Thursday, February 24, 2005

an thái, quê hương - niềm hoang tưởng

tạ chí ðại trường


Trời vô cùng, đất vô cùng...
(Võ Liêm Sơn)

Không biết từ lúc nào đó, bà nội tôi cho tôi biết là "Chi trưởng của mình ở An thái. Con lên đó, không sợ đói đâu, cứ xưng họ mình ra , là mỗi ngày một nhà nằm ăn cả tháng không hết".

Với trí óc của một đứa bé mười tuổi thì lời nhắc nhở về nguồn gốc ấy chỉ như một cơn gió thoảng, không để lại một dấu vết gì. Quê tôi, quê nội tôi chỉ là cái chợ Cây Gia (tôi vẫn không thể viết là Cây Da - Cây Ða) với những loạt ngày đều đận chợ hội, người đông vừa đủ cái lõm dành riêng cho việc mua bán, có tràn ra ngoài một chút cũng không gây ngạc nhiên, và các hôm chợ phiên chật ních người chen trên quốc lộ chạy ngang qua, người luồn trong ngõ hẻm, xuyê gần tới ga. Ga Diêu Trì. Cái tên ga và làng cũng gây nhiều lấn cấn mà mãi về sau, cuộc đời nghiêng ngửa mới dẫn tôi đi vào các ngóc ngách của sự phân biệt danh và thực. Ga Diêu Trì thuộc loại lớn trên đường Xuyên Việt vì có nơi sửa chữa toa tàu, rộng rãi, nằm chiếm đến nửa đất làng Vân Hội của tôi, làng có chợ Cây Gia. Quê nội tôi, làng Vân Hội đó, sách Ðại Nam nhất thống chí kê ra cái tên Vân Sơn lạ hoắc làm tôi phải lúng túng khi dò xem bước tiến triển của các trận chiến Tây Sơn - Nguyễn, cho đến khi đọc được một tờ văn khế của gia đình làm trong thời Thiệu Trị (1841-1847) mới biết Vân Sơn là Vân Hội. Còn làng Diêu Trì thì ở về phía bắc, bên quốc lộ, dưới chân hòn núi Ông Vồ, như cái vồ đất nằm ngang, hẳng đã là nguyên nhân xúi các ông túc nho nảy ra chữ Vân Sơn. Diêu Trì có đám thợ đục đá cụp cắc dưới bóng tre dọc hai bên quốc lộ, làm văng mảnh vào cả chân khách bộ hành. Vậy mà hễ cứ ai hỏi đường về quê tôi thì phải nói tên Diêu Trì người ta mới biết là đâu. Ôi cái ga sừng sững chiếm đất làng tôi, dựa trên hòn núi lởm chởm đá cũng mang tên làng tôi vậy mà nó đã che khuất cái làng nhỏ bé, thiệt thòi của tôi! Nói ra thì người ta lại bảo mình nhỏ mọn, kì thị địa phương - Diêu Trì hay Vân Hội cũng là đất nước Việt nam cả mà, cứ để cho người ta lấn lướt, hãy ngậm miệng bao dung, có chết thằng Tây nào! ờ thì thôi, hãy để cho lí tưởng cao vời, tình tự bao la thành niềm tất thắng, tôi xin trở về nói chuyện xứ An Thái trong tưởng tượng, nghe ngóng của tôi vậy.

Cho đến lúc lớn lên tôi vẫn chưa về An Thái. Chỉ ở Diêu Trì - lại Diêu Trì! - có một năm học lớp nhất, tôi quay về theo với má tôi ở Quảng Vân, quê ngoại: "Ăn bên ngoại, vái bên nội." Nhìn ở vị thế nghiên cứu, câu tục ngữ hàm ý mỉa mai ấy lại cho thấy cả một mâu thuẫn giằng co trong tổ chức xã hội từ căn bản gia đình mà người đàn ông của phụ hệ Khổng giáo có thể lấy lí thuyết chính thống hãnh diện nhận lãnh sự hưởng thụ đương nhiên, nhưng khi cả hệ thống bám víu sụp đổ thì chợt nhận ra nỗi tủi thẹn vô vàn để chìm mình trong men rượu, chui rúc trong nhà hay loay hoay thừa thãi bên cái xe bán bánh mì, tủ thuốc lá bên đường... Quê ngoại này có nhà thờ, nhà chung Lòng Sông - lại cũng khoa địa lí học về sau giúp tôi nhận ra cái tên có trong bản đồ, du kí của các giáo sĩ vài thế kỷ trước, nay không còn đúng tên Lòng Sông nữa, chỉ vì một trong hai nhánh ôm lấy địa điểm đã cạn đi, chỉ còn lại một cái bàu để tôi đi câu cá, dành riêng cho đám thanh niên nam nữ vác nơm chụp cá, giả vờ đụng chạm rồi bóp vú nhau, cười rinh rích. Tuổi thiếu niên ở đấy chưa đủ để tôi thông thạo sự đời nhưng cũng không còn ngây thơ để tin những câu chuyện trong sách giáo khoa thư nữa: làng quê tôi không phải chỉ có lũy tre rì rào, mục đồng thổi sáo, thôn nữ ngây thơ, trai tráng chất phác mà còn có tiếng chửi thề, có đĩ điếm, có anh bộ đội cán bộ đè chị em mẹ chiến sĩ, có những cuộc đấu tố địa chủ với đủ trò rưới phân, đội đá... Nhưng cái làng quê ngoại ấy ở ngay giữa đồng lúa cũng cho tôi biết việc nông tang nặng nhọc vô vàn, để sau này giải thích hành động của các ông vua Lí Trần khác hơn các ông sử gia Nho giáo và hậu - Nho giáo - Mácxít. Tôi đã quên An Thái.

Năm 1962, tôi bắt đầu làm Cao học về Tây Sơn. Theo những điều được chỉ dẫn từ nhà trường, tôi lần mò qua đò sông Phú Phong - lúc ấy chưa có cầu - đến Phú Lạc thăm điện Tây Sơn. Lúc còn đang loay hoay quanh khu đất có cây cối um tùm, có cái đình ngói, chưa kịp nhìn vào bên trong thì chợt nghe tiếng súng nổ, người dẫn đường tái mặt lật đật lôi tôi thụt lùi lại xuống đò. Bước chân đến một địa điểm phát xuất của Tây Sơn chỉ được chừng ấy phút thôi, bước đầu thật là nhỏ bé của cả một công trình còn dấu vết khờ khạo, một ước vọng muốn là cả cuộc đời mình mà đến nay may mắn thay tôi vẫn giữ được qua bao sóng gió. Phú Lạc, Kiên Mĩ là nơi người của anh em Tây Sơn từ An Khê về ở - và biết đâu chẳng chính là nơi sinh quán của những người này? An Thái, một địa điểm khác cũng trên dòng sông đó, là nơi anh em họ trưởng thành, có học vấn. An Thái, quê gốc của tôi. Ðã nói, tôi không thể đến được An Thái bằng cặp chân, thì hãy tìm trên bản đồ vậy. Không có. Chỉ có làng Mĩ Thạnh thôi, nơi đó người ta bảo có chợ An Thái nổi danh với bún Song Thần. Và nổi danh nghề võ: "Trai An Thái, gái An Vinh". Tôi có hơi hướm trai An Thái mà chỉ có võ (vỏ) cua, tuy nhiên khi vào Nha Trang học đêm mỏi mệt ra sân quơ tay múa chân một lát cũng đủ làm cho đám thanh niên chung quanh lác mắt: "Chớ chọc vào y, dân Bình Ðịnh đó!" ít ra thì tôi cũng đã có một lần hãnh diện làm dân Bình Ðịnh!

Còn gái An Vinh, Thuận Truyền của câu ca dao

Ai về Bình Ðịnh mà coi
Con gái Bình Ðịnh cầm roi đi quyền.

thì dân miệt gần biển của tôi, tuy cũng là dân Bình Ðịnh, vẫn phải lác mắt qua chứng kiến, qua loan truyền. Một cặp vợ chồng ở bên làng quê ngoại, sát cái đầm Thị Nại nổi danh, đang giã gạo, nổi kình cãi là vác cả chày choảng nhau lốp cốp từ trong nhà đến ngoài sân và rốt cuộc anh chồng bỏ chày phóng qua hàng rào chạy tuốt! Cầu chúc cho anh ta khi xảy ra trận chiến về đêm, anh sẽ thắng vì chị vợ không có vũ khí tấn công.

Lại cũng một câu chuyện của bà nội tôi. An Thái, An Vinh nằm hai bên bờ sông Côn, cái tên vốn ở tận thượng lưu, của dân Thượng, nhờ khoa địa lý học mới thành tên cả dòng ra đến biển, chứ thường thì sông chảy qua làng nào hay địa điểm nào nổi danh là lấy tên nơi ấy, khúc sông được gọi là An Thái trong lúc không còn một địa điểm hành chánh có tên ấy chứng tỏ nó lưu giữ được một thời vang dội. Và cái chợ An Thái nổi danh kêu gọi mọi người quanh vùng, cả tận xa xôi đến tụ tập buôn bán, họp chợ phiên. Và đàn bà con gái An Vinh đi chợ. Phải qua sông. Chắc là sông dù có đò nhiều người cũng không đi. Sông ở xứ mình chỗ sâu chỗ cạn, việc gì không gồng gánh nặng lại phải tốn thêm tiền đò? Hãy kiếm một chỗ nào lội qua được. Sông không cạn, chỉ mấp mé nơi háng, xăn quần vẫn ướt, thôi thì cởi nó ra vắt lên cổ, qua sông giũ quần bận lại, vào chợ ngon ơ. Dân "bản xứ", dân tại chỗ quen chuyện từng hai ba ngày một của những buổi chợ hội, chợ phiên có gì mà phải lưu ý? Nhưng dân dưới đồng, biển lên An Thái mua bún song thần, mây, trầu nguồn, vỏ làm rễ ăn trầu... được thưởng thức cảnh nước mấp mé... ẩn hiện, không cần phải biết bài Bến lội làng Ngang của Nguyễn Khuyến. Và họ cũng không cần phải hỏi han, căn vặn như cụ Tam Nguyên, họ cứ chỉ trỏ, cười cợt. Ðám đàng con gái đang vô tư đùa giỡn bỗng "tự giác" vì "giác (bởi) tha". Thế là đang hiền lành mềm yếu họ trở thành cọp cái. Không có roi, côn thì họ đã sẵn đòn gánh. Họ sồng sộc tuôn ào lên bờ rượt đuổi đám người vô lễ chạy trối chết không kịp còn giây phút nào dừng lại để thưởng ngoạn cái điều ẩn hiện trước kia. Bà nội tôi không kể rõ là đám con cháu bà Bùi thị Xuân nọ có rượt đuổi kẻ thù đến tận cùng hang ổ ở đâu không, nhưng lúc lớn lên tôi mong rằng họ phóng mình lùng kẻ thù ở giữa chợ đông người. Và tuy sợ bị ăn đòn đau - tôi không có võ như đã nói - nhưng lại cứ muốn làm kẻ thù của họ một lần trong đời.

Tôi vẫn chưa về An Thái. Gia phả không nói, nhưng tôi cứ mong rằng mình có một ông tổ nào đấy đã từng đi chăn trâu chăn bò với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, đã cùng họ bẻ trộm bắp, đào trộm khoai lang rồi lên một gò vắng lượm phân khô nhúm lửa nướng bắp, lùi khoai cười hể hả với nhau. Biết đâu có một lúc nào đấy, họ "xuỵt" trâu chọi nhau đến gãy sừng, sứt trán rồi len lén đưa trâu về chuồng chờ khi tội lỗi bị phát giác chứ không chịu "thành thất khai báo". Tôi cứ mong rằng mình không có một bà tổ mơn mởn đương tơ mà lại mê anh chàng mặt rỗ, mắt lé để cùng anh xà nẹo trong đống rơm hay ịn mông lên đầu ông thổ địa trong miếu nào đấy, để vài năm sau hãnh diện với làng nước là người đoán được anh hùng lúc còn "giữa trần ai". Tôi đi vào nghiên cứu là do Ðại học Văn khoa, nhưng không phải nhờ các ông bà thầy Việt trực tiếp giảng dạy. Xin lỗi, có ai gọi tôi theo thực dân đế quốc tôi cũng đành chịu chứ tôi biết học Ðại học để làm gì khác hơn là nghề thày giáo cấp ba do hai anh chàng Tây, một anh rủ rỉ rù rì như đi ve gái, một anh như cái radio mở hết vô luym để bảo chung đám sinh viên nhược tiểu: "Học ở trường xong, vào kì nghỉ hè, các anh nên về lại địa phương mình tìm xem có vấn đề nào để khảo sát không." Ý tưởng nghiên cứu về Tây Sơn bắt đầu từ đấy, cũng có nghĩa là bắt đầu bằng một chút tinh thần địa phương. Tôi hãnh diện vì Tây Sơn. Và do đó mới có thoáng ngông, định thêm vào gia phả mình là con cháu của một thôn nữ "hoảng chưa" từng lăn lộn trên cỏ, trong bụi chuối sau hè với các vị anh hùng dân tộc. Ấy vậy mà các sử gia ưu việt của phe chiến thắng bây giờ cứ nằng nặc cho là tôi miệt thị cả một thế hệ - thế hệ Quang Trung. Trong thâm tâm, tôi muốn "yêu nhau yêu cả đường đi" nhưng mớ học vấn ít oi bảo tôi chớ mù quáng nhảy vào đánh hôi kẻ bại trận cả 200 năm trước hay hèn nhát xu phụ kẻ chiến thắng 200 năm sau. Tôi đâu có đủ khả năng làm chuyện đó? Tôi vẫn chưa về An Thái mà!

Chiến tranh dắt dẫn tôi đến tận Hà Tiên ngồi ở hồ Ðông không phải để thưởng thức thơ Mạc Thiên Tứ, không vì ông Lâm Tấn Phác nhưng để hưởng ngọn gió mát thổi vào mà thấy rõ lý do phồn thịnh của Cảng Khẩu, còn đấy với bức tường thành đổ nát sau chùa Tam Bảo có bài vị mẹ Mạc Cửu, còn đấy với các chân tảng to để người sau nghĩ ra ngôi chùa của bà thứ phi của ông Tổng trấn quyền ngang vua, không bị lừa bịp bởi một cái am nho nhỏ trước mắt. Cho nên tôi vào thăm lăng họ Mạc, nghiêng mình trước một con người bôn đào gian truân dựng nghiệp chớ không phải như tôi lúc lang thang suốt năm tháng dài mịt mù ước mơ. An Thái ở đâu?

Trước khi đi Mĩ, tôi leo lên xe lửa thẳng ra Huế rồi nhẩn nha lộn vào, ghé theo ga tàu đỗ, đi nữa. Và lần đầu thấy Hội An - Hội An trong chiến tranh khuất lấp khó đến vì không có thì giờ. Tôi đã ghi trong quyển lưu niệm đầy chức tước và xưng tụng "Xin cảm ơn Hội An". Phải, bởi vì với Hội An tôi đã gặp Thời xưa, cái thời xưa tôi đã thấy trước đó ở Hà Tiên một chiều đứng ở mũi Nai, Pháo Ðài với núi thấp, mưa phùn giăng giăng, cây dừa suông đuột cành lá phơ phất, người đàn bà đeo áo tơi lá nghiêng ngả trong ruộng lầy, toàn cảnh như một bức tranh thủy mặc, hơn một bức tranh thủy mặc vì đó là cả một khoảng không thời gian cứ tưởng đã biến mất trong quá khứ mịt mù lại hiện về trước mắt, sống động đến rùng mình. Hà Tiên có những ngôi nhà ngói thấp, cũ kĩ, có hàng cửa gỗ chạm trổ tỉ mỉ, hay chỉ thuần là ván đóng kín mặt tiền. Lại còn thêm hàng hiên đóng bằng các thanh gỗ xếp thưa, gài đứng lọt vào các ô vuông đục sẵn trong hai cái ngạch và đà - cũng bằng gỗ. Như cái hàng hiên gỗ của nhà từ đường lá mái của tôi, loại nhà đặc sắc gợi sự chú ý của P. Gourou. Ngôi nhà đã cháy trong chiến tranh, mất vết tích huy hoàng của một chi thứ nhà họ Tạ. Bà nội tôi đã mất, không ai còn kể chuyện An Thái cho tôi nghe. Ðầu tôi đã bạc trắng, tại sao phải cần được nhắc nhở để nghĩ cách về An Thái?

Ðầu năm 1979, chiếc xe tải chở heo bò chuyển bọn cải tạo chúng tôi gập ghềnh trên quốc lộ 19 ngang qua Phú Phong. Ðâu đó bên đường có những tháp chàm trơ trụi. Cảnh "điêu tàn" nào đâu chỉ là của quá khứ: tiếng "rỉ rên than" là của hiện tại, ở cả dưới đường kia trong bụi mù bốc nắng. Hạt bụi nào là xác thân của ông cố tôi, bị bắn chết trên đường tìm mua võ khí cho nghĩa quân đánh Tây? Cái chết không những không toàn vẹn thân xác mà còn không dám để lại dấu vết trên bàn thờ: trong từ đường, lúc nhỏ có lần tôi lén giở các tấm hồng điều để nhìn những chữ Hán ngòng ngoèo trên đó như cả hiện thân của cõi âm kì bí, và chợt thấy chỉ có một miếng vải trắng trống trơn - bài vị của ông cố tôi đó. Ông cố tôi theo Mai Xuân Thưởng đánh Tây - và bị kết tội cùng Bình Tây nguyên soái muốn dựng lại cơ đồ Ngụy Tây (Sọ). Biết đâu bản án ấy không oan với người con xứ An Thái kia? Vậy mà tôi vẫn chưa về An Thái.

Phía sông bên phải có cái cầu thấp và thấp thoáng màu vôi của điện Tây Sơn xây cất hình như với đề nghị và yểm trợ của ông Quách Tấn. Ở đó hàng năm có lễ hội rình rang. Áo quần quân tướng của ngày giỗ trận có thể lấy từ đồ hát bội, không đúng mà cũng không sai. Chỉ có cây cờ ngất ngưởng màu đỏ và vòng tròn trăng là cả một sự sai lệch đến tức cười. Hình như người ta nghĩ ra vòng tròn vàng ở giữa là do cách giải thích về hai chữ "Quang Trung". Nhưng "Quang Trung" là "giữa sáng" chứ đâu phải là "(vành trăng) sáng ở giữa"? Và Tây Sơn nào đâu chỉ là Quang Trung? Sai biệt đó không tệ hơn các học giả ưu việt ở Hà Nội thấy pho tượng chùa Bộc kèm đôi câu đối có chữ "Quang Trung bèn nói bừa là tượng của vị anh hùng chiến thắng Ðống Ða. Hai điều sai lạc lớn. Một là, chữ Hán không có lối viết hoa (trừ phi người sau nhận định và sổ vạch một bên) nên "quang trung" không phải là "Quang Trung" - cũng như gần đây (1994) lại một nữ học giả ưu việt thấy có chữ "việt nam" trên một bia đá ở Lạng Sơn vào thế kỷ XVII liền trình bày phát hiện của mình trên tờ Nhân dân chủ nhật rằng tên nước Việt Nam đã có từ đó rồi. (Xin mách nhà nghiên cứu tài danh kia là Hồ Tôn Thốc ở thế kỷ XIV có quyển Việt nam thế chí đó: tạm dịch là "Ghi chép về các đời (vua) ở phía nam đất Việt - Quảng Ðông Quảng Tây (1). Ðiều sai thứ hai ở các nhà giải thích về pho tượng chùa Bộc, là nhà nho xưa hiểu rất rõ vị thế chuyển biến từ cõi trần tục đến cõi vô hình, hiểu "sinh vi tướng, (ắt) tử vi thần" chứ không thể cho ông Quang Trung thành Phật như các học giả giương cao cờ Ðảng ngày nay bửa đầu người nhét kiến thức vào, không chịu thì cho đi cải tạo! Thế mà cái sai về cây cờ, về thứ bậc anh em Tây Sơn, về cái đồng tiền to tổ bố đúc ở Chợ Lớn, Huế những năm 60, lại được trân trọng ở điện Tây Sơn, xứ của Tây Sơn. Chỉ vì người ta nghe theo lời những bậc tài danh ở nơi khác chứ không chú ý đến tiếng nói của người con xứ Bình Ðịnh. Ðành rằng lễ hội thường cần đến huyền thoại, không cần đến lịch sử chân xác nhưng lá cờ một màu đỏ gần với sự thật hơn, không làm suy chuyển đến tinh thần náo nức của quần chúng tham dự, vậy mà sai lầm chắc vẫn khó bỏ.

Ðiện Tây Sơn đã dựng lại trong thời chiến, thay thế đình Phú Lạc cũ bị tàn phá. Nhà từ đường của tôi đã cháy, con cháu lưu lạc chạy ăn, không về xây cất lại. Không buồn xây cất lại. Có cất lại cũng không được như xưa, không phải như xưa. Thời thế đã đổi khác rồi, cùng đích của hành động đã xoay chiều hướng. Có người làm ăn phương xa về sửa gia phả, xây lại từ đường mới, chạp mả rộn ràng hàng xóm để anh cán bộ tức khí xây nhà to hơn, khánh thành đông người hơn tranh với anh Việt kiều. Các anh "yêu nước" cứ tưởng lấn lướt được Việt cộng ở nhà bóp họng nhân dân à? Người ta đã chiếm được nhà từ đường, lợi dụng lòng hào hiệp có ẩn ức tội lỗi giàu có của người nước ngoài quyến rũ bởi hào quang chiến thắng của Ðảng, bởi sự khốn cùng hấp dẫn của dân chúng trong tê liệt chính trị. Người ta đủng đỉnh chờ đón đám con cháu li khai rủng rỉnh tiền xu muốn chơi trội, hay mỏi mệt trở về qui phục lạy ông bà, đủng đỉnh chờ thời gian giúp cho sự cưỡng đoạt trở thành bình thường, chờ đến lúc củng cố xong chân lí: Lịch sử nào cũng là lịch sử của kẻ chiến thắng dù là lịch sử thêm mùi huyền thoại. Vậy thì tôi mong trở về An Thái để làm gì?

Ngày 3-8-1994, tôi bước xuống đất Mĩ. An Thái ở đâu? Cùng đích của con người là phía trước mặt hay đằng sau lưng?

TẠ CHÍ ÐẠI TRƯỜNG
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955

(1) Tất nhiên, nếu tranh luận trên các chữ Hán để biểu diễn chữ "việt" thì phải nói dài dòng hơn. Lầm lẫn không phải chỉ của người trong nước. J.K. Whitmore trong Vietnam, Hồ Quý Ly and the Ming (1371-1421), trang 26, viết: "Hồ Tông Thốc's Việt Nam Thế Chí (A Record of the Generations of Vietnam). Tuy nhiên người trong nước đáng trách hơn vì đáng lẽ phải thấu hiểu những khác biệt tinh tế trong ngôn ngữ của mình hơn là người ngoại quốc.

Chính với ý nghĩa Việt Nam là phía Nam đất Việt, nước Nam Việt (của Triệu Ðà) mà nhà Thanh mới sửa đổi tên nước của Gia Long thành Việt Nam. Tuy cùng một ý nghĩa nhưng danh xưng ở các thời đaị khác nhau không thể hiểu giống nhau được.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home