên cho đến chân lý của thời sự quá khứ. Qua nhiều thời đại, kinh nghiệm của nhiều sử gia lăn lộn trong nghề đã vạch ra cho người chép sử một đường lối làm việc tiến ích và hữu hiệu. Đường lối đó gọi là phương pháp sử học và với đường lối đó chẳng những người ta tránh được sai lầm, mà còn tiết kiệm được thì giờ, công phu. Trái lại, người chép sử thiếu phương pháp, chắc chắn sẽ phải sờ soạng hoài mãi và không tiến được bao xa...Thực ra sử học không phải là một môn dễ. Nghề chép sử chính là một nghề khó khăn, nó đòi phải có tài năng đã rồi, mà còn đòi phải có công tâm và công phu. Một người xốp nổi không thể nghiên cứu sử, vì nghiên cứu sử cần phải có kiên nhẫn nhiều. Một người có đầu óc đảng phái không thể nghiên cứu sử, vì nghiên cứu sử cần phải nói tất cả sự thật. Một người bất tài không thể nghiên cứu sử một cách thành công, vì người đó sẽ không thể trình bày kết quả mình một cách khả quan để kẻ khác thèm đọc. Để thấy rõ việc khó khăn của việc học sử, chúng ta nên nhớ rằng sử học vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật.” (5) Trong một đoạn văn khác, linh mục Nguyễn Phương đã so sánh kinh nghiệm lịch sử với kinh nghiệm tiểu thuyết, tức là so sánh giữa một bên là sự thật với một bên là sáng tạo hay nói rõ hơn là hư cấu để thấy tinh thần quan trọng mà nhà viết sử cần phải vươn lên để đạt tới đó là chân lý của sử học: “Muốn thấy rõ giá trị của lịch sử cũng như của phương pháp sử học, chúng ta thử so kinh nghiệm lịch sử với kinh nghiệm tiểu thuyết. Vì lịch sử xây đắp trên nền tảng xác thực của cuộc đời nên những ai dựa vào đó để xây đắp đời sống sẽ nhận thấy cả một kho chứa sự khôn ngoan. Còn những kẻ say mê với kinh nghiệm tiểu thuyết, tức là một cõi sống mơ hồ, mộng mị, sẽ không thâu lượm được kết quả nào khác, ngoài thất vọng, bất mãn, và như thế thay vì nhờ kinh nghiệm để xây đắp một cuộc đời tươi, thì chính kinh nghiệm đó lại dẫn đến chỗ tuyệt vọng, tự sát, v.v... Ấy, sự thật với giả tạo cách nhau như sống với chết vậy.” (6) Phương Pháp Sử Học của linh mục Nguyễn Phương cũng được coi là một tập tài liệu giáo khoa căn bản dạy tại hai trường Đại học Văn Khoa (với chứng chỉ Phương Pháp Sử Học) và Đại Học Sư Phạm Huế từ năm 1957 đến 1975, biên soạn công phu và làm nền tảng nhận thức cho rất đông các giáo sinh Đại học Sư phạm khi dạy môn lịch sử tại các trường trung học đệ II cấp miền Nam trước năm 1975. Trong tác phẩm này, linh mục Nguyễn Phương cũng đã có lần phê phán sự bất toàn của sử học mác-xít: “Mỗi khoa học xã hội đều quan trọng, nhưng chỉ quan trọng một cách tương đối với vấn đề, và không một khoa học nào có thể vỗ ngực tự hào rằng mình nắm toàn bộ vấn đề. Thuyết Mác-xít, lấy kinh tế làm sức mạnh độc nhất điều khiển con người sống trong xã hội chính là phạm vào chỗ hàm hồ quá trớn đó.” (7) Năm 1965, linh mục Nguyễn Phương cũng cho xuất bản hai tập 82 Năm Việt Sử và tập 125 Thế Giới Sử làm tài liệu sách giáo khoa cho lớp thi Tú tài bán phần thuộc chương trình giáo dục của Miền Nam trước năm 1975. Sách do nhà in Đại Học Huế ấn hành.

Năm 1987, một nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử của chế độ Cộng sản như Lê Văn Sáu, Trương Hữu Quýnh, Phan Ngọc Liên đã lên án (sic) linh mục Nguyễn Phương với bài bản chung là “theo Mỹ ngụy” và họ vẫn cứ ngoan cố cho rằng “sự tấn công điên cuồng của sử gia tư bản càng làm sáng tỏ ý nghĩa quan trọng của học thuyết mác-xít về hình thái kinh tế xã hội”. (8) Cuốn Phương pháp Sử Học của linh mục Nguyễn Phương đã trở thành tác phẩm khai sơn phá thạch, mở đường cho một số tác phẩm biên khảo về phương pháp sử học dưới nhiều quan điểm và khía cạnh khai triển của giới sử học Miền Nam về sau (9). Đối với giới nghiên cứu lịch sử ở Miền Bắc, chúng tôi chưa có đầy đủ tư liệu để theo dõi công tác nghiên cứu về phương pháp luận sử học của họ, tuy nhiên dựa trên một số tư liệu mới xuất bản gần đây 10 cũng như qua tác phẩm của nhóm ba nhà nghiên cứu lịch sử nói trên, bộ môn phương pháp sử học có lẽ cũng chưa được giới nghiên cứu Miền Bắc chú trọng đến nhiều. Vả lại, cái gọi là “duy vật sử quan” đã khớp họ vào cỗ xe lịch sử như ngựa khớp vào xe chỉ biết ngó về trước thôi, thì làm sao có thể kỳ vọng ở họ những nỗ lực khai phá về môn phương pháp sử học được?

Trên tạp chí Bách khoa xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, trong một bài báo nhan đề “Thử chia thời-đại trong Việt-sử”, linh mục Nguyễn Phương có đề cập đến bài báo của ông Trương Bửu Lâm (nguyên Giám đốc Viện Khảo Cổ) mang tên “Vài nhận xét về thời hiện đại trong Việt sử” đăng trên Tập san Việt Nam Khảo Cổ số 1 (xuất bản tại Sài gòn năm 1960). Tác giả Nguyễn Phương đã phân tích một số quan điểm có liên quan đến sự phân chia thời đại trong lịch sử Việt Nam của vị giáo sư này cùng một số củaTrần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn, Lê Thành Khôi và đề nghị một lối phân chia mới mẻ khác. Theo tác giả, người ta “sử dụng cách chia lịch sử Đông phương và Việt nam ra thành thời thượng cổ, trung cổ, cận kim và hiện đại không có gì đáng chỉ trích... nhưng xét lại lối đó, nó đơn giản quá, nó tổng quát quá, nên không ích lợi gì cho kiến thức lịch sử là bao lăm.” (11) Ở một đoạn dưới cũng trang này, tác giả lưu ý rằng: “Về Việt Nam, về trước, đã có một cách chia lịch sử tiện lợi không kém, mà chứa đựng nhiều mách bảo hơn đó là cách chia theo tên các họ cầm quyền như Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Tây sơn, Nguyễn” và cho rằng “đó chưa phải là một lối trình bày mang mầu sắc tư tưởng. Nhắc lại tên một chuỗi triều kế tiếp nhau trong thời gian, chưa phải là đã nói lên tính cách của mỗi triều đại, hay vai trò triều đại đó đóng, hay đợt sống của quốc gia trong trường kỳ lịch sử.” (12) Đối với bộ sách Việt nam, Lịch sử và Văn minh (Vietnam, Histoire et Civilisation) của Lê Thành Khôi, linh mục Nguyễn Phương đã nhận xét là tác giả này “đã có sáng kiến cho ra đời một lối chia thời kỳ trong Việt sử có tính cách tổng hợp. Phải nói ngay rằng chủ tâm của ông không phải là đặt việc chia thời đại làm thành vấn đề; dịp ông đề cập đến, đó là khi ông đặt tên cho các chương cho bộ Việt nam, Lịch sử và Văn minh của ông. Trong phần thứ nhất, tức là phần nói về lịch sử, ông đã sắp xếp thế nầy: Chương nhất: Nguồn gốc (les Origines) phần nhiều ăn về thời tiền sử; Chương hai: Trung hoa xâm chiếm (La Conquête chinoise) ăn từ thế kỷ thứ II trước kỷ nguyên đến thế kỷ thứ X; Chương ba:Thiết lập quốc gia (La Fondation de l’État) tương đương với các nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý; Chương tư: Vinh quang và Khủng hoảng (Les Gloires et les Crises) ăn vào triều đại nhà Trần; Chương năm :Thịnh suy của nền Quân chủ (Grandeur et Décadence de la Monarchie) ăn vào thời nhà Hậu Lê, kể từ Lê Thái Tổ cho đến khi chúa Trịnh tái chiếm Thăng Long; Chương sáu: Nam, Bắc phân tranh (La Sécession du Nord et du Sud) ăn từ khi tái chiếm Thăng Long cho đến khi Tây sơn khởi nghĩa; Chương bảy: Tái lập Thống nhất (La Reconstruction de “l’Unité) ăn vào thời Tây sơn và Nguyễn Ánh khôi phục giang sơn; Chương tám: Bế tỏa và Khai thương (De l’Isolement à l’Ouverture) ăn vào các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; Chương chín: Việc Pháp thực dân (La Colonisation francaise) ăn về các năm từ 1884 đến 1945; Chương mười: Nước Việt Nam mới (Le Việt Nam nouveau), từ 1945... Với những đề mục như trên, tác giả đã làm một công việc tổng hợp, cố cô đọng lại ý chính của từng thời. Chỉ đọc qua các chương, người ta cũng thấy được phần nào quá trình diễn tiến của quốc gia Việt nam. Nhưng như đã ghi nhận trước, ở đây không phải tác giả chú trọng vào việc phân chia thời đại, nên chúng ta không khỏi nhận được rằng một vài tiêu đề không chứa đựng đủ tính cách điển hình.” Và tác giả đã nêu lên nhận xét ở đoạn văn dưới đó rằng: “ Cứ lấy chương tư, nói về “Vinh quang và khủng hoảng, và chương năm, nói về “Thịnh suy của nền quân chủ” mà so sánh, chúng ta khó nêu được lý do dứt khoát tại sao chương trước nhất thiết phải chỉ về nhà Trần và chương sau nhất thiết phải chỉ về nhà hậu Lê. Đem tên của hai chương đó đổi lẫn cho nhau có lẽ cũng không sai gì lắm đối với sự kiện lịch sử”.(13)

Đối với việc phân chia thời đại trong lịch sử Việt Nam, linh mục Nguyễn Phương cho rằng “vấn đề chia thời đại trong Việt sử còn là một địa hạt phải suy nghĩ. Việc phân chia ở đây không phải cốt cho đều, mà cốt cho đúng. Lời diễn tả cần phải cho đơn giản, mà lại điển hình. Nét nêu lên không phải chỉ mang tính cách thời gian, mà còn mang ấn tín của đợt sống quốc gia trong thời gian đó. Cố gắng của tôi trong bài nầy là mong sao cho sự chia thời đại được ăn khớp với lịch sử Việt nam, ăn khớp thể nào để khi chỉ đọc đến tên các thời đại, người ta đã có thể gây cho mình một ý kiến tổng quát, mà không kém phần chính xác, về quá khứ của dân tộc chúng ta. Sau đây tôi xin đề nghị tên các thời đại rồi diễn giải cái chứa của từng thời một. Theo thiển ý của tôi, Việt sử có thể chia ra làm bảy thời kỳ:

1. Thời khai sinh

2. Thời củng cố

3. Thời phục hưng

4. Thời bành trướng

5. Thời thống nhất

6. Thời Pháp thuộc

7. Việt Nam ngày nay. (14)

Cũng trên tạp chí Bách Khoa, tác giả đã khai triển mỗi một thời kỳ nói trên bằng những nét khái quát nhưng căn bản với niềm tin vào sự chính xác của nhận thức của mình trong từng giai đoạn qua suốt chiều dài của lịch sử đất nước. Linh mục Nguyễn Phương nghĩ là sẽ có người cho rằng đó là những cái nhìn “quá tích cực” (15), nhưng theo vị giáo sư này “nếu tiêu cực vẫn có sự cần thiết của nó đôi khi, thì tích cực bao giờ cũng nên xét đến, vì tích cực là xây dựng, tích cực là sống” (cùng trang). Đây là quan điểm của vị sử gia miền Nam viết từ cuối năm 1966. Chín năm sau, không ai ngờ mệnh nước lại đi theo một lối khác, tiêu cực và tiêu cực hết chỗ nói.

Một số tác phẩm của linh mục Nguyễn Phương đã được xuất bản viết về các thời kỳ nói trên, đã là những nguồn tư liệu rất phong phú và chính xác cho các nhà nghiên cứu sử học đương thời cũng như các thế hệ kế tiếp.

2.- Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Năm 1965, linh mục Nguyễn Phương cho xuất bản một sử phẩm quan trọng sẽ gắn liền với tên tuổi của tác giả để đi vào ký ức của những người chuyên theo ngành sử học, đó là tác phẩm Việt Nam Thời Khai Sinh (16). Trước khi in công trình nghiên cứu này thành sách, linh mục Nguyễn Phương đã cho trích đăng nhiều kỳ trên hai tạp chí nghiên cứu lúc bấy giờ là Tạp chí Bách Khoa ở Sài gòn và Tạp chí Đại Học ở Huế. Nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều sử liệu được cẩn án, phân tích, và sử dụng cẩn thận nhằm soi sáng lại phần cổ sử Việt Nam, nhất là đưa ra một giả thuyết mới nhằm giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đây là một tác phẩm được giới nghiên cứu sử học Việt Nam đánh giá cao vì tác giả đã đưa ra được một kiến giải mới, khoa học, đồng thời hiệu đính một số sự kiện lịch sử vốn mang ít nhiều sai lạc có từ thời các nhà nghiên cứu Tây phương như Aurousseau, Maspéro, hay Đào Duy Anh, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Tố v.v... Linh mục Nguyễn Phương đã đặt vấn đề rằng: “Kể ra, trong các giai đoạn lịch sử của nước nhà, thời khai sinh là thời ít được nghiên cứu hơn cả, và cũng là thời u ám nhất. Thảng hoặc có học giả nào nhìn vào, thì lại nhìn với những quan niệm xuất phát từ thời xa xưa, thiếu hẳn đường lối và phương pháp. Bởi đó người đọc khó mà thấy được rõ sự thực huy hoàng và đẹp đẽ của lúc hừng đông.” (17) Với giáo sư Nguyễn Phương dân tộc Việt Nam không phải là con cháu dân Lạc Việt, mà là dòng dõi Trung hoa di cư sang cổ Việt từ thời nhà Tần. Dựa trên các tài liệu tiền sử qua công trình nghiên cứu của rất nhiều tác giả Tây phương làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d’Extrême Orient) hay Nha Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l’Indochine) hoặc tới nghiên cứu về khảo cổ tại đây, linh mục Nguyễn Phương đã dẫn đưa độc giả qua nhiều chặng đường lịch sử với một số chương trong tác phẩm Việt Nam Thời Khai Sinh như: Những người đầu tiên sống trên đất Việt Nam; Tiền sử Lạc Việt; Lịch sử Lạc Việt; Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam; Hành chánh cổ Việt thời Bắc thuộc; Chính trị cổ Việt dưới thời Bắc thuộc; Cổ Việt độc lập Phụ lục là một bản tường trình bằng tiếng Anh ở Hội nghị quốc tế về lịch sử Á châu họp ở Hương Cảng năm 1964. Áp dụng phương pháp sử học trong việc sử dụng và đánh giá tài liệu qua sự tham bác rất nhiều sử liệu chữ Hán như Sử Ký, Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tư Trị Thông Giám, nhất là bộ Nhị Thập Ngũ Sử, linh mục Nguyễn Phương quả đã dày công trong việc dựng lại buổi bình minh của dân tộc. Khi tác phẩm này mới phát hành nhiều người hưởng ứng tán dương kiến giải này nhưng cũng có một ít dư luận phản bác. Trong số những người phát biểu quan điểm chúng tôi nhận thấy có các ông Hồ Hữu Tường, Nguyễn Toại, Bùi Hữu Sủng, Hà Duy Dân, Trần Viên, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương v.v...(18) Lên tiếng về kiến giải của linh mục Nguyễn Phương, giáo sư Bùi Hữu Sủng có nhận xét : “Thiên khảo cứu về “Lịch sử Lạc Việt” của Giáo sư Nguyễn Phương đăng trong Tạp chí Bách Khoa từ số 196 đến số 200 đã đến đúng lúc và mở thêm một chân trời mới. Chủ ý của Giáo sư là gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh những ai còn ngủ say trên chiếc gối “con rồng, cháu tiên”, hay còn ấp ủ giấc mơ một tổ quốc “bốn ngàn năm văn hiến”. Thiên khảo cứu của Giáo sư soạn rất công phu, khảo chứng kỷ và khoa học. Soạn giả đứng hẳn trên lập trường lý trí, khách quan, lắng nghe những sử liệu chứng thực đọc cho mình viết và ông gạt bỏ ra ngoài tình cảm, kể cả lòng yêu nước. Có lẽ ông sợ sự can thiệp của tình cảm chủ quan làm mờ gương chân lý lịch sử. Một thái độ duy lý như vậy, một giọng phê bình khắt khe như vậy, trong giai đoạn hiện tại, không sao tránh khỏi việc va chạm lòng yêu nước nhiệt thành của một số độc giả và không sao tránh khỏi việc làm bớt thiêng một số thần tượng đang cần thiết của quần chúng.” (19) Một độc giả khác, ông Trần Viên, lúc bấy giờ có nêu ra sự bất đồng ý kiến mang tính cách lẻ tẻ như: “Tóm lại giả thuyết Lạc vương của H. Maspéro tự nó vốn đã lung lay, và biện minh cho giả thuyết ấy, ông Phương chỉ nêu ra được những ức đoán về tâm lý sử gia rất mơ hồ...” (20). Một tác giả vốn cũng có những bài viết chuyên đề về cổ sử Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Toại, cũng bày tỏ sự chú ý theo dõi công trình khào cứu của linh mục Nguyễn Phương, đã có viết: “Trước đây, trên tạp chí Đại Học số 34, bút giả có đề cập tới một vài nghi vấn về thuyết của Nguyễn Phương tiên sinh cho rằng Hùng Vương của nước Văn Lang có danh hiệu như thế là do tác giả Việt sử lược lầm từ Hùng Vương nước Sở mà ra. Sau đó bút giả đã có nêu thêm một vài ý kiến khác nữa gửi tạp chí Đại Học, nhưng tạp chí này đình bản thành thử bài ấy không được đăng. Nay thấy Nguyễn tiên sinh kiểu chính và bổ khuyết thuyết cũ, trong số Bách Khoa 197, nên lại xin bàn lại đôi điều”. (21)

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cũng chú ý đến kiến giải của linh mục Nguyễn Phương với những ghi nhận như sau: “Trong khi các sử quan ngày xưa chấp nhận một quan điểm duy văn hóa như thế mà không để hại cho tinh thần dân tộc, lại nâng cao ý thức ấy bằng việc biểu dương vai trò của Hai Bà Trưng (xem đoạn phê phán của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên trong Toàn Thư), thì một sử gia ở Miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 60 đã đưa ra một giải thích táo bạo về nguồn gốc dân Việt, đặt vai trò quyết định của thời kỳ Bắc thuộc trong việc hình thành dân tộc Việt Nam, một dân tộc mới, gốc Hán, tạo dựng trong khung cảnh địa lý xa đất mẹ, khác hẳn với đám dân Việt cổ bị trị có các anh hùng là Hai Bà Trưng và nền văn minh Đông Sơn. Luận thuyết đó được trình bày trong một hội nghị quốc tế, nhưng chìm lấp trong các biến động chính trị to lớn lúc bấy giờ, tuy cũng gặp một phản ứng trên tầng lớp trí thức, lịch sự mà không sâu sắc lắm”. (22) Trong một bài viết nhan đề: Đọc muộn The Birth Of Vietnam của Keith Weller Taylor, in trong một tác phẩm xuất bản gần đây, Tạ Chí Đại Trường vẫn không quên lưu tâm đến Việt Nam Thời Khai Sinh của linh mục Nguyễn Phương, khi phê bình luận án tiến sĩ sử học của tác giả Hoa Kỳ này: “Cho nên hình như cũng theo khuynh hướng thời đại mà ông Taylor không nhắc đến các nhà nghiên cứu ở Miền Nam, trừ việc dẫn các bản dịch sách xưa. Tất nhiên cũng có lí do là thời ông xét đến nằm ở khu vực Việt cổ nên việc chú ý đến các nhà nghiên cứu ở Miền Bắc là đương nhiên và cần thiết. Nhưng ở vào đề tài của ông sao không nhắc tới Việt Nam Thời Khai Sinh của Nguyễn Phương, giáo sư Đại học Huế ?” (23). Ở một đoạn khác, Tạ Chí Đại Trường vẫn không “tha” cho tiến sĩ Taylor, khi cho rằng mặc dầu tác giả Nguyễn Phương “tự phụ bướng bỉnh trong ‘Việt Nam thời khai sinh’, nhưng lí thuyết của ông cho rằng dân Việt Nam vốn là gốc Hán thành hình trên châu thổ sông Hồng giống như người Anh trên đất Hoa Kì, Canada hay Úc, lí thuyết đó là đối cực của thuyết cho rằng dân Việt của vua Hùng đã miên tục trường tồn sau hơn cả nghìn năm Bắc thuộc. Một luận cứ như thế sao không được chú ý tới dù là chỉ để nhắc sơ qua trong chú thích hay hiện diện trong thư mục?” (24) Cái mà Tạ Chí Đại Trường cho là “tự phụ bướng bỉnh” chính là điều hơn hẳn trong đường lối nghiên cứu lịch sử của sử gia Nguyễn Phương so với tầm nhìn sử học của một số nhà nghiên cứu đương thời. Người ta có quyền hãnh diện với thành quả làm việc đầy sáng tạo của mình hơn là cứ đi theo đường mòn cũ, bằng lòng với những chuyện “ngưu quỷ xà thần”, với chuyện bốn ngàn năm văn hiến v.v...

Linh mục Nguyễn Phương cho biết: “Trong việc tìm nguồn gốc dân tộc, phải tùy trường hợp mà áp dụng biện pháp. Một dân tộc, như dân tộc Hoa Kỳ chẳng hạn, đã khai sinh giữa ánh sáng của lịch sử, nên tất cả công việc tìm tòi đều phải dựa vào sử liệu. Đối với những dân tộc Trung Hoa hay dân tộc Việt Nam, thời khai sinh mãi mãi trong cõi thâm u của quá khứ, thì việc khảo sát tất nhiên gặp phải nhiều khó khăn phức tạp. Chính vì tính cách phức tạp của sự khó khăn đó mà ít người có đủ kiên nhẫn để giải gỡ dần dần, và họ đành vui lòng chấp nhận những mẩu chuyện bịa đặt sẵn có, hay những kết luận vội vàng” (25).

Kết luận cho công trình nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, linh mục Nguyễn Phương viết rằng: “Sau hết, một điều nên nhớ nữa, là sở dĩ nước Việt am đâm r sâu và phát triển mạnh trong ý thức độc lập của mình, đó là còn bởi sự người Việt nam, mặc dầu bắt gốc từ Trung quốc, đã không còn thuần túy Trung Quốc. Chúng tôi đã trình bày dài giòng và nêu lên mạnh mẽ sự họ là những kẻ đã từ Trung quốc di cư sang cổ Việt trong thời Bắc thuộc. Nhưng cũng không được bỏ qua sự kiện này là họ, khi di cư sang, đã ở với dân Lạc việt, và nhiều thứ dân man khác, rồi với dân Lâm ấp. Những dân đó không thể làm cho họ cải biến, bất cứ về phương diện nào, nhưng lại có thể làm cho họ phong phú thêm, phong phú về mọi phương diện, chẳng hạn về nhân chủng, về phong tục, về ngôn ngữ. Với nguồn gốc đó, với sinh lực đó, và với sự phong phú đó, người Việt nam là người Việt nam, và càng ngày càng Việt nam...” (26)

Nói chung kiến giải của linh mục Nguyễn Phương về nguồn gốc dân tộc Việt Nam mang đầy tính thuyết phục, khoa học và với kiến thức uyên bác cùng sự tìm tòi nhẫn nại, công phu, quyển sách Việt Nam Thời Khai Sinh đã có cơ hội hiệu đính lại nhiều sự kiện sai lạc trong lịch sử Việt Nam chẳng hạn như vấn đề Hùng Vương, vấn đề Thục vương tử, Triệu Đà, lý do cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, việc chồng bà Trưng tên Thi hay Thi Sách, cái chết của Hai Bà Trưng v.v...

Một công trình nghiên cứu sử học khác đã có may mắn theo chân tác giả trên đường vượt biên tháng 5.1975 đó là tập Cổ sử Việt Nam trong Ngoại Kỷ Toàn Thư. Có thể nói đây là một tập biên khảo về cổ sử Việt Nam được viết rất tỉ mỉ, công phu mà đường hướng chính của tác giả là dùng các tài liệu Bắc sử như Sử Ký của Tư Mã Thiên, Tiền Hán thư của Ban Cố, Hậu Hán thư của Phạm Việp, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, và các sử phẩm khác được in trong bộ Nhị Thập Ngũ Sử, để cẩn án lại phần ngoại kỷ của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của một số sử gia Đại Việt như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên v.v...Tác phẩm này được viết và hoàn tất tại Cam Ranh ngày 19.10.1973, gồm 208 trang, sáu chương, chưa được in thành sách. Chủ đích của tác giả Nguyễn Phương khi viết tập này cũng là để bổ túc cho các luận điểm sử học được trình bày trong quyển Việt Nam Thời Khai Sinh in ra trước đấy.

Trong Lời nói đầu, linh mục Nguyễn Phương viết: “Thời nào vua chúa cũng muốn lưu truyền sự nghiệp của các triều đại trước và ghi lại những việc chính mình. Sử thần, vì đó, đã dày công gom góp và nhiều bộ sử cũ hiện còn để dắc dẫn chúng ta trở về quá khứ của chúng ta. Nhưng trong sử phẩm của người xưa, thường họ nặng về phần sưu tầm mà ít chuyên về phần tra cứu. Trước một tập văn thuật lại chuyện cũ, các ngài không mấy khi phân biệt đó là chuyện sử hay chuyện bịa đặt. Nói cách khác, các ngài để lẫn lộn việc xảy ra thực sự với việc nghĩ ra. Kết quả là các ngài đã để hai loại chuyện tồn tại chung một cách dân chủ, bình đẳng về mọi mặt. Như thế, nói được rằng cái công của các ngài thì to mà cái thực chất của di sản thì không có mấy.” (27)

Thông qua sử phẩm này rất nhiều sự kiện lịch sử được cẩn án lại trong tinh thần của phương pháp sử học như vấn đề Triệu Đà, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cổ Việt dưới thời nhà Hán, vấn đề Sĩ Nhiếp, chuyện Triệu Quang Phục v.v... cho đến Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ thứ 10. Tác giả đã đọc vào Toàn Thư rồi đối chiếu với các tư liệu khác để tìm ra những điều mà Toàn Thư viết khác với sự thật và việc làm đó xét ra rất hữu ích cho giới nghiên cứu lịch sử, nhất là đối với phần cổ sử Việt Nam vốn là một lãnh vực hết sức phức tạp, khó khăn ít ai dám bước vào.

3.- Về một nước Việt Nam trên quá trình bành trướng.

Năm 1967, linh mục Nguyễn Phương lại cho trình làng một tác phẩm sử học mới mang tựa đề Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn (28). Thời gian trước đó một vài năm, học giả Hồ Hữu Tường có in một tập sách mỏng có tên Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, Quang Trung, và ông tự nhận là hậu duệ của nhà Tây Sơn. Ở Miền Nam lúc bấy giờ cũng thấy nổi lên các hoạt động văn hóa, lịch sử mang tính phục hồi truyền thống Tây Sơn như các cuộc triển lãm về Quang Trung tại Bình Khê, Bình Định, nhạc võ Tây Sơn. Trong lời giới thiệu cuốn sách, giáo sư Lâm Ngọc Huỳnh, Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Huế đã viết: “Trong lúc này thiết tưởng một tập sử về Tây Sơn không những là cần thiết mà còn rất hợp thời. Là một công trình cần thiết, vì bấy lâu nay sử gia chỉ chép về Quang Trung, mà ít ai lưu ý đến việc trình bày thời đại Tây Sơn cho đầy đủ.(NĐC gạch dưới). Là hợp thời vì vấn đề Tây Sơn hiện giờ đang bị xuyên tạc nhiều bởi những người muốn dùng Tây Sơn làm thần tượng của một cuộc cách mạng nông dân”.(29) Sách của linh mục Nguyễn Phương gồm Phần I: Những bước đầu của anh em Tây Sơn; Phần II: Tây Sơn củng cố địa vị ở Nam Hà; Phần III: Tây Sơn diệt Trịnh phù Lê; Phần IV: Tây Sơn giữ nước; Phần V: Tây Sơn trị nước; Phần VI: Tây Sơn suy tàn. Sử phẩm này trước đó cũng đã được giới thiệu nhiều kỳ trên hai tạp chí Bách KhoaĐại Học và cũng đã được nhiều giới độc giả hoan nghênh. Ngoài một số tư liệu căn bản bằng chữ Hán của Quốc sử quán như Đại nam Liệt truyện tiền biên, Đại nam chính biên Liệt truyện, Đại nam Thực lục tiền biên, Đại nam chính biên thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tác giả sử dụng các tư liệu của Ngô Thời Chí, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức, Bùi Dương Lịch, Tiêu nhất Sơn (Đại Thanh thông sử) và rất nhiều tư liệu dã sử của các tác giả vô danh. Bên cạnh đó tác giả cũng sử dụng rất nhiều nguồn tư liệu gồm các sách Việt ngữ, ngoại ngữ, nhất là các bút ký của các giáo sĩ ngoại quốc hiện diện tại Việt Nam vào thời Tây Sơn. Với phương pháp cẩn án tài liệu, đối chiếu tư liệu để phân tích và đi đến việc điều chỉnh một số sự kiện lịch sử theo cái nhìn chính xác của tác giả, linh mục Nguyễn Phương đã cho thấy thái độ làm việc thận trọng của ngài khi viết về thời đại Tây sơn. Trong phần I nói về Những bước đầu của anh em Tây-Sơn, linh mục Nguyễn Phương đã dành cả một chương để phân tích nguyên nhân cuộc Tây-sơn khởi nghĩa như triều chúa thối nát, trăm họ lầm than, Biện Nhạc thua bạc. Việc Nguyễn Nhạc thua bạc và vào rừng đã được linh mục phân tích cẩn trọng gồm trong việc sử dụng tài liệu chính sử phối hợp với dã sử chứ không phải “truyền nhau” để viết lại một sự kiện hoang tưởng như có người đã từng nói. (30)

Cái thứ bậc trong gia đình của ba anh em Tây Sơn cũng đã được tác giả luận đoán một cách hợp lý dựa trên tài liệu của Louvet, thư của giáo sĩ Castuera, thư của Le Labousse, tư liệu của Léopold Cadière, của Tavernier, Lê Thành Khôi đối chiếu với các nguồn sử liệu chính thống của triều Nguyễn v.v... Toàn bộ tác phẩm đã được viết trong tinh thần khách quan, vô tư dựa trên rất nhiều nguồn tư liệu đứng đắn đã tạo chỗ đứng xứng đáng cho tác phẩm trên diễn đàn sử học, khen chỗ đáng khen và chê những chỗ phải chê của triều đại nhà Tây sơn, khác với ý kiến khá xốc nổi của Tạ Chí Đại Trường khi cho rằng “ông bảo hoàng Nguyễn Phương, người, trong riêng tư, ghét Tây Sơn không để đâu cho hết” (31).

Nhận định chung về Tây sơn, linh mục Nguyễn Phương viết: “Nhưng Tây sơn vẫn có một đặc điểm, đặc điềm nầy chính là cái vẻ ngang tàng trong khi thi hành vai trò lịch sử của họ. Và nhân vật điển hình là Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ là một vị anh hùng, nhưng không phải là một vị anh hùng suông. Khi nói đến anh hùng Nguyễn Huệ, người ta nhận thấy cần phải thêm vào một tĩnh từ: phiêu lưu. Nói cách khác, ông là một tay phiêu lưu với quy mô một vị anh hùng. Chính tính cách phiêu lưu nầy đã in vào trí óc người Việt, khiến họ dễ nhớ đến ông, dễ ca tụng ông. Đó cũng là một khía cạnh anh hùng bổ túc cho nhiều khía cạnh anh hùng nữa, mà khả năng muôn mặt của người dân Việt có thể đạt tới. Có Tây sơn, lịch sử Việt Nam thêm linh động, thêm hào hứng.” (32)

Trong phần cuối quyển sách, linh mục Nguyễn Phương còn giới thiệu hình ảnh Nguyễn Huệ: “Xem bức ảnh ở đầu sách. Đó là ảnh chụp một pho tượng ở chùa Bộc tại Hà Nội. Đã lâu nhiều người cứ nghĩ rằng đó là một pho tượng Phật, nhưng kỳ thực hình dung Quang Trung với tất cả thái độ ngang tàng của ông, ví dụ mình bận triều phục mà chân thì một trong hia, một nằm ngoài. Đôi câu đối hai bên pho tượng vừa ngụ ý Quang Trung là vị anh hùng cái thế, vừa dùng danh nghĩa tôn giáo để giữ gìn cho pho tượng khỏi bị triều Nguyễn phá. Đôi câu đối đọc là:

Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ,

Quang trung hóa phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.

Dịch nghĩa:

Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa giang sơn rộng lớn,

Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con." (33)

Những chi tiết như vậy khiến người đọc nhớ nhiều đến tác phẩm và lối viết độc đáo của sử gia Nguyễn Phương. Bầu không khí sưu khảo về triều đại Tây Sơn càng sinh động thêm ở Miền Nam sau đó với những số đặc biệt của tập san Sử Địa của nhóm Nguyễn Nhã (Đại Học Sư Phạm Sài Gòn) tạp chí Bách Khoa, và với sự góp mặt của tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường.

Nếu Miền Nam viết sử là muốn tìm về chân lý lịch sử, thì Miền Bắc lại viết sử để phục vụ cho các mục tiêu chính trị. Đó là ý đồ nằm trong chính sách văn hóa của đảng Cộng Sản Việt Nam và cũng là nguyên nhân làm nổ ra cuộc bút chiến giữa linh mục Nguyễn Phương trên tạp chí Bách Khoa ở Sài gòn với Văn Tân, viện trưởng Viện Sử Học trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử ở Hà Nội về vấn đề ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? (34) Linh mục Nguyễn Phương chủ trương rằng Nguyễn Ánh đã có công thống nhất đất nước, trong khi Văn Tân muốn dành vinh dự đó cho Nguyễn Huệ. Cuộc bút chiến được giới nghiên cứu lịch sử tại Miền Nam theo dõi, nhưng rồi cũng chấm dứt với thời gian vì báo chí Miền Bắc muốn vào được Miền Nam phải qua ngã Paris đường xa diệu vợi. Dư luận cho biết Văn Tân đuối lý nên đã dùng đài phát thanh Hà Nội trợ lực chửi rủa om sòm, định “cả vú lấp miệng em”. Trò tiểu xảo xưa nay của cộng sản là như vậy. Năm 1988, phát biểu tại Đại học Paris VII, chính Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học đã nói: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.” (35)

Năm 1974, linh mục Nguyễn Phương đã hoàn tất một công trình nghiên cứu khác đó là tập Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, gồm 285 trang đánh máy, 10 chương với phần chú thích đặt sau mỗi chương (chưa xuất bản). Đây là một tác phẩm đáng ra phải được nghiên cứu và xuất bản trước quyển nói về Tây Sơn, và vì đã không như vậy cho nên có người như Tạ Chí Đại Trường vội vã phản bác rằng “Hậu Lê, Nguyễn bành trướng chứ không phải Tây Sơn” (36). Đây là một trong hai tập nghiên cứu công phu còn trong dạng bản thảo được linh mục Nguyễn Phương mang theo trên đường vượt biên từ Vũng Tàu ngày 13.5.1975 và hiện nay chúng tôi đã và đang thực hiện phần đánh vào máy vi tính.

Trong tác phẩm chưa xuất bản này, linh mục Nguyễn Phương đã viết về thời bành trướng của lịch sử Việt Nam đại để như sau: “Nhưng, dầu có mở mang, thời nhà Lê chưa thể gọi được là Thời Bành Trướng. Không ai quên rằng Lê Thánh Tông đã có một cuộc Nam chinh oanh liệt. Trong sự nghiệp của vị anh quân đó, mọi người đều nhớ việc nhà vua đã lập thêm đạo Quảng Nam sau cuộc đại thắng Đồ Bàn và bắt vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem về Thăng Long. Nhưng một đạo Quảng Nam thêm vào lãnh thổ, việc đó chưa đủ để vượt lên trên bao nhiêu thành tích khác đã từng làm ngời sáng thời Lê, như việc kháng Minh hay việc phát huy văn hóa. Thời Bành Trướng thực sự chỉ bắt đầu xuất hiện với sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, khi ông này vì muốn tránh sự đố kỵ nguy hiểm của Trịnh Kiểm nên vượt biển vào Nam. Từ đó đất nước mới có một miền Bắc – Bắc Hà – và một miền NamNam Hà. Từ đó, người dân mới hướng theo hai đường khác nhau, Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trong khi Đàng Ngoài củng cố chủ lực, thì Đàng Trong lại hướng về phía Nam như một con đường sống, hoàn thành một cuộc Nam tiến đại, mãi cho đến khi không còn đường tiến nữa mới thôi. Thời Bành Trướng của dân tộc này bao trùm gần ba thế kỷ, nghĩa là gồm cả giai đoạn Trịnh Nguyễn, cả giai đoạn Tây Sơn, cả hai giai đoạn vừa nói tiếp tục và hoàn tất cùng một công tác, mở mang lãnh thổ”. (37)

Công trình huyết hãn nói về thời Trịnh Nguyễn này chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sử được viết lại rất khúc chiết, hấp dẫn dưới ngòi bút tài ba của vị sử gia uyên bác, linh mục Nguyễn Phương.

Suy nghĩ về Trịnh Tùng, linh mục Nguyễn Phương viết rằng: “Người hùng là kẻ tự tay mình làm nên việc lớn. Người hùng có thể là anh hùng, mà cũng có thể là gian hùng, nhưng bao giờ cũng là một người mà tên tuổi đáng ghi vào sử sách, vì người đó đã vùng ngang vẫy dọc, đã tráo ngược trở xuôi, vì người đó đã có thể ngang ngạnh bất chấp quyền thế của cha anh, đã có thể hống hách đến nỗi thay vua giết chúa như trở bàn tay. Nếu người hùng là như thế thì Trịnh Tùng quả đã là một người hùng của lịch sử Đại việt, và nhất là của Thời Bành Trướng” (38).

Nhận thức về Nguyễn Hoàng, ngòi bút sử gia Nguyễn Phương đã viết: “Nhưng kẻ trung thần vẫn chưa bằng người nghĩa khí. Làm tôi trung là quyết một đời giúp nước thờ vua. Nhưng tôi trung thờ vua nhiều hơn giúp nước. Nhiều lần họ trở thành hẹp hòi, đôi khi họ trở thành mù quáng, nhưng vì họ hẹp hòi và mù quáng trong hy sinh, nên công việc của họ luôn luôn đượm mùi cao cả, đáng thán phục. Người nghĩa khí vẫn có lòng trung thành đó, nhưng những khi cần, họ nghĩ đến nước nhiều hơn nghĩ đến vua, ít hẹp hòi và không mù quáng, bao giờ cũng sáng suốt trong nhận định để đối phó làm sao cho được lợi ích tối đa đối với vua và đối với nước. Trước những người như thế, thiên hạ khâm phục vì tài đức, quý trọng vì hy sinh, và ngưỡng mộ vì quả cảm, vì họ biết liều những lúc đáng liều. Nguyễn Hoàng phải được kể vào trong số những người như thế.” (39)

Nói về cuộc đấu trí hi hữu giữa miền Nam và miền Bắc vào thời gian khởi đầu tranh chấp Trịnh Nguyễn, linh mục Nguyễn Phương có viết :

“Năm canh ngọ (1630), Văn Khuông đã được gởi ra Thăng Long yết kiến chúa Trịnh, đối đáp trôi chảy những câu hỏi của chúa rồi vội lẻn ra khỏi kinh thành theo đường biển thẳng về Nam. Cái mâm đặc biệt đã gợi tính tò mò của phủ liêu, và khi nạy đáy ra, người ta ngạc nhiên thấy đạo sắc phong được trả lại với một tờ thiếp mang bốn câu thơ đầy ẩn ý. Khi các quan đang bàn tán thì Phùng Khắc Khoan đã nghĩ ra. Ông nói:

Mâu nhi vô dịch chỉ chữ Dư,

Mịch phi kiến tích chỉ chữ Bất,

Ái lạc tâm trường chỉ chữ Thụ,

Lực lai tương địch chỉ chữ Sắc.

Thật là cả một tài kết cấu và là một công trình khám phá! Trịnh Tráng tức giận tím cả mặt, nhưng không còn biết trút cơn giận lên ai, vì Văn Khuông đã mất tích. Cất quân đi đánh tức thì cho hả giận ư? Không thể được, vì khi đối phương có thể đến tận nơi để chọc giận, thì chắc họ đã trù lợi thế về hậu quả, hành động nông nổi rất có thể mắc mưu. Và Trịnh Tráng đành ấm ức.” (40)

Trong thời gian cách đây mười ba năm đã xuất hiện một công trình nghiên cứu sử học đáng chú ý đó là cuốn Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 của bà Li Tana vốn là luận án tiến sĩ sử học viết bằng Anh ngữ, được dịch ra tiếng Việt phát hành trong nước và đã được một vài nhà nghiên cứu trong khi sử dụng cuốn sách này rất mực đề cao (41). Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp đề cập tới tác phẩm này một cách rõ ràng hơn. Tác phẩm Việt Nam Thời Bành Trướng :Trịnh Nguyễn có thể được xuất bản trong một ngày gần đây sẽ góp thêm tư liệu quý giá trong việc tìm hiểu giai đoạn bành trướng rất quan trọng của Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử sóng gió ngày xưa.

4.- Các công trình sử học tại hải ngoại.

Ngày 13.5.1975, linh mục Nguyễn Phương vượt biên từ Vũng Tàu và được tàu ngoại quốc vớt đến đảo St. JohnSingapore. Năm 1976, linh mục được cơ quan Ford Foundation cấp cho một học bổng để nghiên cứu về lịch sử mà đề tài tự chọn là cổ sử Việt Nam. Linh mục đã viết bằng Anh ngữ một tập gồm 203 trang, in ronéo nhan đề là The Ancient History of Vietnam, A new study gồm có: Lời dẫn nhập, chín chương, lời bạt, hai bản phụ lục, 9 bản đồ.

Trong phần dẫn nhập, với cái nhìn mới về cổ sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Phương viết: “Historians who write about the ancient history of Vietnam pertain to two categories: those belonging to the old Chinese school and those belonging to the socialist school. The aims of these two schools can be diametrically divergent, their historiographical method is similar. Their researches are only a subjective selection, and their criticism is based entirely on their own point of view.

For Vietnam’s official chronologists using Chinese characters to record events, from the 13th century up to the end of the 19th century, history was a glorification of their nation. And for the writers of the socialist school, history is conceived as a justification of socialism. Glorification and justification are different not in nature, bút only in degree of subjectivity.” (42)

(Các sử gia viết về cổ sử Việt Nam đều thuộc về hai nhóm: một nhóm đi theo trường phái cổ Trung hoa và một nhóm thuộc về trường phái xã hội. Các mục tiêu của hai trường phái này rất đỗi khác nhau, trong khi đó phương pháp viết sử lại giống nhau. Các công trình sưu khảo của họ chỉ là sự lựa chọn mang tính chủ quan, và ý kiến họ phê bình chỉ hoàn toàn dựa trên quan điểm riêng tư của họ thôi. Đối với các sử gia Việt Nam chính thống sử dụng chữ Hán để ghi lại các biến cố, thì lịch sử chỉ là sự tán dương quốc gia của họ. Và đối với các sử gia theo đường lối xã hội, lịch sử được quan niệm như là một sự biện minh cho chủ nghĩa xã hội. Tán dương hay biện minh về bản chất không có gì khác nhau, nhưng có khác chăng chỉ là ở mức độ chủ quan nhiều hay ít mà thôi.)

Vì tính chủ quan trong hai đường lối chép sử như vậy, tất nhiên có hại cho sự thật lịch sử, bởi thế cần phải có một phương pháp trung dung khả dĩ điều giải được những sự khó khăn trong khi muốn đạt tới chân lý lịch sử.

Trong một đoạn văn khác ở tập khảo cứu về cổ sử Việt Nam này, tác giả Nguyễn Phương có viết: “This research is an effort to apply historical method to the study of the ancient history of Vietnam. It requires an extensive reading in Chinese historical literature covering more than ten centuries, from the 3rd century B.C. to the 10th century A.D. It requires also an intensive scrutiny into the works written in Chinese characters by Vietnamese historians and literary authors, in order to grasp the historical facts that might be found in them.” (43)

(Thiên khảo cứu này là một cố gắng nhằm áp dụng phương pháp sử học vào việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam. Nó đòi hỏi phải đọc nhiều trong nền văn chương mang đầy sử tính Trung Hoa bao gồm hơn 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên. Nó cũng đòi hỏi một sự nghiên cứu tỉ mỉ trong các tác phẩm viết bằng Hán văn do các sử gia và văn gia Việt Nam để có thể nắm bắt được các sự kiện lịch sử gặp thấy trong đó.)

Toàn bộ tác phẩm gồm Chương 1 nói về phương pháp sử học của trường phái sử gia chính thống Việt Nam vốn là những vay mượn từ các tác phẩm Trung Hoa trước kia, Chương 2 bàn về thời đại Hồng Bàng gồm một loạt những truyền thuyết được nối kết rất vụng về, Chương 3 nói đến công cuộc bành trướng về phương nam của Trung Hoa, Chương 4 phân tích cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vốn là lãnh tụ dân bản xứ, Chương 5 đề cập tới các tổ chức hành chánh của Trung Hoa tại vùng đất phương nam, Chương 6 nói về cuộc nổi dậy của Lý Bí, Chương 7 nhấn mạnh về sự chấp nhận một chính sách thay đổi ở vùng viễn nam, Chương 8 nói về cuộc chiếm cứ của Nam Chiếu, Chương 9 bàn đến tiến trình thực hiện độc lập và sau hết là Lời bạt nói về một nước Việt Nam được thành lập trong thế kỷ thứ 10 do dân di cư Trung Hoa. Tác phẩm đi tới một kết luận giải thích về nguồn gốc dân tộc Việt Nam vốn xuất phát từ Trung Quốc để khẳng định lại một kiến giải sử học đã được trình bày trong Việt Nam Thời Khai Sinh xuất bản từ năm 1965.

Dưới con mắt của một sử gia, chắc chắn không có một biến cố nào lọt ra ngoài tầm mắt của mình, nhất là biến cố đó lại có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện tại cũng như đời sống nội tâm của chính sử gia và đồng bào chung quanh. Tác phẩm thứ hai của linh mục Nguyễn Phương cũng viết bằng Anh ngữ tại hải ngoại là một sử phẩm tham cứu từ nhiều nguồn tài liệu có tính cách thời sự, nói về các biến cố xảy ra trên đất nước Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975, đề cập đến một số các khuôn mặt lãnh đạo Miền Nam trước đây. Với tựa đề A Parade of American Puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975 (Cuộc diễu hành của những tên bù nhìn của Mỹ, Câu chuyện Miền Nam Việt Nam từ 1854 đến 1975), sách dày 399 trang, in ronéo năm 1978, gồm có một bài tựa, một bài dẫn nhập, mười bốn chương, và lời bạt.

Trong Phần dẫn nhập, trang XVIII, linh mục Nguyễn Phương viết: “...But the man who resented most the partition of Vietnam was Ngo Dinh Diem who viewed the fate of his fatherland more important than his own.”

Ở trang 101, tác giả Nguyễn Phương viết tiếp: “Ngo Dinh Diem, on the other hand, was a mandarin proud of his career. He loved his country above anything else and tried his best to make it independent and unified. In his pursuit of national liberation, he was not alone, but his team did not count many. He had with him a handful of friends and especially his brother Ngo Dinh Nhu. He wielded, however, a great political power just because of his immense popularity. Man of integrity and rightousness, of heroic patriotism and thorough dedication, he was deeply loved and widely respected by his fellow countrymen”. (44)

(Ngô Đình Diệm, trái lại, là một vị quan tự hào về chức vụ của mình. Ông yêu mến quê hương hơn bất cứ một cái gì khác và nỗ lực hết mình để làm cho đất nước được độc lập và thống nhất. Trong khi theo đuổi công cuộc giải phóng quốc gia, ông không cô đơn nhưng nhóm của ông cũng không mấy đông đảo. Ông có một ít bạn hữu và đặc biệt có em của ông, ông Ngô Đình Nhu. Tuy nhiên, ông vẫn có được quyền hành chính trị lớn lao, bởi lẽ ông có uy tín trong quảng đại quần chúng. Là con người liêm khiết chính trực và với tấm lòng yêu nước nồng nàn, hoàn toàn tận hiến, ông được đồng bào ông yêu mến và kính trọng).

Rất nhiều nhân vật của Việt nam Cộng hòa được nhắc đến trong tác phẩm này, và dưới con mắt của sử gia Nguyễn Phương, một số nhân vật chủ chốt được nhìn xoáy vào bản chất và tâm tư ý đồ của họ. Xin thử đọc một đoạn viết về tướng Thiệu: “Thieu was malleable by nature. Extremely ambitious and perfidious, he was no devotee of any ideological or nationalistic cause... He was corrupt, but this did not bother the United States when corruption became a means to widen the American freedom of action in another country” (45). (Bản chất Thiệu vốn dễ bảo. Rất đỗi tham vọng và hay lừa đảo, ông ta không phải là người có thể tận hiến cho một ý thức hệ hoặc chính nghĩa quốc gia nào. Ông ta tham nhũng, nhưng điều đó chẳng làm bận tâm người Mỹ khi vấn đề tham nhũng đã trở nên một phương thế giúp cho họ tự do hành động ở một quốc gia khác).

Viết về người Mỹ tại Việt Nam, linh mục Nguyễn Phương có lúc không nén được sự phẫn nộ hay niềm uất ức bộc lộ tinh thần quốc gia cao độ. Tác giả viết: “The work of the US in South Vietnam was, in summary, a work of destruction, systematic and thorough. There was the destruction of patriotism annd nationalism in the case of Diem’s overthrow and assassination. There was the destruction of Vietnamese sovereignty by the establishment of a regime of American puppets by way of aid and advice. There was the destruction oof the Vietnamese society by testing the ‘search and destroy’ strategy which was the cornerstone of the Kennedy’s counterinsurgency tactics, and which, as Barry Weisberg remarked, ‘has given way to the incentive to simply destroy.’ Finally, there was the destruction of all human rights by engineering a total surrender of South Vietnam to the Communists.’I am uniting Vietnam,’ had boasted Kissinger since 1972”. (46)

(Thành tích của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, tóm lại, là thành tích phá hủy có hệ thống và toàn diện. Đó là sự phá hủy lòng ái quốc và tinh thần quốc gia qua việc lật đổ và ám sát ông Diệm. Đó là sự phá hủy chủ quyền Việt Nam bằng cách thiết lập một chế độ gồm những tay bù nhìn Mỹ bằng viện trợ và cố vấn. Đó là sự phá hủy xã hội Việt Nam bằng cách thí nghiệm chiến lược “lùng và diệt” vốn là viên đá góc trong các chiến thuật phản nổi dậy của Kennedy, và điều đó, như Barry Weisberg lưu ý, đã nhường bước cho ý đồ tiêu diệt xảy đến rất đơn giản. Cuối cùng, đó là sự phá hủy mọi quyền con người bằng cách bố trí một cuộc đầu hàng toàn thể Miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản. Từ năm 1972, Kissinger từng khoác lác: “Tôi đang thống nhất Việt Nam”).

Trong những lời kết luận tác phẩm này, tác giả Nguyễn Phương viết : “The wolves are now trying to devour a small nation called South Vietnam, that the United States had thrown them after destroying it. But the United States is great because it is good. Can it hold good the sentence, ‘We had to destroy it in order to save it?” (47) (Bầy chó sói đang cố sức xơi gọn một quốc gia bé nhỏ có tên là Miền Nam, Việt Nam sau khi Hoa Kỳ đã phá hủy và vứt bỏ đi. Nhưng Hoa Kỳ đại bởi vì đất nước này tốt lành. Hoa Kỳ liệu có thực thi tốt câu nói sau đây chăng: “Chúng ta phải phá hủy để rồi cứu lấy nó”?).

Ngoài công việc biên soạn các tác phẩm sử học, linh mục Nguyễn Phương còn dành rất nhiều thì giờ để hoạt động trong một số các cộng đồng Việt Nam ở California, Dallas, viếng thăm những người quen biết đa số là học trò, môn sinh cũ. Bên cạnh ngòi bút nghiêm cẩn của một sử gia hay một nhà dịch thuật, vẫn còn thấp thoáng hình ảnh của một Trúc Long, bút hiệu của Linh mục Nguyễn Phương chuyên trách mục “Tiếng vọng miền Tây” của Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong nhiều năm về trước. Sự phóng khoáng trong nghề viết báo (dù chỉ là nghề tay trái), đã tạo cho linh mục Nguyễn Phương cơ hội thể hiện tái năng già dặn và nguồn cảm hứng phong phú qua hơn 120 bài báo còn để lại, cùng một số bài viết cho các tạp chí khác như Công Giáo Thời Luận, Đất Mẹ v.v... “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”, câu nói này có thể áp dụng cho trường hợp của nhà báo Trúc Long, khi người lên đường đi bệnh viện đã để bút tích đề ngày 10 Dec. 1993 dặn dò tôi ít chuyện cần, trong đó có nhờ nhà dòng Đồng Công gởi bài báo “Một câu chuyện thành công” cho tờ nguyệt san nọ ở Houston.

5.- Con đường hưu dưỡng và công trình dịch thuật.

Nếu những công trình nghiên cứu trong lãnh vực sử học đã tạo cho linh mục Nguyễn Phương có một chỗ ngồi xứng đáng trên văn đàn quốc gia thì những cống hiến về phương diện dịch thuật một số tác phẩm văn hóa tôn giáo trong những năm cuối đời của ngài lại một lần nữa chứng tỏ sức làm việc dẻo dai, cần cù của một sử gia Việt Nam lúc bấy giờ đã ở trong tuổi bảy mươi.

Năm 1988, linh mục Nguyễn Phương tại Chi dòng Đồng Công Việt NamCarthage, Missouri. Dòng này thuộc dòng mẹ ở Việt Nam do linh mục Trần Đình Thủ sáng lập, quy tụ nhiều linh mục rất đạo hạnh, đầy khả năng chứng tỏ qua nhiều lần tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu hằng năm gọi là Marian Day. Nhà dòng này có xây cất nhà hưu dưỡng để lo cho đời sống các linh mục già cả, trong số các việc làm tốt đẹp phải kể đến việc lo cho Đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục trở về lại với Giáo Hội Rôma rồi sau đó lo việc hậu sự cho ngài. Các linh mục Cao Văn Luận, nguyên Viện trưởng Viện Đại Học Huế, linh mục Lê Văn Lý, nhà ngữ học lừng danh của Việt Nam, linh mục triết gia Kim Định, tác giả rất nhiều bộ sách viết về triết lý Đông phương và Việt nam, cùng một số cha già cố như linh mục Trần Điển thuộc địa phận Huế (cũng hiện sống tại đây) đã trải qua những năm tháng cuối đời ở nhà dòng Đồng Công này. Giáo dân Việt Nam hải ngoại rất kính mến và nỗ lực giúp đỡ Chi dòng Đồng Công xây dựng cơ sở nhà hưu dưỡng để ngày một tốt đẹp hơn.

Ở tại nhà dòng, suốt ngày ngoài việc nguyện gẫm, lần hạt, linh mục Nguyễn Phương căm cụi dồn thì giờ cho những công trình dịch thuật được kể là lớn lao, công phu. Là một con người năng động, bền chí, kiên nhẫn, cộng thêm kiến thức uyên bác, liên tục trong năm năm, linh mục Nguyễn Phương đã dịch xong, sửa chữa lại, đánh vào computer một số tác phẩm lừng danh trong nền văn chương Công Giáo. Đó là các dịch phẩm: Đức Trinh Nữ Trong Di Bút của Chị Maria Vân Tước Tử (48) (Maria Valtorta), tác phẩm của một linh mục người Ý Gabriel M. Roschini, Nhật Ký Chúa Giêsu của Jean Aulagnier, và nhất là toàn bộ pho Người Thần Truyện Thánh tức bộ Il Poema Dell’Uomo-Dio của Maria Valtorta.

Xin đọc bản văn giới thiệu các công trình dịch thuật ra tiếng Việt này do chính dịch giả, linh mục Nguyễn Phương, viết từ năm 1992: “Đức Trinh Nữ Trong Di Bút của Chị Maria Vân Tước Tử. Đây là một tập sách tuyệt tác của một linh mục người Ý Gabriel M. Roschini, một tác giả đã suốt đời nghiên cứu về Đức Mẹ, và đã viết 920 mục về đề tài này. Trong số các đề tài vừa nói, có 123 đề tài là nhan đề của những bộ sách hoặc những tập sách lớn về Thánh Mẫu Học. Nhưng theo ý của Roschini cũng như theo ý của những ai đã đọc người, tập “Đức Trinh Nữ...” nói đây là tuyệt tác của tất cả văn nghiệp người. Chính người, sau khi đã đọc hàng ngàn thứ sách báo về Đức Mẹ, cũng so sánh, nói: “So sánh Đức Trinh Nữ do tôi cùng các đồng liêu của tôi trình bày, với Đức Trinh Nữ của Chị Maria Vân Tước Tử trình bày, dường như có một sự cách biệt tương tự sự cách biệt giữa một pho tượng đắp bằng bột giấy với chính Đức Maria đang sống, hay giữa một Đức Trinh Nữ được phác họa bằng những nét chỗ đậm chỗ nhạt lộn xộn với một bức họa Đức Trinh Nữ hoàn hảo về mọi phương diện, về mọi khía cạnh”.

Chính Đức Maria sống này, chính bức họa Đức Trinh Nữ hoàn hảo về mọi phương diện, về mọi khía cạnh này, đang được Cha Roschini trình diện chúng ta qua lời của Chị Maria Vân Tước Tử. Và lời của Vân Tước Tử là chính lời của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su, hoặc đã cho Chị ta thấy những thị kiến về cuộc đời Người và đời Đức Mẹ, hoặc đã đọc cho Chị ta chép những ý nghĩ của Người. Không lạ gì những điều Chị ta viết ra đều là những nét thần tình hoặc là những tư tưởng kỳ diệu. Chẳng những về Đức Mẹ, như chúng ta thấy trong tập sách này, mà còn là về các tông đồ, về giáo hội sơ khởi, nhất là về Chúa Giê-su. Linh động biết bao, thân thế của những người như Lazaro và người em gái thống hối của ông ta, Maria Magdalena!

Chính việc đọc sách này của Cha Roschini đã thúc đẩy chúng tôi đến việc phiên dịch toàn bộ Il Poema Dell’Uomo-Dio (Người Thần Chuyện Thánh) 49 của Chị Vân Tước Tử. Đây là một bộ sách chúng tôi sắp xuất bản bằng Việt ngữ. Thật là một bộ sách đồ sộ, đồ sôï cả về lượng, cả về phẩm. Về lượng, trong tiếng Việt, nó sẽ gồm 14 quyển dày ít ra bằng quyển Đức Mẹ này. Về phẩm, thì nó phải nằm ngay ở chót vót đỉnh giá trị của văn chương Công Giáo sau Phúc Âm. Đồ sộ, nhưng dễ đọc, bởi lẽ nó được làm thành bởi những chuyện thánh, có chuyện ngắn, có chuyện dài, nhưng chuyện nào hầu như cũng đầy đủ ý nghĩa cho chuyện đó. Nói về Thánh gia có 72 chuyện, về năm thứ nhất đời công Chúa Giê-su 107 chuyện, về năm thứ hai 178 chuyện, về năm thứ ba 309 chuyện, và 38 chuyện nữa ăn về thời vinh hiển kể từ khi Chúa Giê-su sống lại cho đến khi Đức Mẹ Linh Hồn và Xác được rước về Trời. Như thế là gồm 704 chuyện, trừ các chuyện được đọc cho chép, hầu như chuyện nào cũng chứa đầy dẫy những chi tiết về vị trí mặt trăng, vị trí mặt trời, về thời tiết, về ngày trong tuần. Theo dõi các chi tiết thời gian trước sau ăn khớp nhau một cách lạ lùng, một việc mà các chuyên gia về thời ký cũng không thể nào làm được suốt một tác phẩm dài, nói về một chuyện hai mươi thế kỷ về trước, và phức tạp như thế. Dựa trên sự thủy chung lạ lùng này, Jean Aulagnier đã có thể lập lại từng ngày, ngày này rồi ngày khác, các hoạt động Chúa Giê-su suốt ba năm của cuộc đời công, kết quả là tập sách Avec Jésus, Au Jour Le Jour (Nhật Ký Chúa Giê-Su) mà chúng tôi cũng đã dịch và sẽ xuất bản sau tập sách của Roschini.

Cũng như tập sách của Roschini, tác phẩm của Aulagnier là một bằng chứng không sao chối cãi về nguồn gốc phi thường của bộ Người Thần Chuyện Thánh. Tác giả của bộ này, Chị Maria Vân Tước Tử, chỉ là một học sinh tốt nghiệp trung học, khi viết, lại là một người tàn tật liệt giường, không thể giúp mình được cái gì, đến cả việc lấy một quyển sách cách chỗ Chị ta ngồi hơn một mét, nghĩa là ngoài tầm tay của Chị ta, vì thân thể Chị ta bất động. Đó là chưa nói đến năm bảy thứ bệnh đang hoành hành Chị ta, làm cho Chị ta đau đớn mình mẩy, choáng váng đầu óc.

Phần chúng tôi, chính vì nhận thấy tính cách phi thường được minh chứng rõ ràng trong các tập sách các tác giả Roschini và Aulagnier nên đã bắt tay dịch tất cả bộ Người Thần Chuyện Thánh. Cũng vì đó mà nay, trước khi cho in bộ sách vừa nói, chúng tôi xuất bản bản dịch của các tập sách Cha Roschini và Aulagnier để dọn đường. Chúng tôi đinh ninh rằng quý vị cũng sẽ có những cảm nghĩ như chúng tôi khi tiến dần trên đường tầm đạo với Maria Vân Tước Tử.”

Theo dõi công trình biên khảo không mệt mõi của linh mục Nguyễn Phương trong những năm cuối của cuộc đời và nhất là nhìn vào công trình dịch thuật hơn 6.000 trang bản thảo còn để lại, tôi chợt nghĩ tới James Legge, một mục sư Tin Lành đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu và dịch thuật các bộ sách của nền văn học cổ điển Trung quốc như các bộ Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, Luận Ngữ, Kinh Thi, Kinh Thư, Xuân Thu, Tả Truyện với những phần chú thích rất phong phú. Linh mục Dòng Tên Séraphin Couvreur cũng đã từng dịch bộ Tứ Thư ra La ngữ, Pháp ngữ, cùng lối đọc quan thoại kèm theo phần chú giải công phu trong bộ Les Quatre Livres. Tôi cũng nhớ đến một vị hòa thượng nổi danh dưới thời nhà Đường, thầy Huyền Trang, mà nhiều người gọi là Đường Tăng. Ông đã bỏ ra 18 năm trời dịch được 73 bộ kinh Phật, cộng 1.330 quyển trong số 657 bộ kinh chở về từ Ấn Độ. Hình ảnh của Cưu Ma La Thập (50), một trong những đại dịch giả của Phật kinh ra Hoa văn thế kỷ thứ V sau Tây lịch, cũng thấp thoáng đi qua ký ức của tôi. Những nhà nghiên cứu tiếng tăm và dịch giả lừng danh đó, có lẽ cũng như linh mục Nguyễn Phương, họ không làm việc vì cá nhân, mà vì đất nước quê hương họ (non sibi, sed patriae), hoặc cho một lý tưởng còn cao hơn nữa.

Trong một bức thư gửi cho tôi đề ngày 10 tháng 01 năm 1993, linh mục Nguyễn Phương cho biết: “Phần tôi, tôi còn phải khó nhọc với công việc mấy tháng nữa. Nhưng một khi hoàn tất, chắc sẽ thấy được là một công việc đáng công. Đánh vào computer thì gần xong rồi, nhưng lại phải coi lại một lần tất cả nữa. Có lẽ phải đến 94 mới có thể bước sang một công việc mới, nhưng có một điều sau công việc hiện thời, sẽ không có cái gì là khó, hay quá to tát nữa.”

Quả thật, tinh thần sáng tạo cộng với sức làm việc dẻo dai, bền bỉ đã tạo nơi linh mục Nguyễn Phương một bản sắc độc đáo trong khi nghiên cứu các vấn đề sử học nước nhà. Học trò của ngài nay kẻ chân trời, người góc bể, có kẻ đã chết trong lao tù Cộng Sản, hay vùi thân dưới đại dương bao la, hoặc ở lại trong nước lam lũ với cuộc sống hàng ngày, hay tương đối thành danh nơi hải ngoại, tất cả đều nhận thấy nơi vị thầy dạy cũ một tâm hồn phóng khoáng, đôn hậu, và nhất là tấm chân tình của ngài đối với đất nước, không bao giờ chịu khuất phục bạo quyền Cộng sản hay tư bản. Dưới ngòi bút của một sử gia vẫn lai láng tâm tư của một bậc sĩ phu yêu nước, trong cảnh quốc phá gia vong, linh mục Nguyễn Phương luôn ưu tư về tiền đồ của đất nước và tương lai của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thương thay nỗi lòng của vị thầy dạy cũ !

Chiều ngày 28.12.1993, chiếc phi cơ của hãng hàng không North West đưa tôi từ Philadelphia qua Joplin, Missouri, dự đám tang linh mục Nguyễn Phương, ghé lại Memphis gần bốn tiếng đồng hồ để đợi chuyển sang máy bay khác. Tôi ngồi một mình, suy nghĩ về những chặng đường lịch sử mà vị thầy dạy cũ của tôi đã đi qua. Những năm tháng ở Tam Tòa, Đồng Hới (Quảng Bình), mưa dầm nắng gắt ở Huế, trời Sài Gòn diệu vợi, di tản mênh mông, mối sầu xa xứ (nostalgie), đất nước ngăn cách và phân ly. Chung quanh tôi xa lạ và buồn tênh. Mấy câu thơ của Trần Tử Ngang khi lên lầu Kế Bắc chợt hiện về trong ký ức :

Tiền bất kiến cổ nhân,

Hậu bất kiến lai giả,

Niệm thiên địa chi du du

Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

, lắng đọng trong tôi những lời dịch thấm thía của Nguyễn Hiến Lê lột tả được tất cả sự cô đơn của kiếp người tha hương:

Trước chẳng thấy người xưa

Sau chẳng thấy ai cả,

Ngẫm trời đất thăm thẳm sao!

Riêng xót xa lệ lã chã.

Nguyễn Đức Cung

Jersey City, 27.12. 2003 – 09.01.2004

CHÚ THÍCH :

1.- Nghiêm Đức Thảo, Trúc Long Nguyễn Phương, người đã được yên nghỉ bằng an trong Chúa, nguyệt san Đất Mẹ, số 49, tháng 2 năm 1994, trang 39.

2.- Đây là tác phẩm đầu tay của linh mục Nguyễn Phương, in tại nhà in Đinh Gia Em, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, năm 1953, được phổ biến trong nhiều hội đoàn Công Giáo mà thuở nhỏ tôi còn nhớ một vài câu mở đầu như:

Từ thuở trước Ngôi Lời hằng có

Ngôi Lời nơi Thiên Chúa chí tôn,

Ngôi Lời là Chúa càn khôn,

Bao la vạn vật ấy nguồn phát sinh...

3.- Ba tác phẩm này được viết trong năm 1957, do nhà in Hồng Lam số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn in và phát hành, tái bản hai, ba lần trong thời gian mấy tháng. Hiện nay trải bao biến cố, chúng tôi không còn có một bản nào trong tay, chắc là quý vị đồng châu Nghệ Tĩnh Bình may ra còn giữ được một vài ấn bản.

4.- Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, in tại Nhà in Sao Mai, Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964. Có tái bản.

5.- NP, Sđd, tr. 10-11.

6.- NP, Sđd, tr. 37.

7.- NP, Sđd, tr. 15.

8.- Lê Văn Sáu, Trương Hữu Quýnh, Phan Ngọc Liên, Nhập Môn Sử Học, Nxb Giáo Dục, 1987, tr. 67.

9.- Thạc sĩ Sử Học Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương Pháp Sử Học, Sài Gòn 1974; Châu Long (Tiến sĩ Sử Học) và Lê Kim Ngân (Tiến sĩ Luật khoa, Cao Học Sử), Sử-Học Nhập-Môn, S-học phương-pháp luận, Nxb. Văn Hào, 1970. Ông Trần Anh Tuấn (học trò của giáo sư Nguyễn Thế Anh) khi viết loạt bài Công cuộc nghiên cứu Việt sử tại Bắc Mỹ, nhiều kỳ trên Tạp chí Thế Kỷ 21 và bài “Giáo Sư Ban Sử Đại Học Văn Khoa Sài Gòn Kẻ Còn, Người Mất” trên Tạp chí Thế Kỷ 21 số 157, Tháng Năm 2002, có đề cập đến một vụ án “cầm nhầm” liên quan tới một vài nhân vật trong ngành Sử với cuốn Sử-Học Nhập-Môn của Châu Long và Lê Kim Ngân.

10.- Trong cuốn Theo Dòng Lịch Sử của Trần Quốc Vượng, Nxb. Văn Hóa, 1996, không thấy tác giả đề cập đến vấn đề Phương pháp sử học. Bộ sách Tìm Về Cội Nguồn (hai tập), Nxb. Thế Giới, Hà Nội 1998, của Phan Huy Lê dày khoảng 1750 trang mà chỉ có 21 trang đề cập đến một số vấn đề tản mạn như Sử học Việt Nam trên đường đổi mới (đăng trên báo Nhân dân chủ nhật ngày 15-1- 1992), Tính khách quan trung thực của khoa học lịch sử (Lao động ngày 2-9-1995), Nghiên cứu sử học hiện nay ở Việt Nam (Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế do Hội nghiên cứu Á châu của Mỹ tổ chức tại Honolulu (Hawaii) ngày 11-14. 4. 1996).

11.- Bách Khoa, số 237, ra ngày 15.11.1966, tr. 30.

12.- Lê Thành Khôi, Le Viet Nam : Histoire et civilisation, Paris, les Editions du Minuit, 1955.

13.- Bách Khoa, bài đã dẫn, tr. 30, 31.

14.- Bách Khoa, bđd, tr.31, 32.

15.- Bách Khoa, số 238, ra ngày 1.12.1966, tr. 36.

16.- Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Khai Sinh, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, nhà in Sao Mai, Huế 1965.

17.- Việt Nam Thời Khai Sinh, phần Mở đầu...

18.- Bách Khoa, số 201, ra ngày 15.5.1965.

19.- Bách Khoa, bđd, tr. 28.

20.- Bách Khoa, số 206, ra ngày 1.8.1965, bài Trở lại vấn đề Hùng vương hay Lạc vương, tr. 40.

21.- Bách Khoa, số 201, ra ngày 15.5.1965, bài Bàn về Hùng Vương, tr. 34.

22.- Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người, Và Đất Việt, Nxb Văn Nghệ, Califotnia, 1989, tr. 83.

23.- Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Nxb Văn Học, 1999, tr. 201.

24.- Tạ Chí Đại Trường, Sđd, tr. 202.

25.- Việt Nam Thời Khai Sinh, tr. 226.

26.- Việt Nam Thời Khai Sinh, tr. 336.

27.- Nguyễn Phương, Cổ sử Việt Nam trong Ngoại Kỷ Toàn Thư, bản thảo, tr. 1.

28.- Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn, Khai Trí xuất bản, 1967.

29.- Các nhà sử học Cộng sản như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng v.v... nói chung đều nhìn phong trào Tây Sơn như một cuộc cách mạng nông dân với hầu hết tác phẩm của họ. Xin đọc thêm Phan Huy Lê trong hai tập Tìm Về Cội Nguồn, Nxb Thế Giới, Hà Nội 1998.

30.- Trần Gia Phụng, Những kỳ án trong Việt sử, Nxb Non Nước, Canada, 2000, tr 107; Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt sử, Nxb Non Nước, Canada, 1997, bài Ngọc ẩn trong đá (trang 203-224), chú thích số 22.

31.- Tạ Chí Đại Trường, Những vấn đề không cần bàn cãi nhiều, Thế Kỷ 21, số 158, tháng sáu năm 2002, tr. 53.

32.- Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn, tr. 401.

33.- Trong kinh Phật có câu “Quang trung hóa phật vô số ức...”. Tạ Chí Đại Trường, trong Thần, Người Và Đất Việt, trang 33, phủ nhận tính xác thực của pho tượng Quang Trung này.

34.- Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử: Bài của ông Văn Tân: “Ai đã thống nhất Việt nam : Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Trả lời cho ông Nguyễn Phương, Bách khoa Sài gòn”, số tháng 9 năm 1959.

Tạp chí Bách Khoa “Ai thống nhất Việt nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh ? của Nguyễn Phương, số 148, 149 (1963). Tạp chí Đại Học : Bài của Nguyễn Phương trả lời cho Văn Tân đề là “Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh” “ số 35-36. (Tháng 1&2, năm 1964).

35.- Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, sđd, trang 153. (Dẫn từ Hugues Tertrais của Nguyễn Thế Anh, “Historical Research in VN: a Tentative History”, trong Journal of Southeast Asian Studies,số tháng 3.1995). Xem thêm Tạ Chí Đại Trường, bài Những vấn đề không cần bàn cãi nhiều, Thế Kỷ 21 số 158, Tháng Sáu năm 2002.

36.- Tạ Chí Đại Trường, Sđd, tr. 202.

37.- Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, Bản thảo đánh máy, tr. 2.

38.- Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, tr. 29.

39.- Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, tr. 74.

40.- Việt Nam Thời Bành Trướng : Trịnh Nguyễn, tr. 101.

41.- Luận án Tiến sĩ tại Đại Học Australian National University, do Nguyễn Nghi dịch, nhà xuất bản Trẻ, Sài Gòn, nhan đề sách bằng tiếng Anh là The Inner Region:A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in Seventeenth and Eighteenth Centuries, 1992. Tác giả: bà Li Tana hiện nay là Giáo sư tại Australian National University ở Canberra. Tôn Thất Thiện, Các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong và Việt Nam ngày nay, Một cách nhìn mới về nhà Nguyễn (Nhân đọc tác phẩm “Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế- xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 của Li Tana, Đại học Quốc Gia Úc, 1991), Thế Kỷ 21 số 169, Tháng Năm 2003. Trần Gia Phụng, Quảng Nam đã bị Chúa Trịnh nhượng cho người Hòa Lan, Thế Kỷ 21 số 172, Tháng Tám 2003.

42.- Nguyễn Phương, The Ancient History Of Vietnam, A new study, Bản ronéo, 1976, tr. 1.

43.- The Ancient History Of Vietnam, A new study, tr. 7.

44.- Nguyễn Phương, A Parade Of American Puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975, Bản in ronéo, 1978, tr. 101.

45.- A Parade Of American Puppets, tr. 249.

46.- A Parade Of American Puppets, tr. 350.

47.- A Parade Of American Puppets, tr. 356.

48.- Gabriel M. Roschini, O.S.M., La Vierge Marie dans l’oeuvre de Maria Valtorta, Éditions M. Kolbe (Canada) & Edizioni Pisani (Italie), 1973.

49.- Tác phẩm được viết bằng tiếng Ý nhan đề Il Poema Dell’Uomo-Dio, 10 tập (Centro editoriale Valtortiano), được dịch ra tiếng Anh The Poem Of The Man-God, 5 tập (Jan. 1987). bản tiếng Pháp có tên L’Évangile tel qu’il m’a été révélé, 10 tập, Mars 1988., cũng do Centro editoriale Valtortiano xuất bản.

50. Phiên âm Hán Việt từ chữ Kumarajiava, Fung-Yu-Lan, A Short History Of Chinese Philosophy, The Free Press, 1966, p. 15. Bản dịch tiếng Việt của Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, nhan đề Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, Nxb Thanh Niên, TPHCM, 1999, tr. 31.



---

0 Comments:

Post a Comment

<< Home