Thursday, February 26, 2004

Chiếc Xuồng Câu Xứ Huế - Minh Vũ Hồ Văn Châm

Vua Quang Trung

Và Chiếc Xuồng Câu Xứ Huế

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Năm 1786, chiếm xong Thuận Hóa, Nguyễn Văn Huệ, nghe lời xúi dục của Nguyễn Hữu Chỉnh, kiểu chiếu kéo toàn bộ thủy lục ra đánh Đàng Ngoài. Quân Trịnh tan vỡ nhanh chóng, các tướng Trịnh Đinh Tích Nhưỡng, Bùi Thế Dận, Trịnh Tự Quyền, Hoàng Phùng Cơ không sao ngăn cản được. Nguyễn Văn Huệ vào Đông Đô ngày 21 tháng 7 năm 1786. Đoan Nam Vương Trịnh Khải chạy lên Yên Lãng bị dân bắt, cấu rốn moi ruột tự sát. Nguyễn Văn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông nêu rõ ý tôn phù, được vua Lê phong làm Nguyên súy Dực chính Phù vận Uy quốc công, và gả công chúa Ngọc Hân cho. Ít lâu sau, vua Hiển Tông mất, Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Chiêu Thống. Trong lúc đó, ở Quy Nhơn, vua Thái Đức Nguyễn Văn Nhạc ngờ em có bụng khác nên tức tốc ra Đông Đô, úy lạo tướng sĩ, trả Bắc Hà lại cho vua Lê, rồi cùng Nguyễn Văn Huệ rút quân về. Nguyễn Hữu Chỉnh bị bỏ ở lại, sáng dậy thấy quân Tây Sơn đã rút hết, bèn vội vã chạy theo, được vua Thái Đức cho làm Trấn thủ Nghệ An, nhân thể tháp nhập Nghệ An vào lãnh thổ Đàng Trong.

Năm 1787, vua Thái Đức chia đất cho các em, tự mình cai quản từ Quảng Nam đến Bình Thuận, xưng là Trung Ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn, phong Nguyễn Văn Lữ làm Đông Định vương, cai quản miền Gia Định, đóng đô ở Sài Côn, và phong Nguyễn Văn Huệ làm Bắc Bình vương, cai quản Thuận Hóa và Nghệ An, đóng đô ở Phú Xuân. Bắc Bình vương thấy Thuận Hóa với Quảng Nam xưa nay vẫn khắng khít làm một, nên đòi thêm đất Quảng Nam. Không được chấp thuận, Bắc Bình vương tiến quân vào vây thành Quy Nhơn, vua Thái Đức thân lên mặt thành khóc lóc, Bắc Bình vương chịu giảng hòa và chia đất từ Quảng Nghĩa trờ vào cho anh.

Trong lúc anh em Tây Sơn bất hòa với nhau, Nguyễn Hữu Chỉnh chiêu binh mãi mã, củng cố thế lực ở Nghệ An, và Trịnh Bồng kéo đồng đảng trở lại Đông Đô, ép vua Lê Chiêu Thống phong làm Án Đô vương, trở lại làm chúa ức hiếp vua Lê như các đời trước. Nguyễn Hữu Chỉnh bèn kéo quân ra bắc đánh đuổi Trịnh Bồng, được vua Lê phong làm Đại Tư Đồ Bằng Trung công, lấy nghĩa phù Lê phản lại Tây Sơn. Nguyễn Văn Huệ bèn sai Võ Văn Nhậm làm Tiết chế, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm Tham tán quân vụ, đem quân từ Phú Xuân ra bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh rước vua Chiêu Thống chạy lên Yên Thế. Nguyễn Hữu Chỉnh bị tướng Tây Sơn Nguyễn Văn Hòa đánh úp bắt được, đem về Đông Đô xử chém. Lê Chiêu Thống trốn tránh lo việc trung hưng, và sai bề tôi phò bà Hoàng Thái hậu sang Tàu cầu viện. Võ Văn Nhậm bèn tôn Sùng Nhượng công Lê Duy Cận lên làm Giám Quốc. Võ Văn Nhậm là Phò mã của vua Thái Đức, lại là người có tài, nay lập công lớn, dùng Lê Duy Cận mà thu tóm đại quyền Bắc Hà trong tay, Bắc Bình vuơng nghi ngờ có nhị tâm, nên đem kỵ binh cấp tốc ra Đông Đô bắt chém Võ Văn Nhậm. Bắc Bình vương chỉnh đốn lại mọi việc, vẫn để Lê Duy Cận làm Giám Quốc, đưa Ngô Văn Sở lên thay Võ Văn Nhậm, cắt đặt các quan lục bộ và trấn thủ, rồi trở về Phú Xuân.

Năm 1788, vua Càn Long nhà Mãn Thanh Trung Quốc thừa dịp nhà Lê cầu viện nên sai Tôn Sĩ Nghị điều động 20 vạn quân và 10 vạn phu chia làm 3 đạo theo các ngã Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang tiến đánh nước ta. Càn Long gửi mật chiếu cho Tôn Sĩ Nghị vạch kế hoạch phô trương thanh thế và từ từ tiến binh, ‘để cho quân Lê đánh nhau với Tây Sơn, đại binh tiến theo làm thanh viện, đến chừng quân Lê thu phục được đất cũ, bấy giờ đứng ra giảng hòa hai bên, rồi đóng đại quân ở giữa mà kiềm chế cả hai. Nhược bằng kẻ kia (Tây Sơn) cường ngạnh, không biết sợ oai trời, bấy giờ sẽ tiến quân đến tận hang ổ của chúng (Phú Xuân) mà tiêu diệt’. Quân Mãn Thanh tiến vào nước ta, Chiêu Thống sang Kinh Bắc đón rước vào Đông Đô, còn Ngô Văn Sở rút quân bộ về giữ Tam Điệp và quân thủy về Biện Sơn, và sai Nguyễn Văn Tuyết cưỡi ngựa lưu tinh về Phú Xuân cấp báo.

Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), tin đến Phú Xuân. Để trấn an lòng người và giữ vững tinh thần tướng sĩ, Bắc Bình vương Nguyễn Văn Huệ sai đắp đàn ở Bân Sơn phía tây thành Phú Xuân để tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy năm Mậu Thân làm niên hiệu Quang Trung năm đầu, rồi chỉnh đốn voi ngựa binh lính tiến quân ra bắc. Thành Phú Xuân lúc bấy giờ có 6 vạn lính, chủ yếu là người Thuận Quảng. Vua Quang Trung để lại một vạn giữ thành, đem 5 vạn ra bắc. Ngày 29 tháng 11, đại quân đến Nghệ An, nhà vua sai Hô Hổ Hầu tuyển thêm binh, cứ 3 suất đinh lấy 1 người, được thêm 3 vạn lính nữa. Vua Quang Trung làm lễ điểm binh, tổng cộng được 8 vạn lính và 200 thớt voi. Nhà vua sai Trần Danh Bình cầm đầu sứ bộ mang thư đến bản doanh của Tôn Sĩ Nghị xin nghị hòa, lời lẽ khúm núm sợ sệt để đánh lạc hướng quân địch. Quả nhiên Tôn Sĩ Nghị mắc mưu, kiêu căng xé thư và giết Trần Danh Bình. Vua lại nhờ Nguyễn Thiếp thân hành ra Đông Đô mang thư cho Đề Lĩnh họ Đinh hẹn làm nội ứng. Bố trí xong mọi việc, vua Quang Trung ra lệnh xuất quân, ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân, đại binh đến Tam Điệp. Bọn Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ngô Thời Nhậm ra yết kiến và xin chịu tội tự tiện lui binh. Vua Quang Trung an ủi, tha tội cho các tướng, rồi gộp binh đồn trú ở Bắc Hà với đại quân, tất cả là 10 vạn người. Nhà vua cho quân lính ăn Tết trước và hẹn đến mồng bảy tháng giêng vào Đông Đô sẽ ăn Tết tiếp.

Người đời sau đọc đến đoạn sử này tự hỏi làm sao vua Quang Trung chỉ trong vòng ba bốn ngày có thể điều động 5 vạn bộ binh từ Phú Xuân ra đến Nghệ An cách nhau hơn 300 kilômét vào thời đại trên bộ chưa có phương tiện vận chuyển cơ khí. Rất may là sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã tường thuật tỉ mỉ việc vua Quang Trung chia quân ra từng nhóm nhỏ 3 người, mỗi nhóm dùng một chiếc cáng đựng khí giới, quân trang , lương thực, vật dụng cá nhân của cả nhóm, rồi một người lên nằm trên cáng để hai người kia khiêng, vừa đi vừa chạy, cứ thế luân phiên nhau, gặp sông gặp suối thì đặt cáng xuống mặt nước mà lội qua. Những nhà viết sử về sau dựa vào Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng thuật lại chuyện cái cáng , hoặc đổi ra là cái võng cho dễ hiểu hơn. Có điều là cái cáng (hay cái võng) lịch sử đó thực ra là chiếc xuồng câu của miền Bình Trị Thiên mà tác giả Hoàng Lê Nhất Thống Chí chưa trông thấy bao giờ nên tưởng lầm là cái cáng. Miền bắc miền nam có thuyền đinh, thuyền thúng, ghe bầu, ghe tam bản, ghe cà dom, nhưng không đâu có chiếc thuyền nan độc đáo của vùng Huế. Thuyền nan, còn gọi là xuồng câu, hình thon thon, dài chừng 2 đến 3 mét, rộng từ 60 đến 70 centimét, lườn thuyền làm bằng nan tre quét dầu rái và hắc ín, mạn thuyền kẹp bằng nẹp tre buộc lạt mây. Xuồng không có cọc chèo, vì di chuyển bằng dầm chứ không phải bằng mái chèo. Dầm có hai loại: dầm ngắn thì hai tay sử dụng hai cái, dầm dài thì hai tay nắm đoạn giữa mà lần lượt hạ hai đầu dầm xuống khoắng nước. Xuồng dùng để đi câu hoặc để đuổi cá vào lưới. Ngay tại Huế thì xuồng còn dùng để chở hàng quà bán rong ban đêm trên sông Hương.

Ngày 30 tháng chạp, quân Tây Sơn vượt sông Gián thủy, đánh tan đạo quân của Hoàng Phùng Nghĩa, và bắt trọn toán xích hầu của Mãn Thanh đi theo quân Lê. Ngày mồng 3 Tết, vua Quang Trung vây đồn Hà Hồi. Quân Tây Sơn la ó vang trời, quân Thanh bất ngờ bị tấn công nên kinh hoảng hạ khí giới đầu hàng. Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi, quân Thanh chống cự kịch liệt nhưng cuối cùng bại trận, chạy lui về Đông Đô lại bị quân của Đại Đô Đốc Bảo chận đánh lùa xuống Đầm Mực nên chết thêm hàng mấy vạn người. Trong lúc đó, Đô Đốc Long đánh đồn Khương Thượng rồi tiến lên công hãm thành Đông Đô. Các tướng Tàu Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng tử trận, Sầm Nghi Đống tự sát. Quân Thanh phần chết trận, phần chết đuối, phần hoảng sợ dày xéo lên nhau mà chết, sự tổn thất về nhân mạng vô cùng lớn lao. Tôn Sĩ Nghị vượt cầu phao chạy trốn, đến vùng Phượng Nhỡn lại bị phục binh của Đại Đô Đốc Lộc đón đánh, phải bỏ cả ấn tín, kỳ bài, sắc thư, chạy thoát thân về Tàu. Vua Lê Chiêu Thống cũng chạy theo rồi về sau chết ở bên Tàu. Vua Quang Trung đại thắng tiến quân vào thành Đông Đô ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), trước kỳ hẹn với quân sĩ hai ngày.

Thấy Tôn Sĩ Nghị thua chạy không còn manh giáp, vua Càn Long giận lắm, xuống chiếu điều động quân 9 tỉnh giao cho Phúc Khang An thống lĩnh chuẩn bị sang đánh nước ta. Vua Quang Trung sai Ngô Thời Nhậm thảo biểu cầu phong với nhà Thanh vận động Phúc Khang An và Hòa Thân bảo tấu với Càn Long. Cuối cùng, vua Càn Long nhà Thanh đã nghe lời bàn của triều thần, bỏ rơi Chiêu Thống và phong Quang Trung làm An Nam quốc vương.

Đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, vua Quang Trung đổi tên Đông Đô làm Bắc Thành, và trở lại Phú Xuân. Nhà vua thấy lòng người Bắc Hà còn tưởng nhớ nhà Lê, Đông Đô lại ở quá gần biên giới Tàu, bốn mặt trống trải, nên cả 3 lần ra đánh chiếm Bắc Hà, lần nào xong việc, nhà vua cũng quày quả trở lại Phú Xuân. Tuy nhiên, vua Quang Trung có nhờ Nguyễn Thiếp nghiên cứu xây thành Phượng Hoàng ở Nghệ An, ý muốn dời đô ra đấy là nơi trung độ đất nước. Nhưng rồi vua Quang Trung mất sớm, đô thành Phượng Hoàng chưa kịp xây. Vua mới Cảnh Thịnh vẫn tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân. Vả lại, lúc này vua Cảnh Thịnh kiêm tính cả giang san của vua bác Thái Đức, biên giới phía nam của Tây Sơn đến tận Bình Khang, Nghệ An không còn là trung độ đất nước nữa, nên triều đình Tây Sơn từ bỏ ý định dời đô. Phú Xuân tiếp tục là đô thành của nhà Tây Sơn cho đến năm 1801 là năm Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại thành Phú Xuân.5

Minh Vũ Hồ Văn Châm

---

0 Comments:

Post a Comment

<< Home