Thursday, February 24, 2005

sử việt, đọc một quyển (II)* - các sử gia nho thần

Tạ Chí Đại Trường


CĂN BẢN NHO HỌC CỦA SỬ QUAN:
NHỮNG ĐIỀU TRONG VÀ NGOÀI TẦM TAY NGƯỜI BÂY GIỜ

Dù là thoát khỏi vòng Bắc thuộc, ngay từ lúc khởi đầu, cựu thuộc địa An Nam vẫn mang khuôn khổ của người chủ cũ. Ngô Quyền vẫn xưng vương chứ không phải là một ông cồ-khun hay cồ-lang gì đó. Dù với Đinh có tên nước là Đại Cồ Việt, người được sai phái từ kinh đô vẫn là “nha hiệu” (Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ 980, Phí Sùng Đức 994) trong dấu vết của một nha phủ Đô hộ kéo dài đến thế kỉ XV.

Thái sư Hồng Hiến chết đi (988) nhưng di sản vẫn để lại cho Ngoạ Triều các kép hát người nước Tống và những cải cách theo Tống của ông vua Chàm (nếu nhìn về phía mẹ, và cả Việt của một chừng mực thời bấy giờ) bị chê trách nhất suốt trong lịch sử Việt này. Nhưng Hoa Lư chật hẹp vẫn là nơi của những tranh chấp bộ phận quyền lực phương Nam, trong đó Lí Công Uẩn nhận ra sự lạc loài của mình. Ông phải dời về thành Đại La cũ, gần nơi căn bản quyền lực gia tộc, khiến cho Hoa Lư thành vùng tiềm ẩn li khai sẽ nổ bùng dữ dội khi Lí suy yếu. Tuy nhiên Thăng Long đã đem đất nước mới đi vào một hệ thống to rộng hơn mà nhà Lí phải ứng xử theo tình thế, và đã đạt được hiệu quả, dẫn đến sự truyền đời lâu dài làm cơ sở chính thống cho các đời về sau.

Sự xuất hiện của tổ chức chính quyền theo khuôn mẫu Trung Hoa thì như thế nhưng kiến thức về cách tổ chức qua những con người cầm quyền mới như thế nào, ta không được biết rõ. Một Thái sư Hồng Hiến không đủ. Riêng biệt thì có các nhà sư đọc được chữ Hán nơi các kinh Đại tạng xin về (lần đầu 1009). Hẳn còn có những nha lại cũ của phủ Đô hộ nằm trong chính quyền mới, nhưng họ bị chìm lấp trong khung cảnh tập họp dân tộc địa phương có ông vua (Lê) hát những câu mà sứ Tống (Cảo) không hiểu thì kiến thức vốn không cao đó càng chỉ có thể đem ra áp dụng một cách tạp nhạp, lẫn lộn cho ứng hợp với tình thế mà thôi. Vì thế ta mới thấy cậu bé có danh vị chính thức tiếp nhận ngôi vị của Đinh đã được gọi là Chàng Lớn chứ không phải là Hoàng thái tử.

Ông vua khai sáng nhà Đinh lúc sống là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, lúc chết đi được gọi giản dị là Tiên Hoàng Đế, ông vua Lê chết chưa kịp chôn không có miếu hiệu đành phải gọi là Đại Hành Hoàng Đế. Ông vua con “theo Tống” mang tôn hiệu 19 chữ trong đó soán đoạt một phần tôn hiệu của cha, của ông vua triều trước, dấu vết hẳn còn ẩn khuất kéo dài trong đời cha mình chỉ vì bóng dáng bà Dương hậu trong triều mới.

Lí Thái Tổ dời dô về Thăng Long, cơ hội tiếp xúc càng nhiều hơn với phương Bắc vốn cũng là một yếu tố củng cố triều đại, cho nên có những người vào làm quan ở Đại Việt. Triều Lí chấp nhận cả những kẻ li khai từ những rối loạn cải cách ở Trung Quốc. (Xem Hoàng Xuân Hãn, Lí Thường Kiệt; TCĐT, “Người hay Phật?” trong Những bài dã sử Việt, Thanh văn 1996). Dấu vết nho sĩ phương Bắc xâm nhập nhiều hơn tất có gây ảnh hưởng đến tổ chức triều chính, tuy nhiên giới hạn thuộc lại trong vai trò của họ còn chứng tỏ trong cách xưng hô, nơi các tôn hiệu lòng thòng dành cho các vua, mang tính cách xưng tụng nịnh bợ mà các nho sĩ đời sau chê trách vì thấy không hợp với thể cách ngôn từ của vương quyền các ông đã học được.

Tuy nhiên ta vẫn chỉ thấy có người xâm nhập, không thấy người được đào tạo trong nước. Người đỗ trong khoa “tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường” lần đầu tiên (1075), Lê Văn Thịnh, hẳn không phải là dân di tản, đã tỏ ra làm việc rất xuất sắc trong hệ thống quyền bính mới, nhưng ông đã được đào tạo như thế nào?

Trước đó (1028), Nội thị (người trong “nhà”) Lí Nhân Nghĩa hẳn cũng không phải là người xâm nhập, đã chứng tỏ rất thông thạo kinh sử Trung Hoa. Có vẻ như việc đào tạo đã được thả-nổi, nhà nước đỡ tốn công sức, chỉ việc thu nhận kết quả, công nhận sự cần thiết của một hệ thống giáo dục, như khi cho xây Văn miếu đắp tượng các ông tổ cao thấp, vẽ hình các đồ đệ, bốn mùa cúng tế (1070). (Các năm sau 1156, 1171 là sửa chữa, xây dựng thêm.) Gọi là “miếu” nhưng cũng là nhà trường vì đây là nơi Hoàng thái tử đến học. Lại cũng chỉ là chuyện nhà vua, vì ông hoàng thái tử Càn Đức lúc bấy giờ mới 4 tuổi, khoa thi 1075 chỉ là lấy người vào dạy vua bé con, sử còn lưu lại tên Lê Văn Thịnh hẳn không phải là bỏ sót người.

Ngày trước (và vẫn còn tiếp tục một thời gian) con đường tiến thân là bằng các ngõ khác (dòng dõi, đi tu, thiến...), lần đầu mở khoa thi không có người đủ tiêu chuẩn cho nên năm sau (1076) phải lấy nhân lực từ hàng quan chức chuyển sang nơi học của hoàng tộc – Văn miếu bây giờ đã được gọi là Quốc tử giám. Trường hợp tiếp theo cũng xảy ra dưới đời ông vua bé con khác: 1185 “thi sĩ nhân” chọn 30 người từ 15 tuổi trở lên ở lại hầu vua (Cao Tông) học, năm 1193 cũng chọn người vào hầu vua học, lúc này đã lớn.

Chọn tuổi 15 mà có đến 30 người được tuyển, hẳn là các “trường tư” đã thấy có chỗ thu lại kết quả công sức. Vì thế trên cấp bực cao sau Lê Văn Thịnh là Mạc Hiển Tích (1086), có thi Điện (?) 1152 (1150 ở ĐVSL), thi Tam giáo (Nho, Lão, Phật) 1195; ở cấp bực thấp là các khoa thi lại viên viết chữ, làm tính, hiểu hình luật (1077). Không ghi việc khảo khoá các quan văn võ 1162, 1179 của TT, trong đó có phân loại người biết chữ nghĩa, người không, nhưng ĐVSL nói mơ hồ về việc mở khoa “thi học sinh” các năm 1165, 1199, và cho biết chi tiết trong khoa thi Tam giáo 1179, 1196 có khảo hạch việc viết ám tả, làm thơ phú, giảng nghĩa Kinh và làm tính (chắc là riêng cho thành phần nho gia).

Đà học vấn Nho gia phát triển thêm một bậc, gần như hoàn chỉnh ở mức độ hình thức dưới triều Trần tiếp theo. Riêng biệt với các khoa thi Tam giáo dư âm của đời trước, có khoa thi Thái học sinh đầu tiên (1232) cho ngành Nho với tên người thi đỗ có thứ bậc. Nhưng mãi đến 3 năm sau họ mới được vào chầu vua cùng lúc với việc mở rộng nhà Quốc tử viện (trước kia chỉ dành cho hoàng tộc) cho phép con quan được vào học. Sau khoá 1232 và 1239, năm 1247 lại nâng cấp làm khoa thi Tiến sĩ với các bậc trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Người đi thi (và thi đỗ) không phải chỉ từ Quốc tử viện mà còn ở địa phương, nhất là từ hoàng tộc nuôi gia thần: Bạch Liêu, được sử khen “thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch”, đỗ trại trạng nguyên năm 1266 chỉ chịu làm gia thần của Trần Quang Khải chứ không làm quan...

Như thế cũng như đời trước, ta chỉ biết có một trường học ở kinh đô còn thì mù tịt về việc giáo huấn trong dân gian. Cuối đời thấy có Chu An dạy học tư, học trò làm hành khiển, nhưng Chu An học ở đâu? Hai thầy đồ Nguyễn Hán Anh, Nguyễn Phi Khanh dạy con gái của Trần Nguyên Đán, học ở đâu?

Dù sao thì Trần cũng chỉ nối tiếp việc học kinh sách Nho qua những phương cách tiếp cận nào đó về kiến thức lưu hành ở Trung Hoa để đi thi, làm quan, trị nước kiểu bình thường như một anh học trò ngoan ngoãn.

Với Hồ Quý Li ta mới thấy một xuất hiện khác mà tiếc rằng thiếu sách vở lưu truyền khiến ta không thể bàn sâu thêm. Sự thất bại của nhà Hồ nằm trong những điều kiện lịch sử, khác với toan tính của người mở đầu nhưng dù sao thì ý tưởng muốn làm-mới thời đại cũng còn thấy rõ nơi ông ta. Mối thâm tình của cha con Hồ Quý Li với Trần Nghệ Tông chứng tỏ ban đầu họ không có ý cướp ngôi nhà Trần: Quý Li run sợ muốn tự tử khi một phe tông tộc Trần bàn mưu giết ông (1388) trong lúc ông có thừa quyền lực trong tay; Hồ Nguyên Trừng những ngày lưu vong ở Minh đã nhắc đến “Nghệ Vương” với đầy cảm tình nuối tiếc. Ý phù trợ nhà Trần hiện rõ trong chi tiết còn lại của tập Minh đạo 14 thiên: Ông muốn làm Chu Công (như ông này phù trợ nhà Chu) nên đặt ông này vào chính vị tiên thánh trong Văn miếu, gạt ông Khổng Tử sang một bên. Ông đem sách của Chu Công soạn dạy vua trẻ (Chu) Thành Vương xưa để dạy (Trần) Thuận Tông đương thời. Từ sự chọn lựa vị thế chính trị đó dẫn đến sự bài bác Luận ngữ và các Tống nho nổi danh như hai họ Chu, hai anh em họ Trình, thật là dễ hiểu.

Đã nói chúng ta không có chi tiết lí luận của ông để có thể bàn sâu thêm, nhưng cái ý chính nổi bật của ông rõ ràng là không muốn theo khuôn thức thời đại, dù là khuôn thức của Thiên triều, của trung tâm xuất phát luồng tư tưởng chủ đạo đang lưu hành ở đất nước phiên thuộc. Từ tình thế riêng biệt của đất nước có ông ra tay đảm trách, ông muốn lập ra một môn phái mới (mà chúng ta không biết là gì) để cạnh tranh với các môn phái đương thời. Với vài câu còn lại trong sử, ta thấy ông chê trách các danh gia Tống nho đi vào lí thuyết mông lung nhiều mà không chú trọng đến thực hành. Vì thế dưới mắt Hồ Quý Li, Hàn Dũ mà danh tiếng nổi bật không phải vào lúc sinh thời (tuy với bài biểu đòi đốt xương Phật) nhưng được bốc cao nhờ các Tống nho về sau, con người của văn từ rổn rảng đó phải bị đặt vào hàng ngũ “đạo nho” (nho ăn trộm, nho vặt vãnh), cũng không phải là quá quắt.

Nói một cách khác, Quý Li là nhà chính trị, là con người của hành động, không ưa lí thuyết, nên chê Tống nho “học rộng nhưng ít tài”, chê Khổng Tử thiếu ứng biến, chao đảo không quyết đoán, không như Chu Công vừa tạo nghiệp được cho nhà Chu, vừa để lại điển chế cho đời sau, xứng đáng cho ông ngầm ý so sánh, tôn phục, đòi thiết lập một hệ thống “Chu nho” trong Văn miếu mới. Ông rất kiêu ngạo về kiến thức của mình, soạn sách dạy trong nội cung vẫn không theo ý Chu Tử, và đã từng chê kẻ viện dẫn kinh sử: “Biết được mấy chữ mà dám nói chuyện Hán Đường?”

Chẳng thấy lí thuyết mới của Hồ Quý Li được đem ra áp dụng, nhưng tính chất tranh luận từ người lãnh đạo đã ảnh hưởng đến các kì thi lúc này đòi hỏi một tầm mức kiến thức cao hơn trước. Không có một cuộc cải cách tư tưởng như Hồ Quý Li mong muốn, nhưng với quyền Phụ chính, Hồ đã cho đặt chức giáo thụ, lập thư khố ở các châu trấn (1397) tuy tác dụng hẳn không lớn rộng vì triều đại ngắn ngủi, đầy biến cố và sức chống đối.

Thời thuộc Minh tuy vẫn ngắn nhưng với sự tích cực đồng hoá, đã đem lại sự xâm nhập của Nho giáo sâu đậm hơn, với những cải cách thời chiếm đóng sẽ làm đà cho những đổi thay về sau. Rối loạn, chiến tranh tàn phá nền tảng xã hội cũ, một tầng lớp cầm quyền xuất phát từ một khu vực khác, đóng đô trên vùng xa lạ – một chừng mực như là đất địch, phải giải quyết những vấn đề cai trị khác xa thời ông cha làm tù trưởng, điều kiện đó khiến họ, sau một thời gian hoang mang, dễ chấp nhận phương thức tập trung quyền bính của nhà Minh đem lại, trong đó sự chuyên chế khởi mầm trong lí thuyết Tống nho được thi hành ở Trung Quốc, nay đưa vào trong chính sách trị nước giúp Lê Thánh Tông nắm chặt được đám quần thần kiêu căng vì công tích cũ hay đã luồn lọt xoay đổi thành thói vì chính trị bất thường.

Thời thuộc Minh, Nho học lan ra các địa phương phủ, châu, huyện với các quan lại chuyên trách (Ngan nan tche yuan, phần chữ hán tr. 106-107; TT II, chuyện tháng 9âl. 1414). Lê Thái Tổ hẳn là chưa kịp tổ chức gì nên chỉ mở khoa thi chọn người làm việc (1429), nhưng với đà có sẵn, năm 1434 thấy có “nhà học ở các lộ” với chức giáo thụ vốn vẫn dành cho người ở Quốc tử giám. Khi lộ được cải thành phủ thì có chức huấn đạo (1466). Ngoài việc thi cử để tuyển người làm quan, thỉnh thoảng vẫn có việc chọn người làm lại thuộc như khoá thi viết chữ, làm tính năm 1437 (theo dự tính 1434), lấy đến 690 người.

Việc học hành thi cử được chú ý nên từ chỗ người dân tìm đường khác để vào hoạn lộ, các thí sinh trở nên đông hơn, có vẻ như cũng đã đến độ lạm phát. Khoá thi 1442 có 450 người, lấy đỗ 33 người, năm 1463 thi 1 400 người, lấy đỗ 44 người (TT ghi đến 4 400 thí sinh). Các con số tỉ lệ người thi và người đỗ được tiếp tục lấy ở Văn khắc Hán nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Hà Nội 1993) tóm lược từ bia Văn miếu Hà Nội, là: hơn 1 100/27 năm 1466, hơn 3 000/43 năm 1475 (TT ghi rõ 3 200 thí sinh), năm 1516 vụt lên đến 5 700 thí sinh mà chỉ lấy có 43 người. Các con số khác lấy từ TT, không có bia lập: 1499 thi hơn 5 000, lấy đỗ 55 người, năm 1502 thi hơn 5 000 lấy đỗ 61 người, năm 1505 không rõ số người thi, chỉ có số đỗ là 55 người.

Dự định bắt đầu mở khoa thi hương, thi hội từ 1438 nhưng năm 1442 mới thực hành được đồng thời với dự tính dựng bia (thực hiện 1484). Thế mà khả năng thâu thái tỏ ra đã không kịp với kiến thức sách vở đòi hỏi: Giáo quan ở Quốc tử giám, các lộ phải bị “thi lại” để thải bỏ; năm 1467, thầy của Thái tử không biết làm chiếu, chế, biểu, còn giám sinh (thầy ở huyện) thì chỉ học kinh Thi, kinh Thư nhiều, mà biết ít về Lễ, Dịch, Xuân Thu, điều đó có nghĩa là khả năng suy luận cao cấp còn yếu. Tuy nhiên từ đà mở rộng tuyển trạch nhân tài theo thi cử kinh sách của triều Lê Thánh Tông, Nho học trở thành ý thức hệ chủ thể để các sử quan lên tiếng càng mạnh bạo đối với các triều trước, đúng với khuôn khổ lí tưởng đòi hỏi mà khả năng thì chưa theo kịp với thực chất của ngành chuyên trách.

VẤN ĐỀ ĐẠO LÍ CỦA SỬ HỌC NHO THẦN

Cùng với sự phát triển Nho học như ta đã thấy thì sử kí Việt cũng chuyển qua một giai đoạn khác, bắt đầu dòng sử của Nho gia mà hai tên tuổi Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên như hai mắt xích nổi bật. Những gì chính của họ viết thì phần lớn đã lẫn lộn trong tập họp của những người sau. Lê Văn Hưu đã bị lược giản bởi tác giả ĐVSL, bởi Ngô Sĩ Liên..., Ngô Sĩ Liên còn lại các Kỉ của thời Hùng Vương, còn quyển 11 trong TT (như ông Phan Huy Lê xác nhận) nhưng sách đã qua tay các ông Phạm Công Trứ, Lê Hi thì không có gì bảo đảm các ông này không ngứa tay thêm bớt. Cũng như, giá bản in TT không còn, chúng ta chỉ có quyển sử của Ngô Thì Sĩ thì sẽ không biết nhiều chuyện cất chùa chiền của Lí, không biết chuyện ông xào nấu xáo trộn sách xưa.

Phần tin chắc nguyên văn của các sử quan, là các Lời bàn giúp ta hiểu một ít về cung cách làm việc của họ, cùng khả năng suy luận phản ảnh một chừng mực thời đại họ sống. Ông Phan Huy Lê đã đếm giùm ta về tổng số lời bàn của các sử thần còn lưu lại trong TT. Lê Văn Hưu có 30 lời bàn, Phan Phu Tiên có 11 lời bàn, Ngô Sĩ Liên có 166 lời bàn. Chúng ta có thể đếm thêm. Vũ Quỳnh viết sách cho cùng thời đại với của Ngô Sĩ Liên (khi làm Biểu 1479) không bàn thêm gì cả, chỉ để lại lời khen (Lê) Thái Tông, Thánh Tông và “lời tán” Hiến Tông, hẳn là được người sau lấy từ trong Tứ triều bản kỉ của ông. Phần của Phạm Công Trứ thì không có ý kiến của ông này mà lại trích dẫn của Lệnh Vọng, Đăng Bính với lời bàn về cơ đồ sụp đổ của nhà Lê vào tay họ Mạc. Nói là lấy từ “sách Dã sử” của Đăng Bính chỉ là một cách nói về quyển sách không do triều đình đề xướng, chứ xem lời bàn của ông này (TT III, tr. 111) thì rõ ràng ông ta viết một quyển sử theo đường lối chính thống, hẳn hoi như một sử quan (nếu được triều đình phó thác công việc), do đó, sách, hoặc đã có tên khác, hoặc chưa đặt tên chứ không phải mang tên Dã sử.

Còn về những “lời bàn”, “sử thần bàn” khác, tại sao không có tên tác giả? Những đoạn văn này có nhiều khác biệt khiến ta không thể ghép vào một hai người được. Nhiều lời bàn mang tính cách tán tụng thông thường của sử thần đối với vua đương đại (hay gần đó) nhưng cũng có lời bàn với giọng gay gắt, chửi bới giống như nương thế vua sau sát phạt vua trước vừa bị lật đổ (thời Tương Dực nói về Uy Mục). Ta có thể hiểu đây là những sử thần ít tiếng tăm, vào Quốc sử viện trong thoáng chốc, bàn như một điều phải làm, chứng cớ là TT có ghi về việc phong chức các sử thần chỉ có tên mà không lưu lại vai trò gì đặc biệt: Trong năm 1448, “Quốc sử đồng tu Nguyễn Văn Tộ từ chức”, qua đầu năm sau, có việc phong chức cho 4 người làm Quốc sử viện đồng tu sử mà chỉ Nguyễn Văn Chất còn để lại tên trong một phần của Việt điện u linh tập.

Tuy nhiên đặc biệt có một lời bàn về Lê Thái Tổ chen lời phê phán nghiêm khắc, được chép lại gần nguyên văn ở đề mục nói chung, mở đầu triều ông vua này. Lời bàn này nằm ở quyển X Bản kỉ toàn thư, trước quyển XI được ghi rõ là của Ngô Sĩ Liên soạn, tất nhiên ta có thể nghi là đã qua tay người khác, Vũ Quỳnh chẳng hạn. Nhưng với các lời “tán” còn lại của ông này thì ta khó tin ông đã làm chuyện đó. Thời đại Lê Thái Tổ cũng là của Ngô Sĩ Liên chấp bút. Trong đà hăng say phê phán các ông vua Lí Trần, ông ta có còn chút can đảm nào để chen thêm một lời về ông vua đầu triều không? Lời chê Lê Lợi “đa nghi hiếu sát” hẳn là nhắm vào việc giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo mà sử thần không dám ghi thẳng, chỉ chen vào trong sự kiện chê trách do ngôn quan gợi nên thôi (TT II, tr. 312).

Văn nho “Kinh lộ” đối chọi với võ thần Lam Sơn trong vụ sử dụng quan chức này, sở dĩ thắng thế là nhờ núp bóng ông Thái Tổ. Họ triệt đường tiến thân của những người ton hót giết công thần gốc Trần, hành động đó cũng là một cách trả thù cho người đã khuất, một cách biểu lộ cảm tình với cựu triều mà Ngô Sĩ Liên, cũng dân “Kinh lộ”, tuy đồng tình nhưng không dám tỏ bày chính thức. Ông lại viết sử vào thời ông vua (Thánh Tông) ra lệnh phục hồi “sinh mệnh chính trị” của Nguyễn Trãi, một nhân vật “kinh lộ” khác, ông có nhân đó thêm can đảm để ghi lời phê phán về ông vua đầu đời không, nhất là khi ông đã che chắn hết mực, trong một lời bàn dài nhất dành để tán dương công đức cứu dân cứu nước của ông vua này? (Chưa kể đến những liên hệ khi bàn về công chống Nguyên của các vua Trần.)

Những lời bàn lẻ tẻ không tên kia giúp ta suy đoán rằng 30 đoạn của Lê Văn Hưu, 11 đoạn của Phan Phu Tiên, 166 đoạn của Ngô Sĩ Liên có thể là hầu hết (nếu không nói là tất cả) những điều phê phán của các ông đã đem vào sách sử họ viết, có tên riêng biệt của họ. Như thế tuy ta hơi gặp khó khăn khi muốn xét về những điều họ viết như một sử gia vì tính cách chồng chất tác giả của TT, nhưng cũng tạm thấy quan điểm của họ như một sử quan trong truyền thống kết tập từ Trung Quốc chuyển sang nhận định trên đất Đại Việt như một chủ thể riêng biệt. Và lẽ tất nhiên cũng cho ta thấy chênh mực và cách biệt kiến thức giữa họ với nhau nữa.

Ta thấy trước hết, theo truyền thống Nho Giáo, họ theo sát quan điểm phê phán đạo đức làm người nói chung, đạo trị nước của ông vua nói riêng vốn đã có mẫu mực trong kinh Xuân Thu, còn chi tiết sự việc dẫn chứng thì có thêm các loại truyện-sử thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Xuân Thu Chiến Quốc đầy dẫy trong tác phẩm của Nho gia. Tuy nhiên trong khi Lê Văn Hưu bàn thấp ngang tầm sự kiện, chỉ có một lần trích dẫn Kinh Thi (1130) thì Ngô Sĩ Liên nói rõ ràng “phép của sách Xuân Thu”, dẫn cả Kinh Dịch, Kinh Thư, Trung Dung, Mạnh Tử, chưa kể những dẫn chứng nhập-tâm từ Kinh Truyện mà không cần nêu xuất xứ. Tính chất trường ốc do thi cử nhặt nhiệm của thời Hậu Lê đã tỏ rõ nơi Ngô Sĩ Liên, trong khi Lê Văn Hưu lại cho ta biết một trình độ kiến thức cùng loại ít bị ràng buộc hơn, ở giữa triều Trần. Phan Phu Tiên gần gũi Ngô Sĩ Liên hơn nhưng sống choàng qua biến loạn Minh thuộc, còn nằm trong sự tranh chấp đầu triều đại, ít chịu đựng không khí của thời Lê Thánh Tông hơn nên ông ít dẫn Kinh Truyện hơn. Ông chưa đủ tự tín để bàn thêm chuyện Lê Văn Hưu đã bàn, chỉ bắt đầu với thời gian đầu Trần, có một lần lên tiếng vì “luân lí lớn của loài người” để chê Trần Thái Tông, mà cũng đủ không nhiệt thành như Ngô Sĩ Liên. Ông này, với lòng tự tín do sự thụt lùi của thời đại mang lại, đã gay gắt phê phán hoàng tộc Trần đến mức dùng cả những từ thô bỉ khác thường: “thói chó lợn”, “giặc giết vua” (Trần Thủ Độ), “thói gian tà”, “trò chó lợn” (Trần Khắc Chung). Tuy nhiên với các ông vua thì phần lớn chữ dùng nhẹ hơn mà vẫn phải núp sau thánh nhân, sách vở: “danh không chính...” (Thái Tông), “không hợp đạo Trung dung” (Nhân Tông)... Ấy là ông đã bước qua một thời đại với ý thức hệ chủ đạo khác hẳn, nên có các lời thẳng thừng (“lỗi lớn”, “chỗ kém” với Lí Thái Tông, “bất chính trong đạo vợ chồng” với Trần Thái Tông) chứ Lê Văn Hưu, làm nhà nho lúng túng của thời đại ông, bị tràn ngập bởi sự kiện của dòng sử kí tăng đạo và thế lực hoàng tộc đương quyền, chỉ đành trút tội cho các nho thần dưới quyền vua. Có núp theo danh giáo, thể thức Nho gia để bài bác ý thức hệ khác thì lời chê của ông cũng vẫn phải nhẹ hơn nữa: “(Lí) Thái Tông... say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của đạo Phật mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua.”

Phan Phu Tiên, con người trong biến loạn như đã nói, nên không cần chuyện chống đối đạo Phật, điều mà hai sử quan trước và sau đã tận lực làm rồi. Ngô Sĩ Liên được thời đại ủng hộ, đã dài dòng chê trách không những các ông vua mê đắm lí thuyết “đạo Tam muội” từ Lí đến Trần mà còn mở rộng việc bài bác chính các sử kiện được ghi chép, bài bác “dị đoan” từ quan niệm tăng, đạo của thời trước, đồng thời tăng thêm cách nhìn theo quan niệm nho để phê phán các ông vua và bầy tôi. Tuy nhiên khi đạo Phật mất dần uy thế, Nho học tiến bước thì trách nhiệm bênh vực “chính giáo” lại phải thêm phần giữ gìn chính thống, nghĩa là bắt bẻ ngay chính người trong phe, theo một cách hiểu cho là lệch lạc nào đó, kể cả phải đối phó với người cực đoan, “tả”, “hữu”, như các sử dụng từ ngữ ngày nay. Cho nên Ngô Sĩ Liên đã không đồng ý với Lê Văn Hưu phê phán về biến loạn Đinh chuyển sang Lê. Quan niệm của hai người khác nhau vì tính cách duy văn hoá liên khu vực đối chọi với tinh thần địa phương – theo kiểu tinh thần quốc tế đối chọi với tinh thần bị coi là quốc gia dân tộc hẹp hòi: Ngô dựa trên luân lí tam cương ngũ thường còn Lê thì coi công cứu nước là đủ cho sự tự xưng chính thống rồi.

Những kèn cựa vì chi tiết cho thấy là đã nảy sinh từ một sự chọn lựa phe phái mang tính cách tín điều rõ rệt trong lập luận. Nhân dịp Phan Phu Tiên mỉa mai chuyện Hồ Quý Li mở rộng thế phổ của mình đến tận Nghiêu Thuấn, rồi bắt quàng sang các nhân vật khác, Ngô Sĩ Liên liền bắt bẻ một sai lầm chỉ vì ông kia theo Tư Mã Quang, còn Ngô theo lí mà “Chu Tử đã theo... thì không thể nghi ngờ gì cả”! “Trình Tử xướng ở trước... Chu Tử bổ sung chỗ chưa hoàn hảo ở sau thì nghĩa đã tinh lắm rồi. Người sau mà có trước tác thì cũng chỉ là mở mang cho rộng thêm, tô chuốc cho bóng thêm, có thế mà thôi, (không) được chê bai bàn cãi.” Ông tức giận phát biểu như trên vì thấy Hồ Quý Li dám chê cả một loạt danh nho Tống kém tài, chỉ làm việc cóp nhặt văn chương của người khác thôi. Ông càng tức giận khi bậc tiên thánh bị động chạm – không phải bị gạt đi, chỉ bị mất vị thế Số Một – và bị bàn tới, gây hoài nghi hoang mang về Kinh sách: “Từ khi có sinh dân tới nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Hồ Quý Li dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết lượng sức mình.”

Thực ra bàn bạc, lí luận dựa theo nguyên tắc có sẵn đặt làm tiêu chuẩn cũng gây ra những sơ hở, mâu thuẫn như khi Ngô Sĩ Liên khen chê về rối loạn ở cuối đời nhà Triệu: “Làm vua mà không biết nghĩa Xuân Thu tất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác; làm tôi không biết nghĩa Xuân Thu tất phải mắc phải tội cướp ngôi giết vua, tức như là Minh Vương, Ai Vương và Lữ Gia vậy.” Thần tử hay vua chúa mà nghe theo lời này của kinh sách thì sẽ xử trí giống như con lừa Buridan của chuyện ngụ ngôn vậy. Rốt lại việc khen chê lại là việc nói-lấy-được của sử quan để nâng cao mình theo với tình thế cho phép mà cứ tưởng đã làm đúng nhiệm vụ thiêng liêng được đặt để cho tập nhóm mình.

Ông vua Tương Dực muốn hiểu quá khứ qua sử lược mà đọc “Việt giám thông khảo tổng luận” (1514) của Lê Tung với ý định tìm “bài học lịch sử” thì chắc chắn chẳng thấy học được những gì. Ông chỉ thấy khen chê rối mù của sử thần nói về những người xa đời, chẳng gây động chạm gì đến ai, chê đến mạt sát những người mà công luận quyền chức trong quá khứ đã gạt bỏ, không còn có thể tự mình bênh vực, khen thì càng đến thời đại của mình càng cao tiếng tán tụng, quên cả ngay lúc viết, thế nước không “vững như Thái Sơn, bàn thạch”, sinh dân không thể “lên chiếu đệm ấm êm”. Chẳng trách chỉ hai năm sau, Tương Dực không thể “mở nền cho ức vạn đời” mà lại bị quyền thần giết trong tiếng cười ngạo nghễ!

Đó là truyền thống nói chuyện từ chương kinh sách kéo dài mãi về sau, theo kiểu Nguyễn Nhữ Thuyết bị Hồ Quý Li bỏ không dùng vì nói: “(Thế vững vàng cho nước nhà) cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm.” Rồi 4 thế kỉ sau cũng một con người hành động, Nguyễn Hữu Chỉnh, lại có dịp chê một “nhà nho nói khoác.”

Đúng ra sách vở cũng tạo cho con người sống trong ảo tưởng, lấy ảo tưởng làm sự thật trong phút chốc. Lê Tung hẳn tự khen về văn chương đại khoa của mình trong lúc Hàn Dũ thoát nạn rơi đầu, bị đày đi châu xa hẳn phải trở về với thực tế mà hối hận buổi gan liều vì khả năng tinh thuần cổ văn. Khi nhận ra áp lực của hiện tại thì người ta đẩy vấn đề vào quá khứ, cũng là một ảo tưởng rằng đã giải quyết xong. Lê Quát cuối đời Trần còn thấy sự cô đơn của phe phái huống chi Lê Văn Hưu vào lúc giữa đời, nên ông này chỉ chê khéo vua đương thời bằng cách bài bác cái sai của vua triều trước. Ngô Sĩ Liên cũng vậy. Ông chỉ thẳng thừng với các ông vua Lí Trần mà khuất mặt sau lời khen Lê Thái Tổ. Còn lưu lại trong quyển 11 TT ngày nay, là phần mượn của Phan Phu Tiên với nỗi thương tiếc nịnh nọt thông thường. Một đoạn trích của (Quang Thuận) Trung hưng kí với lời lẽ nặng nề nhưng là nương theo thời thế, giúp ông có một lời chê Thái Tông về một lỗi phạm đến danh giáo (tư thông vợ người, chết vì dâm dục) khiến ông vua con, Thánh Tông, người dựa lưng vào quyền uy ý thức hệ mới, không thể bênh vực được.

Nhưng Lê Thánh Tông đã chuẩn bị kĩ cho triều đại của mình, chận tiệt mọi phê phán. Ông mắng sa sả các cận thần; trong chuyến đánh Chiêm Thành (1471), ông bắt chước Hán Cao Tổ đái vào mũ các quan về “tội hủ nho làm hỏng việc” – những “người tâu càn bậy” ấy mới vừa được ông thưởng tiền trước đó! Có khen, có nhận lỗi ông cũng bày tỏ một cách hách dịch, không chừa cả việc giết người thân quen từng được nâng đỡ lâu ngày, khi người này lầm tưởng được đắc thế, dám chê bai ông (Trần Phong). Với sử quan, ông đòi xem thực lục chép về ông. Tất nhiên Lê Nghĩa dùng dằng cho phải phép nhưng rốt lại vẫn phải đưa – sao không là bản đã sửa đổi để ông cho trả lại, im lìm? Với Ngô Sĩ Liên, ông dằn mặt hạch tội “theo nguỵ”, hạng nguỵ Nghi Dân cướp ngôi trong 8 tháng, chưa kịp thay đổi gì, nghĩa là tội trạng có thể gán cho bất cứ ai lúc bấy giờ, chẳng cứ gì với ông ngự sử. Ông hạch tội “gian thần bán nước”, nhiếc họ sao không chết đi theo nguỵ mà lại trở cờ phục vụ ông, nghĩa là, theo ông, công lao trong hiện tại không đủ bù lấp quá khứ xấu xa vốn có thể bị hạch hỏi bất cứ lúc nào.

Ảnh hưởng của Lê Thánh Tông không phải chỉ dừng lại dưới đời ông. Thể chế ông lập ra, Mạc cũng không dám thay đổi, còn được áp dụng cả vào thời trung hưng về sau, cho nên cũng dễ hiểu là có tác động đối với sử thần. Sau Ngô Sĩ Liên là Vũ Quỳnh với vài lời loạng quạng cho phải phép, Đăng Bính chê họ Mạc như những người khác chê họ Hồ, còn Phạm Công Trứ thì chỉ có họ Trịnh mà thôi dù hình thức vua Lê vẫn còn đó. Cho nên chi tiết Lê Lợi giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo phải đợi đến thời chính quyền Lê Trịnh lung lay mới thấy ông Lê Quý Đôn nói tới!

VẤN ĐỀ ĐẠO LÍ DÂN TỘC TRONG TƯƠNG QUAN ĐỒNG VĂN

Nét nổi bật nhất của Lê Văn Hưu không phải là chuyện chính danh hay lấy đức người quân tử làm nền tảng cho việc dựng nước, trị nước. Ông chỉ nói những điều đó như các sử quan Trung Hoa, có thể như sử quan đồng liêu với ông sứ thần Cao Li cùng xướng hoạ với Lê Quý Đôn 5 thế kỉ sau. Điều đặc biệt là trên nền tảng một đạo lí làm người nói chung, ông khẳng định có sự chia xẻ nhân cách cho khu vực, cho tập họp Đại Việt mà vẫn không rời xa những lời dạy của thánh hiền Kinh Truyện cùng những sự kiện còn lưu truyền.

Những lời khen các nhân vật nổi dậy chống chính quyền phương Bắc, lời cảm thán lúc đất nước dân tộc suy vong, lời miệt thị kẻ cả đối với các tập đoàn nhỏ yếu hơn, chứng tỏ ông đã kết nối được cái chung và cái riêng trong một sử phẩm, vốn nếu không có nó thì chỉ là những mảnh sự kiện xảy ra theo thời gian gói tròn trong khu vực mà thiếu sự vươn toả ở tầm mức lí trí cao hơn, rộng lớn hơn. Tất nhiên là đã có những nho sĩ đem kiến thức Kinh Truyện vào làm khung cho một tổ chức chính quyền trung ương ở cựu thuộc địa phương Nam này; đã có những trận chiến giành quyền làm chủ thành công từ thế kỉ X, XI cùng những xây dựng lâu dài mang danh nghĩa đất nước riêng biệt từ lúc Thiên triều Tống phải công nhận biên giới và người chủ có tên gộp lại là An Nam Quốc Vương. Tuy nhiên vẫn cần có một hình thức ở tầm mức trí tuệ để lưu giữ kí ức lâu dài mà những ghi chép dù qua nhiều năm tháng vẫn không đạt được đòi hỏi cần thiết. Cần phải có một cái khung bao trùm, kết hợp các sự kiện, cần một quyển sử tổng hợp, và Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu là kết quả đáp ứng. Tất nhiên có thể là “Việt chí” của Trần Chu Phổ đã đạt được mong muốn ấy nhưng với tình hình thực tế của tài liệu hiện nay thì ta đành phải bỏ qua Trần mà công nhận Lê Văn Hưu.

Khung địa lí, khung tư tưởng đã sẵn có, chỉ còn lại vấn đề khung thời gian cho chủ thể, và Lê Văn Hưu đã chọn khởi đầu là Triệu Đà. Vì sao? Ta không biết, chỉ vì tác phẩm của ông không còn lại nguyên vẹn, ít ra là lúc mở đầu sách, để xem ông có biện minh điều gì không. Ta chỉ biết ông viết “từ Triệu Vũ Đế...” theo lời người đã choàng vào sách ông cả một kỉ Hồng Bàng thị mở rộng khung thời gian đến hơn hai ngàn năm trước, mà nếu ông thấy được chắc sẽ có nhiều phiền trách, đôi co, không biết chừng lại đi đến chỗ gán cho nhau là “thói chó lợn” như đã từng xảy ra. Vậy thì hãy phỏng đoán. “Sử” phải được “kí”. “Kí” xong thì trở thành “sử”. Ông Hùng Vương lớn mạnh, vươn ra đến tận Âu Mĩ ngày nay cũng vì nhờ Ngô Sĩ Liên đưa vào sử chứ không thì cũng chỉ làm ông thần lẩn quẩn ở Nghĩa Lĩnh, lâu lâu lại kèn cựa với ông Ngọc Tháp Đại Vương gần đấy mà thôi.

Và Ngô Sĩ Liên không phải đã bịa ra chuyện Hùng Vương, mà là kết tập những điều đã lưu truyền đến đời ông và khai triển nó ra. Lê Văn Hưu cũng vậy. Hẳn ông đã biết đến các thư qua lại giữa Tống và Đại Việt. Thư Tống Thái Tổ đe doạ Lê Hoàn làm cho ông tức giận – xét theo lời ông tán tụng công tích của Lê Hoàn. Nhưng tinh thần đồng văn hẳn khiến ông chấp nhận lời dịu ngọt của bức thư Lí Nhược Chuyết mang sang năm 986, trong đó có lời vua Tống ban cho người xin thần phục: “[Phải như] Sĩ Nhiếp cứng mạnh, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính thuận tòng, vâng chiếu Hán chẳng trái. Nên... vỗ yên man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều.” Ông đã biết Đinh Liễn được Tống phong làm Giao Chỉ Quận Vương – không phải là Nam Việt Vương như trong nước tự phong, ở nơi có cùng tên với nước của nhà Triệu. Chắc ông cũng biết họ Lưu đóng đô ở Phiên Ngung (của họ Triệu trước kia), đổi tên nước là (Nam) Hán (918) sau một thời gian ngắn ngủi tự xưng Đại Việt, cái tên mà vùng Giao Châu phương Nam sẽ phục hồi khi giành được độc lập.

Tuy Hoàng đế Thiên triều vẫn miệt thị là “An Nam” nhưng vua quan ở đây đã gọi riêng với nhau là Đại Việt, nên Lê Văn Hưu viết sách mới lấy tên là Đại Việt sử kí. Trong tinh thần dân tộc lên cao, ông sử quan vốn đọc được sách thánh hiền Trung Quốc nên cũng biết sử Trung Quốc có ghi tiền sử của khu vực Đại Việt kéo dài được cả hơn ngàn năm về trước, đụng đến tộc Bách Việt. Nhưng một tộc người dù có cả trăm (hay nhiều) giống thì cũng chẳng danh giá gì mà hỏi dò thêm. Chỉ có một ông họ Triệu lập nên nước sát bên cạnh, xưng là Nam Việt, lại còn lấy danh hiệu đế – bao nhiêu là trùng hợp! ngang với ông đang làm chủ ở Lạc Dương bấy giờ và ông ở Hàm Đan trước kia, chỉ có ông đó mới xứng đáng để nhận-họ-nhận-hàng, nhận làm người mở đầu cho nước Đại Việt ngày nay mà thôi. Tâm tình của ông phù hợp với các tài liệu sử ông được biết từ thời mở đầu độc lập. Ông chỉ chuyển ý nghĩa các tài liệu từ tương quan lệ thuộc sang tương quan độc lập cho đúng với “lí thuyết dân tộc” mà ông bênh vực. Nhưng đó cũng là “mới” rồi.

Có điều, lí thuyết nào đem so với thực tế thì cũng có sơ hở, và người mở ra còn phải tìm cách sắp xếp, biện minh. Lê Văn Hưu đã làm điều đó, vừa cho sự tự tín của cựu thuộc địa vừa cho tính chất ngoại lai của triều đại mở đầu. Triệu Đà mang dấu vết quan cai trị xa lạ rõ rệt quá, không có tính cách địa phương – giá lai một chút thì còn tốt, tốt hơn là bắt chước thổ dân ngồi chồm hổm tiếp sứ Hán. Tuy nhiên, lí thuyết thiên mệnh mà Lê Văn Hưu học được có tiên liệu cả điều bất trắc ấy rồi. Ông phải đem ra áp dụng. Thiên mệnh có thể trao cả cho người ngoại quốc, như ông đã biện minh: “Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế, Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại... người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay người Di, chỉ xem ở đức mà thôi.” Và khi nhắc lại nguồn gốc của Ngu Thuấn, Văn Vương, Lê Văn Hưu đồng thời đã xoá được mặc cảm Man của tập đoàn Đại Việt. Suy đoán của chúng ta về lí do chấp nhận Triệu Đà nói ở trên dù không đúng, vẫn còn một sự thật kéo dài đến nhiều thế kỉ là ông Triệu Đà và nhà Triệu nằm được trong sử Việt, cả khi Ngô Sĩ Liên làm ông mất địa vị kẻ khai sáng, cả đến khi Ngô Thì Sĩ gạt ra thành kẻ xâm lược.

Đến đây chúng ta có thể kéo dài qua Ngô Thì Sĩ. Quyển Đại Việt sử kí tiền biên được ông Phan Huy Lê cho là “một tác phẩm khác” (TT) nhưng lại công nhận nó đã “bảo lưu gần như nguyên vẹn từng đoạn của bộ ĐVSKTT”. Điều đó chỉ chứng tỏ thêm một cung cách viết sử của người xưa mà thôi. Sự kèn cựa kẽ vạch chi li của nhà nho ngày xưa khiến Ngô Thì Sĩ đã thêm nhiều điều mới trong đó có phần xác định tương quan của nhà Triệu với Đại Việt mà ta muốn bàn ở đây. Việc ông không chịu Triệu là một triều đại Đại Việt khiến nhiều sử gia và nhà nghiên cứu ngày nay khen ngợi tinh thần ái quốc nồng nhiệt của ông. Đúng là thấy đâu nói đó!

Những người trích dẫn Ngô Thì Sĩ về chuyện này thường chỉ dừng lại ở chỗ mình muốn khen mà không trích hết lời bàn, vì ở đoạn cuối có điều khó ăn khó nói. Đoạn ấy như thế này: “Đà đối địch với Giao Châu mà Giao Châu lúc ấy chưa thông với Trung Quốc. Cho nên tôi đặt ra lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc.”(Chúng tôi nhấn mạnh.)

Chúng ta bàn trước hết theo hướng “ái quốc” đã được dẫn giải. Ngô Thì Sĩ chịu thời kì đó là “ngoại thuộc Triệu” chỉ vì Đà là người Hán, nước Việt của Đà không phải là nước Việt của Hùng Vương. Nhưng sau khi công nhận An Dương là người Thục, cho rằng An Dương diệt Hùng Vương cũng như Đà diệt An Dương, và chỉ vì cái khác là Đà đóng kinh đô ở ngoài địa phận Giao Châu nên bị coi là kẻ ngoại xâm, còn Thục đóng đô ngay bên trong (mới được một đời!) nên được công nhận là triều chính thống của nước Việt, thì lí lẽ cũng hơi gượng ép đấy. Thế rồi chịu “ngoại thuộc Triệu” mà công nhận “nội thuộc” Tây Hán, Đông Hán... “nội thuộc Minh” thì cũng không có tinh thần ái quốc nhiều lắm đâu! Mấy ông vua Đinh, Lê, vài ông vua Lí còn phải chịu tiếng Tiết độ sứ, (Giao Chỉ / An Nam) Quận vương như một ông quan trong triều Trung Quốc, nhưng dù sao cũng hãnh diện có được lãnh thổ riêng biệt rồi.

Lí Anh Tông, từ 1164 lại thêm được Thiên triều Tống công nhận là Quốc vương, nghĩa là vua một nước tuy còn chịu tiếng phiên thuộc nhưng đã có danh vị bên ngoài đàng hoàng, thì hà cớ gì đến đầu thế kỉ XIX Ngô Thì Sĩ lại để cho người dân, khi nghĩ đến thời mất nước, cứ khăng khăng chịu là nội thuộc chứ không chịu dùng chữ ngoại thuộc? Cũng vẫn theo lí sự thường thường bậc thấp đó thì phải cho rằng Ngô Thì Sĩ chê nhỏ nịnh lớn, bỏ thấp vói cao, không chịu đi chầu Phiên Ngung mà muốn lặn lội đến tận Lạc Dương, Tràng An, Bắc Kinh cho bõ công thần phục.

Nhưng thôi, chớ suy luận theo kiểu lấy tâm tình đời nay xét lịch sử nữa. Hãy cứ ráng theo sát các ông sử quan xem họ nghĩ gì với con người thời đại của họ.

Không có cách nào khác, ta đã đoán chừng lí do Lê Văn Hưu chọn Triệu Đà vì ý thức dân tộc riêng biệt tích luỹ qua nhiều thế kỉ độc lập rồi. Lại cũng phải đoán thêm nguyên nhân cấp thời khiến ông có giọng thiết tha quá khích: Chỉ vì đã xảy ra các biến cố đe doạ đến sự tồn vong của tông tộc chủ nhân của ông, từ đó đến bản thân ông đang sống trong một đất nước có chủ quyền riêng từ lâu. Mười một năm sau khi ông thi đỗ làm quan (1247/1258) toán tiền phương Mông Cổ sau khi chiếm nước Đại Lí đã lấn thăm dò Đại Việt. Họ thua vì ít quân, vì không có dự mưu chiếm đóng, nhưng mối đe doạ của toán quân bách chiến bách thắng Mông Cổ đã hiện hình nơi biên giới. Từ đó, nhà Trần lo liệu chuẩn bị chiến tranh giữ nước. Chưa đến lúc có những trận đánh lớn như về sau nhưng sứ Nguyên sang dụ dỗ, hạch sách đã tỏ rõ mối đe doạ càng lớn hơn, và ngay chính năm Lê Văn Hưu viết sử (1272) thì đã có chuyện vặn vẹo về cột đồng Mã Viện xác nhận tin tức quân Nguyên chuẩn bị xâm lăng nghe vài năm trước (1266). Ám ảnh mất nước, tưởng tượng ngày bị lệ thuộc hiện ra lời cảm khái khi nói về thời thuộc Hán “bị các thứ sử phương Bắc tham tàn làm khổ... cướp vét” khiến Lê Văn Hưu quên mất kinh đô Lạc Dương của Hán xưa kia mà lại lẫn với Bắc Kinh (Đại Đô) của Nguyên vào thời ông!

Mặt khác, quan niệm đồng văn với Nho gia Trung Quốc (riêng biệt là với người viết chế sách năm 986) khiến Lê Văn Hưu tán tụng Sĩ Nhiếp, quên ông này là một thái thú Thiên triều, từ chỗ nhận như người cùng phe văn hoá, lại nhảy sang tinh thần dân tộc, ghép ông thái thú vào với Triệu để có dịp tán tụng người ở giai đoạn trước có “tài”, “dũng”, người sau có “trí” khiến cho “bờ cõi nước Việt... toàn thịnh” được một thời. Chú tâm về sự tồn vong của đất nước khiến ông quên mất lòng tự ái phái tính của bản thân, của giáo dục nho gia, chê: “[T]rong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”

Cũng từ ý thức đồng văn, Lê Văn Hưu lại chia xẻ quan niệm vương hoá của Trung Hoa, đem áp dụng một cách tự nhiên vào quốc gia mình để đối xử với Chiêm Thành theo cung cách nước lớn. Cho nên ông mới có lời cảm khái vì bị Chiêm xâm lấn trong hồi Bắc thuộc và nỗi hãnh diện khi nhắc về những chiến công của Lí Thái Tông, Thánh Tông. Tất cả những lời bàn sử đó đều phản ảnh mối lo âu về một thời mất nước có thể xảy đến như trong quá khứ nhưng lại cũng có sự tự trấn an rằng chưa đến nỗi nào đâu!

Ngô Sĩ Liên thì bình tĩnh hơn. Vẫn công nhận Sĩ Nhiếp, vẫn công nhận Triệu Đà nhưng ông vừa hưởng được một thành quả chiến thắng rỡ ràng của Lê Lợi thành thử ông có thể đặt suy luận vào ý thức văn hoá nhiều hơn theo với tầm mức xâm nhập Nho Giáo sâu hơn ở thời đại ông. Vì ý thức dân tộc mở rộng, lại nắm được các tài liệu mới (cứ tưởng là đúng), ông đặt thêm một ngoại kỉ Hồng Bàng cho nước Việt để thấy có thể phục vụ được cho thời đại nhiều hơn người trước. Ông không coi Triệu Đà là người khai sáng nữa, tuy nhiên vẫn để ông này ở địa vị cao và do đó, sự tán tụng không nằm ở phần đối địch với Hán mà chuyển qua bàn về lí do truyền đời căn cứ trên cái đức cho hợp với lời thánh hiền dạy. Nhà Triệu vẫn là “của ta” trong tâm trí ông nên đất Triệu cũng vậy, do đó ông tiếc cho Ngô Quyền thắng Nam Hán mà “không giữ được đất (Nam Việt)”. Trong tinh thần đồng văn được nâng cao, ông ít xét đoán các quan lại cai trị theo khía cạnh áp bức như Lê Văn Hưu mà lưu tâm hơn đến cách hành xử theo lễ, theo nghĩa, theo tinh thần trung dung của người quân tử, của bậc thánh nhân cầm quyền, những tiêu chuẩn mà ông cũng sẽ dùng đến khi phê phán người trong, ngoài nước không phân biệt chủng tộc, Nam Bắc.

So với Lê Văn Hưu, ông cũng phô bày tinh thần “Thiên triều nhỏ” một cách mềm mỏng hơn: Không những không huênh hoang về các thành quả đánh bắt vua Chiêm, tàn phá thành trì mà ông lại trách vua Lí đã sử dụng binh đao, không chịu lấy cái đức để phủ dụ man di theo về! (Lời trách này có dụng ý mượn kinh sách, ám chỉ chiến thắng Chiêm Thành 1471 để trả thù ông vua chửi mắng mình không?) Cũng vậy, đối với sự mất còn của đất nước ông không phải lo âu bối rối như Lê Văn Hưu. Ông đã có chiến thắng quân Nguyên rành rẽ trên trang giấy, và thấy chiến thắng quân Minh trong đời, nên chỉ bàn lẽ thắng bại tuy là do “vua tôi cùng lo, quân dân chung sức” nhưng trước hết là do “thận trọng trước sự răn bảo của trời, làm hết phận sự của người... (theo) cái đạo vãn hồi tai biến của trời vậy.” Không những thế, ông còn nhân dịp các sự kiện chiến tranh mà tán tụng thêm công đức của chủ ông, Lê Thái Tổ.

Mặt khác, cái đà duy văn hoá ấy lại khiến ông giống Ngô Thì Sĩ nếu không có lời mắng mỏ của Lê Thánh Tông: “[N]gươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là... ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua.” Ngô Thì Sĩ đi xa hơn Ngô Sĩ Liên chỉ vì không có một ông Thánh Tông như thế. Ông chê Ngô Sĩ Liên “theo lối hiểu nông cạn” của Lê Văn Hưu, rồi chê Lê Tung, Đặng Minh Khiêm tiếp tục “cùng nhau ca tụng” Triệu Đà đến gần cả ngàn năm, cứ sai lầm mãi cho đến khi có ông cải chính, mà không thấy rằng đó là kết quả của tinh thần từ chương kinh sử ông cũng chia xẻ trong những phần khác ở quyển sách của ông.

Bỏ qua sự suy nghĩ trì trệ kéo dài thành truyền thống, ta cũng thấy đó là do các người kia chấp nhận một cách giải thích điều hoà được sự mâu thuẫn của tinh thần quốc gia địa phương và tinh thần văn hoá quốc tế trong khung cảnh của quá khứ Á Đông. Lê Văn Hưu đã viện dẫn Thuấn, Chu gốc là “Di”, điều mà sau khi các ông đó vào ngự trị được trong lịch sử một nước Trung Hoa to lớn, người ta hay quên – và ông Ngô Thì Sĩ cũng đã quên. Lê Văn Hưu đã giải quyết được sự tự ti địa phương trong khung cảnh văn hoá to rộng ông chấp nhận. Chỉ còn vấn đề gốc Hán, quan lệnh vốn của nhà Tần nếu còn gây lấn cấn, thì Ngô Sĩ Liên đã đem thêm lí lẽ, thay thế Triệu bằng Hùng Vương và cho nước Văn Lang lên đến tận hồ Động Đình thì không còn lí do gì mà phải theo Ngô Thì Sĩ bảo rằng Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung là ngoài lãnh thổ Việt. (Nhắc lại, cũng tương tự lập luận của ông này, cho An Dương, người nước Thục đến đóng đô ở Cổ Loa thì đương nhiên là một triều đại Việt vậy). Thời Ngô Thì Sĩ, chuyện nước Việt có lúc lên đến hồ Động Đình đã thành chuyện hoang đường với tài liệu Bắc sử rành rành. Vậy mà Ngô Thì Sĩ tuy bác bỏ (ông chỉ theo “sử cũ chép”) vẫn không thể nào dứt khỏi chuyện cha ông Hùng Vương, ông Lạc Long Quân, dòng dõi loanh quanh, bản thân ngụp lặn ở hồ Động Đình!

Sự khác biệt của Ngô Thì Sĩ với những người kia không bởi một ý tưởng “cách mạng” mà là do ý thức đồng văn đã tiến triển đến một giai đoạn khác. Nước Đại Việt / An Nam đã độc lập gần cả ngàn năm – thời Minh thuộc ngắn ngủi chỉ như một sự bất thường trong đời sống, mà lại cách thời ông đến cả ba thế kỉ rưỡi. Ông có ca tụng các anh hùng liệt nữ của nước Việt thì cũng chỉ là làm công việc của lí trí, vẽ vời cho một điều đã trở thành hiển nhiên chứ không thiết tha, xao xuyến như Lê Văn Hưu.

Đến thời ông, kinh sử Trung Hoa đã được học nhiều và sâu. Một ông tiến sĩ cùng thời, vịnh sử chỉ toàn thấy các nhân vật Hán Đường Tống tiêu biểu về đạo đức trung trinh, chẳng thấy của An Nam ta đâu cả (Song Quỳnh – Đức Đạt – Mai Am, Nhàn trung vịnh cổ, vịnh sử – Giáp ất tập, Lưu Minh Tâm dịch, Phủ Văn hoá Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1971).

Kiến thức về Kinh Sử của Ngô Thì Sĩ đã hơn Ngô Sĩ Liên nhiều khiến ông thêm thắt cho TT ở quyển sử của ông những điều đôi lúc có vẻ dư thừa, hơi giống như có vẻ khoe-chữ. Ông áp dụng tiêu chuẩn đạo lí viết sử của Chu Hi nhặt nhiệm hơn. Ngô Sĩ Liên chỉ nhắc đến Kinh Dịch như một bằng cớ kiến thức chung, còn ông thì đẩy xa hơn đến các thành quả lí số của kinh này. Tóm lại, ông đi xa hơn những người trước trong sự thâm nhiễm văn hoá Trung Hoa. Cũng như họ, ông coi đó là văn hoá của con người chứ không phải của người Trung Hoa, của vua Hán, quan Đường, dân Tống.

Tuy nhiên trong sự ngưỡng mộ sao lại không có chỗ, có lúc lẫn lộn con người chung và con người cụ thể của địa phương dân tộc? Trở về với con người An Nam thì ông ca tụng anh hùng liệt nữ Việt, nhưng lấy mẫu hình tiêu chuẩn là ở phương Bắc. Khen bà Trưng “tiếng tăm... chấn động cả Man Di, Hoa Hạ, cơ nghiệp mở mang... khuấy động cả đất trời” nhưng làm sao bỏ được cái ý miệt thị “đàn bà con gái đái không khỏi ngọn cỏ”? Phải dẫn chứng “theo Bắc sử, thời Hán thời Đường cũng có vua đàn bà”, mà quên rằng ở xứ đó người ta chê các bà kia là soán đoạt, dâm loàn! Tuy chê Lê Hoàn có tội cướp ngôi vua, tư thông với thái hậu, lại không thể phủ nhận công tích thắng Tống, nhưng đồng thời cũng hãnh diện việc Hoàn “được thượng quốc [Tống] thông hảo, ban văn sách khen ngợi, sánh với Triệu Đà...” Tính chất đồng văn hoá có cấp bậc đó phản ảnh thực tế thiên triều và phiên thuộc trong cách đối xử giữa Trung Quốc và Đại Việt đến thời đại ông đã thành nếp.

Cho nên về mặt lí thuyết, Ngô Thì Sĩ không đồng ý việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên so sánh Triệu Đà với Cơ Tử, Thái Bá chỉ vì trong sử sách ông đã học, Đà không được ca tụng nhiều như hai người kia. (Ông không nghĩ ra, có thể giản dị là vì hai người kia xưa hơn, lại nằm gần trung tâm Hạ Thương Chu hơn.) Ông bỏ lơ cái ý Ngu Thuấn, Văn Vương là Di (mọi rợ) của Lê Văn Hưu, bởi vì “với Thuấn thì Đà không thể sánh kịp rồi”. Lê Văn Hưu với kiến thức của người mới nhập cuộc dễ nhận ra sự thật chưa bị cải chính về sau. Còn trong đầu óc của Ngô Thì Sĩ do kinh sử nhồi nhét, Thuấn đã là bậc đại thành trong thời Ngũ Đế, không thể nào là Di để Triệu Đà có thể so sánh mà làm bằng cớ cho Lê Văn Hưu an tâm với nguồn gốc (Nam) Man Di của mình.

Chính vì quan niệm đồng văn có cấp bậc như thế nên Ngô Thì Sĩ mới sửa đổi, xếp nhà Triệu vào kỉ ngoại thuộc để thuận tình gọi là nội thuộc với các thời đại bị cai trị bởi Lạc Dương, Tràng An, Nam, Bắc Kinh, trung tâm của Văn hoá, Văn minh, không phải của Di Địch. Và điều này cũng thấy tiếp tục với tầng lớp nho sĩ đó, tuy qua triều đại khác: Phan Huy Ích phò Quang Trung (giả) đi sứ Thanh, không phải với tinh thần Đống Đa oai hùng mà là của một phiên dân ngợp người trước sự hào nhoáng của triều đình phương Bắc, trước ân điển được ban phát từ Thiên tử Lớn Càn Long.

VẤN ĐỀ KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN CỦA SỬ GIA NHO THẦN

Chúng ta đã nói khá nhiều về quan niệm đạo lí của các sử gia nho thần. Một quan niệm như thế tỏ ra khá xa lạ đối với nền sử học ngày nay nhưng lại là nền tảng trong cách nhìn về quá khứ của người xưa và điều này không phải là không tác động những gì còn lưu lại để chúng ta có thể hiểu về lịch sử đất nước. Ví dụ như đã nói, Ngô Thì Sĩ vì thấy việc cất chùa là vô ích trong việc trị nước nên đã tuyên bố bỏ qua nhiều địa điểm xây dựng như thế, chỉ chép chùa Chân Giáo vì đây là nơi Lí Huệ Tông tự tử, việc chép này mang ý nghĩa như một sự cảnh cáo răn đe các sai lầm của bậc đế vương. Và khi phụ hoạ với các sử gia về trước mạt sát ông vua thất đức Ngoạ Triều, ông tiến lên một bậc, theo lời dạy của ông thánh Khổng, bỏ qua danh hiệu hoàng đế của ông vua này, chỉ cho chúng ta biết phong hiệu Khai Minh Vương của ông ta lúc còn là hoàng tử thôi.

Một quan niệm phe phía như thế cũng là thường tình, tuy nhiên, cách nhìn lịch sử theo quan điểm Nho Giáo như thế vốn phát xuất từ Trung Hoa cũng không ngăn được lịch sử của nước này còn lưu lại nhiều tài liệu, sách vở có thể được nhìn theo nhiều khía cạnh khiến cho quá khứ của họ đầy tính chất sống động, đòi hỏi khám phá cho người đời nay. Còn ở nước ta? Thật ra thì chúng ta cũng phải lấy làm may mắn đã có một quyển TT khiến cho bây giờ chúng ta thấy được quá khứ của đất nước, tuy ít oi nhưng vẫn là liên tục đến cả hơn ngàn năm, tránh cho các nhà nghiên cứu ngày nay khỏi phải mò mẫm tìm bia đá, đào moi đất đai, ráp nối sự kiện nghe ngóng chép ở các nước khác.., công việc đã nhiều cực nhọc mà kết quả vẫn đầy phân vân.

Có điều quyển sách mang tính cách gần như là của tập thể không phân biệt đó cũng khiến cho ta khó thấy được sự tiến triển trong nền sử học nước nhà.

Trong tình hình thực tế của tài liệu, chúng ta đành phải bỏ qua điểm khởi đầu: Lê Văn Hưu. Người đầu tiên giải bày phương pháp làm sử là Ngô Sĩ Liên, nói đến kinh Xuân Thu, mẫu hình đạo lí về sử, nhưng cũng chỉ ra riêng biệt quyển Sử kí của Tư Mã Thiên. Ngoài Xuân Thu, ông còn kể các sách Đào Ngột của Tần, Thặng của Sở nhưng rõ ràng đó chỉ là viết xuôi theo dòng văn chương chứ không phải đưa ra để làm chứng tích công trình. Kiến thức chi tiết thì từ Xuân Thu, ông phải đọc đến Tả truyện như đã thấy trong các dẫn chứng. Ông có biện biệt về Chu Hi (và Tống nho nói chung), có nhắc đến Tư Mã Quang, tác giả Tư trị thông giám, về chi tiết có chuyện Tống Thái Tổ làm vua, truy phong 4 đời tổ cho làm đế. Kiến thức của ông về các sử gia này, rõ rệt hơn hết là ở phần Phàm lệ với câu “khảo với Cương mục của Chu Tử” cùng cách xếp đặt triều đại, chú ý chi li như Chu Hi về cách dùng chữ như thế nào cho đúng với vị thế của nhân vật được nói đến... Tuy nhiên, vì vướng mắc của thời đại, ông đã làm điều ấy không cương quyết như Ngô Thì Sĩ nên ông này đã vứt “Sĩ Vương” cho trở lại hàng thái thú, và quá khích hơn, đã hạ Hoàng đế Ngoạ Triều xuống làm hoàng tử, cho bà Dương Thái hậu “tử” chứ không phải là “vong” để trị tội thất tiết...! Khi Ngô Sĩ Liên kể ra Sử kí mà chỉ chú ý đến tính cách biên niên như của phần thực lục, thì ta cũng ngờ rằng ông đã không theo sát các chuyên gia Trung Hoa. Tuy nhiên như sẽ bàn, dù có biết những khu vực cần phải nói đến thì sử quan Việt xưa cũng không có cách nào thực hiện được điều mà các bậc thầy ở Trung Hoa đã làm.

Tính cách thiên tử nhỏ ở Đại Việt lan qua việc làm sử sách, thể hiện ...


--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home