từ chính sử đến dã sử... - nguyễn đức cung
Nguyễn Đức Cung
Cicero (106-43 trước Công-Nguyên), một nhà hùng biện kiêm chính trị gia lừng danh thời cổ La mã đã có nói: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời” (Historia, magistra vitae). Câu nói này vốn để lại nhiều suy gẫm về ý nghĩa cho biết bao thế hệ từ đó cho đến ngày hôm nay. Bài học lịch sử là bài học kinh nghiệm đúc kết qua thời gian, kinh qua bản thân mình hay tha nhân, bạn cũng như thù, người xưa cũng như người nay. Bài học đó được viết đi viết lại dưới nhiều hình thức của văn chương, qua nhiều nhãn quan và cảm hứng tùy theo trình độ của người viết, môi trường họ được nuôi dưỡng và huấn luyện, dạy dỗ và lớn lên, trưởng thành để thâu thái kinh nghiệm. Bài học lịch sử không vì ảnh hưởng của giới tính, tuổi tác, chủng tộc hay tôn giáo của tác giả mà mất đi giá trị nội tại của nó nhưng trái lại nó đã hiện diện như một thực thể không cần chứng minh cũng tựa như bầu khí ta đang thở không thấy mà vẫn có, và vẫn trường tồn bất diệt mà mọi người đều có thể tự do sử dụng, tha hồ học hỏi, giống như lời thi hào Tô Đông Pha nói trong bài phú Tiền Xích Bích của văn học cổ Trung Hoa: “thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt” (lấy mà không cấm, dùng mà không hết). 1
Đối với dân tộc Việt nam, các biến cố lịch sử đã được ghi nhận qua từng triều đại dưới các ngòi bút thuộc nhiều quan điểm khác nhau hay thuộc nhiều trường phái khác biệt đôi khi chống phá lẫn nhau 2 cho nên việc tìm hiểu giá trị của các khuynh hướng sử học xuyên qua cung cách, bút pháp, quan điểm ghi lại các biến cố thời đại luôn luôn vẫn là điều cần thiết. Sử học là một khoa học nhân văn so trong chương trình giáo dục của Việt Nam trước đây vẫn còn khá mới mẻ, bởi vì cách đây hơn một nửa thế kỷ, chúng ta vẫn còn phải học câu “Nos ancêtres sont des Gaulois” (tổ tiên của chúng ta thuộc giống Gôloa) 3. Có nhiều khuynh hướng viết lịch sử, theo nhiều thể loại, với các dụng tâm khác nhau cho nên việc góp ý về một vài vấn đề lịch sử vốn đã từng bị hiểu lệch lạc, sai lầm xét ra cũng có tác dụng làm phong phú thêm kho tàng tư liệu sử học. Ngày nay, việc viết lại lịch sử, hay đóng góp một số nhận định, phân tích về các đề tài lịch sử luôn luôn là vấn đề cần thiết nhất là góp ý vạch trần chính sách lợi dụng bộ môn sử học để tuyên truyền ru ngủ quần chúng đặc biệt những giới bình dân ít học, hoặc lợi dụng lịch sử để xây dựng những biểu tượng dối trá, đánh bóng lãnh tụ, tôn sùng thần thánh hóa cá nhân 4 mà mục đích chỉ nhằm dối gạt quần chúng, đánh lừa dư luận hòng tiếp tục ngồi trên ghế cai trị của một tập đoàn bất nhân như chế độ Cộng sản tại Việt Nam hiện nay, thiết tưởng cũng cần được lưu tâm cảnh giác không chỉ trong giới nghiên cứu sử học hoặc trong giới hoạt động chính trị mà còn ở ngoài quần chúng nữa. Đối với những người Việt nam tuổi đời từ 40, 50 trở lên tương đối có ít nhiều hiểu biết và đóng góp vào lịch sử Việt nam kinh qua cuộc chiến tranh quốc-cộng, có thể họ không bị sách vở và hệ thống tuyên truyền của chế độ Cộng sản đánh lừa, nhưng đối với các thế hệ trẻ người Việt lớn lên tại hải ngoại chắc chắn lớp người đi sau sẽ không tránh khỏi bị đầu độc, tiêm nhiễm các luận điệu sai lầm khi đọc lịch sử đất nước thông qua các tài liệu do chế độ Cộng Sản cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, do ý thức bén nhậy và nỗ lực tìm hiểu sự thật của các tầng lớp trí thức trẻ tuổi, chắc chắn họ sẽ tiếp cận được với chân lý của lịch sử bao lâu họ có quyết tâm tìm về các nguồn sử học chân chính, tìm hiểu thực chất của các khuynh hướng biên soạn lịch sử nước nhà, phân tích được giá trị của các nguồn tư liệu, sử phẩm có trong thư viện hay được dùng trong chương trình giáo dục của nhà trường với tinh thần vô tư, khoa học.
Dưới nhiều hình thức của các bộ môn văn chương, lịch sử Việt nam đã được ghi lại rất sớm, có người cho rằng từ thời nhà Ngô, Đinh rồi Tiền Lê đã có những hoạt động ghi lại các biến cố lịch sử 5 tuy nhiên dư luận chung vẫn cho rằng Lê Văn Hưu (1230- 1322) với bộ Đại Việt Sử Ký là người khởi đầu cho một quá trình biên soạn lịch sử của một đất nước đã có kỷ cương nền nếp. Có nhiều khuynh hướng biên soạn lịch sử được tạm thời tổng quát hóa theo các quan điểm sau đây: chính sử, dã sử, sử học do người ngoại quốc viết, sử quan duy vật mác xít, sử học quốc gia.
Từ quan điểm lịch sử cung đình...
Gọi tên “lịch sử cung đình” là lối gọi có tính cách thời thượng, hiện đại thật ra đó là một lối viết được gán cho khuynh hướng ghi chép các biến cố lịch sử của “chính sử” hay “sử học chính thống” nếu nói theo danh từ của môn Phương pháp sử học nhằm phân biệt với “dã sử”. Chính sử là sử sách do cơ quan chính thức của triều đình quân chủ biên soạn thường gọi là Quốc sử quán do các viên chức khoa bảng của triều đình được chỉ dịnh đứng ra sưu tập tài liệu và biên soạn lịch sử các triều đại hay các biến cố của quốc gia. Dã sử (dã là đồng nội, chốn dân gian – theo Đào Duy Anh) là sử sách do dân chúng ngoài xã hội viết về các biến cố quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế v.v... Sử gia Nguyễn Phương đã gọi một cách tổng quát hai nguồn sử liệu chính sử và dã sử là sử liệu công và sử liệu tư 6.
Sử học truyền thống Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nền sử học truyền thống Trung Hoa cho nên các sử gia chính thống nước ta trước đây đã sử dụng các lối chép sử của Bắc phương trong khi biên soạn tác phẩm của mình đó là lối kỷ truyện, biên niên và cương mục.
Trước hết, lối kỷ truyện bắt chước theo phương pháp của sử gia Tư Mã Thiên (145-86 ? tr. C.N.) khi ông này viết bộ Sử Ký tức là lối viết lịch sử dưới hình thức tiểu sử các nhân vật “lấy nhân vật làm trung tâm, đã kể lại có hệ thống lịch sử hoạt động các loại nhân vật trong ba nghìn năm của Trung quốc cổ đại, phơi bày hình tượng lịch sử rực rỡ đẹp mắt trong một quyển sách dài, các bài truyện ký đều có tình tiết câu chuyện rất sinh động, miêu tả các cảnh hoạt động và chi tiết một cách sống động như thật, khẩu ngữ hóa ngôn ngữ một cách linh động hoạt bát...” 7. Một lối viết có tên liệt truyện cũng được các nhà biên soạn sử học Việt Nam dưới các triều đại quân chủ trước đây sử dụng với các bộ sử có tên như Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện v.v... mà hình thức cũng không khác lối kỷ truyện bao nhiêu.
Thứ đến là lối biên niên đã được Khổng Tử sáng tạo đầu tiên để cắt bỏ và sửa chữa sử nước Lỗ mà biên soạn thành sách Xuân Thu, một tác phẩm có lẽø ngài đã gửi gắm sở nguyện rất nhiều trong đó khi nói rằng “biết ta cũng là nhờ sách Xuân Thu, buộc tội ta cũng là vì sách Xuân Thu” (tri ngã dã kỳ duy Xuân Thu hồ, tội ngã dã kỳ duy Xuân Thu hồ!). Sách này chứa đựng cả một triết lý về chính trị: vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con, mọi người đều phải cư xử theo đúng danh phận của mình. Đây là lối viết của tất cả các bộ chính sử, kể lại sự kiện theo thứ tự thời gian, thí dụ muốn chép một sự việc nào, trước hết người ta ghi niên hiệu của hoàng đế, rồi đến tháng, mùa, có khi ngày, và nếu có hiện tượng thiên văn gì cũng ghi nhận luôn. Lối viết này cũng gây trở ngại cho người đọc là khó nắm bắt được các sự kiện vốn phải liên lạc mật thiết với nhau nhưng lại bị dàn trải rải rác trong thời gian.
Nhận định về sử biên niên, giáo sư Nguyễn Phương cho rằng “Trong loại nầy, sử gia lấy thời gian làm bố cuộc, thuật hết chuyện ngày nầy mới qua chuyện ngày khác, hết tháng nầy rồi mới qua tháng khác, v.v... Lấy thời gian làm đơn vị căn bản như thế, một chuyện xảy ra bên tây có thể nằm bên cạnh một chuyện xảy ra bên đông, nếu cả hai xảy ra trong cùng một ngày. Vì thế đặc điểm của loại sử biên niên là thiếu tính cách tổng hợp. Ngoài ra, những sử gia chép loại sử biên niên, như các tác giả của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thường ít có óc khảo chứng nên sự kiện có nhiều chỗ phi phỏng.” 8
Sau hết, lối cương mục tức là thể loại phỏng theo phương pháp của bộ Cương mục của Chu Hy (1130-1200), nhà tư tưởng và nhà giáo dục trứ danh thời Nam Tống. Trình bày ý nghĩa và phân tích sự lợi hại của lối chép sử này, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã viết: “Các việc đều chép theo thứ tự thời gian đã đành (phép chép biên niên), nhưng ngoài ra còn tóm đại ý việc định chép trong một đoạn hoặc một câu ngắn để nêu lên như một tiểu đề, rồi ở dưới mới chép tự sự rõ ràng các công việc đã xảy ra (cương là giềng, tức là dây cái của lưới; mục là mắt lưới). Nhưng vì chú ý nêu việc lớn làm cương để ghi việc nhỏ làm mục ở sau, đã phải bỏ đi rất nhiều việc khó gắn vào làm mục cho cương đã nêu ra.” 9 Tuy nhiên theo nhận định của giới nghiên cứu sử học gần đây lối cương mục cũng là một hình thức ghi chép lịch sử có tính tổng hợp cao hơn phép biên niên. 10
Nói chung, các nguồn sử liệu này có những giá trị nằm trong các phạm trù riêng biệt mà khi sử dụng người ta cần phải cẩn án theo phương pháp sử để tìm ra sự thật lịch sử. Có người cho rằng “sử quan thường là quan lại của triều đình hoặc là những sĩ phu thấm nhuần tư tưởng nho giáo. Họ ghi chép đúng ý của triều đình và theo quan điểm nho giáo. Lịch sử được phản ảnh trong điều kiện đó cho nên không hẳn hoàn toàn trung thực. Lịch sử cung đình được soạn thảo chính thức để lưu truyền công khai. Thậm chí dân chúng còn bị bắt buộc phải chấp nhận quan điểm lịch sử cung đình. Nó được giảng dạy ở nhà trường, được lưu trữ ở các thư quán, văn khố. Đó là cách ghi chép sử và truyền bá dưới chế độ phong kiến chuyên chế. Ai nói khác sẽ mắc tội phản quốc hoặc khi quân phạm thượng bay đầu như chơi...” 11
Thật ra phong cách viết sử của các sử gia chính thống dưới các chế độ quân chủ nhiều khi tỏ ra rất phóng khoáng, tự do, chứ không quá khắt khe, cứng ngắc, xưng tụng một chiều quá đáng dòng họ thống trị. Các sử gia chính thống cũng đã biết phối hợp các nguồn tài liệu để đạt tới chân lý lịch sử, khen chê những chỗ hợp tình, hợp lý, sử dụng bút pháp một cách cẩn trọng, không đến nỗi quá phiến diện, thiên chấp. Đọc đoạn văn sau đây sẽ thấy chỗ dụng công của các nhà viết sử chính thống: “Người ta hay chê chính sử có nhiều thiên lệch như trường hợp sử quan nhà Nguyễn gọi Tây sơn là ngụy Tây, Tây tặc, gọi các cuộc chiến đấu của anh em họ là “nhập khấu” (vào ăn cướp)... Sử quan chỉ chép những sự việc của Tây sơn, Trịnh Lê khi chúng có liên quan tới Chúa của họ thôi. Dã sử sẽ bổ khuyết vào sự thiếu sót đó... Chính sử quan nhà Nguyễn cũng biết bổ khuyết tài liệu mình có được bằng cách tham bác dã sử khi viết về tổ chức quân chính triều Tây sơn chẳng hạn. Họ cũng đã dùng những chữ rất kêu để khen tài Nguyễn Huệ, cũng không giấu tật xấu say sưa của Nguyễn Văn Thành, tật ham chơi trong tình trạng chiến tranh của Thành, Duyệt, Huỳnh Đức... Cho đến cả việc quan quân Gia Định có người đi cướp của dân, sách nhiễu dân chúng, họ cũng ghi rõ”.12 Đó là nhận định của một nhà nghiên cứu sử học miền nam trước năm 1975 khi ngòi bút của giới sử học ở đây không bị câu thúc, không bị lãnh đạo bởi một ý thức hệ chính trị nào.
Ngược dòng quá khứ, ngay chính vua Tự Đức khi ban bút phê về việc biên soạn pho Khâm định Việt sử Thông Giám Cương mục, cũng đã có những ý kiến khoa học, mới mẻ về phương cách chép sử, đã tỏ dấu nghi ngờ về hai niên kỷ Kinh Dương vương và Lạc Long quân, cũng như về phạm vi quá rộng rãi của nước Văn Lang ngày xưa mà cho rằng “chẳng qua là sử cũ chép quá phô trương đó thôi.” 13
Để tìm hiểu quan điểm của giới nghiên cứu sử học miền bắc đối với các nguồn sử liệu chính thống hay trường phái “lịch sử cung đình”, chúng ta thử đọc vào đoạn văn sau đây: “Nói chung nguồn sử liệu chính thống phản ánh tư tưởng, mong muốn và ý đồ chính thức của giai cấp thống trị. Mặt khác, nó cũng mang những thông tin – ở những mức độ chính xác khác nhau – về tình hình chung của cả nước hoặc ở từng đơn vị hành chính. Nguồn sử liệu chính thống bao gồm nhiều mặt khác nhau: chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự, ngoại giao v.v... Trong hoàn cảnh nước ta trước đây, khi mà những điều kiện ghi chép sự việc chưa phát triển, nhất là trong các tổ chức tư nhân, nguồn sử liệu chính thống hết sức quý giá. Chẳng hạn, các bộ sử biên niên chính thống của nước ta trước đây (như bộ Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn) có thể coi là nguồn sử liệu lớn nhất và đáng tin nhất về các thời đại được ghi chép. Một bộ luật còn lại như luật Hồng Đức không chỉ giúp chúng ta hiểu được tư tưởng của giai cấp thống trị ở thế kỉ XV mà còn để lại cho chúng ta một số thông tin đáng quý về tình hình xã hội”14. Tình hình xã hội là gì, dưới con mắt những người viết sử thuộc giai cấp vô sản, nếu không phải là thực trạng của cuộc sống mọi tầng lớp dân chúng. Khối tài liệu lịch sử viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm (chính sử) còn giữ lại được trong các văn khố quốc gia hay tại các thư viện tư nhân chính là bằng chứng hùng hồn về sức sống mãnh liệt và sinh động của dân tộc Việt Nam.
Về phương diện đánh giá một sử phẩm, mà ở đây lại là một sử phẩm có liên hệ với “lịch sử cung đình”, sử gia Nguyễn Phương đã viết: “Các sử phẩm tồn tại được để thách thức với thời gian thường nhờ hai tính cách: tính cách độc nhất của nó, hay là tính cách đúng đắn hợp với sự trình bày tuyệt diệu của nó. Về phương diện độc nhất, một sử phẩm dầu không hay ho gì, cũng vẫn được mọi người quý mến vì những chứng tích chứa đựng trong nó, mà người ta không thể gặp được ở bất cứ một nơi nào khác. Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chẳng hạn, về mặt văn chương, chẳng có gì hấp dẫn bao nhiêu, nhưng nó đã sống được mấy thế kỷ và thiết tưởng bao lâu còn nước Việt Nam nó còn sống mãi như vậy.” 15
Trong giới sử học Việt Nam, nhất là tại miền nam trước năm 1975, đã có những nỗ lực để đánh giá lại các công trình biên khảo sử học của trường phái “lịch sử cung đình” chẳng hạn như các công trình biên khảo của sử gia Nguyễn Phương đăng tải trên tạp chí Bách Khoa ở Sài gòn, tạp chí Đại Học ở Huế trong hai thập niên 60 và 70 với mục đích thử giải quyết một số vấn đề sử học như nguồn gốc dân tộc Việt Nam, phương pháp sử học, vấn đề Tây Sơn (dẫn đến cuộc bút chiến với Văn Tân, viện trưởng viện Sử học Hà Nội, năm 1963, về chủ đề “Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh ?”) qua đó thẩm định giá trị các nguồn sử liệu chính thống như Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, phân tích giá trị quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Thời Chí. Cũng thông qua các công trình biên khảo sử học quý giá như Việt Nam, Thời Khai Sinh (1965), Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn (1967), Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn (chưa xuất bản) nhất là qua tác phẩm Cổ Sử Việt Nam Trong Ngoại Kỷ Toàn Thư (chưa xuất bản), sử gia Nguyễn Phương đã mạnh dạn đánh giá lại các tác phẩm sử học kinh điển của tiền nhân với tinh thần khách quan, khoa học chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta có thêm nhiều tư liệu để thẩm định giá trị các sử phẩm ngày xưa một cách công bình, sáng suốt hơn.16
Dưới thời các vua nhà Nguyễn, ngành biên soạn sử học đã đi vào nền nếp với những công trình đại qui mô nói lên tầm vóc của nhà nước quân chủ phong kiến như các bộ Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Thực Lục, Liệt Truyện Chính Biên, Liệt Truyện Tiền Biên, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu... được tiếp tục bổ sung, biên soạn qua nhiều thế hệ của triều đại nhà Nguyễn. Nhận định về các công trình biên soạn đó, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cho rằng “tổ chức ghi chép sử có hệ thống và công trình lưu lại đồ sộ nhất là của triều Nguyễn thế kỷ XIX. Nhà Nguyễn cũng thực hiện một lối viết sử mới có tính chất tổng hợp hơn so với phép biên niên trước, đó là phép cương mục tóm thâu sự việc vào một đề tài và đưa chi tiết vào sau đó. Thật ra phép cương mục cũng dựa vào lề lối của một bộ sử đồ sộ đời Tống, và Hồ Tông Thốc ở thế kỷ XIV từng viết một bộ Việt sử cương mục đã thất truyền, nhưng bộ Khâm định Việt sử cương mục của Quốc sử quán Nguyễn quả là lớn nhất theo lối này ở Việt Nam.” 17
Sau này cũng đã có nhiều nỗ lực để phiên dịch và ấn hành các công trình nghiên cứu, biên soạn sử học của các triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam của nhà cầm quyền trước đây ở miền nam do cố gắng của một số cơ quan như Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu, Phòng Nghiên Cứu Sử thuộc Viện Đại học Huế, Viện Khảo Cổ, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, và một số cơ sở tư nhân ở Sài Gòn. Trong tinh thần tự do, dân chủ, ngành sử học của miền nam đã có những bước phát triển trong quan điểm nghiên cứu, sáng tác.
...Đến khuynh hướng lịch sử dân gian.
Lịch sử dân gian hay dã sử cũng chỉ là một tức là do dân chúng ngoài dân gian viết ra, như đã nhắc đến khi phân tích về quan điểm lịch sử cung đình. Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã cho rằng: “Bên cạnh các bộ chính sử, còn có những bộ dã sử (nhất là từ khoảng thế kỷ XI trở đi); đấy là những quyển sách do tư nhân soạn, do những văn gia đã muốn chép lại những sự việc có liên quan đến lịch sử. Các quyển dã sử này cho phép bổ túc hay đính chính những điều sai lầm hay thiên lệch của những bộ sử do các sử quan thực hiện. Tuy nhiên, dù là chính sử hay dã sử, việc chép sử vẫn chỉ là độc quyền của một giai cấp xã hội hạn chế, giai cấp sĩ phu. Giới này, dù viết sử tại sử quán theo lệnh của nhà vua, hay chép sử tự ý mình, cũng chỉ nhìn thấy có một khía cạnh của sự việc mà thôi, và các tác phẩm của họ chỉ phản ảnh các chuyên tâm của giai cấp sĩ phu; họ nhìn các giai cấp xã hội khác theo cái nhìn riêng của giới sĩ phu: các hoạn quan là địch thủ của họ tại triều đình, thường được trình bày như là những loạn đảng; giới thương gia của các đô thị ít khi được đề cập đến; nông dân chỉ được nhắc đến khi mà họ nổi loạn và đe dọa trật tự xã hội”. 18
Những người viết dã sử hay sử liệu tư nhân đa số đều không muốn để tên họ rõ ràng trên tác phẩm của mình, có lẽ là do họ ưu tư về những di lụy, vướng víu với những hệ quả do ảnh hưởng của tác phẩm gây ra cho họ và cho con cháu về sau, là những tư nhân hay văn gia có ý muốn biên soạn lại những biến cố hay sự kiện có liên quan đến lịch sử do ý thích của mình hay do những quan hệ nào khác khiến cho họ cảm thấy thôi thúc cần viết lại. Vấn đề tư nhân viết sử, xuất phát do việc Khổng Tử viết sách Xuân Thu, đã làm tăng thêm tính sáng tạo trong nền sử học Việt Nam vốn chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung quốc 19.
Thật ra, dã sử cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc bổ khuyết cho chính sử, đã giúp cho người viết sử giải quyết được rất nhiều vấn nạn trong khi nguồn sử học chính thống không đủ tư liệu để cung cấp lời giải đáp do vấn đề liên quan đặt ra. Lấy một thí dụ về cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn, bên cạnh những tài liệu về chính sử như Thực Lục, Liệt Truyện, Cương Mục, giới nghiên cứu sử học cũng đã sử dụng rất nhiều tài liệu dã sử như Tây Sơn sử truyện, Vãn Lê di sử, Tây Sơn thuật lược, Lê kỷ dã sử, Việt sử bổ di... để xây dựng lại quá khứ của một thời kỳ nhiễu nhương đen tối trong lịch sử Việt Nam. Những giai thoại lịch sử, những lời đồn, những câu ca dao, đồng dao, những lời nói ví von, ẩn dụ mà căn bản là của những câu chuyện dã sử đã cung cấp cho sử gia rất nhiều chất liệu để xây dựng lại cả một giai đoạn lịch sử kéo dài từ năm 1775 đến năm 1802. Câu chuyện tấm biển đồng đề các chữ “Tây sơn Nguyễn Nhạc vi vương” đặt trên núi cao đêm đêm có lửa rọi vào cũng nằm trong âm mưu thần thánh hóa lãnh tụ do chính Nguyễn Nhạc tạo dựng nên đã được dã sử ghi lại. Chuyện kể rằng: “Nhạc là người cơ trí, bèn làm một biển đồng khắc sáu chư “Tây sơn Nguyễn Nhạc vi vương”. Ban đêm ông sai người đem lên dựng tận trên đỉnh núi, rồi cứ canh hai cho đốt lửa chiếu vào. Người ta ai cũng lấy làm lạ. Nhân có ngày giỗ, Nhạc mời người khắp nơi đến dự. Tối đó, khi ăn uống no say rồi, bọn hương hào bảo nhau: “Đã hai tháng nay, ở trên núi ban đêm có lửa, không hiểu chuyện gì?” Tất cả hùa nhau đi xem, Nhạc cũng xin đi theo. Khi họ đến lưng chứng núi, ở trên bỗng có tiếng hô to xuống rằng: “Chúng bay lên núi làm gì? Có ai là Nhạc đó không?” Họ khiếp sợ, Nhạc cũng thất kinh. Họ thưa lại rằng: “Tên thần hỏi Nhạc làm gì?” Người trên núi nói: “Chúng bay dừng lại đó, chỉ Nhạc được lên nhận mật thư thôi”. Nhạc run sợ, kêu nài mọi người xin cho khỏi phải lên, nhưng không sao được. Rồi Nhạc lên núi nhận xuống một tấm biển mang về nhà. Khi thấy tên học được ghi rành rành, ai nấy đều kinh khủng. Hôm sau, ông giết trâu bò cùng dân chúng thề ước chiêu quân. Mọi người đều cho là điềm tốt. Nhiều kẻ tin theo Nhạc.” 20. Câu chuyện được vận dụng trong một thời điểm mà sự mê tín vốn là hiện tượng rất phổ thông trong tâm thức quần chúng Việt Nam, chắc chắn không phải là không có tác dụng tranh đoạt được sự ủng hộ của dân chúng nhất là những kẻ ít học.
Với câu nói ngắn ngủi như “binh triều binh Quốc phó, binh ó binh Hoàng tôn” tuy là của một tài liệu chính sử 21 nhưng tính chất tuyên truyền mang đậm ý nghĩa đả phá và tôn phù do Tây sơn đưa ra trong buổi đầu của cuộc khởi nghĩa, lại dường như mang dáng dấp của một lời đồn chính trị rõ ràng nói lên ý thức đối kháng giữa hai lực lượng một bên là quân đội của Quốc phó Trương Phúc Loan (tham nhũng, thối nát)) và một bên là lực lượng của Tây sơn là lực lượng của đông đảo nhân dân (khi xung trận thì la ó vang trời để trợ lực cho thanh thế) lúc bấy giờ đang ủng hộ hoàng tôn Dương, cho thấy “cả một mánh lới tuyên truyền đầy ý nghĩa và hiệu lực” 22.
Về dáng dấp, khuôn mặt của một nhân vật lừng danh như Nguyễn Huệ, tài liệu của sử quan triều Nguyễn mô tả ông là người có tiếng nói sang sảng như chuông, tướng đi như hổ, cử chỉ nhanh nhẹn như điện chớp và người đời lúc bấy giờ sợ quân Tây sơn như sợ cọp. Một tài liệu dã sử khác được cho là tả đúng khuôn mặt của Nguyễn Huệ một cách thực hơn: “Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...” 23 hầu như đem lại cả một phong vị thích thú cho người đọc sử về sau hơn là khi đọc thấy nhưng lời mô tả chân dung mang tính ước lệ của văn phong kinh điển của ngòi bút sử quan ngày trước.
Thêm vào đó những câu ca dao lịch sử trước sau thuộc vào giai đoạn tao loạn đó cũng có ít nhiều đóng góp sử sự cho các nhà biên soạn lịch sử về sau như:
Trăm quan có mắt như mờ,
Để cho Huy-quận vào rờ Chính-cung.
nói về việc thông gian giữa quận Huy Hoàng Đình Bảo với Đặng Thị Huệ, mẹ của Trịnh Cán dẫn đến sự sụp đổ của họ Trịnh.
Hay câu:
Đầu cha lấy làm chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
là một lối chơi chữ chiết tự như sau: chữ quang (tên Quang Trung) có chữ tiểu ở trên đem xuống để vào phần dưới của chữ cảnh (tên Cảnh Thịnh, con Quang Trung).
Hoặc câu ca dao được truyền tụng một thời:
Lạy trời cho chóng gió nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra...
nói lên phần nào lòng dân chúng lúc bấy giờ đối với thời thế có vẻ nghiêng chìu về phía ủng hộ chúa Nguyễn Ánh.
Dĩ nhiên lợi điểm thứ nhất của dã sử là không bị ràng buộc vào khuôn phép khắt khe của triều đình, vào dư luận một chiều hay bầu không khí hoặc mô thức được đóng khung sẵn của xã hội đương đại. Tuy vậy, sự phổ cập nội dung một tài liệu dã sử cũng khó thực hiện nếu nó mang nhiều tính cách chống đối chính quyền hoặc đi ngược lại với dư luận chung trong xã hội. Tư liệu lịch sử do đó sẽ chỉ được lưu truyền trong dòng tộc, bà con mang tính cách của một thứ gia bảo, hay gia phả không tiện phổ biến ra bên ngoài.
Do những hạn chế trong việc bảo lưu tài liệu dã sử trong gia đình nên loại tài liệu này đã bị thất truyền, tam sao thất bản qua thời gian khiến cho việc biên soạn lại lịch sử đất nước gặp nhiều khó khăn mà chính Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng đã phải thốt lên rằng: “Nước ta thiếu sử sách biên chép, mà sự thực đều do truyền văn, lời ghi có phần quái đản, công việc hoặc có sót quên, cho đến sao viết không đúng, biên chép phiền tạp, chỉ làm loạn mắt...” Dĩ nhiên việc sử dụng tài liệu dã sử đòi hỏi sử gia óc phê phán, phân tích và tổng hợp theo tinh thần khoa học, biết cân nhắc các tư liệu khi đến tay, đánh giá sử liệu với đầu óc nhạy bén, sâu sắc. Việc sử dụng nhuần nhuyễn tài liệu dã sử đòi hỏi nhiều công phu về cẩn án vì phải truy nguyên nhiều thứ có liên quan tới tài liệu ví dụ tác giả, nguồn gốc xuất phát tư liệu, thời điểm, địa điểm, môi trường gia đình, xã hội, thể loại sáng tác (cũng có liên quan phần nào đến địa phương và thời điểm lưu hành tác phẩm).
Một điểm cần lưu ý là sử liệu tư nhân đa số đều là những nguồn sử liệu tiên nguyên, sử liệu trực tiếp hay là sử liệu đầu tay nghĩa là “tác giả trực tiếp biết sự kiện hoặc là nhờ chính mắt thấy, hoặc nhờ chính tai nghe, hay là chính tác giả là người đã đóng một vai trong các việc xảy ra”.24 Trường hợp này có thể dẫn chứng với tác phẩm Vũ Man Tạp Lục Thư của Nguyễn Tấn (1821-1871) 25. Tác giả là một viên Tiểu phủ sứ thuộc sơn phòng Quảng Ngãi, đã tình nguyện đảm nhiệm công cuộc bình định nhóm man Đá Vách từng gây nhiều khốn đốn cho triều đình nhà Nguyễn từ năm 1770 cho đến gần một trăm năm sau. Năm 1863, ông lãnh trách nhiệm ra quân dẹp giặc mọi ở miền núi hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Sau chưa đầy ba năm, ông dẹp xong và thu thập tất cả mọi hiểu biết của ông về núi rừng địa phương cùng phong tục tập quán của các sắc dân thiểu số ở đó, lịch sử kiến trí duyên cách miền thượng du để viết nên tác phẩm độc đáo Vũ Man Tạp Lục Thư mà chính cụ Cao Xuân Dục đã đánh giá là “Tập sách này cũng dùng để bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều chưa tường tận” và Henri Maitre, một nhà nhân chủng học nổi tiếng ở Đông Dương trước đây nhận xét đó là một tập hồi ký cung cấp những ghi nhận rất chính xác, rất quý giá về các sắc dân thiểu số ở Quảng Ngãi, thêm vào một trang sử rất kỳ thú về lịch sử xứ ta.26 Vũ Man Tạp Lục Thư đã là một nguồn tài liệu đầu tay và tiên khởi viết về lịch sử vùng thượng du Quảng Ngãi, Bình Định do viên Tiểu phủ sứ đầu tiên viết ra và truyền lại cho con cháu trong dòng tộc ông ở Quảng Ngãi làm kim chỉ nam cho việc bình định các sắc tộc thiểu số ở đây. Các sách vở, trước tác, biên khảo của người Pháp viết về vùng cao Nghĩa Định, rồi phần lớn các sử liệu của triều Nguyễn hoặc sách vở của các tác giả Việt Nam về sau, khi muốn truy cứu về các sắc dân thiểu số ở hai tỉnh này đều dựa trên tác phẩm Vũ Man Tạp Lục Thư. Chính một người trong dòng tộc Nguyễn Tấn cũng đã nối tiếp sự nghiệp của cha ông từ chốn rừng cao núi cả của Nghĩa Định sơn phòng, ổn định cuộc sống người dân thượng du ở đó, phát triển các phương lược chiến đấu và củng cố tư thế vững mạnh cho cơ sở quốc phòng và phát triển ở núi rừng miền tây Trung kỳ, nhờ vào kinh nghiệm tích lũy từ cuốn sách Vũ Man Tạp Lục Thư này.
Đối với những người viết sử theo khuynh hướng vô sản mác xít, việc thừa nhận các thành quả của nền sử học tư sản quả thật là khó khăn. Tuy vậy, trước những kết quả khó lòng phủ nhận được giá trị của nguồn tư liệu chúng ta đã thử lược qua ở hai phần tham khảo và nhận định nói trên, chính họ cũng phải xác nhận rằng “sử liệu tư nhân thực sự là nguồn sử liệu có giá trị và phong phú nhất về sinh hoạt xã hội và kinh tế, văn hóa hiện đại cũng như thời xưa. Nghiên cứu các vấn đề lịch sử kinh tế, xã hội thời xưa mà thiếu nguồn sử liệu tư nhân tức là thiếu về cơ bản tình hình thực tế của các vấn đề đó.” 27
Từ khi việc biên soạn lịch sử do độc quyền của các viên chức nhà nước dưới các chế độ quân chủ phong kiến hình thành có qui củ đến ý thức tự viết lấy lịch sử và do đó tạo nên khuynh hướng dã sử ở ngoài khuôn khổ của triều đình, thật ra nền sử học Việt Nam nói chung cũng chỉ nhắm nhiều vào mục đích nêu gương tốt, bài trừ việc xấu, răn dạy hậu thế với những sử sự điển hình, chung chung. Đến khi người Pháp có mặt ở Đông Dương, khuynh hướng viết sử mang một chiều hướng mới, và về sau sử học lại đi tới nhiều bước phát triển quan trọng chứa đựng các sắc thái cá biệt, xung khắc lẫn nhau trong khuôn khổ của các cuộc chạm trán ý thức hệ chính trị mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài nghiên cứu sau.
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 10-8-2003
1 Một bài phú nổi danh của Tô Thức tức Tô Đông Pha thời Đường.
2 Nói về những cuộc luận chiến giữa các quan điểm sử học mác-xít và sử học quốc gia trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước đây khởi đi từ việc bút chiến giữa Văn Tân của Viện sử học Hà Nội với giáo sư Nguyễn Phương ở Sài gòn trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử (1959) và tạp chí Bách Khoa & tạp chí Đại Học (1963, 1964) ở Sài Gòn và Huế về chủ đề “Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh” đến việc các sách vở Cộng Sản viết sau năm 1975 lên án một số các sử gia miền nam như Nguyễn Phương, Tạ Chí Đại Trường về các vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, phương pháp luận sử học, vấn đề Tây sơn v.v... và trong các trại học tập cải tạo của nhân viên và quân đội chế độ VNCH sau ngày 30-4-1975.
3 Trương Như Tảng, A Viet Cong Memoir, Nhà xuất bản Vintage Books, New York, 1985, tr.5.
4 Trần Gia Phụng, Án tích Cộng Sản Việt Nam, Nxb. Non Nước, Tỏronto, Canada, 2001, xem Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh, tr. 335
5 Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Nxb. Thanh Văn, California, tr. 137.
6 Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế xb.,1964, tr. 71.
7 Vương Tuệ Mẫn (chủ biên), 100 Danh Nhân Có Ảnh Hưởng Đến Lịch Sử Trung Quốc, bài Tư Mã Thiên, sử gia thông hiểu những thay đổi xưa nay tự trở thành trường phái riêng, tác giả Trương Đại Khả, Nxb. Thông Tin Văn Hóa, 2002, tr. 280.
8 Nguyễn Phương, Sách đã dẫn, tr. 133.
9 Nguyễn Thế Anh, Nhập Môn Phương Pháp Sử Học, Sài Gòn, 1974, tr. 10.
10 Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Nxb. Thanh Văn, Cali., 2000, tr. 137.
11 Đại Dương, Thư gởi người mới quen, Diễn Đàn Tự Do số 3, 30-9-1995.
12 Tạ Chí Đại Trường, Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử Học, Sài Gòn, 1973, tr. 16.
13 Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Khai Sinh, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế xb, 1965, tr. 155.
14 Lê Văn Sáu, Trương Hữu Quýnh, Phan Ngọc Liên, Nhập Môn Sử Học, Nxb. Giáo Dục, 1987, tr.101.
15 Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Sđd, tr. 59-60.
16 Nguyễn Đức Cung, Viết về một sử gia Việt Nam đã ra đi, Linh mục Trúc Long Nguyễn Phương (1921-1993), Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, số 435-436, tháng 1 và 2 năm 1994, xb. tại Virginia, Hoa Kỳ. Nguyễn Đức Cung, Tưởng niệm sử gia Nguyễn Phương, nguyệt san Đất Mẹ, Houston, số 49 , tháng 2 – 1994. Trần Gia Phụng, Sử gia Nguyễn Phương, người đặt vấn đề, trong Những câu chuyện Việt sử, tập 2, Nxb, Non Nước, Toronto, 1999, tr. 393.
17 Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Sđd. tr. 137.
18 Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 5.
19 Vương Tuệ Mẫn, Sđd, bài Khổng Tử, gương sáng muôn đời sánh ngang quân thân (vua và cha mẹ) Trời Đất, của Trương Kỳ Hồng, tr. 41.
20 Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr. 31.
21 Chính biên liệt truyện, q.30, 2b.
22 Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn, Sđd, tr. 41.
23 Tạ Chí Đại Trường, Lịch Sử Nội Chiến... Sđd, tr . 271.
24 Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Sđd, tr. 69.
25 Nguyễn Đức Cung, Lịch Sử Vùng Cao Qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nxb. Nhật Lệ, Philadelphia, Hoa Kỳ 1998.
26 Nguyễn Đức Cung, Sđd, tr. 84.
27 Lê Văn Sáu, Trương Hữu Quýnh, Phan Ngọc Liên, Sđd, tr. 102
0 Comments:
Post a Comment
<< Home