Thursday, January 20, 2005

nỗi truân chuyên của những tên người, tên trường

Tạ Chí Đại Trường


Cứ giở những tập kỉ yếu của các cựu học sinh trường trung học chính ở Quy Nhơn là người ta thấy rối mù với những tên khác nhau: Collège de Quy Nhơn, Võ Tánh, Nguyễn Huệ, Cường Để, Quốc học,... rồi còn gì nữa đây? Các tập kỉ yếu thật ra là những hồi kí, ngay cả ở trong nước, người ta cũng không thấy bóng dáng, dù hiếm hoi, của người học sinh trường Quốc học bây giờ. Thực ra cũng dễ hiểu về tình trạng đó nếu nhìn vào tập thể thực hiện kỉ yếu và hoàn cảnh khích động người ta cầm cây bút lên.

Trong nước, qua tập sách được thấy ở Mĩ, các cựu học sinh nói nhiều đến ngôi trường trước 1945, có vẻ bởi vì những ông già về hưu kia với vị thế hiện tại của họ – những chức sắc cao thấp của chế độ mới – thời gian đó dễ dàng gợi lại thời sôi nổi của tuổi thanh niên với những hoạt động bí mật, công khai đã thuận chiều đưa đến địa vị của họ ngày hôm nay. Cũng phải công bình mà nhận ra rằng do thời gian được đào tạo và quá khứ được hồi tưởng, các bài viết đã nhìn thầy (cô) Tây chẳng phải đầy tinh thần “yêu nước” thô bạo mà với một tính cách cởi mở hơn, tuy rằng với các cô cậu học sinh biếng nhác, quậy phá (chuyện thường tình của “ma học trò”!) thì các ông bà thầy – nhất là các giám thị – không phải lúc nào cũng dễ thương. Các tập kỉ yếu ở ngoài nước thì lại là chuyện “Cường Để / Nữ Trung học Quy Nhơn” như các tựa đề chứng tỏ. Thói quen cũ không nói nhiều đến chính trị vẫn còn đó nhưng đối chiếu với hoàn cảnh hiện tại của những người viết thì bóng dáng Việt Nam Cộng hoà vẫn thấp thoáng trên các dòng chữ, và rõ rệt theo sự xuất hiện của kỉ yếu.

Tuy nhiên nếu nhìn về một khía cạnh khác thì sự tập trung chủ đề của hai tập họp kỉ yếu như trên không phải chỉ có nguyên nhân chính trị. Đó là dấu vết của hai thời kì đào tạo mang tính cách ổn định (về khía cạnh giáo dục), liên tục để người học sinh – số học sinh đông đúc – thấy nhớ như là phần đời chính của tuổi trẻ mình. Phần đời cuối của trường mang tên Võ Tánh và trường Nguyễn Huệ không có sự phồn tạp như vậy. Tên trường mang dấu hiệu Việt – Võ Tánh – là do nguyên nhân chính trị, thời thế. Lại cũng chẳng cần bào chữa là không ghét Tây, nhưng ông Tây hành chính, cai trị không cần đến tên Việt cho một trường học sinh bản xứ nếu không có điều kiện thúc bách, chấp nhận được.

Ngôi trường trung học chính ở thủ phủ Đông Dương vẫn chính thức là Ecole de Protectorat francais chứ không phải là trường Bưởi, lại càng không thể là Chu Văn An. Tây bại trận ở chính quốc phải nghĩ đến chuyện vuốt ve dân bản xứ cho nên ông Võ Tánh tử tiết vì tỏ lòng trung với triều đại đang còn hư vị, được rước về ngồi ở ngôi trường trung học của tỉnh. Pháp Việt đề huề. Vậy thôi.

Tôi không được hân hạnh học cái trường đó. Ngay cả chưa có ý nghĩ thèm thuồng nhìn các “anh lớn” thấy thầy cô ra vô thay đổi từng giờ một, hay nhìn các sinh viên (chưa biết họ có ở trên đời này!) muốn học thì học muốn nghỉ thì nghỉ, cuối năm về đi thi, vào vấn đáp bị thầy hỏi: “Hình như tôi không thấy anh trong niên khoá thì phải?” Chưa có cái mặc cảm nhìn các ông bà tốt nghiệp ở ngoại quốc nói tiếng Tây, tiếng Anh như gió, mang về các bằng cấp từ xứ văn minh xa lạ với nội dung đảo lộn trời đất – hay ít ra cũng có gì “mới” – mà thật ra chẳng có cái mẹ gì cả! Kiến thức, cũng như đời sống lúc nào cũng chỉ là một chuỗi dài những thất vọng triền miên.

Tôi bắt đầu “sự nghiệp” bằng thời gian học vỡ lòng với ông thầy một mắt có cái roi cặc-bò to tướng, ở chợ Xổm, bên kia (lúc bấy giờ là) Quốc lộ 19 của đầu đường Lò Vôi, nơi sau này là nhà ga Quy Nhơn. (Ga cũ là sân bay hiện tại.) Cours enfantin (lớp Một) ở Tư thục Cẩm Bàn, góc Trần Quý Cáp và Võ Tánh, ngó ra Trụ đèn Ba ngọn, cửa sân vận động.

Mở ngoặc để nói chuyện khác. Vào khoảng đầu những năm 90, trong một buổi họp (ăn ké) giáo chức cũ, ngồi bên cạnh một chị Tôn nữ... , tôi bật ra: “Chị có cái tên giống trường tôi học hồi nhỏ.” “– À, ông già tôi làm tri phủ Tuy Phước mà!” Đóng ngoặc.

Bên kia đường là Collège Võ Tánh. Tất nhiên là không học ở đó nhưng cũng được “lấy hơi”. Lúc bấy giờ đã có máy bay Mĩ ném bom nhưng chẳng ai nói chuyện hoặc bày vẽ đào hầm; có “alẹc” (báo động) thì chúng tôi băng qua đường vào khuôn viên trường Võ Tánh, nằm lăn dưới các trũng cát giữa mấy cây me tây, phó mặc tính mạng cho mấy ông phi công ù ù trên trời. Đang sợ muốn chết thì nghe một anh cô-le la to: “Đứt đầu rồi! Đứt đầu rồi!” Ngoảnh lại nhìn kĩ thấy anh ta đang hai tay ôm cái đầu nhưng cần cổ vẫn còn đó, vẫn dính sát vào vai mà miệng lại la to: “Rađiô báo tin Đức đầu rồi!” À thì ra thế.

Thời đó mấy ai có rađiô! Mang rađiô về nhà quê tản cư, các cô cậu ông bà cứ ra đứng phía sau dòm ngó xem người phát thanh nấp chỗ nào nơi cái vali nhỏ đó. Toàn quốc kháng chiến, trường Võ Tánh tản cư ra An Lương, Phù Cát. Tôi vẫn chưa thèm đi học ở đó vì mắc theo lớp Nhì trong hẻm quê nội, với ông thầy nghiện thuốc phiện, nằm dài nhiều hơn là lo ban phát chữ nghĩa (có trả tiền đàng hoàng) cho độ mươi thằng nhỏ thấy học hành không có gì là khổ cực hết. Thầy ngủ thì học trò giỡn, giỡn la ồn ào quá thầy mất giấc ngon, tỉnh mộng lơ mơ bay bổng thì thầy tuông ra chụp cây roi vụt tới tấp trên đầu trên cổ mấy thằng học trò ngồi im thin thít chịu trận. Nhưng liếc mắt nhìn theo cây roi để biết chừng mà giơ tay đỡ thì lại thấy thầy hình như sững lại và cũng liếc nhìn mình rồi nhẹ nhàng bước vào trong.

À thì ra... Sao thầy dám đánh con ông Cử, cháu nội bà Ba chợ Cây Gia dữ có tiếng? Goá chồng lúc 18 tuổi (17 tuổi tây), mang ông Cử tương lai trong bụng, giành giật hương hoả từ đường, nuôi hai con đỗ đạt, có con cháu nội học lớp Ba bị thầy đánh, lôi cháu đến tận lớp chửi om sòm, bắt ở nhà không cho học nữa. Coi ai dốt cho biết!

Tuy nhiên con ông Cử năm sau cũng vào học được lớp Nhất trường Tiểu học ở góc chợ đó. Chẳng nhớ học được chữ gì, nhưng có ông thầy cũng lên lớp theo, ra dạy trường Nhơn Phong – khác ông thầy lớp Nhì, nhưng giống ở chỗ cũng “hút”, nghĩa là cũng “lơ mơ” đầy chất thi nhân! Vậy là vào học trường Võ Tánh Nhơn Phong. Lớp Đệ nhất niên (lớp 5) 1947-48, Đệ nhị niên (lớp 7) 1948-49. Trường Võ Tánh An Lương đã dời về đó vì Pháp có lần đổ bộ thăm dò ở cửa Đề Di (?) Trường mang về Nhơn Phong câu lục bát chứng tỏ chuyện muôn đời: Làm thơ mà dán đầu cầu, H.N. có chửa nắm đầu Lam Giang!

Chuyện học trò gái với thầy thì cũng chẳng có gì lạ để phải than phiền đời sau loạn hơn đời trước, rằng “Văn minh Đông Á trời thu sạch; Này lúc cang thường đảo ngược ru?” Cũng như anh học trò ra đường bóp vú con gái, thầy đồ bị mắng vốn, ra câu đối trừng phạt: “Con cháu nay chăm vê tròn quả phúc;” để anh khoá tương lai nghênh ngang bào chữa, bác bỏ thói đạo đức giả của các bậc tiền hiền: “Ông cha xưa lừng lẫy bốn phương trời!”

Chuyện thường hơn là giữa học trò với học trò. Chẳng phải là chuyện tình e ấp, giấy trắng mực tím mấy tờ thư ép hoa phượng đỏ lung linh nắng hè mà là chuyện các anh giành gái giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt bàng dân thiên hạ. May mà mẹ tôi không sinh ra tôi sớm hơn vài năm!

Chị N., con thầy Chương (học trò Cường Để nhớ ông hiệu trưởng này không?), chị học cùng lớp, tóc bồng, môi đỏ, uốn éo lượn qua lượn lại làm tối mắt mấy anh lớp trên. Thế là một buổi sáng thứ hai chào cờ trước sân đình Thuận Hoà, một anh rút dao con chó thủ sẵn đâm anh kia. Thằng cha nào lúc đó nhảy ra can thật gan cùng mình, đáng được thưởng Anh dũng bội tinh với nhành huê liễu!

Nhưng mà thắc mắc không phải ở chỗ chuyện giành gái. Mô Phật, chưa nghĩ tới! Chỉ coi là chuyện vui thoảng qua thôi. Mắc lo tối nào cũng bò lết núp đánh giặc giả trên mấy cái gò mả. Gò không rộng lắm nhưng nghe nói cùng với diện tích trường đã chiếm hết gần nửa làng. Gò là nơi mọi người hưởng thú sau Quận công. (Nhứt quận công, nhì ỉa đồng – Thứ nhứt là đỗ Thám hoa, thứ nhì vợ đẹp thứ ba ỉa đồng.) Đang lom khom hưởng thú trăng thanh gió mát thì quay lại thấy con heo nái đứng chực sẵn phía sau, giật mình chỉ sợ nó táp trúng... Ấy nhưng nhờ các chị Trư Bát Giái này dọn sạch mà đêm đêm bò lết về nhà ngủ tỉnh bơ không cần tắm rửa gì hết!

Thắc mắc là ở tên làng/thôn. Xã Nhơn Phong có tính cách bao trùm không nói làm gì nhưng rõ ràng đình thần có sân chào cờ của trường, chỗ họp việc làng là văn phòng nhà trường, đình mang tên Thuận Hoà mà sao cứ gọi là trường Hoà Bình? Chúng tôi ở trọ nhà ông thôn trưởng Thuận Hoà chỉ trong ngõ hẻm cách gò chừng trăm thước. Nhà bà Bá Bốn Hoà Bình, bà ngoại anh NMG, ở ngõ khác nhưng cũng chỉ hơn trăm thước. Vậy mà sao chứ gọi là trường Hoà Bình?

Hay là thôn làng chật hẹp, ranh giới chen lộn vào nhau – như khi ở xứ này tôi đi làm lái xe chỉ hơn nửa tiếng đường lô-cồ mà có bữa giật mình thấy đã vượt qua tới bốn city – nên ở quê hương xa lắc kia tiếng tăm bà Bá hộ đã khiến người xa không còn nhớ đến vị trí thật của mình mà chỉ ghép ngay vào tên Hoà Bình có con người nổi danh sẵn?

Tuy nhiên đó là thắc mắc kĩ càng của thời hồi tưởng, không thoảng qua như ngày xưa. Cũng chẳng nhớ đã học với thầy cô nào. Hình như không có cô.

Con gái ngày xưa ít người được đi học, chẳng bù với năm 1973 biệt phái dân sự về lại trường cũ Tân An, thấy lớp đầy con gái, chỉ vài thằng con trai lố nhố hàng ghế cuối lớp, mặt mày cứ như là gà đá chạy độ, thấy mà thảm!

Chỉ nhớ có anh Ngô Chanh, gọi “anh” một phần vì anh còn là huynh trưởng hướng đạo của tôi, ông thầy dạy lí hoá, toán mà cũng có thể kiêm Anh, Pháp, công dân, sử địa loạn xà ngầu. Chuyện mấy cái nút hướng đạo, cắm trại núi Mồ Côi, Vườn Xoài Đại An (có cái nhà thờ hoang vắng cùng trụ đá chữ ngoằn ngoèo sau này đọc Parmentier mới nhớ lại), chuyện làm đội trưởng đội Ong cả trước khi tuyên hứa làm ghen tức anh bạn, không được nhớ dai bằng chuyện anh Chanh đi Bồng Sơn có chị T. (học cùng lớp) tiễn đưa sụt sùi trong đêm làm sao mà người ta đồn rùm.

Học trò giỏi thiệt! Nhà trọ thì chỉ nhớ chuyện học trò ăn cá thịt bạo quá, bà chủ bị lỗ bèn ngào cơm khô với đường để sẵn, học trò trong lúc chờ bữa, cứ ngốn đầy bụng khen ngon ơi là ngon rồi đến lúc mâm bát dọn ra thì ngắc họng! Học giỏi quá không có thầy dạy, niên khoá 1949-50 thì theo trường dời ra Bồng SơnVạn Thắng rồi Trung Lương. Tên trường Nguyễn Huệ.

Tuổi nhỏ không nhận ra từ nỗi truân chuyên của những tên trường thay đổi, cho thấy điều rõ rệt của năm bản lề, năm quyết định những thay đổi tàn nhẫn về sau của đất nước. Ông Võ Tánh của chế độ phong kiến bán nước nhà Nguyễn được kéo dài tuổi thọ vài năm sau 1945 chỉ vì người ta còn bận tâm đến những điều to lớn hơn, vả lại cũng dành thời gian để chiêu dụ người cũ. Ông Án sát Bình Định (?) Phạm Phú Tiết chẳng ngồi ghế chánh thẩm toà án Mặt trận Liên khu V đấy ư? Ông Quách Tạo (em thi sĩ Quách Tấn), cựu lục sự toà án Quảng Ngãi thoát nạn vùi thây vào phút chót, chỉ vì có người nhận ra: “Thằng Bình Định đó biết võ, để nó sống dạy mình chơi!” , và “nó” sống, làm đến Công tố toà án Mặt trận Miền nam Trung Bộ! Ông Võ Tánh không thể “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.” Ông phải chạy vào Nha Trang, nơi có một trường trung học công lập của ông vua (sau này là) cuối đời Nguyễn. Và ở Bình Định ông phải mặc áo quần lại, làm ông Nguyễn Huệ. Vậy mà ông này lúc đầu cũng vẫn còn truân chuyên: Anh hùng thì chỉ có một mà trụ sở thì tới hai nơi nên ông phải mang hai tên Nguyễn Huệ BắcNguyễn Huệ Nam (trường Nhơn Phong cũ.) Dù sao thì những thay đổi của đất nước, sự đảo lộn anh hùng cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới tên học trò nhỏ, nghĩ lại, thấy mình được hưởng một năm (9 tháng) tươi đẹp nhất đời mình, không phải chỉ với tuổi nhỏ mà là cả tuổi lớn khôn. Đó là một thế giới lạ mời gọi khám phá.

Ở phía nam, Hoà Bình hay Nhơn Phong thì cũng như Quảng Vân, Vân Hội / Diêu Trì, Quy Nhơn. Cũng ruộng lúa, gò mả, núi vẫn có đấy nhưng vẫn còn xa xa, hay quen thuộc quá. Đến Bồng Sơn, núi đã gần lại mà hình như còn muốn siết vào mình vì rừng dừa góp vào che cả trời cao. Biết lạ và sợ. Sông vẫn rộng đấy nhưng có những cái xe nước cao ngất ngưởng xoay tròn, đe doạ. Mùa nước lũ dữ hơn ở quê. Không thể nào xoá được hình ảnh hãi hùng về cảnh con bò trôi ngoài sông lớn cuồn cuộn, “ầm bò! ầm bò!” thảm thương, tuyệt vọng, thoáng chốc biến ngoài tầm mắt mà chưa tan trong tâm trí. Cảnh người leo dừa thoăn thoắt như khỉ, đu từ cây này qua cây khác theo đùm lá tưởng không chịu nổi sức nặng của thân xác.

Trời mưa lâm râm tò mò đi theo thằng bé cùng trạc tuổi đào dế không phải cho đá nhau như ở quê, mà là để ăn! Lần đầu thấy thế giới lạ, thấy người lạ, hoang mang giữa lạ và quen mà không biết mình phải xử trí ra sao, cứ để bềnh bồng trôi theo nó. Có lẽ không bao giờ có được nữa cái cảm giác đó, ngay cả lúc lớn lên, đi xa cả hơn vạn lần đường đất cũ. “Không thể nào tắm hai lần cùng trên một dòng sông” (đời.) Rồi thôi. Từ giã. Mãi mãi, ngôi trường, dù nó có tên Võ Tánh, Nguyễn Huệ, hay những tên nối tiếp.

Mà cũng lạ. Trong lòng tên học trò nhỏ chỉ có một lại phải mang tên hai ông tướng thù địch đánh nhau một mất một còn! Ông tướng, ông vua chẳng cần ai đặt tên trường, tên đường để chết rồi mà phải đi theo dòng lịch sử đảo lộn nháo nhào, không yên trong nấm mộ. Chỉ có lớp người sống mượn ông tướng ông vua để giương danh mình, phe mình. Cái thói phe phía ăn sâu cả đến khi cầm quyền, nắm trong tay vận mệnh đất nước vẫn chỉ nghĩ mình là của một phe. Như ông chức sắc nào đó của thời hiện tại, khi bị người ta trách cứ: “Từng vững vàng ngôi vị bao nhiêu năm rồi mà sao chưa đủ chút tự tín để vẫn là nguỵ này nguỵ nọ...” đã trả lời: “Thì người ta vẫn gọi chúng tôi là Vẹm đấy sao?”

Đến chừng nào thì những tên học trò nhỏ của tương lai được học trong những ngôi trường của đất nước, của dân tộc, không phải của một phe phía – mà lại xưng danh là của toàn thể – tránh được cảnh ngượng ngùng của những tên học trò nhỏ trong quá khứ lúc lớn lên gặp nhau, ngượng ngùng quay mặt đi nếu chưa đi đến chỗ thờ ơ, giận dữ?


Tạ Chí Đại Trường
--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home