Vụ Án Văn Học Lệ Chi Viên - Minh Vũ Hồ Văn Châm
Quan Điểm Về Một Số Vấn Đề
Liên Hệ Đến Vụ Án Văn Học Lệ Chi Viên
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Vụ án Lệ Chi Viên xẩy ra vào mùa thu năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba (1442), triều Thái Tông nhà Hậu Lê. Vua đi duyệt binh ở thành Chí Linh, ghé chơi nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, lúc về có người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Ngày mồng tư tháng tám năm Nhâm Tuất, xa giá về đến Lệ Chi Viên, vốn là một ly cung được xây cất từ triều Lý trong một trại trồng vải thuộc làng Đại Lại, huyện Gia Bình, tỉnh Hà Bắc ngày nay, thì dừng lại nghỉ đêm. Trong đêm, vua đột ngột băng hà. Triều đình ghép tội Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ mưu việc giết vua, lên án Nguyễn Trãi bị giết ba họ (tru di tam tộc).
Vụ án Lệ Chi Viên là một vụ án hình sự vì có nói đến chuyện giết người. Vụ án Lệ Chi Viên cũng mang tính chất dân sự vì động cơ là sự tranh chấp quyền lợi. Vụ án Lệ Chi Viên còn là một vụ án chính trị vì người chết là vua và nghi can là đại thần. Nhưng trên tất cả những điều ấy, vụ án Lệ Chi Viên là một vụ án văn học, vì đã trở thành đề tài thảo luận và cảm hứng sáng tác của nhiều công trình văn học đủ thể loại từ lúc bấy giờ cho đến tận ngày nay.
Tường thuật tình tiết các dữ kiện và nhận định vai trò các nhân vật trong vụ án Lệ Chi Viên phần lớn mang tính chất chủ quan. Vì nhiều lý do riêng tư, người đương thời cũng như người đời sau đã thêu dệt câu chuyện bằng những hư cấu đôi khi hoang tưởng khiến cho một số vấn đề quan yếu liên hệ đến lịch sử nước ta được giải thích một cách thiếu vô tư, và vì vậy được hiểu biết một cách vô cùng lệch lạc.
Bài này đặt lại một số vấn đề đó.
1. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Từ bài thơ Bán chiếu gon đến câu chuyện Rắn báo oán.
Chuyện kể rằng: Nguyễn Trãi là đại thần nhà Hậu Lê đi dạo phố Kinh kỳ. Nguyễn Thị Lộ là cô gái bán chiếu xinh đẹp ở Tây Hồ, tức là Hà nội ngày nay. Thấy gái đẹp, Nguyễn Trãi thả lời ong bướm:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon?
Cớ hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Thấy quan sang, Nguyễn Thị Lộ lẳng lơ đáp lời:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi Ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, nói chi con!
Thấy cô gái trẻ đẹp vừa giỏi ứng đối lại có tài làm thơ, Nguyễn Trãi đem lòng yêu mến bèn mua về làm nàng hầu.
Câu chuyện trên đây tưởng không có gì phi lý cho bằng. Nguyễn Trãi sinh năm 1380. Khi vua Lê Thái Tổ nên công đại định, lên ngôi vua ở Đông Đô năm 1428, thì Nguyễn Trãi đã 48 tuổi. Vậy lúc Nguyễn Trãi đi dạo phố trong câu chuyện này thì Nguyễn Trãi đã trên dưới năm mươi. Không thể nào có chuyện một bô lão ở cương vị "phương diện quốc gia", đã từng thi đậu Thái Học Sinh, lại vừa viết xong bài "Bình Ngô Đại Cáo" đầy khí phách hào hùng, lại thả bộ rong chơi và tán gái giữa đường như thế. Cho dù Nguyễn Trãi vi hành đi thăm dân cho biết sự tình, rồi gặp người đẹp mà ngẫu hứng cảm tác bài thơ nói trên, thì xét xem phong cách hành văn, bài thơ này nhất quyết không phải là thơ Nguyễn Trãi. Thơ Nguyễn Trãi trang trọng, chính đạo, riêng thơ quốc âm thì dùng nhiều cổ ngữ (như cộc là biết, tua là nên, anh tam là anh em), cú pháp có nhiều đảo trung tức là đảo ngược ở trong câu (thí dụ: Toan cùng người mấy thì chăng đủ, người mấy là mấy người. Non cao bạch thạch nào đời chuyển, nào đời là đời nào), trong một bài thất ngôn thường chen một vài câu 6 chữ:
Lộc trời cho đã có phần,
Tua hay thừa phận chớ phàn nàn.
Giàu nhiều của, con chẳng có,
Sống hơn người, mệnh khó khăn.
Hễ kẻ danh thơm hay được phúc,
Mấy người má đỏ phải nhiều lần...
(Bài 175 trong Ức Trai Di Tập của Dương Bá Cung, Nguyễn Định, Ngô Thế Vinh, ấn hành năm 1868 đời Tự Đức).
Như vậy, rõ ràng bài thơ Bán chiếu gon không phải là của Nguyễn Trãi. Một người nào đó đã làm ra hai bài thơ xướng họa nói trên rồi gán cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, rồi một số người khác đưa vào dã sử để tô điểm thêm cho câu chuyện Rắn báo oán.
Chuyện dã sử kể rằng Nguyễn Thị Lộ là hiện thân của con rắn thần báo thù Nguyễn Trãi. Hồi còn theo Lê Lợi khởi nghĩa binh đánh nhau với quân Minh, một hôm Nguyễn Trãi nằm mơ thấy một nguời đàn bà có chửa đến khóc lóc xin Nguyễn Trãi hoãn việc đuổi nhà ít hôm, vì hiện chồng đang bị thương tật, còn mình thì bụng mang dạ chửa, chưa kiếm được nơi ở mới. Nguyễn Trãi thức giấc, băn khoăn không hiểu chuyện nằm mơ vừa rồi là ý nghĩa làm sao, trằn trọc mãi, đến gần sáng thì ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy trời đã sáng rõ, Nguyễn Trãi ra bên ngoài thì quân hầu báo rằng lúc nãy dọn cỏ quanh nhà quân sĩ có đánh chết một đôi rắn lớn, con đực cụt đuôi, con cái có chửa. Nguyễn Trãi hốt nhiên nhớ tới giấc mơ trong đêm, lòng cảm thấy vô cùng ân hận. Ít lâu sau, đêm ngồi đọc sách một mình, Nguyễn Trãi bỗng thấy từ trên mái nhà rơi xuống một giọt máu thấm ướt ba trang sách, Nguyễn Trãi nhìn lên thấy một con rắn lớn đang lặng lẽ cuốn mình quanh xà nhà. Nguyễn Trãi hiểu rằng oan hồn con rắn hiện về báo thù. Nhưng rồi công việc bận rộn, Nguyễn Trãi cũng quên luôn chuyện cũ. Việc khởi nghĩa thành công, Lê Lợi lên ngôi tôn, Nguyễn Trãi làm đại thần. Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ, mua nàng về làm thiếp. Lê Lợi băng hà, Lê Nguyên Long lên kế vị, tức là vua Thái Tông. Vua mới còn trẻ tuổi, mê say Nguyễn Thị Lộ, vời nàng vào cung làm Lễ Nghi Học sĩ. Nguyễn Thị Lộ dùng sắc đẹp mê hoặc vua, xúi vua giết đại thần, phế nguyên phi, gây rối loạn ở cả triều đình lẫn nội cung. Đêm hôm hầu vua ở hành cung Lệ Chi Viên, Nguyễn Thị Lộ bỏ thuốc độc vào rượu giết chết vua rồi khai là do Nguyễn Trãi bày mưu. Do đó, Nguyễn Trãi bị khép tội giết ba họ. Hôm hành hình, khi Nguyễn Thị Lộ bị chém thì trong cổ phun ra một luồng khí đen hóa thành con rắn lớn biến mất. Từ đó, người ta mới biết Nguyễn Thị Lộ là hiện thân của oan hồn con rắn đến báo thù Nguyễn Trãi.
Câu chuyện quả tình là hoang tưởng. Làm sao rắn đã chết lại có thể hiện hình thành cô gái nhan sắc để mưu chuyện hại người. Rõ ràng câu chuyện rắn báo oán là công trình sáng tạo của các chuyên gia chiến tranh tâm lý tung ra để xoa dịu dư luận bi phẫn đương thời. Vụ án Lệ Chi Viên quá ư oan khốc, Nguyễn Trãi lại là bậc danh nho đại thần. Vua Thái Tông vì đi đường mệt nhọc, lại trải qua một đêm tửu sắc quá độ, nên cảm mạo phong sương, hoặc đứt mạch máu não mà chết. Dựng đứng lên việc vua bị đầu độc để vu cáo Nguyễn Trãi bày mưư cho Nguyễn Thị Lộ giết vua để lấy cớ tru di ba họ Nguyễn Trãi thật là một việc làm quá ư tàn nhẫn, bởi thế những người chủ động phải sáng tạo ra câu chuyện rắn báo oán cho nhẹ bớt sự dằn vặt của lương tâm và xoa dịu lòng bi phẫn của dân chúng đương thời. Chả thế mà sử gia Ngô Sĩ Liên cũng chép câu chuyện này vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
2. Nguyễn Trãi và Hồ Quý Ly. Bề Tôi Thoán Nghịch Hay Chính Khách Anh Hùng?
Nguyễn Trãi là bậc danh nho chính đạo, lại là cháu ngoại họ Trần. Bởi vậy, phần đông những người đọc sử ở nước ta trước nay vẫn dễ dãi lầm lạc nhận định rằng dưới con mắt phán xét của Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly là bề tôi thoán nghịch. Sự thực thì ngược lại, Nguyễn Trãi rất ngưỡng mộ Hồ Quý Ly, tôn vinh Hồ Quý Ly là chính khách anh hùng. Thân thế và sự nghiệp của thân phụ Nguyễn Trãi, cùng với tình hình kinh tế xã hội nước ta vào cuối đời Trần, đã trải qua một giai đoạn đột biến sâu đậm vì công việc cải cách của Hồ Quý Ly, và sự kiện này đã tác động đến tư duy của Nguyễn Trãi, khiến Nguyễn Trãi vô cùng ái mộ nhân vật chính trị này.
Nhà Trần nhờ hôn nhân mà được thiên hạ. Nhà Trần cũng dùng hôn nhân để củng cố thế lực và duy trì địa vị chí tôn. Buổi đầu, Trần Lý dâng con gái cho vua Lý Huệ Tông, mở đường cho cha con, anh em, chú cháu họ Trần vào triều chia nhau chiếm giữ quyền bính. Tiếp theo, Trần Thủ Độ thu xếp cho công chúa Phật Kim mới 7 tuổi lên ngôi vua
lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, rồi đem gả cho cháu mình là Trần Cảnh lúc bấy giờ được 8 tuổi, và sau đó, bắt ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Thế là nhà Lý chấm dứt, nhà Trần lên thay làm vua. Buổi đầu lòng người chưa qui phục, Trần Thủ Độ đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho Nguyễn Nộn, xúi Nguyễn Nộn đánh diệt Đoàn Thượng. Khi Mông cổ xâm lăng, Trần Thủ Độ đem công chúa An Tư dâng cho Thoát Hoan để mưu cầu hòa hoãn. Về cuối đời Trần, vua Anh Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho vua Chiêm Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô Lý. Cái chiến thuật đưa má phấn đổi lấy trường thành của họ Trần quả thật là lợi hại. Chính vì kinh ngiệm bản thân đề phòng nạn ngoại thích, bảo vệ địa vị chí tôn của mình, mà nhà Trần có lệ anh em trong họ Trần kết hôn với nhau, con gái tông thất họ Trần không bao giờ đem gả cho con trai bách tính. Cái lệ này lại là nguyên do chủ yếu tạo nên mối duyên nợ của cha con Nguyễn Trãi đối với họ Hồ từ lúc Nguyễn Trãi chào đời.
Thân phụ Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, vốn là học trò nhà nghèo, vào làm gia sư trong phủ đệ Tư Đồ Chung Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán. Cô con gái quan Tư Đồ là Trần Thị Thái đem lòng yêu mến thầy học. Đến khi Trần Thị Thái mang thai, quan Tư Đồ buộc lòng cho hai người lấy nhau, nhưng bắt phải ra ở riêng. Hai người sinh hạ được 3 gái và 2 trai là Nguyễn Tạc và Nguyễn Trãi. Năm 1374, trước khi Nguyễn Trãi ra đời, Nguyễn Ứng Long thi đậu Thái Học Sinh (Tiến sĩ), nhưng không được bổ làm quan. Năm 1385, bà Trần Thị Thái chết, Nguyễn Trãi được ông ngoại đem về Thanh Hư Động ở Côn Sơn nuôi dạy cho đến năm 1390, khi ông ngoại mất, thì trở về ở hẳn với cha.Nguyễn Trãi còn có 4 em trai cùng cha khác mẹ là Phi Bảo, Phi Hùng, Nhữ Soạn và Nhữ Trạch.
Nguyễn Ứng Long thi đậu Thái Học Sinh mà không được bổ dụng không phải chỉ đơn thuần vì cái tội con nhà bách tính mà lấy vợ hoàng tộc, mà còn vì chính sách phong kiến thế tập của nhà Trần. Con trai họ Trần được thừa ấm, tập tước, cha truyền con nối độc quyền nắm giữ các chức vụ quan yếu trong triều ngoài nội, được lập thái ấp, được tuyển gia thần, được nuôi gia binh, được chứa vũ khí. Buổi đầu, tông thất nhà Trần còn ít người, lại có chiến tranh với Mông cổ, nên thảng hoặc còn có người khác họ được bổ dụng vào cấp chỉ huy, như Phạm Ngũ Lão chẳng hạn, nhưng cũng phải xuất thân từ hàng gia đồng của các vương hầu, chứ về sau thì tuyệt đối các chức vụ tiết chế, chỉ huy các quân, các đô, chỉ dành riêng cho người họ Trần mà thôi. Con cháu nhà dân, dù giàu có ức vạn, dù chữ tốt văn hay, cũng chỉ đời đời làm lính. Con cháu những người không có quan tước không bao giờ được bổ dụng vào sĩ đồ. "Con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa lại quét lá đa". Ông nội Nguyễn Trãi là Nguyễn Minh Du chỉ là một viên võ quan cấp thấp trong đội quân túc vệ canh giữ cấm thành, vậy dù cho thân phụ Nguyễn Trãi không phạm phải tội con nhà bách tính mà lấy con gái hoàng tộc, thì cũng vẫn không bao giờ được bổ làm quan. Bị đè nén ức hiếp như vậy, làm sao Nguyễn Ứng Long không hoan nghênh công việc cải cách của Hồ Quý Ly, trong đó có việc tước bỏ những đặc quyền đặc lợi của giai cấp quý tộc nhà Trần: hạn chế thái ấp, bãi bỏ tập ấm, giải tán gia binh gia đồng, nghiêm cấm mua bán nô tỳ, tàng trữ khí giới v.v. Bởi vậy, năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên làm vua, Nguyễn Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và ra làm quan với nhà Hồ, giữ chức Trung Thư Thị Lang và Quốc Tử Giám Tư Nghiệp. Cũng năm đó, Nguyễn Trãi lều chõng ứng thí, đậu Thái Học Sinh và ra làm quan, lần lần đến chức Ngự Sử Đài Chính Chưởng. Nguyễn Trãi là người học rộng biết nhiều, lại nặng lòng yêu nước thương dân, tất nhiên Nguyễn Trãi nhận chân được chỗ cao thâm cũng như sự ích lợi của công cuộc cải cách có tính chất cách mạng của Hồ Quý Ly mà sinh lòng cảm phục và tôn kính người chủ xướng. Sau này, khi nhà Hồ đã bị diệt, đi qua cửa biển Thần Phù, chạnh nghĩ đến các công trình phòng ngự ngoại xâm của Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi cảm khái làm bài thơ Quan Hải (khoá cửa biển), và đã chân thành xưng tụng Hồ Quý Ly là anh hùng.
3. Nguyễn Trãi và Nguyễn Ứng Long. Tiễn biệt ở Nam quan hay lưu lạc sang Trung quốc?
Câu chuyện Nguyễn Trãi đưa tiễn cha đến cửa Nam Quan rồi nghe theo lời cha gạt lệ trở về lo trả thù nhà, đền nợ nước, người đọc sử ai ai cũng biết, người nghe sử ai ai cũng tin, rồi thơ ngâm vịnh, rồi chuyện dã sử, các tác gia đua nhau theo đó mà thêu dệt nhiều tình tiết mỗi lúc một thêm ly kỳ.
Sự thực như thế nào?
Chuyện kể rằng tướng nhà Minh là bọn Trương Phụ, sau khi đánh chiếm nuớc ta bèn chia làm quận huyện và đặt quan cai trị, rồi bắt giải Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều thần văn võ nhà Hồ về Tàu trị tội, trong số này có Nguyẽn Phi Khanh. Con Nguyễn Phi Khanh là Nguyẽn Trãi theo tiễn cha đến cửa Nam quan, và được cha bảo rằng: "Con hãy trở về để lo trả thù nhà, đền nợ nước, chứ đi theo khóc lóc thì phỏng có ích gì". Nghe lời cha, Nguyễn Trãi quay về, cư trú ở Đông đô một thời gian, rồi cùng với người anh cô cậu là Trần Nguyên Hãn tìm vào Thanh Hóa giúp vua Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh.
Về sau, câu chuyện được bổ sung một số tình tiết để lấp đầy các lỗ hổng. Ví dụ khoảng trống thời gian từ 1408 lúc Nguyễn Trãi giả từ cha ở cửa Nam Quan đến 1420 lúc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến theo Lê Lợi ở Lội Giang (khúc sông Mã thuộc Cẩm Thủy, Thanh Hóa), trong khoảng thời gian này, Nguyễn Trãi đi đâu, làm gì, tại sao Nguyễn Trãi không tham gia cuộc khởi nghĩa của các vua Hậu Trần Giản Định và Trùng Quang? Để bổ khuyết, người đặt chuyện bèn đưa thêm vào một tình tiết khá ngộ nghĩnh là trong khoảng thời gian này, Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Đô. Một điểm nghi vấn khác là ở cửa Nam Quan, Nguyễn Trãi nghe lời cha mà gạt lệ quay trở về thì đạo hiếu làm con của Nguyễn Trãi để đâu? Nhà nho khi cha mẹ chết còn phải từ quan để cư tang ba năm, làm nhà lều ở bên mộ để sớm hôm hương khói, vậy mà nay, mới tới cửa Nam quan, Nguyễn Trãi đã đành lòng bỏ lại cha già một mình trên con đường lưu đày đầy gió sương và còn dài dằng dặc. Để bổ khuyết, người đặt chuyện bèn đưa thêm vào một tình tiết khá chính xác là tiễn đưa cha đến cửa Nam Quan, ngoài Nguyễn Trãi còn có Nguyễn Phi Hùng là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi quay về, Nguyễn Phi Hùng tiếp tục theo cha sang Tàu.
Tuy được bổ khuyét nhưng câu chuyện tiễn biệt ở Nam Quan vẫn còn chứa đựng nhiểu điểm không ổn. Nguyễn Trãi theo cha đến Nam Quan, rồi nghe lời cha quay trở về. Như vậy, suy diễn từ những tình tiết trong truyện dã sử, thì nhân thân Nguyễn Trãi hoàn toàn tự do, Nguyễn Trãi không bị bắt giữ, Nguyễn Trãi không bị lưu đày. Vậy thì hà cớ gì trở về Đông Đô, Nguyễn Trãi lại bị giam lỏng hơn mười năm trời, từ 1408 đến 1420? Lại nữa, Nguyễn Trãi làm quan nhà Hồ với chức vụ khá lớn, khi nhà Hồ mất nước, Nguyễn Trãi đang giữ chức Ngự Sử Đài Chính Chưởng. Vậy vì sao Nguyễn Trãi lại không bị bắt giải về Tàu như các quan chức khác cùng cấp bậc? Nguyễn Trãi còn trẻ, đã đậu Thái Học Sinh lại nổi tiếng văn học, tại sao người Minh lại không bắt mang về Tàu trước là để sử dụng, sau là để triệt hạ tiềm năng quật khởi và bản sắc văn hóa của dân tộc ta, như việc người Minh thu hết sách vở của ta, bắt nho sĩ và thợ giỏi đem về Tàu, đập phá đền Hùng Vương, tiêu hủy An Nam đại tứ bảo? Vậy thì trong thực tế Nguyễn Trãi đã bị người Minh bắt giữ, bị người Minh áp giải lên Nam Quan để đưa sang Tàu, nghĩa là Nguyễn Trãi cũng đang ở qui chế tù nhân lưu đày như Nguyễn Phi Khanh, và Nguyễn Trãi không thể nào lại thung dung muốn đi theo tiễn chân cha thì đi, muốn nghe lời cha gạt lệ quay trở về thì trở về. Chuyện khóc lóc tiễn biệt ở Nam quan là chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Vua tôi nhà Hồ bị bắt giải về Yên Kinh. Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị khép tội xử trảm, nhưng sau được tha chết, chỉ phát vãng đi làm lính tuần ở Quảng Tây. Hồ Quý Ly có đề cập đến vụ thoát chết này trong một bài thơ còn lưu truyền đến nay, trong có mấy câu như sau:
Canh cải đa đoan tử phục sinh,
Du du hương lý bất thăng tình.
Nam quan thiều đệ ưng đầu bạch,
Bắc quán yêm lưu giác mộng kinh.
Con trưởng Quý Ly là Nguyên Trừng, cháu đích tôn là Nhuế Lỗ được tha, vì Nguyên Trừng giỏi nghề đúc súng thần cơ, được bổ dụng làm Công Bộ Thị Lang. Em Quý Ly là Quý Tỳ, cháu là Vô Cửu, quan võ là Hồ Đỗ, Đoàn Kích, Đỗ Mãn, quan văn là Nguyễn Ngạn Quan, Lê Cảnh Kỳ, Nguyễn Phi Khanh, Trần Nhật Chiêu đều bị phát vãng làm lính thú mỗi người một nơi, duy có Nguyễn An giỏi nghề kiến trúc được tuyển dụng làm công trình sư xây dựng cung điện thành Bắc Kinh. Những quan chức cấp nhỏ hơn đều được tha, cho tự do tìm đất lập nghiệp. Sau khi An Nam hoàn toàn được bình định, một số được phép trở về quê hương. Sau khi chết, Hồ Quý Ly cũng được gia đình đem linh cửu về chôn cất ở Thanh Hóa.
Nguyễn Trãi thuộc loại tội phạm thứ ba, tức là được tha cho tự do đi kiếm đất sinh sống. Do đó, Nguyễn Trãi đã trãi qua một thời gian 10 năm lưu lạc ở Trung Quốc, đi lại nhiều nơi ở miền nam nước Tàu, rồi trở về nước tổ, cư trú ở Bắc Hà 2 năm trước khi lặn lội vào Thanh Hóa tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa. Chứng cớ của sự kiện này là ngày nay còn lưu truyền chừng trên dưới hai mươi bài thơ Hán tự của Nguyễn Trãi làm trong khoảng thời gian 1408-1418, trong đó có đề cập đến các địa danh ở Trung Quốc mà người đọc dễ dàng nhận thấy là tác giả nhân đối cảnh sinh tình mà cảm hứng làm ra, như bài thơ dẫn ra đây:
Thái thạch tằng văn Lý trích tiên
Kỵ kình xuy khứ kỷ đa niên.
Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.
(Từng nghe ông tiên bị đọa họ Lý ở Thái thạch đã cỡi cá kình ra đi biết bao năm rồi. Ví thử sông này nay biến ra rượu xuân , thì e rằng lại thấy ngài nằm ngủ say trong lòng sóng).
Nguyễn Trãi là bậc danh nho chính dạo. Thái Thạch là một nhánh sông Dương Tử, Lý Bạch đã nhẩy xuống ôm trăng mà chết. Nguyễn Trãi có đến tận bờ sông Thái Thạch nhiên hậu đối cảnh sinh tình mới cảm hứng thốt lên hai tiếng "Thử giang" (sông này). Nguyễn Trãi nhất quyết không phải là thợ thơ để có thể đứng trên bờ bất cứ con sông nào, hoặc tệ hại hơn, ngồi trong bất cứ xó xỉnh nào, cũng loay hoay ghép chữ lựa vần, viết đại hai chữ thử giang để tưởng tới anh hồn Lý Bạch đang ngủ say trong lòng sóng.
4. Nguyễn Trãi Và Khởi Nghĩa Lam Sơn. Vai Trò Và Vị Thế Của Nguyễn Trãi.
Từ trước đến nay, sách vở nào cũng nói Nguyễn Trãi làm quân sư cho Lê Lợi; sau khi nên công đại định, Lê Lợi phong thưởng công thần, thì Lê Vấn đứng đầu bên võ, Nguyễn Trãi đứng đầu bên văn. Một số sử gia còn ghi thêm việc Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi Bình Ngô sách lúc mới theo về tụ nghĩa ở Lam Sơn, và thay lời Lê Lợi trước tác Lam Sơn thực lực sau khi đã quét sạch giặc Ngô ra ngoài bờ cõi. Những người viết dã sử thì thêu dệt ra chuyện Nguyễn Trãi lúc mới đến Lam Sơn, đang nằm ẩn trên cây thấy Lê Lợi tính sai số Thái Ất vội nhẩy xuống ra mắt, nhân thể giúp Lê Lợi tính lại cho đúng; chuyện Nguyễn Trãi chê cười Lê Lợi thô lậu, ngồi xổm thái thịt lợn ăn trong ngày giỗ cha nên đã toan bỏ đi, nhưng sau nghĩ lại, lấy việc trả thù nhà đền nợ nước làm trọng, nên lại thôi, không bỏ đi nữa; chuyện Nguyễn Trãi cho người lấy mật mía viết lên lá cây rừng mấy chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", kiến ăn mật mía đục thành chữ khiến dân chúng tin rằng Lê Lợi được trời giúp nên nức lòng theo về tòng quân đánh giặc. Đến đời Nguyễn lại xuất hiện cuốn dã sử Sóng Nước Hồ Gươm với nhân vật chính là Nguyễn Tiên tài cao chí cả, có công trạng lớn lao giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, mà người đọc muốn hiểu đó là Nguyễn Công Duẫn tổ tiên nhà Nguyễn Gia Miêu, hay là Nguyễn Trãi, thì tùy ý. Gần đây, nhà sử học Phan Huy Lê của Hà Nội lại đặt Nguyễn Trãi ngang tầm với Lê Lợi, và gọi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa Lê Lợi-Nguyễn Trãi.
Sự thực thì Nguyễn Trãi đã đóng vai trò gì trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn? Vị trí đích thực của Nguyễn Trãi trong hàng ngũ lãnh đạo của nghĩa quân Lam Sơn như thế nào?
Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn tìm đến gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào tháng 10 năm Canh Tý (1420) lúc Bình Định Vương đóng quân ở Lội Giang để uy hiếp Tây Đô, sau khi đánh thắng Lý Bân một trận lớn tại Thi Lang. Như vậy, Nguyễn Trãi chẳng những đã không phải là một trong số 19 người có mặt trong buổi hội thề ở Lũng Nhai vào mùa xuân năm 1418, mà Nguyễn Trãi cũng không chia sẻ với Lê Lợi những gian nguy nhục nhã buổi đầu khởi nghĩa, mất vợ mất con, đói cơm khát nước, vì thất trận, vì bị vây, phải nhờ mưu "Lê Lai liều mình cứu chúa" mới chạy thoát. Lê Lợi tuy là thổ hào (Mục Lợi), không chuyên việc bút nghiên, nhưng bên cạnh Lê Lợi có mặt một thổ hào khác là Lê Thận (Mục Thận, vốn họ Nguyễn, sau được ban quốc tánh) rất thông thạo chữ nghĩa, phụ trách việc từ hàn. Từ khi có thêm Nguyễn Trãi, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi việc giao thiệp với quân Minh, còn việc giấy tờ cơ mật vẫn chỉ một mình Lê Thận đảm trách. Nói một cách ví von với các chức vụ thời nay thì Nguyễn Trãi là Bộ Trưởng Ngoại Giao, còn Lê Thận là Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống. Đành rằng Nguyễn Trãi không lớn tuổi hơn Lê Lợi để giúp Lê Lợi như Chu Công giúp Chu Thành Vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu Chủ, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông, nên không thể ban cho Nguyễn Trãi tranh "Tứ Phụ Đồ", nhưng Nguyễn Trãi lại cũng không tài giỏi vượt bực hơn chủ soái như Phạm Lãi với Việt Vương, Trương Lương với Hán Vương, hay Đào Duy Từ với Sãi Vương, nên cũng không thể tôn xưng Nguyễn Trãi là Quân sư được. Trước sau, Nguyễn Trãi cùng lắm cũng chỉ là Bộ Trưởng Ngoại Giao của Lê Lợi mà thôi. Nhờ những ưu điểm của Nguyễn Trãi như giao thiệp giỏi, viết văn hay, lại nói thạo tiếng quan thoại vì dã lưu lạc 10 năm ở Trung Quốc mà việc quan hệ giữa đôi bên thù địch được tiến hành trong không khí thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Chứng cớ là Thượng Thư nhà Minh Hoàng Phúc bị bắt trong trận Xương Giang đã vẽ tặng Nguyễn Trãi bức họa chân dung ngày nay còn treo tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Hà Đông.
Vị thế đích thực của Nguyễn Trãi trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn đuợc biểu hiện rõ nét qua việc phong thưởng công thần sau khi Lê Lợi lên ngôi vua. Nguyễn Trãi được phong tước Quan Phục Hầu, lĩnh chức Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ Học Sĩ, đứng hàng thứ gần 100 trong số 221 người được phong vào dịp ấy. Đành rằng Nguyễn Trãi không thể tranh đua với những thủ túc thân tín của Lê Lợi, đã theo Lê Lợi từ buổi đầu khởi nghĩa như Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Nguyễn Xí, nhưng ngay cả những ngưởi ít thân với Lê Lợi như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi cũng không bằng họ. Trần Nguyên Hãn được phong Tả Tướng Quốc, Phạm Văn Xảo được phong Thái Úy. Nếu Nguyễn Trãi là quân sư, nếu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa Lê Lợi-Nguyễn Trãi, thì tại sao Nguyễn Trãi lại chỉ được phong thưởng tước hầu hạng ba, tại sao Nguyễn Trãi lại chỉ được giữ một chức vụ nhũn nhặn trong viện Hàn Lâm? Nếu Nguyễn Trãi đứng đầu hàng quan văn trong dịp phong thưởng này thì chức Tả Tướng Quốc của Trần Nguyên Hãn, chức Thượng Thư của Lê Văn Linh, so sánh như thế nào với chức Thừa Chỉ Học Sĩ của Nguyễn Trãi? Nếu Nguyễn Trãi đứng đầu hàng quan văn thì tại sao năm sau, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai (1429), vua Thái Tổ mở khoa thi Hoành Từ, Thừa chỉ Nguyễn Trãi lại được cắt đặt giữ chức Giám Thí, đứng dưới Thượng Thư Lê Văn Linh giữ chức Đề Điệu?
Tóm lại, vai trò và vị thế của Nguyễn Trãi trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn đã đuợc người đời sau phóng đại quá đáng, hoàn toàn không đúng với sự thực. Chính Nguyễn Trãi, dù sau này cao ngạo đắc chí đến mức nào chăng nữa, cũng không tự ví mình với Phó Duyệt, Lã Vọng, Trương Lương, Khổng Minh, mà chỉ tự ví mình với Tiêu Hà mà thôi:
Vệ nam mãi mãi là tay thước,
Điện bắc đà đà yên phận tiên.
Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp,
Xưa nay cùng một sử xanh truyền.
( Bài số 183, Ức Trai Di Tập)
Sở dĩ như vây trước hết là vì những người đọc sử và viết sử đã lẫn lộn các chức vụ của Nguyễn Trãi dưới triều vua Lê Thái Tổ với các chức vụ của Nguyễn Trãi dưới triều vua Lê Thái Tông. Với vua Thái Tông, Nguyễn Trãi đã bước lên bậc tột cùng của thang danh vọng với chức vụ Nhập Nội Hành Khiển, kiêm quản việc quân dân bạ tịch và từ tụng hai đạo Đông và Bắc. Trong triều, Nhập Nội Hành Khiển đứng đầu trăm quan. Bên ngoài, cả nước có 5 đạo thì Nguyễn Trãi đã cai quản 2 đạo. Quyền uy như vậy là nghiêng nước, danh vọng như vậy là tột cùng. Vì lầm lẫn những chức vụ sau này với chức vụ lúc được phong thưởng năm 1428, người đời sau mới tưởng lầm Nguyễn Trãi đứng đầu hàng quan văn dưới triều vua Thái Tổ, và từ đó suy diễn ra vai trò và công trạng to lớn của Nguyễn Trãi làm thầy vua trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thứ đến, những người đặc trách công tác tâm lý chiến của các triều đại về sau lại cố tình sử dụng sự lầm lẫn này để làm cho người Bắc Hà quên đi sự nghiệp to lớn của vua Lê Thái Tổ. Bằng cách đề cao Nguyễn Trãi, gán cho Nguyễn Trãi những công trạng không có thực, người ta cố tình hạ bớt uy tín của Lê Lợi. Thực vậy, thời Lê Mạc phân tranh, nhà cầm quyền Bắc triều tìm cách làm cho lòng dân Bắc Hà quên nhà Lê. Thời nhà Nguyễn thống nhất nam bắc, vua quan nhà Nguyễn cũng tìm cách làm cho lòng dân Bắc Hà quên nhà Lê. Do đó mà huyèn thoại về Nguyễn Trãi mỗi ngày một nhiều, bao nhiêu công nghiệp giải phóng đất nước thoát khỏi sự đô hộ hà khắc của giặc Minh dồn hết cho Nguyễn Trãi. Hãy lấy thí dụ câu chuyện tính số Thái Ất ra phân tích thì thấy rõ sự vô lý cùng cực của câu chuyện và dụng tâm của người đặt chuyện đề cao Nguyễn Trãi để hạ uy tín của Lê Lợi. Nguyễn Trãi đến ra mắt Lê Lợi vào cuối năm 1420 tại Lội Giang. Phía quân Minh, Lý Bân vừa thua trận Thi Lang, Trần Trí được phái tới tăng viện. Lý Bân và Trần Trí chia nhau đóng các đồn Nga Lạc và Quan Du bên bờ sông Mã để chống lại quân Lê Lợi, bảo vệ Tây Đô. Vậy thì Nguyễn Trãi vốn là thư sinh văn nhược, lặn lội đến được Lội Giang đã là một kỳ công, huống hồ lại còn có khả năng lọt vào bản doanh nghĩa quân trèo lên núp trên cây để nghe lén Lê Lợi tính số Thái Ất, bàn kế hoạch tác chiến với bộ tham mưu. Nếu sự canh phòng của nghĩa quân lơi lỏng như vậy thì chắc chắn Lê Lợi đã bị quân tế tác của Lý Bân và Trần Trí giết chết từ lâu, còn đâu nữa mà ngồi dưới gốc cây tính số Thái Ất, và lịch sử nước ta đã không có triều Hậu Lê! Người đời sau bịa đặt ra một câu chuyện phi lý như vậy chẳng qua là muốn nhấn mạnh chủ điểm Nguyễn Trãi thông minh tài tuấn còn Lê Lợi thì ngu độn võ biền, với dụng ý đề cao Nguyễn Trãi để hạ bệ Lê Lợi, nhằm mục đích làm cho dân chúng Bắc Hà đừng tưởng nhớ nhà Lê.
5. Nguyễn Trãi Và Triều Đình Hậu Lê. Tranh Chấp Quyền Lực Giữa Thanh Hoa Và Bắc Hà..
Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội ngày nay), chia nước làm 5 đạo: Bắc Đạo, Đông Đạo, Tây Đạo, Nam Đạo, và Hải Tây Đạo. Bốn đạo đông tây nam bắc là Bắc Bộ ngày nay, trừ Ninh Bình. Hải Tây Đạo là giải đất từ Ninh Bình đến Thừa Thiên. Vua lại cho xây dựng Lam Kinh ở quê nhà Thanh Hoa, kiến tạo cung điện miếu vũ, đền đài các tạ, to lớn tráng lệ không thua gì ở Đông Đô, để vinh hiển tổ tiên, và để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Tuy thành Tây Giai của nhà Hồ không còn là kinh đô nữa, nhưng cái thế song lập tương tranh giữa Đông Đô và Tây Đô vẫn còn bàng bạc trong tâm trí vua tôi nhà Hậu Lê, Trong triều thì các chức vụ quan yếu đều ở trong tay các võ tướng gốc Thanh Hoa. Trong hậu cung thì phi tần mỹ nữ đều tuyển từ các gia đình quan lại cao cấp gốc Thanh Hoa. Với tình hình như vậy đương nhiên phải phát sinh trong nội bộ triều đình cũng như trong cung cấm tinh thần đố kỵ địa phương giữa Thanh Hoa và Bắc Hà, và Nguyễn Trãi đã bị cuốn hút vào cơn lốc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái đó.
Điểm cần lưu ý là từ triều Hậu Lê trở về trước, Thanh Hóa có tên là Thanh Hoa và bao gồm luôn tỉnh Ninh Bình. Sự kèn cựa giữa hai địa phương Thanh Hoa và Bắc Hà đã phát sinh ngay từ thời nhân dân Đại Việt mới dành lại quyền tự chủ. Các triều Đinh và Tiền Lê đều là dân bản địa gốc gác Thanh Hoa nên chọn Hoa Lư làm kinh đô. Các triều Lý, Trần vốn là dòng dõi di dân gốc Hán định cư lập nghiệp ở Bắc Ninh (Lý), Nam định (Trần) nên chọn Bắc Hà làm đất căn bản. Thăng Long là đại địa, trung tâm của một miền đông dân và giàu có, nhưng bốn mặt trống trải, trong những giờ phút đen tối của lịch sử dân tộc lại không bằng Thanh Hoa có núi sông hiểm trở. Lại nữa, Thăng Long là đô cũ của Cao Biền, nên buổi đầu thiên đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ muốn xóa bỏ những tàn tích thời đô hộ, đồng thời để cố kết lòng người, nhà vua đã tái tạo tại Thăng Long những kiến trúc cũ của Hoa Lư. Ai đã qua thăm di chỉ Hoa Lư thì thấy ngay chùa Diên Hựu ở Hà Nội là bản sao y của chùa một cột ở Hoa Lư. Nhưng qua đến đời Trần thì triều đình dung dưỡng tinh thần phân biệt đối xử đối với địa phuơng phía nam. Mở khoa thi Thái Học Sinh, lấy Trạng Nguyên thì phân biệt Kinh Trạng Nguyên (ở Bắc Hà) và Trại Trạng Nguyên (mạn ngược và Thanh Nghệ). Tuyển quân lính thì ngoại trừ du quân có lấy người ở các lộ khắp nước, còn thân quân chỉ tuyển mộ nguời các lộ đông và nam, các vương hầu gia đồng chỉ gồm toàn người ở kinh kỳ và ở Tức Mặc. Lúc đánh nhau với Mông Cổ, triều đình cần nhiều lính, vậy mà cũng chưa tính đến việc động viên lính Thanh Nghệ. Vua Nhân Tông đã có câu thơ ám chỉ sự kiện này:
Cối kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối kê chuyện cũ anh nên nhớ, Hoan Diễn hãy còn mười vạn binh chưa sử dụng đến)
Tiếp đến nhà Hồ nhờ vào vị thế ngoại thích mà thu tóm đại quyền rồi thiên đô vào Thanh Hoa để dễ bề uy hiếp triều đình, mưu chuyện thoán nghịch. Nay vua Lê Thái Tổ lại trở ra đóng ở Đông Đô, nhưng quyền bính đều nằm trong tay phe phái Thanh Hoa, lòng dân Bắc Hà cũng có phần nào dao động.
Chính trong bối cảnh đó mà phát sinh việc giết hại công thần gốc Bắc Hà, mở màn cho những tranh chấp quyền lực giữa các phe phái Thanh Hoa và Bắc Hà, từ ngoài triều đình cho đến trong nội cung, để rồi kết thúc bằng vụ án Lệ Chi Viên vô cùng oan khốc và bi thảm.
Nạn nhân đầu tiên của cơn lốc tranh chấp quyền lực là Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn và Thái Úy Phạm Văn Xảo. Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo là những đại tướng gốc Bắc Hà của nghĩa quân Lam Sơn từng lập nên nhiều công trạng lớn trên chiến trường. Trần Nguyên Hãn có công thu phục Tân Bình, Thuận hóa. Phạm Văn Xảo có công cầm cự với Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa (Lào Kay). Sau khi nghĩa quân nên công đại định, Trần Nguyên Hãn được phong Tả Tướng Quốc (Tả Thừa Tướng), nhưng chỉ ít lâu sau xin từ quan để lui về Sơn Đông trông nom thái ấp của gia đình. Theo nếp cũ đời Trần, Trần Nguyên Hãn xây dựng phủ đệ, chiêu tập gia binh, nuôi dưỡng gia đồng, đóng tàu thuyền, trữ khí giới, uy tín lên cao trong dư luận dân chúng Bắc Hà. Trần Nguyên Hãn lại là cháu nội Tư Đồ Trần Nguyên Đán đời vua Trần Nghệ Tông, thuộc dòng dõi Đại Vương Trần Quang Khải. Vì vậy, vua Lê Thái Tổ nghi ngờ Trần Nguyên Hãn có nhị tâm nên sai người đến thái ấp bắt giải về Đông Đô xử tội. Trên đường về Đông Đô, Trần Nguyên Hãn bị trận gió lớn làm lật thuyền nên bị chết đuối. Phạm Văn Xảo chơi thân với Trần Nguyên Hãn, lại cũng là người Bắc Hà và đang giữ binh quyền, nên cũng bị liên can vào âm mưu phản loạn, và bị xử tội chết. Riêng Nguyễn Trãi, tuy là anh em con cô con cậu với Trần Nguyên Hãn, nhưng không giữ chức vụ quan trọng, lại thư sinh văn nhược trong tay không có binh quyền, nên chỉ bị bắt giam vào ngục, và sau một thời gian, xét thấy vô can nên được tha cho về trí sĩ ở Côn Sơn vốn là thái ấp của ông ngoại.
Vua Thái Tổ làm vua được 6 năm thì mất (1434), Thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là vua Thái Tông. Lúc lên ngôi, nhà vua mới 11 tuổi. Đại Tư Đồ Lê Sát được cử làm Phụ Chính. Ít năm sau, vua Thái Tông lập con gái Lê Sát là Lê Thị Ngọc Dao làm Nguyên Phi. Phe phái Thanh Hoa tiếp tục một mình một chợ, hoàn toàn làm chủ ở cả triều đình lẫn nội cung như dưới thời vua Thái Tổ. Chính vào thời điểm này vua Thái Tông nghe tiếng tài sắc Nguyễn Thị Lộ nên vời nàng vào cung làm Lễ Nghi Học Sĩ dạy chữ nho và nghi thức cung đình cho các phi tần và các cung nhân. Nguyễn Trãi thỉnh thoảng cũng được vua triệu vào triều để hỏi han việc nước. Nguyễn Trãi không được lòng Phụ Chính Lê Sát. Mặt khác, Nguyễn Thị Lộ được vua Thái Tông tin yêu, những lúc cận kề bên vua thường tìm cách lạm bàn việc triều chính. Nguyễn Thị Lộ tỉ tê với Thái Tông những việc làm lộng quyền của Lê Sát khiến nhà vua nổi giận bắt giết Lê Sát (1437), và cử Đại Đô Đốc Lê Ngân thay thế làm Phụ Chính. Nguyên Phi Ngọc Dao bị phế xuống làm thứ nhân. Con gái Lê Ngân là Lê Thị Nhật Lệ trước đã lập làm Huệ Phi, nay được tôn lên ngôi Nguyên Phi. Nguyễn Trãi thì được phong làm Nhập Nội Hành Khiển, kiêm quản việc quân dân bạ tịch và từ tụng Đông Đạo. Lúc này là lúc đắc chí của Nguyễn Trãi. Lê Ngân tuy làm Phụ Chính nhưng là võ tuớng ít học, thiếu quyền mưu, bởi vậy, Nguyễn Trãi thường xuyên vào triều chầu vua, quyết định các việc quân quốc trọng đại. Ít lâu sau, Lê Ngân bị dèm pha và bị Thái Tông giết chết, con gái bị giáng xuống làm Tư Dung. Nguyễn Trãi lại được kiêm tính thêm Bắc Đạo, uy quyền Nguyễn Trãi lúc này lên đến mức tột cùng. Phe phái Thanh Hoa bị thất thế rõ rệt. Nhưng từ tháng 6 năm 1441, Tuyên Phi Nguyễn Thị Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hoa, sinh hạ hoàng tử Bang Cơ và được Thái Tông sủng ái, thì phe phái Thanh Hoa do Lê Khả, Đinh Liệt, Lê Khắc Phục cầm đầu dựa vào thế lực của Nguyễn Thị Anh mưu tính việc nắm lại quyền bính. Tháng 11 năm ấy, Bang Cơ được phong làm Hoàng Thái Tử. Nguyễn Thị Anh vận động với vua buộc Nguyễn Thị Lộ từ chức Lễ Nghi Học sĩ để trở về Côn Sơn với Nguyễn Trãi. Mùa thu năm 1442, vua Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh, ghé chơi nhà Nguyễn Trãi, lúc trở về có Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Ngày mồng tư tháng tám, xa giá dừng lại nghỉ ở Lệ Chi Viên, và vua Thái Tông đã đột ngột chết trong đêm. Lê Khả là người có mặt bên vua, bèn cho đem Nguyễn Thị Lộ ra tra khảo, bắt ép khai là Nguyễn Trãi bày mưu cho nàng đầu độc vua. Triều đình bèn khép tội Nguyễn Trãi bị giết ba họ. Lê Khả nhận cố mệnh lập Bang Cơ lên nối ngôi vua, tức là Lê Nhân Tông. Nguyễn Thị Anh được phong làm Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và giữ quyền nhiếp chính. Lê Khả (vốn họ Trịnh, sau được ban quốc tính) được trao chức Nhập Nội Tư Mã. Phe phái Thanh Hoa lại thắng lợi hoàn toàn. Còn gia đình Nguyễn Trãi phải chịu số phận thảm khốc, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, con trai là Nguyễn Khuê, và mấy người cháu nội con Nguyễn Khuê, bị đưa ra pháp trường hành quyết. Thật là một mối oan vạn cổ.
6. Nguyễn Thị Lộ Và Lê Thái Tông. Vai Trò Và Vị Thế Của Nguyễn Thị Lộ.
Khi vua Lê Thái Tổ mất thì Nguyễn Trãi đã lui về ở Côn Sơn. Đạo thần tử bắt buộc Nguyễn Trãi phải đến Đông Đô phục tang. Sau khi Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi lại nhiều phen về triều bái yết vua mới. Trong quãng thời gian sau đó, Thái Tông nghe đồn đãi về tài sắc nàng hầu của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ nên hạ chỉ vời nàng vào cung làm Lễ Nghi Học Sĩ, dạy chữ và dạy triều nghi cho các cung nhân. Vấn đề được đặt ra là quan hệ tình cảm giữa Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ đạt tới mức độ nào, Nguyễn Thị Lộ can dự vào việc triều chính ra sao, Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi có trách nhiệm gì trong những quyết định của Thái Tông giết liên tiếp hai vị Phụ Chính và truất phế hai bà Nguyên Phi?
Đây là một chuỗi dài những mắt xích mà khâu chính yếu là thái độ và tâm trạng của hai nhân vật Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ khi phải đối mặt với việc Thái Tông vời Nguyễn Thị Lộ vào cung làm quan. Sử sách xưa nay đều chép rằng dù muốn dù không, lệnh vua đã truyền thì thân phận thần tử là phải nhắm mắt tuân hành, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đành phải nuốt lệ "nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai". Nguyễn Trãi đành cam chịu mất vợ, còn Nguyễn Thị Lộ thì phải thụ động chấp nhận mối tình nồng nàn đắm say của bậc vương giả. Điều đáng lưu ý là gần đây có nhiều tác giả lại còn đi xa hơn, đã trích dẫn hai bức thư viết bằng Hán tự theo thể tứ lục biền ngẫu, chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn ở Thanh Hóa, một của Nguyễn Trãi, một của Nguyễn Thị Lộ, để chứng minh rằng Nguyễn Trãi đau khổ vì phải xa vợ, vì bị dày vò bởi nghi ngờ ghen tuông, còn Nguyễn Thị Lộ thì trước sự say mê của ông vua trẻ tuổi đa tình vẫn một lòng một dạ chung tình với Nguyễn Trãi. Xin trích dẫn vài đoạn (bản dịch của Vân Trình):
Nguyễn Trãi trách Nguyễn Thị Lộ:
Trách kẻ lòng sơ,
Riêng ta bền chí.
Luống thở than mà rằng:
Nói làm tương ứng, vốn người quân tử bản tâm;
Chí khí tương cầu, thật người trượng phu ý nguyện.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Lời thề khắc Nam Sơn, sừng sững Nam Sơn đó,
Lời nguyền ghi Đông Hải, bao la Đông Hải đây.
Lòng ta đã không sờn,
Chí nàng ắt chẳng đổi.
Thế nhưng:
Tình đời lắt léo,
Lòng gái không thường.
Có kẻ tình ngoại giết chồng, nào sợ trời xanh lồng lộng,
Có người mê chơi bỏ nghĩa, chẳng hay vầng nhật sáng choang!
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Việc ngày xưa đã đành,
Chuyện ngày nay đáng trách.
Một lần như thế, hai lần như thế, ta đã thấy, đã nghe,
Tam tòng là gì, tứ đức là gì, nàng nên lo nên sửa.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nguyễn Thị Lộ trả lời:
Thiếp đây:
Do âm dương biến hóa,
Từ cha mẹ sinh thành.
Học chữ tam tòng, càng học càng sáng,
Nhớ điều tứ đức, càng nhớ càng vui.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chiều sớm sắt cầm vẫn nhớ,
Thở than mộng mị khó quên.
Nỗi gái tình thâm nhớ đến trai,
Nỗi trai chí lớn sao ngờ gái?
Tấc lòng khó tả, đáng buồn thay, đáng giận thay,
Muôn cảnh vẫn còn, nhớ lắm đấy, mong lắm đấy.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
Chớ nghĩ ai quên mối tình muộn màng?
Núi tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết.
Chớ lo ai nhạt lời thề cố cựu?
Sông dù vơi mà ý thiếp chẳng vơi.
Còn gì liệu đáng băn khoăn?
Phải chăng tự mình chuốc lấy?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . .
Hai bức thư trích dẫn trên đây có thực là của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ hay không? Hai bức thư này được chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn, mà Nguyễn Nhữ Soạn lại là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi. Đem lời lẽ và tình tiết trong hai bức thư ra đối chiếu với thực trạng những diễn biến đương thời thì không tìm đâu ra những chỗ tương đồng. Người đọc bắt buộc phải nghi ngờ rằng đây chẳng qua chỉ là trước tác của người trong gia đình họ Nguyễn Nhị Khê muốn che đậy một câu chuyện bất hạnh có phương hại đến thanh danh dòng họ, cũng y hệt như việc con cháu của Nguyễn Trãi đã sửa đổi phả hệ họ Nguyễn, ghép vị thế Nguyễn Trãi vào vị thế của Nguyễn Công Duẫn, nhận vơ Trường Lạc Hoàng Hậu là con gái Nguyễn Trãi, để nhập nhằng cho người đời sau tưởng lầm rằng Nguyễn Trãi là tiên tổ các vua chúa họ Nguyễn Gia Miêu.
Trong thực tế thì việc Nguyễn Thị Lộ vào cung nhậm chức có được sự bằng lòng của Nguyễn Trãi nếu không muốn nói là do sự thu xếp sắp đặt của Nguyễn Trãi. Thực vậy, Nguyễn Trãi là con người tha thiết với giấc mộng công khanh. Niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, Nguyễn Trãi đã cùng 6 bạn đồng liêu liên tiếp xin bệ kiến vua Thái Tổ để dâng kế sách trị quốc an dân, nhưng bị phe phái Thanh Hoa bao vây nên không gặp đưọc Thái Tổ. Năm sau lại xẩy ra vụ án Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi bị liên lụy suýt mất mạng, thất chí lui về Côn Sơn ở ẩn. Gặp khi Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi tìm cách liên hệ với vị tân vương niên thiếu, những mong đem sở học ra giúp đời. Trong những lần về triều bệ kiến, Nguyễn Trãi vừa thuyết phục nhà vua chấp nhận kế sách trị nước an dân của mình, đồng thời bằng một hình thức tinh tế nào đó, giới thiệu tài sắc người thiếp yêu của mình. Có thể Nguyễn Trãi đã đề xuất lên vua chương trình học tập triều nghi tổ chức cho các cung nhân, do đó mà có chiếu chỉ bổ dụng Nguyễn Thị Lộ làm Lễ Nghi Học Sĩ. Vào làm nữ quan trong cung cấm, với tuổi trẻ và sắc đẹp trời cho, với tài năng ứng đối như nước chảy triều dâng, Nguyễn Thị Lộ dễ dàng làm cho vị vua 13, 14 tuổi, niên thiếu phong lưu, phải say hoa đắm nguyệt. Một khi đã được sự tin yêu của đấng quân vương, Nguyễn Thị Lộ mới khởi đầu tiến hành việc kết bè kết cánh trong cung, sau dần dần tiến lên chuyện lạm bàn chính sự, dèm pha và bức hại đại thần, mà chiến công đầu tay là cái chết của Phụ Chính Đại Tư Đồ Lê Sát, người thù không đội trời chung của Nguyễn Trãi. Mấy tháng sau cái chết của Lê Sát là cái chết của Đại Đô Đốc Lê Ngân. Phe phái Thanh Hoa hoàn toàn bị đánh gục. Nguyễn Trãi được vua Thái Tông triệu về kinh ban chức Nhập Nội Hành Khiển kiêm quản việc quân dân bạ tịch và từ tụng Đông Đạo, và về sau kiêm thêm cả Bắc Đạo, đứng đầu trăm quan.
7. Nguyễn Thị Lộ Và Nguyễn Thị Anh. Tranh Chấp Quyền Lực Hay Ghen Tuông Tình Ái?
Phụ chính Lê Sát chết thì con gái Lê Sát là Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao bị phế làm thứ nhân. Phụ chính Lê Ngân chết thì con gái Lê Ngân là Nguyên Phi Lê Thị Nhật Lệ bị giáng làm Tư Dung. Trong vụ sau này, chính sử chép rõ ràng có sự dính líu đến Nguyễn Thị Lộ. Nguyên con gái Lê Ngân đã được phong làm Huệ Phi. Vì mong mỏi chóng sinh hoàng nam, Huệ Phi cho lập bàn thờ mời thầy mo cúng vái để được vua yêu. Sau khi Lê Ngân lên làm Phụ Chính, Huệ Phi được lên ngôi Nguyên Phi. Phe phái thù nghịch với Lê Ngân bèn tố giác việc lập bàn thờ thầy mo trong phủ Phụ Chính để trấn yểm nhà vua, mưu việc thoán nghịch, do đó, Lê Ngân bị giết và Huệ Phi bị giáng. Những người dính dấp với Huệ Phi đều bị án phát lưu, trong số này có Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao. Nguyễn Trãi bèn xúi Nguyễn Thị Lộ đứng ra bảo lãnh cho Tiệp Dư, xin Thái Tông giảm tội. Nhưng ít lâu sau, khi Ngô Thị Ngọc Giao mang thai, bà Nguyên Phi Nguyễn Thị Anh ghen ghét, mưu toan hãm hại, Nguyễn Thị Lộ bèn mangTiệp Dư đi dấu tại chùa Huy Văn ở huyện Thọ Xương thuộc ngoại thành Đông Đô. Sau khi sinh nở, Nguyễn Thị Lộ lại cho người đưa hai mẹ con Tiệp Dư ra ẩn trốn ở miền An Bang (Quảng Yên ngày nay). Nguyễn Trãi thường xuyên sai người đem tiền gạo đến chu cấp. Sở dĩ chính sử chép rành rẽ về vụ này là vì Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh hạ hoàng tử Tư Thành, sau này là vua Thánh Tông. Nhưng đồng thời chính sử cũng vô tình hé mở cho người đọc sử nhận ra vai trò chủ động rất tích cực của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong cơn lốc tranh chấp quyền lực ở triều đình cũng như trong cung cấm buổi đầu nhà Hậu Lê. Chủ ý của Nguyễn Trãi khi hết lòng bảo bọc mẹ con Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao là sau này, vạn nhất con trai của Tiệp Dư chiếm được ngôi Thái Tử thì địa vị Nguyễn Trãi đương nhiên vững chãi như núi Thái Sơn. Nhưng cũng chính vì hậu ý này mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trở thành kẻ thù chính trị không đội trời chung với một nhân vật kiệt xuất của giới nữ lưu là Nguyên Phi Nguyễn Thị Anh, đưa đến hậu quả là cái án Lệ Chi Viên oan khốc và bi thảm.
Nguyễn Thị Anh là người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hoa. Sau khi tiến cung, Nguyễn Thị Anh được phong Tuyên Phi. Lúc bấy giờ, Nguyên Phi là Dương Thị Bí đang được vua Thái Tông sủng ái vì đã sinh hạ được hoàng tử Nghi Dân. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), Nghi Dân được phong làm Hoàng Thái tử. Nguyễn Thị Anh bèn kết phe đảng với hai đại thần trong triều là Lê Khả và Đinh Liệt, đồng thời mua chuộc các cung nữ và bọn hoạn quan do Tạ Thanh cầm đầu, thế lực mỗi ngày một mạnh. Tháng 6 năm Tân Dậu (1441), Nguyễn Thị Anh sinh hạ hoàng tử Bang Cơ. Nguyên Phi Dương Thị Bí bị dèm pha nên bị giáng làm thứ dân, Nghi Dân cũng bị truất phế khỏi ngôi Thái Tử và bị giáng làm Lạng Sơn Vương. Tháng 11 năm ấy, Bang Cơ được tấn phong Hoàng Thái Tử và Nguyễn Thị Anh lên ngôi Nguyên Phi. Chính vào thời điểm này Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao mang thai nên Nguyên Phi Nguyễn Thị Anh sinh lòng ghen ghét và lo ngại, toan khơi lại vụ án Huệ Phi để kiếm cớ hãm hại Tiệp Dư. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bèn đưa Tiệp Dư đi trốn, như đã đề cập ở đoạn trên.
Thực ra thì không phải đến lúc này mới thấy vai trò tích cực và vị thế ưu thắng của Nguyễn Thị Lộ trong hậu cung nhà Hậu Lê. Từ khi vào làm nữ quan trong cung cấm, Nguyễn Thị Lộ đã gây được ấn tượng tốt đẹp và ảnh hưởng mạnh mẽ trong đám cung nhân. Những người không ăn cánh với thầy học đều bị liệt vào loại mà sử nhà Lê gọi là "cung nữ cứng đầu", tất cả đều bị bắt giam vào lãnh cung hoặc bị thải hồi về làm thứ dân. Các bà phi trước đây đều hiền lành, tiêu cực, Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao thì trở thành thủ túc, Vua Thái Tông thì đắm say mê muội, nên Nguyễn Thị Lộ mặc sức thao túng mọi việc trong chốn tam cung lục viện. Bên ngoài thì Nguyễn Trãi đứng đầu trăm quan, cai quản việc quân dân bạ tịch cả hai đạo phía đông và phía bắc. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã đạt tới mức độ tột cùng của quyền uy và vinh hiển. Nay đụng đầu với đối thủ mới là Nguyên Phi Nguyẽn Thị Anh vốn là bậc nữ lưu kiệt xuất, Nguyễn Thị Lộ bắt đầu phải lui bước. Trong cung thì bọn hoạn quan Tạ Thanh giúp Nguyễn Thị Anh lần lượt loại trừ các cung nhân theo phe Nguyễn Thị Lộ. Trong triều thì bọn Nguyễn Xí, Lê Khả, Lê Khắc Phục làm tai mắt cho Nguyễn Thị Anh, luôn luôn kèm sát nhà vua, ly cách nhà vua với các triều thần. Cuối cùng, Nguyễn Thị Lộ phải từ chức Lễ Nghi Học Sĩ, lui về ở Côn Sơn với Nguyễn Trãi.
Trong đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), vua Thái Tông đột ngột băng hà tại hành cung Lệ Chi Viên, bên cạnh nhà vua chỉ có Nguyễn Thị Lộ theo hầu chăn gối. Lê Khả chỉ huy đoàn quân hộ giá bèn đem Nguyễn Thị Lộ ra tra khảo, bắt ép Nguyễn Thị Lộ khai Nguyễn Trãi bày mưu cho nàng đầu độc nhà vua. Dựa vào cung từ đó, triều đình nghị án ghép Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vào tội thí nghịch, chịu án tru di tam tộc. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, con trai là Nguyễn Khuê, mấy người cháu nội con Nguyễn Khuê, bị đưa ra pháp trường xử trảm.
Thật là nổi oan vạn cổ. Làm sao Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ lại âm mưu đầu độc vua Thái Tông! Nguyễn Thị Lộ đang còn được vua yêu. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ còn nhiều cơ duyên dựa vào nhà vua để giữ vững địa vị. Chuyện đầu độc vua là chuyện phe phái Nguyễn Thị Anh ngụy tạo để lấy cớ tiêu diệt kẻ thù không đội trời chung, vừa là kẻ thù chính trị, vừa là kẻ thù tình ái. Còn sự thực thì vua Thái Tông đã trải qua một đêm tửu sắc quá độ, bị cảm mạo phong sương, hoặc bị xuất huyết não, mà chết. Cái không may của Nguyễn Trãi, và của cả gia dình Nguyễn Trãi, là Nguyễn Thị Lộ có mặt bên cạnh vua đúng vào đêm hôm đó!
Lê Khả rước di hài vua Thái Tông về kinh phát tang, theo cố mệnh phò Thái tử Bang Cơ lên ngôi, tức là vua Nhân Tông. Nguyễn Thị Anh được tôn làm Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu, giữ quyền Nhiếp Chính.
Kết Luận.
Nguyễn Trãi là bậc danh nho chính đạo, đã có thực học lại có văn tài. Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn trác tuyệt. Quan điểm tiến bộ của Nguyễn Trãi đối với công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly chứng tỏ Nguyễn Trãi nặng lòng yêu nước thương dân chứ không bo bo cố chấp và vị kỷ như giai cấp quý tộc đương thời. Nguyễn Trãi trèo đèo lội suối theo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, những mong sau khi nên công đại định, có dịp đem hết sở học giúp vua trị nước yên dân. Nhưng không may cho Nguyễn Trãi, triều đình đầu đời Lê đắm chìm trong cơn lốc tranh chấp quyền lực mang nặng tính chất kỳ thị địa phương, khiến Nguyễn Trãi chán chường thất chí, để rồi cuối cùng cũng bị cuốn hút vào, tuy có lúc vinh hiển tột mức, mà rút cục phải rước lấy cái chết thảm thương với nỗi oan vạn cổ!
Người đời sau không ai không ngậm ngùi cảm thương số phận của bậc vĩ nhân tài cao mà phúc bạc ấy. Để tỏ lòng tri ân và ngưỡng vọng người xưa, các chính quyền trước năm 1954, hàng năm cử hành lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Hà Đông. Đặt lại một số vấn đề liên hệ đến vụ án Lệ Chi Viên cũng không ngoài mục đích đính chính những thông tin lầm lạc về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, đồng thời tẩy xóa những hư cấu tô sơn trát mực lên cuộc đời đích thực của Nguyễn Trãi để tạo nên những huyền thoại hoang đường vì mục đích riêng tư, đã không vẻ vang gì thêm cho Nguyễn Trãi, mà cũng không làm gia tăng lòng ngưỡng vọng của hậu thế đối với công nghiệp to lớn của bậc danh nho anh hùng ấy. o
Tháng 4 năm 2000
Minh Vũ Hồ Văn Châm
--
0 Comments:
Post a Comment
<< Home