Friday, March 11, 2005

Tiền Biên - Quyển thứ III

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Tiền Biên

Quyển thứ III

Năm Canh Dần (210). (Hán, năm Kiến An thứ 15).

Tháng 12, mùa đông. Chúa Ngô, Tôn Quyền, dùng Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia, Sĩ Nhếp làm thái thú Giao Chỉ, có dâng biểu xin cho ba em làm thái thú các quận Hợp Phố, Cửu Chân, Nam Hải, hùng trưởng một phương. Còn thứ sử Giao Châu là Trương Tân mê mải việc quỷ thần, thường đầu đội khăn mầu đỏ sẫm, đọc sách đạo Lão, bị bộ tướng giết chết. Đến đây, Tôn Quyền dùng Bộ Chất làm thứ sử, Sĩ Nhiếp đem anh em ra vâng theo mệnh lệnh nhà Ngô; do đấy đất Lĩnh Nam mới phụ thuộc Tôn Quyền.

Lời chua - Bộ Chất: Người đất Hoài Âm thuộc Lâm Hoài.

Giao Châu, Cửu Chân: Xem Triệu Vũ Vương năm thứ 10 (Tb.I, 20).

Thái thú quận Giao Chỉ nhà Hán, là Sĩ Nhiếp, sai con vào làm tin ở nước Ngô. Nước Ngô phong Sĩ Nhiếp làm Long Biên hầu.

Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô chí, lúc bấy giờ Sĩ Nhiếp sai con là Hâm vào làm con tin, Tôn Quyền cho Hâm làm thái thú Vũ Xương; còn các con của Sĩ Nhiếp và của Sĩ Nhất ở bên Nam đều được phong làm trung lang tướng. Sĩ Nhiếp lại dụ cường hào Ích Châu, là bọn Ung Khải, đem nhân dân trong quận xin với danh nghĩa ở xa mà phụ thuộc Đông Ngô. Tôn Quyền lại càng ngợi khen Nhiếp, thăng cho làm vệ tướng quân, phong tước Long Biên hầu, cho em Sĩ Nhiếp là Nhất làm thiên tướng quân, tước Đô Hương hầu. Mỗi lần Sĩ Nhiếp sai sứ giả sang Ngô Tôn Quyền, không năm nào là không đem cống các thứ hương thơm, vảo nhỏ kể có hàng nghìn, hạt trai sáng, vỏ xà cừ, ngọc lưu ly, chim trả, đồi mồi, ngà voi, tê giác và các thứ quả lạ như chuối tiêu, dừa, nhãn. Lại còn cống cả hàng mấy trăm ngựa. Mỗi khi như thế, Tôn Quyền lại viết thư khen ngợi, ban cho rất hậu để yên ủi lại.

Lời cẩn án - Con Sĩ Nhiếp là Hâm, Sử cũ chép sai là Ngẩm. Lời phê - Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán, tùy thời nịnh hót, cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có mưu lược tài cán gì giỏi cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì đáng khen! Thế mà Sử cũ cho rằng Úy Đà cũng không hơn được, chẳng cũng là lời khen quá đáng dư! Năm Bính Ngọ (226). (Ngô, Tôn Quyền, năm Hoàng Vũ thứ 5; Hán, năm Kiến Hưng thứ 4; Ngụy, năm Hoàng Sơ thứ 7).

Sĩ Nhiếp mất, con là Huy tự động quyền làm thái thú Giao Chỉ.

Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô chí , Sĩ Nhiếp làm quan ở quận Giao Chỉ hơn 40 năm, thọ 90 tuổi mới mất.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Người nước ta thông Thi Thư hiểu lễ nhạc, trở thành một nước văn hiến93 là bắt đầu từ Sĩ Nhiếp. Tục truyền: sau khi Sĩ Nhiếp mất, đến cuối đời nhà Tấn cách xa hơn 600 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mả Sĩ Nhiếp lên, thấy thân thể diện mạo vẫn nguyên như lúc sống, liền đắp trả lại. Nhân dân vùng ấy cho thế là thần, dựng miếu để thờ, gọi là Sĩ Vương tiên.

Mùa đông. Nước Ngô chia tách đất Giao Châu đặt ra Quảng Châu, dùng Lữ Đại và Đái Lương làm thứ sử. Lữ Đại dụ Sĩ Huy ra hàng rồi giết đi. Ít lâu sau, nước Ngô bỏ Quảng Châu, lại cứ để làm Giao Châu như cũ.

Chúa Đông Ngô nghe tin Sĩ Nhiếp đã chết, cho rằng quận Giao Chỉ cách xa, mới chia từ Hợp Phố trở về phía bắc thuộc Quảng Châu, cho Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố trở về phía nam thuộc Giao Châu, cho Đái Lương làm thứ sử. Tôn Quyền lại sai Trần Thì94 sang thay Sĩ Nhiếp làm thái thú. Lữ Đại lưu lại Nam Hải, còn Đái Lương và Trần Thì đều đi trước đến Hợp Phố. Lúc ấy con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy đã tự động quyền làm thái thú, đem quân ra chống lại. Đái Lương ở lại Hợp Phố. Người quan lại cũ của Sĩ Nhiếp là Hoàn Lân khấu đầu can Sĩ Huy, khuyên nên ra đón Đái Lương. Sĩ Huy nổi giận, lấy roi đánh chết Hoàn Lân. Anh Hoàn Lân là Trị, con Hoàn Lân là Phát ( Sử cũ chép lầm là các con nhà anh của Lân là Trị và Phát), họp quân trong họ lại đánh Sĩ Huy. Sĩ Huy đóng cửa thành cố thủ. Bọn Hoàn Trị đánh mãi mấy tháng, không hạ được thành, mới giao ước hòa hảo với nhau; hai bên cùng rút quân. Về phần LữĐại nhận được tờ chiếu chúa Ngô bảo giết Sĩ Huy, Đại mới từ Quảng Châu đi gấp vào Hợp Phố, cùng với Đái Lương cùng tiến thẳng đến nơi, dụ dỗ con Sĩ Nhất là trung lang tướng Sĩ Khuông, để Sĩ Khuông bảo Sĩ Huy ra thú tội, thì dẫu mất chức quận thú, nhưng không có sự gì khác đáng lo. Lữ Đại cũng đi theo luôn Sĩ Khuông đến, thì bọn anh Sĩ Huy là Chi, em là Cán và Tụng sáu người cởi trần95 ra đón Lữ Đại. Lữ Đại từ chối96 , bảo mặc áo lại ( Sử cũ chép sai là mặc áo thường), rồi Lữ Đại tiến thẳng đến trước quận. Sớm ngày hôm sau, xếp đặt màn trướng, cho mời anh em Sĩ Huy theo thứ tự tiến vào. Trong khi quan khách ngồi đầy cả, Lữ Đại đứng lên, cầm phù tiết97 , tuyên đọc chiếu thư, kể tội Sĩ Huy, rồi sai trói lại đem chém, đưa thủ cấp về Vũ Xương. Còn Sĩ Nhất, Sĩ Vĩ và Sĩ Khuông ra hàng sau, vua nước Ngô tha tội cho; bọn này cùng với con Sĩ Nhiếp là Hâm đang làm con tin bên Ngô, đều bị cách chức làm dân thường. Mấy năm sau, Nhất và Vĩ phạm pháp, đều bị giết; chỉ có Sĩ Khuông bị bệnh chết trước. Khi Sĩ Hâm mất, bộ tướng của Sĩ Huy là Cam Lễ cùng với Hoàn Trị đem các quan lại và nhân dân đánh Lữ Đại. Lữ Đại ra sức đánh phá được, nên được thăng phong lên làm Phiên Ngung hầu. Bấy giờ mới bỏ Quảng Châu, lại để làm Giao Châu như cũ.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Khi cha mất rồi, Sĩ Huy đã không xin mệnh trên, tự lập làm thái thú, lại đem quân ra cự lại! Như thế, đối với lẽ phải, cố nhiên là nên đánh Sĩ Huy rồi; nhưng Lữ Đại dụ người ra đầu hàng để mà giết đi thì là trái lẽ. Giữ tin thực, là việc quý của một nước. Sĩ Huy đã ra hàng, nên trói đưa về Vũ Xương, để quyền sinh sát cho người trên định. Như vậy, mình có uy tín đối với kẻ dưới, chẳng cũng hay lắm dư! Tôn Thịnh có nói: "Hòa người phương xa, được lòng người gần, không gì hay bằng điều tín". Lữ Đại kết thân với Sĩ Khuông như thày, như bạn để thông tin tức và thề ước với Sĩ Huy, khi anh em Sĩ Huy cởi trần chịu tội, dốc lòng gửi mạng, thế mà Lữ Đại lại nhân đấy diệt đi, để cầu lấy công lợi. Do việc này, người quân tử biết rằng Tôn Quyền là người không biết cách kinh lý nơi xa và họ Lữ không được lâu dài. Lời chua - Lữ Đại: Tên tự là Đinh Công, người đất Hải Lăng thuộc Quảng Lăng, trước được bổ làm trưởng đất Dư Diêu, đến khi Cối Kê có giặc, Tôn Quyền cho Lữ Đại làm đốc quân hiệu úy, đem quân dẹp yên, được thăng làm thái thú Lư Lăng; đến đây, sang thay Bộ Chất, làm thứ sử Giao Châu.

Nước Ngô thăng chức cho Lữ Đại làm trấn nam tướng quân, rồi lại cho làm Giao Châu mục98 .

Lữ Đại đã dẹp yên loạn Sĩ Huy ở Giao Châu, lại tiến quân đánh quận Cửu Chân, vừa giết vừa bắt được kể có hàng vạn người, rồi lại sai người làm việc tuyên dương giáo hóa Trung Quốc vào miền nam cho cả vùng ngoài biên thùy. Các vua nước Phù Nam, nước Lâm Ấp và nước Đường Minh đều sai sứ dâng cống. Chúa nước Ngô, Tôn Quyền, ngợi khen công của Lữ Đại, phong lên làm trấn nam tướng quân. Năm Hoàng Long thứ 3 (231) dân Mán Ngũ Khê quận Vũ Lăng (nước Ngô) làm phản. Chúa Ngô cho rằng đất đai về mặt nam đã yên rồi, cho triệu Lữ Đại về. Thái thú Hợp Phố là Tiết Kính Văn ( Sử cũ chép là Tông) sợ rằng người sang thay Lữ Đại không được tốt chăng, bèn dâng sớ sau đây lên vua Ngô: "Xưa kia, vua Thuấn đi tuần phía Nam, mất ở quận Thương Ngô. Nhà Tần đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận, thì bốn quận ấy thuộc vào đất Trung Quốc cũng đã lâu lắm. Triệu Đà khởi lên ở Phiên Ngung, vỗ về thuần phục được vua Bách Việt. Đấy là những nước về phía nam quận Châu Quan99 . Vũ đế nhà Hán giết Lữ Gia, mở rộng ra làm chín quận, đặt quan thứ sử để trấn thủ và cai quản, rồi đưa người Trung Quốc sang ở lẫn với dân bản thổ, cho dân bản thổ học viết qua loa và võ vẽ biết được ngôn ngữ Trung Quốc; lại có sứ thần thời thường đi lại, (họ) trông thấy lễ nghi mà tự thay đổi theo. Đến khi Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, dựng ra trường học, dìu dắt nhân dân theo đường lễ nghĩa. Nhưng mà, (ở đấy) là nơi đất rộng, người nhiều, rừng hiểm, nước độc, dân dễ khởi loạn. Vả lại, đất này ở ngoài hẳn chín cõi100 , cách lựa chọn chức quan cầm đầu việc cai trị phần nhiều không được kỹ mấy. Như tôi được biết có các việc sau đây: Nam hải Hoàng Cái sang làm thái thú Nhật Nam, khi mới xuống xe, thấy cách đón tiếp không được long trọng, đánh chết người chủ bạ, rồi Hoàng Cái cũng bị dân đuổi đi. Thái Thú Cửu Chân, Đam Manh, làm chủ tiệc rượu của bố vợ là Chu Kinh, mời cả các quan to đến dự. Lúc rượu đã say, nổi khúc nhạc vui, Công Tào101 Phiên Hâm đứng lên múa, mời Chu Kinh múa. Chu Kinh không chịu đứng dậy, Phiên Hâm còn cứ ép Kinh mãi. Đam Manh tức giận cầm trượng đánh Phiên Hâm. Em Hâm là Miêu đem dân chúng đến đánh phủ lỵ. Đam Manh đến nỗi phải chết. Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp (thấy thế), sai quân đến đánh, cuối cùng vẫn không dẹp được. Lại như việc thứ sử trước đây là Chu Phù, người quận Cối Kê, phần nhiều đem người làng, như bọn Ngu Bao, Lưu Nghiệm ra làm trưởng lại, chiếm đoạt nhũng nhiễu nhân dân, cưỡng bức dân phải nộp phú thuế: cứ mỗi một con cá vàng, thu một hộc lúa. Nhân dân ta oán, kéo nhau đánh châu này, phá quận kia. Chu Phù phải bỏ chạy về đường biển, rồi trôi giạt đâu mất. Sau đó đến Trương Tân, người quận Nam Dương, không có uy lực mấy, bị người ta khinh nhờn, rồi bị giết chết. Sau nữa, Lưu Biểu sai Lại Cung là bậc cao tuổi sang làm quan, Lại Cung là người cẩn thận, nhưng hiền lành, không hiểu việc đời. Kế đó lại sai Ngô Cự làm thái thú quận Thương Ngô, Ngô Cự là người vũ phu nóng nảy. Lại Cung không phục tòng, rồi hằn học lẫn nhau, Ngô Cự đuổi Lại Cung ra khỏi Giao Châu. Khi Bộ Chất đến nơi rồi, thì lúc đó bộ tướng cũ của Trương Tân trước, như bọn Di Liêu, Tiền Bác, vẫn còn khá nhiều. Bộ Chất tiễu trừ được dần, xếp đặt vừa mới tạm ổn, thì lại bị gọi về. Lữ Đại bình xong đám loạn Sĩ Huy, đổi đặt trưởng lại, làm sáng tỏ cương kỷ, uy thanh ra các muôn dặm, đâu đấy đều vâng theo cả. Xem như thế thì việc yên ủi dân ngoài biên cương, vỗ về người cõi xa xôi, cần phải có người giỏi. Chức mục102 103 , nên lựa lấy người thanh liêm. Ngoài nơi hoang phục104 , thì việc họa hay phúc lại càng quan hệ ở quan lại. Ngày nay Giao Châu tuy rằng tạm yên, nhưng còn có bọn giặc cũ ở Cao Lương. Còn biên giới bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Châu Quan chưa yên, giặc cướp vẫn thường tụ họp quấy nhiễu. Nếu Lữ Đại không trở lại phương Nam nữa, thì nên chọn người có thao lược, mưu kế, cho làm thứ sử để phủ dụ dân chúng. Đối với người ấy, nên cho họ có uy quyền, được tùy tình thế à tìm cách đối phó, cốt phải làm được có hiệu quả tốt, như thế thì may ra mới có thể hàn gắn được. Còn những hạng người thường, chỉ biết giữ lề lối cũ, không

có mưu hay chước lạ gì, thì lũ ác nghịch ngày thêm nảy nở, lâu ngày thành hại. Vì thế, sự an nguy trong nước quan hệ ở việc dùng người. Vậy việc này không thể không xét kỹ được". Chúa nước Ngô nghe theo lời sớ này, lại cho Lữ Đại làm Giao Châu mục.

Lời chua - Tiết Kính Văn: Người ấp Trúc, quận Bái, khi còn nhỏ, theo người trong họ, lánh loạn sang ở Giao Châu, theo học Lưu Hi. Khi Sĩ Nhiếp đã quy phụ Tôn Quyền, Kính Văn được vời làm ngũ quan trung lang tướng, thăng lên làm thái thú Hợp Phố. Khi Lữ Đại đem quân sang đánh Giao Châu, Kính Văn với Lữ Đại cùng đi, vượt biển sang đánh phương Nam.

Châu Quan: Nguyên là quận Hợp Phố nhà Hán, đến Ngô đổi làm Châu quan.

Phù Nam: Tên nước. Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 7).

Lâm Ấp: Tên nước. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.3, 20).

Đường Minh: Tên nước. Ở trong vụng biển, cách quận Nhật Nam bảy nghìn dặm về phía Bắc, tức là nước Đạo Minh.

Cao Lương: Tên huyện, thuộc quận Hợp Phố.

Năm Mậu Thìn (248). (Ngô, năm Xích Ô thứ 11; Hán, năm Diên Hi thứ 11; Ngụy, năm Chính Thủy thứ 9).

Bà Triệu Ẩu105 , người quận Cửu Chân, họp dân chúng đánh phá các quận huyện. Thứ sử Lục Dận đi đánh, dẹp yên.

Người quận Cửu Chân lại đánh phá thành ấp. Các châu quận đâu đấy đều náo động, chúa nhà Ngô cho đốc quân đô úy châu Hành Dương là Lục Dận làm thứ sử kiêm chức hiệu úy. Lục Dận đến nơi, dùng ấn tín hiểu dụ, hơn ba vạn nhà ra đầu hàng; đất Giao Châu lại yên. Bây giờ có người con gái quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tụ họp dân chúng, giành cướp các quận huyện; Lục Dận đi đánh, dẹp yên.

Lời chua - Lục Dận: người đất Ngô quận, cháu họ Lục Tốn, người nước Ngô. Lục Dận trước làm tuyển tào lang, sau làm đốc quân đô úy Hành Dương. Đến khi giặc Man Di quận Cửu Chân đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động, chúa nước Ngô dùng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu.

Bà Triệu Ẩu: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, trong miền núi quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, tụ họp đồ đảng đánh cướp các quận huyện thường mặc áo vải mộc màu vàng, đi guốc, cưỡi đầu voi, xông ra trận đánh. Sau khi chết, thành thần. Nay có đền thờ ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Lời phê - Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng2. Xem như vậy thì Bắc sử chép chuyện thành Phu Nhân107 quân nương tử105 , há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu? Nhưng nói là vú dài ba thước thì cũng quái gở, đáng cười!

Năm Quý Mùi (263). (Ngô, năm Vĩnh An thứ 6; Hán, năm Viêm Hưng thứ 1. - Năm này nhà Hán mất. Ngụy, năm Canh Nguyên thứ 4).

Tháng 5, mùa hạ. Kẻ lại quận Giao Chỉ là Lữ Hưng giết Thái thú quận ấy là Tôn Tư, đem quận Giao Chỉ đầu hàng nhà Ngụy (Sử cũ chép lầm là hàng nhà Tấn).

Trước kia, nhà Ngô dùng Tôn Tư làm Thái thú Giao Chỉ. Tôn Tư là người tham lam bạo ngược, thường chọn bắt hàng hơn nghìn người thợ thủ công khéo ở trong quận đưa sang Kiến Nghiệp109 ; nhân dân khổ sở về việc đó. Đến đây, chúa nước Ngô sai Đặng Tuân đến quận, Đặng Tuân lại tự tiện bắt dân phải nộp ba mươi con công đưa sang Mạt Lăng110 . Nhân dân sợ phải làm lực dịch ở nơi xa, do đấy định mưu làm loạn. Kẻ quận lại là Lữ Hưng giết cả Tôn Tư và Đặng Tuân, rồi xin với nhà Ngụy đặt Thái thú khác và cho quân sang đóng. Quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng việc này.

Năm Giáp Thân (264). (Ngô, Tôn Hạo, năm Nguyên Hưng thứ 1; Ngụy, năm Hàm Hi thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Nhà Ngô lại chia đất Giao Câu, đặt ra Quảng Châu.

Năm ấy, nhà Ngô cắt ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, châu lỵ ở Phiên Ngung; Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố làm Giao Châu, châu lỵ ở Long Biên. Việc chia ra Giao Châu và Quảng Châu bắt đầu từ đấy.

Lời chua - Nam Hải: Xem An Dương Vương, năm 44 (Tb.1, 11).

Thương Ngô, Uất Lâm, Nhật Nam, Hợp Phố: Xem Triệu Vương, Kiến Đức, năm thứ 1. (Tb.2, 4...).

Nhà Ngụy dùng Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu; dùng Hoắc Giặc ở xa lĩnh chức Thứ sử Giao Châu.

Nhà Ngụy phong Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu; dùng nam trung giám quân là Hoặc Giặc, ở xa lĩnh chức Thứ sử Giao Châu, được quyền tùy tiện kén bổ các trưởng lại. Hoặc Giặc đề cử Thoán Cốc (có chỗ chép là Phàn Cốc) làm Thái thú GiaoChỉ, thống suất thuộc lại trong nha môn mình là lũ Đổng Nguyên và Vương Tố đem quân đến giúp đỡ Lữ Hưng. Quân chưa đến nơi, Lữ Hưng đã bị công tào Lý Thống giết chết; Thoán Cốc cũng chết.

Năm Ất Dậu (265). (Ngô, năm Cam Lộ thứ 1; Tấn, Vũ đế, năm Thái Thủy thứ 1).

Nhà Tấn dùng Mã Dung làm Thái thú Giao Chỉ. Mã Dung bị bệnh mất. Hoắc Giặc đề cử Dương Tắc sang thay.

Lời chua - Mã Dung: người Ba Tây.

Dương Tắc: người Kiện Vi.

Năm Mậu Tí (268). (Ngô, năm Bảo Đinh thứ 3; Tấn, năm Thái Thủy thứ 4).

Nhà Ngô dùng Lưu Tuấn làm thứ sử Giao Châu, đánh lại Dương Tắc nhà Tấn. Dương Tắc đánh phá được quân Lưu Tuấn ở Cổ Thành.

Nhà Ngô dùng Lưu Tuấn làm thứ sử, cùng với bộ đốc trước là Tu Tắc ( Sử cũ chép lầm là đại đô đốc Tu Tắc), tướng quân là Cố Dung, trước sau ba lần đánh vào Giao Châu, nhưng Dương Tắc đều đem quân chống cự lại và đánh phá được cả. Quận Uất Lâm, quận Cửu Chân đều phụ theo với Dương Tắc.

Dương Tắc sai tướng quân là Mao Quế ( Sử cũ chép lầm là Linh), Đổng Nguyên, nha môn tướng là bọn Mạnh Cán, Mạnh Thông, Lý Tùng, Vương Tố, Thoán Năng, đi từ đất Thục sang Giao Chỉ, đánh phá quân Ngô ở Cổ Thành, giết được Tu Tắc và Lưu Tuấn quân còn sót lại đều tan rã cả. Nhân thế, Dương Tắc đề cử Mao Quế làm thái thú Uất Lâm, Đổng Nguyên làm thái thú Cửu Chân.

Lời chua - Cổ Thành: Tức là thành Hợp Phố.

Năm Kỷ Sửu (269). (Ngô, năm Kiến Hành thứ 1; Tấn, năm Thái Thủy thứ 5).

Tháng 11, mùa Đông. Nhà Ngô đem quân sang đánh Dương Tắc nhà Tấn.

Nhà Ngô sai giám quân là Ngu Phiếm, úy nam tướng quân là Tiết Hủ và thái thú Thương Ngô là Đào Hoàng đi đường Kinh Châu; giám quân là Lý Húc ( Sử cũ chép sai là Đỉnh) và đốc quân là Từ Tồn đi đường biển Kiến An. Cả hai đạo gặp nhau ở Hợp Phố để sang đánh Dương Tắc. Lý Húc, vì thấy đi đường biển không được tiện lợi, bèn giết tướng đưa đường là Phùng Phỉ, rồi đem quân về. Chúa nhà Ngô cho rằng Lý Húc đã giết uổng Phùng Phỉ và tự tiện rút quân về, nên bắt cùng với Từ Tồn đều phải tội chết.

Năm Tân Mão (271). (Ngô, năm Kiến Hành thứ 3; Tấn, năm Thái Thủy thứ 7). Đào Hoàng nhà Ngô đánh và bắt được bọn Dương Tắc nhà Tấn. Nhà Ngô lại lấy được đất Giao Chỉ, chia đất ấy ra làm quận Tân Xương.

Trước kia, Đào Hoàng và bọn Ngu Phiếm, Tiết Hủ chống nhau với Dương Tắc ở trên sông Phần. Đào Hoàng thua, lui giữ quận Hợp Phố, chết mất hai tướng. Tiết Hủ tức giận, bảo Đào Hoàng: "Ngươi tự dâng biểu xin đi đánh giặc mà để mất hai tướng, trách nhiệm ấy tại ai?". Đào Hoàng thưa: "Tôi là quan cấp dưới, không được làm theo ý muốn của mình, quân sĩ không hòa thuận nhau, nên đến nỗi bị thua đó thôi". Tiết Hủ chưa nguôi giận, muốn đem quân về. Đêm hôm ấy Đào Hoàng đem vài trăm quân đánh úp Đổng Nguyên, bắt được của báu đưa xuống thuyền chở về. Tiết Hủ thấy thế mới xin lỗi Hoàng, dùng Hoàng lĩnh chức đô đốc quân tiền bộ ở Giao Châu, Đào Hoàng lại đi đường biển, nhân lúc không ngờ, đi tắt đến Giao Châu. Đổng Nguyên đem quân ra chống cự. Các tướng của Hoàng đều muốn ra đánh, nhưng Hoàng ngờ trong chỗ cầu đổ có lẽ có quân mai phục, mới để toán quân sử dụng trường kích111 dàn riêng hàng ngũ ở phía sau. Khi quân hai bên mới giáp trận, Đổng Nguyên giả cách rút lui; Đào Hoàng đuổi theo, quả nhiên quân mai phục đổ ra. Quân trường kích của Hoàng đón đánh, phá tan được quân địch và giết Đổng Nguyên tại trận. Lúc đó Đào Hoàng lấy tất cả những thuyền chở của báu và mấy nghìn tấm thổ cẩm112 mà trước kia cướp được, đem gửi cho tướng giặc Phù Nghiêm là Lương Kỳ (Sử cũ chép sai là Lương Tề). Lương Kỳ đem hơn một vạn người đến giúp Đào Hoàng. Bấy giờ Dương Tắc dùng bộ tướng là Vương Tố thay Đổng Nguyên. Dũng tướng của Đổng Nguyên là Giải Hệ cùng ở trong thành. Đào Hoàng sai em Hệ là Tượng viết thư cho Hệ; lại sai Tượng đi xe độc mã, có người thổi sáo, đánh trống, hộ vệ diễu đi. Bọn Vương Tố thấy thế, bảo nhau: "Tên Tượng là em Giải Hệ còn được như thế, chắc hẳn Giải Hệ cũng có ý muốn đi theo". Họ bèn giết Hệ. Đào Hoàng nghe tin ấy, lập tức đem quân đánh gấp, phá được châu lỵ, bắt được bọn Dương Tắc và Mao Quế. Mao Quế ngầm lập mưu đánh úp Đào Hoàng. Việc ấy tiết lộ, Đào Hoàng bắt giết Mao Quế, rồi cho đưa bọn Dương Tắc về nước Ngô. Đi đến Hợp Phố, Tắc bị bệnh chết. Còn bọn Mệnh Cán, Lý Tùng, Thoán Năng khi về đến Kiến Nghiệp, thì Mạnh Cán trốn về với nhà Tấn; nhà Tấn dùng làm thái thú Nhật Nam. Lý Tùng và Thoán Năng đều bị nhà Ngô giết cả. Nhà Tấn truy tặng cho Dương Tắc chức thứ sử Giao Châu, các con của Mao Quế, Lý Tùng và Thoán Năng đều được phong tước quan Nội hầu. Viên Công Tào113 quận Cửu Chân là Lý Tộ giữ toàn được quận, đem quận ấy phụ thuộc về nhà Tấn. Đào Hoàng sai tướng đến đánh không được. Cậu Lý Tộ là Lê Hoảng (có chỗ chép là Lê Minh) đi theo quân thứ nhà Ngô, khuyên Lý Tộ ra hàng. Lý Tộ đáp: "Cậu cứ việc làm tướng bên Ngô, tôi cứ việc thần phục bên Tấn, ngưoời nào cũng chỉ nhìn vào sức mạnh mà mình cho là có thể trông cậy được". Lý Tộ giữ thành không hàng. Quân của Đào Hoàng đánh mãi mới hạ được thành.

Lời chua - Đào Hoàng: Con Đào Cơ, người Mạt Lăng thuộc Đan Dương.

Tân Xương: Theo chú thích của Hồ Tam Tỉnh, Tân Xương tức là Phong Châu, nay là đất tỉnh Sơn Tây.

Nhà Ngô dùng Đào Hoàng làm thứ sử, giữ phù tiết114 tiền tướng quân, Giao Châu mục115 , đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu.

Sau khi Đào Hoàng phá được bọn Dương Tắc, bình được Giao Châu, nhà Ngô dùng luôn làm chức Châu mục. Đào Hoàng là người có mưu chước, biết thương kẻ khó, sẵn lòng bố thí, được lòng dân. Người ta ai cũng thích giúp việc, nên Hoàng đi đến đâu cũng được thành công. Bấy giờ tại các quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương, vì thế đất hiểm trở, dân Di, Lạo hung hăng mạnh tợn, đã từ lâu vẫn không chịu thần phục. Đào Hoàng đem quân đi đánh, dẹp yên, mở thêm đất, đặt làm ba quận và hơn 30 huyệnở các nước phụ thuộc với quận Cửu Chân. Sau đó, nhà Ngô gọi Đào Hoàng về làm đô đốc quận Vũ Xương, và dùng Tu Doãn là thái thú quận Hợp Phố, sang thay. Có đến hàng nghìn người dân bản thổ (Giao Châu) xin giữ Đào Hoàng ở lại. Chúa nhà Ngô lại cho Hoàng trở về châu lỵ cũ.

Lời chua - Vũ Bình: Vốn là đất huyện Phong Khê, đặt ra từ nhà Ngô, Vũ Bình thống trị 7 huyện: đời Tùy bỏ quận, đổi làm huyện Long Bình; đời Đường đổi làm huyện Vũ Bình rồi lại đặt làm Đằng Châu. Triều Đinh, Lê đổi làm phủ Thái Bình; triều Trần đổi gọi Khoái Lộ; triều Lê đổi đặt làm hai phủ Tiên Hưng và Khoái Châu. Nay là địa hạt Hưng Yên116 .

Cửu Đức: Đất của Việt Thường thị xưa, nhà Ngô lấy đặt làm quận Cửu Đức, thống trị 8 huyện. Đời Tấn, Tống, Tề vẫn cứ theo cũ; nhà Lương bỏ quận, đổi làm huyện Cửu Đức thuộc quận Nhật Nam; nhà Đường đổi cho thuộc Hoan Châu. Nay là đất Hà Tĩnh.

Năm Canh Tí (280). (Tấn, năm Thái Khang thứ 1).

Quan mục ở Giao Châu của nhà Ngô là Đào Hoàng đầu hàng nhà Tấn. Tấn hạ chiếu cho Hoàng làm chức cũ.

Chúa Ngô là Tôn Hạo, khi đã đầu hàng nhà Tấn, tự tay viết thư khuyên Hoàng nên về với Tấn. Nhận thư ấy, Hoàng sụt sùi ứa nước mắt đến mấy ngày, rồi sai đưa nộp ấn và thao về Lạc Dương. Vua Tấn hạ chiếu cho Hoàng giữ chức cũ, phong tước Uyển Lăng hầu, đổi làm quán quân tướng quân.

Khi nhà Tấn đã đánh được nhà Ngô, giảm bớt số quân ở các châu quận ( Sử cũ chép sai là bắt lính Giao Châu). Đào Hoàng dâng thư trình bày: "Giao Châu ở trơ trọi một nơi, liền sát núi, biển, cách nước Lâm Ấp ở ngoài chỉ độ 700 dặm ( Sử cũ chép sai là mấy nghìn dặm). Tướng người Di ở Lâm Ấp là Phạm Hùng, suốt đời làm kẻ cướp lẩn lút, thường đánh cướp nhân dân. Hắn lại còn liên kết với Phù Nam, thường làm giặc cướp đánh phá các quận huyện, giết hại quan và dân. Tôi trước làm quan nước Ngô, được cử đem quân đóng ở bên Nam có đến hơn mười năm. Trước sau nhiều phen đi đánh dẹp, tuy có giết được tướng lĩnh họ, nhưng vì ở chỗ núi sâu hang cùng, nên còn có kẻ ẩn núp được. Vả lại, quân lính thuộc dưới quyền tôi tất cả có hơn tám nghìn người. Thủy thổ phương Nam nóng nược, ẩm thấp, ( Sử cũ chép lầm là ôn nhuận), có nhiều khí độc; thêm vào đó nhiều năm phải đi đánh giặc, quân lính ngày một hao mòn, hiện còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Ngày nay bốn biển hợp nhất, đâu cũng thần phục cả, đáng lẽ nên cuốn áo giáp, hủy bỏ gươm, chăm lo về đường lễ nghĩa. Nhưng mà, người châu này lại không thích yên vui, ưa làm những sự khởi loạn. Vả lại, về phía nam Quảng Châu, cả vùng có đến hơn sáu nghìn dặm, trong đó có đến hơn năm vạn hộ không phục theo và không phụ thuộc. Những bọn ngang tàng ở Quế Lâm cũng có đến một vạn hộ nữa. Nói đến những người chịu phục dịch việc quan chỉ có hơn năm nghìn nhà. Hai châu Giao và Quảng, hình thế như môi với răng, phải có quân đóng mới giữ được. Lại còn đất Hưng Cổ thuộc Ninh Châu ở mạn thượng lưu, cách quận Giao Chỉ một nghìn sáu trăm dặm, đường thủy, đường lục đều tiện, hộ vệ lẫn nhau. Vậy thì số quân đóng ở châu chưa nên giảm bớt,

để có vẻ yếu đuối cô đơn". Vua nhà Tấn theo lời Đào Hoàng. Đào Hoàng ở Giao Châu 30 năm, tỏ ra người có ân, có uy, được dân Giao Châu yêu mến. Khi Hoàng mất, vua Tấn dùng viên ngoại lang tán kỵ thường thị là Ngô Nghiện ( Sử cũ chép chữ "Ngô" là họ "Ngô") làm chức nam trung đô đốc, thứ sử Giao Châu. Hồi Đào Hoàng mới mất, lính thú ở quận Cửu Chân nổi loạn, đánh đuổi thái thú Cửu Chân. Tướng giặc là Triệu Chỉ bao vây quận. Ngô Nghiện dẹp yên được cả. Ngô Nghiện làm quan được 25 năm, dân Giao Châu được yên ổn. Ngô Nghiện tự dâng biểu xin đổi người khác thay mình. Vua nhà Tấn cho Cố Bí sang thay. Cố Bí cũng là một quan tốt, cả châu ai cũng yêu mến. Kịp khi Cố Bí chết, người Giao Châu ép con Bí là Tham quản lĩnh công việc Giao Châu. Khi Cố Tham chết, em là Thọ cố ý cầu xin lên thay. Thọ giết người trưởng lại là Hồ Triệu, lại toan giết cả đốc quân thuộc dưới quyền mình là Lương Thạc. Lương Thạc chạy thoát, cất quân đánh giết được Cổ Thọ. Sau đó, Lương Thạc chuyên quyền, nhưng sợ dân tình không thuận, mới đón con Đào Hoàng là Uy, đương làm thái thú Thương Ngô, về lĩnh chức thứ sử Giao Châu. Đào Uy làm quan, rất được lòng dân, giữ chức được ba mươi năm thì chết. Em Uy là Thục, con Uy là Tuy, kế tiếp nhau làm thứ sử. Từ Đào Cơ đến Đào Tuy tất cả bốn đời, đều làm thứ sử. Đào Cơ là cha Đào Hoàng ( Sử cũ chép sai là ông nội Đào Hoàng).

Lời chua - Phù Nam: Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 7).

Năm Mậu Dần (318). (Đông Tấn, Nguyên đế, năm Đại Hưng thứ 1).

Tháng 10, mùa Đông. Nhà Tấn hạ chiếu gia phong cho thứ sử Quảng Châu là Đào Khản đô đốc các việc quân ở Giao Châu.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, thời bấy giờ người Trường Sa là Vương Cơ cùng với giặc đất Thục là Đỗ Hoằng, và tú tài ở Giao Châu là Lưu Trầm cùng nhau làm phản. Đào Khản sai đốc hộ đánh phá, bắt được Lưu Trầm, chém được Vương Cơ. Vì có công ấy, Khản được phong chức nói trên.

Lời chua - Đào Khản: Người Phiên Dương.

Vương Cơ: Theo Tấn thư , trước kia có người ở Trường Sa tên là Vương Cơ, cha Vương Cơ tên là Nghị làm thứ sử Quảng Châu, rất được lòng dân chúng. Sau người Quảng Châu đón Vương Cơ làm thứ sử. Khi ấy gặp dư đảng giặc đất Thục là Đỗ Hoằng đem vàng cho Vương Cơ, xin đi đánh giặc Quế Lâm để tự lập công. Vương Cơ đem việc ấy bầy tỏ lên triều đình. Vương Đôn cho Vương Cơ là người khó chế ngự, vì có công hàng được Đỗ Hoằng, cũng muốn nhân đó sai đi đánh Lương Thạc. Vì vậy đổi Vương Cơ sang làm thứ sử Giao Châu. Lương Thạc nghe tin ấy, sai con đón Vương Cơ ở Uất Lâm. Vương Cơ giận việc đến đón chậm, trách rằng: "Đợi khi đến châu, sẽ hỏi tội cho!". Con Lương Thạc vội sai người về báo cho cha biết. Lương Thạc nói: "Chàng Vương117 đã làm hại Quảng Châu rồi, lại còn đến đây phá Giao Châu nữa sao!". Nói rồi liền cấm người trong châu không ai được ra đón. Quan Tư Mã118 ở phủ là Đỗ Tán thấy Lương Thạc không cho đón Vương Cơ, liền đem quân đánh Lương Thạc, bị Thạc đánh thua. Lương Thạc lại sợ những người kiều ngụ bênh vực Vương Cơ, bấy giờ đem bao nhiêu người khá giết đi hết, rồi tự lĩnh chức thứ sử Giao Châu. Vương Cơ đã bị Lương Thạc chống cự lại, liền đi sang Uất Lâm. Khi ấy Đỗ Hoằng đi đánh được giặc Quế Lâm về, gặp Vương Cơ ở giữa đường. Vương Cơ khuyên Đỗ Hoằng đánh lấy Giao Châu. Đỗ Hoằng vẫn có ý lấy Giao Châu đã lâu, mới cầm lấy phù tiết của Vương Cơ, bảo rằng: "Ta nên thay đổi nhau cầm, sao nên một người cầm!". Vương Cơ mới đưa phù tiết cho Đỗ Hoằng. Bấy giờ Vương Cơ với Hoằng và bọn Ôn Thiệu, Lưu Trầm đều làm phản. Liền đó, Đào Khản đến Quảng Châu, đánh giết được Ôn Thiệu, Lưu Trầm trước; rồi sai đốc hộ đánh Vương Cơ. Vương Cơ chạy, bị chết. Đào Khản sai quật thây lên đem chém.

Năm Quý Mùi (323). (Tấn, Minh đế, năm Thái Bình thứ 1).

Lương Thạc đánh giết thứ sử là Vương Lượng. Đào Khản sai quân đánh chém được Lương Thạc. Nhà Tấn dùng Đào Khản lĩnh chức thứ sử Giao Châu.

Trước kia, Vương Đôn dùng Vương Lượng làm thứ sử Giao Châu để đánh Lương Thạc. Lương Thạc đem quân vây Vương Lượng ở Long Biên, hạ được thành, cướp lấy phù tiết của Vương Lượng; Vương Lượng không cho, Lương Thạc chặt mất cánh tay trái của Lượng. Vương Lượng nói: "Chết, ta còn không sợ, chặt mất tay thì có làm gì!". Được hơn 10 ngày, Lượng chết. Lương Thạc giữ Giao Châu, vì hung bạo, nên mất lòng dân chúng. Đào Khản sai tham quân là Cao Bảo ánh chém được Lương Thạc. Vua Tấn cho Đào Khản lĩnh chức thứ sử Giao Châu, tiến phong cho hiệu là Chinh nam đại tướng quân khai phủ nghi đồng tam ti.

Lời chua - Long Biên: Còn tên gọi là Long Uyên. Xem thuộc Hán, Vũ đế, năm Nguyên Phong thứ nhất. (Tb.2, 7).

Năm Quý Sửu (353). (Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9).

Tháng 3, mùa xuân. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Phu đánh phá được nước Lâm Ấp.

Vua nước Lâm Ấp là Phạm Phật thường sang xâm lấn quấy nhiễu. Nguyễn Phu đem quân đi đánh, phá được hơn năm mươi lũy.

Lời chua - Lâm Ấp: Quốc giới của Việt Thường thị xưa; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng Quận; đời Hán đổi làm huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Cuối đời Hán, con viên Công tào ở huyện ấy là Khu Liên, giết huyện lệnh, tự lập làm vua nước Lâm Ấp. Sau vì Khu Liên không có con kế tự, cháu ngoại là Phạm Hùng lên thay làm vua, truyền ngôi đến con là Phạm Dật. Người gia nô Phạm Dật là Phạm Văn dạy Phạm Dật xây đắp thành trì, nhà cửa, đặt bày binh trận, chế tạo khí giới. Phạm Văn được Phạm Dật tin yêu. Kịp khi Phạm Dật chết, Phạm Văn cướp ngôi làm vua. Phạm Văn chết, con là Phạm Phật nối ngôi. Phạm Phật chết, cháu là Hồ Đạt lên làm vua. Đến Văn Địch, cháu năm đời của Phạm Phật, bị con vua Phù Nam là Đương Côn Thằng (có chỗ chép là Thuần) giết chết. Đại thần là Phạm Chư Nông bình được loạn ấy, tự lập làm vua. Chư Nông chết, con là Dương Mại lên kế vị. Dương Mại chết, con là Đốt lên làm vua, vẫn lại lấy tên là Dương Mại, thường sang lấn cướp quận Nhật Nam. Nhà Tấn sai Đàn Hòa Chi đi đánh. Dương Mại sợ, sai sứ sang triều cống; về sau, không triều cống nữa. Nhà Tùy sai Lưu Phương sang đánh. Chúa Lâm Ấp là Phạm Chí sai sứ sang tạ lỗi. Khoảng giữa niên hiệu Trinh Quán (627-649) nhà Đường, vua Lâm Ấp là Đầu Lê chết, con là Trấn Long bị giết, người trong nước lập con nhà cô của Đầu Lê là Gia Cát Địa lên làm vua, đổi quốc hiệu là Hoàn Vương, thường sang xâm lấn An Nam. Bị đô hộ nhà Đường là Trương Chu đánh phá, nước ấy mới bỏ Lâm Ấp, dời đến Chiêm, gọi là nước Chiêm Thành.

Liệt Thánh119 bản triều120 , trước mở cơ nghiệp ở đất này, sau thống nhất được toàn quốc; việc đóng đô ở đây đã xem xét kỹ càng, không khác gì các vua đời Tam đại dùng ngọc thổ khuê để đo bóng mặt trời ở Lạc Thủy121 , đem con linh quy để bói chỗ đóng đô ở Hoàng Hà122 . Kinh đô đóng ở đây, có cửa ải Hải Vân119 , có đèo Ngang120 , có cửa Thuận121 , có

núi Thương Sơn126 . Thật là nơi kín đáo hiểm trở cũng như một cái kho của nhà Trời. Do đấy, thanh danh văn vật ngày thêm phồn thịnh, không triều đại nào trước đây có thể sánh kịp. Bây giờ, thành Phật thệ ở Phủ Thừa Thiên, thành Chà Bàn ở tỉnh Bình Định đều là di tích cố đô của Chiêm Thành đó.

Năm Canh Thìn (380). (Tấn, Hiến Vũ đế, năm Thái Nguyên thứ 5).

Tháng 10, mùa đông. Thái thú quận Cửu Chân là Lý Tốn chiếm giữ châu, làm phản.

Năm Tân Tị (381). (Tấn, năm Thái Nguyên thứ 6).

Tháng 7, mùa thu. Thái thú quận Giao Chỉ là Đỗ Viện đi đánh, dẹp yên được loạn Lý Tốn.

Theo Liệt truyện trong Tống thư, trước kia, Thái thú quận Cửu Chân là Lý Tốn, cha con khỏe mạnh, và có quyền thế, uy danh khống chế được đất Giao Châu. Nghe tin thứ sử Đằng Độn Chỉ sắp đến, Tốn sai hai con chia đi chẹn những chỗ hiểm yếu về đường thủy và đường bộ. Đỗ Viện thu thập quân sĩ đánh chém được Lý Tốn. Đất Giao Châu được yên. Nhà Tấn phong Đỗ Viện làm Long nhương tướng quân.

Lời chua - Đỗ Viện: Người huyện Chu Diên quận Giao Chỉ, gốc tích là người đất Kinh Triệu. Ông nội là Nguyên làm thái thú quận Ninh Phố, di cư sang ở quận Giao Chỉ.

Năm Kỷ Hợi (399). (Tấn, An đế, năm Long An thứ 3).

Tháng 3, mùa xuân. Vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt (có chỗ chép là Tu Đạt) vào lấn cướp. Đỗ Viện đánh phá được. Nhà Tấn thăng Đỗ Viện làm thứ sử Giao Châu.

Theo Lương thư , năm ấy, vua nước Lâm Ấp, là Phạm Hồ Đạt, lấn cướp quận Nhật Nam, bắt thái thú là Quế Nguyên; lại tiến sang cướp quận Cửu Đức, bắt thái thú là Tào Bính. Thái thú Giao Chỉ, Đỗ Viện, sai đốc hộ là bọn Đặng Dật đi đánh, phá tan được. Nhà Tấn liền thăng cho Đỗ Viện làm thứ sử.

Lời cẩn án - Tống thư và Lương thư đều chép năm Long An thứ 3 (399), thăng Đỗ Viện làm thứ sử Giao Châu, dính liền với năm có việc đánh phá Lâm Ấp . Sử cũ lại chép việc thăng Đỗ Viện làm thứ sử vào năm Thái Nguyên thứ 6 (381)5. Như thế là sai, nay theo sự thực đổi lại . Năm Tân Hợi (411). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 7).

Tháng 4, mùa hạ. Giặc bên Tấn là Lư Tuần chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Tuệ Độ đánh và giết, đưa thủ cấp về Kiến Khang.

Trước đây, cháu họ Lư Tuần là Ân làm giặc. Ân chết, Lư Tuần đầu hàng nhà Tấn, được làm thứ sử Quảng Châu; đến đây, Tuần lại làm phản, bị bộ tướng của Lưu Dụ là Lưu Phiên đánh bại, phải chạy sang Giao Châu. Khi bấy giờ thứ sử trước là Đỗ Viện đã mất, vua Tấn cho con Viện là Tuệ Độ lên thay làm thứ sử. Khi tờ chiếu chưa đến nơi, Lư Tuần đã đánh úp và phá được Hợp Phố, đi tắt sang Giao Châu. Tuệ Độ đem các quan văn võ ở các châu phủ chống nhau với Lư Tuần ở trấn Thạch Kỳ, phá tan quân Lư Tuần. Tàn quân của Lư Tuần còn tới ba nghìn người, lại có dư đảng của Lý Tốn là bọn Lý Thoát, liên kết với dân Lý, Lạo tới hơn năm nghìn người để hưởng ứng với Lư Tuần. Lư Tuần đến bến sông bên Nam thành Long Biên. Tuệ Độ đem hết của nhà thưởng cho quân sĩ. Em Tuệ Độ là Tuệ Kỳ, thái thú Giao Chỉ, cùng với Chương Dân, Thái thú Cửu Chân, cùng đốc suất quân thủy, quân bộ. Tuệ Độ tự trèo lên chiếc thuyền cao cùng với Lư Tuần đánh giáp lá cà, dùng mồi tẩm dầu châm lửa ném đốt thuyền giặc, rồi cho quân bộ đứng hai bên bờ bắn xuống. Quân Lư Tuần bị vỡ. Lư Tuần trúng tên lăn xuống nước chết. Tuệ Độ vớt xác Lư Tuần, đem chém, sai đóng hòm đựng thủ cấp Lư Tuần, thủ cấp vợ con hắn và thủ cấp bọn Lý Thoát, đưa về Kiến Giang127 .

Lời chua - Tuệ Độ: Con thứ năm Đỗ Viện.

Thạch Kỳ: Tên trấn, ở phía Tây Nam phủ trị Giao Châu. Họ Hồ cắt nghĩa rằng: bờ cong queo gọi là Kỳ.

Năm Quý Sửu (413). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 9).

Tháng 3, mùa xân. Nước Lâm Ấp lại sang cướp Cửu Chân. Đỗ Tuệ Độ đánh tan được.

Theo Lương thư , vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt lại sang cướp Cửu Chân. Tuệ Độ đi đánh phá được, chém con nó là Giao Long vương Chân Tri và tướng nó là bọn Phạm Kiện, bắt sống được hơn trăm người trong có con nó là Na Năng.

Năm Ất Mão (415). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 11).

Nước Lâm Ấp xâm phạm Giao Châu. Tướng ở Giao Châu đánh bại quân Lâm Ấp.

Năm Canh Thân (420). (Tấn, Cung đế, năm Nguyên Hi thứ 2; Tống, Vũ đế, năm Vĩnh Sơ thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Đỗ Tuệ Độ đánh Lâm Ấp, phá tan được, bắt Lâm Ấp phải hàng.

Theo Lương thư , khi bấy giờ Tuệ Độ đi đánh, cả phá được nước Lâm Ấp, số người bị giết có tới quá nửa; nước Lâm Ấp phải xin hàng, dâng nộp voi lớn, vàng, bạc, vải hoa, mới được tha. Những người Lâm Ấp trước sau bị bắt đều được cho về. Sau đó, Tuệ Độ sai trưởng sử là Giang Du dâng biểu sang Tống báo tin thắng trận.

Tuệ Độ ở Giao Châu, ăn cơm rau, mặc áo vải, cấm những đền thờ thần nhảm nhí, dựng trường dạy học. Gặp phải năm đói thì lấy lương bổng riêng của mình phát chẩn cho dân. Tuệ Độ làm việc tinh tế chu đáo, coi việc công như việc nhà. Các quan lại và nhân dân ai cũng kính nể và yêu mến. Cửa thành đêm bỏ ngỏ, ngoài đường không ai nhặt của bỏ rơi. Khi Tuệ Độ mất, vua nhà Tống tặng chức Tả tướng quân và cho con là Hoằng Văn làm thứ sử. Hoằng Văn cũng là người khoan hòa, được lòng mọi người, nối tước phong là Long Biên hầu.

Lời chua - Hoằng Văn: Con trưởng Tuệ Độ. Trước kia, Vũ đế nhà Tống đi đánh miền bắc, Tuệ Độ dâng "phủ bản"128 xin cho Hoằng Vân làm thái thú Cửu Chân; đến đây, lại được kế chân Tuệ Độ làm thứ sử.

Bản: Tức là phủ bản. Theo Tống chí , được nhà vua bổ dụng thì làm chức tham quân, do quan tiến cử bằng "phủ bản" thì làm chức hành tham quân.

Năm Đinh Mão (427). (Tống, Văn đế, năm Nguyên Gia thứ 4).

Tháng 4, mùa hạ. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Hoằng Văn chết. Nhà Tống dùng Vương Huy là thứ sử.

Nhà Tống với Hoằng Văn về làm đình úy. Bấy giờ Hoằng Văn đang bị bệnh, cũng tự mình cố gắng đi kiệu lên đường. Có người khuyên Hoằng Văn nên đợi khi bệnh khỏi sẽ đi. Hoằng Văn trả lời: "Nhà tôi ba đời giữ phù tiết, tôi vẫn muốn đem thân cống hiến đế đình, huống chi bây giờ lại có lệnh triệu". Nói rồi, nhất quyết đi, đến Quảng Châu thì mất.

Năm Tân Mùi (431). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 8). Nước Lâm Ấp cướp Cửu Chân. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi đánh không được, kéo quân về.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, bấy giờ vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai hơn một trăm thuyền lầu sang cướp Cửu Chân, vào cửa sông Tứ Hội. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi sai đội chủ là Tướng Đạo Sinh đem quân đi đánh. Đánh thành Khu Lật không được, kéo quân về.

Lâm Ấp, từ sau khi thứ sử Giao Châu là Đỗ Viện mất, không năm nào không vào cướp các quận Nhật Nam và Cửu Chân, giết hại nhiều lắm, đến nỗi Giao Châu bị hư nhược. Đầu năm Nguyên Gia (424- 453), Dương Mại lại càng xâm lấn dữ lắm. Hoằng Văn định đi đánh, nhưng nghe tin có người sang thay mình, nên lại thôi. Đến đây (Nguyên Gia thứ 8), Lâm Ấp lại đem lực lượng toàn quốc sang cướp. Hai biên giới Nhật Nam và Cửu Chân từ đấy mới sinh ra nhiều sự rối loạn.

Lời chua - Thành Khu Lật: Ở phía Bắc nước Chiêm Thành. Theo sách Thủy Kinh chú , sông Lư Dung phát nguyên từ núi cao ở phía Nam thành Khu Lật thuộc huyện Lư Dung, quận Nhật Nam, về mặt đông chảy qua phía Bắc thành Khu Lật129 . Binh khí chiến cụ của nước Lâm Ấp để ở cả trong thành ấy. Sau này Đàn Hòa Chi từ đồn Chu Ngô, tiến quân vây Phạm Phù Long ở thành Khu Lật, tức là thành Khu Lật này.

Năm Quý Dậu (433). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 10).

Tháng 5, mùa hạ. Vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang nhà Tống xin quản lĩnh Giao Châu. Vua Tống không cho.

Vua nước Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nhà Tống, xin quản lĩnh Giao Châu. Vua Tống xuống chiếu trả lời vì cớ ở xa, không cho. Ngay năm ấy, nhà Tống dùng Hữu quân tham quân là Lý Tú Chi làm thứ sử Giao Châu.

Năm Bính Tuất (466). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 23).

Tháng 3, mùa xuân. Nhà Tống sai thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, thu được toàn thắng. Hòa Chi kéo quân vào kinh thành Lâm Ấp.

Trước kia, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại tuy sai sứ sang cống hiến nhà Tống, nhưng vẫn cướp bóc Giao Châu luôn luôn. Vua Tống mới sai Đàn Hòa Chi đi đánh. Bấy giờ có người quận Nam Dương là Tông Xác, vốn là dòng dõi nhà Nho, nhưng riêng về phần Tông Xác lại thích võ nghệ, thường nói: "Muốn giong ruổi theo luồng gió, phá tan làn sóng muôn dặm". Đến khi Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp, Tông Xác hăng hái quyết xin tòng quân: vua Tống cho Tông Xác làm chấn vũ tướng quân. Hòa Chi sai Tông Xác làm tiền phong. Phạm Dương Mại nghe tin quân Tống đã xuất phát, sai sứ dâng biểu xin trả lại những dân quận Nhật Nam trước kia đã cướp về và xin nộp một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc. Vua Tống hạ

chiếu cho Hòa Chi: "Dương Mại nếu quả thực lòng hàng phục cũng nên ưng cho quy thuận". Sau Dương Mại bị mê muội về lời can ngăn của đại thần là Đốc Tăng Đạt, nên không cho quy thuận nữa. Khi Đàn Hòa Chi đến đồn Chu Ngô, sai bọn hộ tào tham quân ở phủ thứ sử Giao Châu là Khương Trọng Cơ đi thẳng đến chỗ Dương Mại. Trọng Cơ bị Dương Mại bắt giữ lại. Đàn Hòa Chi giận lắm, tiến quân vây tướng Lâm Ấp là Phạm Phù Long ở thành Khu Lật. Dương Mại sai tướng là Phạm Côn Sa Đạt đến cứu, bị Tông Xác bí mật đem quân đón đánh, phá tan. Tháng 5, bọn Hòa Chi hạ thành Khu Lật, chém được Phù Long, nhân thắng thế, đánh vào Tượng Phố. Dương Mại đem cả quân trong nước ra đánh, và trang bị đầy đủ cho các thớt voi, trước sau không chỗ nào sơ hở. Tông Xác nói: "Nghe nói nước ngoài có giống sư tử, oai phục được trăm loài thú". Nói rồi, liền chế ra hình sư tử, để chống lại voi: quả nhiên voi sợ, chạy. Quân nước Lâm Ấp bị thua to. Vì thế, Đàn Hòa Chi đánh được nước Lâm Ấp. Dương Mại cùng với con đều chỉ chạy thoát thân. Hòa Chi lấy được của báu lạ không biết bao nhiêu mà kể, lại phá hủy những tượng đúc bằng vàng được mấy mươi vạn cân vàng. Tông Xác không lấy một thứ gì, khi về đến nhà khăn áo có vẻ tiêu điều.

Lời chua - Đàn Hòa Chi: Người đất Kim Hương thuộc Cao Bình. Đến năm Hiếu Kiến thứ 3 (456), đổi đi làm thứ sử Duyện Châu, can tội say rượu và nhũng loạn của công, bị bãi chức. Lúc bị bệnh, Hòa Chi thấy ma quỷ rợ Hồ hiện hình hành hạ, rồi chết.

Chu Ngô thú: Chu Ngô: tên huyện, từ nhà Hán về sau, thuộc quận Nhật Nam; bấy giờ ở đấy có đặt ra đồn lính thú ở phía bắc nước Chiêm Thành.

Tượng Phố: Tên huyện, ở phía tây bắc nước Chiêm Thành, vốn là huyện Tượng Lâm, về đời án, thuộc quận Nhật Nam. Đến đời Tùy, năm Đại Nghiệp (605-616) đổi thuộc về quận Lâm Ấp.

Tượng người vàng: Theo Tống thư, tục Lâm Ấp theo đạo Ni Kiền130 , đúc tượng người vàng người bạc, to đến mười vòng131 .

Năm Mậu Thân (468). (Tống, Minh đế, năm Thái Thủy thứ 4).

Tháng 3, mùa xuân. Người Giao Châu là Lý Trường Nhân chiếm giữ châu trị, tự xưng là Thứ sử.

Trước đây, nhà Tống dùng Lưu Mục làm Thứ sử Giao Châu. Lưu Mục bị bệnh chết. Người trong châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của Lưu Mục đem từ Trung Quốc sang, rồi chiếm giữ đất Giao Châu làm phản, tự xưng làm Thứ sử. Nhà Tống lại dùng Nam Khang tướng là Lưu Bột làm Thứ sử Giao Châu. Khi Lưu Bột đến nơi, bị Trường Nhân chống cự lại; chưa được bao lâu, Lưu Bột mất. Nhân thế Trường Nhân sai sứ xin hàng, tự giáng chức mình xuống làm người chấp hành công việc Giao Châu. Vua Tống y cho.

Năm Kỷ Mùi (479). (Tống, Thuận đế, năm Thăng Minh thứ 3; Tề, Cao đế, năm Kiến Nguyên thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Nhà Tề dùng Lý Thúc Hiến là Thứ sử Giao Châu.

Thúc Hiến là em họ Trường Nhân. Trước kia, Trường Nhân mất, Thúc Hiến, do chân quyền Thái thú Vũ Bình, lên thay Trường Nhân, lĩnh việc Giao Châu. Vì hiệu lệnh của mình chưa được thi hành, nên sai sứ sang nhà Tống xin làm thứ sử. Nhà Tống dùng Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán làm Thứ sử Giao Châu và cho Thúc Hiến làm Ninh viễn quân tư mã, giữ chức thái thú hai quận Tân Xương và Vũ Bình. Khi Thúc Hiến đã nhận được lệnh triều Tống, dân chúng vui lòng phục tùng. Thúc Hiến liền đem quân giữ nơi

hiểm yếu, không nhận Thẩm Hoán sang nhậm chức; Thẩm Hoán phải lưu lại Uất Lâm rồi chết ở đấy. Nhà Tề cho ngay Thúc Hiến làm thứ sử, để vỗ về đất miền Nam cho được yên ổn.

Lời chua - Tân Xương, Vũ Bình: Đều xem thuộc Ngô, năm Kiến Hành thứ ba. (Tb.3, 15).

Năm Ất Sửu (485). (Tề, Vũ đế, năm Vĩnh Minh thứ 3).

Lý Thúc Hiến đi đường tắt sang chầu nước Tề.

Bấy giờ Thúc Hiến đã phụng mạng nhà Tề làm thứ sử, nhưng không cống hiến gì cả. Tháng giêng mùa xuân năm ấy, nhà Tề dùng đại tư nông là Lưu Khải làm thứ sử, điều động quân các quận Nam Khang, Lư Lăng và Thủy Hưng sang đánh. Thúc Hiến sai sứ xin bãi binh, dâng mũ đâu mâu bằng bạc nguyên cất, đủ dùng cho hai mươi đội, và lông công để trang sức. Vua nước Tề không nghe. Thúc Hiến sợ bị Lưu Khải đánh úp, mới đi đường tắt từ Tương Châu sang châu nước Tề132 . Còn Lưu Khải thì vào trấn giữ Giao Châu.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Do việc này ta nhận thấy hình pháp nước Tề thực là sai hỏng. Thúc Hiến là họ với kẻ bạn thần, lân la xin làm chức châu mục. Khi uy lệnh chưa thi hành được thì xin với Tề cho làm thứ sử; khi đã nhận được mệnh triều đình, thì lại chống cự thứ sử Thẩm Hoán ở Uất Lâm. Thế mà, Tề đối với Thúc Hiến khi chống cự lại, thì lại thực thụ cho làm thứ sử. Khi đã được nhà Tề trao cho cờ lệnh và ấn phù, Thúc Hiến lại thôi không cống hiến nữa. Đến khi Lưu Khải lĩnh mệnh sang đánh, nhà Tề lại để cho Thúc Hiến đi tắt vào chầu. Sau đó cũng không nghe nói nhà Tề tuyên bố tội trạng Thúc Hiến. Việc Đăng Chi xảy ra sau này cũng thế. Thưởng, phạt như vậy thì làm thế nào cho lòng người phục tùng và tỏ rõ được thể thống một nước? Lời chua - Nam Khang, Lư Lăng, Thủy Hưng: Nam Khang và Lư Lăng, hai quận này thuộc Giang Châu. Quận Thủy Hưng thuộc Tương Châu.

Tương Châu: Là Kinh Châu xưa, nhà Tấn chia đất 8 quận làm Tương Châu; nay thuộc đạo Hồ Nam.

Năm Mậu Thìn (488). (Tề, năm Vĩnh Minh thứ 6).

Tháng 6, mùa hạ. Nhà Tề dùng Thái thú Thủy Hưng là Phòng Pháp Thừa làm thứ sử Giao Châu.

Năm Canh Ngọ (490). (Tề, năm Vĩnh Minh thứ 8). Tháng 10, mùa đông. Trưởng sử133 Giao Châu là Phục Đăng Chi bắt giam thứ sử Phòng Pháp Thừa. Nhà Tề cho Đăng Chi làm thứ sử.

Trước kia, nhà Tề cho Pháp Thừa sang thay Lưu Khải. Pháp Thừa đến trấn, mượn cớ ốm đau, không trông nom đến việc quan, chỉ thích đọc sách. Vì thế, trưởng sử Phục Đăng Chi chuyên quyền, tự tiện thay đổi tướng và quan lại, không cho Pháp Thừa biết. Lục sự Phòng Quý Văn đem việc ấy nói với Pháp Thừa. Pháp Thừa giận lắm, bắt giam Đăng Chi vào ngục đến hơn mười ngày. Đăng Chi đút lót cho em rể Pháp Thừa là Thôi Cảnh Thúc, nên được thả. Sau khi ở ngục ra, Đăng Chi đem quân thuộc dưới quyền mình đánh úp châu lỵ, bắt Pháp Thừa, bảo Pháp Thừa rằng: "Sứ quân134 đã là người có bệnh hay yếu đau, không nên làm việc nhọc mệt". Hắn giam lỏng Pháp Thừa ở một nhà riêng. Pháp Thừa không có việc gì, lại đến nói với Đăng Chi cho sách để đọc. Đăng Chi trả lời: "Sứ quân nghỉ ngơi yên tĩnh, còn sợ bệnh lên cơn, lại còn xem sách thế nào được?". Rồi không cho sách. Đăng Chi liền tâu với triều Tề rằng Pháp Thừa bị bệnh tim, không thể trông nom việc quan được. Nhà Tề lại dùng Đăng Chi làm thứ sử Giao Châu. Pháp Thừa về đến Ngũ Lĩnh thì chết.

Năm Ất Dậu (505). (Lương, Vũ đế, năm Thiên Giám thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Thứ sử Giao Châu nhà Tề là Lý Khải chiếm giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương, bị trưởng sử Lý Tắc giết chết.

Lý Khải thay Đăng Chi làm thứ sử. Khải thấy nhà Lương mới được nhà Tề truyền ngôi vua cho, bèn giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương. Đến đây, Lý Tắc đem quân giết Lý Khải. Nhà Lương dùng Lý Tắc làm thứ sử Giao Châu.

Lời cẩn án - Lý Khải , Sử cũ chép lầm là Lý Nguyên Khải . Năm Bính Thân (516). (Lương, năm Thiên Giám thứ 15).

Tháng 11, mùa đông. Thứ sử Giao Châu nhà Lương là Lý Tắc đánh dư đảng của Lý Khải là bọn Nguyễn Tôn Hiếu, chém được Tôn Hiếu, dẹp yên được đất Giao Châu. Nhà Lương tha hết tội cho tất cả người theo đảng làm loạn ở Giao Châu.

Lời chua - Tôn Hiếu: Sử cũ chép lầm là Tôn Lão.

Năm Quý Mão (523). (Lương, năm Phổ Thông thứ 4).

Nhà Lương chia đất Giao Châu, đặt ra Ái Châu.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, từ đời Hán trở về sau, cho đơn vị châu kiêm quản các quận. Suốt đời Lục triều135 vẫn theo như thế, hễ gọi là Giao Châu tức là lỵ sở của thứ sử, thống lĩnh cả Thái thú bảy quận; các quận thú không được gọi là châu.

Lời chua - Ái Châu: Tức là đất quận Cửu Chân.

Từ đây trở lên, nước ta bị thuộc về Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Kể từ Tân Mùi, thuộc Hán, Vũ đế, Nguyên Phong thứ 1 (110 tr.c.ng.) đến năm Canh Thân, thuộc Lương, Vũ đế, Đại Đồng thứ 6 (540), cộng sáu trăm bốn mươi chín năm (110 tr.c.ng. - 540 tr.c.ng.).


93 Danh từ văn hiến ở đây theo nghĩa cũ: văn là sách vở học hành; hiến là nhiều người hiền tài, tức là một nước có một nền văn minh cổ.

94 Bản in Cm. tránh tên húy Tự Đức, chép đổi là Thời , theo sách Toàn thư và Sử ký đều in là "Thì", nay cải chính cho đúng âm.

95 Nguyên văn chép là "nhục đản", nghĩa là không mặc áo, để mình trần, xin chịu tội chết.

96 Lữ Đại từ chối không nhận việc anh em Sĩ Huy cởi trần chịu tội, mà bảo mặc áo lại.

97 Mỗi khi triều đình đặc mệnh viên quan nào đi ra nước ngoài được giữ toàn quyền hành động mọi việc, thì giao cho phù tiết để làm tin.

98 Làm chúa một phương, uy quyền cũng như vua các chư hầu. Chữ "mục" nghĩa đen là chăn dắt, người giữ chức châu mục có nhiệm vụ chăn dắt dân trong địa phương mình.

99 Nhà Ngô đổi tên quận Hợp Phố làm Châu Quan. Thành cũ quận Châu Quan ở phía nam huyện Hợp Phố thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ. Xem thêm Lời chua của Cm. ở sau.

100 Ý nói nơi xa xôi ngoài Trung Quốc.

101 Một chức quan huyện ghi chép công lao mọi người.

102 Xem chú thích chữ "mục" ở trang 137.

103 Xem chú thích chữ "phương bá" ở trên (Tb.2, 16).

104 Vương kỷ là đô thành thiên tử, ngoài vương kỳ cứ năm trăm dặm chia ra một khu vực gọi là phục, có hầu phục, điện phục, tuy phục, yêu phục và hoang phục. Như thế là hoang phục ở xa vương kỷ 2500 dặm, vì những khu vực này dầu ở xa vẫn phải thần phục thiên tử, nên gọi là "phục".

105 Theo Hán văn, chữ "Ẩu" có hai nghĩa: a) tiếng gọi chung các bà già, có ý tôn kính, thí dụ: bà mẹ đại thần nhà Hán được tôn gọi là Vạn Thạch Ẩu; b) nghĩa cũng như Ẩu chiếu, là bảo vệ nhi đồng. Theo Thanh Hóa kỷ thắng (t.65) của Vương Duy Trinh, bà Triệu tức là Lệ Hải Bà vương, họ Triệu, húy Trinh, tiểu tư là Nữ Ẩu, là em gái Triệu Quốc Đạt.

106 Trưng Trắc và Trưng Nhị (x. Tb.II, 9-14).

107 Theo sách Trung Quốc, có nhiều nơi gọi là "Phu nhân thành", nhưng thành Phu nhân nói đây là ngôi thành ở Tây bắc huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, do chuyện sau đây trong Tấn thư : "Khi Chu Tự đóng quân ở Tương Dương, có Phù Phi đem quân đến đánh. Lúc đó bà mẹ Tự là Hàn Thị lên mặt thành, đi bộ xem xét. Bà bảo rằng góc Tây bắc là nơi sẽ bị đánh trước. Bà đem các tì thiếp và phụ nữ ở trong thành ra đắp thêm một cái thành ở dốc thành cũ, để chống cự với giặc. Khi giặc đánh Tây bắc, thành cũ quả nhiên bị vỡ, quân đội cố giữ ở nơi thành mới, quân Phù Phi đánh không được, phải rút đi. Vì thế người Tương Dương gọi thành ấy là "Phu nhân thành" ( Từ Hải , trang 367).

108 Theo Đường thư , Bình Dương công chúa là con gái Đường Cao Tổ. Chồng công chúa là Sài Thiệu cũng là một tay võ tướng. Khi Cao Tổ bình định thiên hạ, Bình Dương công chúa đứng ra chiêu mộ dân chúng, lập một đội quân có tới bảy vạn, thanh thế ngang với quân họ Sài. Cả hai đội quân cùng kéo vào kinh đô cùng giúp Cao Tổ, cho nên thời đó người ta gọi đội quân của Bình Dương công chúa là Nương tử quân . ( Từ Hải , trang 386).

109 Kinh đô của nhà Ngô.

110 Tên cũ của Kiến Nghiệp, do nhà Tần đặt.

111 Cây kích dài, một thứ binh khí xưa.

112 Gấm bản thổ.

113 Xem chú thích ở trang 140.

114 Xem chú thích chữ "phù tiết" ở trang 136.

115 Xem chú thích chữ "mục" ở trang 139.

116 Nay Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên, Tiên Hưng thuộc tỉnh Thái Bình.

117 Chỉ Vương Cơ.

118 Quan chuyên coi về việc binh.

119 Chỉ các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Duệ Tông, Nguyễn Phúc Thuần.

120 Triều Nguyễn.

121 Ba triều đại Hạ, Thương, Chu (Tam Đại) đều đóng đô ở khoảng đất giữa Lạc Thủy và Hoàng Hà, khi bắt đầu dự định đóng đô ở nơi nào thì dùng ngọc thổ khuê để suy trắc, dùng rùa thần để bói. Chu công Đán khi bói về địa thế ở Lạc Thủy có nói: "Ta đã bói phía Đông Giản Thủy, cũng chỉ có Lạc Thủy là cắn mực. Vì thế ta mới sai người vẽ địa đồ Lạc Thủy và dâng lời bói lên vua". Kinh thư , (thiên Lạc cáo ).

122 Ba triều đại Hạ, Thương, Chu (Tam Đại) đều đóng đô ở khoảng đất giữa Lạc Thủy và Hoàng Hà, khi bắt đầu dự định đóng đô ở nơi nào thì dùng ngọc thổ khuê để suy trắc, dùng rùa thần để bói. Chu công Đán khi bói về địa thế ở Lạc Thủy có nói: "Ta đã bói phía Đông Giản Thủy, cũng chỉ có Lạc Thủy là cắn mực. Vì thế ta mới sai người vẽ địa đồ Lạc Thủy và dâng lời bói lên vua". Kinh thư , (thiên Lạc cáo ).

123 Cửa ải Hải Vân ở trên đỉnh núi Hải Vân, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, lập ra từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đằng trước cửa ải có khắc ba chữ "Hải Vân quan", đằng sau cửa ải khắc 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", có quân lính canh giữ, có kính thiên lý để chiếu trông ra ngoài biển. Tàu thuyền muốn vào cửa biển Đà Nẵng, trước hết phải báo ở cửa ải này. Năm 1836, Minh Mạng đúc chín cái đỉnh, lấy hình cửa ải này đúc vào "dụ đỉnh" (tên một trong chín cái đỉnh). Đèo Hải Vân rất hiểm, người đi phải như vượn leo, chim chuyền, mới có thể vượt qua được. Chân đèo liền với bãi biển, ở đây có hang dơi. Tương truyền: ngày trước, chỗ hang dơi, có sóng thần, làm thuyền bè bị đắm, nên ngạn ngữ có câu: "Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang dơi". ( Đại nam nhất thống chí , mục Sơn xuyên và Quan tấn phủ Thừa Thiên, quyển 2, tờ 25 và 48).

124 Ở giữa địa phận huyện Bình Chính tỉnh Quảng Bình và huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, núi non chồng chập, kéo dài từ đất liền đến bãi biển, trông như một bức tường thành. Đèo Ngang là nơi hiểm yếu giữa hai miền Nam và Bắc. Giữa thế kỷ thứ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) bảo Nguyễn Hoàng: "Hoành sơn thất đái, khả dĩ vạn đại dung thân" (một dải Hoành Sơn, có thể dung thân được muôn đời), tức là chỗ này. Năm 1836, Minh Mạng đúc chín cái đỉnh, lấy hình núi này đúc vào "huyền đỉnh". (Sách dẫn trên, mục Sơn xuyên tỉnh Quảng Bình, quyển 8 tờ 20).

125 Ở địa phận huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, hình thế khúc khuỷu quanh co, thác ghềnh phục ngầm ở dưới nước, rất là hiểm trở. Gia Long có đặt tấn thủ để phòng ngự, có 3 đội quân đi tuần ngoài biển và hộ vệ thuyền quan khi ra khi vào. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) dựng vọng lâu ở trấn sở, có kính thiên lý để dò xét tàu thuyền ngoài khơi. Khi đúc chín cái đỉnh, Minh Mạng cho vẽ hình thế cửa Thuận này đúc vào "nghị đỉnh". (Sách dẫn trên, mục Quan tấn phủ Thừa Thiên, quyển 2, tờ 50).

126 Ở địa phận huyện Hương Trà, thế núi gồ ghề hùng vĩ, trông như hình kho lúc, nên gọi là Thương Sơn. Trên chót có giếng nước rất trong. Thương Sơn là một núi vừa đẹp vừa lạ. Khi đúc chín cái đỉnh, Minh Mạng lấy hình núi này đúc vào "chương đỉnh" (Sách dẫn trên, mục Sơn xuyên phủ Thừa Thiên, quyển 2, tờ 21).

127 Xem Toàn thư , Ngoại kỷ, 4, 8b.

127 Kinh đô nhà Tấn.

128 Công văn của cơ quan để ở trong hai mảnh ván gỗ. Xem thêm lời chua của Cương mục ở dưới.

129 Đây là dịch đúng nguyên văn dẫn trong Cương mục , không biết Cương mục dùng bản Thủy kinh chú nào. Nay theo bản Thủy kinh chú hiệu đính đời Kiền Long thì thấy như sau "Ở huyện Lư Dung thuộc quận Nhật Nam. Sông Lư Dung phát nguyên ở phía tây nam, miền núi cao ở phía nam thành Khu Túc. Phía nam các núi dài liên tiếp, ở phía Tây Thiên chướng lĩnh, có sông Lư Dung chảy ra, đi lẩn vào khe núi, vòng ra phía Bắc Tây vệ, rồi đi sang Đông qua phía Bắc thành Khu Túc rồi lại sang Đông" (c.33, trang 50).

130 Ni Kiền hay Ni Kiện, một tên riêng của Ấn Độ dùng để gọi phái đạo gia tu luyện khổ hạnh, nghĩa là thoát ly sự bó buộc của tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Phái này tu luyện bằng cách ở trần truồng, lấy tro than trát vào thân thể. Vì thân thể trần truồng không biết hổ thẹn, nên Kinh Phật gọi phái này là "vô tâm ngoại đạo". Môn đồ ngoại đạo ấy gọi là "Ni Kiện tử". ( Từ Hải trang 446).

131 Dịch nghĩa nguyên văn là chữ "thập vi". Chữ "vi" là danh từ hình học, tính vòng tròn. Có nhiều thuyết: một thuyết nói 5 tấc là một vi; một thuyết nói 3 tấc; lại một thuyết nữa nói một ôm là một vi. ( Từ Hải trang 306).

132 Nhà Tề lúc đó đóng đô ở Kiến Nghiệp, tức là Nam Kinh hiện nay.

133 Một chức có từ đời Hán, liền dưới thừa tớng. Về đời Lục triều, trưởng sử là chức quan đứng đầu các quan giúp việc một thứ sử. Chức ấy cũng tương tự chức trưởng phòng hiện nay. ( Từ Hải , trang 1399).

134 Chỉ Phòng Pháp Thừa.

135 Theo Tống Sử , truyện Trương Thủ , Lục triều là danh từ gọi gộp cả mấy triều đại của Trung Quốc: Ngô (222-280), Đông Tấn (317-420), Tề (479-502), Lương (502-556), Trần (557-589). Sáu triều đại này kế tiếp nhau đóng đô ở Kiến Khang, tức Nam Kinh bây giờ.



0 Comments:

Post a Comment

<< Home