Thursday, January 20, 2005

một thoáng nhìn về sử học việt nam quốc nội

Tạ Chí Ðại Trường


Người ngoại quốc đến Việt Nam, ra về làm một thiên du kí, có nghiên cứu thì làm một báo cáo sơ khởi, như học giả trong nước rời khỏi thành phố lên núi, ra đồng -- dã ngoại, điền dã. Vậy thì tôi cũng bắt chước theo, sau hơn hai mươi ngày lục lọi các nhà sách, đọc báo chí, làm “một thoáng nhìn...” về ngành mình ưa thích đến phải luỵ vì nó trong bao nhiêu năm.

In sách và Nghiên cứu

Tình hình in ấn có vẻ phát triển dữ dội vì nền kinh tế khởi sắc trùng hợp với các tiến bộ của ngành vi tính đã đưa các kĩ thuật mới nhất đến thay cho các hộp chữ chì lấm lem, các máy móc kềnh càng...

Các kệ đầy những sách kĩ thuật, kinh doanh hợp với thời đại, có những quyển dịch dày cộm làm tủi thân các bản chữ Anh Pháp giống như được “mót” ở một xó nào đó để kịp trình bày trong các gian hàng của các nhà xuất bản ngoại quốc tham dự Hội sách TP. Hồ Chí Minh tháng 3-2003. Thay đổi kĩ thuật dồn dập cũng hiện ra trên các trang sách. Mới in bìa mỏng xong đã thấy loại bìa cứng ra đời, như hai loại Thiên long bát bộ lườm nguýt bên nhau. Ðại Nam hội điển sự lệ mới ngày nào nhàu nhò nay đã có bìa cứng -- tội nghiệp cho bản dịch Bulletin des Amis du Vieux Hue! Lại quyển Cơ sở văn hoá Việt Nam, bản chúng tôi thấy 1998, nay đã có bìa cứng, bộn bề, uy thế hơn, và đã được dịch ra tiếng Pháp để dạy cho người nước ngoài biết về nền văn hoá ưu việt của Việt Nam. Nhìn giá sách, đọc số ấn bản (có thể tin được với các sách nghiêm túc và “nghiêm túc”) thì thấy hình như có chút gì xô bồ, mâu thuẫn, nhưng thật ra rất hữu lí như mọi sự việc khác ở Việt Nam.

Thời kì đầu mở cửa, người ta in sách bán cho du khách. Ðình chùa lâu ngày cũng nhẵn mặt, dù người ta ráng chưng ra loại đình như cái chòi chăn vịt chỉ vì có công che giấu Cách mạng, có giỗ Hùng Vương, lại cũng vì để có chứng cớ về một sinh hoạt làng xã “truyền thống” nằm ở phía Nam đất nước. Trống đồng cũng không có cái nào đẹp thêm mà lại khó ăn nói với thứ ở Thạch Trại Sơn, Mã Gia Bá... Phải moi ra các sưu tập Champa, gốm sành sứ của các thuyền đắm, cả việc trưng bày loại công tác khảo cổ học dưới nước như cho trường hợp chiếc tàu đắm ở Cà Mau. Khách mua loại bìa cứng, ngoài người ngoại quốc còn là “Việt kiều”, vì chênh lệch giá đôla/đồng như chứng tỏ nơi các chuyến buôn lúc đầu của vài nhà sách ở Bolsa, Quận Cam. Người ta lại còn kháo nhau về các nhà giàu mới nổi trong nước ráng lập một tủ sách sang cho có vẻ trí thức. Có lẽ loại sách văn học, triết lí Ðông Tây, hay Việt mới sáng tạo là dành cho lớp người này.

Tuy nhiên đem số ấn bản so với số 80 triệu dân, thật không chứng tỏ được một tình trạng khởi sắc kiến thức trong nước tuy ngay các bản bìa mỏng cũng in trên giấy tốt khiến cho sách Mĩ phải xấu hổ. Các bản in bìa cứng trên con số 1000 là của nhà nước, có sự trợ giúp của cơ quan, hội đoàn quốc tế (hình như Toyota là cơ quan tư nhân nhiều tài trợ nhất, tuy là nhỏ.) Cho đến lúc nhà nước cũng “đuối” khi in loạt sách được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trao thưởng một loạt cho những người chết từ lâu, mới chết, đang ngất ngư... để người ta khỏi choá mắt bởi tiền bạc mà quên quá khứ (trong đó có quá khứ của những người bị hành hạ nay trúng giải), nhiều quá, nên chỉ in có 500 ấn bản cho mỗi đầu sách. Số lượng in 2000, 3000 bản của loại bìa mềm là sách phổ thông hoặc có tính chuyên ngành dính dáng đến bộ Giáo dục, có quần chúng độc giả là học sinh, sinh viên. Nhưng các tập báo cáo khảo cổ học hàng năm cũng chỉ in có 300 quyển. Có vẻ đây là số lượng tối thiểu mà nhà in trong nước chấp nhận cho một lần xuất bản.

Với thời mở cửa thì tác giả cũng tự xuất bản sách nếu không tìm được các nhóm xuất bản tư nhân (qua danh nghĩa nhà nước) bảo trợ. Số lượng thường thấy là 500 bản. Tất nhiên số lượng có thể hơn vì tác giả gồng mình, vì đề tài ăn khách kiểu Hùng Vương và Dịch lí, Hà đồ Lạc thư gì đấy... hay chỉ vì một chút lạc quan nhất thời. Số lượng này cũng thấy ở sách của các học giả in những tuyển tập cuối đời, nói tội nghiệp, cũng giống như các ông ở hải ngoại có con cháu phụ giúp. (Họ sợ đời quên, như ông cựu lãnh sự VNCH ở Diến Ðiện ráng viết bài, lấy cớ khen một quyển tự điển mà cốt để nói về tài năng của mình được trọng dụng ở đất Mĩ, may ra cũng hù doạ được người mình cầu cạnh trong nước, có khi vẫn sợ bằng cấp “Tây”!) Tuy nhiên trường hợp loạt bài vở trong mấy mươi năm gom lại trong vài trăm trang sách đâm ra làm hại cho tác giả. Có người sắc mắc thì sẽ thấy rằng trong ba bốn mươi năm, ông học giả cũng chỉ có vài cố công tìm tòi sâu sắc, rồi sau khi đăng ở các tạp chí chuyên ngành, lại diễn giải chúng trong các tạp chí phổ thông, nghĩa là tuyển tập gom góp, rốt lại có bề dày mà không “đáng nể”. Hay dù vẫn còn cố giữ vị thế nghiêm túc thì công trình vài mươi năm được đưa ra, lại cho thấy tình trạng “trước sau như một”, đáng khen ở tính kiên cường mà làm hại cho sự tiến bộ của bản thân. Nhưng một phần nguyên nhân chìm đắm trong tình trạng này thì phải tìm ở hoàn cảnh chung quanh, ở tình thế chính trị thời đại về lâu về dài hoà nhập vào người nghiên cứu, khó gỡ ra. Áp lực của thời đại và giới công quyền lộ rõ trong việc tái bản quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (Nxb. Văn hoá thông tin 1999), trong đó người ta cứ sợ độc giả kém cỏi không biết nên phải có thêm những lời chú thích về “hạn chế của tác giả” để chấn chỉnh các từ “khởi loạn”, “bảo hộ”... của nguyên bản!

Tư nhân nổi lên -- không kể tư nhân ẩn thân trong việc phát hành sách -- khiến ta không lấy làm lạ khi thấy xuất hiện những số Nghiên cứu Huế. Huế, trụ thành của quá khứ ít nhiều gì cũng tỏ ra kiêu ngạo đối với Sài Gòn xưa, sự kiêu ngạo lộ ra trong những chống đối từng làm nghiêng ngửa VNCH. Cho nên gọi là của Trung tâm nghiên cứu Huế nhưng các đặc san này là của tư nhân, thuộc về một người thực hiện nguyện ước của thân phụ đi làm công việc nghiên cứu riêng cho địa phương. Và vị thế chính trị của những người khởi xướng, chủ trương, vị trí của xứ Huế đã lộ ra trong bài vở đăng tải muốn tỏ một chừng mực riêng biệt. Chắc mối “liên hệ với Cách mạng” đã khiến cho Nghiên cứu Huế được phép ra đời, nhưng đứng vững được lại là do khả năng tài chính của một tư nhân quyền quý lập nghiệp dưới chế độ Sài Gòn, từ đó ảnh hưởng đến sự lựa chọn bài vở trong thời mới.

Thời đại kinh tế thị trường dù là theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng khiến cho người ta thấy là nói chuyện nghiên cứu nghiêm túc quá khó có độc giả nên xuất hiện loại sách chuyên ngành mà bình dân như tạp chí Xưa & Nay, bài ngắn, đủ thứ xưa và nay, dễ cho nhiều người tham gia, lại cũng lộ ra tình trạng tham bác sử học rối ren. Chính nhóm người chủ trương quả quyết trong một số kỉ niệm thành lập, rằng tên tạp chí là rút ngắn từ một tạp chí “bạn”: Huế, Xưa & Nay xuất bản trước, khổ nhỏ hơn. Giỡn sao, cha nội! Người trước im ỉm thuổng, cái tên đã trở thành truyền thống của phe ta rồi nên cứ việc lấy ra xài tiếp. Thực ra thì cái tên kia chẳng từng có cầu chứng nơi toà án thương mại, lại là chữ Việt dễ hiểu rành rành, ai dùng cũng được, chỉ đổi chữ và, thay vào là dấu hiệu &, rồi thêm cái logo lấy đầu chữ a móc vào đáy chữ ư thì cũng tạm cho là mới, nhưng vì được phân trần trong một dịp long trọng, qua chứng cớ có cân nhắc, họp hành bàn bạc kĩ lưỡng, thì nói “chận họng” về việc lấy lại tên cũ đó có vẻ như đã vượt lên trên sự ngượng ngùng thông thường mà là để che giấu một bằng chứng soán đoạt chính trị. Bởi vì trước Huế, Xưa & Nay 1994 của Hội Sử học Thừa Thiên-Huế (chắc dễ thành chi nhánh của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người chủ trương Xưa & Nay bây giờ) thì trên dưới 30 năm trước đã có những tên nguỵ bắt chước viết địa chí theo kiểu “phong kiến” như Huỳnh Minh với Gia Ðịnh, xưa và nay, Việt Cúc với Gò Công, xưa và nay... rồi.

Hẳn vì kinh phí ít, dẫn đến số lượng ấn bản không nhiều nên, dù là ở Hội chợ Sách, cũng khó tìm ra các tạp chí chuyên ngành như Nghiên cứu lịch sử, Khảo cổ học, Dân tộc học... ở các quầy sách như trước kia. Cho nên với số ấn bản 300, người đọc cũng tự cho là may mắn khi tìm được vài quyển Những phát hiện mới về khảo cổ học năm... Và khá thất vọng. Không dám chen vào chuyên môn sâu sắc, nhưng người thường cũng không vui khi thấy những lỗi bình thường trên một tập sách của cơ quan trung ương về một chuyên ngành mời gọi được cả các nhà nghiên cứu thế giới tham gia. Chữ tây chữ tàu, chú thích gì lung tung loạn xạ. Có người nói rằng đó là vì các ông già của thời yêu nước không cho đám đàn em thông thạo ngoại ngữ hơn chen vào. Nhưng lại có vẻ không phải chỉ vì đăng những báo cáo công tác của các cán bộ địa phương trình độ không cao. Không phải chuyện phân tích các đồng tiền đào được mang đầy tinh thần yêu nước. Có những bản văn dịch âm mà không có nguyên bản chữ Hán, để làm gì? Dùng bản dịch, hay bản tóm tắt không có lợi hơn ư? Rồi lại có tình trạng nói về bài văn bia của ông Lê Tung kể chuyện đánh nhau giữa ông Uy Mục và Tương Dực thì làm sao có nhà Mạc trong đó? Giống như kí giả làm tin ông Bảo Ðại tế Nam giao mà có Bác Hồ đứng một bên nhận bảo kiếm truyền quốc vậy. Có Ban biên tập để làm gì? Chuyện ban bệ hình như cũng chỉ là theo thói quen thôi. Bởi vì trong bản dịch về Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam từ Hội nghị 1998, dành cho độc giả Việt Nam, có những danh gia về sử học làm việc “tuyển chọn, dịch và chỉnh lí”, vậy mà có các tên Trịnh Khắc Phúc, Trịnh Sán, Lê Tạc... (thay vì Trịnh Khắc Phục, Trịnh [Duy] Sản, Lê Tắc...) đánh dấu giùm cho người ngoại quốc viết không dấu. Họ viết Sun tzu, Lao tzu... nhưng để cho người Việt đọc thì phải viết Tôn tử, Lão tử... chứ! Làm người ở trung ương của một đất nước thống nhất mà nhất định không chịu tìm hiểu về tên tuổi, sách vở của những người ở vùng khác. Tên kẻ này thuộc loại chiên ghẻ không nói làm gì, nhưng ông Nguyễn Q. Thắng nhắc đến quyển Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ thì được ghi là Nguyễn Vi Tuấn, Chàng trai bước Việt. Người ta không biết đến ông Nguyễn Vỹ của trường thơ Bạch Nga, có bài “Sương rơi” hai chữ nằm trong Thi nhân Việt Nam, có lẽ vì vốn là học sinh trong thời XHCN, cũng như không biết Tự lực văn đoàn là cái mô tê gì cả. Cũng nên lưu ý thêm, là các tên tác giả, tên sách... ngoại quốc ở phần chú thích được ghi rất kĩ, rất đúng. Ôi, đồ nội hoá!

Kĩ thuật đã vượt lên trên khả năng của người thụ nhận. Chúng ta có bộ Nguyễn Trãi toàn tập bề thế, bìa dày, in cả nguyên bản, tiện lợi cho việc đối chiếu, khỏi mất công dịch đi dịch lại kiểu 3 bản cho riêng Ô Châu cận lục. Thế mà bên trong bộ sách đẹp kia thật là lộn xộn. Thư mục về Nguyễn Trãi không biết cân nhắc nặng nhẹ, không tuân theo quy củ tối thiểu của việc làm. Có 3 tập mà làm mục lục chỉ có 2, không biết phần bài của tập rớt ra phải tìm ở đâu trong số trang in. Bản dịch không sít sao với nguyên bản -- suy ra chỉ vì người ta in lại một bản dịch vào thời kì dịch cốt sao cho đủ ý là xong!

Sách dịch khá được mùa. Tiểu thuyết kiếm hiệp không còn in trên giấy rơm đen điu mà bán tận Hà Nội, của nhà xuất bản Quảng Ngãi nữa. Sách đẹp, bìa đủ cứng mềm, tất nhiên không cần kể đến “con” Kim Dung mà có cả Ngoạ hổ tàng long dở ẹt, ra đời chắc vì nhanh nhẹn ăn-theo cuốn phim Crouching Tiger, Hidden Dragon được giải Oscar của mấy ông Mĩ mê thím xẩm. Nay trở qua xưa, có các “truyện Tàu” dịch lại, truyện vua quan, mĩ nữ cung đình, anh hùng, danh tướng xưa nay, từ các tay biên tập Trung Quốc không còn chê bai mắng chửi thời phong kiến hủ bại của họ nữa. Chúng ta không rõ loại sách bình dân này có tác động gì đến đến việc xuất hiện các tác phẩm cùng loại ở phía Bắc của các tác giả từng có tên trong các lãnh vực sử học, dân tộc học, văn hoá dân gian... Cùng với những tập sách nghiêm túc về lịch sử, văn học, triết học Trung Hoa được dịch, hẳn chúng cũng góp phần củng cố sự hãnh diện về “truyền thống” để các học giả Việt Nam tiếp tục dị ứng với các đề xuất kiến giải khác lối suy nghĩ thành nếp của họ. Rõ ràng chúng đã làm lu mờ những nhận định của các học giả phương Tây được đưa ra trong các hội nghị Việt Nam học, các hội nghị Vùng bàn những vấn đề liên hệ đến lịch sử Việt Nam, được dịch ra như những tham khảo “có chọn lọc”. Bởi vì chỉ thấy những bản dịch các bài khen tụng, thấy thuận ý (tất nhiên!), những bài của các ngành chuyên môn vô thưởng vô phạt trong ý thức nhạy cảm về chính trị. Nói cho công bằng thì cũng thấy thoảng qua những ý kiến không chính thống được tỏ bày trong cách hành văn khúc mắc của chuyên gia, hay những tên người giấu mình trong các chú thích, theo một cách điều tiết kiến thức nghĩ là không di hại đến quyền bính mà vẫn tỏ ra là có cởi mở.

Ngành in ấn phát triển cũng giúp cho các hồi kí ra đời phồn tạp. Kệ sách đầy hồi kí của các tướng lãnh, chính trị gia trong cuộc chiến vừa qua. Không thấy xuất hiện nhiều mà biết các cấp địa phương đã thuê mướn người lập ra các ban viết Lịch sử Ðảng xã, huyện, tỉnh... từ năm nảo năm nao, cùng lúc với việc xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ địa phương cao thấp, sè sè, hùng vĩ khắp nơi, thay thế cho các từ đường, nghĩa địa công tư cũ một thời bị phá bỏ theo ảnh hưởng (không được thú nhận) từ Cách mạng Văn hoá Trung Quốc. Quỹ cho việc viết sử tốn khá nhiều đến nỗi phải có lời đề nghị dẹp bớt. Với người viết sử về cuộc chiến vừa qua, vốn chỉ thấy sách Anh, Pháp, nay cũng vui mừng vì có thêm tài liệu. Như D. Elliott của Ðại học Pomona Mĩ, như một sử gia Việt hải ngoại. Với kẻ này thì có thích thú riêng: Khi mua quyển hồi kí của ông tướng cố vấn cho Pathet Lào, chỉ là cốt ý xem thử có biết gì thêm về Cánh Ðồng Chum mà mình đã liên hệ với tên Bồn Man, bất ngờ lại thấy người anh em Pathet cũng xêm xêm như quân của Xuvana Phuma, hay quân Khong Le, nếu chẳng có người anh em Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế thì chắc còn khuya mới vào được Luông Pha Bang! Chẳng trách sau 1975 còn có thoả ước 30000 quân Việt đóng ở Lào, khỏi cần passport qua lại, chỉ vì dư đảng của “phỉ Vàng Pao” còn quậy quá!

Việc tiếp quản Nha Ðịa dư Ðà Lạt cũng làm xuất hiện các bản đồ khá chi tiết về các địa phương trong nước, sau một thời gian e ngại tiết lộ bí mật quốc gia, như cấm chụp hình trên bến Bạch Ðằng Sài Gòn (mãi đến khi một tờ báo nói rằng Vệ tinh nó thấy từng thước trên đất, chưa kể Mĩ đã nhậu ở đây nhiều lần rồi!) Bản đồ có ích một chừng mực cho người ở xa vì các nhà nghiên cứu trong nước thường rất “kị” vẽ bản đồ nơi mình nghiên cứu, còn khi phải tả ra thì lại dùng những từ mơ hồ “làng dưới”, “xã trên”, “bên tả”, “bên hữu”... cứ như là ông hương sư giảng bài cho học trò thò lò mũi vậy. Muốn theo mà không kịp tình thế, cho nên năm nảo năm nao, một học giả danh tiếng khi trình bày tham luận của mình ở Ðại học Cornell (7-1991) đã mượn một bản đồ của chúng tôi, vẽ lại có vẻ đủ lệ bộ, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ không hiểu gì về bản đồ cả! Tuy nhiên qua đồ bản mới cũng có thể thấy thêm chuyện lịch sử đương đại. Ví dụ như các xã, đơn vị hành chính cơ bản, hầu hết đều có tên mới, xoá hẳn tàn tích phong kiến thực dân, và ham chuộng anh hùng, địa danh lịch sử đến nỗi tỉnh Hải Dương có đến hai xã mang các tên Quang Trung, Lê Lợi, Hưng Ðạo, chưa kể các tên (Hồ?) Chí Minh, (Võ?) Nguyên Giáp, (Lê?) Hồng Phong...; ở dưới biển mà giành nhau ải Chi Lăng đến nỗi phải chia ra Nam và Bắc! Việc sắp xếp vị trí các tỉnh thì không theo thứ tự abc thật khoa học, mà lại theo tiến trình lịch sử Nam tiến khiến người ngoại quốc chẳng biết đâu mà mò, còn dân Việt dù có học chút ít địa lí vẫn phải lật lung tung vì làm sao thuộc được chênh lệch vĩ độ của từng tỉnh để biết cái nào ra trước, cái nào ra sau?

Chút ít bàn chen về tình trạng sách vở như thế không phải để xoi mói mà là làm khách không mời “góp phần phê phán với thiện ý”, bởi vì đã hết thời “đóng cửa bảo nhau”, “lưu hành nội bộ” mà qua thời “mở cửa” rồi.

Ðề tài miên viễn rơi rớt: thời dựng nước

Phải công nhận có một tình trạng “được mùa” sử học (nói rộng) ở Việt Nam sau chiến thắng 1975. Các nhà nghiên cứu, sử gia tuôn vào theo lệnh nhà nước nghĩ lại thấy cũng áy náy, liền họp lại đề nghị viện trợ nhà giáo sử cho Miền Nam (1979). Nổi bật là các thành quả khảo cổ học.

Những thành tích thu thập được từ trước đã có dịp quảng bá cho dân chúng Miền Nam sau 1975 trên ngay cả những tờ báo hàng ngày. Các khẩu hiệu “vua Hùng 4000 năm”... cùng “Bác cháu ta...” tung ra liên miên không dứt. Có điều với thời gian và sự vượt thoát khung cảnh “cối xay cùn”, một số người cũng nhận ra sự vô lí của việc ông vua Hùng cai trị trên 100 năm, về tính chất con Rồng cháu Tiên của các ông truyền lại cho người đời bây giờ nên người ta phải tìm một thời điểm khác, thời điểm của Ðại Việt sử lược đề ra. Nhân vụ tranh luận “Ðối thoại sử học” -- cũng là tên một quyển sách năm 2000, ông Bùi Thiết nói đến sự tin tưởng này. Nhưng thật ra đã có người trong nước xác định trước đó nhiều năm. Một chủ nhiệm khoa Sử trường Ðại học tổng hợp Hà Nội viết năm 1994 cho “giới hạn đầu cho thời đại dựng nước của Việt Nam ... là khoảng 2500- 2700 năm... phù hợp với ghi chép của sách Việt sử lược...” (Trích qua Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, 2002, tr. 12.) Và hình như cũng tác giả bài trên (mà NVTAnh ghi nhầm là Vũ Minh Hoàng) cho biết “năm 1992, Hội đồng Khoa học lịch sử Việt Nam đã viết thư gởi lên Quốc hội đề nghị sửa lại cụm từ ‘trải qua 4000 năm lịch sử’ trong lời nói đầu của Hiến pháp và đã được chấp nhận.” (Vũ Minh Giang, “Thực chất của ‘Ðối thoại sử học’” trong Xưa & Nay số 73, 2000, tr. 29?) Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói trong một lần tham gia “tranh luận” một mình, là ông Hùng Vương sống dai lắm, bởi vì ông vua đó nằm “trong sự nghiệp của Chúng ta”, như được chứng tỏ hoặc minh danh, hoặc ẩn tàng trong các tác phẩm nghiên cứu trong nước xuất hiện đến cuối thế kỉ XX, qua cả thế kỉ XXI!

Minh danh thì có tác phẩm Almanach những sự kiện lịch sử Việt Nam (1999) của Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam bảo trợ: “Năm 2879: các bộ lạc Lạc Việt xuất hiện. Họ Hồng Bàng ra đời. Vua Hùng dựng nước đặt quốc hiệu Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.” Nhưng mạnh mẽ hơn cả là phái Khảo cổ học trong những uốn nắn ngang bướng của mình.

Có một thời, khảo cổ học của Tây Phương, với nền tảng thuyết tiến hoá, đã là công cụ chống Nhà thờ Thiên chúa giáo (rơi rớt ở nửa đầu thế kỉ XX của Mĩ) thì khảo cổ học ở các nước thuộc địa cũng được sử dụng như công cụ chống chủ nghĩa thực dân, lấy bằng cớ moi từ lòng đất để chứng minh một thời xưa cũ không kém gì ai, hay ít ra thì cũng không đến nỗi tàn tệ như tình trạng thấy trước mắt. Khảo cổ học VNDCCH rõ ràng có dụng công đó với những kết quả và những chuyên viên có khả năng khiến cho đến nay những nhà nghiên cứu thế giới cũng phải dựa vào khi muốn nói về Việt Nam, riêng biệt hay đặt trong khung cảnh Ðông Á, Ðông Nam Á lớn rộng hơn. Tuy nhiên ý thức chính trị đặt để sẵn đã làm hại chuyên ngành không ít. Mọi tìm tòi đều đặt trên căn cứ của lời Lãnh tụ vốn chỉ biết sơ sài về sử, học trong sách của trường ốc xưa, vậy mà vẫn được coi như “kim chỉ nam chuẩn xác, định hướng cho những tìm tòi về cội nguồn dân tộc, phục dựng văn minh”. Công trình nghiên cứu lại tiến hành trong một khung cảnh tư tưởng đã thấy có sự áp đặt mới, dữ dằn hơn. Sự thống nhất giải toả được một phần kềm kẹp với đề tài mới, với thực địa khác, nhưng cũng khung cảnh chính trị đưa đến chiến thắng đó đã nuôi dưỡng những lập luận cũ, có khi lại còn hùng hổ hơn.

Con số 4000 năm như một bám víu tình cảm ở các học giả chính thống Việt nam, thành một ám ảnh không rời khiến họ quên mất đó là lối tính gọn từ thời Ngô Sĩ Liên đưa ông Hùng Vương vào sử Việt. “Vẻ đẹp của Bốn nghìn năm lịch sử...”, “Bốn nghìn năm, ta lại là ta!”, đó là cảm khái của ông Trần Quốc Vượng khi “Nghĩ về đất Tổ đền Hùng” (Theo dòng lịch sử, 1996, tr. 9, 10). Sự tranh chấp về Quê hương trống đồng với các học giả Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây) chưa ngã ngũ, mạnh ai nấy nói thì chiến thắng 1975 đưa lại làm trống đồng vua Hùng cao giá hơn. Ðiều đó thấy trong quyển Văn minh Ðông Sơn, Văn minh Việt cổ (2003) của ông Chử Văn Tần, Phó Viện trưởng Khảo cổ học.

Trong Lời kết thúc của bài “Thời đại kim khí ở Việt Nam và ‘văn minh sông Hồng’: văn hoá Ðông Sơn”, tác giả “rút riêng ra một ý kiến này về trống đồng Ðông Sơn, thứ hiện vật mà chúng tôi có nhiều lí do để coi như tiêu biểu cho kỉ nguyên các vua Hùng, tượng trưng cho văn minh sông Hồng. Sự có mặt của di vật khảo cổ học này ở ngoài cương vực nước Văn Lang xưa, theo H. Lup-xơ , trường Ðại học tổng hợp Úc Can-be-ra, không nên nghĩ rằng là hệ quả của những cuộc giao lưu thương mại, mà của những cuộc giao lưu đối ngoại về văn hoá. Các hùng xưa hẳn đã ban trống đi, như các vị vua nơi khác đã ban sắc chỉ và ấn dấu, hay các vị vua nơi khác nữa ban bảo cái, kiếm gươm... (Chúng tôi nhấn mạnh.)

Thật có quá nhiều điều phải nói về ngôn từ Việt đậm đặc tính kiêu ngạo trong câu trích dẫn, chắc chỉ có người Việt mới thấm hiểu hơn trong một bản văn Việt, vốn không thể nghênh ngang nhiều dưới hình thức ngoại văn. Nói thế bởi vì đây là một “Báo cáo đọc tại Hội nghị khoa học quốc tế về thời đại Ðồng thau ở Béc-Lin ngày 14-1-1978”. Không rõ ông Lúpxơ kia đã nói những gì nhưng xét thời điểm xuất hiện gần với 1975, thì ông học giả dù có hoảng hồn với chiến thắng ông được chứng kiến, chắc cũng không tỏ lời tán tụng lố bịch đến như thế. Ông không thể coi vua Hùng như một thứ Thiên tử Con (bởi vì còn có Thiên tử Lớn ở phía Bắc) “ban sắc chỉ, ấn dấu... lọng quý (bảo cái), kiếm gươm” cho đám phiên di mọi rợ ở những nơi bây giờ là Nam Dương, Mã Lai Á, Myanma... chưa kể ngược lên đến các nước Ðiền, Dạ Lang phía Bắc nữa. Ông Lúpxơ chắc không mỉa mai học giả Việt khi nói đến “các vị vua nơi khác” ban các bảo vật đã kể, bởi vì trong đó có những thứ Thiên tử Lớn từng “ban” cho những người cai trị con cháu vua Hùng về sau!

Ta có thể xét thời điểm của Báo cáo và lời nhún nhường của tác giả muốn “một số bài viết (có) một số ý kiến... không bị loại bỏ... vì tác giả muốn bài viết mang dấu ấn thời gian (trang 13)” để tránh sai lầm trong nhận xét. Tuy nhiên, một tập sách nghiên cứu không thể là tập họp của những kỉ vật “bỏ thì thương” (đối với tác giả), “vương thì tội” (đối với người đọc). Rõ ràng đã có sự xuyên suốt tương tự về sự kiêu hãnh đó trong cả những bài viết cuối thế kỉ, cho nên không thể coi tư tưởng trong một bài viết 1978 chỉ là “dấu ấn thời gian” trong một Tuyển tập xuất hiện năm 2003. Học giả tuy nhận sự xuất hiện của vua Hùng theo thời điểm của Việt sử lược, nhưng con số 4000 năm cứ không chịu rời các bài viết. Thời Hùng Vương và văn minh sông Hồng cứ hiện ra rõ rệt, không thể nào chối cãi qua các bằng cớ khảo cổ học (lọc qua tâm trí học giả), như một xuất hiện tuyệt vời của một bộ phận nhân loại là dân Việt. Ở đó, ông vua đầy tự tín như đã thấy trong Báo cáo trên, đối với thần tử thì “thương dân và khoan thư sức dân”... Tướng thì như ông Gióng oai hùng chống quân xâm lăng theo truyền thống giữ nước biết đánh du kích, lấy ít thắng nhiều, biết phục kích, tập kích, biết buộc kẻ địch phải theo lối đánh của ta... Dân chúng thì biết mình sinh sống trong một hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, vậy mà đất nước lúc nào cũng bị ngoại bang dòm ngó (sao chúng nó ngu thế?) nên biết đoàn kết thương yêu nhau, kiên nhẫn sống nhân ái, khoan dung... Nói tóm lại không thể kể hết những ưu điểm tuyệt vời của dân Việt vào ngay chính từ 4000 năm trước trên đồng bằng sông Hồng có thủ đô Hà Nội ngày nay.

Nghiêm chỉnh hơn thì có thể nói rõ ràng học giả đã mang tâm tình hiện đại, núp sau chuyên môn để chứng minh quá khứ mà không chịu thú nhận, hay thấy ra áp lực của quyền bính trước mắt. Cứ hi vọng rằng học giả đã thành thật tin tưởng về “sứ mệnh” của ngành, của mình, vì: “Cái lịch sử buổi đầu dân tộc đã được vật chất hoá, tuy không còn nguyên vẹn và dấu mình thầm lặng... song cái mạnh tuyệt đối của nó lại là ở chỗ chính nó mới là bằng chứng thật của cuộc sống đã qua, của lịch sử, chính nó mới là cái mà nhà nghiên cứu tìm đến vừa như là đối tượng nghiên cứu vừa như là tư liệu khảo sát trực tiếp.” (trang 37) Tuy nhiên, người ngoài thì có thể thấy ảnh hưởng khác, cũng như có thể chỉ ra sức nặng của người khác trong Báo cáo 1978 trên. Bài được cho là viết chung với người (một thời là) Viện trưởng Khảo cổ học, ông Phạm Huy Thông, nhưng rõ ràng là của ông này. Không nói oan đâu! Bài viết mang giọng chắc nịch quyền uy của một giới chức chính quyền (bằng cấp Tây), bố cục nhặt nhiệm, câu cái văn từ rất là “Tây”. Cứ đem so sánh với những bài khác trong sách này thì rõ. Không tin cứ mang các bài viết của ông Phạm Huy Thông nơi khác đem đối chiếu thì thấy ngay. Và ta hiểu vì sao nó được đặt ở đầu sách. Cũng như ở cuối sách là bài viết chung với một ông Viện trưởng khác.

Thật ra thì chuyên viên vẫn có sự tự phụ chính đáng của mình. Kẻ ngoại đạo biết thân không nên chen vào mà rước lấy nhục. Chỉ có điều khi chuyên viên bước ra ngoài lãnh vực của mình, đi tìm viện trợ của “phương pháp liên ngành” (như ông Trần Quốc Vượng thường hãnh diện đề cập) thì phải coi chừng. Bởi vì mình đã bước qua những khu vực đầy cát lún! Cát lún có gắn bảng cấm như chiến thuật buộc địch theo lối đánh của ta của cuộc kháng chiến toàn dân, như tính chất dân tộc anh hùng, bao dung... kể trên. Cát lún hấp dẫn mời gọi bước vào như các tài liệu chữ viết xa gần dính dáng tới chữ “Việt”, chữ “Hùng” cũ, hay “Ðông Sơn” mới mà không tính tới sự khác biệt trong độ chính xác về thời gian của hai loại tài liệu có tính tới tương quan của lượng và phẩm của nguồn thông tin. Từ lúc đầu, với ý niệm trầm tích mượn của địa chất học, người ta chỉ có thể tính được tuổi tương đối của các địa tầng khảo cổ cho đến khi phát hiện ra cách tính tuổi tuyệt đối bằng C14 chẳng hạn. Mà với phương pháp này thì còn phải tính đến sai số, điều chỉnh lui tới, mỗi một con số thu lượm được cách nhau hàng thế kỉ, chứng nhận cho một loạt đồ vật câm nín, chỉ có ý nghĩa khi qua suy luận mỏng manh của con người, dù là chuyên viên. Hãy kể một sai lầm khó tưởng tượng nổi, dễ làm cho người ta nghi ngờ đến các thành quả khác dù có dựng bức tường “chuyên môn” để ngăn chặn: Cái ấn bằng ngà có chữ “bì”/“tì” (Hán) ở Núi Nấp chắc vì qua lối viết tay, hay lỗi in ấn đã trở thành “tỉ” (TCÐT, Thần, người và đất Việt [bản mới], tr. 68, 78, chú 43), và do sự lầm lẫn kia, đã xuất hiện về trước ở các bài nghiên cứu của tạp chí Khảo cổ học, rồi năm 1999 trong sách của ông Phó viện trưởng như bằng cớ về “một thủ lĩnh được phong chức vị” (tr.777), may không được giải thích là “hoàng đế Núi Nấp”! Trong lúc đó, tài liệu chữ viết có xác định thời gian, với chữ nói lên ý nghĩa vật dụng, ý kiến của người đương thời, hạn chế tầm phóng tay của người suy luận. Ghép nối hai loại tài liệu khác nhau đó không thể nào không lưu tâm đến tính chất khác biệt thời gian của chúng. Không thể nào lấy Thiên nam ngữ lục của thế kỉ XVII làm bằng chứng cho tính kiên cường trả thù chồng, đền nợ nước của Bà Trưng được. Không thể nào cho rằng ông Gióng chống giặc Ân trong tài liệu của thế kỉ XV, tán rộng thêm với truyện tích dân gian mà là nhân vật của thời Hùng Vương được. Không thể có cái kiểu “liên ngành” như thế. Ấy thế mà chuyện đó vẫn xảy ra, kết hợp với các nghiên cứu “chuyên ngành” khác tinh tế hơn. Chỉ vì áp lực của chính trị thời đại.

Không được phía này thì xoay sang phía khác. Ðể chứng minh sự hiện hữu của các vua Hùng, lúc thẳng thừng 4000 năm, lúc đã dè dặt cho các ông ấy trẻ hơn mà vẫn “4000 năm”. Các bộ xương đào ra, dân chuyên ngành nhân loại học xác nhận có dấu “đen”, “trắng” thì hoặc là đe doạ thẳng thừng bác bỏ, hoặc là thêm cho có chút “vàng” trong đó. Có mấy cái vạch ngoằn ngoèo trên đá, trên đồng thì nhứt định đó là bằng chứng về chữ của vua Hùng! Chuyện tưởng đã qua một thời nhưng người ta đã bỏ công cả một đời nên vẫn xuất hiện đến cuối thế kỉ XX. Và vì nó xuyên suốt qua một thể chế chính trị nên vẫn còn giữ được: Chính quyền và học giả liên kết cùng nhau để tồn tại.

Thật ra, với sự khuyến khích của chính quyền và sự nhiệt thành của học giả, VNDCCH đã đào tạo được những chuyên viên khảo cổ học lành nghề, kết hợp với các chuyên ngành khoa học khác được huấn luyện ở mức độ cao. Tất cả đủ trở thành một truyền thống để sau 1975, các chuyên viên toả xuống phía nam tìm tòi, đào bới, ít nhiều gì cũng mở rộng tầm nhìn về quá khứ đất nước, dân tộc. Không lấy làm lạ rằng người ta đã thưa thớt trích dẫn Mác, Ănghen (với một chút luyến tiếc) để nói đến chiefdom, để nhắc nhở đến tính cộng đồng đa văn hoá, đa chủng tộc. Tên các chuyên viên đó nay xuất hiện như các lãnh đạo đầu ngành ở phía Nam. Nhưng chính điều này lại cho thấy sức cố kết của quan niệm cũ trong những chuyển hướng lệch lạc mới mà lại phù hợp với nền chính trị đương đại. Ðó là quan niệm về sự xưa cũ của “Văn hoá Ðông Sơn, văn minh Việt cổ” nhờ các bằng chứng khảo cổ học, nay được chứng minh thêm là đã vượt lên khỏi khung cảnh địa lí phía Bắc để kéo dài đến tận phía Nam.

Qua những luận thuyết, quan niệm văn hoá Ðông Sơn được hiểu khá tuỳ tiện. Thường thì người ta có vẻ vẫn cố giữ như một chỉ danh “văn hoá khảo cổ” cho ra dáng trung thực, nhưng ẩn giấu trong các bài viết, có khi đến mức gần công khai, nó lại được dắt dẫn để hiểu như một thứ độc bá địa phương: văn minh Việt cổ -- Thanh Nghệ Tĩnh trở ra, rồi theo với chỗ ngồi của nhà khảo cứu: “Văn minh sông Hồng” , “Thời đại của các vua Hùng”. Tất cả chứng tỏ người ta nói chuyện về hàng ngàn năm trước mà trong đầu óc chỉ có cái bản đồ với biên giới hiện tại mà làng xã quê hương mình là trung tâm. Cho nên, các đồ đồng đào được ở phía Nam như mấy cái búa ở Dốc Chùa thì của văn minh Ðông Sơn nói chung, nhưng loạt qua đồng ở Long Giao, Bình Thuận thì rõ ràng là con cháu của Ngọc Lũ để Ch. Higham viết tiếng Anh cho thế giới cùng đọc (The Bronze Age of Southeast Asia, Cambridge 1996, tr. 209, 211). Chứng cớ mấy vòng chữ S xoắn ốc trên qua đồng đã xưa (1982), nay thì nhờ mấy cái máy rà mìn của đế quốc cải tiến qua tay dân tìm sắt vụn, người ta lại tìm được một loạt trống đồng ở Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Dương, và thế là có kết luận “dân Việt cổ” đã có mặt nơi này vào khoảng đầu Công nguyên! (Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001,... 2002, về các vùng liên hệ; Một số vấn đề khảo cổ học ở Miền Nam Việt Nam, 2003. tr. 156, 158, 163 trở đi). Chúng tôi không đọc được các bài bàn về trống đồng phát hiện ở Tây Nguyên xem thử có người Việt cổ ở đó không. Truyền thống phương Nam bắt nguồn từ phương Bắc sâu đậm, xưa và xa, đến nỗi cả việc chôn bằng chum gỗ ở Bình Dương cũng được liên hệ tận Việt Khê với mộ thuyền, vì chúng cùng một truyền thống chôn người bằng vật dụng gỗ! Ngày nào người ta nặng nề chửi bới Heine-Geldern, Janse nay lại vấp vào lỗi lầm của những người đó. Hay vì cho rằng đường đất của Quốc lộ 1 ngắn hơn so với khoảng cách từ biển Ðen hay vùng Cận Ðông đến Việt Nam nên lí thuyết dân tộc bây giờ hữu lí hơn? Và chưa có ai bạo gan lập thuyết người Việt cổ có mặt ở Nam Dương, Mã Lai Á... chắc vì các nhà khảo cổ Việt Nam chưa mang cuốc xẻng đến những nơi đó.

Cũng nhờ nền thống nhất, trời đất mở rộng hơn mà căn bản hãnh diện về nền văn minh Việt cổ có cơ phát triển hơn nhờ tiếp xúc với lí thuyết của một giáo sư Ðại học Miền Nam, với căn bản triết lí thần học thuyết giảng trong môi trường thế tục đã đẩy sự tự tôn dân tộc đến độ không thể nào hơn: Linh mục Kim Ðịnh. Chúng tôi đã nói đến ông này ở nhiều nơi khác. Giá trị công trình dính dáng tới cái gọi là sử học của ông không cao, phải nói là tệ, nhưng ảnh hưởng rất lớn vì hợp với tâm tình chung của thời đại. Từ trước 1975, có người chướng mắt phản ứng đối với các lập luận cao kì, hổ lốn của ông, thì ông tuyên bố là “nói chơi” nhưng rồi có “quần chúng”, và có vẻ quần chúng càng lúc càng đông nên ông càng ngày càng có tự tín hơn. Không chỉ lí luận mông lung trên các cổ thư mượn của Trung Hoa đảo ngược lại, mà nhờ nghe ngóng các thành quả khảo cổ học Trung Quốc, Việt Nam, sau 1975, ông lại thấy lí thuyết của mình mang thêm tính khoa học với Ðông Sơn, với trống đồng, về Việt Nam thì dựa trên chính các thành tựu của học giả Miền Bắc.

Ta không bàn đến ảnh hưởng của ông ở ngoại quốc, ở Mĩ trong dòng tiếp nối truyền thống vua Hùng nơi cỗi gốc, vì đó là chuyện của các nhân vật, cơ quan nghiên cứu về người Việt lưu vong, về “tiến trình xây dựng nơi quê hương mới” như của William Joiner Center và các tay phản kháng đang tranh cãi, tốn thật nhiều tiền cho các ông bà ăn oenphe tội nghiệp. Nhưng chính cái móc nối Ðông-Sơn-trống-đồng-vua-Hùng-thống-nhất đã làm lí thuyết Kim Ðịnh không bị chê là phản động mà lại được sống tiếp, có vẻ khoẻ mạnh (tuy đôi khi không được minh danh) trong các tác phẩm mang dáng nghiêm chỉnh, bề thế bây giờ nói về dân tộc, về cổ sử nước nhà. Ngoài sự đồng điệu về niềm kiêu hãnh dân tộc từ thời thế, từ giáo dục sử kí bắt nguồn của Toàn thư, có thể so sánh sự vồ vập này như cảnh sau 1975 người ta hồ hởi vào Nam mua hàng hoá, mua cả cái radio vứt xó được sửa chữa gấp gáp vì có mối hàng. Sách cấm, tư tưởng độc hại trở thành chính đáng vì cần thiết để nghiên cứu kẻ địch. Ngay cả học giả, chỉ độc mỗi tiếng Việt dù cũng có biết Pháp, Anh lơ mơ, thì sách Việt của Miền Nam là nguồn thông tin đi vào thế giới. Chúng ta đã gặp (không nên kể ra) vài học giả lượm sách luận thuyết của Tây phương qua các bản dịch Việt rồi viết phổ biến như một phát hiện mới. Các sinh viên tranh đấu luồn được vào thời mới thì được nể trọng vì nói đến gì gì hiện tượng luận, thuyết cơ cấu vân vân, trong khi sư đồ Miền Bắc chỉ biết có Tuyển tập, Toàn tập, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử... Ông vua Hùng của Ngô Sĩ Liên chiếm đất hồ Ðộng Ðình tuy kẻ hậu sinh Ngô Thì Sĩ không dám bác bỏ thân xác nhưng cũng chê là bậc tiền bối nói ẩu. Học giả Việt của thời mới càng không dám chiếm đất Tàu, chỉ kịp tranh chấp sơ sơ với Vân Nam về mấy cái trống đồng, nay thấy có thể theo Kim Ðịnh để chiến thắng mà không cần động đến binh đao thì không ngần ngại. Chớ tưởng rằng cái luận thuyết “Tàu ăn cắp của Ta chứ không phải Ta học của Tàu” chỉ nằm trong các tập sách nói lăng nhăng dưới dáng vẻ nghiêm chỉnh đâu. Nó được lập thành giáo trình đại học đào tạo thế hệ tương lai của đất nước, được cơ quan giáo dục nhà nước xuất bản nhiều lần, gây tự tín cho tác giả đến mức in bìa dày, cho dịch sang tiếng Pháp để phổ biến cho thế giới biết. Quyển Cơ sở văn hoá Việt Nam của Giáo sư Trần Ngọc Thêm không suy suyển vì lời tố cáo bắt chước Kim Ðịnh của ông Trần Mạnh Hảo, tuy ở lần in gần đây nhất thì có thêm lời bào chữa. Nhưng cũng vì có kẻ xung phong trước nên ta thấy xuất hiện bài phê bình nghiêm chỉnh, chi tiết hơn, một của người trong nước và một của một sử gia lão thành ở Pháp (Hồn Việt số 1, tháng 6-2003). Ngay cả ông Phó viện trưởng cũng mon men theo Kim Ðịnh: “Quan niệm về biến dịch -- hạt nhân của tư tưởng Dịch lí -- thể hiện trên mặt trống Ðông Sơn, có thể coi là một hệ thống triết học, biểu tượng của người Việt cổ. Trong đó hai mặt đối lập của sự vật liên tục vận hành và chuyển hoá lẫn nhau.”

Bài viết năm 2002 (trang 969) với câu trích trên là dẫn từ ý của ông Hà Hữu Nga, một nhà khảo cổ học khác, và của ông Viện trưởng Hà Văn Tấn, cả hai phát biểu trong hai cuộc hội nghị cấp quốc gia 1993, 1994. Tất cả chứng tỏ cái bóng Kim Ðịnh tràn ngập trong đầu óc các nhà nghiên cứu, học giả hàng đầu Việt Nam ngày nay khi họ bàn về cổ sử Việt mà gặp sự đồng điệu huênh hoang. Hèn gì ông Kim Ðịnh ở Mĩ không tự phụ để đòi lập một thứ giải thưởng Nobel gì đó cho ai nghiên cứu, chắc là lí thuyết của ông. Mong các học giả trên đọc bài của ông Lê Thành Khôi phê bình ông Trần Ngọc Thêm để hiểu rằng sự phân biệt hai mặt đối kháng thể hiện nơi chữ Hán là âm, dương chưa đủ để dẫn tới một nền triết học một khi chưa có hệ thống chữ viết và một tầng lớp thư lại chuyên môn. Và từ đó không thể nói bừa là Khổng/Hán nho vốn là Việt nho! Những người mang tinh thần “dân tộc” càng tô vẽ cho ông vua Hùng tốt đẹp hơn thì càng làm ông mất giá mà không biết. Và cả trong một đề xuất phản ứng đối với các học giả nắm quyền chính thống, để cho rằng nguồn gốc văn minh Ðông Sơn có thể tìm nơi các dân tộc Tây Nguyên, thì người ta vẫn thấy có các chương “Hà đồ trên trống đồng Ðông Sơn”, “Hình tượng Lạc thư ở Việt Nam” (Ðoàn Nam Sinh, Về Ðông Sơn -- Hùng Vương, Nxb. TP. Hồ Chí Minh 2002.) Tình trạng như thế chứng tỏ sự bí lối của các học giả bàn về lịch sử Việt Nam một khi vẫn cứ loay hoay trong cái khuôn vua Hùng cổ xưa và hình trạng dân Việt lập quốc từ đó mà không chịu biến đổi để đến nỗi như các đầu óc rỉ sét kia.


Tạ Chí Ðại Trường

0 Comments:

Post a Comment

<< Home