Thursday, February 24, 2005

sử việt, đọc một quyển (IV) - thêm chút tiền cho toàn thư

Tạ Chí Đại Trường


Như đã nói ở những nơi khác, giới hạn của chúng tôi ở đây cũng chỉ là nói về đồng tiền đồng thông dụng trong quá khứ. Điều này thật ra cũng hợp với khung cảnh chung của xứ sở, nơi mà qua chứng nhân ngoại quốc chẳng có gì hấp dẫn để khích động các cuộc giao dịch quốc tế có tầm cỡ như đối với Trung Hoa, Nhật Bản chẳng hạn.

Đồng tiền (đồng hay kẽm) là đơn vị nhỏ nhất thông dụng ở xóm chợ làng quê xưa ở Việt Nam, có hình thức chung xuất phát từ Trung Quốc với mẫu vành ngoài tròn, lỗ vuông mang niên hiệu ông vua trị vì đã ra lệnh đúc nên. Đó là nói gọn để đỡ vớt cho nỗi niềm “tự ái dân tộc” chứ thực tế đồng tiền lưu dụng chỉ cần giản dị có vành tròn lỗ vuông là đủ, còn các chữ Hán nằm trên ấy không cần phải là vua chúa, loạn thần tặc tử Việt Nam mà có thể là vua Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, hay chỉ cần là 4 chữ Hán lúc có nguồn gốc, lúc không. Tuy nhiên đất Việt cũng có những triều đại ngự trị, và do truyền thống đúc tiền của phương Đông quy định nên cũng đã có các tiền lấy niên hiệu của vua, hay những người muốn làm vua, in trên đó để người chơi tiền bỏ công sưu tập và tiếp theo, khoa cổ tiền học Việt Nam có một chỗ mà bám víu. Và đầu tiên cũng là công trình có hệ thống của người ngoại quốc. Lê Quý Đôn trong lúc lan man bàn chuyện cổ kim cũng nhận ra đồng tiền Thiên phúc của Lê, nhưng các sử quan Việt lại cũng không làm nổi một thiên Thực hoá chí như ở nơi họ bắt chước việc viết sử để người sau có căn cứ mà lưu tâm đến chúng.

Trong các tư gia, người ta giữ vài đồng tiền để khi cần xin xăm, thỉnh thoảng một vài nhà giữ được vài xâu tiền tình cờ móc lên từ ruộng vườn, hay cố tình lưu lại một xâu với mỗi đồng tiền một niên hiệu để lấy phước, cái phước bám víu vào danh vị của ông vua, thiên tử. Và thế là theo với sự tăng tiến của thời đại, chúng ta có những nhà cổ tiền học Việt Nam. Nói như vậy cũng không phải là oan, bởi vì họ là những nhà sưu tập trở thành cổ tiền gia chứ không phải là nhà cổ tiền học đi sưu tầm nghiên cứu. Tất nhiên với tình hình phát triển thấp kém của đất nước, trong đó phải kể thêm yếu tố về quan điểm chính trị có khi gây sự phủ nhận ngay cả trong vô thức, thật khó có thể đòi hỏi sự thành công của hai hạng người ấy đạt đến mức độ cao được.

Những năm gần đây người Việt hải ngoại tương đối có phương tiện nhiều hơn đã chen vào trong những cuộc tìm kiếm, thủ đắc các tiền Việt hiếm cạnh tranh với người ngoại quốc, đã mở những luồng thông tin trên hệ thống internet để trao đổi kiến thức, hiện vật. Do đó lại thấy xuất hiện thêm những đồng tiền xếp vào hạng không rõ nguồn gốc: Tây dương phù bảo, Nam vương cự bảo... có vẻ cũng không xa thời nay là mấy. Tiền quý hiếm đã được định giá cả ngàn đôla trong các cuộc trao đổi; tiền lên giá đến nỗi Thái Lan cho đúc đem vào bán ở Việt Nam! Một người vượt biên mang theo đồng Bảo hưng quý hiếm đã đem nhờ nhà băng giữ giùm. Một người hình như đã có đủ các đồng Thái (Đại) bình hưng quốc của Đinh. Tuy nhiên căn cứ trên các thông tin nghèo nàn nhận được về phía chúng tôi thì tính chất gọi là nhà sưu tập muốn trở thành nhà cổ tiền học vẫn thật rõ nét tuy không thể phủ nhận thiện ý của những người này.

Đáng tiếc nhất là tính chất “phong trào”, muốn làm nhà tiên phong, hay lấy danh vị đã đẻ ra những tác phẩm quái gở, dù có bề dày đáng nể. Một quyển Tiền cổ Việt Nam xuất bản trong nước và những bài đăng rải rác khác cho thấy tác giả chỉ chép sách cũ, không hề bỏ công suy xét trên các tài liệu đó, hay có vẻ như không có sưu tập riêng của mình mà cũng không cần xem xét đến các sưu tập ở viện bảo tàng; sách “tiết kiệm” công đến mức in lại các bản vẽ khắc gỗ tiền của D. Lacroix năm 1900, có vẻ được chọn lựa hơn bản chụp mẫu thật của A. Schroeder vì bản này ít hình hơn. Lại có quyển được trình bày với dạng một luận án ở Pháp! Một hai bài bàn về tiền thấy trên tập Nghiên cứu Huế gần đây của một nhà sưu tập có danh trong nước tuy nghiêm chỉnh hơn, nhưng vẫn không thoát khỏi những sai lầm đáng lẽ không nên có đến lúc này, chỉ vì cái thói quen lặp lại lời người khác.

Trách người ta, nhưng người viết này cũng chỉ có một vài quyển sách và một thời gian tìm tòi hiện vật thu hẹp trên đất nước rồi lại đứt đoạn, cho nên không thể đi xa hơn. Chỉ có thể theo đà làm việc sẵn mà “thêm chút tiền” cho quyển sử xưa, như đã nói rõ về mục đích khi viết loạt bài này, để xem thử quá khứ có hiện ra những gì hơn những dòng chữ trong ấy không.

Trước nhất, về những đời vua có đúc tiền thì TT thật hà tiện lời. Vẫn biết có những lúc gặp biến động thúc bách, sử quan có thể bỏ qua chuyện đúc tiền, nhưng ngay khi ghi lại người ta cũng không cho thấy chi tiết nào hơn là chỉ ra niên hiệu ấy mà thôi. “Mùa thu tháng hai (Giáp Thân – 984) đúc tiền Thiên phúc”, đó là ghi chép đầu tiên về việc đúc tiền của vua Việt. Sử quan đã làm hại đến cả tinh thần độc lập, muốn tách biệt với chủ đô hộ cũ của thời đại đó đã thể hiện rất rõ ràng trên danh hiệu đầy đủ của hiện vật.

Tiền Việt xuất hiện muộn trong truyền thống đúc tiền Á Đông nên chỉ ghi có niên hiệu đời vua lúc đúc và phần đi theo tuyệt đối để chỉ “tiền” 錢 là hai chữ 通寶 “thông bảo”. Ở đây, triều đại đúc tiền không những dùng chữ 鎭寶 “trấn bảo”, khác, có ý tự phụ, mà còn in thêm chữ 黎 “Lê” ở mặt sau để khỏi lẫn lộn, và biết đâu còn có ý nghĩ cạnh tranh với Hậu Tấn, Hậu Hán của thời Ngũ Đại đồng thế kỉ với mình nữa.

Sử quan khi quên ghi đồng Thái bình 大平 của Đinh, đã khiến người sau không nhận ra tinh thần độc lập, muốn dứt khoát cắt đứt với quá khứ thuộc địa đã thể hiện rất rõ ngay từ triều trước. Mãi đến triều Lí, người ta cũng bỏ qua đời ông vua đầu mà đến ông vua thứ hai, cũng bỏ qua niên hiệu thứ nhất để chỉ nói đến tiền của niên hiệu thứ hai: Minh Đạo. Tuy nhiên sử đã ghi rõ thêm một điều: Nguyên cớ đúc tiền là do phối hợp sự kiện ban Hình thư và đổi niên hiệu (tháng 10âl. 1042) mà có. Năm sau, “lại đúc tiền Minh đạo ban cho các quan văn võ”, tuy không thêm chi tiết nhưng ta đoán rằng Thái Tông rải tiền cho thuộc hạ là để chuẩn bị đánh Chàm. Chi tiết đúc tiền lúc đổi niên hiệu ở đây, tuy nhỏ nhưng quan trọng bởi vì tiền Thiên phúc của Lê Hoàn đã đúc vào năm Thiên Phúc thứ 5, sau khi đánh Chàm, cùng lúc với việc xây cung điện nhiều, có lẽ nguyên do là bởi có chiến lợi phẩm dồi dào, kho đụn sung túc hơn. Tuy nhiên nguyên tắc đúc tiền vào đầu đời, đầu năm đổi niên hiệu có vẻ vẫn không được giữ vào lúc sau đó, vì chuyện đúc tiền gần như vắng mặt hẳn trong sử ở các đời sau.

Suốt hơn 200 năm của Trần, vài năm ngắn ngủi của Hồ, chỉ có một lần nhắc đến đúc tiền mà lại vào năm Đại Trị thứ 3 (1360). Còn trong thực tế hiện vật thì ngoài đồng Thiệu phong thông bảo có chữ 陳 “Trần”, ta còn có Thiệu phong nguyên bảo với “thập ngũ”, chứng tỏ đúc năm thứ 15 của niên hiệu (1356). Thế rồi, chiến tranh dồn dập dẫn đến sự kiện trong hai năm 1427, 1428 có chuyện đúc tiền Thiên khánh dưới niên hiệu của Trần Cảo và tiền Thuận thiên của Lê Lợi. Nguyên cớ là việc tranh chủ quyền nước Việt của Lê trước áp lực gỡ thể diện của nhà Minh và nguyên tắc chính thống trong nước, lúc Lê còn phải núp bóng họ Trần để mua chuộc dân trung châu Đông Đô trong lúc mình còn là nguyên dạng hình của một tập nhóm vùng rừng núi Lam Sơn xa xôi.

Tình hình rối rắm đó lộ ra trong lối ghi chép bất đắc dĩ phải quan tâm của sử quan. Lê Lợi đặt Trần Cảo làm vua cuối năm 1426, lấy niên hiệu Thiên Khánh. Một năm sau, ban hành tiền Thiên khánh nhưng Trần Cảo chỉ thọ thêm hơn hai tháng, đành phải chết khi quân Minh rút khỏi Đông Đô. Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu Thuận Thiên, đúc tiền đến hai lần cách nhau không xa (giữa năm 1428 và đầu năm 1429). Không thấy ghi trọn vẹn tên tiền Thiên khánh, và tiền Thuận thiên thì được ghi là “thông bảo” trong khi đúng là “nguyên bảo” mang tính hiện đại đối với đương thời mà sử quan không theo kịp. Có vẻ đến lúc này nguyên tắc lên ngôi, đổi niên hiệu và đúc tiền ngay đã thành lệ nên sử quan ghi chuyện “tháng 9 (âl. 1434) ban hơn 600 quan tiền (Thiệu bình) mới đúc cho các quan văn võ.”

Bởi vậy tuy bỏ qua các niên hiệu Đại Bảo (1440). Đại/Thái Hoà (1443) (thật có đúc tiền) mà đầu niên hiệu Diên Ninh (1454) lại có ghi chép việc ấy. Không rõ vì sao từ ông Thánh Tông uy vũ đến các con cháu không thấy sử ghi đúc tiền nhưng Nghi Dân cướp ngôi 8 tháng mà cũng có tiền Thiên hưng để lại. Cho nên cứ cái đà quên đó mà sử quan sẽ không hề nhắc chuyện đúc tiền theo niên hiệu trong suốt thời gian còn lại của nhà Lê.

Sử quan tuy không nói đến tên tiền đúc nhưng loáng thoáng chúng ta cũng thấy có ghi dưới đời Trần Minh Tông: “Tháng 11 (âl. 1323) đúc tiền kẽm”, nhưng đầu năm 1225 thì bỏ. Đời Trần các vua có đúc tiền niên hiệu bằng đồng như mẫu vật còn lại cho thấy, vậy tiền kẽm này hẳn lấy tên Đại khánh của niên hiệu Trần Minh Tông lúc bấy giờ. Tiền kẽm dễ hư, dễ bị đúc lại, vậy thì chỉ chờ đến khi ta lấy được một đồng Đại khánh từ các đào bới mới mong xác nhận được chúng mà thôi.

Trong thời kì đầu thuộc Minh, Lê Ngã nổi dậy, “xưng tôn hiệu, đặt niên hiệu (Vĩnh Thiên), quan chức, đúc tiền, đốt thành Xương Giang...” Mạc Đăng Dung lên ngôi (1527), có niên hiệu là Minh Đức, năm sau cho đúc tiền, vậy mà sử quan chỉ ghi “sai đúc tiền thông bảo theo kiểu cách đồng tiền cũ, nhưng phần nhiều không thành. Sau lại đúc các loại tiền gián pha kẽm và sắt ban hành các xứ để thông dụng.” Chứng cớ đó chỉ vừa đủ để thấy căn bản là tiền niên hiệu và cũng bằng đồng.

Sử quan Nguyễn thoát khỏi sự ràng buộc của TT một thời gian dài (từ 1697) mà viết sử đến năm 1787 mới nói thêm chuyện đúc tiền Chiêu thống thông bảo (Cương mục, bản dịch Hà Nội 1998, tập Hai, tr. 809) có lẽ chỉ vì nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh liên hệ to lớn với thời đại đã được nhắc trong Hoàng Lê nhất thống chí.

Như vậy nếu không kể tiền triều Nguyễn vừa qua thì quả tiền Việt của các triều trước thật hiếm hoi. Sử đã hà tiện lời thì người ta trông chờ vào người sưu tập, phần lớn cho đến gần đây, tiếc thay lại cũng là người ngoại quốc. Chúng tôi hiện nay chỉ có quyển Cổ tiền đại từ điển (ĐTĐ) của Đinh Phúc Bảo (Đài Bắc 1965) và vài thông tin lẻ tẻ mà thôi. Theo đó, về danh hiệu tiền, thật ra các triều vua cũng đúc khá nhiều cho các niên hiệu. Đinh có Thái bình hưng bảo, Lê có Thiên phúc trấn bảo như đã nói. Triều Lí có Minh đạo nguyên bảo, Thiên cảm nguyên bảo. Tiền Trần vắng mặt trong sử nhưng lại có chứng cớ đúc khá đều trong các đời: Kiến trung, Chính bình, Nguyên phong, Thiệu long thông bảo, Khai thái, Thiệu phong nguyên bảo, Đại trị thông, nguyên bảo. Hậu Lê sơ có chắc chắn các đồng tiền của thời thịnh trị, tuy kéo dài đến lúc đã bấp bênh nhưng còn chủ quyền để ráng đúc cho niên hiệu mình. Các thời đại rối loạn cũng có một số tiền đúc xác nhận được theo một số chứng cứ tuy không chắc chắn nhưng không có cách nào khác: Đại định thông bảo của Dương Nhật Lễ, xét theo truyền thống của Dụ Tông ngay trước đó và tính chất rất chính thống lúc đầu của ông vua lạc loài trong triều Trần này; Thánh nguyên thông bảo của Hồ Quý Li như tính cách mở đầu triều đại tuy ông này đã chuyển sang tiền giấy; các tiền Mạc; các tiền thời Lê Trung hưng: Nguyên hoà của người Nguyễn Kim đưa lên dấy nghiệp, các tiền Gia thái, Thịnh đức, Vĩnh thọ...

Ta không kể đến các đồng Cảnh hưng vì rõ rệt quá, có rất nhiều, đủ dạng hình kể cả dạng hình bắt chước tiền Thanh đương thời như ta sẽ nói sau. Và thêm nữa là tiền thời đại Tây Sơn, không những còn nhiều trong hiện vật mà còn được nhắc nhở trong các lệnh huỷ tiền nguỵ của các vua Nguyễn nữa. Tiền như dấu hiệu chính thống trong việc tranh giành quyền lực nên ngoài tiền của các triều đại, ta còn thấy tiền của những tay nổi loạn mà các cổ tiền gia, không có cách nào khác, thường là đem so sánh tên tiền và các niên hiệu tự xưng được ghi trong sử sách. Ví dụ tiền Thiên ứng thông bảo của Trần Cảo (1516), Tuyên hoà hựu bảo của Trần Cung, con Trần Cảo. Về các loại tiền mù mờ này, nhất là các thứ tiền có tên không ứng vào niên hiệu nào hết, các tiền đúc lại, chúng tôi đã từng bàn qua (Những bài dã sử Việt, Thanh văn, California 1996) nay chỉ thêm vài lời mà thôi.

Chứng cớ khá tin cậy là ở các cổ tiền gia Trung Quốc. Họ mang tính cách đồng văn với Việt Nam, nhiều sưu tập, có các sách về cổ tiền trước các tác giả Âu Mĩ nhiều. Tuy một niên hiệu của Lí Thái Tông có đến 4 chữ (Thiên Cảm Thánh Vũ) nhưng khi họ tìm được đồng Thiên cảm nguyên bảo mặt sau có chữ “càn vương” rồi gán cho ông vua đúc tiền vì Thiên Cảm Hoàng hậu và ông con Phụng Càn Vương, thì ta có thể tin là sự thể gần chắc chắn như thế. Một niên hiệu lấy từ tôn xưng của “người thiếp yêu” được phong hoàng hậu hồi 9 năm trước (1035), chuyển qua tên tiền, có một phần tên con của bà hoàng đó, sao không phải là chuyện hữu lí một khi cũng sử kí xác nhận rằng ông vua đã từng đúc tiền (Minh đạo) ban cho các quan?

Xét sự yêu chiều của vua cha (Thái Tông) như vậy mà không thấy sử chép năm Phụng Càn Vương chết khiến ta phải nghi ngờ lòng tốt của ông vua tiếp (Thánh Tông) khi nhận nuôi Công chúa Ngọc Kiều con Phụng Càn Vương. Ông này có bị Thánh Tông giết đi để tránh một cái hoạ Tam vương khác không?

Tuy nhiên cũng lại có cách trở địa lí khiến cho dữ kiện về lịch sử Việt của cổ tiền gia Trung Quốc có nhiều sai lệch, chưa kể chuyện đoán ẩu vì thiếu dữ kiện, bình thường như với bất cứ ai khác. Thấy tiền Cảnh hưng có chữ “sơn tây”, họ thắc mắc: “Sơn Tây là đất Trung Quốc mà!” (ĐTĐ, tr. 402). Họ bảo tiền Vĩnh ninh là niên hiệu của Phạm Ngọc người khởi nghĩa đầu Minh thuộc, điều mà chính họ cũng còn ngờ, còn sử ta thì không nói đến chuyện Phạm Ngọc xưng vương, chỉ có người đồng thời là Lê Ngã có niên hiệu Vĩnh Thiên và đúc tiền thì chắc với niên hiệu đó chứ không phải là Vĩnh ninh. Họ bảo đồng Phật pháp tăng bảo là của Trần Cảo (1516) chắc do đoán rằng binh sĩ ông này cạo trọc đầu, khởi binh ở chùa làng mà ra. Tuy nhiên, ông ta chỉ nổi chừng hơn tháng, lấy được kinh thành có hơn mươi ngày đã phải bỏ chạy thì sao đủ thì giờ vừa đúc tiền Phật vừa đúc tiền niên hiệu Ứng Thiên?

Thời chuyển mình qua văn hoá Tây phương khiến các cổ tiền gia Việt hiện nay không đọc được chữ Hán (hay không đủ kiên nhẫn tìm sách Tàu?) nên dẫn chứng theo các tác giả Pháp từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, và sai bét. Họ không thấy cổ tiền gia Trung Quốc khi nói về mấy đồng tiền nhỏ ngoằn ngoèo đều cho là “giống An nguyên / An pháp” và loại này thì của Hà Tiên, nên cứ tán rộng An pháp, Thái bình... là của triều Mạc, của các tay nổi loạn chống Minh nào đấy. Họ không thấy ông D. Lacroix chẳng hạn chỉ đọc được tiếng Việt không dấu, nên lộn ông này ra ông kia – khá hơn một ông Tây khác, Đại tá, cũng vì đọc tiếng Việt không dấu nên cho tiếng Việt là mẹ cả thế giới (L’annamite, mère des langues).

Có một đồng tiền đọc là Trần công tân bảo hay Trần tân công bảo được A. Schroeder cho là của Trần Công Ninh khởi loạn năm 1516, tuy giống ở cái tên nửa chừng nhưng khó chứng minh được gì vì cuộc loạn Trần Công Ninh rất nhỏ. Không hiểu vì lẽ gì tiền lại được gán cho Trần TUÂN, người khởi loạn ba năm trước đó! Chắc vì cuộc loạn này lớn nên ĐTĐ không đồng ý với A. Schroerder mà thuận cho chủ nhân là Trần Tuân, không kể đến mặt chữ Hán sờ sờ trước mắt. Các gán ghép không cần chứng minh của D. Lacroix có sai cũng không nói làm gì, có điều đến ngày nay mà có “học giả” vẫn bám vào mới thật là đáng tiếc. Sự suy đoán về chủ nhân các mẫu tiền cũng như chuyện ở các nơi khác, lúc nào cũng phải loại bỏ sự dễ dãi, theo đuôi. Và nhất là, đúng với tinh thần nghiên cứu, phải căn cứ trên hiện vật.

Các cổ tiền gia Trung Quốc, sưu tập được nhiều, thường hay tìm ra tính cách chung của một loại tiền Việt, của một thời rồi đối chiếu, tìm ra kết luận. A. Schroeder đã cẩn thận một chừng mực đáng kể so với thời đại. Không phải cứ thấy đồng tiền có tên Đại định, Thái hoà... là nhất quyết phải thuộc về ông vua Việt (hay Trung Quốc) có niên hiệu đó. Sự chiếm hữu có khi bị thôi thúc mạnh vì “tinh thần dân tộc” dâng cao, ví dụ như nhất quyết Thiên đức thông bảo là của Lí Bôn/Bí dù rằng vua Mân đã cầu chứng tiền của mình bằng cách khắc thêm mặt sau một loại tiền bằng chữ “Ân” chẳng hạn. Suy đoán trên hiện vật kèm theo chút nhìn nhận điều kiện lịch sử cũng có thể giải toả nhiều thắc mắc.

Năm 1970 gì đó, cầm trên tay đồng Nguyên hoà chữ triện chúng tôi thật phân vân. Nguyên Hoà cũng là niên hiệu của Nhật, của Hán Chương Đế, của Đường Hiến Tông (bắt đầu 806). Tuy nhiên cổ tiền gia Trung Quốc không giành tiền về phần mình vì đời Hán chưa dùng chữ thông bảo, Tân Đường Thư không chép việc đúc tiền nên họ thường ghép vào niên hiệu của Lê Trang Tông (1533-1548). Tiền Lê theo truyền thống bắt đầu từ Minh đã giản dị đi, không đầy lối thảo triện hoa hoè như của Tống nữa.

Tuy nhiên nhìn các tiền Tống lưu hành ở Việt Nam đến mức gần như tuyệt đối, phải suy nghĩ, lối đó sao không ảnh hưởng đến chủ ý của người ra lệnh đúc tiền muốn chứng tỏ là minh chủ của một thời “trung hưng”, bình nghịch tặc? Mẫu Nguyên hoà chữ khải giá rất đắt so với mẫu chữ triện, chứng tỏ nếu tiền đúc cho một người thì khuynh hướng chữ triện đã thắng thế, nghĩa là lượng tiền đúc nhiều hơn, đúng với chủ ý muốn nổi bật đã bàn ở trên của người chủ trương. Đồng Ninh dân thông bảo không chứng tỏ một nhân vật, một niên hiệu mà chỉ có nghĩa của một ước vọng tốt đẹp, nhưng khi biết được Nguyễn Tuyển, một người từng ở trong vòng thân cận của vương quyền Trịnh Lê (“khách” của hoạn quan Hoàng Công Phụ), nổi dậy ở Ninh Xá, dựng cờ “Ninh dân”, xây dựng sự nghiệp riêng, thì ta có thể đoan chắc đó là tiền của ông này. Sự mò mẫm đòi hỏi cực nhọc nhưng một chút thành tựu nhỏ nhoi khiến cho một đồng tiền mù mờ trở nên có danh vị, cũng thật bõ công tìm tòi... Ninh dân thông bảo là một trường hợp chứng tỏ tiền đúc có căn bản là một chứng minh quyền lực hơn là vì nhu cầu lưu thông. Ngay cả một số lớn tiền niên hiệu cũng vậy. Vì ít chúng mới trở thành hiếm. Không phải bởi nhu cầu lưu thông cho nên vua đúc tiền ban cho các quan, cho vợ con cưng, theo một đòi hỏi thoả mãn riêng tư.

Trong đời Trần, tiền đúc dồi dào dạng hình không phải từ các ông vua anh hùng đánh giặc, ngâm thơ mà là của ông vua ăn chơi Trần Dụ Tông. Ông này có hai niên hiệu thì đều có đúc tiền, niên hiệu đầu còn tuỳ thuộc ông Thượng hoàng Minh Tông nên tiền chỉ có một, hai loại, đến khi thoát ra được kềm toả thì niên hiệu Đại Trị sau có đủ thứ kiểu dáng tiền. Vẫn là không nhiều như ngày nay đã chứng tỏ, nhưng điều đó cho thấy khả năng tự phô trương hạn hẹp của ông vua gốc con nhà chủ ruộng, chủ thuyền chài, thu hẹp thành ông vua chủ vườn tỏi bán lấy tiền đánh bạc cho qua những ngày xác thịt thôi thúc mà không được thoả mãn.

Dù sao thì nhìn các đồng tiền Đại trị ta cũng thấy khả năng đúc đương thời không thua của Trung Hoa. Khả năng đó, qua chứng vật, lại cho thấy không tuỳ thuộc sít sao vào biến động ở tầng lớp trên. Hẳn người thợ đúc không phải đợi Trần Dụ Tông ra lệnh mới nảy sinh tài năng. Trong triều Lê sơ về sau, các đồng tiền tốt cùng một kiểu dáng Hồng đức (của niên hiệu bắt đầu 1470) không những còn thấy ở các đời vua loạn Uy Mục, Tương Dực về sau mà vẫn giữ dáng dấp đến cả đồng tiền của Mạc Đăng Dung. Vậy mà cùng một đời vua, đồng Quang thuận (niên hiệu đầu của Lê Thánh Tông, 1460-1469) thấy kém thua đồng Hồng đức, điều đó chứng tỏ sự ổn định bắt đầu từ lúc ông lên ngôi phải đợi một thời gian mới có kết quả trong niên hiệu sau.

Thật ra thì không phải không có lúc tiền triều đại Việt có mặt trên thị trường với số lượng đáng để ý. Sách tiền đời Tống đã dẫn việc tiền Thiên phúc trấn bảo có chữ Lê xuất hiện trên thương trường, điều này không phải là lạ khi sử ghi rõ việc buôn bán ở châu Liêm và trấn Như Hồng giữa Tống và Việt. Rồi đến thế kỉ XVIII nổi bật với đồng Cảnh hưng. Không phải bỗng dưng mà họ Trịnh đề cao ông vua Hiển Tông nín thở cầu mạng, bằng cách cho đúc tiền đủ thứ dạng hình mang niên hiệu của ông (1740-1787). Đó chỉ là vì tình trạng loạn lạc đương thời “việc quân hao tốn”, nhà nước cần tiêu dùng. Thiếu tiền, người ta cho sử dụng cả tiền kẽm, đổi tiền nát để đúc lại với nửa giá trị (1741-42) trong lúc ở thế kỉ trước thì cấm ngặt, tịch thu, chỉ hoàn lại có 1/5 giá trị (1663). Và công quỹ thiếu, năm 1741, người ta tăng thuế ruộng công tư mỗi mẫu 2 quan tiền (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí – Quốc dụng chí, H. 1992, tập 2, tr. 237, 243, 244.) Khi đúc tiền thì tất phải lấy niên hiệu ông vua đương thời, không có cách nào khác, huống chi còn có thể nhân việc này mà tỏ dấu hiệu tôn phù đối với dân chúng để chống đỡ sự phản đối khắp nơi. (Lịch triều.., Lễ nghi chí, tr.58.)

Tuy nhiên ở tính chất dồi dào dạng hình cũng lộ ra một ý thức khoe mẽ của kẻ yếu. Thay vì cứ đúc Cảnh hưng thông bảo cho nhiều, người ta lại thay chữ thông bằng chi, chí, thái, đại (thật ra chẳng lớn tí nào)... rồi lại thêm dấu hiệu lò đúc trung ương, địa phương... Rồi cũng có dấu hiệu mất kiểm soát của chính quyền, tiền Cảnh hưng có thứ mang dấu ngũ thù nửa chừng, dấu hiệu chữ Mãn bắt chước của tiền Thanh... Không nên lấy làm lạ về điều này vì như Phan Huy Chú cho biết từ khi trấn Sơn Tây được phép mở trường đúc tiền (1760) thì các trấn khác hùa theo, và mở màn cho các khách thương Trung Hoa bao thầu “giấu diếm gian dối, mưu tính kiếm lợi.” Trong các báo cáo đào bới, cho đến gần đây không thấy có những chi tiết kiểm điểm phân biệt tiền Việt, tiền Trung như A. Schroeder đã làm với mớ tiền ở Quần Ngựa (Hà Nội). Có thể vì lẽ thiếu người chuyên môn trong lúc phải tập trung vào nhiệm vụ chứng minh Bốn ngàn năm văn hiến với các vua Hùng dựng nước. Tuy nhiên nhìn chung thì tiền Việt vẫn là thiểu số trong số lượng lưu hành như chứng dẫn ở bất cứ nhóm tiền nào đào từ trong đất ra.

Vẫn biết trong tình hình chung nền văn hoá, đồng tiền đồng mang dấu hiệu chung thì việc sử dụng tiền Trung Hoa không gây thắc mắc ở Việt Nam cũng như ở Cao Li, Nhật Bản nhưng số lượng tiền Tống áp đảo ở Việt Nam cũng là điều đáng lưu ý. Có giải thích cho rằng từ Nguyên Minh, Trung Quốc dùng tiền giấy, không đúc tiền đồng (ngay Minh cũng không đúc đủ tiền niên hiệu nữa) cho nên tiền đồng dồi dào đời Tông phải chạy ra ngoài. Đại Việt vốn chỉ đúc tiền niên hiệu để tượng trưng tính cách chính thống cho dân nước nên không có truyền thống đúc tiền cho nhu cầu sinh hoạt, và dễ dàng tiếp nhận loại tiền từ bên ngoài vào.

Trong tình hình giao thương với Trung Quốc, nhà nước Đại Việt có cái lợi là thuộc xứ có sản phẩm nhiệt đới như đã chứng tỏ từ xưa. Cống phẩm của thời phân li không thể dồi dào như cống phẩm thời thuộc trị nên các cuộc buôn bán giữa Trung Hoa và Việt Nam trở thành như một cuộc trao đổi hàng lấy tiền đồng, một bên lấy hàng đưa tiền đồng đã thừa mứa ở chính quốc và một bên khỏi đúc tiền hẳn là đỡ tổn phí, chắc chắn tốt hơn hàng nội. Số lượng tiền đưa vào đó thường thường đã là đủ cho sinh hoạt kinh tế trong nước. Hồ Quý Li làm cuộc “cách mạng tiền giấy”, sở dĩ thất bại chỉ vì muốn thâu tóm cho dòng họ mình, chính quyền mới, lại cũng chỉ bắt chước Trung Hoa mà không để ý đến thực tế trong nước với tình hình trao đổi bằng tiền đồng không lớn đến mức độ cần đến tiền giấy. Tiền Tống trở thành quen thuộc trong sinh hoạt đến nỗi khi cần người ta lại đúc tiền Tống. Không rõ điều này đã xảy ra vào năm nào nhưng trong một lệnh chỉ 1745 nói về “(các) đồng tiền Cảnh hưng, Thái bình, Nguyên thông mới đúc”, chúng ta thấy chúng được đúc ít ra là đồng thời với nhau (niên hiệu Cảnh Hưng bắt đầu 1740). “Nguyên thông” rõ ràng là một cách nói gọn về các tiền Nguyên phong, Nguyên hựu... của Tống, như vậy Thái bình cũng là của Tống (tiền niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc của Tống Thái Tông cũng có nhiều trong các khai quật.)

Thói quen không đúc tiền cho sinh hoạt kinh tế cũng bắt nguồn tâm ý điều hành đất nước của tầng lớp nho sĩ, trí thức đương thời. Vẫn thấy có dòng sinh hoạt thương nghiệp nằm ngoài tầm tay người cầm quyền nơi các truyện Chử Đồng Tử, An Tiêm, nơi các ghi chú về chợ Đông, chợ Tây... Tuy nhiên tính chất của ghi chép lại chứng tỏ thương nghiệp không phải là nguyên cớ chính: Trong các “chuyện đời xưa” kia, An Tiêm là kẻ đi đày, Chử Đồng Tử là anh chàng nghèo hèn gặp may, làm ăn thịnh đạt đã phải biến đi để tránh tội phản loạn, còn các chợ được ghi chỉ vì có cháy lớn, vì là nơi “bêu đầu thị chúng!”

Suốt các triều đại Việt, người ta coi thường thương nghiệp không phải chỉ vì Nho Giáo dạy dỗ. Thời Lí Trần, các ông vua là những điền chủ thực thụ ít nhiều, cho nên thu nhập từ ruộng đất trong nước và với bên ngoài qua hình dạng cống phẩm (thực thụ với Trung Hoa, giả mà quan niệm là thật với các nước Xiêm, Chân Lạp, Chà Và...) cũng là đủ với triều đình rồi. Còn nho sĩ cũng chỉ là gia thần của Trần như đã nói tuy có dấu hiệu có người giàu hơn chủ, nhưng không hẳn vì đi buôn. Phạm Ngũ Lão giàu đến mức coi thường ông con út Trần Thái Tông hẳn vì gốc có ruộng đất, chớ suốt đời đánh giặc như thế ông không rảnh rang mà đi buôn được! Trương Hán Siêu gả con gái cho người bị liệt vào hàng “tam bảo nô” chỉ vì người này giàu có theo với ruộng đất của chùa. (Đến như đầu thế kỉ XIX, nhà nho Phan Huy Chú khi bàn về cuộc tranh luận tiền giấy tiền đồng thời Lê Lợi, còn viện dẫn đời Thương Chu “nước đủ, dân giàu chỉ cần lấy thóc lúa làm gốc” nữa là!)

Qua đến Lê với phát triển của Nho học, nho sĩ cũng không thể vượt thoát được tình trạng lệ thuộc mà còn như phải luỵ nhiều hơn vì với ý thức hệ Tống Nho đã thăng tiến cho họ, tương quan gia thần với bậc chủ tể trước kia nay được nhấn mạnh hơn trong tương quan tôi chúa. Cho nên có sự đồng tình liên tục của triều đình đối với tầng lớp thương nhân. Nhóm tù trưởng Lam Sơn không biết gì về buôn bán lớn lại có sự xúi giục của nho sĩ trung châu nên cho bày hàng hoá của sứ bộ đem về để bêu xấu họ, và còn định thêm: “Việc này rồi thành lệ thường” (tháng 11âl. 1232.)

Kinh sách xâm nhập vào nho sĩ đến mức có người đã quên sự tủi nhục của chính bản thân chính vì kinh sách đó. Đào Duy Từ không được Lê Trịnh cho đi thi vì bản thân “con nhà xướng ca vô loài” thế mà khi vào phục vụ Đàng Trong thấy chúa Hiền muốn tự thân nắm lấy mối lợi buôn bán với bên ngoài, ông quân sư đã mặc áo thương nhân để khuyên can chúa đừng hạ giá dù là làm người đứng đầu giai cấp (1632). Nho sĩ thấm nhuần lâu trong môi trường đất nước nuôi dưỡng không thể thấy rằng ngay nơi xứ sở nhồi nhét kiến thức cho họ, cũng chỉ bắt chước Mạnh Tử “Nói đến nghĩa mà không nói đến lợi” là ở bề ngoài mà thôi. Nghĩa là Trung Quốc tuy ép thương nhân ở vào tầng lớp cuối của xã hội, vẫn có ông đòi buôn vua (Lã Bất Vi), vẫn có cả một tầng lớp thương nhân sang cả làm giàu cho đất nước, và nhà nho cũng vẫn chú ý đến kinh tế để tranh luận về việc nên độc quyền hay không (Diêm thiết luận), vẫn thêm một thiên Thực hoá chí trong các quyển sử của họ...

Cho nên ở Đàng Trong, mặc dầu sự coi thường của Đào Duy Từ, thương nghiệp ở đấy vẫn tiếp tục để đủ khả năng chống cự với Trịnh, và khi dòng phát triển gặp vấp ngã thì chen vào đề nghị cứu nguy (tuy muộn) lại là một nhà nho, Minh hương, Ngô Thế Lân, người cũng đã từng mơ màng chuyện gió trăng tre trúc.

Khả năng quản lí đất nước của nho thần Việt ứng hợp tình hình thực tế của đất nước cũng thấy ở việc chảy máu tiền đồng vào nửa đầu thế kỉ XVIII trên đất Lê Trịnh. Trong khi cùng thời gian ở Đàng Trong, việc phát triển thương mại sinh ra thiếu tiền lưu thông, người ta phải nhập tiền đồng, đúc tiền kẽm thì ở Đàng Ngoài, tiền lại được chuyển lậu ra ngoài. Năm 1721, đoàn tàu Anh của Madras mua lậu tiền của dân làng bị thuyền Chúa rượt đuổi bắt đánh chìm 2 chiếc. Năm 1734, tàu Hoà Lan của Batavia bị chận bắt vì chở tiền lậu, còn một thuyền Quảng Đông năm 1744 thì bị chìm khi ra khỏi bến chỉ vì chất nặng tiền đồng và bạc! (A. Forest, “L’ASE continentale vue de la mer”. trong Commerce et navigation en ASE – XIV-XIXe siècle, L’ Harmattan, 1999, tr. 18).

Cũng có thể thấy những chuyện buôn tiền như thế ở Phủ biên tạp lục, tuy Lê Quý Đôn không nói rõ hơn. Tiền chạy ra ngoài nhiều có thể vì thói quen hối lộ tham nhũng của vua quan Việt dẫn đến truyền thống buôn lậu trong vùng, nhưng phần khác có thể chính vì sinh hoạt trong nước không cần đến số lượng tiền như thế mới thấy có mối lợi trong việc buông lỏng cho chúng ra đi. Và có lẽ đó cũng là nguyên nhân của việc đúc nhiều tiền Cảnh hưng trong nhu cầu cho quân vụ mà lại thiếu tiền đồng chi dụng.


12 Chín 2003
---

0 Comments:

Post a Comment

<< Home