Thursday, February 24, 2005

sử việt, đọc một quyển - lời giới thiệu

Tạ Chí Đại Trường
Chép lại, không nhớ ngày nào.



Bản tặng ông CT UBND TP. HCM
(Tặng quyển Thần, người và đất Việt)
Nhân có người gởi sách của chúng tôi về cho bạn ở VN, bị kết tội là sách mang “nọc độc” của một “tên phản động hạng nặng” nên xin tặng ông một bản để xem “chữ nghĩa chuyên chở” có “bổ ích gì cho trí óc” không đối với thế hệ trẻ và tương lai của dân nước, nếu thật tình muốn vì dân nước, để mong học giả VN được Đảng và Nhà nước nhẹ tay, khỏi là cái bóng lẽo đẽo mãi theo sau Tây Mĩ Tàu, hay chỉ tự phụ nói ngang một mình.
Trân trọng.


Hình như (làm việc muốn là khoa học mà cứ “hình như”) hình như có câu ngạn ngữ về việc phải “sợ người đọc một quyển sách.” Sách vở vốn là thiên kinh vạn quyển mà còn chưa chứa đựng hết cả kiến thức của nhân loại huống hồ là chỉ bó mình trong một quyển sách. Cho nên chỉ đọc một quyển rồi tự phụ là đã hiểu thấu đáo rồi vung vít tự nhận mình đã nắm hết chân lí, không cho ai bàn chen, người ta ngán sợ là phải rồi.

Muốn có quân bình trong phán đoán, muốn giương danh, phải tìm cách ôm hết các bồ chữ trong thiên hạ. Nhưng đó là nói chuyện lí tưởng, mà khi lí tưởng đã đi đến tột cùng thì dù đối nghịch nhau, sự tàn hại đưa đến cũng vẫn giống nhau, không ai thua kém ai. Cũng có thể hiểu: Dù có thiên kinh vạn quyển mà đóng bìa da mạ gáy vàng để đó, hay đưa ra xáo trộn nháo nhào làm học-giả-trích-dẫn thì cũng không ai phải “sợ” đâu. Có một quyển, đọc kĩ, người ta mới sợ.

Lịch sử Việt Nam đến thế kỉ XVII, để lại cho người Việt, chỉ còn độc một quyển – hay nói cho đúng hơn, một tập họp dưới cái tên Đại Việt sử kí toàn thư (thường gọi tắt là Toàn thư) được dịch nhiều lần ra chữ quốc ngữ ngày nay, được làm căn bản trong hầu hết các nghiên cứu thời bây giờ.

Về mặt phổ thông, phổ biến thì bản dịch cuối cùng (không kể bản dịch lỡ dở của Việt Nam Cộng hoà) của Viện khoa học xã hội Việt Nam 1993, có kèm bản chữ Hán, là mới nhất, đến tay người Việt bình thường.

Nói là “độc một quyển” vì quả thật những kẻ viết sau, dù đặt tên này hay tên khác, đều chỉ căn cứ vào đó làm việc tóm lược, tán rộng, nối tiếp cùng một chiều hướng, cắm thêm râu ria – có râu nhìn vào thấy cũng đẹp lão, có râu thấy rõ ràng là vì thuốc bôi lên! Và người của thời đại mới, thời đại khoa học, hình như – lại hình như !– phần đông cũng không hơn gì người xưa.

Phần chúng tôi khi muốn giở lại quyển sách cũ đó không phải là vì muốn người ta ngán sợ mình. Gần suốt đời làm lại thuộc, cu-li, nhảy qua nhảy lại mấy trường Đại học không đủ để nóng chân, tuy chẳng lấy làm tự ti nhưng cũng thừa kinh nghiệm thực tế ở đời để không mong dùng chữ nghĩa hù doạ được ai.

“Đọc một quyển” vì thực tế chỉ có một quyển, không kể vài cái râu ria từ chợ trời, lượm lặt đâu đó. Ví dụ tập Ngan Nan tche yuan của Trường Viễn Đông Bác Cổ chạy từ một gia đình tan tác nào, ra nằm phơi nắng cả mấy năm ở đường Đặng Thị Nhu (Sài Gòn) với giá 200 đồng – năm 1986, bằng với số lương tháng văn nghệ sĩ của ông Sơn Nam lếch thếch lang thang. Chỉ có vậy thôi.

Nhưng đã viết ra trình cho bàn dân thiên hạ thì cũng phải có vài lời nói trước. Làm việc chữ-nghĩa ở hải ngoại, dù người ta cố vùng vẫy, cũng chỉ là theo một tình trạng “Việt Nam Cộng hoà nối dài (thêm)”. Gặp dịp cơm áo no ấm hơn thì chữ nghĩa cũng nhiều hơn. Hiệu quả y tế kéo dài thêm tuổi thọ, sức khoẻ thì cũng nối dài trang giấy viết của những người không hội nhập được với xứ sở mới trong lúc ngóng chờ kẻ tiếp nối lưa thưa.

Làm một thành phần của nó, người viết cũng chỉ mang những kiến thức thâu thái từ trong nước đem ra bàn lăng nhăng nơi xứ sở mới, nhiều lúc tự hỏi chẳng biết vì lẽ gì mà phải cặm cụi, đành cứ coi như một cách giải trí, như vài người khác. Thế cũng còn hơn ai đó không biết cách nào “giải trí”. Vui đâu chúc đó, cả khi đi mượn đất. Cho nên không thể dài dòng dẫn giải theo sự đòi hỏi “trong sáng” của những người không biết chịu khó. (Đọc sách, dù là đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, cũng phải “động não” chứ!) Nói một vài điều hơi-khác từ trong đầu thì không ngại người ta hỏi:”Lấy ở đâu?” Hay chê:”Nói ngược ngạo!” Cứ mải lo đi làm bản sao thì dù giấy mực có nhiều và rẻ cũng không nên tổn sức. Có đùa bỡn, thiết tha một chút cũng không sợ làm mất lòng giới đại học nghiêm túc, bởi vì tính chất nghiêm túc có sẵn, theo thiển ý, nếu không bị thành kiến che lấp, vẫn còn đó dù người viết, như đã nói, không thường sống đóng-bộ, lên gân, và vẫn cho rằng một chút ý vị văn chương có thể giải thoát được sự chật chội của chuyên môn mà vẫn không làm hại đến sự chính xác của luận lí – và nhận ra điều này thì lại còn tuỳ nơi khả năng kiến thức và tâm tính của người đọc nữa. Thêm một chút cho Mã sử – chữ thấy của Ngô Sĩ Liên – ông Tư Mã Thiên hẳn cũng vui lòng được có kẻ “nối điêu” mà người nay cũng không phải hổ thẹn vì một chút âm hưởng hiện đại từ lúc đọc Tristes tropiques của C. Lévi-Strauss, chẳng cần phải giả trang là người ngoại cuộc đi xâm nhập thực tế.

Chút cảm khái không chịu nuốt vào bụng như những người cầm quyền trong nước mong muốn cho đám trí thức dưới tay chịu xoa đầu, chút bướng bỉnh muốn ngẩng cao đầu vì khoa học thúc đẩy đã khiến cho tác giả thành “tên phản động hạng nặng”, nhưng chữ nghĩa vẫn còn đó, không phải “không bổ ích gì cho trí óc”, trái lại sự nghiêm túc sáng tạo đã được trong ngoài xác nhận, tất nhiên không phải bởi những người quyền uy trùm lấp dân chúng mà lo đề phòng thằng cu li đến nỗi sợ cả cái bóng của mình. Với thời thế phức tạp, với con người nhiều khuất khúc thì nói bao nhiêu cũng không vừa, thôi thì hãy cứ làm việc.

Riêng ở đây, có lời nào trang trọng, nghiêm túc thì để dành tặng Thầy:

Giáo sư Nguyễn Khắc Kham.


--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home