Thursday, February 26, 2004

Những Suy Nghĩ... - Nguyễn Phúc

Những Suy Nghĩ Về Việc

Soạn Lại Một Bộ Sử Việt Nam Chân Chính

Nguyễn Phúc

Phần I: Góp Ý Với Các Bạn Trẻ Muốm Tìm Hiểu Lịch Sử Nước Nhà

Gần đây trong giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại, nhất là trong giới sinh viên, có khuynh hướng "trở về nguồn". Để giúp các bạn trẻ thực hiện ý hướng rất chính đáng và tốt đẹp đó, tại hải ngoại hiện nay có khá nhiều tài liệu, sách báo về văn minh, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, văn chương, thi phú v.v... được in lại hay mới xuất bản, khá đủ để các bạn nghiên cứu. Tuy nhiên tài liệu hiện hữu về lịch sử nước nhà còn thiếu sót, chứa đựng nhiều sai lầm, hay đặc biệt trong các "sử liệu" của Cộng Sản Việt Nam, có những điều thêm thắt hay bóp méo sự thật, những ngụy tạo, thêu dệt, gò ép theo một đường hướng đã định sẵn v.v... thế nên, nếu chỉ dựa vào những tài liệu gọi là "lịch sử" đó, e rằng không khỏi có một cái nhìn sai lệch về lịch sử đất nước và dân tộc.

Những lý do thiếu sót đã được nhiều người nêu ra. Sau đây, chỉ ghi đại khái những lý do chính:

1- Nhà sử học Trần Trọng Kim viết trong Lời Tựa của cuốn Việt Nam Sử Lược của ông rằng: "Nước Việt Nam ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử".

Vì vậy, các nhà làm sử chỉ có thể dựa vào sử sách của Trung Hoa để viết quốc sử về các thời trước. Điều đáng tiếc là về thời đại thượng cổ (từ họ Hồng Bàng đến nhà Triệu, theo sự phân chia của Trần Trọng Kim) thì "phần nhiều là những sự hoang đường huyền hoặc". Về thời đại Bắc thuộc (từ khi vua Vũ Đế nhà Hán chiếm đất NamViệt của nhà Triệu đến đời Ngũ Quí hay Ngũ Đại ở bên Tàu và bên ta có họ Khúc và họ Ngô Xướng lên (độc lập) thì sử của Tàu "đại để chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến" nên "sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm".

2 - Vì muốn đồng hóa người Việt Nam với người Tàu, một trong những chính sách thâm độc của quan quân Tàu cai trị nước ta là thu nhặt những gì là di tích của nước mình, như là sách vở, và đem về Tàu hết sạch. Vào thời Minh thuộc chẳng hạn, thì theo sách "Lịch Triều Hiến Chương Văn Tịch Chí" của Phan Huy Chú, Tàu đã lấy đem về nước hàng trăm cuốn sách của nước Nam, trong đó có hai bộ sách của Trần Hưng Đạo là "Binh Gia Yếu Lược" và "Vạn Kiếp Bí Truyền" và cuốn "Đại Việt Sử Ký" của Lê Văn Hưu (30 quyển); phần lớn những sách ấy không biết mất đi đâu,thật là một thiệt hại lớn cho nước nhà, đặc biệt cho các sử gia và những nhà nghiên cứu.

3 - Việc chép sử là phận sự của các sử quan, phàm nhất cử nhất động củ nhà vua đều phải biên chép. Còn những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước thì ít được để ý đến. Đây là một thiếu sót lớn; làm sử như vậy là không đạt được chủ đích của công việc viết sử. Chúng ta sẽ trở lại điểm này và điểm 1 trong phần II của bài này.

Tuy nhiên, những thiếu sót hay sự sai lầm của các nhà làm sử - đôi khi ngoài ý muốn của họ - không tai hại bằng chủ trương thêu dệt hay bóp méo sự thật của Cộng Sản Việt Nam. Thực dân Pháp cũng đã từng miêu tả những người yêu nước, những nhà cách mạng là những kẻ phiến loạn, nhưng nay đã rõ trắng đen, không còn ai thắc mắc về vai trò của các vị ấy trong lịch sử. Trong lúc đó, ảnh hưởng của sự dối trá, lươn lẹo của Cộng Sản Việt Nam vẫn duy trì cho đến nay, hận thù vẫn còn chồng chất, sự nghi kỵ giữa người Việt với nhau vẫn ám ảnh trí óc của người dân. Lối tuyên truyền theo đó chỉ có người Cộng Sản là yêu nước chân chính, đảng cộng sản là đảng duy nhất đấu tranh cho sự tự do dân tộc, độc lập đất nước và những người, những đảng phái quốc gia là tay sai của thực dân, đế quốc, là nhân viên của CIA, và đường lối giáo dục theo giáo điều của họ đã tạo nên những thế hệ thanh thiếu niên đầy định kiến và thành kiến sai lệch.

Ngay trong cuốn "Nỗi Buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh, một tác giả được coi là "phản chiến" xuất bản vào đầu thập niên 90, tức là hơn 15 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, những người lính miền Nam vẫn bị gọi là "ngụy quân", "tên lính ngụy" (mặc dù ai cũng biết chính quyền miền Nam đã tranh đấu để bảo vệ tự do hơn miền Bắc, và quân đội miền Nam đã tranh đấu để bảo vệ mảnh đất tự do, chống lại sự xâm lăng của bộ đội cộng sản miền Bắc). Những định kiến và thành kiến ấy e còn lâu mới gột sạch được.

Trước tình trạng các sử liệu (gồm những bộ sử, bài viết, tài liệu nghiên cứu, bài báo v.v...) thường có những sai lầm, thiếu sót, thêu dệt hay bóp méo sự thật, người muốn học sử phải làm thế nào? Không đọc hay đọc tất cả? Theo thiển ý của chúng tôi, chúng ta cần có sự chọn lựa, đồng thời phải thận trọng trong việc tìm hiểu lịch sử nước nhà.

Hiện nay, tại hải ngoại chúng ta có thể tìm mua những bộ sử sau đây:

- Việt Nam Sử Lược (1971 - in lại) của Trần Trọng Kim

- Việt Sử Toàn Thư (1960) của Phạm Văn Sơn

- Việt Nam Pháp Thuộc Sử (1961) của Phan Khoang

- Việt Sử Xứ Đàng Trong (1967) của Phan Khoang

- Quân Sử Việt Nam (1983)

- Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ (1970) của Nguyễn Thế Anh

- Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn

Đây là kết quả những cố gắng lớn lao của các tác giả; tuy nhiên có thể còn có những thiếu sót,nhất là trong những phần ghi chép về những chuyện từ thời thượng cổ cho đến hết thời Pháp thuộc (1945) vì những lý do đã trình bày trên đây.

Chính ông Trần Trọng Kim cũng công nhận tính cách sơ lược của cuốn sách của mình. Ông viết: "Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ "sử lược", chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tuờng tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn."

Vậy bi giờ chúng ta hãy đọc những bộ sử hiện hữu trong tinh thần đó trong lúc chờ đợi có một "bộ sử thật là đích đáng" mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần II.

Về thời gian từ 1945 cho đến nay thì ở miền Nam chưa có cuốn sử nào viết từ thời quốc trưởng Bảo Đại (1945- 1955) đến thời Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975). Chỉ có những bài báo nói về những sự việc hay một biến cố lẻ tẻ chưa được hệ thống hóa, giải thích đầy đủ gốc ngọn và sự liên quan giữa những việc, biến cố ấy với những việc khác.

Ở miền Bác thì chắc là không thiếu gì sách, tài liệu,bài báo v.v... ca ngợi chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau là chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và huênh hoang đề cao chiến thắng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" với những sự thêu dệt, bóp méo sự thật... như đã nói ở trên. Nếu các bạn vì ham học sử mà cố tìm những tài liệu liên quan đến thời gian đó, dù xuất xứ từ miền Nam hay miền Bắc và nếu các bạn có dịp đọc những tài liệu của miền Bắc thì các bạn hãy tự hỏi "những chuyện đó có đúng sự thật hay không?" Dĩ nhiên các bạn khó lòng biết đâu là sự thật vì các bạn hoặc chưa chào đời, hoặc tuổi còn quá nhỏ khi những sự việc đó xẩy ra, nhưng các bạn có thể hỏi ý kiến các bậc phụ huynh, hoặc có thể dùng lý trí mà xét đoán; nếu nội dung có nhiều tính cách chủ quan, những sự thổi phồng quá đáng, lời lẽ hằn học, thiếu vô tư trong sự nhận xét v.v... thì các bạn nên coi đó là những bài hay tài liệu trình bày ý kiến cá nhân, chứ không có tính cách sử liệu. Vi rằng, Viết sử tất phải trọng sự thật. Đời Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu, quan Hữu Khanh nước Tề là Thôi Chữ giết vua nước Tề là Tề Trang Công; Thôi Chữ sai Thái sử bá (sử quan) chép vào sử là vua bị bệnh sốt rét mà chết. Thái sử bá không nghe biên vào cái thẻ (thời đó chưa có giấy nên viết vào thẻ tre) rằng: "Ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ, Thôi Chữ giết vua là Quang (tên Tề Trang Công)". Thôi Chữ nổi giận giết Thái sử bá rồi sai hai em Thái sử bá là Trọng và Thúc chép sử. Trọng và Thúc lại chép như trước. Thôi Chữ lại giết cả hai. Đến lượt người em thứ ba là Quí thì Quí cũng chép y như vậy. Thôi Chữ bảo chép khác đi thì tha cho. Quí nói: "Có thế nào thì chép thế ấy là cái bổn phận của nhà làm sử, nếu trái bổn phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn!" Chữ đành phải ném cái thẻ đưa trả Quí và cho Quí ra về.

Tóm lại, "sự thật" là một tiêu chuẩn để đánh giá các tài liệu của miền Bắc, dù họ có gọi đó là sử ký, sử liệu hay gì gì "sử" đi nữa cũng vậy.

Các bạn cũng có thể muốn biết về chiến tranh Việt Nam vì sự hiện diện của các bạn tại hải ngoại là một trong những hậu quả của một cuộc chiến gây ra nhiều tranh luận nhất trong chiến sử thế giới mà đến nay vẫn còn dư âm. Các bạn có thể muốn biết tại sao cha anh mình phải bỏ nước ra đi trong một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà để sống một cuộc sống lưu vong vất vưởng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thế thì các bạn khỏi phải lo thiếu tài liệu. Những tài liệu tiếng Việt in thành sách, viết thành bài báo có thể đến hàng trăm bản, còn những tài liệu viết thành tiếng ngoại quốc thì vô số. Riêng ở Hoa Kỳ, theo cuốn "No More Vietnams" của cố tổng thống Richard Nixon, có đến 1200 cuốn sách, hàng nghìn bài báo (đăng trên các nhật báo, tập san và đặc san) và hàng tá phim chiếu bóng và phim tài liệu để chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình luận giải về vấn đề này. Cùng một vấn đề mà có bao nhiêu người khai thác thì ta có thể tưởng tượng là đã có bao nhiêu nhận định, giả thuyết, phê phán, bao nhiêu đề nghị giải pháp. Trong số các tác giả, có nhiều nhà báo, nhà bình luận, nhiều binh gia... nổi tiếng, nhưng cũng có những kẻ lợi dụng cơ hội có đề tài "ăn khách" này để nhẩy vào "ăn có". Do đó, không tránh khỏi tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Vì vậy, nếu không chuẩn bị trước, không thận trọng trong việc chọn lựa sách để đọc, mà trái lại gặp sách nào đọc sách ấy thì các bạn sẽ lâm vào một "mê hồn trận", khó bề thoát ra khỏi đó. Hay nói như ông bà chúng ta trước đây là "đa thư" thì "loạn tâm", rốt cuộc các bạn sẽ không thấy đâu là phải, đâu là trái, ai có chính nghĩa, ai không có hay mất chính nghĩa.

Vì không thể đọc hết các sách đã xuất bản và xem hết các phim đã được trình chiếu, nên chúng tôi không thể đê nghị một danh sách các tác giả nên đọc, một bản kê những phim đáng coi. Chúng tôi tạm đưa ra đề nghị khiêm tốn sau đây:

1 - Sách nên đọc:

a- Cuốn "No More Vietnams" của cố tổng thống Richard Nixon (không nhớ tên nhà xuất bản và năm xuất bản; các bạn ở Pháp có thể tìm đọc bản dịch nhan đề "Plus Jamais De Vietnams", Albin Michel xuất bản, 1985). Trong cuốn này ông chỉ trích phần lớn các nhận định sai lầm về chiến tranh Việt Nam như Hồ Chí Minh là một người có tinh thần quốc gia, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam độc lập đối với Bắc Việt v.v... và đả phá các tín điều của phe chống việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam như: chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh trái đạo đức (immoral) hay chiến tranh Việt Nam không thể thắng được v.v... Ông nhất quyết chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh có chính nghĩa; tưởng cũng nên nhắc lại là sự kiện mới đây, trong tờ Le Monde Diplomatique tháng 6, 1999, vị chủ bút nguyệt san này là ông Ignacio Ramonet, trong bài "Nouvel Ordre Global" đã công nhận rằng chiến tranh Việt Nam có chính nghĩa (une "juste cause pourtant, selon les critéres d'aujourd' hui...). Cuốn "No More Vietnams" sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn tổng quát về chiến tranh Việt Nam, bàn về lập luận của cả hai phe chống đối và ủng hộ việc Mỹ tham chiến, nói cách khác, cung cấp cho các bạn một hiểu biết căn bản để từ đó tìm hiểu thêm về cuộc chiến này qua những tác phẩm khác.

b - Cuốn "Lost Victory" của William Colby, cố tổng giám đốc cơ quan CIA, nhà xuất bản Contempora Books, Chicago, Illinois (các bạn ở Pháp hãy tìm đọc bản dịch nhan đề "Vietnam - histoire secrète d'une victoire perdue", nhà xuất bản Perrin, Paris).

Trong cuốn này ông Colby khẳng định rằng Nam Việt Nam đã thắng cuộc chiến tranh du kích của cộng sản và vào năm 1972, qua sự đẩy lui một cuộc tấn công ào ạt của bộ đội Bắc Việt, trong lúc 500.000 quân Hoa Kỳ đã trở về nước, Nam Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chiến thắng của mình. Nhưng nếu chiến thắng năm 1972 đã trở thành cuộc chiến bại năm 1975, đó là vì Hoa Kỳ đã từ chối ủng hộ Nam Việt Nam về phương diện tinh thần cũng như vật chất.

c- Cuốn "To bear Any Burden" của Al Santoli, nhà xuất bản E. P. Dutton Inc., 1985. Đây là một "oral history", một cuốn sách dựa vào những cuộc phỏng vấn đủ hạng nhân vật, binh sĩ, nhà ngoại giao, tù binh, vợ những quân nhân mất tích (MIA), nhà báo, sử gia v.v... cho thấy bao nhiêu cái nhìn khác nhau về cuộc chiến, bao nhiêu nỗi đau khổ khác nhau" (theo lời phê bình của Chicago Tribune).

Dĩ nhiên, có rất nhiều cuốn "sách đáng đọc", những cuốn phim đáng xem thì tất phải có những cuốn sách không nên đọc, những cuốn phim không nên xem vì những sách ấy, những phim ấy đem đến cho các bạn những ý niệm lệch lạc dựa vào quan niệm chủ quan, mặc cảm tội lỗi của người viết, của người làm phim. Sau đây là hai thí dụ:

1 - Cuốn "In Retrospect: The Tragedy And Lesson of Vietnam" của ông Robert S. McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức đã phê bình cuốn sách ấy như sau, trong bức thư ngỏ gửi ông Robert McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: "Tôi vẫn nghĩ, cũng như dư luận vẫn nghĩ: cuốn In Retrospect chỉ là suy tư của ông sau này, được viết ra để chạy tội cho bản thân ông, chạy tội cho nước Mỹ và để làm yên ổn lương tâm những con buôn Mỹ đang muốn nhẩy vào Việt Nam ."

2 - Cuốn phim "A Television History of Vietnam" của Stanley Karnow. Đây là một cuốn phim đề cao quá đáng bộ đội Bắc Việt và rất bất công và bất lợi cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà (cuốn phim này đã được Cộng Sản Việt Nam cho chiếu trên đài truyền hình Việt Nam, khoảng cuối năm 1986, dưới tựa đề "Việt Nam một thiên lịch sử bằng truyền hình").

Những đề nghị trên đây nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử nước nhà của các bạn trong hiện tại và trong hoàn cảnh thiếu thốn sử liệu hiện nay. Tuy nhiên, về lâu về dài, một bộ sử đứng đắn, trung thực và đầy đủ sẽ rất cần thiết không những cho các bạn mà còn cho các thế hệ mai sau.

Phần II: Những Suy Nghĩ Nhỏ Về Việc Viết Lại Lịch Sử Nước Nhà

Vì có những thiếu sót, sai lầm hoặc quá sơ lược của những bộ sử bằng tiếng Việt xuất bản tại cả miền Bắc lẫn miền Nam và nhiều điều sai sự thật (sử xuất bản bởi các cơ quan, nhà xuất bản của Cộng Sản Việt Nam) nên việc soạn lại lịch sử dân tộc ta để có một "bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận" (như ông Trần Trọng Kim trước đây đã ước mong) là điều rất cần thiết và cần được khởi đầu càng sớm càng tốt.

Vốn không phải là nhà sử học chuyên nghiệp mà chỉ là người thích học sử nước nhà, chúng tôi không thể đưa ra một đề nghị có hệ thống, một chương trình tu thư thật đầy đủ; chúng tôi cũng không muốn làm cái việc quá sức mình là đề ra một phương pháp soạn sử, một quan niệm về lịch sử hay nói cách khác, một lối kiến giải về cuộc tiến hóa của xã hội, dù đó là kinh tế sử quan, duy vật sử quan hay bất kỳ một thứ gì khác. Đây là công việc của một nhóm, một uỷ ban chuyên gia mà chúng tôi hy vọng được thành lập thật sớm.

Chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài ý kiến nhỏ về những khiếm khuyết trong các bột sử Việt Nam đã được phát hành, đồng thời thử bàn về vấn đề liệu có thể qui tụ được hay không một nhóm có nhiệm vụ xúc tiến việc thành lập một uỷ ban tu chính sử sách hay một hội nghiên cứu lịch sử mà không phải đợi đến lúc hội đủ điều kiện, mới làm hoặc "những bậc tài danh ra công giúp nước ta về việc học sử" như ông Trần Trọng Kim đã viết trong cuốn Việt Nam Sử Lược của ông.

Những khiếm khuyết sở dĩ có, trước hết là do lối chép sử theo lối biên niên, nghĩa là năm, tháng nào có chuyện gì quan trọng thì sử quan chép vào sách và chép một cách vắn tắt, cốt là ghi chỉ chuyện ấy mà thôi. Làm như vậy, không khác gì làm "Ký sự niên đại" (chronicle), không có sự phân tích hay lý giải (interpretation). Như vậy khác với việc làm sử (history), vì sử "không những chỉ dể ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên của những công việc người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc." (Trần Trọng Kim - Việt Nam Sử Lược).

Các sử quan đã được nhà vua chọn lựa, chắc chắn phải là những vị thâm nho, "làu thông kinh sử, Bách gia, Chư tử, Cửu Lưu, Tam giáo", lẽ nào không biết điều đó và tất nhiên, phải biết đến các bộ sử đã có từ đời vua Nghiêu (2357 - 2256 trước Tây Lịch) vua Thuấn (2255 - 2206 tr. TL), đặc biệt là hai bộ Xuân Thu của Khổng Tử và Sử Ký của Tư Mã Thiên.

Bộ Xuân Thu chép truyện nước Lỗ từ năm 722 tới năm 481 trước Tây lịch, và cũng chép luôn cả truyện các nước chư hầu khác liên quan tới nước Lỗ nữa, truyện ở triều đình, truyện ngoại giao, chiến tranh và cả những thiên tai như động đất, lụt, nhật thực v.v... Xét về tinh thần thì bộ đó có chứa một triết lý về chính trị, đó là thuyết "chính danh định phận" của Khổng Tử. Ông đã soạn ra bộ đó với mục đích răn đời. Mục đích răn đời là mục đích phổ biến của tất cả các sử gia chân chính thời đó chứ không phải của riêng Khổng Tử.

Tư Mã Thiên là người đầu tiên chép lại hết các thời đại cho tới đời ông. Bộ Sử Ký của ông chép việc bắt đầu từ thời Hoàng Đế (2698 - 2597 tr. TL) đến niên hiệu Thái Sơ đời Hán Vũ Đế (104 - 103 tr. TL), tức là khoảng hai nghìn rưỡi năm. Ngoài công phu lớn lao của ông trong việc chép sử, đối chiếu các niên đại khác nhau của hàng chục nước chư hầu thế nào cho các niên đại được phù hợp, ông còn nhiều sáng kiến độc đáo, ghi lại được nhiều hình thái của nền văn hóa cổ Trung Hoa. Ông là người đầu tiên chú trọng đến đời sống kinh tế và xã hội, chép về sông ngòi, thương mại..., nhận xét về các di tích, ngôn ngữ, cảnh sinh hoạt, nỗi vui buồn của dân chúng. "Tóm lại, sử, theo Tư Mã Thiên, là tấm gương để ôn cố mà tri tân, là một thứ "thông giám" soi trong đó, người ta thấy được những đắc thất của người xưa, để rút ra những bài học về "cách tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ở thời mình. Sử là một bộ luân lý, triết lý, nhưng không viết bằng những "không ngôn" mà viết bằng những thực sự, bằng những vinh nhục, những hoan lạc và thống khổ của loài người. Quan niệm đó là quanniệm chung của mọi dân tộc cho tới thế kỷ XIX" (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê - Sử Ký của Tư Mã Thiên).

Xét trên quan niệm đó thì lối chép sử biên niên và ghi vắn tắt những chuyện quan trọng của các sử quan của chúng ta quả là có nhiều khiếm khuyết.

Tuy nhiên, cũng có những vị sử quan đã vượt qua khỏi sự gò bó của lối chép sử biên niên để soạn ra những bộ thông sử nói về các việc xảy ra trong những thời đại liên tiếp nhau, tương tự như, nhưng dĩ nhiên hạn hẹp hơn, bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên. Hai bộ thông sử đầu tiên của nước ta là bộ Đại Việt Sử Ký, gồm 30 quyển chép từ đời Triệu Võ Vương, đến đời Lý Chiêu Hoàng, của Lê Văn Hưu khi ông còn làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu vào đời Trần và bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chép từ đời Hồng Bàng đến đời Lê Thái Tổ, của Ngô Sĩ Liên, nguyên Lễ bộ tả thị lang kiêm biên soạn tại Quốc sử quán dưới thời Lê Thánh Tôn. Ông Ngô Sĩ Liên đã tiếp thu truyền thuyết về họ Hồng Bàng trong cuốn Lĩnh Nam Trích Quái do Trần Thế Pháp soạn vào cuối đời Trần để viết nên "Kỷ họ Hồng Bàng" trong phần Ngoại kỷ của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, làm cơ sở cho các bộ sử kế tiếp như Việt Sử Tiêu Án (của Ngô Thì Sĩ) và Khâm Định Việt Sử Thông giám Khâm Mục (của Quốc Sử quán triều Nguyễn).

Việc Ngô Sĩ Liên Mạnh dạn đưa thời Hùng Vương vào chính sử là một việc làm có ý nghĩa nêu cao lịch sử lâu dài của Đất Nước; nó biểu hiện quan điểm lịch sử của ông về lịch sử khởi nguyên dân tộc Việt Nam. Nhưng vì tính chất huyền thoại của truyền thuyết nên cho đến nay vẫn còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ. Do đó, đã có những tranh luận gay gắt tập trung vào chuyện khẳng và phủ định truyền thuyết ấy. Vào năm 1972, ban Tu thư Đại Học Vạn Hạnh phát hành cuốn "Lục Độ Tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta" của tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Thượng Tọa Trí Siêu); theo tác giả, cuốn sách này "được viết ra nhằm công bố một số tư liệu và kết quả nghiên cứu sơ bộ về giai đoạn cổ đại của lịch sử Việt Nam. Thứ nhất là truyền thuyết trăm trứng (...) xuất hiện trong Lục Độ Tập Kinh được dịch từ tiếng Việt ra tiếng Hán vào năm 257. Thứ hai, từ việc truy lại nguồn gốc trăm trứng, chúng ta phát hiện tiếp truyện Thục An Dương Vương và Triệu Đà chỉ là những hư cấu do tác động của thiên anh hùng ca Mahàbhàrata nổi tiếng của Ấn Độ (...). Các triều đại Thục và Triệu phải đẩy ra khỏi lịch sử dân tộc ta, do đó không có việc Hán Vũ Đế thôn tính nước ta vào năm 110 tr. TL. Thứ ba, triều đại HùngVương vì vậy vẫn còn tồn tại cho tới khi Hai Bà Trưng thất bại trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 43 sau dương lịch."

Tác giả không khẳng định mà cũng không phủ định truyền thuyết, vì dân tộc nào cũng vậy, vào lúc ban sơ, ai cũng muốn tìm một gốc tích thần tiên cho vẻ vang nòi giống của mình; tác giả chú trọng nhiều hơn đến thời gian xuất hiện của truyền thuyết này, thời gian này không thể chậm hơn tiền bán thế kỷ thứ II, sau dương lịch, tức là trong khoảng thời gian Lục Độ Tập Kinh xuất hiện. Như vậy truyền thuyết lịch sử khởi nguyên dân tộc ta có một lịch sử hết sức lâu dài. Ông nói: "Có lẽ nhờ có lịch sử lâu dài ấy mà nhân dân ta đã không bị người Trung Quốc đồng hóa như nhiều dân tộc khác, khi bị tạm thời hút vào quỹ đạo của nó."

Trong phần kết luận tác giả khẳng định: "Triều đại Hùng Vương chấm năm 43 sau DL có một văn hóa điển chương của nó, với Việt Luật, Việt Ca, truyện trăm trứng và một loạt các truyện khác thể hiện thế giới quan của người Việt thời đó. Và ấy là chưa kể thuyền đồng, trống đồng cùng các di vật khảo cổ học hiện đã tìm thấy, biểu thị trình độ khoa học kỹ thuật của một xã hội văn minh, có phong tục tập quán riêng, có lối sống phong cách riêng, bộc lộ bằng các hoa văn trên các di vật này. Đặc biệt, ngôn ngữ Việt vào thời Hùng Vương đã phát triển tới một mức độ chính xác cao, để có thể phát biểu các qui ước xã hội thành văn bản luật của Việt luật. Và một hệ thống chữ viết đủ linh hoạt để ghi lại những văn bản ấy cho việc sử dụng và phổ biến."

Trong một tác phẩm khác, cuốn "Nghiên Cứu Về Mâu Tử" cũng do ban Tu thư Vạn Hạnh phát hành vào năm 1982, tiến sĩ Lê Mạnh Thát lại nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam vào thời Hùng Vương. Chẳng hạn như vấn đề Phật Giáo truyền vào nước ta từ thời nào. Theo những sử sách chúng ta được đọc bấy lâu nay như các cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đoài Duy Anh, Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm v.v... thì Phật giáo được truyền sang nước ta nhờ các vị sư Tàu và Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ II. thứ III sau TL. Theo ông Lê Mạnh Thát thì "nếu Phật giáo không truyền vào nước ta thời vua A Dục (thế kỷ thứ III trước TL) thì chắc chắn vào thượng bán thế kỷ thứ I sau TL. Phật giáo đã tồn tại để cho truyền thuyết dân gian Việt Nam ghi lại sự xuất gia của một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng là Bát Nàn Phu Nhân, sau khi cuộc kháng chiến vệ quốc năm 39 - 43 thất bại và việc trồng hoa Uất Kim Hương để cúng Phật do Dương Phù chép lại vào năm 100 sau TL1.

Sự kiện nói trên "đưa tới một số hệ luận đáng quan tâm, không những đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam, trong đó việc nổi bật nhất là việc ra đời tác phẩm văn học tư tưởng Phật giáo xưa nhất do người bản xứ viết (...) đó là Lý Hoặc Luận của Mậu Tử."

Những nhận định của tác giả trong hai tác phẩm đã dẫn đưa đến việc bài bác một số điểm được trình bày trong các bộ sử nước ta, từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cho đến Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thông qua Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Xin đơn cử một việc: Các sách sử ấy đã liên tục lập lại những trình bày của Hậu Hán Thư của Tàu, theo đó thì Tích Quang, thái thú quận Gia Chỉ từ đời vua Bình Đế nhà Tây Hán, vào quãng năm thứ hai, thứ ba về thế kỷ thứ I "đã hết lòng lo việc khai hóa, dạy dân lấy điều lễ nghĩa", còn Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Chân từ năm Kiến Võ nhà Đông Hán thì "Dạy dân dùng cầy bừa mà khai khẩn ruộng đất, lại dạy dân làm lễ cưới hỏi trong khi lấy vợ lấy chồng". Các sử gia của chúng ta đã không chịu kiểm tra xem những trình bày ấy chính xác đến mức nào, vì ngoài Hậu Hán Thư, còn có những nguồn tin khác có thể đáng tin cậy hơn. Chẳng hạn Hậu Hán Thư nói Nhâm Diên "dạy dân ta cầy cấy ruộng đất"; như thế là ám chỉ rằng vào thời ấy người Việt ta có cuộc sống quá thấp kém, không cách biệt với lối sống hái lượm của loài vật là bao nhiêu, nên Nhâm Diên phải bày cho họ cách làm ruộng. Nhưng ngoài Hậu Hán Thư ra, còn có nhiều sách cũng đề cập đến vấn đề cày cấy (canh lê) của dân ta. Thí dụ như sách Thủy Kinh Chú 33 nói rằng: "Gia Chỉ lúc chưa có quận huyện, đất đai có ruộng Lạc. Ruộng ấy theo nước triều lên xuống, dân khai khẩn ăn ruộng đó, gọi là Lạc dân, đặt Lạc vương, Lạc Hầu để làm chủ các quận, huyện. Huyện phần nhiều do Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng, giải xanh."

Tác giả bình luận: "Thế đã rõ, ngay vào hồi Lạc hầu lạc tướng, khi chính quyền Hùng Vương đang còn, người Việt đã biết cày cấy trên ruộng Lạc của mình. Nền nông nghiệp Việt Nam vào lúc ấy như thế đã phát triển tới một trình độ cao, huy động các kiến thức thủy văn và thổ nhưỡng để phục vụ cho công tác sản xuất. Lợi dụng nước triều lên xuống, lợi dụng số phù sa đưa vào, khoa nông nghiệp thời Hùng Vương đã biết phát huy tác dụng của những hiện tượng tự nhiên vào việc phục vụ nâng cao cuộc sống con người (...). Nếu nền nông nghiệp vào giai đoạn cuối của chính quyền Hùng Vương đã phát triển như thế thì có lẽ gì để cho Tích Quang và Nhâm Diên dạy vẽ cày cấy."

Trình bày hai tác phẩm của tác giả Lê Mạnh Thát, tới đây tuy chưa được bao nhiêu, nhưng tưởng cũng đủ để nói lên điều mà chúng tôi muốn thưa với các bạn dọc. Sở dĩ nói dông dài về ông Lê Mạnh Thát và các tác phẩm của ông, không phải là để đề cao ông - mặc dù ông rất đáng được đề cao - mà vì ông đã mạnh dạn đưa ra những kết quả nghiên cứu của ông, khác hẳn với những điều đã được các sử gia trước đây đã viết ra trong sử sách của họ, và ông đã thẳng thắn đề nghị "học giới cũng bàn bạc để đi tới việc biên soạn lại một bộ sử Việt Nam mới chính xác và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với triều đại Hùng Vương của giai đoạn cổ sử"; ông cũng đã tìm cách giải đáp một số vấn nạn, lịch sử về thời ấy và đã can đảm bài bác những sai lầm của các sử gia có tên tuổi. Cùng năm 1972 (không rõ trước hay sau cuốn "Lục Độ tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Của Dân Tộc Ta, xuất bản 1972) ông đã cùng với ông Lê Xuân Liêu biên soạn và phát hành tài liệu nhan đề "Thử Viết Lại Lịch Sử Dân Tộc Ta". Từ đó đến nay, nếu chúng tôi không lầm, thì đề nghị của ông không có một tiếng vang. Đó cũng là số phận dành cho ông Trần Trọng Kim là "sẽ có những bậc tài danh ra công giúp nước ta về việc học sử."

Nay chúng tôi xin đánh bạo nhắc lại đề nghị của hai vị ấy. Chúng tôi không dám nói đến những câu như "bổn phận đối với giới trẻ hiện nay và các thế hệ tương lai". Chúng tôi chỉ xin bàn đến "tính các khả thi" (feasibility) của việc soạn lại lịch sử. Xưa nay công việc viết sử thường là công trình của một cá nhân có tài, có lòng với đất nước, có công nghiên cứu, tìm tòi. Nay nếu có một nhóm các vị học giả có thiện chí, sẵn sàng dành thì giờ cho việc chung thì việc soạn lại lịch sử không phải là chuyện không tưởng. Chúng tôi đang liên lạc về vấn đề này với một hai có uy tín, có liên hệ mật thiết với các tổ chức văn hóa quốc tế như UNESCO, Centre Inter-Natinaol D'Etude Vietnamiennes, v.v... và, nếu các vị ấy đồng ý, thì họ sẽ tiếp xúc với một số các vị chuyên gia để xúc tiến công việc lập kế hoạch và cố gắng tìm nguồn tài trợ để có phương tiện làm việc.

Không đi sâu vào công việc đa đoan và địa hay chuyên môn của nhóm tu chính sử sách (mà chúng ta hy vọng sẽ được thành lập nay mai), chúng tôi xin góp ý kiến về một vài khía cạnh của công việc này mà những kẻ "ngoại đạo" như chúng tôi cũng có đôi chút hiểu biết. Chẳng hạn như vấn đề tài liệu để viết sử. Nhìn vào bảng kê "những sách soạn giả dùng để kê cứu" ở cuốn bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, chúng ta thấy ghi 16 tên sách chữ nho và chữ quốc ngữ và 10 cuốn sách tiếng Pháp; nghĩa là chỉ có sách của các tác giả Việt Nam (ngoại trừ hai cuốn Thanh Triều Sử Ký và Trung Quốc Lịch Sử, có lẽ của tác giả người Tàu) và Pháp. Như vậy khó có sự tham khảo rộng rãi, đối chiếu nguồn gốc, sử liệu để tìm ra sự thật và không khỏi có sự khiếm khuyết. Nhưng nhờ tác giả có học vấn uyên bác, có nhiều cố gắng nên cũng viết ra được một bộ sử đứng đắn, tuy rất sơ lược. Nếu đem so sánh với các tài liệu tham khảo dùng để soạn hai cuốn sách của tiến sĩ Lê Mạnh Thát thì chúng ta thấy có sự khác biệt rất lớn giữa hai bên về phương diện số lượng, loại mục và xuất xứ của các tài liệu; ông Lê Mạnh Thát, trong lúc soạn luận án tiến sĩ tại Hoa Kỳ đã được kê cứu những sách sử không những của Việt Nam, Pháp mà còn của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...tại các thư viện trường đại học và tiểu, liên bang Hoa Kỳ. Do đó đã có cái nhìn và những kết luận về lịch sử Việt Nam khác với các sử gia trước ông. Nay, nếu ta có một nhóm viết sử gồm những vị cư ngụ tại nhiều quốc gia khác nhau thì các vị sẽ có thể sử dụng các nguồn tài liệu cô cùng phong phú tại Biliotheque Nationale (Pháp), British Library (Anh) hay Library of Congress (Hoa Kỳ) v.v... Sự tìm tòi ở Trung Quốc, Đài Loan may ra có thể cho thấy manh mối về những sử sách bị người Tàu lấy mang về nước họ.

Để bổ sung cho những thiếu sót do sử liệu bị Trung Quốc sang đoạt hoặc bị thất lạc, hay tiêu hủy vì chiến cuộc, các vị làm sử có thể suy luận từ kết quả của các cuộc nghiên cứu về khảo cổ học,nhân chủng học, xã hội học, ngôn ngữ học, ca dao, tục ngữ v.v... mà hiện nay chúng ta đã có khá nhiều chuyên gia về các lĩnh vực đó. Về vấn đề cộng sản Việt Nam đặt điều thêu dệt, bóp méo sự thật, chúng ta khó thể đòi họ "trả lại sự thật cho lịch sử" vì bản chất ngoan cố của họ, hoặc đợi cho "cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra" (câu nói cửa miệng của các cán bộ quản giáo nhằm chặn họng những người tù cải tạo mỗi khi đòi hỏi họ phải thành thật khai báo) hay nói như người Anh "the truth will out", thì không biết bao giờ cái kim (hay sự thật) sẽ ra, trong lúc đó chúng ta đã có bao nhiêu nhân chứng, bao nhiêu bài viết, bao nhiêu cuốn sách nói sự thật về chiến tranh và cộng sản Việt Nam, về quân dân miền Nam, chúng ta chỉ cần tập trung lại, sắp xếp, đối chiếu, hệ thống hóa thì chúng ta sẽ có một tài liệu trung thực cho bột sử tương lai của nước ta.

Trong lúc tìm hiểu sự thật, giải đáp những vấn nạn của lịch sử, soi sáng những chỗ còn mù mờ trong lịch sử dân tộc, hi vọng chúng ta sẽ tìm ra lý giải thích đáng về thái độ của nhân dân Việt Nam trong hai thời kỳ đen tối nhất của lịch sử, thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc và thời kỳ hiện nay dưới ách cộng sản, được biểu hiện qua lời than của sử gia Lê Văn Hưu: "Trưng Trắc, trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay lam tôi tớ người Tàu mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!" hay nhận định của Dương Thu Hương trong bài viết mới đây ("Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen") của nhà văn phái nữ này: "Chiến tranh không làm cho các công dân chín chắn hơn, không ngoan hơn, sử dụng quyền công dân mạnh bạo hơn mà ngược lại nó khiến đám đông hèn nhát hơn, dễ thỏa hiệp hơn với sự nhục nhã, dễ cúi đầu hơn trước tội ác."

Và đặc biệt, nói lên sự thật về chiến tranh Việt Nam để vạch trần dã tâm của cộng sản nhằm áp đặt chế độ đệ tam quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như trên toàn cõi Đông Dương và nói lên sự thiếu thủy chung của đồng minh Hoa Kỳ, chúng ta sẽ góp phần vào việc phục hồi danh dự cho quân dân miền Nam, để cho vonhg linh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh vì Tổ Quốc khỏi phải tủi hổ. Ít nhất, đó là bổn phận chúng ta phải làm tròn đối với họ. o

Nguyễn Phúc

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home