Thursday, February 24, 2005

Giao Tiếp Đông Tây Ở Việt Nam:*

THẦY TÀU / CÁC CHÚ,
ÔNG/ THẰNG TÂY,
NGƯỜI VIỆT
Tạ Chí Đại Trường


Trong chuyện xưa về ông thầy chùa / thầy pháp Từ Đạo Hạnh, người ta kể rằng ông đánh thua kẻ thù liền tìm đường học nghề ở Tây Thiên / Tây Quốc.

Tuy vào thời đó, người ta cũng biết rằng phải đi bằng đường thuỷ, hẳn là xa nhưng vẫn tưởng không xa lắm nên ông lão đưa người chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ là tới nơi. “Tây” với người đương thời là nước Ấn Độ – lại chỉ là Thiên Trúc, một phần của Ấn Độ ngày nay mà thôi.

Đồ đệ của Thích Ca học kinh sách nghe nói có Ba nghìn thế giới lại cũng không thể nghĩ rằng thế giới họ đang sống là to rộng dường nào. Chỉ vì người Việt thời xưa biết độc có cái nước Tàu. Cũng đã tiếp xúc với Lào, Chàm, Qua Oa... nhưng đó chỉ là đồ man di mọi rợ. Chỉ có Trung Hoa, Trung Quốc với bậc Thiên tử cao vòi vọi (mà có khi cũng đáng thù ghét) là đáng để biết mà thôi. Cho nên họ không hề hành động như anh chiến sĩ Hồng quân kẻ khẩu hiệu cáo buộc ở Lạng Sơn năm 1979: “Người không động đến ta thì ta không động đến người.” Cái thế ỷ lớn nói ngang với nước nhỏ như thế cũng là chuyện thường tình, nhưng chuyện đời không hẳn lúc nào cũng như vậy.

Trong khi xứ nằm-giữa-trung-tâm-Trời-Đất chỉ động tới mấy nước nhỏ xung quanh thì ở xa, thật xa phía trời tây, có những nước chỉ rộng bằng một phủ, một huyện của Thiên tử lại chế được thuyền bè, vũ khí tối tân để vượt biển động tới con dân của ông. Và động mạnh để ông không thể bảo vệ nổi chúng, không phải chỉ những sinh vật bên trong biên giới ông mà theo nguyên tắc vương hoá, là cả những kẻ nằm trong tầm tay Thiên mệnh đã trao cho ông, ở những nước phụ dung, phiên thần nữa.

Thế là con dân Đại Việt / Việt Nam lại biết thêm một cuộc đảo lộn to lớn sau khoảng ngàn năm, cũng kéo dài xêm xêm ngàn năm có lẻ. Thật ra thì cái học Trung Hoa của người Việt chỉ góp một phần vào việc giữ nước chứ chẳng mang chút sáng tạo nào cho tư tưởng phương Đông – khác với Triều Tiên có hai tư tưởng gia ở thế kỉ XVII đã góp phần vào việc phong phú hoá Khổng giáo. Khi tranh luận về vấn đề “Việt Nam có nền quốc học hay không?” thì những kẻ bênh vực chỉ đáng khen ở tinh thần yêu nước nồng nàn, chứ kẻ phản bác không phải chỉ có ông Phan Khôi của xứ “hay cãi”, mà người giật mình còn có ông Thượng thư Phạm Quỳnh nữa.

Đọc bia Văn miếu Huế sở dĩ người ta nhận ra được một số ông tiến sĩ quen thuộc chỉ vì các ông may mắn nằm trong thời đại gần, có sách vở ghi lại nhiều biến động hơn, chứ chẳng phải vì các ông có hành động gì xuất sắc ngoài phận sự của một ông quan. Cho nên, dò theo mấy cái mả đá ở Văn miếu Hà Nội, có người phải tự hỏi: “Thằng cha nào đây?” Các ông còn tên trong lịch sử chỉ vì được nằm theo đá, hèn chi ước mong muôn đời của người ta là “Bia đá đề danh”, chỉ cần có mỗi một cái tên trên đá! Người ta học để mong làm quan, chứ không phải để mong hiểu biết, như Phan Huy Thực đã thú nhận với Minh Mạng là nhân sĩ Bắc Hà chỉ học sách Thánh hiền của thế kỉ XIII là muộn nhất.

Kết quả lâu dài là người Pháp đã mỉa mai: “Mỗi người An Nam đều có một ông quan trong bụng.” Và vì ước mong đó nằm sâu trong lục phủ ngũ tạng nên ngày nay, ở tận xứ người, với thân phận thấp kém nhưng đã chịu đựng được sự tạm dung, ông quan tạm đành chuyển hướng bằng lòng lấy tên ông hội trưởng, ông chủ tịch cộng đồng, ông/bà... mà vẫn còn với tất cả những ham muốn nồng nhiệt chốn đình trung xưa kia, đến mức trở thành quá quắt, hỗn hào, thô tục.

Trong khi đó, từ đời Đường người Nhật đã gởi cả những phái đoàn vào lục địa học cho kì hết tinh hoa của nước lớn, lập cả một kinh đô Nara giống như Tràng An, lưu giữ những hiện vật đương thời cho đến ngày nay các học giả phải tìm đến để có vật chứng chính xác của Trung Hoa đương thời. Có thể thấy rằng người Nhật đã không sợ mất bản thân khi cố tình học người tận nơi tận chốn, hiểu không phải chỉ ở nghĩa học tận gốc mà còn là đi đến tinh tuý của điều học hỏi trong chừng mực khả năng và phương tiện cho phép.

Hình như Việt Nam không có một vị trí cách biệt với Trung Hoa như vậy để khỏi e dè không sợ đồng hoá.

Dù thế nào đi nữa thì kết quả là Việt Nam phải ở mãi trong tình trạng làng nhàng của kiến thức dựng nước. Phật Giáo thì chỉ ôm mãi được một hướng Thiền mà lại đầy tính chất phù thuỷ. Có ai giận ông Nguyễn Tự Cường (Zen in Medieval VietnamA Study and Translation of the Thiền uyển tập anh, University of Hawai Press 1997) đã chỉ ra những đoạn văn, bài kệ sao chép lại của Trung Hoa rồi cứ cho là của mình, thì cứ nên bấm bụng mà chịu chớ người thường chỉ nhìn vào chuyện kể ở sử sách Việt xưa là thấy các ông sư làm phép đánh nhau, làm mưa làm gió (cụ thể) và sẽ không ngạc nhiên để đòi hỏi các ông phải sáng tạo ra một cái gì.

Tất nhiên lại cũng không thể tìm xem các ông tiến sĩ bia đá đề danh có thêm cái danh nào khác hơn không. Dân gian đã thấy rõ điều đó nên vẽ ra các ông Trạng Lợn, Trạng Quỳnh ranh vặt, bông phèng để làm đề tài bỡn cợt sống qua những ngày tháng nhọc nhằn. Còn ông Tiến sĩ (1535) Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ đại diện phái Lão Trang bằng cái danh “sấm Trạng” thôi. Nhưng khi nhận ra khía cạnh Đạo/Thần Giáo tràn ngập trong sinh hoạt Việt, lên đến cả tầng lớp trên như thế, thì không thể bĩu môi bỏ qua hay thối thác biện minh mà phải tìm ra một cách giải thích đứng đắn, đúng với sự thể đã rõ ràng.

Có thể hiểu cốt tính văn hoá, văn minh Đại Việt – Việt Nam là nằm trong sự kết thành mâu thuẫn một bên là giữa vị thế Đông Nam Á mà nó là một thành phần của địa dư và của căn cớ tập đoàn dân tộc xưa cũ, và bên kia là sự chấp nhận học hỏi cần thiết, trong đó không ngăn được tính chất lấn lướt của yếu tố Trung Hoa, có lúc đã được cụ thể bằng binh lực hay sự đe doạ của binh lực.

Sự thể đó giải bày rõ ràng, ngắn gọn trong tiếng gọi thông thường: “Thầy Tàu, Các/Cắc Chú / Chệt”, hay tệ hơn: “Ba Tàu,” nghe như đồng nghĩa với “ba trợn”, “ba que”,...

Tính chất đối kháng bản xứ / Hán hoá thể hiện trong buổi đầu độc lập khi các triều đại tiên khởi về trốn nấp trong các hang động đá vôi Hoa Lư , và lặp lại lần nữa khi lớp người lật ngược ách Minh thuộc là của một dòng tù trưởng vùng núi Thanh Hoá, đem quân Tam phủ đồng hương cai trị vùng Thăng Long mà dấu vết ẩn nhẫn lộ trong câu: “Thanh cậy thế Nghệ cậy thần” để nổ bùng khi Tây Sơn tiến ra Bắc đạp đổ quyền lực trên chóp bu (Hoàng Lê nhất thống chí).

Các tập đoàn dân tộc bị dòng Nam tiến tràn ngập đã ẩn khuất góp phần vào lịch sử phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài, giúp mở ra một triều đại Tây Sơn ồ ạt như vũ bão mà yểu mệnh, non tướng. Rồi trên con đường le lói ánh sáng của thời đại mới, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước từ điểm tận cùng phía nam, hưởng ưu thế giao thương nơi đó, đưa một bộ phận Tây Phương vào, mở đường cho sự đối kháng Đông Tây trong cảnh nước mất nhà tan. Cho đến khi có sự trỗi dậy của phương Đông lớn mạnh với nước Trung Hoa mới, trước khi thể hiện sự đe doạ xưa cũ, đã góp phần vào nền thống nhất của thời hiện đại Việt Nam dẫn theo một dòng Nam tiến chưa từng có trong lịch sử, còn tiếp diễn trước mắt.

Có vẻ như từ lúc đầu, sự đe doạ của Tây Phương không được triều đình Việt nhìn theo khía cạnh ưu thế của binh lực. Trong phân tranh ở thế kỉ XVII-XVIII, họ cũng từng được cầu cạnh giúp đỡ, nhưng Nguyễn Phúc Tần lúc còn là Thế tử đã đánh chìm tàu Hoà Lan ngoài khơi cửa Thuận.

Sự đe doạ được cho là đến từ phía khác: một đạo mới. Sử học, chính trị cũng đã tốn nhiều giấy mực về sự xác nhận này. Tất nhiên khi có những người truyền giáo đến bảo với thần dân ông thiên tử Việt rằng có một ông Thiên chúa vĩnh hằng, vĩnh cửu, quyền phép không những bao trùm người thường mà cả người ngồi trên chín bệ kia, thì kẻ bị hạ tầng công tác tất nhiên không thể nào chấp nhận được.

Ừ, thì ông Thiên chúa nọ có dáng của ông Trời cũng còn là được, nhưng các tên da trắng tuy râu tóc xồm xoàm có khác nhưng cũng là người, vậy mà lại xưng là đại diện Chúa ở thế gian khiến tín đồ chỉ nghe theo lời họ, quên mất đấng quân vương, quên các bậc phụ mẫu của dân, dẹp bỏ bàn thờ ông bà, từ chối bậc sinh thành, coi như đã đầu thai vào một dạ-con khác: “Con có muốn vào bụng Hoà Lan không?”

Sao lại thế có được? Vấn đề rốt lại không phải là chê hay khen mà là xem tương quan lực lượng trong sự tranh chấp giành-dân này, giữa đạo mới và triều đình cũ. Tất nhiên với thời đại đang bàn và xét thế lực cụ thể thì ở đây ta chỉ nói đến thành phần Thiên Chúa Giáo có trụ sở ở La Mã mà thôi. Ngày nay, có một đảng khi nói đến vô sản, về mặt chủ thuyết vẫn còn hiểu từ ngữ ấy với tính cách giai cấp nhưng lúc khởi phát và trong hành động tranh chiếm quyền hành đã đạt đến thành công, lại để cho người ngoài hiểu vô sản có nghĩa là cùng đinh, khố rách áo ôm, thì cũng dễ hiểu là có người giải thích sự thành công của Công Giáo ở Việt Nam do ở việc các linh mục truyền đạo đã nhắm vào các vùng dân nghèo cùng cực chứa chấp sẵn sự chờ đợi ơn Cứu rỗi. Làm như dân Trung Quốc sống ở nhà lầu ba từng hết cả! Dù là chuyện của tinh thần thì cũng hao hao giống chuyện vật chất: Nơi nào đã đầy thì không thể chen chân vào được, hay có gắng len lách thì nên chịu phận được sao hay vậy chớ ồn ào lớn tiếng. Dại dột cựa quậy như người Cộng sản Indonesia khiến đám Hồi Giáo ở đấy làm biến trong nháy mắt đảng Cộng sản đông thứ ba trên thế giới – kể là thứ nhất nếu bỏ ra ngoài Liên Xô và Trung Quốc đã có chính quyền trong tay. Tín đồ Công Giáo ở Trung Quốc không nhiều nên phải có một thành phần “yêu nước” tự cứu mà bị chủ chăn Roma ruồng bỏ, không nhiều bởi vì dân Tàu đã “đầy” với nền văn minh của họ rồi. Dân Nhật cũng vậy. Nhỏ nhỏ như Thái Lan, chịu phận kềm kẹp của thực dân Pháp như Cambodge, Lào, cả ba với một đạo Phật dáng khờ khạo không che giấu được vậy mà chẳng thấy có ông thủ tướng, tổng thống nào phán với dân chúng về Ơn Trên cả. Chỉ có Việt Nam với thứ tư tưởng Tam giáo làng nhàng là lỗ hổng lớn cho Công Giáo chui vào được, và chui mạnh vì những yếu tố khác tiếp theo, ví dụ câu “Theo Đạo hay theo gạo” – dấu hiệu minh chứng của Đói nghèo và Thịnh vượng – không phải chỉ là câu nói mỉa mai.

Tôn giáo đi trước, binh lực theo sau thì cũng là điều chẳng nên tranh cãi khi xét đến toàn bộ của sự giao tiếp Đông Tây. Tính chất văn hoá là toàn bộ, hay ít ra cũng là bao quát nên không thể tách một phần riêng biệt mà không làm mất tính chất của tổng thể. Rõ ràng nhất là khi nó còn mang tính chất khu vực chặt chẽ.

Không thể nói tới văn minh Tây Phương thời cận hiện đại mà không nói tới Thiên Chúa Giáo. Cộng sản chỉ là một heresy của nền văn minh đó – heresy vốn hàm chứa sự quá khích dẫn đến sự nồng nhiệt bướng bỉnh nên sau ông A. Gide vẫn còn có ông J. P. Sartre một thời. Đồng chí chính uỷ là ông linh mục mặc áo trái. (Ông linh mục khôn ngoan hứa hẹn Thiên đường ở đời khác nên có bị căn vặn còn thối thác được, còn anh chính uỷ hứa hẹn Thiên đường ở ngay trần thế này nên được hăm hở theo lúc đầu, mãi qua 70 năm, vừa đủ một đời người, chẳng thấy nó đâu cả nên chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tan tành! – trừ sự nuối tiếc bướng bỉnh “Kỉ niệm Cách mạng tháng Mười”, khăng khăng với chân lí “không thể thủ tiêu trí tuệ [CS] được” của nhà cầm quyền trong nước hiện nay.)

Giải thích các chuyến Thập tự chinh như là chuyện tranh giành con đường thông thương hương liệu với phía đông bị quân Hồi Giáo chiếm giữ, hay coi là một cuộc Thánh chiến, cũng đều có lí như nhau ở chỗ đó là sự tranh chấp giữa hai khối người mang cả toàn lực ra giải quyết vấn đề. Cho nên vấn đề người Pháp đến Việt Nam – và chiếm được, chỉ là bằng chứng về sức mạnh tràn lấn của văn minh Tây Phương mà nổi bật là sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Điều này quan trọng vì nó là yếu tố quyết định sự chinh phục thành công, và dễ nhận ra, nên đã làm đà cho sự thuyết phục, lôi cuốn từ trong cả những hình trạng không có dáng bạo lực mà nó mang theo. Và thế là người Việt được thấy đất nước gặp sự đảo lộn lớn lao, sâu đậm như từng xảy ra một lần hơn hai ngàn năm trước.

Lịch sử viết-lại thời hậu thuộc địa, độc lập thường nhìn những biến đổi trong thời gian mất nước như là một thời kì đen tối của dân tộc mà không thấy các cải cách dù không phải bởi thiện ý “khai hoá” của người cai trị, đã mở đường cho dân Việt tiếp xúc với thế giới mới, con đường một chiều dù quanh quất còn tiếp diễn đến nay. Tuy vẫn còn ăn cơm tối theo ánh trăng, nhưng thấy ngọn đèn chúc ngược vẫn cháy sáng, không cho là chuyện ma quỷ, dối lừa. Chưa kể đường sắt trans-indochinois, con đường cái quan mà Phạm Duy đi hẳn là dễ chịu hơn lối mòn khúc khuỷu của các sĩ tử ngày xưa vác lều chõng về kinh dự thí. Nhà băng Đông Dương của tư bản bóc lột vẫn là tiền thân của Ngân hàng Nhà nước CS ngày nay, loại điều hành tài chính quốc gia không thấy Tự Đức kí Dụ ban hành, không có ngay ở Trung Quốc, nơi xuất hiện những thương phiếu đầu tiên, nơi có giấy bạc của nhà nước ấn hành “ai làm giả sẽ bị chém, tịch thu gia sản”! Và nếu những suy nghĩ thường ngày có in dấu trên não thì thử mổ óc so sánh xem người thời trước 1945 có nhiều nếp nhăn lạ hơn những người của thế kỉ XIX không...

Đã nói đến đổi thay thì không thể nào không nói đến sự thua thiệt, mất mát. Không phải chỉ là sự mất quá khứ thường tục của con người mà là sự thua thiệt văn hoá thấy rõ tuy có gắng gượng bào chữa bằng những viện dẫn ngôn từ.

Người Pháp đem tách rời Việt Nam khỏi khối phương Đông bằng việc ép buộc Trung Quốc từ bỏ tương quan Thiên triều – phiên thuộc đối với nước nhỏ phương Nam, mà hành động huỷ ấn thụ phong nhà Thanh là dấu hiệu tượng trưng chia lìa quá khứ để hướng về một tương lai mới. Sự sử dụng chữ quốc ngữ đã mang lại những đổi thay tốt đẹp khiến người ta quên rằng việc bỏ chữ Hán trong học vấn cũng là nằm trong vòng toan tính trên. Và có kẻ thua thì phải có người được. Trong sự lôi kéo dân Việt tiến triển theo hướng văn minh của mình, người Pháp phải cần đến một tầng lớp trung gian để thực hiện ý định. Dễ thấy nhất và cũng là nhận định thường được nêu ra, là người Pháp đã giữ yên một tầng lớp quan lại bản xứ, có khác nhau ở ba Kì nhưng cũng cùng được sử dụng theo mục đích cai trị qua tay người thông thuộc phong tục, tâm tính dân chúng bản xứ.

Nhưng sự trung gian thiết yếu tiên khởi, mà thường trực trong đời sống hàng ngày lại là trung gian ngôn ngữ. Nghĩa là phải cần đến một lớp người thông ngôn – không phải chỉ là những người tốt nghiệp trường sở có tên như thế ngay từ buổi đầu xâm chiếm và còn kéo dài ở Hà Nội trước khi đổi tên là trường Bảo hộ, tiền thân của trường Chu Văn An sau này. Tập thể tác giả Mĩ The Vietnam Experience – Setting the Stage (1981) đã dùng từ culture-broker để chỉ lớp người đó, hẳn có bao gồm những viên chức thông ngôn thực thụ nhưng chủ yếu theo ý định của các tác giả trên, là những bồi bếp, tài xế, một số chủng sinh biết một ít tiếng Pháp qua trường dòng để trở thành những “người Việt đáng tin cậy”, hiểu rõ và lợi dụng vai trò đó kết thành một tầng lớp thư lại mới có chức quyền và làm giàu trong thời thuộc trị.

Học giả dù sao cũng là một loại “trâu chậm uống nước đục,” nhất là đối với những người tuy có nhiều phương tiện, đầu óc rộng rãi nhưng phải dấn mình vào những khu vực khác, hiểu cả theo nghĩa địa vực. Thu thập được nhiều tài liệu thì dù sao chúng cũng đã chết một phần rồi. Suy luận để tìm các mối liên hệ thì sự tổng quát hoá cũng làm sự thật chết thêm một phần nữa. Biến chuyển linh động của đời sống có khi làm người trong cuộc rối trí nhưng nó vẫn còn đó như hiện tại gần gũi khi phải suy nghĩ lại, điều không thể có được đối với người đứng ngoài, người ở xa. Các học giả Tây Phương đối với vấn đề Việt Nam có sự thua thiệt như vậy. Chưa kể học giả Mĩ lại còn phải cần sự trung gian của người Pháp, ông chủ / kẻ thù cũ của Việt Nam: ông/thằng Tây. Chỉ mãi đến một thời gian sau chiến tranh, với điều kiện tiếp xúc tương đối dễ dàng hơn và thoát khỏi những rối loạn thành kiến của cuộc chiến ràng buộc, người ta mới đặt lại vấn đề nghiên cứu thiếu sót của các thế hệ trước để có nhận định chừng mực, sâu sát hơn.

Cũng nên chú ý thêm về tương quan giữa người khảo cứu và đối tượng, trong trường hợp này nó hiển hiện giống như một thứ mặc cảm. Có vẻ như qua thời kì chê “le nhaque”, gọi “dink”, “gouk”... hay nhũn nhặn không bắt chước đám người thô lỗ, tự cao, các học giả lại chỉ nhìn khía cạnh tốt – hay tính cách mang hiệu quả tốt của dân cựu thuộc địa, dân “đang phát triển” mà không dám nhìn các khía cạnh xấu – những yếu tố dù sao cũng là có tác động trong diễn biến, cho nên từ đó những phân tích hời hợt cứ xuất hiện trên các trang sách. Ví dụ người ta đã nói từ lâu đến tính chất “sĩ diện”, sợ “mất mặt” của người phương Đông nhưng không đi sâu để thấy “mặt” có hai – có lối sống hai mặt. Và vì sống nhuần nhuyễn với lối sống hai mặt nên con người rất dễ trở mặt, mới vỗ về thân mật đó thì lại giận dữ, thù ghét ngay sau đó.

Sự trở mặt được biện minh là hành động tốt khi được nâng lên tầm mức lí tưởng: yêu đồng bào, đồng chí, ghét tên bán nước, tên phản động – những từ ngữ có thân phận thật mỏng manh theo với cuộc sống đầy đảo lộn mà các học giả sống trong những xứ sung túc, dù có đi “thực tế” cũng không thể nào hình dung ra nổi. Cho nên đồng thời với những nhận định thiếu sót, có thể thấy ra tính chất thiên vị gây nên bởi sự thiếu sót đó, điều mà may mắn thay, với sự tiến bộ của thông tin, với tầm mức mở rộng căn nhà thế giới, người ta có thể nhận ra sau năm mười năm chứ không phải đợi đến hàng thế kỉ khuất lấp. Chữ culture broker có ẩn giấu sự khinh miệt như trong những dẫn chứng cụ thể của các tác giả trên.

Quả thực, Trần Bá Lộc – hãy kể một tên nổi tiếng nhất – Lộc, “Le Tổng đốc Khánh Thuận”, người tự đúc ấn “Khánh Thuận Tổng đốc Quan phòng”, mộ quân dẹp “loạn” Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, Lê Đình Phương ở Phú Yên, nổi tiếng với dân trong vùng về việc đem tù binh bỏ vào cối quết để lấy cung khai, Lộc nguyên là bồi của ông Philastre, nhân vật có dính dáng tới các cuộc điều đình Pháp Việt buổi đầu.

Tuy nhiên, các bồi bếp, tài xế... có ỷ thị các ông tây bà đầm mà hoạnh hoẹ với dân “nhà quê” thì rốt lại, khéo léo lắm cũng chỉ nhờ cậy được cái hàm cửu phẩm để về làng mà thôi nếu không đem khả năng của mình thay đổi cuộc sống, nếu không biết thích ứng với cuộc sống ngoài việc nịnh bợ. Trần Bá Lộc có thể chỉ là một Lãnh binh Huỳnh Tấn đẻ nổi ra Cậu Hai Miêng khi cần thì biết “lãnh tiền kho bạc Tây mà xài”, khi chết đi nằm lộn xộn trong đám Gò Mã Lạng sau rạp Quốc Thanh (nay thì chắc là bằng phẳng mất tích rồi!)

Trần Bá Lộc biết học hỏi thời đại để đào được con kinh khai thác Đồng Tháp Mười, con kinh nay đã đổi tên mà giá như có một đầu óc rộng rãi bớt sự bỉ thử phe phái – điều hiếm có đối với người Việt – thì người ta vẫn nên gọi là kinh Tổng đốc Lộc. Trần Bá Thọ, con ông, theo đường đã vạch, khai thác cù lao Năm Thôn, trở thành một điền chủ, yếu tố thịnh vượng của Nam Kì trong đường hướng quốc tế hoá mà cái chết tự huỷ cũng là nằm trong tính chất bi thảm của thời đại mới.

“Cô Tư Hồng” bị coi là “đĩ” chỉ vì lấy Tây – chuyện thường tình ngày sau – nhưng được hàm vua ban không phải vì “thành tích” trên mà vì những hoạt động xã hội thuộc thời đại mới: thương trường, từ thiện.

Gọi là culture broker, theo ngay các tác giả trên, suy rộng ra cũng không phải chỉ gồm một tầng lớp cặn bã của xã hội theo thời, ỷ thế Tây mà ăn trên ngồi trước. Trung gian là qua người nhưng ngôn ngữ tự thân là trung gian của hai thế giới cũ mới. Chữ Pháp và hình thức mới của tiếng Việt, chữ quốc ngữ, lối chữ tuy mang tầm hạn hẹp với thế giới nhưng đã ảnh hưởng sâu đậm đến trên toàn thể dân Việt, qua các trường học, qua sinh hoạt hành chính, tư pháp, xã hội, khiến người dân không hướng về ông Nghiêu ông Thuấn như xưa kia mà theo ông Mạnh-đức-tư-cưu, ông Lư-thoa (hay ông Montesquieu, Rousseau), theo các thành quả của ông Edison, Ford... Rồi qua sự ép buộc, cưỡng bức ban đầu, cuộc sống mới trở thành con đường một chiều quanh quất, lôi cuốn tự nguyện đến mức nồng nhiệt mà có khi cứ bị phủ nhận.

Với thời gian, người culture broker không chỉ là tên thông ngôn đáng khinh miệt hay phải nể sợ mà là “kẻ môi giới văn hoá” mang trong mình tính chất trung gian văn hoá, với sự lựa chọn đứng trong nền văn hoá mới ấy mà không rứt bỏ văn hoá cũ – không thể nào rứt bỏ được dù cái cũ còn lại đã phải đổi thay.

Là trung gian văn hoá, ông đốc phủ sứ một thời là người Miên, con tá điền, người ở; là trung gian văn hoá, ông quan của triều đình Huế, ngược đời, của ông Thống sứ Bắc Kì. Trên đà tiến triển chung, con cái những người ấy thênh thênh đi vào dòng văn hoá mới, suôn sẻ hay đầy trắc trở là do tác động của chính môi trường ấy chứ không ở nơi nào khác. Dòng dõi ông thông ngôn Trần Văn Thông có đà để nổi lên cao độ với nhánh thông gia Ngô Đình một thời vang dội. Ông Nguyễn Thế Truyền là con một tuần vũ bị Việt Nam Quang Phục Hội ám sát. Ông Nguyễn Khắc Viện cũng không phải thuộc thành phần cu li phu mỏ hay ba đời bần cố...

Con đường nổi của thời hiện đại là hướng Tây phương hoá, một Tây Phương với thời gian đã uyển chuyển hơn để từ căn bản của mình trở thành mục tiêu của thế giới, một mục tiêu hấp dẫn có khác với thời hung hăng tạo nên sự ganh ghét, thù hằn cũ.

Người mácxít (Việt Nam) cũng không thể thấy mình khác hơn. Đã nói, chủ nghĩa cộng sản là con đẻ (hoang) của văn minh Tây Phương. Trong dòng phân li đó, phái Đệ tứ đã quá khích hơn. Chủ nghĩa cộng sản gặp sự tán đồng của dân chúng theo với âm vang sâu đậm của ước vọng một thời đại-đồng, tứ hải giai huynh đệ, nhưng đem vào nước cho nó trở thành hiện thực của một quyền lực là những người có ít nhiều trí thức mới (cũng là những culture broker), vận dụng những kĩ thuật học được, từng bước tính toán nương theo đà tâm tình quần chúng để luồn vào bẻ ngoặt theo hướng của mình, biến ép buộc thành dẫn dụ tự nguyện như các phương cách chiếm chính quyền từng thi hành thành công trong quá khứ. Ý thức cứu nước, làm cách mạng xã hội, thay đổi con người vẫn không che giấu hết được ý muốn làm người lãnh đạo số đông, đứng trên mọi người. Điều đó sẽ rõ rệt khi có chính quyền trong tay, ví dụ ông Hồ mới hơn 50 tuổi đã xưng “Bác” với mọi người và để tôn vinh là “Cha già dân tộc”! Tâm tình muốn làm người lãnh đạo (nếu được thì làm vua) hợp với thứ kiến thức làng nhàng của xã hội truyền thống như đã nói, khiến người ta dễ vồ vập với cái mới lạ để dễ trở thành quá khích. Đó là căn bản xuất phát mà tầng lớp trí thức Việt Nam thời thuộc địa mở ra để đón chào mácxít trước khi tụ tập thành tổ chức, thành Đảng có sự lãnh đạo sít sao. Nhưng một tình thế tiếp nhận như vậy cũng có khác theo địa vực, vị trí tiếp xúc.

Dân Đệ tứ Việt Nam trí thức hơn dân Đệ tam. Phần lớn người Đệ tứ, nổi bật là từ xứ Nam Kì và là dân du học, bằng cấp cao. (Chúng ta không bàn đến sự khích bác nhỏ nhen, không nói đến những người bên dưới đi theo phe này hay phe nọ, chẳng phân biệt nổi sự khác nhau của lí thuyết mà chỉ nhắm vào một đường lối hành động nào đó hợp với mình, hay có khi chỉ vì do thân thuộc, quen biết.) Xâm nhập sâu vào thế giới luận thuyết của Tây Phương (cụ thể qua vị trí của nước Pháp), người Đệ tứ gần như trở thành viễn mơ, xa lạ với thực tế đất nước, nhắm nhiều vào tranh luận lí thuyết mà để hành động cụ thể lọt vào tay người Đệ tam. (Kiểu lập mặt trận chung [cứu nước] mà đánh riêng [lí thuyết] mang tính chất phức tạp, khó hiểu đối với quần chúng.)

Người Đệ tam không có tự tín kiến thức của phe anh em thù nghịch, nên chọn một người, một tập đoàn có sẵn quyền lực để khỏi nghĩ ngợi nhiều đến đường lối (có giải đáp sẵn) rồi đi vào hành động tổ chức quần chúng, và thành công. Họ là những người được đào tạo trong trường học thuộc địa (ngay cả như Trần Văn Giàu cũng thuộc loại du học sinh bị đuổi, không hơn Nguyễn Văn Trấn chẳng hạn), cho nên có mức độ sàn sàn với quần chúng họ vận động, có tâm tính còn gần gũi để được nghe theo mà dẫn dắt người dân Việt đi vào con đường người Pháp ép buộc bằng súng đạn.

Vấn đề khác biệt là lần này có sự thành công của chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông, ở nước vốn là một trung tâm lớn của phương Đông mà nước Việt từng là phiên thuộc, thành thử con đường Tây phương hoá của Việt Nam đến đây nhuốm thêm màu truyền thống, bảo thủ rộng lớn, tạo thành quả đương cự mạnh mẽ khiến các học giả Tây nhắm vào phân tích, nhấn mạnh yếu tố xưa cũ để chia sớt phần thất bại chính trị quân sự với chính khách, tướng lãnh nước họ.

Chiến tranh không phải chỉ là chuyện chém giết nhau. Chiến tranh vốn là của con người nên chiến tranh là vấn đề văn hoá. Tuy nhiên cũng như những sự kiện lịch sử khác, mỗi cuộc chiến đều mang tính chất riêng biệt của nó dù có dáng liên kết trong thời gian, dù các lực lượng đối kháng thay thế nhau ở một phía có sự tương đồng nào đó. Như cuộc chiến Ba mươi năm vừa qua. Đề cao tinh thần yêu nước đến tuyệt đối như yếu tố quyết định, là của người Việt chiến thắng. Làm như người Việt của thế kỉ XX yêu nước hơn ông bà của họ ở thế kỉ XIX! Làm như chỉ có người Việt biết yêu nước trên cả thế gian này!

Đánh nhau ở thế kỉ XX, tuy cũng có cách ứng phó không nằm trong binh thư nào của thế giới mà chỉ ở đời sống thường nhật của Việt Nam như Nguyễn Văn Trấn, “le héro de Chợ Đệm” (Võ Nguyên Giáp) bóp dái Tây chết ngay đơ thành thằng chỏng, nhưng còn có súng đủ loại (tuy còn kém hơn đối phương) được chế tạo, sử dụng bởi những khối óc không coi súng là ông thần, đốt hương van vái rồi mới châm ngòi nổ. Đã hết thời kì chỉ có một toán lính Tây mà chiếm được cả thành Nam Định. Đã hết thời kì súng thần công của ta đặt trong xóm bắn qua bên kia bàu (một khúc sông cạn, tắc nước) rơi xuống giữa dòng đánh “bủm”, “bủm”, còn súng tây trên nóc nhà thờ, nhà chung Lòng Sông đánh “ầm” trúng ngay vào xóm, quân ta bỏ chạy tán loạn!

Đã nói, phải nhũn nhặn mà nói rằng “học giả là một loại trâu chậm uống nước đục.” Khi các binh tướng của Leclerc, d’Argenlieu cùng đoàn quân Lê dương hùng hổ không chiếm được Việt Nam thì có đà cho học giả P. Mus nói đến sức mạnh của làng xã Việt Nam với luỹ tre xanh như pháo đài, cả về mặt văn hoá với câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng”, che chở người chiến binh trên đồng bằng ẩn trú vào đám đông, như “cá trong nước.”

Khi binh tướng của Westmoreland và B.52 không ngăn cản được trận chiến Mậu thân thì người học trò của P. Mus, bà Frances Fitzgerald viết cuốn Fire in the Lake – The Vietnamese and the Americans in Vietnam, giải thưởng Pulitzer, National Book Award, giải The Bancrof về lịch sử, nghe các sinh viên di tản bảo rằng một thời sau chiến tranh là một thứ must cho người học lịch sử Mĩ hiện đại. Nhắc lại, chiến tranh cũng là vấn đề văn hoá, nhưng chiến tranh là một hiện tượng đặc biệt mang sức mạnh tàn phá dữ dội để khiến cho những yếu tố mang sẵn trong tranh chấp phải trở nên vô hiệu quả, hay có tác động yếu hẳn đi. Lịch sử trong dòng chiến tranh trở nên thúc bách hơn và không hiếm trường hợp quyết định của người lãnh đạo, tướng lãnh đã làm lệch hướng lịch sử trong thời gian ngắn. Đó là ưu thế của người-làm-lịch-sử so với cách suy nghĩ của người-viết-lịch-sử. Cũng không cần nhắc lại, tán tụng thêm về sự nghiên cứu sâu sắc của các học giả Tây Phương về lịch sử, văn hoá Á Đông. Nhưng e rằng những đường nét lớn dễ nhận ra có khi che lấp những chi tiết không/chưa được biết tới, dễ đưa đến nhận định sai lầm, có khi quá xa từ những người xa, ở địa vực, khu vực văn hoá khác.

Sau Cách mạng văn hoá, H. Miller sang Trung Quốc nghe thuật chuyện Giang Thanh truy bức, hành hạ các nghệ nhân cũ ở Thượng Hải, những người biết tỏng quá khứ của bà ở đấy, ông tác giả Tropic of... phải giật mình: “Cứ tưởng dù sao cũng là tranh chấp phe nhóm, chứ có biết đâu chuyện thù hằn cá nhân!”

Người Pháp lập ra Trường Viễn Đông Bác Cổ từ cuối thế kỉ trước để nghiên cứu phương Đông, tập trung nhiều vào thuộc địa của mình nhưng có vẻ đã nghiêng nặng về phía khảo cổ hơn là lịch sử các xã hội cận đại nên không khỏi suy diễn sai lầm từ thời hiện đại. Ông P. Mus, cũng như các học giả khác, đến Việt Nam, ở ngay vùng sinh hoạt cổ truyền của dân Việt thấy làng có luỹ tre, có cổng vào canh gác, biết chuyện ví dụ làng có lệ cheo cưới, bắt vạ.., nghe câu huênh hoang “Phép vua thua lệ làng”, thấy nhóm quan viên quyền hành làng xã nhóm trong cái đình với những tục lệ quái dị có vẻ cổ sơ, hoang dã, liền dễ suy ngay ra rằng cái đình và cơ sở làng xã có tận thời lập quốc, tuy không đưa lên xa đến 4 000 năm, 5 000 năm như những học giả Việt, trong đó có những người chữ-nghĩa càng xa nước càng thấy phải bày tỏ tình yêu tổ quốc nồng nàn hơn. Và bà F. Fitzgerald cũng không thể nói khác, tuy với những chứng kiến vào một thời sau ông thầy, bà đã bàn đến những vùng phía nam với cùng một tâm tình chia sớt quan niệm cũ về thiên mệnh, về tư tưởng Khổng Nho, về sự bám víu quê hương làng xã, nơi có mồ mả ông bà...

Các ông bà học giả này không biết rằng cái đình làng mới được chính thức thành lập cuối thế kỉ XV (1496) và theo tính chất tiến triển chậm chạp của đất nước ngày xưa thì cái đình có thành điểm tượng trưng quyền lực của làng cũng phải đợi đến một thế kỉ sau. Các hương ước, những luật pháp của làng mà người ta tưởng là thứ đã đóng góp vào sự chận đứng quyền lực trung ương bên ngoài luỹ tre, thì được thể chế hoá sớm hơn (1464) nhưng chứng tích còn lại cũng xuất hiện theo với sự nở rộ của đình làng ở các thế kỉ XVII, XVIII, những thế kỉ của hỗn loạn, của những cuộc phân tranh, của những cuộc “khởi nghĩa nông dân” như các sử gia chính thống ngày nay viết đầy sách vở. Do đó cái luỹ tre làng bền chặt hơn, có cổng gác, là của các thế kỉ loạn lạc đó, của đám dân làng phải tự bảo vệ lấy thân như còn thấy trong thời Pháp thuộc, lúc quyền hành trung ương đã chặt chịa hơn nhiều. Bảo rằng làng xã chứa đựng sức mạnh căn bản của xã hội Việt Nam, sao không thấy rằng luỹ tre, cổng gác như thế cũng là dấu hiệu rõ rệt và là mầm mống của ý thức phân li? Sự ổn cố cũng không phải là lí tưởng bên trong làng xã với tình trạng “chiếu trên chiếu dưới” của các cá nhân, với tập họp “họ”, “giáp”... chằng chịt, rắc rối. Bảo rằng mỗi làng với cơ cấu địa hình nhân tạo như thế là một đồn luỹ vững chắc, tức là không biết đến lời chỉ trích chiến khu Ba Đình của các sử gia phe chiến thắng ngày nay. (Gọi “phe chiến thắng” không phải vì mặc cảm mà vì để đối chiếu với sự tán dương ngớ ngẩn của “phe thất bại”.)

Sử gia Việt nay chê đám Văn thân thế kỉ XIX ở Thanh Hoá, rào làng liên kết ba-đình ba làng dưới đồng bằng là làm việc dại dột, trụ một chỗ cho quân Pháp tới tiêu diệt khỏi mất công trèo đèo lặn suối lên tận trên chiến khu. Nhưng nếu nghe theo lời các “chiến thuật gia” kia thì đám Văn thân đi đâu cho nên việc? Họ phải lập làng chiến đấu nơi các địa phương họ làm chủ được, chứ cũng cùng là giáo mác như nhau làm sao họ ép buộc luồn được nhanh vào các làng khác (cũng có giáo mác tương đương mà lại có công sự sẵn)? Không thể nào có kiến hiệu như thời các sử gia bây giờ mang khẩu súng lục chiếm làng chỉ có giáo mác, hoặc mang AK đàn áp đồn dân vệ có Garant M1, hay carbin..., để có sự di động luồn lọt, chui rút lẩn tránh trong chớp mắt.

Còn nói đến ngoài sự bảo vệ vật chất của luỹ tre, là sự bảo vệ của lòng người, của số đông người đồng chủng, “cá trong nước”, thì không nhớ đến trường hợp nhóm lãnh tụ Quốc Dân Đảng bị bắt vì một anh trương tuần cần mẫn, hình ảnh khác của ông hương quản trong Nam mà trong lần Nam Kì khởi nghĩa người ta đem mổ bụng nhồi trấu hay của anh uỷ viên cảnh sát hương thôn mới đây bị đâm lòi ruột dính theo bản án “ác ôn”!

Một thứ ngớ ngẩn khác: Cho rằng Việt Cộng khủng bố có chọn lựa, không như VNCH hay Mĩ cứ bắn phá bừa bãi. Thật ra đó là do sự lựa chọn của phương tiện. Tổ ám sát chỉ có dao găm, súng lục hay súng cầm tay thì luồn lọt giết người. Đến khi có súng lớn thì cũng biết cách bắn lắm: bắn vào trường tiểu học Cai Lậy hay bắn vào Sài Gòn bằng mấy cái bệ phóng bằng tre, đạn rơi tới đâu thì cũng là dinh luỹ của kẻ thù cả!

Vượt lên sự lặt vặt, chuyện-nhỏ, người ta nghĩ đến mối liên kết tập thể lớn rộng về quan niệm thiên mệnh của phương Đông, về sự đổi dời to lớn của người Việt sau 1945, tập trung vào một người có sức thu hút, một đảng có thực lực, hứa hẹn một tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng chuyện thiên mệnh có nghe được lọt lỗ tai cũng phải chịu những điều kiện khác.

Lúc ông Nguyễn Huệ dẫn quân ra Bắc vào Nam với những chiến thắng bưng tai mờ mắt, hẳn người dân cũng nghĩ rằng thiên mệnh đã tới, đã trao vào tay ông “Mường mán nơi hang hốc xa xôi” này rồi.

Nói vậy mà không phải vậy.

Triều Tây Sơn quá ngắn không đủ để ông Trời coi là thiên mệnh đã trao đúng người, nên phải chịu là nguỵ, là loạn thần tặc tử. Bậc chân chúa, kẻ đại diện đúng cho thiên mệnh khỏi trao lầm, cũng phải được tô vẽ để kết tập tốt đẹp dưới mắt người dân; lãnh tụ cũng phải được che chắn, sang sửa, bảo trì để khỏi hư hao theo ngày tháng. Thiên mệnh có khi chỉ là lí thuyết biện minh để thăng hoa cho những điều phải chịu đựng, giống như người dân quê Nam Bộ có thể giở lí sự với chính quyền Cộng hoà, nhưng khi không bằng lòng anh Giải phóng thì chỉ đành vùng vằng đá con mèo, đánh con chó, chửi mắng con cái trong nhà thôi.

Còn cái đạo thờ ông bà mồ mả tổ tiên gì đấy thì từ chứng cớ xác thực ở thế kỉ XVIII, khi theo đạo mới, người ta bỏ luôn, không chịu lạy tuy người cầm đầu trong vùng, Nguyễn Ánh, có quyền lực để luận cứ nặng cân thêm đã bảo rằng lạy ông bà không phải là thờ ma quỷ: “Ta cũng không tin ông bà còn sống để nhận lạy của con cháu, ta lạy chỉ là để tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ sinh ta ra mà thôi.” Lí luận mang tính cách nhân bản sâu xa như thế mà vẫn không được nghe để gây sự thù ghét càng sâu đậm và mãi đến cuối thế kỉ này, dù giáo luật đã nới rộng hơn, có nơi, có gia đình vẫn chưa có cái bàn thờ trang trọng như trước, đồ cúng chẳng khác fast food, hải kí mì gia vẫn không thèm đụng tới. Ngay cả với những người tự nhận, và được nhận là tiếp nối truyền thống dân tộc vững vàng – do đó mới lãnh đạo đánh thắng bao đế quốc sừng sỏ – dưới chính quyền của những người đó, đình miếu tan hoang, nhà từ đường cũng bị dỡ bỏ tập trung, mồ mả dời lên núi, người người hăm hở phá đổ ghìm chặt tiếng thở than ngậm ngùi, cả một phong trào dấy lên ở Miền Bắc XHCN mang hơi hướng Hồng vệ binh mácxít phương Đông, có cái đuôi lẻ tẻ ở một gia đình Miền Nam khi ông trí thức nhảy núi (vốn là dân di cư) trở về đòi dẹp bỏ bàn thờ.

Vậy thì xét yếu tố thắng bại trong cuộc chiến 1945 – 1975 căn cứ vào tính chất truyền thống hẳn là sơ sài và không đủ. Cũng giống như chuyện thiên mệnh, những người lập được vương triều mới ngày nay, có chiến thắng, tụ tập được dân chúng, có nền tảng cai trị mang dáng bền vững, có thể tự nhận là đại diện cho dân tộc nhưng cũng không giữ và không muốn giữ truyền thống nhiều; tâm tình, lí trí họ bị giằng co giữa sự bảo thủ và sự lôi kéo theo thời mới trong đó văn minh Tây Phương là hấp lực mạnh – tình hình giống như là có một thứ thiên mệnh cải biên trên đất Việt thời gần đây vậy.

Còn phía những người thất bại, người trong nước, không phải chỉ là thứ ham bơ thừa sữa cặn, thứ tay sai bán nước, liếm gót giày thực dân đế quốc không mang một thứ tâm tình, cách ứng xử Việt, phương Đông nào, những yếu tố được coi là quyết định cho sự thành công của phía bên kia. Họ là một lớp hỗn độn (vì thế mới thất bại) của những người bị đe doạ thân xác, bị gạt qua bên lề đất nước của những người nắm được quyền bính vững chãi, không dung chứa một sự khác biệt nào theo một lối tư duy vừa mang tính cách quá khích có tính cách tôn giáo của Tây Phương vừa gợi lên từ quá khứ chuyên chế của Đông Phương.

Giá như bình thường, những người thắng họ nắm quyền bính một cách trọn vẹn, không tranh cãi thì họ chỉ có việc bỏ chạy làm thân lưu vong, hay nếu còn sống thì ngậm ngùi tìm cách thích ứng, phó thân cho những chìm nổi tuỳ ý của nhà cầm quyền mới.

Nhưng người Pháp đã trở lại nuôi sống họ – bằng lòng, đương cự hay không thì quân viễn chinh cũng là thành phần của thế giới Tây Phương, khác với thế kỉ XIX, không thuần nhất về mặt ý thức hệ mà đã tách ra thành chỉ của một đại diện: tư bản. Bộ phận này, đối phó với cánh khác cũng của Tây Phương, mang sức mạnh của một khám phá mới của nhân loại, ồ ạt như triều dâng, lan qua phương Đông và đổi dạng hoà lẫn ở đấy như các dòng Thát Bạt, Mông Cổ, Nữ Chân xưa kia để làm kẻ nâng đỡ người anh em phiên thuộc mới quay trở về.

Người Pháp, người Mĩ phải chịu đựng trong vòng tay của họ những người đồng minh khá giống mà lại không giống với người-bên-kia, theo một tình hình tranh chấp không đơn giản, ở đó, sự thất bại có phần nằm ngay trong nền văn minh của họ mang ý thức muốn là của toàn cầu.

Người Việt, cả người không cộng sản, đều coi Cách mạng tháng Tám 1945 như là khởi đầu của nước Việt mới. Nhưng ông P. Mus lại thấy Thiên mệnh hiện ra vào một ngày khác, sớm hơn: ngày 9-3. Và bình tĩnh lại, chớ sợ tiếng Việt gian theo Nhật úp lên đầu, hãy cất sách vở mới sang một bên, xua lời truyền thanh truyền hình ra khỏi óc não, người sống vào thời ấy, gợi lại những gì từng chứng kiến thì sẽ cho là ông P. Mus có lí: Mới hôm trước, nhà ông Tây có con chó dữ dằng, bầy gà tây mào đỏ ké vươn mũi lòng thòng theo đôi cánh xù rượt thằng bé chạy trối chết, thế mà sáng hôm sau con chó biến đâu mất, bầy gà nằm ép rệp, nhà như cái chùa hoang, trên đường muộn màng vài thằng Tây bị trói thúc ké, lủi thủi đi trước người lính Nhật gươm thòng sát đất.

Sự việc xảy ra như “Trời giáng!” một quyền uy sụp đổ không có cách biện minh. Và tiếng độc lập vang lên. Nhưng kẻ bảo hộ thiên mệnh ấy không được sống dài lâu: người Nhật bại trận. Và ông Việt Minh nổi dậy, cứ như là “giặc đầu bào / đồng bào” ngày xưa, ẩn ẩn hiện hiện giết người và giết nhau. Cùng những người có một cách chào giơ nắm tay đấm vào mang tai vậy mà ông Việt Minh chiếm huyện lị trước dụ ông Việt Minh nơi khác đến giết đi, chôn xác nơi dạ cầu nam Bồng Sơn.

Ở xa, nghe nói vua Bảo Đại thoái vị, người đại diện chính phủ mới đòi lấy được ấn kiếm dòng vua cũ để xác định thiên mệnh đã chuyền tay qua ông chân chúa mới, ông Hồ – hay Nguyễn Ái Quốc? – bậc kì bí, mắt có hai con ngươi! Nhưng cùng nhìn chân chúa mà mỗi người, mỗi khu vực đất nước vẽ ra một hình ảnh có khác nhau. Người làm chính trị biết điều hoà những cái khác nhau, sử dụng cả những khác nhau trong một thể hợp nhất, biết điều hoà giữa cái giả và cái thật, lấy cái giả như thật và thản nhiên dùng cái thật vốn là giả. J. Lacouture dù ngưỡng mộ ông Hồ, cũng thấy ông đóng kịch (“chiếc khăn tay đỏ lớn thường hay dặm hơi nhiều vào cặp mắt khô ráo”) nhưng F. Fitzgerald cho đó là suy theo cách hiểu về sự thành thật của người Tây Phương, không phải của dân Việt. (Làm như người Việt không bao giờ hiểu thành thật là “sự tương hợp giữa lời nói, hành động với ý nghĩ bên trong con người” vậy!)

Dù sao thì ông Hồ, ngoài sự cố công vận động của đồ đệ bên dưới, cũng tự mình phá tan sự cách biệt địa phương, cố vươn xuống miền Nam, như khi dự hội nghị Fontainebleau đã đòi chỉ gặp mặt hai cháu trai cháu gái Nam Bộ – hành động khiến anh tư sản dân tộc Trương Như Tảng phải nhớ suốt đời để làm một trong những người thành lập Mặt trận Giải Phóng trước khi bỏ chạy thoát lấy thân (để, vào giai đoạn trở mặt, khỏi bị kể tội làm sĩ quan hải quân Tây.)

Những người kháng chiến của thế kỉ XX đã mang chút hồn Tây trong dạng Việt. Không còn chiến thuật rải mù u cho Tây trợt té không ngồi dậy được chỉ vì tưởng Tây không có đầu gối – tuy vẫn còn chút rơi rớt như chiến thuật bện rơm làm áo giáp che đạn ở Huế hồi 46, 47 gì đó. Dù ít nhưng đội Võ trang tuyên truyền – quân Giải phóng ở Tân Trào cũng đã được Mĩ tiếp tế máy truyền tin, súng đạn, Nhật bại trận cũng chuyền vũ khí cho Việt Minh, tập tành chiến đấu cho Vệ Quốc Quân ở bãi cát sông Cây Gia như chúng tôi thấy lúc nhỏ. Và đó không phải là kiểu đánh nhau của “quân triều, quân ó” mang gậy nhúng nhựa sôi mà gọi là hoả hổ. Dù lòng yêu nước có thể chưa đến mức mở rộng cổng làng dung chứa kẻ lạ nhưng cũng không thể nào ngăn du kích, bộ đội mang súng vào đóng quân, cho đảng viên vào gây dựng cơ sở được.

Lối luồn lọt được vào thôn quê, làng xóm như thế khiến cho người lính, chính khách “trở về với quê hương dân tộc” nhưng cũng cách xa với sự biến đổi của thế giới bên ngoài, thu hẹp mình trong tình trạng lạc hậu quá khích, mở đường cho một sự chấp nhận khác, chịu một hệ luỵ cứ tưởng là đã thoát khỏi từ trăm năm trước.

Ông Hoàng Xuân Hãn trong hồi kí về hội nghị Đà Lạt 1946, thuật chuyện đi sau một phóng viên ở Sài Gòn lên, “người đẫy đà, mặc áo dài chấm gót, màu sặc sỡ bó sát thân... mặt mày vẽ phấn tô son ghê tởm”, đã nghe Cù Huy Cận nói: “Việt gian to béo thật!” nên “thấy tự xấu hổ cho người mình” khi phải chứng kiến “cảnh tượng một cô gái Việt theo hùa người Pháp” đó. Một ông kĩ sư từng đi Tây, một ông từng học trường Tây, chắc từng thấy phóng viên lấy tin ở Thủ phủ Đông Dương, vậy mà lẫn lộn tính chất nghề nghiệp và lập trường chính trị chỉ vì một mùi phấn son!

Chớ chê người dưới, và không lấy làm lạ khi năm 1955-56, học sinh Sài Gòn đậu Trung học đệ nhất cấp không dám về làng, cũng như sau 1975 người ta đòi nhổ móng tay đàn bà con gái!

Nhưng hướng quá khích co rút đó lại không mâu thuẫn với tính chất quốc tế của tập đoàn lãnh đạo mà còn mở rộng quyền uy của họ nhờ sự thành công của Hồng quân Trung Quốc: Một đảng cộng sản nói chuyện giai cấp quốc tế, thành công từ thôn quê, xây dựng một triều đình nông dân mới, có ông lãnh tụ chỉ đọc Sử kí Tư Mã Thiên và Tư trị thông giám để “bình” tay chân, “tạo loạn” để mở thời mới, chưa thực hiện kịp thì đã chết đi. Chiến tranh Việt Pháp sau 1949 do đó lại mang dáng dấp của cuộc chiến Đông Tây, lần này thất thế là về phía “Tây”“gió Đông” hưng khởi thổi luồn qua con đường xâm lăng truyền thống của lịch sử Bắc Nam đầy co giật, đường trũng Lạng Sơn, sau khi các đồn của Quốc lộ 4 bị bứng đi. Hiệp định Genève 1954 thể hiện tương quan lực lượng quốc tế đương thời nhưng không phải không có dáng dấp lưu tồn của lịch sử.

Vĩ tuyến 17 gần với đường chia cắt sông Gianh (Ranh) thời trung đại, vĩ tuyến 16 để giải giới quân đội Nhật năm 1945 là xê xích trong ranh giới nhoè nhoẹt của ảnh hưởng Ấn – Trung trên nước Việt. “Tây” còn đó là Ấn Độ đã ẩn sâu, chìm khuất, người Pháp khai thác đất Nam Kì như một kế tục của Nguyễn Ánh, hi vọng bảo tồn được mảnh đất cuối của phương nam với một lớp đệm dài đầy an toàn chứa kinh đô Huế của triều đình chính thống xưa, chủ nhân vùng đất cũ còn người kế nghiệp trước mắt.

Sự khác biệt Nam Bắc dù cùng là người Việt cũng không phải là chuyện bịa chia rẽ của đế quốc thực dân. Lời cung khai của các tù binh hồi chánh không phải là chuyện lấy lòng lập công. Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân làm tuyệt diệt đám kháng chiến Miền Nam vẫn còn là mối hận lâu dài. Trò hề thống nhất đất nước với đủ tuồng tích ban bệ năm 1976 với Trương Như Tảng bỏ chạy và Dương Quỳnh Hoa giận dỗi: “Mặc kệ bọn Bắc Kì muốn làm mưa làm gió gì thì làm” đã khiến một nhóm The Vietnam Experience ngớ ngẩn tự hỏi: “Sao hồi đó không biết khai thác khía cạnh này?” Nhưng người Pháp không giữ nổi, phải chịu sang tay. Người Mĩ cũng không giữ nổi để tình trạng chiến tranh có dáng như ở trận chiến trước khiến người ta lặp lại các nguyên nhân thất bại cũ với một ít cải biên.

Đúng là đã có sự liên tục trong tâm tưởng của những người kháng chiến ở Miền Nam trước và sau 1954, một “truyền thống kháng chiến” được trì níu dẫn dụ đến ngày nay. Tâm tình lí tưởng của thời “Chín năm” vẫn còn đấy; họ không chú ý, không biết – và có được cho biết cũng không tin – những đổi thay trên vùng đất “độc lập” theo một hướng lệ thuộc mới, có đảng Lãnh đạo ghi điều lệ “đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông”. Dân nghèo Miền Nam được chia ruộng đất (sướng quá!) nhưng người ta không cho hay là sẽ lấy lại để lập hợp tác xã theo phương cách làm ăn lớn XHCN, cái tổ chức chẳng biết vì lẽ gì mà làm đầu tắt mặt tối chẳng đủ cơm ăn. Chủ trương Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng thành công ở chỗ đoàn thể hoá dân chúng đến mức thành tâm tình tự nguyện, đẩy sự nín nhịn suy luận kiến thức, sự hèn nhát chịu đựng áp bức thăng hoa thành nhiệt tình yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu đồng bào Miền Nam đói rách, không có nồi nấu cơm, đựng thức ăn bằng muổng dừa, bằng giấy.

Có thể nhìn vào đó để thấy tàn dư của một thứ Khổng Nho thời chuyên chế “quân sử thần tử thần bất tử bất trung” pha màu hiện đại không? Và Miền Nam làm cách mạng dân tộc dân chủ – cũng như chia ruộng đất mà không nói thành lập hợp tác xã. Hãy tạm quên mục tiêu dân chủ, nhưng mục tiêu độc lập đã bao gồm đòi hỏi thống nhất trong đó rồi. Đòi hỏi được nhắc đi nhắc lại, bức thiết khiến cho khi hướng thành công thấy rõ thì người ta coi như là yếu tố cơ bản thúc đẩy người dân chiến đấu không chướng ngại nào ngăn trở nổi. Nhưng nói như thế là làm tủi nhục người Triều Tiên – Đại Hàn (D. S. Mac Donald, The Koreans – Contemporary Politics and Society, Westview Press 1990.)

Ngày xưa ông Lê Quý Đôn đã từng làm thơ xướng hoạ với sứ Cao Li không phải bằng chữ quốc ngữ của hai nước mà bằng chữ Hán. Hai ông đứng trên hai chiếu ngang hàng chầu vua Thanh. Vậy không thể nói rằng Việt có hán rộng hơn Cao Li, Việt thờ ông Khổng chăm chỉ hơn Cao Li để thu nhận tinh hoa phương Đông hơn Cao Li. Tuy rằng ở Truyện Tàu thì cuối cùng Trung Quốc phải thắng nhưng Cao Li cũng có Cáp Tô Văn (Kim Yung Sin?) vây khổn vua Đường, rượt Đường Thái Tông quýu cẳng, chớ không phải chỉ có ở Đại Việt tướng Tàu mới bỏ ấn kiếm mà chạy.

Thời hiện đại thì ở Triều Tiên (Kim Nhật Thành thích cái tên nước này hơn), quân của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân cũng từng rượt quân Cộng hoà Đại Hàn chạy trối chết và hứa sẽ tung “quả đấm chính” vào bọn bù nhìn tay sai Nam Hàn để giúp phong trào cách mạng ở miền Nam. Họ tin tưởng dân miền Nam khao khát giải phóng, nồng nhiệt chống đối chính quyền, chắc không bằng thì cũng cao hơn cái lai quần của chị Út Tịch. Họ đương cự với tướng Mac Arthur, hàng năm tổ chức “Tháng chống Mĩ (5/6 – 27/7)” rầm rộ trong ngoài nước, liên hồi réo gọi Bù nhìn Lí Thừa Vãn, Bù nhìn Phác Chính Hi, Bù nhìn Tiếp tục... bán nước, có uy tín quốc tế đến nỗi năm 1970 được bầu vào Chủ tịch đoàn Phong trào Không liên kết Thế giới thứ Ba. Trong lúc đó thì lớp chính quyền miền Nam (Đại Hàn) những năm 1945-48 bị ngay dân chúng coi là bọn “côlabô” (Hàn gian), thông ngôn, các chính quyền quân sự tiếp theo bị coi là bất hợp pháp, gây ra những cuộc biểu tình chống đối dữ dằn.

Cùng căn bản văn hoá phương Đông, với cái thế thuận lợi trong ngoài nước, với sự cương cường và sức mạnh quân sự đó sao Kim Nhật Thành không thống nhất được đất nước? Vậy thì phải nói Việt Nam đánh cho Mĩ cút nguỵ nhào được không phải vì có dân quê biết bám đất ruộng, yêu tổ quốc, kiên cường hơn dân Triều Tiên – Đại Hàn mà phải nghĩ rằng Việt có những ưu thế khác, không tuỳ thuộc vào văn hoá cổ truyền sâu xa, hay tinh thần ưu việt nào đó. Nói thêm về khía cạnh tinh thần này. Hèn nhát và anh hùng không phải là đối cực không thể nào gặp nhau. Đàn áp mạnh có khi thêm chút kĩ thuật tinh tế thì anh hùng trở thành tên tệ hại ngay.

Chưa kể loại anh hùng gian dối tạo dựng do nhu cầu, một sự đàn áp lỏng lẻo nuôi dưỡng kẻ bình thường – có khi hèn nhát, trở thành người can đảm và đến một phút giây quyết định, trở thành anh hùng, bóng dáng anh hùng càng to lớn hơn khi có người tô vẽ thêm. Bao nhiêu anh hùng cách mạng Nga bị đày thì như Lenin ở Sibérie có đầy sách đọc đủ để viết khảo luận nghiên cứu dày cộm, còn người cựu anh hùng Boukarin khi gặp Stalin thì cúi đầu nhận tội bán nước, làm tay sai cho những tên ác ôn mình khinh ghét trước kia – sự kiện đáng ngạc nhiên tột cùng khiến ông cựu đảng viên A. Koestler viết sách giải thích bằng vào lí tưởng ông đã biết vì không thể bằng vào thực tế ông chưa sống.

Ông Trịnh Đình Thảo sống ở Sài Gòn ngang nhiên đặt trong trang trại của mình một con đường Hồ Chí Minh trong lúc ông Trần Đức Thảo ở Hà Nội quên mất thời cãi nhau với J.P. Sartre, co đầu rút cổ, lại qua được Paris lúc gần chết mà còn run, thoái thác không bàn chuyện chính trị – trong lúc cốt tử giá trị thuyết mácxít ông theo “không phải (chỉ) là giải thích thế giới mà là thay đổi thế giới (K. Marx).” Anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường được ống kính truyền hình đưa vào tận buồng ngủ nước Mĩ thì dại gì không ráng giữ bình tĩnh để tuyên dương lí tưởng của mình? Triều Tiên, Đại Hàn có đường ranh đình chiến rộng hơn Việt Nam nhưng không có giới hạn vô chừng ở hai đầu. Hoàng Hải và biển Đông được hải quân Mĩ canh chừng chặt chẽ khiến cho quân Bắc chuẩn bị xâm nhập phải đào cả hàng tá đường hầm trong đó có 4 đường bị khám phá, thấy rộng đủ đưa cả sư đoàn sẵn sàng xông lên khi nghe đồng bào miền Nam kêu cứu. Bên trong, đám sinh viên thiên tả của Đại Hàn, như bất cứ sinh viên thiên tả nào khác của thế giới tư bản, đòi tự thiêu thống nhất đất nước, tuần hành ra biên giới – cả việc qua biên giới để “đối thoại với người anh em bên kia” rồi trở về (nữ sinh viên Yun Su-kong 1989), hay biểu tình đòi hỏi dân chủ, tưởng nước mình như Pháp hay Mĩ, cứ như vậy là gặp ngay đàn áp không thương xót.

...

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home