Thursday, February 24, 2005

địa linh nhân kiệt

Tạ Chí Đại Trường


Nói một cách chung chung thì trước thời đại kĩ nghệ, con người sinh sống phần lớn bằng nông nghiệp và do đó các lưu vực sông lớn nhỏ là nơi ghi dấu của những tập đoàn người có trình độ phát triển cao, nơi của những nền văn minh lớn, điểm khởi phát của những đế quốc lớn nhỏ.

Ngay cả di tích huy hoàng Angkor của đế quốc Khmer cũ cũng chỉ là căn cứ trên sự khai thác nước của các chi lưu đổ xuống Biển Hồ, tạo đất ruộng nuôi sống dân cư để phục vụ một quyền bính biết cố kết những kẻ dưới tay mình tập họp chiến binh mở rộng đất đai, xây dựng đền tháp hùng vĩ trong hiện tai mà không hề biết những thán phục hay nuối tiếc của thời sau.

Đất gắn liền với người khi sống. Và cả khi chết đi. Không những trong hiện tại mà nối liền với quá khứ và tương lai. Đó là nền tảng của quan niệm địa lí phong thuỷ ở phương Đông, hay rõ hơn, của Á Đông, phát xuất từ trung tâm văn minh lớn: Trung Hoa.

Sự nối kết ấy không được hiểu theo cơ sở vật chất mà gắn liền với một ý niệm siêu linh, cho đó là do tinh khí của núi sông, địa vực kết thành nơi con người sinh sống trên đó. Cho nên khi nhìn vào những vùng phát xuất những tài năng xây dựng sự nghiệp lớn, người ta thường bằng lòng với cách giải thích giản dị về tính chất địa linh nhân kiệt để cho người tại-chỗ có chứng cớ mà tự hào.

Cứ nhìn trên mảnh đất miền Trung của đất Chàm cũ, ngoài những nơi còi cọc, hễ có một chút đồng bằng hơi rộng là thấy dấu tích của những vương triều cũ còn sừng sững với vô số đền tháp: Indrapura của Quảng Nam, Vijaya của Bình Định, và vùng Phan Rang, nơi cố thủ cuối cùng của dân tộc bại vong.

Khi chuyển sang chủ mới, Quảng Nam là nền tảng cường thịnh của chúa Nguyễn chứ không phải Thừa Thiên, Quảng Nam với danh tiếng Ngũ phụng tề phi thời gần đây, Bình Định với phong trào Tây Sơn “quậy” từ nam ra bắc, động tới cả thiên đình Bắc Kinh. Có vẻ như tính chất địa linh nhân kiệt không mang tinh thần kì thị chủng tộc chút nào.

Tuy nhiên lại phải trở lại cái gốc của quan niện phong thuỷ địa lí. Nó phát xuất từ Trung Quốc, một xứ nông nghiệp tận căn bản đến mức độ anh nghệ nhân đã để lại không biết bao nhiêu công trình nghệ thuật choáng mắt người đời nay, anh thương nhân làm giàu cho đất nước, từ đó cũng làm phát triển bao nhiêu hình thức văn học nghệ thuật lôi cuốn hấp dẫn, thế mà các anh này cũng phải chịu lép vế, bị anh sĩ (quan lại, vua chúa) ghép sau anh nông. Nối kết con người và đất đai (trồng trọt) theo chất dính thần bí là lí thuyết Tam tài (Thiên, Địa, Nhân) từ sách Lã thị Xuân Thu của các Hán nho những thế kỉ quanh Công nguyên, mượn sách người xưa kết thành luận thuyết triết lí, đạo đức lưu truyền mãi về sau.

Trên nền tảng đó, đi về phía thực dụng mà phát triển ra khoa phong thuỷ địa lí, nói nôm na là khoa để-mả của các ông thầy cầm la bàn tìm đất, tìm hướng chôn người sao cho con cháu phát vương phát tướng, hay ít ra để khỏi nghèo mạt rệp! Sự phát triển của con người cũng phải cần nhiều yếu tố tác thành nhưng khi các yếu tố căn bản chưa thay đổi – hay thay đổi chậm chạp – thì con người cũng không thể nào vượt quá những điều kiện ràng buộc họ được. Những điều kiện kết thành cũ vẫn có tác động đến những con người mới đến trong địa vực, dù là họ khác chủng tộc – chưa kể sự pha trộn chủng tộc không tránh khỏi xảy ra ở nơi này đã khiến cho có sự nối kết thành tựu như của lớp người trước.

“Địa linh” không thiên vị chủng tộc theo một khuynh hướng thần bí bởi vì “ma Hời” không “bắt” người Việt mà cứ để cho họ sinh sống, phát triển. Địa linh chỉ còn lại ý nghĩa vật chất cụ thể là nguồn lợi sản xuất mà con người đến ở biết khai thác. Cho nên không lấy làm lạ là có sự nối tiếp của Indrapura và Quảng Nam, Vijaya và Bình Định. Nhà sử học Mĩ về Việt Nam, ông Keith W. Taylor, đã nhận ra Việt Nam có 5 trung tâm phát triển kình chống nhau: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thanh Nghệ Tĩnh, vùng Thuận Quảng, vùng Bình Định và cuối cùng, Gia Định, nói rộng ra đồng bằng Đồng Nai Cửu Long.

Cách nhìn đó giống như là thấy “sự đã rồi” nhưng căn bản vẫn là từ kết quả phát triển trong quá khứ của một dân tộc sinh sống bằng nông nghiệp, dựa trên những mảnh đồng bằng khác nhau, cách biệt theo đường đất cũng như qua thời gian tập họp nên. Sự kết thành của các nước khác trong vùng Đông Nam Á: Thái, Lào, Miến, hải đảo Nam Dương cũng không khác gì mấy. Lịch sử không dừng lại một chỗ. Bắt đầu từ nhiều thế kỉ qua, nhân loại đã bước qua thời đại kĩ nghệ.

Nhiều nước (trong đó có Việt Nam) vẫn còn lẹt đẹt phía sau với cảnh chân lấm tay bùn nhưng không tránh khỏi những dao động dữ dội tác động trên toàn cầu. Con người di chuyển nhanh hơn, nhiều hơn, sự trao đổi thông tin thường xuyên và chóng vánh hơn, ít ai có thể tự phụ mình “gốc” ở nơi nào mà không đặt thành vấn đề lúng túng tự xét. Sự kết tập muốn đề ra cho một vùng nào đó có khi chỉ mang tính cách địa dư chứ thực ra là bởi những tham vọng chủ quan, biện hộ... chẳng dính dáng gì đến cái linh thiêng cũ.

Dân Hà Nội gốc khi nghe người ta trách cứ tóm gọn quyền hành, đã nhăn nhó: “Bọn Thanh Nghệ đấy chứ!” – nghe như ẩn ức của lời bực bội “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” thời Lê Trịnh xưa. Dân di cư 1954 có vẻ thương nhớ Sài Gòn hơn cái đồng chua nước mặn, luỹ tre (còn xanh không?) của xóm làng nào đấy đã mờ mịt trong tâm trí.

Xưa hơn một chút, khi ông Hoài Thanh tập họp một nhóm thi sĩ trong sách ông, đặt tên ‘nhóm Bình Định” thì chỉ là làm một việc sắp xếp cho gọn, cho dân Bình Định hứng chí chứ thật ra nhìn đi nhìn lại chỉ có hai ông gốc nẫu, một ông lai 50%, các ông khác là dân trôi nổi, bệnh hoạn tấp vào!

Tuy nhiên quá khứ vẫn còn đấy, dai dẳng trong đầu óc hơn người ta tưởng, dai dẳng trong ngậm ngùi cay đắng hay bùng nổ dữ dội.

Bên lề của thời đại kĩ nghệ, Sài Gòn / trung châu Cửu Long phát triển hơn Hà Nội / trung châu sông Hồng, Sài Gòn trên đất nước thống nhất có khi cung cấp đến 6, 70% ngân sách quốc gia mà than nhỏ rằng chỉ được trả lại một phần nhỏ không đủ cho tái phát triển, Sài Gòn nhiều tiền bạc để các viên chức trung ương kiếm chuyện vào Nam tham quan, kinh lí để được hưởng tiệc tùng, quà cáp bằng hoặc “trên mức tình cảm”!

Đảo Java của nước Nam Dương bao chiếm quyền hành để dân Sumatra phải nổi lên đòi độc lập, li khai. Với thời đại mới, đất hình như đã “lỏng” dưới chân người quá nhiều. Con người với các phương tiện tự tạo moi móc từ thiên nhiên, lấn át thiên nhiên, đã không chịu nép mình dưới các áp lực đe doạ thời cũ nữa, để nắm lại vận mệnh của mình. Ngày nay, ngay cả ở xứ cỗi gốc của quan niệm xưa, người ta cũng biết rằng địa chỉ linh khi con người có cố gắng tự cải tiến, và nhất là không phải thay đổi theo dòng suy nghĩ cũ nữa. Sức trì níu cũ vẫn còn đấy, có khi mạnh mẽ nữa là khác, nhưng nhân chỉ trở thành kiệt xuất khi biết tự bảo, bảo nhau tìm đường tiến, không mơ mộng một thời hoàng kim tưởng tượng, không ỷ lại, nằm vạ quá khứ, không gậm nhấm ăn mòn tài sản của cha ông...

Chức phận, địa vị xứng đáng nắm giữ, trường tồn được phải tương ứng với khả năng cá nhân trong đào tạo chứ không phải do mơ mộng hoang tưởng vượt trên sức mình, cứ tưởng đất có vua cũ thì mình cũng có thể, nhất định, là vua mới, đang sống thật mà như trong giấc Kê vàng. Và muốn được như vậy cũng phải mệt cầm canh đấy!


Mười 31 1999
---

0 Comments:

Post a Comment

<< Home