Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi - Minh Vũ Hồ Văn Châm
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Đất nước nào cũng có những con người làm nên lịch sử của đất nước đó, và lưu lại dấu ấn trên cảnh sắc và phong cách con người các đời sau. Vùng Huế cũng vậy. Cảnh sắc và phong tư con người vùng Huế xưa nay đã quyện vào nhau, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, tạo thành bản sắc đặc biệt của vùng Huế xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trên cái tổng thể thiên nhiên sơn kỳ thủy tú do Tạo hóa an bài, những con người nước non ngàn dặm ra đi để làm nên lịch sử vùng Huế, cho dù là khách phong lưu tài tuấn, hay là bậc khí phách anh hào, đã ít mhiều lưu lại dấu ấn sâu sắc cho ngàn sau.
Nước Chiêm Thành, sau khi bị Lê Hoàn phá hủy kinh thành Đồng Dương, phải thiên đô vào Phật Thệ (Vijaya) thì thế nước bắt đầu suy yếu. Lại hai lần bị các vua Lý Thái Tông và Thánh Tông chiếm đất bắt người, nên đối với Đại Việt, Chiêm Thành giữ phận chư hầu. Từ khi nhà Trần lên thay nhà Lý, người Chiêm Thành thừa cơ thỉnh thoảng sang cướp phá ven biển, vì thế, năm 1252, niên hiệu Nguyên Phong thứ 2, vua Trần Thái Tông ngự giá thân chinh, bắt được vương phi là Bố Gia La, nhiều cung nữ và tù binh, rồi rút về. Từ đó, nhất là sau khi Indravarman V lên ngôi, Chiêm Thành đều đặn triều cống. Đến khi Hốt Tất Liệt lên làm vua Trung Quốc, lập ra nhà Nguyên, tức là Nguyên Thế Tổ, vua Nguyên phong cho Indravarman V làm Chiêm Thành Quận vương, và năm 1280, niên hiệu Chí Nguyên thứ 17, sai Toa Đô và Lưu Thâm sang chia đất đặt quan cai trị. Người Chiêm Thành không chịu, hai sứ giả phải trở về. Năm 1282, Nguyên Thế Tổ sai Toa Đô mang quân sang đánh Chiêm Thành. Vì không mượn được đường bộ qua Đại Việt, quân Toa Đô phải đi đường biển. Quân Chiêm Thành thực hiện chiến thuật tiêu thổ kháng chiến, quân Nguyên lại không quen với khí hậu phương nam, hao binh tổn tướng mà không thu được kết quả gì, nên năm 1285, Toa Đô được lệnh rút thủy sư ra Nghệ An hội quân với Thoát Hoan đánh Đại Việt. Kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, Indravarman V xét mình đã quá già nên truyền ngôi cho con là Harijit. Harijit lên làm vua, lấy hiệu là Jaya Simhavarman III, sử ta gọi là Chế Mân.
Về phía Đại Việt, nhà Nguyên Mông ba lần mang quân thủy bộ xâm lược nhưng đều bị thảm bại. Sau khi đánh đuổi Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng để ngao du sơn thủy. Năm 1301, tháng 2, niên hiệu Hưng Long thứ 9, Thượng Hoàng Nhân Tông sang Chiêm Thành, ở chơi 9 tháng. Trong thời gian này, Thượng Hoàng có hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Năm 1305, Chiêm Thành cử sứ bộ Chế Bồ Đài sang dâng 2 châu Ô, Ri làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân. Triều thần đều tỏ ý phản đối, chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái cho là việc nên làm. Năm 1306, tháng 6, niên hiệu Hưng Long thứ 14, nhà Trần đưa công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành. Tình cảnh của công chúa lúc bấy giờ, má hồng da tuyết, sen ngó đào tơ, vì nước vì nhà mà phải cất bước ra đi ngàn dặm, thử hỏi khách phong lưu tài tuấn đương thời cũng như ngàn sau, có ai không cảm thấy ngậm ngùi:
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi ...
Mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly.
Đắng cay vì đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết
Vàng lộn theo chì ...
(Ca Huế, điệu
Đoàn thuyền của công chúa Huyền Trân ghé vào cửa biển Ô Long (nay là cửa Tư Hiền, phía nam Huế) nghỉ ngơi, nhân đó nhà Trần mới đổi Ô Long thành Tư Dung. Tư là tưởng nhớ, dung là nét mặt, dáng người. Nhìn cảnh sắc mà tưởng nhớ tới con người. Tư Dung, thật không có danh từ nào thanh nhã mà gợi cảm bằng để tỏ lòng tri ân người xưa đã có công mở nước. Đến nhà Mạc, vì kiêng húy Mạc Đăng Dung, nên cửa biển Tư Dung đổi tên là Tư Khách. Qua triều Lê Trung Hưng, lại lấy tên Tư Dung như cũ. Năm 1811, triều Gia Long, cửa biển Tư Dung bị cát bồi nên lần lần trở thành cạn hẹp, tàu lớn không vào được. Năm 1841, niên hiệu Thiệu Trị năm đầu, cửa biển Tư Dung được đổi tên thành Tư Hiền. Thời trước, cửa Tư Hiền còn rất sâu rộng, các đạo vương sư Lý, Trần và Hậu Lê chinh phạt Chiêm Thành đều dừng lại nghỉ ngơi ở đây. Vua Lê Thánh Tông còn lưu lại bài thơ Tư Dung Hải môn lữ thứ :
Lâu thuyền kích cổ đáo Ô Long,
Bách nhị quan hà thử yếu xung.
Liệt chướng huyền nhai thanh xúc xúc,
Kê thiên phách lãng bích trùng trùng..
Tiên triều sự nghiệp truyền di tích
Nạp cấu tàng ô hà hải lượng,
Nhân gian vô xứ bất triều tông.
Đào Duy Từ có bài Tư Dung vãn ca ngợi cảnh sắc hùng tráng của cửa biển Tư Dung, xin trích mấy câu:
Khéo ưa thay cảnh Tư Dung,
Cửa thâu bốn bể, nước thông trăm ngòi.
Trên thời tinh tú phân ngôi,
Đêm treo thỏ bạc ngày soi ác vàng.
Dưới thời sơn thủy khác thường,
Động Đình ấy nước, Thái Hàng kìa non (1)
Cửa Tư Hiền mở vào phá Cầu Hai, ăn thông với đầm Hà Trung và phá Tam Giang ở phía bắc, bên trái là núi Túy Vân (Qui Sơn), bên phải là mũi Chân Mây (Cái Sơn), sau lưng là núi Bạch Mã, sông nước mênh mông, núi non sừng sững, thật là nơi danh thắng đệ nhất. Đã thế, vùng cửa Tư Hiền lại có nhiều di tích lịch sử thời cổ đại. Thị trấn Cầu Hai (Cao Đôi), huyện lỵ huyện Phú Lộc ngày nay, là lỵ sở huyện Thọ Lãnh đời Tấn. Mủi Chân Mây là bến Ôn Công thời Bắc thuộc, dùng làm đường phân ranh giữa Giao Châu và Lâm Ấp. Trên núi Túy Vân còn có di tích tháp Chàm và chùa Thánh Duyên do chúa Nguyễn Phúc Tần dựng năm 1648. Năm 1841, vua Thiệu Trị trùng tu chùa, đổi lại tên là chùa Túy Vân, và làm bài thơ Vân Sơn thắng tích cho khắc vào bia đá dựng bên chùa. Trên núi Bạch Mã, ở độ cao 1500 mét, là thị trấn nghỉ mát của người Pháp, có gần 700 ngôi biệt thự lớn nhỏ, và là nơi cắm trại hàng năm của Hướng Đạo Đông Dương. Vì chiến tranh liên miên, Bạch Mã bị bỏ hoang phế từ năm 1946, và chỉ gần đây mới được chỉnh trang lại để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của vùng Huế.
Năm 1307, niên hiệu Hưng Thống thứ 15, vua Anh Tông sai Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài vào dẹp loạn ở các sách La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng, chiêu phủ dân chúng, đổi Ô, Ri làm Thuận Châu và Hóa Châu, chọn người sở tại làm quan (2), cấp ruộng đất cho dân và miễn 3 năm tô thuế. Thuận Châu là giải đất từ sông Nhung đến sông Bồ, gồm các phủ Triệu Phong, Hải Lăng và các huyện Phong Điền, Quảng Điền ngày nay. Hóa Châu là giải đất từ sông Bồ đến sông Túy Loan, trãi dài từ huyện Hương Trà đến phủ Điện Bàn ngày nay, bao gồm cả 2 thành phố Huế và Đà Nẵng. Đoàn Nhữ Hài là danh nhân tài trí, không phải là người hoàng tộc mà được ở ngôi đại thần, là điều hiếm thấy tại triều đình nhà Trần. Đoàn Nhữ Hài được ủy thác liệu lý việc phương Nam, bao nhiêu phen đi sứ Chiêm Thành đều chu toàn mệnh vua và xiển dương thế nước (3), vỗ yên trăm họ hai châu Thuận, Hóa, biết chọn lựa và tin dùng thổ quan, nhờ vậy mà chỉ 100 năm sau, trong đám cư dân bản địa đã phát sinh những nhân vật kỳ vĩ như cha con Đặng Tất, Đặng Dung, và Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, là linh hồn cuộc kháng chiến đời Hậu Trần, khiến chủ soái quân Minh là Trương Phụ phải một phen suýt chết ở ngã ba Sình, trước thành Hóa Châu.
Thành Hóa Châu còn lưu di tích ở làng Lại Ân, huyện Quảng Điền. Thành Hóa Châu do người Chiêm Thành xây dựng vào thời Đường, khi người Tàu dứt khoát bỏ đất Nhật Nam vào đời Đường Hy Tông (năm 875), và bắt đầu gọi nước láng giềng phương nam của Giao Châu là Chiêm Thành (Champapura). Sau khi trở lại cương vực Đại Việt, thành Hóa Châu được Hồ Quý Ly tu bổ vào năm 1391, niên hiệu Quang Thái thứ 4 đời Trần Thuận Tông. Năm 1402, niên hiệu Thiệu Thánh thứ 2 triều Hồ Hán Thương, đường cái quan từng chặng có phố xá, có trạm ngựa, gọi là Thiên lý cù, được thiết lập để nối liền thành Hóa Châu với kinh thành Tây Giai. Hồ Hán Thương lại sai Hành khiển Đỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành, lấy đất Chiêm Động và Cổ Lủy, đặt thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghỉa và trấn Tân Ninh., đem dân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá vào định cư lập nghiệp. Khi quân Minh sang đánh diệt họ Hồ, người Chiêm Thành thừa cơ lấy lại Chiêm Động và Cổ Lủy, đám di dân Đại Việt phải chạy về Hóa Châu. Người Minh gộp Thuận Châu và Hóa Châu lại thành phủ Thuận Hóa, và cải châu Tân Bình thành phủ Tân Bình.
Bình Định vương Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418, đến năm 1425 sai Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Ngân, đánh chiếm Tân Bình và Thuận Hóa, sai hàng tướng Châu Sài lập trại chăn ngựa ở Hóa Châu và định cư tù binh người Minh ở Tân Bình. Lên ngôi năm 1428, vua Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo. Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây, là giải đất chạy dài từ Ninh Bình đến Đà Nẵng ngày nay. Năm 1466, niên hiệu Quang Thuận thứ 7, Lê Thánh Tông chia nước làm 12 đạo Thừa tuyên và phủ Phụng Thiên. Thuận Hóa Thừa tuyên gồm 2 phủ là Tân Bình và Triệu Phong. Phủ Tân Bình lĩnh 2 huyện Khương Lộc (Quảng Ninh) và Lệ Thủy, và 2 châu Bố Chính (Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch) và Minh Linh (Vĩnh Linh, Gio Linh). Phủ Triệu Phong lĩnh 6 huyện Vũ Xương (Đăng Xương), Hải Lăng, Đan Điền (Quảng Điền, Phong Điền), Kim Trà (Hương Trà, Phong Điền), Tư Vinh (Phú Vang, Phú Lộc), và Điện Bàn (Điện Bàn, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Năm 1471, niên hiệu Hồng Đức thứ 2, Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, hạ thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm Thành Trà Toàn, thu phục đất cũ Chiêm Động và Cổ Lủy để đặt lại các phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, và lấy thêm đất Vijya đặt ra phủ Hoài Nhân, gộp chung 3 phủ lại thành đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Như vậy, nước ta lúc bấy giờ có 13 đạo Thừa tuyên và phủ Phụng Thiên (Hà Nội). Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, Lê Thánh Tông đổi đạo Thừa tuyên làm xứ. Đến đời Lê Tương Dực lại đổi xứ làm trấn. Sau khi lập thêm đạo Thừa tuyên Quảng Nam, Lê Thánh Tông cho lệnh chiêu mộ dân Bắc Hà và Thanh Nghệ vào định cư lập nghiệp ở vùng đất mới. Niên đại 1471 đánh dấu việc hoàn tất sự nghiệp thống nhất Chiêm Thành với Đại Việt, đem huyện Tượng Lâm trở về với quận Nhật Nam.
Những đoàn di dân miệt ngoài, nước non ngàn dặm ra đi, theo dấu mở đường của công chúa Trần Huyền Trân, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, đã lưu dấu ấn sâu sắc trên quê hương mới, biến đổi vùng Huế từ vai trò mũi xung kích của căn cứ địa Thăng Long, trở thành trung tâm hình thành và phát triển xứ Đàng Trong.
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Chú giải.
(1) Đoàn Khoách. Thắng cảnh Tư Dung. Trong Tuyển Tập Nhớ Huế, só 6, 1994, Võ Văn Tùng chủ biên, 9559 Bolsa Ave, suite D, Westminster, CA 92683, USA.
(2) Khi hai châu Ô Ri trở về cương vực Đại Việt, người Chàm phần lớn đã bỏ đi, nhưng tại đây đã có người Việt đến định cư lập nghiệp từ trước, tỷ như Việt kiều ngày nay ở Mên, Lào và Thái Lan vậy.
(3) Trước đây, sứ thần nước ta phải lạy vua Chiêm Thành .Đoàn Nhữ Hài đi sứ, vào đại điện, đặt sắc chỉ vua ta lên hương án dể vua Chiêm lạy, xong Đoàn Nhữ Hài cũng lạy, nhưng là lạy tờ chiếu chứ không lạy vua Chiêm. Từ đó, sứ nước ta cứ nghi thức đó mà theo, không phải lạy vua Chiêm nữa.
--
0 Comments:
Post a Comment
<< Home