Saturday, March 19, 2005

Chính Biên - Quyển thứ XX

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XX

Từ Bính Tuất, Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đến tháng 9 mùa thu, năm Đinh Hợi, Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), gồm một năm lẻ.

Bính Tuất, năm [Quang Thuận] thứ 7 (1466). (Minh, năm Thành Hòa thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Truy thu tô thuế.

Trước đây nhà vua hạ chiếu ân xá: Phàm tô thuế về đinh và điền đều được miễn cả. Đến nay vì có việc tiêu dùng cần kíp, nên lại truy thu.

Lời phê - Chính lệ đổ nát, mất tín nhiệm với dân. Lời chua - Tô thuế đinh điền: Theo mục "Quốc Dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Lê Thánh Tông định thuế lệ nhân đinh, đồng niên mỗi người nộp 8 tiền; thuế lệ ruộng đất và bãi trồng dâu thì liệu lượng số mẫu chia làm ba hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, mỗi hạng nộp tiền nhiều ít khác nhau.

Tháng 3. Nhà vua thân hành thi cống sĩ, cho bọn Dương Như Châu được xuất thân cao thấp khác nhau.

Trước đây nghị định về việc thi tiến sĩ, định kỳ hạn vào những năm Sửu, Thìn, Mùi và Tuất. Đến nay thi hội, lấy 27 người trúng cách. Nhà vua ra ngự ở cửa Kính Thiên, thân hành ra bài sách, cho bọn Dương Như Châu 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Họ tên và thứ tự những người mới đỗ được đem truyền lộ và yết bảng ở ngoài cửa Đông Hoa. Nhà vua ban cho những người ấy được ân mạng và được vinh quy. Lệ định 3 năm một lần thi bắt đầu từ đây.

Lời chua - Dương Như Châu: Người làng lạc thổ, huyện Siêu Loại1991 .

Nguyễn Nhân Thiếp: Người làng Kim Đô, huyện Vũ Ninh1992 .

Tháng 4, mùa hạ. Thay đổi xếp đặt lại quân ở 5 phủ và định quân hiệu.

Hồi đầu triều Lê, đặt vệ quân năm đạo, ở vệ đặt các chức Tổng quản, Đô tổng quản và Chánh phó đội trưởng, Chánh phó ngũ trưởng. Đến nay thay đổi xếp đặt lại quân năm phủ.

- Thanh Hóa và Nghệ An thuộc phủ Trung quân;

- Nam Sách và An Bang thuộc phủ Đông quân;

- Thiên Tường và Thuận Hóa thuộc phủ Nam quân;

- Quốc Oai và Hưng Hóa thuộc phủ Tây quân;

- Bắc Giang và Lạng Sơn thuộc phủ Bắc quân.

Còn hai đạo Thái Nguyên và Tuyên Quang thuộc quân Phụng Trực.

Mỗi phủ sáu vệ, mỗi vệ năm sở hoặc sáu sở, định lệ quân mỗi sở đều 400 người.

Phủ đặt các chức Tả Hữu đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc thiêm sự; ở vệ đặt các chức Tổng tri, Đồng tổng tri và Thiêm tổng tri; ở sở đặt các chức Quản lãnh, Phó quản lãnh, Chánh võ úy và Phó võ úy, mỗi ngũ đặt một chức Tổng kỳ.

Đem cục Thân Tùy thăng làm tả hữu Vũ Lâm quân. Theo chế độ cũ, Nội thị sảnh có cục Thân Tùy, bổ dụng con quan viên từ lục phẩm trở lên đến tam phẩm; đến nay thăng cục ấy làm Điện Tiền tả hữu Vũ Lâm quân.

Lời chua - Vệ quân năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5-6).

Thanh Hóa, Nghệ An, An Bang, Thuận Hóa, Hưng Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang: Đều xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16-35).

Nam Sách1993 : Tức Nam Sách1994 . Xem ngang với Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tiền biên V, 22).

Thiên Trường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng chính bình thứ 15 (Chính biên VI, 28).

Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).

Theo Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập , thì quân 5 phủ như sau:

Phủ Trung quân 6 vệ:

- Vệ Phủng Thánh có 5 sở là: Thiên Định, Thiên Oai, Thiên Hùng, Thiên Khôi và Thiên Tiết.

- Vệ Phụng Thần có 5 sở là: Hám Hổ, Oai Hổ, Thần Hổ, Mãnh Hổ và Hùng Hổ.

- Vệ Can Ngưu có 5 sở là: Minh Nghĩa, Hiệu Nghĩa, Oai Nghĩa, Tín Nghĩa và Kính Nghĩa.

- Vệ Hổ Bôn có 5 sở là: Lục Đinh, Thần Đinh, Tráng Đinh, Nghĩa Đinh và Hỏa Đinh.

- Vệ Xạ Kỵ có 5 sở là: Cường Vũ, Thần Vũ, Hưng Vũ, Kiêu Vũ và Tín Vũ.

- Vệ Chấn Oai có 6 sở là: Lôi Hỏa, Điện Hỏa, Oai Hỏa, Tiệp Hỏa, Nhuệ Hỏa và Xuyên Vân.

Phủ Đông quân 6 vệ:

- Vệ Minh Nghị có 5 sở là: Kiêu Kỵ, Huyền Ngạch, Khai Sơn, Trung Oai và Định Oai.

- Vệ Quảng Vũ có 5 sở là: Tam Phụ, Giải Phân, Oai Dũng, Vân Kỵ và Hiệu Thắng.

- Vệ Ngọc Kiềm có 5 sở là: Chương Vũ, Khống Quyền, Tráng Dũng, Kiện Vũ và Phê Cang.

- Vệ Anh Đức có 5 sở là: Vũ Oai, Thiết Hổ, Đầu Đổng, Huyền Quan và Chấn Viễn.

- Vệ Lâm Khang có 5 sở là: Trực Đãng, Ứng Bình, Loan Hồ, Bác Trạo và Kiểu Hùng.

- Vệ Phấn Oai có 6 sở là: Chu Điện, Oai Điện, Mãnh Điện, Liệt Điện, Phấn Điện và Lăng Tiêu.

Phủ Nam quan 6 vệ:

- Vệ Bảo Trung có 5 sở là: Thần Loan, Vân Đề, Thần Dực, Dũng Tiệp và Định Vũ.

- Vệ Kiến Huân có 5 sở là: Tráng Phong, Vũ Kỵ, Thần Lực, Mao Đẩu và Loan Liễn.

- Vệ Chế Thắng có 5 sở là: Chiêu Vũ, Chế Kỳ, Thiên Trường, Tráng Tạo và Sâm Kỳ.

- Vệ Tráng Tiết có 5 sở là: Phi Ưng, Quả Cảm, Hoành Dã, Trần Lỗ và Khắc Địch.

- Vệ Lạc Xương có 5 sở là: Siêu Quan, Trinh Kiện, Hiệp Luân, Tì Túc và Đầu Tì.

- Vệ Hùng Oai có 6 sở là: Trấn Địch, Chế Địch, Hùng Lực, Trấn Biên, Tĩnh Tái và Ấm Vũ.

Phủ Tây quân 6 vệ:

- Vệ Kiêu Tiếp có 5 sở là: Oai Viễn, Nhân Oai, Tín Oai, Quy Nghĩa và Quyết Kỳ.

- Vệ Nghiêm Dũng có 5 sở là: Thuận Quốc, Bách Ngạch, Hùng Thắng, Chấp Kích và Hoành Hải.

- Vệ Ưng Dương có 5 sở là: Ninh Sóc, Lăng Vân, Đột Kỵ, Thiết Sơn và Vạn Tiệp.

- Vệ Báo Thao có 5 sở là: Chấn Vũ, Kiêu Thắng, Tinh Việt, Thiết Ngạch và Tồi Kiên.

- Vệ Chiêu Công có 5 sở là: Chấp Di, Phù Tấn, Kiển Kỳ, Át Khấu và Thích Xà.

- Vệ Lôi Oai có 5 sở là: Xiết Điện, Oanh Thiên, Lôi Oanh, Đình Khu và Xung Chấn.

Phủ Bắc quân 6 vệ:

- Vệ Ninh Quốc có 5 sở là: Đại Thắng, Tỉnh Kỵ, Ngữ Địch, Bình Khấu và Hùng Dũng.

- Vệ Dực Thuận có 5 sở là: Nghĩa Dũng, Lăng Giang, Bạt Sơn, Tồi Phong và Quyết Thắng.

- Vệ Khai Sơn có 5 sở là: Diệu Võ, Nghĩa Thắng, Trứ Dũng, Vạn Thắng và Tĩnh Biên.

- Vệ Thanh Sóc có 5 sở là: Quyết Bài trung sở, Chiêu Thắng tiền sở, Vạn Thắng hữu sở, Tĩnh Biên hậu sở, còn một sở nữa không rõ tên.

- Vệ Hoằng Tĩnh có 5 sở là: Lạc Hoan, Thước Kích, Tiễn Hùng, Đề Khu và Phục Hùng.

- Vệ Tuyên Oai có 6 sở là: Mãnh Đột, Khước Địch, Vô Địch, Quán Giáp, Chấn Hổ và Quán Cách.

Thân Tùy cục: Theo mục "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì quan thuộc trong cục Thân Tùy có các chức Đô tri, Chánh giám và Phó giám, còn số vên chức này không thể khảo cứu được.

Vũ Lâm quân: Xem năm Quang Thuận thứ 8 (Chính biên XX, 33).

Phụng Trực quân: Nay không khảo cứu được.

Bãi bỏ sáu viện, đặt sáu bộ và sáu tự.

Trước đây đặt sáu viện, quan chức trong sáu viện chia nhau giữ mọi việc chính trị trong nước, đến nay bãi bỏ đi, đổi đặt làm sáu bộ là bộ Lại, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công mỗi bộ đặt chức

Thượng thư và Tả Hữu thị lang, quan thuộc có các chức Lang trung, Viên ngoại lang và Tư vụ. Lại đặt sáu tự là Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự, mỗi tự đặt chức Tự khanh, Thiếu khanh và Tự thừa.

Lời phê - Do cái bệnh sính thay đổi. Lời chua - Sáu viện: Xem năm Quang Thuận thứ 6 (Chính biên XIX, 30-31).

Tháng 5. Phân phối cho các quân sĩ về nhà làm ruộng.

Thái bộc tự Thiếu khanh Lê Đình Tuấn tâu nói: Việc làm ruộng là gốc rễ trong nước, không nên để lỗi thời, xin để các quân sĩ một nửa ở lại làm việc, còn thì cho về làm ruộng. Nhà vua chuẩn theo lời tâu ấy.

Lời chua - Lê Đình Tuấn: Người làng Thanh Lãng, huyện Tế Giang1995 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận.

Tháng 6. Định màu sắc áo mặc của các quan văn quan võ.

Các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm khi vào chầu mặc màu hồng, tứ ngũ phẩm mặc màu lục, từ lục phẩm đến cửu phẩm mặc màu xanh.

Nhà vua ban bức vẽ về hình dáng cái bổ tử1996 . Phàm bổ tử được dùng hình dáng chim muông để làm tượng trưng: bổ tử của tước công, tước hầu, tước bá và phò mã1997 cùng quan văn võ về hàng chánh phẩm vẽ một con, hàng tùng phẩm vẽ hai con; về Phong Hiến đường thì1998 thượng ti vẽ một con, phân ti vẽ hai con. Còn hình dáng mây, sông, núi, nước, hoa, cây vẽ nhiều hay ít đều không câu nệ. Màu sắc cái bổ tử cẩn dùng năm vẻ để làm nổi bật năm sắc áo; sợi chỉ dùng để thêu hình dáng chim muông núi sông v.v... vào bổ tử thì dùng tơ màu hoặc kim tuyến đều được tùy ý.

Nhà vua hạ lệnh cho các quan văn võ trong kinh thành, ngoài các đạo mỗi khi thường tham1999 hoặc bệ từ2000 được mặc áo cổ tròn.

Định chế độ áo mặc khi tiến triều: mặc áo dài cách mặt đất hai tấc, tay áo rộng một thước ba tấc.

Chia trong nước làm 12 đạo.

Hồi đầu triều Lê chia trong nước làm năm đạo, đem phủ, lộ, trấn, châu, huyện và xã chia thành khu vực để lệ thuộc vào đạo. Ở các đạo, chia từng trách nhiệm mà đặt chức hành khiển cùng Chánh Tuyên phủ sứ; Phó tuyên phủ sứ; ở phủ đặt chức Tri phủ; ở lộ và trấn đặt các chứa An phủ sứ và Trấn phủ sứ. Đặt chức quan ở phủ, ở lộ, ở trấn như vậy là có ý để họ liên lạc với nhau mà thông hiểu tình hình trong từng khu vực. Ở châu đặt chức Phòng ngự sử; ở huyện đặt các chức Chuyển vận sứ và Tuần sát sứ; ở xã đặt chức Xã quan.

Khi nhà vua lên ngôi, đổi chức Hành khiển làm Tuyên chính sứ, liêu thuộc của Tuyên chính sứ có các chức Tham chính, Tham nghị, Chủ sự và Suy quan. Đến nay chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên là: 1) Thanh Hóa, 2) Nghệ An, 3) Thuận Hóa, 4) Thiên Trường, 5) Nam Sách, 6) Quốc Oai, 7) Bắc Giang,

8) An Bang, 9) Hưng Hóa, 10) Tuyên Quang, 11) Thái Nguyên, 12) Lạng Sơn. Mỗi đạo đều đặt hai ti: Đô ti và Thừa ti. Quan chức ở Đô ti đặt chức Tổng binh và phó Tổng binh. Đổi Tuyên chính sứ ti làm Thừa chính sứ ti. Đặt chức Thừa chính sứ và Thừa chính phó sứ. Bãi bỏ chức Tuyên phủ chánh sứ và Tuyên phủ phó sứ ở các đạo. Lại đem hai huyện ở kinh kỳ2001 đặt làm phủ Trung Đô, quan chức trong phủ này có các chức Phủ doãn, Thiếu doãn và Trị Trung. Bãi bỏ tên các lộ, các trấn, và đều đặt tên là phủ, đổi tên An phủ sứ làm Tri phủ; Trấn phủ sứ làm Đồng tri phủ; Phòng ngự sứ làm Tri châu; Chuyển vận sứ làm Tri huyện; Tuần sát sứ làm Huyện thừa; Xã quan làm Xã trưởng.

Lời chua - Năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chính biên XV, 5-6).

Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Trung đô phủ: Đều xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16-35).

Thiên Trường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 15 (Chính biên VI, 28).

Nam Sách: Tức Nam Sách2002 : Xem ngang với Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tiền biên V, 22).

Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).

Tháng 7, mùa thu. Bổ nhiệm Nguyễn Thiện làm Thừa chính phó sứ ở Thanh Hóa.

Nguyễn Thiện, trước đây, giữ chức Ngự sử, gặp việc trái phép thì nói một cách quả cảm, nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo rằng: "Nhà ngươi làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để trấn áp cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ti lễ giám đem sắc dụ đến ban khen và thưởng cho lạng bạc".

Đến nay Nguyễn Thiện được bổ ra giữ chức Thừa chính, nhà vua lại dụ bảo rằng: "Trước kia nhà ngươi giữ nhiệm vụ can ngăn, những lời nghị luận thiết thực thẳng thắn; nay bổ ra ngoài để vỗ về yên ủi trăm họ, bảo vệ che chở cho dân một phương, nhà ngươi nên giữ phép công, lo việc dân, răn chừa lòng tức giận, bỏ hết lòng tham muốn, để khỏi hổ thẹn với chức trách mà trẫm đã ủy thác cho".

Nhà vua dụ bảo Thiêm đô ngự sử Đào Tuyến rằng: "Khoảng niên hiệu Thái Hòa - Diên Ninh2003 , chức Ngự sử không lọt vào tay bọn ngoại thích2004 , thì lọt vào tay bọn quyền thần; vì thế mà làm rối loạn cả lời nghị luận công bằng, không phân biệt được con ngựa hay con hươu2005 , chính trị trong nước không có lúc nào tệ hại quá như lúc ấy. Nay nhà ngươi giữ việc phong hiến, tự ý làm càn lại sơ suất cả về lời nói, thật là một người quan lại giảo hoạt".

Lời chua - Đào Tuyến: Người làng Sùng Sơn, huyện Chương Đức2006 , đỗ đồng tiến sĩ Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Tháng 10, mùa đông. Thay đổi xếp đặt ti thuộc bộ Hình.

Theo chế độ cũ, viện Ngũ hình có: Tả hình, Hữu hình, Thẩm hình, Tường hình và Ti hình, mỗi viện đều đặt chức Đại phu. Đến nay sắp xếp lại bộ Hình, đổi viện Tả hình làm ti Thanh hình, viện Hữu

hình làm ti Thận hình, ba viện Thẩm hình, Tường hình và Ti hình chia làm hai ti Minh hình, Tường hình. Mỗi ti đều đặt chức Lang trung, còn chức Đại phu ở viện Ngũ hình đều bãi bỏ.

Nhà vua lấy cớ rằng khoảng niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), ở Hình ti chỉ đặt hai viên Đại phu, xét đoán việc hình ngục phần nhiều chậm trễ; đến nay hạ sắc lệnh cho bộ Lại đặt thêm ở Hình ti 3 người giữ chức Viên ngoại lang. Chức này chọn các quan trong kinh sư và ngoài các đạo người nào có đức độ vừa cương vừa nhu dung hòa với nhau và có tài sở trường về việc hỏi kiện để sung bổ.

Không mưa.

Đinh Hợi, năm thứ 8 (1467). (Minh, năm Thành Hóa thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Ân xá.

Đại lược trong tờ dụ ân xá nói: "Năm ngoái từ mùa thu đến mùa đông, trời nắng mãi không mưa, nhân dân phải khổ sở về gạo ăn, trẫm là cha mẹ dân, trong bụng thực đau xót như dao cắt. Vậy gia ân khoan xá để tỏ chí ý thương yêu nhân dân của trẫm".

Lời phê - Thể lệ ân xá thế nào không rõ, lấy gì để chứng thực? Bắt đầu cử hành lễ mừng thọ ở điện Cần Chính.

Trước đây, mỗi năm cứ đến đầu mùa xuân, xa giá nhà vua đến nhà thái miếu làm lễ bảo thần, người ầy cúng đọc chúc từ để cầu thần ban phúc lành. Khi lễ đã hoàn thành, nhà vua tạm nghỉ ở hành điện, trăm quan vào làm lễ mừng thọ. Đến nay nhà vua hạ nghị định cứ hàng năm, đầu mùa xuân, làm lễ bảo thần xong, nhà vua trở về cung, các quan mới vào làm lễ mừng thọ ở điện Cần Chính. Thể lệ này từ sau theo làm lệ thường.

Lời chua - Điện Cần Chính: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 13).

Lễ bảo thần: Theo mục "Lễ nghi chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, lễ bảo thần cử hành ở nhà tông miếu để cầu thần ban phước lành.

Nhà vua đi tuần du đến Lam Kinh.

Nhà vua hạ sắc lệnh từ nay phàm có đi tuần du, thì quan triều tham2007 đeo thẻ bài theo đi hộ giá, trên mặt thẻ bài chua rõ những chữ "hỗ tụng", để tiện nhận ghi dấu. Việc này làm theo lời tâu của Trần Phong.

Ngày mồng một tháng 2. Nhật thực.

Nhà vua đến Văn Miếu làm lễ tế Tiên Sư.

Không mưa.

Nhà vua thấy trời mãi không mưa, sai thái bảo Nguyễn Lỗi đến cầu đảo ở đền Chí Linh và Hoằng Hựu.

Lời chua - Đền Chí Linh: Ở châu Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa2008 .

Đền Hoằng Hựu: Ở huyện Lương Giang2009 .

Hạ lệnh khám xét đất công ở Lam Sơn, ban cấp cho bầy tôi có công, người được nhiều được ít khác nhau.

Lúc ấy đất công ở Lam Kinh phần nhiều bị nhà quyền thế chiếm làm của riêng. Nhà vua hạ lệnh cho Trần Phong, Thượng thư bộ Hộ, cùng với Phan Sư Tôn, Thừa chính sứ Thanh Hóa, khám xét đất

công ở làng Lam Sơn, ban cấp cho bầy tôi có công từ nhất phẩm đến thất phẩm mỗi người được số đất nhiều ít khác nhau. Nhân đấy, nhà vua dụ bảo trăm quan và kỳ lão rằng: "Lam Kinh là làng của vua, không thể ví như chỗ khác được; gần đây nhà quyền thế trái lễ giáo, khinh pháp độ, chiếm riêng đất công để làm sở hữu của mình, trẫm nghĩ nếu buộc ngay những người ấy vào pháp luật, không bằng trước dạy bảo họ biết lễ giáo. Vậy từ nay lập giới hạn nhất định, người nào còn dám trái lễ, phạm phép sẽ bị trị tội".

Lời chua - Lam Sơn: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chính biên XIII, 2).

Quốc Oai và Tam Đái phát sinh chứng dịch, nhà vua cấp thuốc để điều trị cho dân.

Lúc ấy nhân dân ở Quốc Oai và Tam Đái phần nhiều bị tật dịch, nhà vua hạ lệnh cho Lưu thủ Lê Niệm cấp phát tiền trong kho, sai Tế Sinh đường sứ mua thuốc để điều trị cho dân. Từ nay về sau, phàm dân ở phủ nào có phát sinh chứng ôn dịch đều sai quan đến điều trị.

Lời chua - Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 52010 (Chính biên X, 16).

Tam Đái: Xem ngang với Tống, năm Kiến Đức thứ 4 (Tiền biên V, 29).

Lưu thủ: Lúc ấy nhà vua đi tuần du ở Tây Kinh, sai Lê Niệm ở lại giữ Đông Kinh.

Tế Sinh đường sứ: Thuộc viện Thái ý, xem năm Hồng Đức thứ 2 (Chính biên XXII, 18, 22).

Nhà vua về đến Thiên Trường, hạ lệnh cho các quân sĩ diễn tập phép đánh trận.

Nhà vua từ Lam Kinh về đến Thiên Trường, ban phép trận đồ, hạ lệnh cho quân sĩ tập trận trung hư ở Lỗ Giang, tập trận tam tài và thất môn ở Vi Giang. Lúc ấy bọn Lê Thiệt, Tây quân đô đốc, vì trái lệnh trong khi duyệt tập, phải trói chặt hai tay lại đằng sau, điệu đến cửa dinh chịu tội, sau lại được tha.

Trước đây, bọn Chuyển vận sứ Hán Đình và Thái chúc thừa Nguyễn Đức dâng trận đồ: một là trận trung hư, hai là trận mãn thiên tinh, ba là trận thường sơn xà, nhà vua ban khen và thu nạp, phong cho hai người này là Trấn điện phó tướng quân, rồi sai họ dạy quân năm phủ diễn tập, nhưng tập mãi không thành thuộc, nhà vua phạt tội trượng và bãi chức hai người này.

Lời phê - Xem thế2011 có thể biết được những việc tập trận đều là trang sức danh tiếng hão. Lời chua - Lô Giang: Ở huyện Nam Xang, nay thuộc tỉnh Hà Nội2012 .

Vi Giang: Tức sông Ông Vi, ở huyện Vũ Tiên (Chính biên XX, 14) nay thuộc tỉnh Nam Định2013 .

Nhà vua trở về cung.

Tháng 3. Khảo hạch học sinh, giám sinh và nho lại, người nào trúng tuyển được trao quan chức.

Theo chế độ cũ, con cháu quan viên được lựa chọn để bổ sung vào làm học sinh ở Ngự Tiền cận thị cục; sinh đồ, tức là những người thi hương trúng được bốn kỳ, đều được sung bổ làm giám sinh ở Quốc Tử Giám; giám sinh, người nào có tài làm lại, được bổ sung làm lại điển ở các nha môn. Đến nay, nhà vua sai bộ Lại khảo xét kỹ lại. Những người trúng tuyển: nếu là Cận thị cục học sinh, sẽ được cất nhắc làm Huyện thừa ở các huyện; nếu làm giám sinh ở Quốc Tử Giám và là lại điển ở các nha môn, sẽ được bổ giữ giáo chức ở các phủ.

Nhà vua hạ lệnh tìm di tập thơ và văn của Lê Trãi2014 .

Ông Trãi, giúp Lê Thái Tổ khai quốc, rồi lại giúp Lê Thái Tông, tài trí, phép tắc, mưu mô, đạo đức, đều vượt hơn hết mọi người lúc bấy giờ; ngoài ra, ông lại có những tác phẩm như Quân trung từ mệnh2015 , Dư địa chí2016 , Ngọc đường di tập, Giao tự đại lễ, Thạch bàn đồ2017 và văn thơ2018 . Đến khi bị giết, di thảo của ông phần nhiều bị mất mát, chỉ còn sót lại được chút ít, nhà vua xem đến, đặc biệt ngợi khen, cho nên hạ lệnh sưu tầm.

Chiêm Thành sai sứ sang cống.

Trước đây, nhà vua đi tuần Tây Kinh, xa giá đến hành điện2019 , sứ thần Chiêm Thành là Trầm Phác Sa đến cống nạp, nhà vua cho phép sứ thần vào triều yết ở hành tại2020 . Đến nay sứ thần được ban yến ở Bắc Sứ quán, nhà vua lại sai viên nội quan hỏi sứ thần về lễ thờ nước lớn. Sứ thần thưa rằng: "Nước Chiêm Thành đối với thánh triều cũng như con thờ cha mẹ, một mực nghe theo mệnh lệnh; như mệnh lệnh thiên tử ban ra, ngoài lễ vật cống nạp thường hằng năm, lại trách đến khoản tích cống2021 , đấy là thể lệ mới, tôi không dám thiện tiện ứng đối".

Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp, xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên III, 20-21).

Bổ Trần Phong làm Thượng thư bộ Hình, Nguyễn Cư Đạo làm Đô ngự sử2022 trong Ngự sử đài, quyền Thượng thư bộ Hộ, giữ công việc ở Kinh Diên2023 .

Nhà vua dụ bảo Trần Phong rằng: "Trẫm nghe cổ nhân nói: "Trị nước mà không dùng thưởng phạt, thì dầu đời Đường đời Ngu cũng không thể nào trị được thiên hạ"2024 . Nay trẫm trịnh trọng ký thác ở nhà ngươi, nhà ngươi chỉ làm thế nào giữ được 4 chữ "cần, thành, đôn, xác"2025 thôi. Như thế thì nhà ngươi có lẽ nào lại không cố gắng dùi mài đọc sách để hiểu rõ được đạo lý sáng khôn giữ mình hay sao?". Nhà vua dụ bảo Nguyễn Cư Đạo rằng: "Trẫm từ thuở bé cùng nhà ngươi giao du, kịp khi trẫm lên ngự ngôi báu, nhà ngươi chầu chực ở Kinh Diên, nói về nghĩa là vua với tôi, nói về tình như cá với nước, nhà ngươi phải hết lòng hết sức, cố mong báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn ngừa hết sự đút lót; như thế trẫm sẽ là một ông vua biết người, mà nhà ngươi được là một bầy tôi tận trung với nước, bản thân được hiển vinh, danh tiếng được vang dội, sáng tỏ mãi trong sử sách, chẳng cũng tốt đẹp lắm sao? Nếu không thế, thì trẫm là một ông vua không biết người, mà nhà ngươi là một người bầy tôi chỉ có danh

vị hão huyền mà không làm được việc gì cả. Ấy hai đường ấy, muốn theo đường nào cốt ở nhà ngươi lựa chọn".

Lời chua - Nguyễn Cư Đạo: Người làng Đông Khối, huyện Gia Định, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) năm Đại Bảo đời Lê Thái Tông.

Cầm Đồng, thổ tù ở châu Thuận, đem người Ai Lao sang cướp Hưng Hóa; nhà vua hạ lệnh cho Tổng binh Khuất Đả đem quân đi đánh, dẹp yên được.

Người Ai Lao chiếm ở Lộng Động, viên phụ đạo châu Thuận là Cầm Đồng cùng họ giao thông viện trợ lẫn nhau, xâm chiếm cướp bóc dân biên giới. Nhà vua hạ lệnh cho Tổng binh Khuất Đả làm Đốc tướng, Đồng tổng binh Nguyễn Động làm phó tướng, Khiên Nhân Thọ giữ chức Tán lý quân vụ, thống lãnh hơn năm ngàn quân, hội họp với quân trấn thủ phủ Gia Hưng để đi đánh. Khi quân sĩ tiến đến châu Mộc thuộc phủ Gia Hưng, hợp sức với ba trăm lính thổ kéo thẳng đến sách Câu Lộng vùng sông Mã. Khuất Đả phân phối cho viên Tổng tri vệ Gia Hưng là Lê Miễn đem quân của vệ mình đến Khâu Chúc, hợp lực với lính thổ châu Việt và châu Mỗi đón chặn các đường hiểm yếu, nói phao lên là đem quân đánh giặc. Giặc nghe tiếng, bỏ chạy tan vỡ. Khuất Đả sai người dụ dỗ về đường lợi hại, bọn phụ đạo Cầm Đồng đến cửa dinh xin hàng. Khuất Đả bèn sai Xa Man, Kinh lược sứ châu Mộc, sửa sang nơi hiểm yếu cũ cho được trọn vẹn, rồi cho Xa Man cùng quan bản thổ là Cầm La đem lính thổ đóng giữ phòng bị; Khuất Đả dẫn quân về.

Trận này, vừa đi lẫn về chỉ có 18 ngày, những nơi binh sĩ đi qua, không làm kinh động đến con gà, con chó. Đến ngày làm lễ hiến phù2026 , nhà vua muốn đem tù binh hành hình ở địa phương mà chúng đã xâm phạm để làm gương răn người khác. Bọn Thái bảo Lê Liệt tâu rằng: "Nếu Cầm Đồng quả thực lòng phục tội, xin đến đầu hàng, thì nên cho hắn được khỏi tội chết, để khuyến khích người sau này; nếu vì bức bách mà sau mới xin quy phục để mong khỏi chết, thì giết đi cũng là phải". Nhà vua ra lệnh đem giam Cầm Đồng vào ngục.

Trận này, viên Hiệu úy Hoàng Liễu đem lính thổ phủ An Tây đánh nhau với bộ lạc Ai Lao ở Khâu Lao chém giết được rất nhiều người, châu Thuận liền bắt giải vợ con Cầm Đồng cùng tù binh và những tai đã xẻo được2027 của quân Ai Lao nộp về kinh sư.

Lời cẩn án - Sử cũ chép: "Khuất Đả chiêu hàng được giặc Ai Lao là bọn Đạo Đồng". Nay tham khảo các sách sau này thì thấy: - Sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống chép: "Tiên tổ nước Ai Lao ở núi Lao Sơn, phía tây thông với Đại Tần2028 , phía nam thông với Giao Chỉ, từ đời này kế tiếp đời khác, mới chia đặt các tiểu vương, thường ở rải rác tại các nơi khe núi". - Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép: "Bộ lạc Ai Lao rất nhiều, ở rải rác ra nhiều nơi, đều gọi là Lào". - Sách Hưng hóa phong thổ lục của Hoàng Trọng Chính chép: "Hưng Hóa phía trên tiếp giáp với các đất Mán của Ai Lao"... Sách ấy lại chép: "Ba châu Sơn La, Tuần Giáo và Mai Sơn, hồi đầu triều Lê gọi là ba động, đều thuộc về châu Thuận; họ Cầm, đời này qua đời khác, giữ chức phụ đạo". Theo các sử liệu đã dẫn ở trên, thì Ai Lao tự vượt qua biên cảnh chiếm ở Lộng Động, viên phụ đạo châu Thuận là Cầm Đồng cùng họ giao thông viện trợ, xâm phạm cướp bóc dân ở biên giới, đến khi quan quân tiến đánh, Ai Lao bị tan vỡ, Cầm Đồng mới ra hàng, bị giam ở ngục. Người châu Thuận đem vợ con Cầm Đồng cùng tù binh và tai giặc xẻo được đưa nộp về kinh sư. Như thế đủ biết Cầm Đồng không phải là bộ lạc Ai Lao: chữ "đạo" tức là "phụ đạo", chữ "đồng" tức là "Cầm Đồng". Sử cũ chép lầm "Đạo Đồng" là giặc Ai Lao, nay cải chính lại.

Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tiền biên IV, 9-10).

Phụ Đạo: Xem năm Hồng Đức thứ 2 (Chính biên XXII, 6).

Phủ Gia Hưng: Đất Lâm Tây xưa, xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chính biên II, 41).

Mộc Châu: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 15).

Mã Giang: Thượng lưu sông này ở địa phận châu Quan Hóa thuộc Thanh Hóa, bên tả giáp với phía nam tỉnh Hưng Hóa, hạ lưu hợp dòng với sông Lương.

Việt Châu: Xưa gọi tên là Mường Việt; nhà Lê đổi làm Việt Châu; năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi làm An Châu.

Thuận Châu: Nay thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa2029 .

Mỗi Châu: Xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (Chính biên XVII, 1).

Phủ An Tây: Xem năm Hồng Đức thứ 10 (Chính biên XXIII, 28).

Kinh lược sứ, Hiệu úy: Đều là tên quan, đều xem năm Hồng Đức thứ 2 (Chính biên XXII, 19, 20).

Họ Cầm, họ Xa: Đều là họ của dân tộc Thổ Mán.

Câu Lộng: Tên một sách.

Lộng Động, Khâu Chúc, Khâu Lao: Đều tên động, nay thay đổi thế nào không thể tra cứu được.

Bắt đầu đặt chức Bác sĩ dạy năm kinh.

Lúc ấy, giám sinh nhiều người chuyên trị kinh Thi , kinh Thư , ít người học tập sách Lễ Ký, Chu Dịch Xuân Thu , cho nên nhà vua đặt chức Bác sĩ năm kinh, mỗi viên Bác sĩ chuyên nghiên cứu một kinh để dạy các học trò.

Giảm bớt thuộc viên ở hai phủ Bắc Bình và Thông Hóa.

Trước đây hai phủ Bắc Bình và Thông Hóa, mỗi phủ đặt chức Tri phủ và Đồng tri phủ; ở châu đặt chức Tri châu và Đồng Tri châu; ở huyện đặt chức Tri huyện và Huyện thừa, mỗi chức đều đặt một người đến nay giảm bớt đi, chỉ đặt Tri phủ, Tri châu, Tri huyện mỗi chức một người mà thôi.

Lời chua - Bắc Bình: Theo Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập : Bắc Bình là tên phủ, nguyên trước thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên, sau đổi là Cao Bằng; khoảng niên hiệu Vĩnh Trị2030 đổi làm trấn; nay là tỉnh.

Thông Hóa: Tên phủ, nay vẫn thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Sầm Tổ Đức, người thổ mán nhà Minh, xâm phạm vào phủ Bắc Bình. Viên Phó tổng tri Lê Lục và viên Đồng tổng tri Nguyễn Lượng vì phạm tội phải đầy đi một châu ở nơi biên viễn2031 .

Sầm Tổ Đức, người thổ ở phủ Trấn An nhà Minh, đem quân của hắn hơn ngàn người óng ở Âm Động, nói phao lên là để bắt giặc trốn là Sầm Vọng, nhân đây cướp trâu và súc vật của biên dân châu Thông Nông phủ Bắc Bình mang đi. Sau Tổ Đức lại chiếm cứ châu Bảo Lạc, rồi xin với triều đình đuổi người phạm tội là Sầm Vọng ra khỏi biên cảnh. Triều đình bàn luận, cho rằng lời nói của Tổ Đức đều là man trá. Nhà vua hạ lệnh cho viên Trung thư làm tờ tư di cho ti Bố chính sứ tỉnh Quảng Tây, xin sức cho Tổ Đức phải trả lại người và súc vật mà y đã cướp bóc của nhân dân. Một mặt khác nhà vua sai Phan

Tiến, Giám sát ngự sử Bắc Đạo, đến Bắc Bình xét hỏi việc này, bắt Lê Lục và Nguyễn Lượng giao xuống cho pháp ti nghị trị tội. Hai người đều phải đày đi viễn châu, vì tội đóng giữ phòng bị không cẩn thận, để đến nỗi biên giới bị cướp bóc.

Nhà vua hạ sắc dụ bảo các viên Tổng binh và thổ quan ở Lạng Sơn, An Bang và Bắc Bình rằng: "Người bầy tôi giữ đất đai của triều đình, chức phận là phải bảo toàn cảnh thổ, yên ủy nhân dân, bẻ gãy những mũi nhọn tiến công, chống cự những kẻ khinh rẻ nước mình. Thế mà mới đây, người nước ngoài xâm phạm cướp bóc, trẫm không nghe thấy các ngươi có công hiệu gì về việc đánh giặc giữ đất cả! Nếu nay cứ mỗi một việc lại buộc vào pháp luật, thì lòng trẫm có điều không nỡ. Vậy bọn các ngươi phải cố gắng hết lòng hết sức, nghĩ làm thế nào để gột rửa tội lỗi trước kia". Nhân đấy, nhà vua ban bố 11 điều khoa lệnh.

Lời chua - Phủ Trấn An: Theo Đại Thanh nhất thống chí, phủ Trấn An thuộc tỉnh Quảng Tây.

Âm Động: Ở châu Tiểu Trấn An thuộc phủ Trấn An.

Thông Nông: Tên châu, xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 6 (Chính biên IV, 41).

Bảo Lạc: Tên châu, xem Lý Nhân Tông, năm Anh vũ chiêu thắng thứ 9 (Chính biên III, 45).

Quảng Tây: Mặt Tây Nam tỉnh này giáp giới với địa phận hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn nước ta.

Lạng Sơn, An Bang: Đều xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19, 29, 31).

Tháng 4, mùa hạ. Ban phát bản in ngũ kinh cho Quốc Tử Giám.

Việc này là theo lời tâu của viên Bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh.

Lời chua - Vũ Vĩnh Trinh: Người làng Thiết Khoán, huyện Thiên Bản2032 , Vĩnh Trinh đỗ minh kinh khoa Kỷ Dậu (1429) năm Thuận Thiên thứ 2 đời Lê Thái Tổ.

Hạ lệnh cho các quân sĩ đọc sách.

Nhà vua hạ lệnh cho Dương Hải, quyền Thượng bảo tự khanh và Khiên Nhân Thọ, Thông chính tả thừa, dạy bảo luyện tập về việc đọc sách cho các hàng quân bộ binh, kỵ binh có tiếng mạnh khoẻ dũng cảm.

Lúc bấy giờ nhà vua hạ lệnh cho quân ở ngũ phủ chế tạo binh khí theo hình dạng mới, được ít lâu lại bắt đổi theo hình dạng khác. Trong bọn quân nhân có người phàn nàn than thở. Văn Lư, một quân nhân trong vệ Oai Lôi2033 dâng thư nói: "Tháng giêng năm nay, bệ hạ đã ban ra hình dạng mới về binh khí, bắt quân chế tạo, nay lại thay đổi hình dạng khác, như thế là chính lệnh bất thường". Nhà vua sai bộ Lại dụ bảo Văn Lư rằng: "Binh khí cùng một hình dạng ấy cả, lời nhà ngươi nói chỉ là nói càn mà thôi". Viên Thị lang Lương Như Hộc nói riêng với Văn Lư rằng: "Nhà ngươi không phải là người giữ chức ngôn luận, sao lại dám nói càn đến việc nước?". Văn Lư trả lời: "Nước lấy dân làm gốc rễ, mà lính là để bảo vệ dân; nay hiệu lệnh trước sau bất nhất, quân và dân đều sầu oán, thế mà ông là người bầy tôi thân cận của nhà vua, lại ngậm miệng, không nói gì, nay Lư này nói ra là yêu vua đấy". Bọn Như Hộc nghe lời của Văn Lư, yên lặng không nói gì cả.

Lời phê2034 - Xem việc này có thể rõ được: vua thì mắc bệnh hay thay đổi; bầy tôi chỉ quen thói bợ đỡ đón trước cái ý của nhà vua. Lời chua - Dương Hải: Nguyên tên là Mỗi, sau đổi là Hải người làng Mi Sơn, huyện Thủy Dường2035 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu (1453) năm Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Ngũ phủ quân, Oai Lôi vệ: Đều xem năm Quang Thuận thứ 7 (Chính biên XX, 2, 5).

Đỗ (Tông) Nam và Nguyễn Như Đổ phạm tội, giao xuống cho hình phạt quan xét nghĩ.

Đô cấp sự trung là bọn Trịnh Thiết Trường hặc tâu: "Đỗ (Tông) Nam, Thượng thư bộ Hình, làm quan mà ăn của đút; Nguyễn Như Đổ, Thượng lại bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng. Xin đều giao xuống pháp ti xét xử trị tội theo luật định". Nhà vua chuẩn y.

Lời chua - Trịnh Thiết Trường: Người làng Đông Lý, huyện An Định2036 , đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Mậu Thìn (1448) năm Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Bổ Nguyễn Phục làm Tham chính2037 trong ti Thừa chính sứ2038 ở Thanh Hóa.

Nguyễn Phục, trước đi sứ Trung Quốc về, từng làm quan đến chức Tham nghị ở Chính sự viện, đến nay đổi làm Tham chính ở Thanh Hóa. Nhà vua dụ bảo rằng: "Nhà ngươi trước kia sung vào sứ bộ sang Trung Quốc, đã phải khó nhọc về việc công, kịp khi về triều làm quan lại thường tiến dâng lời nói chính đáng, thật là đáng khen! Vậy đặc mệnh Giám thừa là Nguyễn Lỗi đem ban cho bạc lạng, để biểu dương lòng trung thành của nhà ngươi".

Lời chua - Thanh Hóa: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16-17, 20-21).

Chính sự viện: Theo mục "Quan chức chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, quan chế hồi đầu triều Lê có Chính sự viện để giữ then chốt chính trị trong nước. Quan chức trong viện có các chức Thượng thư, Tham tri, Tham nghị và Đồng tham nghị.

Tháng 5. Tống Thiệu, thổ tù nhà Minh, xâm phạm cửa ải Tỏa Thoát.

Tống Thiệu, thổ quan phủ Trấn An nhà Minh, xâm phạm cửa ải Toả Thoát, cướp ruộng của dân, thiện tiện bắt lấy trâu và súc vật. Viên Tri phủ Bắc Bình và Đào Phục Lễ đem việc này tâu về triều, nhà vua hạ chiếu cho triều thần thảo luận về kế phòng bị. Thái sư là bọn Lê Liệt đều cho rằng rợ mọi ở nơi biên viễn tự đánh cướp lẫn nhau là tập tục của họ; bây giờ ta chỉ nên giữ vững lấy cương giới, không gây hấn khích ở ngoài biên cương, hễ chúng kéo đến thì mình chống cự lại mà thôi.

Lời chua - Cửa ải Tỏa Thoát: Ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, nay là cửa ải quả Thoát.

Hạ chiếu cho bầy tôi: Người nào trước đã được "tứ quốc tính"2039 , nay lại theo về họ cũ của mình.

Phạm Công Nghị, Thượng thư bộ Lễ, dâng sớ nói: "Đời xưa một nước mới thành lập, thì thiên tử nhân nơi sinh mà cho một chữ gì đó để đặt làm họ: Ông Tiết lúc mới phong ở đất Thương, vua Nghiêu cho đặt họ là Tử; Ông Tắc lúc mới phong ở đất Thanh, vua Nghiêu cho đặt họ là Cơ, thế là dùng đất được phong để đặt làm họ, nhân họ để lập thành tông tộc riêng. Phàm đã làm người, ai cũng có họ riêng của mình; ngày trước như cửu quan, tam công, ngũ thần, thập loạn, đều là những người có công lao lớn với nước, mà chưa từng thấy người nào được tứ quốc tính cả. Đến Hán Cao tổ cho phép Lâu Kính đổi là họ Lưu, Đường Cao tổ cho phép Thế Tích được đổi là họ Lý, đấy chẳng qua chỉ là cái thuật dùng để chếp ngự trong nhất thời mà thôi2040 . Những người ấy không biết rõ rằng họ nào có dòng dõi của họ ấy, không thể nào lẫn lộn được. Vả lại, lấy thân phận người bầy tôi mà làm hỗn loạn quốc tính là bất kính, lấy bổn phận người làm con mà quên mất họ gốc rễ của ông cha là bất hiếu, việc ấy không thể dùng để dạy đời được, cần phải sửa đổi lại cho được chính đáng. Phàm người bầy tôi nào đã được tứ quốc tính, nay đều đổi theo về họ cũ của mình, để cho chi phái của thiên hoàng2041 được trong sạch, cỗi gốc của tộc tính được phân minh". Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy.

Tháng 6. Làm bản đồ địa dư.

Nhà vua hạ lệnh cho 12 quan Thừa tuyên thân hành đi khám xét núi sông hiểm trở, nơi bình thản và sự tích đời xưa, đời nay trong địa hạt mình cai quản, vẽ thành đồ bản, ghi chú rõ ràng, đệ nộp bộ Hộ để sáng tác bản đồ địa dư.

Đặng Thiệm, Tham nghị trong ti Thừa chính sứ ở Hóa Châu dâng sớ nói 5 điều tiện lợi nên làm: 1. Lập đồn trấn thủ cửa biển Tư Dong; 2. Lấp cửa biển Nhuyễn Hải; 3. Khơi vét Liên Cừ; 4. Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn; 5. Chiêu mộ dân lưu vong khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính.

Lời phê - Năm điều này không rõ triều đình có theo hay không? Lời chua - Hóa Châu: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (Chính biên VIII, 44).

Đặng Thiệm: Người làng Mạo Bồ, huyện Sơn Vi2042 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu (1553) niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Tư Dong: Tên cửa biển, ở phía Đông Nam huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên, nhà Lý gọi là Ô Long, nhà Trần đổi là Tư Dong; Ngụy Mạc2043 đổi là Tư Khách; nay là Tư Hiền.

Cửa biển Nhuyễn Hải: Ở huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, nay là cửa biển Thuận An.

Liên Cừ: Xem Hồ Hán Thương, năm Khai Đại thứ 2 (Chính biên XII, 5).

Đông cung Thị Giảng2044 là Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bưu phạm tội, bị bãi chức.

Nhà vua ra chơi Đông cung, hỏi Thái tử về nghĩa sách, Thái tử đem nghĩa sách mà Nguyên Tiềm đã dẫn giải cho từ trước để thưa lại. Nhà vua triệu bọn Nguyên Tiềm và Bưu đến phượng nghi đường bắt làm ba bài thi thể văn chiếu, chế và biểu, ba bài của Tiềm và Bưu đều bất thành văn lý. Nhà vua bèn quở trách bọn Nguyễn Như Đổ, Trần Phong và Trần Thốc về tội bảo cử không phải người xứng đáng và bãi chức bọn Nguyễn Tiềm và Bưu.

Lê Thiệt, Tây quân đô đốc, phạm tội, bị bãi chức.

Thiệt, giữ chức Tây quân đô đốc, cho binh sĩ dưới quyền chỉ huy của mình đi tuần ngoài biên giới, doạ nạt người châu Thoát để lấy bạc, việc này phát giác, cho nên bị bãi chức.

Lời chua - Châu Thoát: Ở phủ Trương Định, tỉnh Lạng Sơn. Từ Minh thuộc trở về trước là Châu Thoát; hồi đầu triều Lê đổi làm Châu Thoát Lãng; nay vẫn theo tên ấy.

Hạ lệnh cho quan trong kinh sư chọn những lại điển để đi xét hỏi cặn kẽ về sự đau khổ của quân, dân và chính sự ở địa phương tốt hay xấu.

Nhà vua hạ lệnh cho các quan trong lục bộ, lục tự, lục khoa2045 chọn những nha lại biết chữ và có hạnh kiểm, mỗi bộ, mỗi tự, mỗi khoa đều phải chọn lấy hai người để phân phái đi xét hỏi cặn kẽ về sự đau khổ ở dân gian và chính sự ở địa phương tốt hay xấu.

Lời phê - Công việc xét hỏi cặn kẽ mà dùng bọn này2046 , thật là không hợp thể. Hạ lệnh cho sử quan2047 Lê Nghĩa dâng Nhật lịch2048 .

Nhà vua muốn xem Quốc sử , sai trung quan đến viện Hàn Lâm dụ bảo sử quan2049 Lê Nghĩa rằng: "Ngày xưa Phòng Huyền Linh giữ chức sử quan, Đường Thái Tông2050 muốn xem Thực lục2051 , Huyền Linh không cho xem. Nay nhà ngươi so sánh với Huyền Linh xem ai giỏi hơn?". Lê Nghĩa trả lời: "Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ2052 , Huyền Linh không chép thẳng, vì có lệnh của Đường Thái Tông rồi sau mới chép, như thế, e rằng chưa chắc đã giỏi". Trung quan nói: "Ý nhà vua muốn xem Nhật lịch từ năm Quang Thuận thứ nhất đến nay". Nghĩa nói: "Làm ông vua mà xem Quốc sử như việc Đường Thái Tông và Huyền Linh đã làm ngày trước, đời sau thường chê cười đấy". Trung quan nói: "Nhà vua cho rằng xem Nhật lịch để biết trước kia có làm việc gì lầm lỗi, thì nay có thể nhận xét được để mà sửa đổi". Nghĩa nói: "Bệ hạ cứ cố gắng làm điều thiện mà thôi, hà tất phải xem Quốc sử ?". Nhà vua sai trung quan dụ bảo hai ba lần nữa. Nghĩa nói: "Nếu thánh thượng thực lòng biết đổi lỗi, là hạnh phúc vô cùng cho xã tắc2053 , thì việc dâng Nhật lịch này dù không can ngăn mà chính là can ngăn đấy". Bèn dâng Nhật lịch .

Lời phê2054 - Lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng giống với Đường Thái Tông, nên mới muốn xem Quốc sử. Lời phê2055 - Lê Nghĩa giữ đạo lý không vững vàng. Lời chua - Lê Nghĩa: Người làng Đại Điền, huyện Bình Hà, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận.

Giặc cỏ xâm phạm vào An Bang, bọn Đốc tướng Khuất Đả và Tổng binh Lê Hối đánh nhau với giặc, bị bại trận. Nhà vua sai bắt hai viên này giao cho Hình quan trị tội.

Trước đây, giặc cỏ xâm phạm vào đồn Khả Lặc ở An Bang, nhà vua hạ lệnh cho Đô đốc thiêm sự Khuất Đả thống lĩnh năm trăm quân trong ngũ phủ đi đánh. Vì không đuổi kịp giặc, nên rút quân về. Nhà vua bèn hạ lệnh cho quyền Lại khoa Cấp sự trung Khiên Nhân Thọ và Đông đạo quan sát ngự sử Thiều Duy Tinh đến An Bang xét hỏi việc về việc người tướng súy nào đã làm chậm trễ trong khi hành quân [để đến nỗi quân quan không đuổi kịp giặc]. Nhà vua lại cho rằng: An Bang là đất xa xăm, mỗi khi nơi biên cảnh có báo động, quan quân tiếp ứng không sao kịp được, nghĩ đặt vệ quân ở trấn An Bang.

Đến nay, giặc cỏ lại xâm phạm vào đồn Khả Lặc ở An Bang. Nhà vua lại sai Khuất Đả thống lĩnh một ngàn quân trong ngũ phủ hội họp với Lê Hối, Tổng binh trấn An Bang, đi đánh; một mặt nhà vua cho triệu bọn Đinh Liệt, Nguyễn Lỗi, Lê Niệm và Trịnh Văn Sái để cùng bàn định kế hoạch đánh dẹp; một mặt khác, hạ lệnh cho bọn Nguyễn Đức Trung, Đô đốc đồng tri trong phủ Nam quân, đi giữ chức Giám quân và ban phát ba vạn thăng gạo để cung cấp cho quân ăn. Bọn Khuất Đả đánh nhau với giặc, bị bại trận.

Khiên Nhân Thọ hặc Lê Hối không biết liệu tình thế giặc; Khuất Đả đuổi đánh giặc để nhỡ mất cơ hội, để đến nỗi thua đau. Nhà vua hạ sắc lệnh cho Nhân Thọ đến nơi khám xét, nhân đấy bắt bọn Khuất Đả và Lê Hối giải về kinh giao cho Hình quan trị tội.

Một hôm, sau khi bãi triều, nhà vua hỏi các đại thần rằng: "Khuất Đả trước kia tuy trái quân luật, việc này bộ Hình còn đương xét hỏi. Nay trẫm muốn dùng hắn giữ việc binh, để trấn thủ Bắc Bình, thì thế nào?". Nguyễn Lỗi nói: "Để ai sống, giết ai chết, phong chức cho người nọ, cất chức của người kia, đấy là quyền bính vua chúa, không phải việc thần hạ muốn luận bàn. Nhưng Khuất Đả đánh giặc vô công, bị quan chức trong lục khoa đàn hặc, hiện nay bộ Hình đương xét hỏi, tưởng hãy đợi việc hình ngục kết liễu, nếu quả Khuất Đả không có tội, bấy giờ sẽ dùng, cũng không lấy gì làm muộn". Nhà vua y theo lời tâu ấy.

Bọn Trần Phong, Thượng thư bộ Hình, đã tra hỏi xong việc hình ngục của Lê Hối, muốn luận vào tội tương đương với quân pháp. Đô ngự sử Trần Thốc nói: "Lê Hối, trước kia có công, nay vì trái quân luật mà phải tội, thì nên theo điều lệ "bát nghị"2056 . Nhà vua nói; "Phép nước2057 chỉ có một lẽ mà không có hai lẽ, lời nói của Trần Thốc đem tách ra làm hai, không phải là quân pháp. Lời nói ấy chỉ là du thuyết2058 mà thôi, nên buộc Trần Thốc vào tội du thuyết". Chưa được bao lâu, nhà vua lại dụ bảo Trần Thốc rằng: "Trước đây trẫm quở trách nhà ngươi là du thuyết, điều ấy có phần quá đáng; từ nay, những mưu hay chước lạ nhà ngươi nên vào trong cung điện tâu bày cho trẫm biết, ngõ hầu lời nói của nhà ngươi có thể ví như năm đại hạn mà gặp được mưa ngọt, như người qua sông mà có thuyền có chèo2059 , để báo đáp lại đức sáng".

Lời chua - Giặc cỏ: Ẩn nấp ở nơi đồng nội, không có danh hiệu gì để gọi tên, cho nên gọi là giặc cỏ.

Thành Khả Lặc: Tức sở Kim Lặc, thuộc sở Thủ ngữ kinh lược sứ ở đô ti An Bang.

Kinh sư bị nạn đói, nhà vua hạ chiếu giảm tô thuế và cho đong thóc ở Nghệ An.

Năm bấy giờ, trời nắng mãi không mưa, lúa ở đồng ruộng bị tổn hại, giá gạo ở kinh sư bỗng cao vọt lên. Nhà vua hạ chiếu giảm cho tô ruộng và thuế nhân đinh có từng bậc khác nhau; một mặt, hạ lệnh cho viên Thừa chính sứ ở Nghệ An trích tiền trong kho mua thóc ở Nghệ An nộp về kinh sư.

Lời chua - Nghệ An: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 21-23).

Tháng 8, mùa thu. Nhà vua cho triệu Trịnh Công Lộ, quyền Đô đốc phủ Đông quân, về kinh, và hạ lệnh cho Nguyễn Đức Trung quyền Trấn thủ An Bang.

Công Lộ, quyền Đô đốc phủ Đông quân, nay vì đánh giặc không thành công, nhà vua cho triệu về và hạ lệnh cho Nguyễn Đức Trung quyền Trấn thủ An Bang chỉ huy các quân sĩ. Trịnh Công Lộ từ An Bang trở về triều, dâng bốn điều tiện lợi: 1. Lập dinh trại ở châu Vạn Ninh và châu Tân Yên để chống cự người nước ngoài xâm lấn; 2. Kén chọn xếp đặt hương trưởng làm người giáp thủ để thống thuộc và giúp đỡ lẫn nhau; 3. Chọn người có tài cán văn võ để làm trấn thủ; 4. Lấp các đường ở nơi quan ải, không để cho ai chém cây cối, mở đường sá, đến nỗi làm mất cả chỗ hiểm trở.

Lời chua - Phủ Đông quân: Nam Sách và An Bang đều thuộc phủ Đông quân.

Vạn Ninh: Tên châu, xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 4 (Chính biên XI, 16).

Tân Yên: Tên châu, nay là châu Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Yên.

Xét định chế độ quân ngũ.

Trước đây đặt quân năm phủ, đến nay đặt thêm quân ở trong kinh và ngoài các đạo, xét định chế độ quân ngũ: quân trong kinh có 66 ti, 51 vệ; quân ngoài các đạo có 26 vệ. Lệ định số quân: mỗi ti 100 người, mỗi vệ 5 sở hoặc 6 sở không nhất định, mỗi sở 20 đội, mỗi đội 20 người.

Nhà vua ra lệnh cho Đô đốc ngũ phủ là bọn Trịnh Văn Sái, Lê Hi Cát hội đồng với Nguyễn Vĩnh Tích, Thượng thư bộ Binh lựa chọn đại tổng kỳ, tiểu tổng kỳ ở các vệ trong ngũ phủ để bổ sung vào quân điện tiền ngũ vệ.

Lời chua - Các quân trong kinh và ngoài các đạo: Theo Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập thì:

Về phần quân trong kinh sư có các ti, các sở sau này:

- Lực sĩ các ti túc trực ở điện Kim Quang gồm 10 ti: Kim Đao, Bảo Đao, Hải Thanh, Hà Thanh, Kỵ Xạ, Súng Xạ, Minh Uy, Loan Giá, Hiệu Lệnh và Phụng Lệnh.

- Dũng sĩ các ti ở Cẩm Y vệ gồm 20 ti: Ngân Đao, Tróc Sinh, Nghi Vệ, Tài Quan, Hiệu Lệnh, Địch Vạn, Thiên Mã, Kỳ Thủ, Đình Úy, Thủ Ngữ, Phục Ba, Ngân Thương, Hãn Vệ, Du Nỗ, Thần Uy, Phi Kỵ, Thần Xạ, Thanh Lộ, Xá Nhân và Kỳ Bài.

- Tráng sĩ các ti thuộc Cẩm Y gồm 18 ti: Địch Vạn, Phục Ba, Xá Nhân, Tuấn Sĩ, Thần Uy, Phi Kỵ, Ngoại Trực, Hiệu Lệnh, Đình Úy, Nghi Vệ, Minh Tiên, Kỳ Bài, Du Nỗ, Xuy Kim, Tráng Nỗ, Ngũ Thành bình mã, Tượng Cứu và Mã Cứu.

Các vệ sở thuộc Cẩm Y có bốn vệ tuần tượng:

- Tiền vệ gồm 5 sở: Chiết Xung, Hùng Lực, Oai Phong, Tráng Nghị và Phấn Mãnh.

- Tả vệ gồm 5 sở: Đại Tráng, Hoả Mãnh, Kính Uy, Thần Thắng và Phấn Nhuệ.

- Hữu vệ gồm 5 sở: Uy Nhuệ, Uy Dũng, Chấn Địch, Đô Lỗ và Khắc Tiệp.

- Hậu vệ gồm 5 sở: Tựu Lãng, Cầm Chí, Thành Nhạc, Cảng Hà và Quỵ Lâm.

- Mã Nhàn có một vệ gồm 5 sở: Du Cảnh, Tống Hậu, Du Mĩ, Lăng Tiêu và Đạp Hà.

Vũ sĩ các ti ở Kim Ngô vệ gồm 14 ti: Trấn Điện, Lực Sĩ, Kỳ Thủ, Tài Lực, Trường Thương, Lăng Ba, Kính Nỗ, Hoàn Vệ, Đoản Sáo, Định Lệnh, Hộ Vệ, Thần Tí, Định Uy và Thanh Đạo.

Tráng sĩ các ti thuộc Kim Ngô vệ có 4 ti: Tráng Sĩ, Lăng ba, Thần Tí và Chiêu Dũng.

Các vệ sở thuộc Kim Ngô có bốn vệ Thần Vũ:

- Tiền vệ gồm 5 sở: Phụng Thiên, Tiền Hưng, Dũng Hãn, Chu Lư và Hỗ Viên.

- Tả vệ gồm 5 sở: Hiệu Trung, Uy Trảo, Hoàn Hổ, Toàn Hầu và Sâm Tài.

- Hữu vệ gồm 5 sở: Vũ Công, Thần Cực, Túc Quan, Chấp Sầm và Hiệp Lặc.

- Hậu vệ gồm 5 sở: Kính Tiết, Tráng Do, Bảo Tín, Hiệp Chính và Sư Can.

Bốn vệ Hiệu Lực là Tiền vệ, Tả vệ, Hữu vệ và Hậu vệ, không có quân hiệu riêng, mỗi vệ đều đặt 5 sở: Trung, Tiền, Tả, Hữu và Hậu.

Vũ Lâm vệ gồm 5 sở: Đề Kỵ, Tĩnh Nạn, Trường Kỹ, Trực Quang và Hắc Sáo.

Tuyên Trung vệ gồm 5 sở: Tồi Sơn, Phi Thạch, Kiều Quan, Quệ Trương và Dực vệ.

Thiên Oai vệ gồm 6 sở: Thần Điện, Thần Tiến, Kính Nỗ, Thần Nỗ, Tấn Thạch và Tấn Phi.

Thủy Quân vệ gồm 6 sở: Hải Kình, Hải Mã, Hải Côn, Hải Thu, Hải Hồng và Hải Bằng.

Thần Sách vệ gồm 5 sở: Tồi Kích, Phục Tàng, Vân Dực, Duẩn Kích và Thứ Phi.

Ứng Thiên vệ gồm 5 sở: Củng Thần, Dực Võ, Khống Hạc, Trực Quan và Phi Sơn.

Ba mươi vệ trong ngũ phủ: Xem năm Quang Thuận thứ 7 (Chính biên XX, 3-5).

Về phần quân ngoài các đạo có các ti vệ sau này:

Đô ti Thanh Hóa có 5 vệ:

- Thanh Hóa vệ gồm 6 sở: Kiến Nghĩa, Hùng Nghĩa, Bảo Nghĩa, Vũ Nghĩa, Chương Nghĩa và Súng Nỗ.

- Thanh Hóa Tuần Tượng vệ gồm 6 sở: Hãn Đột, Tồi Nhai, Khống Vân, Chế Hà, Chấn Uy và Súng Nỗ.

- Lưu Thủ vệ gồm 6 sở: Phấn Trung, Thần Dũng, Báo Quốc, Sùng Uy, Bảo Thuận và Súng Nỗ.

- Lưu Thủ Tuần Tượng vệ gồm 6 sở: Lược Hà, Hoa Xa, Xung Kiên, Hàm Tê, Mãnh Đột và Súng Nỗ.

- Quy Đức vệ gồm 6 sở: Huệ Địch, Bảo Cực, Mại Nghĩa, Nghi Hóa, Khâm Mại và Súng Nỗ.

Đô ti Nghệ An có 3 vệ:

- Nghệ An vệ gồm 6 sở: Thần Khôi, Thần Hùng, Thần Cương, Thần Lược, Thần Lực và Súng Nỗ.

- Nghệ An Tuần Tượng vệ gồm 6 sở: Đội Thắng, Khóa Sơn, Tiễn Địch, Trường Hồ, Lao Kiên và Súng Nỗ.

- Kiến An vệ gồm 6 sở: Thần Phong, Thần Kính, Thần Dũng, Thần Tích, Thần Hoạch và Súng Nỗ.

Đô ti Thuận Hóa có 4 vệ:

- Thuận Hóa vệ gồm 6 sở: Thần Qua, Thần Thắng, Thần Súng, Thần Kích, Thần Tráng và Súng Nỗ.

- Trấn Bình vệ có 5 sở: Trực Kiêu, Du Phục, Vũ Tiêu, Thần Cán và Hãn Khương.

- Hải Khanh vệ gồm 5 sở: Khai Cương, Cố Ngữ, Tuy Hà, Át Phương và Trúc Kình.

- Giới Phiên vệ gồm 5 sở: Khoát Hải, Đoạn Ngạc, Thù Lai, Sưu Thanh và Tiệt Bác.

Đô ti An Bang có một vệ:

- An Bang vệ gồm 6 sở: Trấn Hải, Trấn Viễn, Tĩnh Hải, Hùng Viễn, Tuy Viễn và Súng Nỗ.

Đô ti Tuyên Quang có 4 vệ:

- Tuyên Quang vệ gồm 6 sở: Thủ Biên, Lăng Sơn, Thanh Tái, Khai Viễn, Diệu Vũ và Súng Nỗ.

- Định Tây vệ gồm 6 sở: Tĩnh Man, Ninh Viễn, Hãn Biên, Chế Biên, Phục Viễn và Súng Nỗ.

- Bình Sơn vệ gồm 6 sở: Bình Khương, Tĩnh Khương, Dương Võ, Tảo Phân, Khôi Viễn và Súng Nỗ.

- Tĩnh Tây vệ gồm 6 sở: An Biên, Thần Phong, Hùng Tiệp, Lược Tây, Hoài Di và Súng Nỗ.

Đô ti Hưng Hóa có hai vệ:

- Gia Hưng vệ gồm 6 sở: Hiệu Vũ, Xạ Sinh, Tráng Tiệp, Tĩnh Nhung, Trấn Tây và Súng Nỗ.

- Quy Hóa vệ gồm 6 sở: Bình Man, Uy Man, Định Uy, Quyết Thắng, Tồi Man và Súng Nỗ.

Đô ti Thái Nguyên có 5 vệ:

- Thái Nguyên vệ gồm 6 sở: Ninh Tái, Định Tái, Sung Tráng, Bình Lỗ, Tồi Địch và Súng Nỗ.

- Thái Nguyên Tuần Tượng vệ gồm 5 sở: Địch Phát, Cố Quan, Xúc Phong, Công Kiên và Dụng Mãnh.

- Bình Địch vệ gồm 6 sở: Bình Nhung, Thanh Hoài, Phá Lỗ, Tĩnh Sóc, Vũ Địch và Súng Nỗ.

- Bắc Bình vệ gồm 6 sở: Trấn Di, Hiệu Lỗ, Trù Biên, Khắc Địch, Tráng Uy và Súng Nỗ.

- Ninh Sóc vệ gồm 6 sở: Tồi Phong, Tĩnh Viễn, Trấn Viễn, Thủ Tiến, Phi Dương và Súng Nỗ.

Đô ti Lạng Sơn có 2 vệ:

- Lạng Sơn vệ gồm 6 sở: Bình Viễn, Trấn Nhung, Ngữ Lỗ, Chỉ Nỗ, Chấn Dũng và Súng Nỗ.

- Khánh Dương vệ gồm 6 sở: Hoành Hải, Khống Viễn, Chế Sóc, Thảm Tiêu, Hãn Dịch và Súng Nỗ.

Còn các đạo Thiên Trường, Bắc Giang, Nam Sách và Quốc Oai đều thuộc phủ quân Đông, Tây, Nam, Bắc, không có quân Đô ti.

Vệ Bắc Bình sau đổi làm vệ Cao Bằng.

Nhận xét: Quân hiệu trong kinh và ngoài các đạo thỉnh thoảng có tên hiệu trùng điệp với nhau và không có ý nghĩa gì cả, lúc bấy giờ nghị định thế nào, nay đều không thể rõ được, ở đây chỉ tham khảo trong Hồng Đức thiên Nam dư hạ tập và điển lệ quan chế triều Lê, chú thích bổ sung vào, để phòng khi khảo cứu.

Nguyễn Vĩnh Tích: Người huyện Thượng Phúc2060 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448), năm Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.

Tháng 9. Phát sinh tai nạn hoàng trùng.

Lúc ấy, hoàng trùng phá hại, nhà vua hạ lệnh cho đạo sĩ2061 lập đàn cầu đảo; lại hạ lệnh cho bọn Nguyễn Như Đổ đến tế lễ ở đền thờ Bách thần để tống tiễn hoàng trùng.

Người nước Tiêm La đến dâng phẩm vật địa phương, nhà vua từ chối.

Thuyền đi biển của nước Tiêm La đến Vân Đồn trang, tiến tờ biểu Kim diệp2062 và dâng phẩm vật địa phương, nhà vua từ chối không nhận.

Lời chua - Tiêm La: Tên nước.

Vân Đồn: Tên trang. Cả hai đều xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chính biên IV, 43).

Gió bão (nguyên Hán văn chép "cụ phong"). Nước biển đầy dẫy lên quá với mực thường.

Lúc ấy, gió bão rất to, các phủ Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình và Kiến Xương nước ở biển đầy dẫy lên to lắm, đê điều bị vỡ lở, lúa thóc bị ngập lụt, nhiều người chết đói. Các huyện ở đầu nguồn và bãi biển thuộc Nghệ An phần nhiều bị nước phá hoại. Nhà vua hạ lệnh cho Ngự sử là bọn Đinh Nhân Phủ và Thiều Duy Tinh chia nhau đến ba đạo mặt đông, mặt tây và mặt nam ở ven biển thân hành đi khám xét bờ đê, đốc sức ty Thừa chính sở tại bồi đắp. Một mặt miễn cho quân sĩ ở ven biển đầu xuân sang năm tới không phải về kinh sư tập họp điểm duyệt nữa2063 .

Lời chua - Cụ phong: Theo Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì "cụ" nghĩa là đủ bốn thứ gió: đông, tây, nam, bắc. Lúc bấy giờ nổi gió, nếu gió nổi từ đông bắc thổi đến, thì tất nhiên từ gió bắc rồi chuyển sang gió tây; nếu gió nổi từ tây bắc thổi đến, thì tất nhiên từ gió bắc rồi chuyển sang gió đông, dầu bắt đầu từ gió đông bắc hay tây bắc, cũng đều đến khi nào chuyển sang gió nam thì bão mới tắt.

Giáp Sơn: Tên huyện, nay thuộc phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Nghệ An: Châu Hoan xưa. Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16- 17, 21-22).

Thái Bình2064 : Tên phủ, nay thuộc tỉnh Nam Định.

Kiến Xương: Tên phủ, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng chính bình thứ 15 (Chính biên VI, 28).

Bờ đê ven biển: Nay đều không rõ ở đâu. Duy ở huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình, có con đê đắp bằng đá từ phía bắc cửa Thần Phù đến bờ phía nam cửa Cờn, và con đê đắp bằng đất từ xã Côi Trì huyện Yên Mô đến bờ phía nam xã Bồng Hải huyện Yên Khánh. Tương truyền: Lê Thánh Tông cho đắp để chống nước mặn, vì thế nên gọi là "đê Hồng Đức". Nay đê ấy đã bỏ, vậy hãy phụ lục ở đây sẽ khảo cứu sau.

Bãi bỏ việc Tổng binh các đạo được kiêm giữ công việc Thừa chính sứ.

Trước kia 12 đạo đều có đặt hai ti: Đô ti và Thừa ti. Về phần Đô ti, đặt chức đồ Tổng binh sứ, Tổng binh đồng tri và Tổng binh thiêm sự, mỗi chức một người; về phần Thừa ti, đặt chức Thừa chính sứ, Tham chính và Tham nghị, mỗi chức một người, nhưng Thừa chính sứ phần nhiều cho Tổng binh kiêm giữ. Đến nay Trấn điện tướng quân Lê Văn nói: "Tổng binh chỉ có người xuất thân từ hàng võ, không hiểu chữ nghĩa, thế mà kiêm giữ hai chức, e rằng sẽ trở ngại đến việc quân ngũ và việc chính trị. Vậy từ nay, Tổng binh chỉ nên chuyên giữ về việc binh, mà đình bãi việc kiêm giữ công việc trong ti Thừa chính; còn chức Thừa chính sứ thì chọn người có văn học để sung bổ; chức Tham chính và Tham nghị thì liệu lượng bớt đi một; để có chuyên trách, nếu khi ở nơi biên cương có xảy ra việc gì thì hai ti được phép hội bàn với nhau, khỏi đến nỗi có sự ngăn trở và lầm lẫn". Nhà vua chuẩn theo lời nói ấy.

Nhà vua hạ dụ cho Thừa tuyên Tổng binh ở các đạo rằng: "Người tướng súy giữ nơi biên khổn, chức trách rất là quan trọng, triều đình trông cậy không khác gì cái phên cái giậu để bảo vệ trong nước. Vậy triều đình đối với tổng binh, nếu có những việc trọng đại, như: tuyên triệu, tra hỏi, bắt nộp thu phen, hoặc thu nộp phẩm vật... tất nhiên triều đình ban hạ chỉ thư2065 , nội phù2066 , các viên tổng binh cần phải khám xét tường tận, nếu thấy không có gì sai suyển, mới nên tuân theo mệnh lệnh. Nếu có sắc chỉ mà không có nội phù, hoặc có nội phù mà không có sắc chỉ, cùng các văn thư của tước công, tước hầu trở xuống đến các nha môn về việc bắt nộp lính, bắt nộp lương, v.v... nếu thấy có điều gì gian trá, thì phải lập tức cho chạy trạm về kinh hặc tâu. Người nào tự tiện lìa bỏ chức phận của mình sẽ bị luận tội; nếu tình trạng nặng sẽ luận vào tội chết, tình trạng nhẹ luận vào tội lưu.

--

1991 Nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

1992 Nay thuộc xã Kim Chân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.

1993 Nam Sách theo âm Việt thì một âm, nhưng theo tự dạng trong Hán văn thì hai chữ sách khác nhau.

1994 Nam Sách theo âm Việt thì một âm, nhưng theo tự dạng trong Hán văn thì hai chữ sách khác nhau.

1995 Nay là thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Mỹ Văn, Hưng Yên.

1996 Theo Nghi lễ đời phong kiến, mỗi khi bầy tôi vào chầu vua thì mặc triều phục, triều phục có nhiều màu: như màu tía, màu hồng, màu lục, màu lam, màu xanh... tùy theo phẩm trật cao thấp. Triều phục nào ở đằng trước ngực và sau lưng cũng đều có một bức lụa hoặc dạ hoặc nỉ hình vuông đính thêm vào gọi là bổ tử. Trên bổ tử có thêu các hình chim muông để làm tượng trưng. Thí dụ về hàng quan văn thì bổ tử thêu chim công, chim hạc; về hàng quan võ thì bổ tử thêu con hổ, con sư tử...

1997 Một tên gọi để dành riêng cho những người lấy công chúa.

1998 Một danh từ riêng để chỉ Ngự sử đài, vì các quan trong Ngự sử đài có nhiệm vụ giữ về phong hóa hiến chương trong nước, nếu ai làm điều gì trái với phong hóa hiến chương thì ngự sử có quyền đàn hạch, nên gọi Ngự sử đài là Phong Hiến đường.

1999 Bầy tôi vào triều yết vua theo một thời kỳ nhất định để quy định từ trước, gọi là thường tham.

2000 Bầy tôi được phái đi sứ ở nước ngoài, hoặc được cử đi công cán đặc biệt, trước khi đi làm nhiệm vụ vào sân rồng bái mạng để ra đi, gọi là bệ tử.

2001 Theo Phương đình địa chí loại của Nguyễn Văn Siêu thì triều Lê đặt hai huyện phụ thuộc vào kinh kỳ là Quảng Đức và Thọ Xương.

2002 Xem chú thích số 3, 4 Chính biên quyển XX tờ 3.

2003 Đầu niên hiệu Lê Nhân Tông (1443-1459).

2004 Anh em, con cháu về họ vợ của vua lúc đương thời.

2005 Ý nói không phân biệt được trái phải. Câu này dùng điển trong Sử ký đời Tần. Thừa tướng Triệu Cao dâng con hươu lên Tần Nhị Thế, lại nói đấy là con ngựa. Nhị Thế hỏi những người bên cạnh, thì người nói là hươu, người nói là ngựa, sau Triệu Cao dùng kế làm hại người nào đã nói là hươu.

2006 Nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.

2007 Một danh từ để chỉ một viên quan vào chầu yết kiến vua, chứ không phải tên một chức quan.

2008 Nay là huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

2009 Huyện Lương Giang cũ, nay thuộc hai huyện Đông Sơn và Ngọc Lặc.

2010 Sử Cương mục chép lầm là năm thứ nhất.

2011 Chỉ việc hai viên tướng dạy quân sĩ diễn tập trận đồ mãi không thành thuộc.

2012 Nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

2013 Nay ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

2014 Ông Trãi chính là họ Nguyễn, vì có công giúp Lê Thái Tổ diệt quân Minh xâm lược khôi phục lại đất nước, nên được theo họ vua là họ Lê. Ở đây, Cương mục chép theo họ mà Lê Thái Tổ ban cho ông.

2015 Tham khảo Ức trai dị tập, Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi có 42 bức thư, phần nhiều là thư từ trao đổi với nhà Minh và một số thư chiêu dụ các thành ra hàng.

2016 Cũng gọi là An Nam vũ cống , vì sách Dư địa chí này trình bày theo thể văn thiên Vũ Cống trong kinh Thượng thư.

2017Ức trai dị tập chép là "Thạch khánh đồ", trong sách Cương mục này Chính biên quyển XVII tờ 2 cũng chép "Thạch khánh đồ". Xem thêm chú giải số 4 ở Chính biên quyển XVII tờ 3 (tập IX, trang 60).

2018 Theo Ức trai dị tập thì văn thơ của Nguyễn Trãi hiện nay còn sót lại một tập thơ, phú và ca bằng chữ Hán và một tập thơ bằng chữ Nôm.

2019 Vua chúa khi ra ngoài kinh thành đóng ở nơi nào, thì nơi ấy gọi là hành điện hoặc hành tại.

2020 Vua chúa khi ra ngoài kinh thành đóng ở nơi nào, thì nơi ấy gọi là hành điện hoặc hành tại.

2021 Phẩm vật gì không phải là thứ thường dùng, cho nên không liệt vào số cống phẩm hàng năm, chỉ khi nào vua cho lệnh đem cống mới được cống nạp, gọi là tích cống.

2022 Tức quan đứng đầu Ngự sử đài, hàm tam phẩm, giống như Thị ngự sử thời Trần.

2023 Xem chú thích số 4, Chính biên quyển XIX, tờ 36.

2024 Trích một câu trong tờ phong sự của Ngụy Nguyên Trung dâng lên Đường Cao Tông ( Tư trị thông giám quyển 202, tờ 6387).

2025 Bốn chữ này nghĩa đen là: siêng năng, thành thật, đôn hậu, cẩn thận.

2026 Xem chú thích số 2, Chính biên quyển VIII, tờ 8.

2027 Nguyên văn chép chữ "quắc", xin xem chú thích số 4 ở Chính biên quyển XII, tờ 31.

2028 Xem chú thích số 4 ở Tiền biên quyển IV, tờ 9.

2029 Nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

2030 Niên hiệu Lê Hi Tông (1676-1680).

2031 Nguyên văn chép là viễn châu: Theo hình luật đời Lê Thái Tổ, viễn châu tức châu Bố Chính.

2032 Nay là huyện Vụ Bản, thuộc tỉnh Nam Định.

2033 Một vệ trong 6 vệ của Tây quân phủ. Theo Chính biên XX tờ 5 ở trên chép là "Lôi Oai vệ" mà ở đây chép là "Oai Lôi vệ" không rõ bên nào là đúng.

2034 Chỉ việc Lê Thánh Tông sai bộ Lại dụ bảo và lời Lương Như Hộc nói riêng với Văn Lư.

2035 Dương Hải, vốn tên là Mỗi, khi vào thi đình vua Nhân Tông đổi cho là Hải, người làng Mi Sơn, nay thuộc xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng.

2036 Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

2037 Tham chính là chức quan đứng hàng thứ 2 ở Ty Thừa chính, thuộc hàm tứ phẩm. Ty Thừa chính là cơ quan kiểm sát của Trung ương đặt tại địa phương.

2038 Tham chính là chức quan đứng hàng thứ 2 ở Ty Thừa chính, thuộc hàm tứ phẩm. Ty Thừa chính là cơ quan kiểm sát của Trung ương đặt tại địa phương.

2039 Xem chú thích số 3, Chính biên quyển V, tờ 22.

2040 Câu này nguyên văn trong Cương mục có nêu hai chữ "Ngự điểm". Xem thêm chú thích số 2, Chính biên quyển III, tờ 34, về chữ "ngự điểm".

2041 Cũng như Thiên Trì, nghĩa đen là cái ao của trời, nghĩa bóng là dòng dõi họ nhà vua. Theo quan niệm đời phong kiến, họ nhà vua chia ra nhiều chi nhiều phái, đều bắt nguồn từ ao trời.

2042 Nay là huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ.

2043 Nhà Mạc cướp ngôi vua nhà Lê, sử phong kiến cho là không phải triều chính thống, nên họ chép là Ngụy Mạc. Vua đầu tiên của triều Mạc là Mạc Đăng Dong, vì kiêng chữ "Dong", nên đổi "Tư Dong" làm "Tư Khách".

2044 Theo chế độ phong kiến, khi Thái tử khôn lớn, vua cha cho ra ở riêng một cung điện gọi là đông cung, cho nên mới dùng danh từ "đông cung" để tượng trưng cho Thái tử. Ở đông cung có các văn thần chầu chực để dẫn giải nghĩa sách cho Thái tử, chức quan của bọn văn thần gọi là đông cung thị giảng.

2045 Xem thêm Chính biên quyển XIX, tờ 31 và quyển XX, tờ 6.

2046 Chỉ bọn nha lại.

2047 Tên một chức quan giữ việc ghi chép về chính trị trong nước, về lời nói việc làm của vua chúa đương thời, dầu hay, dầu dở, đều ghi chép đầy đủ để sau chép vào sách sử.

2048 Tức quyển Nhật ký, hàng ngày vua cùng bầy tôi bàn luận hoặc thi hành công việc trong nước hoặc lời nói việc làm của vua, thì viên Khởi cư lang ghi chép tường tận, hết ngày, niêm phong sổ lại giao cho sử quan giữ.

2049 Tên một chức quan giữ việc ghi chép về chính trị trong nước, về lời nói việc làm của vua chúa đương thời, dầu hay, dầu dở, đều ghi chép đầy đủ để sau chép vào sách sử.

2050 Tên là Thế Dân làm vua 23 năm (627-649).

2051 Một tên gọi riêng của sách sử. Theo nghĩa của nó, thì Thực lục là phải chép sự thực không bịa đặt, không giấu giếm. Thời đại phong kiến, triều vua nào cũng đều có một Thực lục riêng của triều vua ấy.

2052 Thế Dân và Kiến Thành, Nguyên Cát, ba anh em tranh giành ngôi vua. Thế Dân đem quân phục ở cửa Huyền Vũ giết chết Kiến Thành và Nguyên Cát.

2053 Xem chú thích số 3, Chính biên quyển VIII, tờ 9.

2054 Chỉ việc Lê Thái Tông viện dẫn điển tích Đường Thái Tông để xem Nhật lịch .

2055 Chỉ việc Lê Nghĩa cuối cùng đem Nhật lịch dâng Lê Thánh Tông.

2056 Theo danh lệ trong hình luật đời phong kiến, có điều lệ bát nghi, người phạm tội mà được dự vào một điều trong "bát nghị" thì khi luận tội, hình quan được dựa vào tiêu chuẩn ấy mà luận tội nhẹ cho người can phạm. Ở đây, Trần Thốc muốn dựa vào tiêu chuyển nghị công để luận tội nhẹ cho Lê Hối.

2057 Đoạn văn này từ chữ "Phép nước" đến chữ "du thuyết", nguyên văn trong sử Cương mục chép không rõ ràng. Ở đây, chúng tôi dịch theo trong sách Toàn thư cho được rõ nghĩa hơn.

2058 Dùng miệng lưỡi hoạt bát để biện luận, làm rung động cả người nghe gọi là du thuyết.

2059 Hai câu này lấy điển ở thiên Duyệt Mạnh trong kinh Thượng Thư lời Cao Tông nhà Ân bảo Phó Duyệt.

2060 Nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

2061 Xem chú thích số 3, Chính biên quyển XI, tờ 32.

2062 Dùng một thứ loại kim dát cho mỏng ra làm thành hình lá cây, trong cái lá bằng vàng ấy có khắc những chữ thuộc về biểu văn, đựng vào một cái hộp bằng vàng, gọi là "kim diệp biểu". Nghi lễ này đến triều nhà Thanh, nước Miến Điện vẫn còn dùng để dâng lễ cống.

2063 Xem thêm Chính biên quyển XIX, tờ 24, việc quân sĩ hằng năm phải hội duyệt.

2064 Nay gồm các huyện Quỳnh Phụ, Đông Quan cũ (nay thuộc Đông Hưng). Thụy Anh cũ (nay thuộc Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.

2065 Thời đại quân chủ, mệnh lệnh của vua chúa ban bố cho thần dân tuân hành, gọi là chỉ thư hoặc sắc chỉ.

2066 Một thứ dùng làm phù hiệu để làm tin, chế bằng tr, gỗ hoặc loại kim, trên mặt khắc chữ, cắt ra làm đô, triều đình và viên quan ngoài phiên trấn mỗi bên giữ một nửa. Mỗi khi triều đình có hạ mệnh lệnh cho viên quan phiên trấn nào, thì sai trung sứ cầm một nửa phù hiệu đi để làm ghi dấu. Khi tới nơi, viên quan phiên trấn đem một nửa phù hiệu mình giữ kháp với một nửa phù hiệu mà trung sứ mang đi, để phân biệt sự thật hay giả. Ngược lại, khi viên quan triều trấn sai người về tâu việc ở triều đình cũng theo thể thức ấy.

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home