Thursday, February 24, 2005

THẦN, NGƯỜI VÀ ĐẤT VIỆT*

(bản mới)
Tạ Chí Đại Trường


MỤC LỤC
Đôi lời phân trần
Lời Giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Thế Anh

Chương I. Khía cạnh đời sống tinh thần Việt và các tài liệu
1. Thần linh Việt trong sách vở và archéo-culture
2. Từ sử sách, nhìn khía cạnh thích nghi văn hoá
3. Khảo cổ học và mức độ phát hiện nét siêu nhiên ẩn giấu

Chương II. Các hệ thống thần linh bản địa Việt cổ
1. Nhiên thần: các thần cây, đá
2. Nhiên thần: các thần sông nước
3. Các nhân thần sơ khai

Chương III. Những biến chuyển về quan niệm thần linh trong thời Bắc thuộc
1. Việt cổ và Trung Quốc: vấn đề tác động lịch sử và văn hoá
2. Sự hội nhập qua các dòng tôn giáo
3. Thổ thần và phúc thần: sự nâng cấp của thần linh địa phương

Chương IV. Các thế kỉ độc lập buổi đầu (thế kỉ X ? XIV) và sự kiến tạo một hệ thống thần linh trung ương
1. Các biến động lịch sử và ý thức hệ
2. Sự nâng cấp của thần linh địa phương chuyển về trung ương theo yêu cầu tổ chức quyền bính của Lí
3. Hình ảnh thần linh Lí-Trần bên ngoài khuôn mẫu của nho thần
4. Lễ tiết và phương cách tương thông thần - người

Chương V. Hệ thống Hùng Vương
1. Sự bất toàn của hệ thống thần linh nhà nước Lí-Trần trước sự định hình của quốc gia dân tộc tăng dần cường độ
2. Sự phồn tạp của các dâm từ chịu ẩn nhẫn
3. Hùng Vương, hồi quang của lịch sử vọng vào dân chúng kết tập thành ý thức
4. Hùng Vương vào chính sử và quy tụ thần linh

Chương VI. Hệ thống thần linh mới: thành hoàng làng
1. Một chỗ trú của thần linh nấp bóng Phật Giáo
2. Quyết định 1496 và tập họp thành hoàng nhiều nguồn gốc
3. Đình làng và lệ làng
4. Hèm và tâm thức nông dân Đại Việt

Chương VII. Những chân trời mới cho thần linh Đại Việt
1. Người và thần Chiêm Thành trên đất Đại Việt
2. Hệ thống thần linh biển
3. Phật Bà Quan Âm và các nữ thần
4. Tam giáo Việt và thần linh
5. Các phái đạo Nội

Chương VIII. Sự phối hợp thần linh ở Đàng Trong
1. Vị trí của Đàng Trong trong sự bành trướng về nam của Đại Việt
2. Quan điểm mới về quyền lực: tính cách thần linh của người chủ tể Đàng Trong
3. Đền miếu và bumông
4. Sự thể chế hoá việc thờ cúng thần linh của nhà Nguyễn

Chương IX. Thần linh địa phương Việt Nam đi vào thời giao lưu lớn cận, hiện đại
1. Sự sa sút của một tập họp thần linh theo một triều đại suy tàn
2. Uy thế của thần linh liên khu vực
a. Các nhiên thần cũ
b. Một nữ thần lớn riêng biệt: Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi
c. Một thần biển biến dạng: thần Bạch Mã Thái Giám
3. Một quyền lực địa phương tranh chấp với thành hoàng của Hoàng Đế
4. Một phúc thần được dân chúng ưa chuộng hơn thành hoàng: ông thổ địa
5. Các thần bình dân Trung Quốc cận đại trên đà Việt hoá

Chương X. Chiều hướng và những kết quả tập họp thần linh mới
1. Khủng hoảng: đối nghịch và hội tụ
2. Bửu Sơn Kì Hương: khởi đầu của dòng tiên tri Nam Bộ
3. Những dòng tiên tri tản mạn: các ông đạo
4. Sự hội tụ của các dòng tiên tri: các giáo phái
a. Truyền thống và hướng cách tân từ thành phố
b. Đạo Cao Đài, con đường cách tân hướng ngoại
c. Phật Giáo Hoà Hảo, con đường truyền thống cách tân

Chương XI. Sức nặng của thần linh hết được phong cấp

Bản đồ
Thư mục
Sách dẫn



ĐÔI LỜI PHÂN TRẦN
Tại sao lại là 'Bản mới'?

Bản cũ in ra năm 1989 từ lúc chúng tôi còn ở trong nước, theo lời Nhà xuất bản Văn Nghệ, vẫn còn chất đầy kho, trong garage của ông chủ và bạn bè. Tình trạng đó thật ra cũng chẳng có gì đáng nói nếu nhìn chung về tình hình xuất bản sách khoa học nhân văn ở các nước và riêng trong tình trạng lèo tèo của nhóm người Việt di tản so với số người đọc tiếng Việt đông đảo nằm ở chính quốc. Ông Văn Nghệ đã làm một công việc đầy can đảm và thiện chí khi nhận chịu in sách nghiên cứu tung ra giữa những người đồng hương đang cuống quýt lo ổn định đời sống nơi đất lạ quê người, còn sách thì không có cơ hội nào trở về dưới mắt đồng bào quê cũ, trừ vài bản lạc loài lén lút đến tay những người tò mò bằng một cách nào đó. Hơn mười năm qua đầu óc tác giả cũng chẳng mới thêm được chút nào. Vậy thì tại sao lại có 'bản mới'?

Chẳng ai viết một quyển sách mà có can đảm tự nhận mình đã làm một công việc hoàn hảo. Và khi nói ra những thiếu sót thì cũng không thể bị coi là để phân trần, bào chữa. Công việc của chúng tôi ở đây cũng vậy. Ai cũng biết, và bây giờ vẫn có thể hình dung lại được tình hình ở Miền Nam sau 1975 về cuộc sống vật vờ cơm áo, hoảng loạn tinh thần của một lớp người giữa tiếng ồn ào la hét, mắng mỏ chửi bới của một lớp người khác. Trong tình trạng đó thì thường tình là im lặng né tránh nếu có thể được, đừng nói đến chuyện mầy mò nghiên cứu! Tuy nhiên im lặng né tránh lại làm phát hiện một chốn riêng tư không quyền lực nào có thể chen vào xoi mói được, nhất là đối với những người may mắn không phải đắm chìm lâu năm trong sự khủng bố của quyền lực để biến cái sợ trở thành tự giác, sợ hãi cả vào lúc không còn cái gì để mà sợ ? không phải, không dám phát sinh ra hung dữ phản kháng mà êm êm lịm dần, lịm dần, hành xử theo phản ứng chính trị đã được khuôn nắn tận trong tì vết tâm hồn.

May mắn cũng đến với chúng tôi khi vừa học xong thì phải đi lính, trong mười một năm lêu bêu cận kề mà lại bên lề khói lửa, đã sử dụng những thì giờ rảnh rỗi hiếm hoi để tò mò tìm kiếm những chất liệu thêm vào sách vở cũ. Câu "Tái ông thất mã" chận một khúc đầu của chuyện kể, sao lại không thể áp dụng để cho đời sống có chút ý vị lạc quan? Vậy là những tích trữ đó có chỗ sử dụng trong cõi riêng tư mà cuộc sống bên lề sau 1975 đã giúp chúng tôi khỏi bị ràng buộc vào nền học thuật chính thống đang được rao giảng tận tình đến thành "chân lí không bao giờ / không thể nào thay đổi". Những năm vào trại cải tạo giúp chúng tôi có thực tế để suy ngẫm về những gì vừa xảy ra, đang xảy ra trước mắt mà không bị tràn ngập bởi sách vở trùng trùng lẫn tiếng la hét đe doạ của những tay thư lại mới, bởi sức nặng kiến thức của các học giả Tây Phương thừa phương tiện và đầy uy tín quốc tế. Sách vở cũ thoát cơn mối xông sáu năm, còn lại hai quyển Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái, bản dịch của ông Lê Hữu Mục; bản dịch Toàn thư lần đầu của Hà Nội, mua được hai tập I và II ở chợ trời Đặng Thị Nhu (Hồ Văn Ngà cũ), tập III, IV là của chợ trời Hà Nội, tất cả mất bìa long gáy -- nhưng còn chữ là được rồi! Cũng chợ trời, hè phố cung cấp vài tập Khảo cổ học, Nghiên cứu lịch sử. Người nghiêm túc theo trường phái Đại học có thể chê là làm việc theo trường phái Bạ-đâu-vơ-đó, nhưng đây cũng là một cơ hội thoát khỏi sức nặng của kinh điển để cho trí óc được bay bổng. Sao lại không coi là một trường hợp "Tái ông thất mã" nữa? Vậy là bắt tay vào việc, bắt đầu "làm việc" sau những giờ làm việc mệt nhọc hay thời gian trống rỗng ngồi cà-phê-ghế dựa lưng vào tường nhìn người, xe qua lại hỗn độn sát mặt.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, chẳng hiểu tại sao đã có những ý nghĩ như đã được viết ra. Đúng là có sự tích tụ của kiến thức cũ từ nhà trường, trong sách vở, ngoài hiện trường. Nhưng trong sâu thẳm hẳn là có sự phản kháng với thân phận mình trong cơn lốc lịch sử, với đám học giả núp bóng quyền uy chính trị, ngang ngược trước mắt. Chuyện Thánh Gióng bình thường thì cũng đã nghe từ nhỏ đủ để trí óc mơ mộng nâng cao, nhưng nghe mãi... gì mà "anh hùng dân tộc" hay "anh hùng bộ lạc" đi theo với hình ảnh viên thiên tướng cỡi ngựa sắt như mụ phù thuỷ cỡi chổi xẹt qua xẹt lại, không phải chỉ lẫn lộn truyền thuyết và sự thật khoa học mà còn muốn lấy khoa học biện minh cho truyền thuyết, sao mà thấy... ngứa quá! Vậy là có bài viết đầu tiên theo cách nhìn trần tục nói về chân dung Thánh Gióng được người Việt vẽ ra trong tiến trình lịch sử (Những bài dã sử Việt, Thanh Văn xuất bản 1997.) Như thế không phải lỗi của mình khi lôi các ông Cao Lỗ, Trương Hống, Trương Hát, Lí Phục Man, Triệu Quang Phục, các tướng của vua Hùng, Hai Bà... cho trở về vị trí của thần tinh gỗ đá, ma da ... ráo trọi.

Từ lúc cầm quyển vở học thuộc lòng những bài lịch sử vẫn thấy có những điều gì không ổn, rồi khi đối chiếu với những nhân vật lịch sử lớn nhỏ trước mắt, sự cách biệt giữa thực tế và lí thuyết đem lại hoài nghi đã làm vỡ ra bức màn ngăn cách quá khứ và hiện tại mà những điều học được bảo phải nhìn lịch sử theo thực tế trần trụi, đương thời đã bừng sáng lên trong trí óc. Cầm trong tay quyển Thế kỉ Mười - Những vấn đề lịch sử của Hội nghị lịch sử nhóm họp tại Hoa Lư (1982), trích những tham luận xuất sắc chứa đựng hẳn là tinh tuý của tầng lớp người (chiến thắng) tự phụ là tinh hoa của dân tộc, nhưng chỉ thấy những lời trau chuốt văn từ, tán rộng lịch sử dưới lớp vỏ bọc tư tưởng "hiện đại và dân tộc" mà bài viết "hiện đại" là của một anh nguỵ luồn lọt được vào vì bàn "đúng hướng", lại nổi bật chỉ vì anh nguỵ viết theo sách ít nhiều gì cũng là của bọn Xét lại còn các học giả sử quan mới thì không dám nhúc nhích khỏi chữ của Thánh hiền (mà lại được dịch ra theo một thứ chữ Việt ngô nghê, có in ấn hẳn hòi.)

Sinh sống ở một vùng ngoại vi trong tiến trình lịch sử dân tộc chắc cũng giúp chúng tôi thoát khỏi những thành kiến tuy làm nên sức mạnh chung nhưng cũng trì níu nhiều vào quá khứ, để cảm tính che lấp lí trí, nhất là vào một thời đại tràn trề sôi động những khẩu hiệu cao vời không cần suy nghĩ, dưới những áp lực kìm giữ chưa từng thấy, không chừa chỗ cho những đường lối lệch hướng. Đất nước của các vương triều cố cựu trở nên to rộng hơn, do đó chừa chỗ cho các luồng tư tưởng sinh hoạt rộng đường di chuyển giúp chúng tôi nhìn thấy Bà Chúa Xứ thuần chất trong cung Lí Trần và pha tạp chuyển biến trong các dòng đạo Nội, điện phủ của thời cận đại, đem lại sự công bình lịch sử: Một dân tộc - dân tộc Chàm - tưởng gần bị diệt vong đã tái sinh dưới hình dạng hoà nhập với người chiến thắng, không phải sống vật vờ, hời hợt mà vững mạnh, sâu và xa. Có thể nói nữa đến ông họ Tái không?

Cứ thế mà đi tới. Với ông Bạch Mã Thái Giám xuất thần hiển hiện nối kết sách vở với chuyến đi thực địa, lại là bên lề của một buổi đi tìm tiền cổ. Cứ thế mà đi tới gặp Cao Đài, Hoà Hảo, những giáo phái đầy tính năng động nhưng thường vẫn được nhìn với tính cách dè bỉu hoặc ngại ngần sợ hãi, trong đó có ẩn giấu sự miệt thị "nội hoá", "địa phương" -- chỉ có học giả ngoại quốc mới xem đó là một hiện tượng văn hoá đáng để ý. Cứ thế mà...

Và rốt lại quyển sách đi tìm tâm thức dân tộc phải chứa đựng một cách nhìn mới về lịch sử Việt Nam của thời văn minh, hiện đại, thực sự, đáng hãnh diện, không cần phải trốn nấp sau những lời huênh hoang ồn ào -- lại chỉ để nói với nhau theo kiểu -- mẹ hát...? Một quyển sử như thế còn là một mong ước...

Chúng tôi đành phải bằng lòng với những gì đã có. Để trở lại với lúc đầu: Tại sao lại là 'bản mới' trong lúc chẳng có gì mới hơn? Đã nói, không phải là một lời phân trần nhưng tập sách viết vào lúc ấy, ngoài cái hoàn cảnh chung ai cũng biết còn có những điều riêng mà nay mới có dịp chấn chỉnh lại. Viết sau những giờ lăn gỗ, xúc bột giấy, theo xe áp tải ngơ ngơ không biết hối lộ để anh chàng công an đuổi: "Đi cho được việc!" Viết trong thời gian chưa có điện Trị An, ngọn đèn 60w trở thành đèn ngủ đành đánh một giấc, đổi giờ làm việc thành nửa khuya về sáng. Viết vào lúc không mong gì xuất bản, chỉ để tuôn ra ý tưởng thấy là mới mẻ, đánh máy trên giấy rơm đen điu, rồi chuyền cho bạn bè người quen đọc, chưa kịp thấy nỗi nguy hiểm của cách phát biểu "chui" như thế. Một bản liều lĩnh đi ra nước ngoài -- cũng chỉ mong người quen đọc -- được hỏi: "Đăng không? Muốn kí biệt hiệu gì?" -- Chữ nghĩa chính quy, ai lại phải cần giấu giếm!? Trả lời thí-mạng-cùi trong lúc chưa biết đến cái án mươi năm của Doãn Quốc Sỹ - Hồ Khanh. Bản thảo vào tay ông chủ Văn Nghệ trong tình trạng điếc không sợ súng như thế đó. (Và rồi được đằng chân lân đằng đầu, bài Việt Nam nhìn từ bên trong được đòi hỏi phải in trước khi tác giả ra đi.)

Vì thế khi cầm quyển sách gởi chuyền vòng vèo qua Pháp, qua một nhà ngoại giao có lẽ kiếm chuyện vào Sài Gòn để đưa tận tay tác giả, thật vừa thấy vui mừng vừa thất vọng. Lỗi của người thì ít mà lỗi của mình thì nhiều, không thể đổ thừa tại, bởi, bị... Phải sửa thôi. Và cũng nhân dịp sửa mà thêm vào một ít kiến thức minh chứng thấy được về sau, mớ bằng cớ nôn nóng không dừng được đã cho chen vào những bài viết ở Mĩ. (Những bài văn sử, Văn Học xuất bản 1998.) Lại ở một quyển sách nghiên cứu thì theo ?tục lệ? không thể thiếu được phần Sách dẫn, điều mà tác giả không đủ khả năng làm được ? có làm cũng phải mất nhiều thời gian mầy mò. May mắn thay, một anh bạn trẻ ái mộ đã có lòng giúp cho theo với khả năng đã trở thành thông thường của lớp người mới, của tương lai.

Các ý tưởng nòng cốt vẫn còn đó. Và tuy người làm việc riêng biệt, khoa học không cần để ý nhiều đến những phản ứng của định kiến đã thành hình -- cứ "nói theo" thì chẳng có khoa học -- nhưng thiết tưởng cũng phải có lời dàn-hoà với số đông. Một người trong nước khi cầm quyển sách đọc đã gay gắt: "Viết sử gì như thế này!" Thật dễ hiểu và đã lường trước được: Chúng tôi đã động đến không phải chỉ kiến thức mà là tâm cảm của số đông hiện tại, đã cho các nhân vật lịch sử "anh hùng anh thư dân tộc" trở thành thần gần hết, đã cho vua Hùng chỉ trở thành chính thống theo một tiến triển hợp lí dẫn đến thời Lê sơ nửa sau thế kỉ XV chứ không phải sẵn sàng mũ áo rồng phượng từ bốn ngàn năm trước đó... Cũng như lời giải thích về cái đình làng động đến niềm kiêu hãnh địa phương nứp dưới dấu hiệu bản sắc quốc gia dân tộc. Phản ứng đó cũng thấy ở vài người thân quen hay xa lạ ở hải ngoại -- thân thì nhăn nhó, sơ thì gầm gừ. Trong đời sống thông thường, một thói quen vẫn không dễ gì gạt bỏ. Nhưng mà ở thời đại tự do văn minh, người ta không dễ gì lấn lướt kẻ khác, nhất là chỉ bằng chữ nghĩa. Quan niệm "chữ của thánh hiền" còn rơi rớt khiến người ta còn quá coi trọng mấy dòng viết, in khiến cho các "tác giả" tự coi mình đã làm việc "để đời", còn nhà cầm quyền thì lo canh giữ các anh, tưởng chừng họ sắp cướp mất công cứu nước trị dân của mình vậy. Hãy coi chữ-nghĩa như một trò chơi kiến thức trong một sân chơi còn rộng, còn chỗ cho ăn nhậu, nói thánh nói tướng, xem tivi, nghe radio, đĩa CD, vào casino... để có thái độ rộng rãi với nhau hơn.

Mặt khác, cách nhìn chê bai những thành kiến, theo hướng tiêu cực khi cho rằng mình đứng trong quan điểm mới, cũng không phải là thái độ đúng của sử gia. Ông Lạc Vương có vẻ chính danh hơn ông Hùng Vương nhưng không có tác động trên dân Việt thời cận hiện đại bằng ông vua Hùng. Ông vua Lạc đã mất chỗ đứng ở nước Việt từ thời đại có Hồ Tông Thốc, Ngô Sĩ Liên lên tiếng, chỉ còn rơi rớt trong sách vở của người ngoài. (An Nam chí của người Minh.)

Đối tượng của sử học không phải là cái giả định mà là cái đã xảy ra, dù nguyên nhân được gán cho là từ những người không phải thật, từ một thời điểm lệch. Cho nên có đẩy ông vua Hùng tụt xuống bốn ngàn năm, cho ông Triệu Quang Phục chẳng hạn lên ngồi lại ngai thần, sử gia không phải đã xoá thân xác họ trong lịch sử mà là chú ý tìm hiểu tác động đến lịch sử của các nhân vật đó như những người thật. Một ý tưởng như thế đã có trong lời đề-từ năm 1988 đòi "lí trí dõi theo tìm dạng thần, hồn người trên đất Việt."

Có vẻ như thế cũng đã là cạn lời rồi vậy.


Westminster bắt đầu tháng Ba 1999



LỜI GIỚI THIỆU


Tuy sớm xâm nhập vào Việt Nam, Tam giáo đã không hề xoá nhoà ảnh hưởng của một vũ trụ quan đậm màu sắc vật linh luận trong cuộc sống tâm linh của người dân Việt. Có thể nói rằng dưới lớp phủ của các lễ thức, lễ nghi của Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo, nền tảng tín ngưỡng bản địa hầu như đã không biến dạng. Quả vậy, gắn bó với đất đai và tuỳ thuộc các lực lượng thiên nhiên chi phối đời sống hàng ngày, người nông dân Việt từ xa xưa đã nhân cách hoá và sùng bái các lực lượng siêu nhiên ấy. Mặc dù bị các tôn giáo lớn đồng hoá phần nào, những hình thức tín ngưỡng dân gian sơ khai này, đặt căn bản trên quan niệm thế giới của thần luôn luôn có quan hệ, ảnh hưởng với thế giới của người, vẫn tồn tại dai dẳng, gắn liền với những phong tục nghi lễ địa phương.

Nhằm mục đích quy tụ tất cả uy thế của thần linh vào uy thế của vương quyền, các triều đại vua chúa đã chú trọng đến việc hệ thống hoá các thần thoại, bằng cách cho ghi chép thành thần tích lai lịch hành trạng bách thần, cùng thể lệ về việc thờ cúng bách thần ở các miếu, đền. Do đó, các nhà nho, vốn không muốn tin vào những sự quái dị theo quan điểm "bất ngữ quái, lực, loạn, thần""quỷ thần kính nhi viễn chi" đã phải lưu tâm đến việc biên soạn các thần thoại, đặc biệt là gạn lọc và biến chế các truyền thuyết để củng cố tín ngưỡng thành hoàng ở các làng, xã. Trên cơ sở ấy, đầu thế kỉ thứ XIV, Lí Tế Xuyên đã dựa vào những bản thần tích trong các đợt phong thần của các vua nhà Trần và các lời truyền tụng trong dân chúng để soạn Việt điện u linh tập, chủ trương chép lại sự tích các vị thần có công "cứu giúp sinh linh." Cuối thế kỉ thứ XV, sách Lĩnh Nam chích quái được hoàn thành, do nhiều thế hệ soạn giả sưu tập một số truyện dân gian có tính chất thần thoại dần dần viết nên. Đó là những bản văn cổ nhất mở đầu cho nhiều công trình biên soạn thần thoại dưới hình thức truyền thuyết, dã sử trong những tập sử kí, nhân vật chí, địa phương chí, truyền kì, tạp văn, và dưới hình thức những thần tích, ngọc phả.

Thế nhưng, qua những sự đổi thay, thêm bớt, thần thoại còn truyền lại được đến ngày nay chẳng những không còn phản ảnh được tình hình thực của thần thoại xưa kia, mà lại còn chứa đựng những ảnh hưởng của các đời sau. Cho nên ta không thể hiểu rõ quá trình hình thành hệ thống thần thoại, nếu không giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: thần thoại đã nẩy sinh như thế nào? đã phát triển và lưu truyền ra sao? có ý nghĩa gì? Đây là những vấn đề mà Tạ Chí Đại Trường cố gắng làm sáng tỏ trong tác phẩm Thần, Người và Đất Việt. Giới khoa học biết tác giả nhiều hơn qua những công trình nghiên cứu sử đề cập đến cả những khía cạnh thật đặc biệt như cổ tiền học. Song ông cũng đã có những đóng góp đáng kể về cách thức suy nghĩ và ứng xử của người dân Việt trong cuộc sống tâm linh *. Chính trong một bài biên tập đã xuất bản ấy mà đã được xác định phương pháp nghiên cứu sẽ áp dụng trong quyển sách được giới thiệu ở đây: "Người ta đã đi từ sự quá đà coi thần tích như là hiện thân toàn vẹn của lịch sử, đến sự quá đà khác là bác bỏ hoàn toàn, hay ít ra cũng đi đến sự hoài nghi sâu đậm. Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau phản ảnh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó; nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật, nếu được đặt kề nhau, sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành hình ảnh nhân vật đó. Ở đây chúng ta không tìm một khuôn mặt nhạt nhoà qua thời gian, mà đi tìm một khuôn mặt hình thành qua thời gian, và lẽ tất nhiên sẽ thấy được khuôn mặt lúc khởi đầu."**

Tạ Chí Đại Trường không tự hạn định trong một quan điểm duy vật lịch sử đồng hoá tín ngưỡng tôn giáo với tấm gương phản chiếu một cơ chế kinh tế xã hội, bắt buộc mọi sự phân loại các hiện tượng tôn giáo phải đặt cơ sở trên khía cạnh xã hội. Bởi vì, coi tín ngưỡng như một kiến trúc thượng tầng liên kết chặt chẽ với sự biến chuyển của các phương thức sản xuất nhưng chỉ phảng phất trên các thực tế khách quan mà nó là một hình ảnh méo mó, duy vật biện chứng phủ nhận tác dụng đòi hỏi của tâm hồn cần có một thế giới siêu linh. Trái lại, như tác giả đã viết tại một nơi trong sách, "tính cách chung trong sự vọng tưởng về thiêng liêng của con người giải thích sự tồn tại và đổi dạng của thần linh qua thời đại, qua thể chế xã hội." Cho rằng câu chuyện thần linh căn bản là câu chuyện văn hoá, Tạ Chí Đại Trường nhấn mạnh lên các sự liên tục văn hoá, để thấu hiểu, bên trên sự hỗn độn của các dữ kiện thần thoại, hiện tượng tín ngưỡng trong tính đơn nhất sống động của nó, như là một hoạt động văn hoá diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự nghiên cứu của ông là một sự nghiên cứu các sự đổi thay: tín ngưỡng tôn giáo chuyển hoá hơn là tan biến, với những đổi thay nghi thức phụng thờ đi đôi với sự lệ thuộc thần quyền vào thế quyền, với những niềm tin mới phát xuất từ sự gặp gỡ với những văn hoá ngoại lai.

Tác phẩm Thần, Người và Đất Việt, như thế, vạch lại chi tiết lịch sử các sự biến chuyển qua các thời đại của quan niệm thần linh tại Việt Nam. Và, nếu tác giả khảo sát cặn kẽ hệ thống thần linh thời quân chủ, ông đã không dừng lại với sự tàn tạ của hệ thống này tiếp theo sự sụp đổ của nhà Nguyễn. Ông còn tìm hiểu thêm về chiều hướng và kết quả tập họp thần linh mới trong hiện đại, để chứng minh rằng người ta chỉ có thể đổi thay mà không thể huỷ thần linh. Tại vì, bên trong tâm thức người dân Việt, còn triền miên một quan niệm về sự tồn tại của một thế giới siêu nhiên, làm mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới. Và Tạ Chí Đại Trường kết luận là quá khứ sâu đậm ảnh hưởng thần linh, "có đất phát triển trong một xã hội bị kéo lùi, nông thôn hoá trong suy nghĩ, lí luận, bị hấp dẫn bởi tiền bạc thúc bách, khiến cho một trình độ giả khoa học không đủ sức ngăn chặn dù có quyền lực tiếp tay."

Câu kết luận này biểu lộ tất cả một thái độ lạc quan trước sự bất lực của cái chế độ vô thần ngự trị trên đất Việt ngày nay.


NGUYỄN THẾ ANH

* "Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên vương"(...), Đường mới, số 5 (Pháp) (1986), tr. 174 - 200; "Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng", Văn học, số 8-9 (Mĩ) (10/1986), tr. 5 - 17; số 10 (11/1986), tr. 44 - 67. Cả hai đã được tập họp lại trong Những bài dã sử Việt, Thanh văn xuất bản (Mĩ) 1997 (Chú thêm 1999). ** Bài "Lịch sử một thần tích" dẫn trên, trang 176 - 177.





Con khỉ Tôn Hành Giả xuất thân từ đá nứt, vướng víu cái kim cô, một lần trả lời Tam Tạng, thầy mình, đang dùng dằng trên đường thỉnh kinh Tôi đi về phía trước. Vị Đấu Chiến Thắng Phật đó là của "truyện Tàu" truyền kì, nhưng lại nói như một người dân Chàm bình thường "Đi về phía trước không nhìn lại sau thì anh sẽ được giàu sang."

Chính cái chất người trong lốt khỉ, trong hào quang của bậc thần linh khiến nhân vật này vẫn hiện diện giữa trần thế, nơi cửa miệng những người kể chuyện thỉnh kinh qua một bản văn quốc ngữ đọc dưới ánh đèn điện, trong buổi lễ tống ôn miền quê Nam Bộ và thấp thoáng trên những trang sách Ramayana hay trong buổi diễn Riêm-kê, bên cạnh Hanuman còn lại dáng hình bà con xưa cũ. Chính một vòng thác sinh văn hoá như thế, có vinh quang riêng của nó bởi vì nó cứ đi về phía trước mà ta có thể mượn làm hình tượng cho lí trí dõi theo tìm dạng thần hồn người trên đất Việt.





CHƯƠNG I: KHÍA CẠNH ĐỜI SỐNG TINH THẦN VIỆT VÀ CÁC TÀI LIỆU

I. THẦN LINH VIỆT TRONG SÁCH VỞ VÀ ARCHEO-CULTURE


Như nhiều người đã biết, tài liệu cổ về tập đoàn dân tộc sinh sống trên đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả ngày nay là của người Trung Quốc để lại. Nhưng vì tình trạng Việt cổ là một thuộc địa của Thiên triều, nên sử kí phần rất lớn chỉ ghi chuyện chinh phạt, chiếm đóng, tổ chức cai trị địa phương cùng các hành động quấy đảo tranh giành quyền lực hoặc tự động bột phát bên trong, hoặc do tác động của những khuynh đảo từ chính quốc ảnh hưởng đến. Qua những tài liệu như thế, thật khó tìm xem dân bản xứ nghĩ gì, ứng xử như thế nào trong cuộc sống tâm linh tuy rằng với đà mở rộng kiến thức ngày nay, người nghiên cứu cũng hé mở thấy được chút ít bằng những suy luận gián tiếp qua phương cách đối chiếu.

Một tầng cấp hệ thống xã hội Hùng/Lạc của người Việt cổ được ghi lại ít ra là đến 5 thế kỉ sau khi bị chiếm đóng, cô đọng vài dòng trong vấn đề thể chế chính trị, khai thác đất đai đã gây ra nhiều tranh luận về việc giải thích chúng, chưa kể những cái đuôi chắp nối về sau. Sự xuất hiện trong chính sử Trung Quốc của các "nữ tặc" Trưng, Triệu làm nổi lên trên bình diện chính trị của Đế quốc vai trò người đàn bà trong xã hội bản xứ. Một An Dương Vương ghép với nhà Triệu là nhân vật đầu tiên được phác hoạ có dạng hình của thời sơ sử Việt cổ. Những nhân vật ấy, ở mức độ tài liệu này chưa cho ta thấy bên trong con người họ, nhưng cũng là những bằng cớ thân xác đủ cho ta tin để dò hỏi tâm hồn họ. Nhưng nguồn tin lại đến rất là muộn.

Từ thế kỉ X, nước Việt độc lập, các triều đại cần một tập họp dân chúng ủng hộ mình nên phải chú ý ít nhiều đến cuộc sống của họ, riêng biệt là cuộc sống tinh thần mà các nhà lãnh đạo cũng chia xẻ một phần tâm tư. Sự cảm thông này của hai lớp người ở hai đầu tầng cấp xã hội càng lúc càng phai lạt tuy không mất hẳn, dần dần chuyển sang sự tương thông thuần lí qua nghi lễ chỉ vì nhu cầu muốn xây dựng một nhà nước vững chắc đòi hỏi người cầm đầu phải mượn mô hình duy lí của Khổng Giáo. Từ khi biết có bộ (Đại) Việt sử lược (VSL) xuất hiện năm 1377(1) trước bộ Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư) liên tiếp bổ túc qua các triều đại với dạng hình hoàn chỉnh vào thế kỉ XVII,(2) người ta lại có dịp so sánh để thấy sự khác biệt tâm lí ý thức của thời đại đã ảnh hưởng đến các lớp người thực hiện hai bộ sử này. Riêng trong lĩnh vực ta đang bàn thì VSL đã chép rõ nhiều chi tiết ma thuật hơn Toàn thư, tuy sách này (phần của các tác giả thế kỉ XV) cũng không bỏ những tin tưởng thần bí xảy ra dưới triều Trần nối tiếp dòng tín ngưỡng của Lí, và lại còn thêm phần huyền thoại mới, lần này được bao bọc dưới lốt tinh thần trung quân ái quốc mở đường cho những tán tụng về sau.

Khi nhận ra dòng tin tưởng bình dân của thời đại Lí Trần vươn lên đến tầng cấp tột đỉnh của xã hội đương thời như thế, ta không lấy làm lạ khi thấy các ông vua lưu tâm đến các thần linh được thờ phụng trong nước và các nho sĩ thì lại thu nhặt các chuyện truyền kì để chép thành sách. Các vua cần đến một cõi thiêng liêng chưa được tập trung lắm vào tay một ông Thiên, cha của vua, nên phải cầu khấn các vị thần trong nước che chở mình chống người thù địch, chống kẻ xâm lăng. Các nho sĩ tuy có ngoi lên được một chút từ giữa triều Trần, nhưng vẫn còn ở địa vị thư lại, gia thần nên trừ một vài người gượng gạo, không ai dám thẳng thắn bênh vực ?chính giáo?, vả lại còn thấy mình gần gũi các tin tưởng lưu hành nên chép các truyện tích được các thời đại quan tâm, được dân chúng truyền đạt cho nhau để nhân tiện kín đáo bày tỏ quan điểm của tập đoàn mình. Việt điện u linh tập (VĐULT) và Lĩnh Nam chích quái (LNCQ)(3) thành hình trong một khung cảnh thời đại và lòng người như thế, cho ta những chi tiết về cuộc sống tinh thần của người dân Đại Việt liên hệ đến thần linh tới thế kỉ XV.

Các sách xưa của ta lưu truyền lại phần lớn không mang tính cách văn bản thời đại dứt khoát, nhưng do các nghiên cứu ngày nay, về đại thể, người ta có thể phân biệt được các phần căn bản của VĐULT là vào năm 1329 và của LNCQ là vào cuối thế kỉ XIV. VĐULT là sách viết về tập họp thần linh được chính quyền công nhận, do đó, ta thấy có sự đồng lòng chấp nhận phụng thờ các thần linh ấy giữa chính quyền và địa phương có thần, mà phần chính quyền là đem lại tính cách định hình chính thức cho nội dung thần linh của dân chúng cung cấp. LNCQ vì là truyện dân gian, chỉ cần có các dấu vết niên đại đủ làm khung truyện, còn nội dung thì dàn trải ra trong sự phô diễn phần ý thức xã hội đến lúc định hình trong sách, trên một địa vực còn mơ hồ là của nhà Triệu, của bộ Giao Chỉ, nhưng thực ra chỉ là của Đại Việt Lí Trần thôi. Vì sách có khuynh hướng thu hẹp trong vùng đất độc lập nên từ vị trí đó sẽ có ảnh hưởng đến người đọc tiếp nối tác động vào việc sáng tạo những thần linh mới.

Rõ ràng ngay từ thời xuất hiện, các tập sách đã thấm một dạng văn hoá mới trên lớp sự kiện cũ để ta bắt gặp được những biến đổi trong cách nhìn về cõi thiêng qua thời gian, và do đó, những người-thần, những chuyện của thần linh sống, dàn trải trong một thế giới phi hiện thực, phi lịch sử lại trở nên có sử tính đáng lưu ý. Cho nên trong cùng tột ẩn kín của sự kiện được phô diễn qua những từ ngữ văn hoa, mang những biến dạng văn hoá, ta thấy ra một thời đại thật sâu vào trong quá khứ. Giá như sử dụng một máy quang tuyến thời gian để soi sự kiện, ta sẽ chỉ thấy lờ mờ dáng người anh hùng cứu quốc, dáng một bầy tôi trung tín, một ông vua uy vũ... mà nổi bật lên lại là một thần đá, một thần sông biển... Những ?lớp đất? văn hoá trong các sách vở này, thay vì gặp rời rạc ở các công trình của những người thuộc các thời đại khác nhau ? và điều này thì lại thuộc mô hình nghiên cứu khác ? lại tập trung vào trong một quyển sách, cho thấy những tầng lớp thời gian cụ thể.

Các tác giả về sau ghi chép dồi dào hơn ? nhất là từ thế kỉ XVIII ? cũng cho ta thoáng thấy những tầng lớp văn hoá trong chính ý thức của tác giả biểu lộ, trong các chuyện kể ghi chép được, nhất là ở bộ phận địa chí, nơi tụ hội dấu vết tập thể nhiều nhất. Đồ sộ hơn hết là bộ Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) thành hình vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX trong khi người Pháp đã có mặt trên đất nước này, nhưng những người biên tập vẫn còn ở trong truyền thống cũ và cách bố trí xây dựng tác phẩm vẫn theo mô hình cũ. Đất nước không còn hẹp như ở thế kỉ X, nhưng dân tộc đã đứng chân trên vùng đất Nam - Bắc trải dài đến "... mũi Cà Mau." Truyện tích càng nhiều, người người phức tạp nhưng hệ thống văn hoá cũ đã tìm cách thích ứng được theo những biến đ....


---

0 Comments:

Post a Comment

<< Home