Chính Biên - Quyển thứ XI
K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XI
Từ Giáp Tí, Trần Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 8 (1384) đến Nhâm Ngọ, Hồ Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2 (1402), gồm 19 năm.
Giáp Tí, năm [Xương Phù] thứ 8 (1384). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 17).
Tháng 9, mùa thu. Sứ thần nhà Minh sang ta.
Nhà Minh, trước kia đi đánh Vân Nam, sai bọn Dương Bàn và Hứa Nguyên sang trưng cầu lương thực để cung cấp cho lính trấn giữ ở Lâm An. Nhà vua sai Hành khiển là Trần Nghiêu Du vận tải năm nghìn thạch lương đưa đến đầu địa phận châu Thủy Vĩ995 . Quan quân ta bị chết vì lam sơn chướng khí trong việc tải lương này rất nhiều.
Lời chua - Thủy Vĩ996 : Tên châu. Bây giờ thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa, giáp với tỉnh Vân Nam.
Ất Sửu, năm thứ 9 (1385). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 18).
Tháng 3, mùa xuân. Sứ thần nhà Minh sang yêu cầu ta dâng nộp các nhà sư.
Trước đây, ta đưa sang nhà Minh những hoạn quan là bọn Nguyễn [Tông] Đạo và Nguyễn Toán. Nhà Minh dùng họ làm chức nội quan, đối xử rất hậu. Nguyễn [Tông] Đạo nhân nói với vua Minh rằng: Phép thuật sư Nam giỏi hơn sư Bắc (Trung Quốc). Đến đây, Minh sai sứ sang yêu cầu. Nhà vua sai tuyển lấy 20 vị sư, đưa sang Kim Lăng.
Tháng 7, mùa thu. Tư đồ Chương Túc hầu là Nguyên Đán xin trí sĩ, được nhà vua y cho.
Nguyên Đán là bậc đại thần, người họ tôn thất, thấy quyền chính trong nước ngày một rơi vào tay kẻ quyền thần, nên không để ý đến việc kinh bang tế thế nữa, bèn xin cáo lão, về núi Côn Sơn, để vui cùng khóm trúc và đá núi; đặt tên hiệu là Băng Hồ. Thượng hoàng đã từng đến chơi nhà, hỏi han việc mai sau. Nguyên Đán đều không nói, chỉ dặn: "Xin Bệ hạ kính trong nước Minh như cha, yêu thương Chiêm Thành như con, thì nước nhà sẽ được vô sự. Tôi dù có chết cũng được bất hủ". Nguyên Đán biết Quý Ly thế nào rồi cũng cướp ngôi, nên tìm cách để tránh khỏi vạ, đem con là Mộng Dữ gửi gắm Quý Ly, và xin kết làm thông gia. Quý Ly đem con gái của Nhân Vinh997 , người họ tôn thất nhà Trần, gả cho Mộng Dữ; rồi cất làm đông cung phán thủ. Em Mộng Dữ là Thúc Dao và Thúc Quỳnh cũng đều được làm tướng quân. Về sau, Quý Ly cướp ngôi, giết hại gần hết các tôn thất nhà Trần, chỉ riêng con cháu Nguyên Đán là được toàn hoạt. Nguyên Đán có Băng Hồ thi tập, có nhiều bài mượn sự vật để tỏ ý cảm khái thời thế. Nhưng đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy.
Lời phê - Nghiêm thay, ngòi bút sử! Trội hơn Sử cũ nhiều lắm .
Lời chua - Côn Sơn: Ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương bây giờ, trên có động Thanh Hư, dưới có núi cầu Thấu Ngọc.
Bính Dần, năm thứ 10 (1386). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 19).
Tháng 2, mùa xuân. Sứ giả nhà Minh lại sang.
Nguyễn [Tông] Đạo998 lại nói nước ta có nhiều thứ cây quý. Nhà Minh sai Lâm Bột sang yêu cầu. Nhà vua bèn sai viên ngoại lang là Phạm Đình đưa sang các cây: cau, vải, nhãn và mít999 , nhưng các thứ cây ấy không quen chịu lạnh, dọc đường, đều chết héo cả. Nhà Minh lại sai Lý Anh sang hỏi nhờ đường nước ta để đi đánh Chiêm Thành và đòi lấy 50 thớt voi nữa. Ta bèn sắp xếp từ Nghệ An đổ ra, cứ theo dọc đường, dựng các cung trạm, chứa sẵn lương thảo, luân chuyển đưa đến Vân Nam.
Lời phê - Minh Thái Tổ, còn làm như vậy1000 , huống chi người khác? Dùng Hồ Tôn [Tông] Thốc1001 làm quan Hàn lâm viện Học sĩ phụng chỉ.
Thốc, tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học. Khi làm An phủ sứ, Thốc ăn lễ của dân. Sự phát giác, Nghệ Tông lấy làm lạ, có đòi hỏi, Thốc lạy tạ mà rằng: "Một người được ơn vua thì cả nhà hưởng lộc nước"1002 . Nghệ Tông tha tội cho. Đến đây, được trao cho chức này, lại kiêm cả chức Thẩm hình viện sứ. Thốc có làm Thảo nhàn hiệu tần1003 thi1004 , ngụ ý cảm khái về việc Quý Ly chuyên chính. Tuổi ngoài 80, Thốc mất.
Lời chua - Hồ Tôn [Tông] Thốc: Người huyện Đông Thành, thuộc Diễn Châu.
Đinh Mão, năm thứ 11 (1387). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 20).
Tháng 2, mùa xuân. Thượng hoàng từ cung Bảo Hòa trở về triều đường.
Tháng 3. Dùng Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự1005 .
Thượng hoàng ban cho Quý Ly lá cờ và thanh kiếm có đề những chữ: "Văn vũ toàn tài, quân thần đồng đức"1006 . Quý Ly làm thơ bằng quốc âm để tạ ơn Thượng hoàng.
Nhâm Thìn, năm thứ 12 (1388). (Từ tháng 11 trở về sau, là triều Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 1. - Minh, năm Hồng Vũ thứ 21).
Tháng 5, mùa hạ. Dùng Trần Đỗ làm chức cung lệnh1007 .
Trần Đỗ là con Thượng vì hầu Tung, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, nên có mệnh lệnh dùng Đỗ làm chức này. Về sau, Đỗ đổi theo họ Hồ.
Tháng 6. Dùng Lê Quý Tì làm chức Phán thủ, Tri tả Hữu ban sự998 .
Quý Tì là em Quý Ly.
Bố Đề: Nghĩa là tể tướng.
Tháng 8, mùa thu. Sao chổi xuất hiện ở phương tây.
Tháng 12, mùa đông. Trung tuyên Quốc thượng hầu là Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng truất ngôi nhà vua, giáng làm Linh đức đại vương rồi giết chết ở chùa Tư Phúc. Lại giết cả bọn Ngự sử đại phu là Lê Á Phu, các Tướng quân là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Ha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc và học sinh là Lưu Thường.
Trước đây, thấy có điềm sao chổi, nhà vua bàn với bọn Thái úy Ngạc và Lê Á Phu rằng: "Thượng hoàng yêu nuông họ ngoại, Quý Ly càn rỡ, việc gì cũng làm theo ý muốn của hắn, nếu chúng ta không lo tính trước, sau này khó mà khống chế được". Vương Nhữ Mai hầu vua đọc sách, làm tiết lộ mưu ấy. Quý Ly biết chuyện. Nguyễn Đa Phương khuyên Quý Ly nên lánh ra núi Đại Lại, để nghe ngóng tình thế biến chuyển ra sao, Phạm Cự Luận nói: "Không nên. Một khi bước chân ra ngoài, thì khó mà toan tính vẹn toàn được". Quý Ly nói: "Nếu không có mưu kế gì, thì tôi phải tự tử, chứ không để lọt vào tay người khác". Cự Luận nói: "Mới rồi nhà vua dụ giết Quan phục hầu Đại vương Húc1009 , việc ấy Thượng hoàng vẫn còn căm giận lắm. Hiện nay chỉ có một mình đại nhân1010 vào yết kiến Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại: Thượng hoàng trước kia bỏ con mà lập cháu1011 , thì nên đem câu ngạn ngữ này làm rung động lòng Thượng hoàng: "Chỉ thấy người ta bán cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai lại bán con nuôi cháu!". Nói như thế, chắn chắc Thượng hoàng nghe theo. Lúc bấy giờ đổi lập Chiêu Định1012 lên làm vua thì xoay họa ra phúc dễ dàng như trở bàn tay". Quý Ly nghe theo kế ấy, liền theo lời Cự Luận đã nói, vào tâu kín với Thượng hoàng. Thượng hoàng rất lấy làm phải lẽ.
Đến đây, Thượng hoàng giả vờ đi chơi đất An Sinh1013 , cho bầy tôi trong nội điện triệu nhà vua. Khi nhà vua đã đến, Thượng hoàng nói: "Đại vương1014 đã đến", liền sai người dẫn ra nhà giam ở chùa Tư Phúc. Rồi ban tờ nội chiếu nói: "Trước đây Duệ Tông vào đánh trong Nam, không trở về1015 , cho nên dùng người cháu trưởng nối ngôi vua là theo đạo đời cổ. Nhưng từ ngày quan gia1016 lên ngôi đến nay, chưa bỏ hết tính nết trẻ con, chưa giữ được đức độ vững chắc, thân cận với bọn tiểu nhân như bọn Lê Á Phu, Lê Dũ Nghị, lập tâm hãm hại người bầy tôi có công1017 , làm dao động cả xã tắc1018 . Vậy cho giáng làm Linh Đức đại vương".
"Lại xét: nhà nước không thể không có người chủ trương, ngôi vua không thể để trống mãi được, chuẩn y cho rước Chiêu Định vương là Ngung vào triều, nối giữ đại thống. Vậy ban bố chiếu thư cho trong kinh thành, ngoài các lộ ai nấy đều biết".
Lúc ấy, viên tướng đội quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái và Nguyễn Vân Nhi, viên tướng đội quân Thiết Giáp là Nguyễn Ha và Lê Lặc, viên tướng đội quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách toan đem quân
phá nhà tù để cướp lấy nhà vua ra ngoài. Nhà vua viết hai chữ "giải giáp"1019 đưa cho các tướng ấy và dặn rằng: "Không được trái ý vua cha". Các tướng bấy giờ mới thôi. Một lúc sau, Thượng hoàng sai người phù nhà vua xuống phủ Thái Dương, thắt cổ cho chết. Bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi và Lưu Thường đều bị giết, còn Lê Dữ Nghị bị đày đi trại đầu (?).
Lời chua - Dữ Nghị: Anh họ của Á Phu.
Núi Đại Lại: Nay ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, sau Quý Ly đổi là Kim Âu.
Phong cho Thái úy Trang Định vương là Ngạc làm đại vương.
Ngạc là con Thượng hoàng. Sau khi Đế Hiện đã bị truất ngôi, Quý Ly nói phao lên rằng sẽ lập Ngạc lên nối ngôi vua. Ngạc từ chối không nhận, nhân đấy Quý Ly nói với Thượng hàng rằng: "Quan Thái uý biết chối từ không nhận ngôi vua, là người có đức độ lớn". Thượng hoàng lấy làm phải. Vì thế, nên mới có mệnh lệnh phong tước này.
Lập Chiêu Định vương Ngung lên làm vua.
Chiêu Định vương là con út Thượng hoàng. Khi đã lên ngôi vua, xưng là Nguyên Hoàng (tức là Thuận Tông).
Kỷ Tị (1389), Thuận Tông hoàng đế, năm Quang Thái thứ 2 (Minh, năm Hồng Vũ thứ 22).
Tháng giêng, mùa xuân. Lập con gái Quý Ly làm Hoàng hậu.
Hoàng hậu, con gái lớn Quý Ly, sau khi đã sách lập, đặt tên chỗ ở là điện Hoàng Nguyên.
Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Phạm Cự Luận làm Thiêm Thư Xu mật viện sự1020 .
Quý Ly hỏi Cự Luận: "Liêu thuộc trong viện Xu Mật, những người nào có thể dùng được?". Cự Luận tiến cử người em hắn là Phạm Phiếm và bọn Đỗ Tử Mãn, Vương Khả Tuân, Dương Chương, Hàn Tử Tây, Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, Nguyễn Cảnh Chân, đều có danh vọng, đức độ có thể dùng được, nhưng có Đỗ Tử Mãn là hơn cả. Quý Ly bèn dùng Khả Tuân quản lĩnh đội quân Thần Dực, Chương Dương quản lĩnh đội quân Thần Dũng. Quý Ly bổ dụng như thế, là cốt để cho thêm vây cánh của mình.
Tháng 8, mùa thu. Giặc cướp ở Thanh Hóa nổi lên.
Nguyễn Thanh, người Thanh Hóa, tự xưng là Linh Đức vương, trốn tránh tai nạn, tụ họp nhiều người ở sông Lương, dân chúng đều hưởng ứng. Lúc ấy lại có Nguyễn Kỵ, người Nông Cống, tự xưng là Lỗ Vương, tụ họp binh lính đi cướp bóc.
Lời chua - Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16).
Sông Lương: Phát nguồn từ huyện Lang Chánh, hạ lưu hợp với sông Mã.
Nông Cống: Huyện Tư Nông xưa. Khi thuộc Minh đổi tên này; từ đời Lê đến nay vẫn theo tên ấy, thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 10, mùa đông. Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa. Sai Quý Ly đem quân đi chống cự. Bị thua, Quý Ly trốn về.
Quân Chiêm Thành xâm phạm vào làng Cổ Vô. Quan quân đóng cọc gỗ ở sông, đem thuyền vây xung quanh. Hai bên cầm cự nhau hơn hai mươi ngày. Quân giặc đắp đập chắn nước ở thượng lưu sông Lương, để mai phục quân và voi, rồi giả vờ dọn dẹp doanh trại để kéo quân về. Quý Ly chọn quân tinh nhuệ dũng cảm đuổi theo, đại quân mở cọc gỗ đã đóng, rồi quân thủy quân bộ nhất tề xông ra. Bên giặc bèn phá bờ đập, lùa voi xông ra trận. Quân tinh nhuệ dũng cảm của Quý Ly không thể quay lại ứng cứu
được, thuyền chở quân chiến đấu ở dưới sông thì bị nước chảy xiết dồn vào một chỗ, bao nhiêu quân bộ bị giết hết, nên bị thua to. Viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt, ngoài ra bảy mươi viên tướng cầm quân đều bị chết. Quý Ly bỏ trốn về, để tì tướng là Phạm Khả Vĩnh và viên tướng quyền quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc ở Ngu Giang. Đêm hôm ấy, Đa Phương bàn với Khả Vĩnh rằng: "Thế giặc mạnh như thế, mà quân chúng ta ít ỏi, khó có thể cầm cự lâu dài được, nếu bây giờ muốn kéo quân về, tất nhiên giặc thừa cơ đuổi theo". Họ bèn hạ lệnh cho các quân lính phong ra rất nhiều cờ, buộc thuyền lớn vào cột gỗ ở sông, canh phòng nghiêm mật, đến đêm dùng thuyền nhỏ trốn về. Giặc thừa thế, tung quân ra cướp bóc. Khi Quý Ly trốn về đến khuyết đình, xin cho xuất phát thuyền chiến để thêm sức mạnh. Thượng hoàng không chuẩn y. Nhân đấy Quý Ly xin thôi không giữ binh quyền, không đem quân ra đánh Chiêm Thành nữa.
Lời phê - Việc làm của Quý Ly trước sau đều như thế1021 , thế mà Nghệ Tông tin dùng, có lẽ cũng như câu ngạn ngữ nói "hoạ lai thần ám" chăng? Lời chua - Nguyễn Chí: Có một thuyết nói là Trần Đình Quý.
Cổ Võ: Tên làng.
Ngu Giang: Tức Lương Giang. Xem Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 4 (Chính biên X, 47).
Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục Đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên 20-21)
Tháng 11. Quân Chiêm Thành xâm phạm đến Hoàng Giang. Nhà vua sai đô tướng1022 là Trần Khát Chân đem quân ra chống cự.
Được phụng mạng đem quân đánh giặc, Khát Chân khảng khái, khóc lạy Thượng hoàng để từ biệt. Thượng hoàng cũng khóc, mắt vẫn nhìn theo để tiễn đưa Khát Chân. Khi kéo quân đến Hoàng giang, gặp quân giặc, Khát Chân xem xét địa thế, thấy không có chỗ bố trận, liền lui quân đóng giữ ở sông Hải Triều. Lúc ấy tôn thất Nguyên Diệu, là em Đế Hiện, muốn báo thù, bèn đem quân đầu hàng Chiêm Thành.
Lời chua - Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 44).
Sông Hải Triều: Nay là khúc sông giáp với hai huyện Tiên Lữ và Hưng Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên1023 .
Trần Khát Chân: Người ở Vĩnh Ninh thuộc Thanh Hóa. Khác Chân là dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
Quý Ly gièm pha giết Nguyễn Đa Phương là người bè đảng với hắn.
Lời phê - "Chỉ có người quân tử mới có bằng đảng"1024 , câu nói ấy thật đúng. Từ khi ở Ngu Giang trốn về, Đa Phương tự cho mình là có công giữ được quân trọn vẹn, thường chê bai Quý Ly là bất tài.
Vì thế, Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng rằng việc đánh Chiêm Thành thất bại là do ở Đa Phương, bèn thu lấy binh quyền do Đa Phương giữ. Đa Phương vẫn có nét mặt kiêu ngạo. Thượng hoàng nói: "Cần phải bắt chịu tội nhẹ để răn bảo hắn". Quý Ly nói: "Đa Phương là người mạnh khoẻ, tôi sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh hay là chạy vào phương Nam với Chiêm Thành, thả cọp ra sẽ để họa về sau, chi bằng giết đi là xong". Bèn hạ lệnh bắt Đa Phương phải tự tử. Đa Phương phàn nàn rằng:
"Tôi vì có tài mà được sang, cũng vì có tài mà phải chết, chỉ ân hận là không được chết ở nơi chiến trận mà thôi".
Tháng 12. Người thày chùa có yêu thuật là Phạm Sư Ôn nổi lên làm loạn. Nhà vua sai viên tướng quản lĩnh đội quân Tả Thánh Dực là Hoàng Phụng Thế đi đánh, dẹp tan được.
Sư Ôn hô hào dân chúng tụ họp ở lộ Quốc Oai, lạm xưng danh hiệu lớn. Dùng Nguyễn Mại, Nguyễn Khả Hành giữ chức Hành khiển, chiêu tập những kẻ vô lại1025 đặt làm các hiệu quân Thần Kỳ, Dũng Đấu và Vô Hạn. Sư Ôn đem quân xâm phạm thẳng vào kinh sư, nhà vua và Thượng hoàng phải lánh sang Bắc Giang. Sư Ôn ở kinh thành ba ngày, rồi kéo ra đóng ở Nộn Châu. Nhà vua sai Hoàng Phụng Thế đem quân đi đánh. Lúc ấy, Phụng thế đương cùng La Ngai, tướng Chiêm Thành, cầm cự nhau ở Hoàng Giang. Khi đã nhận được lệnh, Phụng Thế từ Miệt Giang tiến quân. Bấy giờ gặp mùa đông, nước sông cạn, Phùng Thế vội mở đường thủy, thuyền chiến tiến xông vào. Quân giặc bị đánh bất thình lình, liền bị vỡ. Quân nhà Trần bắt được Sư Ôn cùng lũ Nguyễn Mại và Khả Hành đem giết đi.
Lời chua - Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).
Bắc Giang: Tức Kinh Bắc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 18-19).
Miệt Giang: Từ phân lưu sông Hát, qua các huyện Chương Đức, Hoài An, thông với Hoàng Giang.
Nộn Châu: Thuộc lộ Quốc Oai, nay thay đổi không rõ ở chỗ nào.
Phụng Thế: Người Cổ Đằng, thuộc Thanh Hóa.
Canh Ngọ, năm thứ 3 (1390). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 23).
Tháng giêng, mùa xuân. Đô tướng Trần Khát Chân đánh cho quân Chiêm Thành bị thua to ở Hải Triều, giết được chúa nước ấy là Chế Bồng Nga.
Bồng Nga cùng với hàng tướng Nguyên Diệu, quản lĩnh hơn trăm thuyền chiến, đến xem xét tình hình quan quân. Lúc các thuyền chưa kịp họp tập thì một tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê bị Bồng Nga quở trách, hắn sợ phải tội, mới chạy sang bên quan quân, chỉ chiếc thuyền sơn màu lục bảo với quan quân rằng: "Đấy là thuyền chúa Chiêm Thành". Khát Chân lền sai hỏa pháo1026 cùng bắn một loạt, đạn bay trúng giữa thân Bồng Nga suốt vào ván thuyền, Bồng Nga bị chết ngay. Quân giặc sợ hãi tan vỡ. Nguyên Diệu nhân lúc ấy cắt lấy thủ cấp Bồng Nga, chạy về với quan quân. Viên đại đội phó trong đội quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và người đầu ngũ là Dương Ngang giết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp Bồng Nga đem dâng nộp. Khát Chân sai bỏ vào hòm, cho phi ngựa đem đến hành tại1027 ở Bình Than, tâu việc đánh được giặc. Lúc ấy giọt nước đồng hồ đã xuống đến trống canh ba, Thượng hoàng giật mình thức dậy, tưởng là giặc kéo đến, khi nghe biết tin thắng trận, mới cả mừng, liền triệu trăm quan đến xem cho kỹ, trăm quan đều chúc mừng. Thượng hoàng nói: "Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được thấy mặt nhau, không khác gì Hán Cao Tổ trông thấy đầu Hạng Vũ. Từ nay trong nước sẽ bình định".
La Ngai, tướng Chiêm Thành, thu thập tàn quân, hỏa táng hài cốt Bồng Nga, ngày đêm đi lần chân núi, bắc ngang cây làm giàn để nấu cơm, vừa đi vừa ăn, chỗ nào gặp quan quân đuổi đánh thì dừng voi lại, tung của ra, để làm kế ngăn cản, nên đem quân về nước được trọn vẹn.
Lúc ấy, dân ở Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa, nhiều người làm phản, đi theo Chiêm Thành, duy thổ hào Phạn Mãnh và Phạm Thế Căng đem dân chúng thuận theo về triều đình. Thượng hoàng khen ngợi, lại thấy Mãnh là người có tài lược, cho thăng ngay lên chức Minh uy tướng quân, quản lĩnh quân Tân Bình và Thuận Hóa để chống cự với giặc Chiêm Thành.
Lời phê1028 - Cũng may đấy thôi, không có gì là tài giỏi. Lời chua - Nghệ An: Đất Hoan Châu xưa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 21-24).
Tân Bình: Tức Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chính biên III, 29).
Thuận Hóa: Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chính biên I, 28).
Tháng 2. Nhà vua đi tuần du đến Long Hưng, Kiến Xương và An Sinh, bái yết các lăng tẩm.
Bọn Trần Nguyên Đĩnh và Trần Tôn phạm tội, phải chịu tội chết.
Trước đây, Chiêm Thành vào lấn cướp, tư đồ Nguyên Đĩnh và thiếu bảo Trần Tôn ngấm ngầm giao thông với Chiêm Thành, đến lúc quân Chiêm Thành rút lui, nhà vua hạ chiếu bắt để trị tội, bọn Nguyên Đĩnh và Trần Tôn nhảy xuống nước chết, bè đảng của chúng là Trần Khang chạy sang Lão Qua.
Lời chua - Nguyên Đĩnh: Con Cung Tĩnh vương Nguyên Trác.
Lão Qua: Tên dân tộc Mán, tục gọi là Qua Gia. Đất này phía đông nam giáp với địa giới nước ta; phía tây giáp địa giới nước Bát bá tức phụ; phía bắc giáp địa giới Xa Lý. Nhà Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 3 (1405) mới đặt Tuyên Úy ty. Nay là nước Nam Chưởng.
Hạ chiếu định công trạng những người đánh được Chiêm Thành, ban tước có từng cấp bậc khác nhau.
Trần Khát Chân làm Long tiệp phụng thần nội vệ thượng tướng quân, phong tước Vũ Tiết quan nội hầu; Phạm Khả Vĩnh làm Xa kỵ thượng tướng quân, phong tước quan phục hầu; Phạm Lặc và Dương Ngang được ban tước năm tư, lại gia phong cho Lặc quản lĩnh Cấm vệ đô, ban cho Ngang 30 mẫu ruộng; còn những người khác đều được ban tước cao thấp khác nhau.
Tháng 4, mùa hạ. Gia tôn huy hiệu cho tiên đế và tiên hậu.
Tháng 6. Gió dữ, mưa to, nước lớn.
Bổ dụng Chương Tĩnh vương Nguyên Hi làm Nhập nội kiểm hiệu hữu tướng quốc bình chương sự1029 .
Nguyên Hi là em Nguyên Diệu. Nguyên Diệu đã chết1030 , Nguyên Hi trong bụng không được yên, vì thế mới có lệnh bổ dụng này để cho yên tâm.
Chế Ma Nô Đã Nan, người Chiêm Thành, cùng em hắn là Chế Sơn Na chạy sang nước ta.
Tướng Chiêm Thành là La Ngai dẫn quân về, bèn chiếm giữ lấy nước, tự lập làm chúa. Hai con của Bồng Nga sợ bị giết, nên chạy sang nước ta. Nhà vua phong cho Ma Nô Đã Nan làm hiệu chính hầu, Sơn Na làm á hầu.
Tháng 10, mùa đông. Khơi sâu sông Thiên Đức.
Lời chua - Sông Thiên Đức: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên II, 11).
Tân Mùi, năm thứ 4 (1391). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 24).
Tháng 2, mùa xuân. Quý Ly đi tuần đến Hóa Châu, bị Chiêm Thành đánh, phải thua, bèn trở về.
Quý Ly nhận thấy đất Hóa Châu tiếp giáp với Chiêm Thành, nên đem quân đi tuần đất ấy, xét định hàng ngũ quân lính, sửa sang xây dựng thành hào, rồi sai viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Hoàng Phụng Thế đem quân đi tuần tiễu đến địa giới Chiêm Thành. Người Chiêm Thành đặt quân mai phục để chờ đợi: quân Phụng Thế tự tan vỡ. Phụng Thế bị giặc bắt, sau tìm kế thoát ra được; khi đem quân về, lại được giữ chức như cũ. Còn 30 người đại đội phó trong bộ thuộc Phụng Thế thì bị Quý Ly đem chém hết.
Tháng 5, mùa hạ. Quý Ly giết Thái uý là Trang Định đại vương Ngạc.
Trước đây, Đế Hiện bị truất, Thượng hoàng muốn lập Ngạc nối ngôi, Quý Ly dùng kế làm cho Thượng hoàng mê hoặc1031 , do đấy Ngạc và Quý Ly sinh ra hiềm khích, nhiều lần Ngạc bị Quý Ly gièm pha, sinh lòng nghi ngờ lo sợ, bèn trốn ra Vạn Ninh. Thượng hoàng sai viên tướng quản lĩnh đội quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt đuổi theo bảo trở về. Quý Ly ngầm sai Nhân Liệt đánh chết Ngạc. Khi trở về kinh đô, Nhân Liệt nói dối là vì Ngạc đối với người Vạn Ninh một cách bạo ngược, nên bị họ giết. Thượng hoàng giận, truất Ngạc làm Mẫn vương, sau tỉnh ngộ ăn năn, mới hỏi người nào đuổi bắt Mẫn vương. Nhân Liệt sợ, thắt cổ tự tử.
Lời chua - Vạn Ninh: Từ đời Trần trở về trước là tên châu; lúc thuộc Minh đổi làm huyện; nhà Lê lại đặt làm châu; nay là phủ Hải Ninh thuộc tỉnh Quảng Yên.
Tháng 8, mùa thu. Quý Ly giết hai tướng quản lĩnh quân Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê; dùng Đặng Tất làm châu phán, Hoàng Hối Khanh làm Chánh hình viện đại phu.
Uy quyền Quý Ly ngày một to lớn, các tướng ở Hoá Châu cùng nhau bàn luận. Phan Mãnh nói: "Trời không bao giờ có hai mặt trời, dân không bao giờ có hai vua". Chu Bỉnh Khuê nói: "Dương Liễu lắm điều, mọi người đều khoá miệng"1032 . Tất và Hối Khanh ngầm viết thư mách Quý Ly. Quý Ly cho là Mãnh và Bỉnh Khuê ngấm ngầm làm điều trái phép, bèn giết hai người ấy, mà bổ dụng bọn Đặng Tất giữ chức quan này. Viên ngự sử Đỗ Tử Trừng không nói gì đến việc này, Quý Ly đưa bài thơ để quở trách.
Lời phê1033 - Con đường xuất thân của Đặng Tất như thế, so với việc làm sau này, có phải là một người mà hai nhân cách khác nhau hay không?1034 Lời chua - Phan Mãnh, Bỉnh Khuê: Người Hóa Châu.
Đặng Tất: Người ở Thiên Lộc, thuộc Nghệ An, có thuyết nói Đặng Tất là người Hóa Châu.
Hoàng Hối Khanh: Người ở An Định, thuộc Thanh Hóa.
Dương liễu lắm điều: Sử cũ chua là "không rõ nghĩa". Đại ý nói Quý Ly nói nhiều để khóa miệng mọi người.
Nhâm Thân, năm thứ 5 (1392). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 25).
Tháng 2, mùa xuân. Giết tôn thất Trần Nhật Chương.
Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng cho là người mang lòng phản bội, nên giết đi.
Tháng 4, mùa hạ. Đại hạn. Nhà vua hạ chiếu trưng cầu lời nói trung thực.
Bùi Mộng Hoa dâng sớ, đại lược nói: "Tôi nghe được câu đồng dao rằng "thâm tai Lê sư"1035 , xem như thế thì tất nhiên Quý Ly có ý dòm ngó đến ngôi báu". Thượng hoàng xem lời tâu, rồi lại bảo cho Quý Ly biết. Sau này Quý Ly chuyên giữ chính quyền trong nước, Mộng Hoa trốn đi ở ẩn, không ra làm quan.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Kinh Dịch nói: "Vua mà không cẩn mật thì làm hại đến bầy tôi"1036 . Nay đã trưng cầu lời nói trung thực, rồi lại vội đem lời nói trung thực ấy bảo với người bị chỉ trích, thì có đời nào lại hành động như thế bao giờ? Nghệ Tông già nua lẫn lộn đến thế là cùng. Mộng Hoa không gặp được vua sáng suốt, là tự lòng trời, mà cũng là việc không may cho nhà Trần. Tháng 10, mùa đông. Đặt đồn ở các cửa sông cửa ải và đi tuần để canh giữ.
Bấy giờ, Chiêm Thành thường vào xâm lấn, nhiều nơi trộm giặc hàng đàn khởi lên, cướp bóc giữa ban ngày, pháp luật không sao ngăn cấm được. Nay Quý Ly giữ chính quyền, mới đặt đồn ở các cửa sông, cửa ải để đi tuần và canh giữ, dò bắt trộm cướp, tùy theo địa thế xung yếu mà đặt hoặc 3 đô, hoặc 4 đô, hoặc 5 đô1037 .
Tháng 12. Định tội những quân và dân trốn tránh sai dịch.
Phàm quân và dân trốn tránh sai dịch đều phải phạt 10 quan tiền, thích 4 chữ vào gáy. Nếu người trốn tránh ấy là hạng đầu mục trong quân và dân, sẽ bị tội chết chém, ruộng đất và tài sản bị sung công.
Đày viên Quốc tử trợ giáo là Đoàn Xuân Lôi đi cận châu1038 , giáng chức viên Hành khiển Đào Sư Tích làm Trung thư thị lang đồng tri Thẩm hình viện sự.
Quý Ly làm 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua. Đại lược nhận định Chu Công1039 là tiên thánh, Khổng Tử1040 là tiên sư; sắp xếp ngôi thứ thờ ở Văn Miếu1041 : đặt bài vị Chu Công ngồi giữa, mặt hướng nam1042 ; bài vị Khổng Tử ngồi bên, mặt hướng tây.
Trong sách Luận ngữ có 4 chỗ, Quý Ly lấy làm ngờ, như: Khổng Tử đến yết kiến nàng Nam Tử1043 ; Khổng Tử bị hết lương ăn ở nước Trần1044 ; Công Sơn triệu, Phật Hất triệu, Khổng Tử đều muốn đến giúp1035
... Về Hàn Dũ1046 , Quý Ly cho là "đạo nho"1047 ; còn các người hiền như Chu Mậu Thúc1048 , hai họ Trình1049 , Dương Quy Sơn1050 , La Trọng Tố1051 , Lý Diên Bình1052 và Chu Tử1053 , thì Quý Ly cho là học rộng mà ý nghĩ viễn vông, không sát với tình hình sự việc, chỉ chăm bề cắp nhặt. Mười bốn thiên Minh Đạo dâng lên, Thượng hoàng ban tờ chiếu khen ngợi và phủ dụ. Đoàn Xuân Lôi dâng thư nói: "Không nên như thế". Vì thế, phải phát vãng đi cận châu. Án từ việc này liên can đến Sư Tích, vì Sư Tích đã thường xem đến bức thư ấy, do đấy, Sư Tích cũng bị giáng truất.
Lời phê1054 - Chưa phải đã hoàn toàn sai. Lời chua - Đoàn Xuân Lôi: Người ở Tân Phúc, thuộc Bắc Giang, thi đỗ thái học sinh năm Xương Phù thứ 8 (1384), niên hiệu Trần Đế Hiện.
Quý Dậu, năm thứ 6 (1393). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 26).
Tháng giêng, mùa xuân. Bổ dụng Hồ Cương quản lĩnh quân Tả Thánh Dực.
Quý Ly tự nhận gốc tích họ mình là Hồ, có ý muốn lại theo họ cũ, nên đem Hồ Cương là người thân thích ruột thịt nhà mình giữ chức quan này.
Lời chua - Hồ Cương: Người Diễn Châu.
Tháng 6, mùa hạ. Đại hạn.
Tháng 8, mùa thu. Động đất, thủy tai.
Tháng 9. Hoàng trùng.
Tháng 10, mùa đông. Đem vợ Đế Hiện là Trần thị gả cho thái bảo Trần Nguyên Hàng.
Hậu, tức là Thiên huy công chúa, con gái Thượng hoàng. Sau khi Đế Hiện đã bị giết, Thượng hoàng thường muốn cho hậu cải giá. Nhân một hôm đi chơi hồ Tây, hậu tư bôn với phủ quân ti là Nguyên Uyên; Thượng hoàng giận, đem gả lại cho Nguyên Hàng là em Nguyên Uyên, để cho nhục nhã.
Lời chua - Uyên, Hàng: Đều là con Cung Tín vương Nguyên Trạch.
Giáp Tuất, năm thứ 7 (1394). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 27).
Tháng 2, mùa xuân. Thượng hoàng ban cho Quý Ly bức tranh "tứ phụ"1045 .
Thượng hoàng sai vẽ tranh Chu Công giúp Thành vương1056 , Hoắc Quang giúp Chiêu Đế1057 , Gia Cát Lượng giúp Hậu Chúa1058 , Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông1059 gọi là "tứ phụ đồ", ban cho Quý Ly và dặn bảo rằng: "Khanh giúp quan gia1060 cũng nên theo như những người ấy".
Có một đêm, Thượng hoàng nằm mộng thấy Duệ Tông1061 đọc bài thơ rằng: "Trung gian duy hữu xích chủy hầu, ân cần tiềm thướng bạch kê lâu, khẩu vương dĩ định hưng vong sự, bất tại tiền đầu tại hậu đầu"1062 . (Đại ý nói: trung gian có một người xích chủy, lăm le lấn bước lên cái lầu bạch kê, việc nước còn hay mất cũng đã định sẵn rồi, sau này sẽ biết rõ). Khi tỉnh dậy, thượng hoàng dùng lối "triết tự"1063 để phân tích, biết chắc chắn là Quý Ly thế nào cũng cướp mất ngôi vua, lấy làm lo lắm, nhưng tình thế lúc bấy giờ khó có thể chống gỡ lại được nữa.
Tháng tư, sau khi hội họp tuyên thệ xong1064 , Thượng hoàng triệu Quý Ly vào cung bảo rằng: "Bình chương là họ thân thích nhà vua1065 , hết thảy công việc nhà nước đều ủy thác cho khanh cả, nay thế nước suy yếu, mà trẫm đã đến tuổi già lẫn, sau khi trẫm qua đời, nếu quan gia có thể giúp được thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối, thì khanh tự nhận lấy ngôi vua". Quý Ly tháo bỏ mũ1066 , lạy sát đầu xuống đất vừa khóc vừa tạ tội, rồi chỉ lên trời thề rằng: "Nếu tôi không làm thế nào hết trung hết sức để phò tá quan gia, thì dòng dõi nhà tôi sau này sẽ bị trời chán ghét". Quý Ly lại nói: "Lúc Linh Đức vương1067 làm điều bất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì tôi đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được đến ngày nay nữa? Tôi dầu nát thịt nát xương cũng chưa thể báo đáp ơn bệ hạ lấy một phần trong muôn phần, còn đâu dám mưu đồ sự khác, xin bệ hạ soi xét tấm lòng ấy cho hạ thần, không nên lo nghĩ quá".
Lời phê1068 - Chỉ có kẻ tiểu nhân thì không sợ trời, không nghĩ gì đến lời nói. Bọn giặc cướp lúc bấy giờ đều thế cả, còn người quân tử thì không như thế. Lời chua - Xích chủy: Chỉ Quý Ly1069 .
Bạch Kê: Chỉ Nghệ Tông, vì Nghệ Tông sinh năm Tân Dậu, cho nên gọi là "bạch kê"1070 .
Khẩu vương: Chữ "quốc" ___1071
Tại hậu đầu: Về việc nước còn hay mất, sau này sẽ thấy rõ.
Tháng 7, mùa thu. Bổ Phùng Cụ làm quan doãn ở Trung Đô.
Trước gọi là quan doãn Kinh Sư1072 , đến nay đổi là quan doãn Trung Đô.
Tháng 11, mùa đông. Bổ Nguyên Trừng, con cả Quý Ly, xét đoán công việc ở Thượng lâm tự1073 .
Trước kia, đặt viện Đăng Văn kiểm pháp1074 để xét hỏi việc ngục tụng trong nước, đến nay đổi viện làm tự , bổ Nguyên Trừng giữ việc xét xử công việc trong tự ấy.
Tháng 12. Thượng hoàng mất, mai táng ở Nguyên Lăng.
Đặt tên thụy là Quang Nghiêu anh triết hoàng đế, miếu hiệu là Nghệ Tông, ở ngôi vua ba năm, nhường ngôi hai mươi bảy năm, hưởng thọ 74 tuổi.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Nghệ Tông tính tình hòa nhã, giữ lòng kính cẩn lo sợ, nhưng thiếu uy vũ để đánh lui giặc ngoài1075 , không đủ sáng suốt để phân biệt lời gièm pha1076 , ủy thác chính quyền cho ngoại thích1077 , khiến xã tắc nhà Trần đi đến chỗ suy vong! Ấy chính như lời xưa đã nói: "Đằng trước có kẻ sàm nịnh mà không thấy, đằng sau có giặc mà không hay"1078 . Lời cẩn án - Ngày mất và ngày táng cùng trong một tháng là trái lễ, hoặc Sử cũ chép lầm, hoặc là Quý Ly chuyên giữ chính quyền, công việc không theo đúng lễ? Việc này sẽ xét sau. Lời chua - Nguyên Lăng: Ở xã An Sinh, huyện Đông Triều1079 .
Ất Hợi, năm thứ 8 (1395). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 28).
khẩu". "Xích khẩu độc thiệt" là nói những người miệng lưỡi thâm độc. Quý Ly là người lắm điều (Dương liễu đa ngôn) gièm pha giết hết người này người khác, nên câu thơ này dùng chữ bí ẩn để ám chỉ Quý Ly, còn chữ "hầu" ở cuối câu này, có thể cắt nghĩa là người nào đó, như quân hầu chẳng hạn, vì thế, chúng tôi dịch chữ "hầu" là "người".
Tháng 2, mùa xuân. Quý Ly sai giết tôn thất là Nguyên Uyên, Nguyên Dận và sĩ nhân là Nguyễn Phù.
Quý Ly nhận thấy Nguyên Uyên và Nguyên Dận, đương khi để tang Nghệ Tông, thường cùng với Nguyên Phú bàn tán về việc Nhật Chương1080 , nên tước họ tôn thất của Uyên và Dận mà đổi là họ Mai, rồi giết đi.
Lời chua - Nguyên Dận: Con Cung Chính vương Sư Hiền. Chế độ cũ nhà Trần, người trong họ tôn thất mà có tội nặng, thì phải tước họ tôn thất mà gọi là họ Mai1081 .
Bổ dụng Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên Trung Vệ quốc đại vương.
Lời phê - Hình tích hành động của Quý Ly gần giống Vương Mãng1082 . Cho Quý Ly đeo phù hiệu kim lân1083 , lại được ở tại phía hữu sảnh và đài, đặt tên chỗ ở là "Hoạch Lư"1084 . Nhân đấy, Quý Ly biên dịch thiên "Vô dật"1085 ra quốc ngữ1086 để dạy quan gia1087 . Mệnh lệnh ban ra thì xưng là phụ chính cai giáo hoàng đế1088 .
Lời chua - Sảnh: Trung thư sảnh.
Đài: Ngự sử đài.
Sứ thần nhà Minh sang.
Nhà Minh đem quân đánh người Mán bội bạn ở Long châu, sai Nhâm Hanh Thái sang nước ta xin giúp cho 5 vạn người, 50 thớt voi, và 50 vạn thạch lương thực để tiếp tế cho quân. Thâm tâm nhà Minh muốn giả thác việc này để chộp bắt người nước ta. Lúc Hanh Thái đến, đem thâm tâm ấy nói kín cho triều đình biết. Vì thế nước ta không giúp cho lính và voi, chỉ sai quan đưa số gạo, lương đến Đồng Đăng giao nhận xong rồi trở về. Số gạo ấy cũng không được bao nhiêu.
Lời chua - Đồng Đăng: Tên xã, nay thuộc châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn.
Bính Tuất, năm thứ 9 (1396). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 29).
Tháng giêng, mùa xuân. Sa thải một số tăng đạo.
Những sư chưa đến 50 tuổi trở lên đều phải hoàn tục. Lại thi người nào thông hiểu đạo Phật, trao cho chức Tăng đường đầu mục1089 và tri cung, tri quán, tri tự, ngoài ra gọi là tu nhân1090 , hoặc thị giả1080 .
Tháng 3. Duyệt binh.
Tháng 4, mùa hạ. Bắt đầu ban hành tiền "thông bảo hội sao".
Thiếu bảo Vương Nhữ Chu đề nghị đổi lại chế độ. Quý Ly nghe theo, mới định chế độ tiền giấy như sau: loại 10 đồng vẽ rau rong; loại 30 đồng vẽ thủy ba; loại một tiền vẽ đám mây, loại hai tiền vẽ con rùa; loại ba tiền vẽ con lân; loại 5 tiền vẽ con phượng; loại một quan vẽ con rồng. Người nào làm giả phải tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền thực đổi lấy tiền giấy: cứ một quan tiền thực chất đổi lấy tiền giấy một quan hai tiền. Cấm chỉ dân gian không được dùng tiền đồng, bao nhiêu tiền đồng đều nộp vào quan, nếu như người nào tàng trữ riêng hoặc tiêu dùng riêng cũng phải tội như người làm giả tiền giấy.
Định thể lệ thi cử.
Hồi đầu đời Trần thi học trò, thể văn không được nhất định, đến nay mới định ra thể văn bốn kỳ thi, bỏ lối ám tả cổ văn, năm trước thi hương, năm sau thi hội, người nào trúng tuyển thì thi một bài văn sách để định thứ tự đỗ cao, đỗ thấp.
Lời chua - Thể văn bốn kỳ (tứ trường văn thể): Kỳ đệ nhất: thi một bài kinh nghĩa, có đoạn phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, chước kết, bài làm hạn trên năm trăm chữ. Kỳ đệ nhị: thi một bài thơ và một bài phú. Thể thơ dùng luật Đường; phú dùng cổ thể, hoặc thể Ly Tao, thể Văn tuyển, riêng bài phú cũng hạn trên năm trăm chữ. Kỳ đệ tam: thi chiếu, chế và biểu mỗi thể một bài, bài chiếu dùng văn thể đời Hán, bài chế và bài biểu dùng văn thể tứ lục đời Đường. Kỳ đệ tứ: thi một bài văn sách, quan trường dùng điển tích ở sách kinh, sách sử và thời sự để ra đầu bài, hạn trên một ngàn chữ.
Tháng 6. Quy định thể lệ mũ và áo.
Về áo mặc: viên quan nhất phẩm mặc áo màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu hồng điều, tứ phẩm màu lục, ngũ phẩm và thất phẩm màu biếc, bát và cửu phẩm màu xanh. Người không có phẩm cấp và hạng hoành nô1092 đều dùng màu trắng. Về khăn hoặc mũ: hàng quan văn từ lục phẩm trở lên đội khăn cao sơn, hàng quan võ từ lục phẩm trở lên khăn chiết xung; họ tôn thất đội khăn phương thắng màu đen, người nào chức cao mà không có tước đội khăn giác đính; viên quan thất phẩm đội khăn thái cổ, tùng thất phẩm đội khăn toàn hoa, vương hầu đội khăn viễn du, ngự sử đài đội khăn khước phi. Thể lệ mũ áo này là theo lời kiến nghị của thiếu bảo Vương Nhữ Chu.
Lời chua - Mũ viễn du: Theo "Du phục chí" trong Hậu Hán thư, thì kiểu mũ này cũng chế như mũ thông thiên, cao 9 tấc, thân mũ đứng thẳng lên, đỉnh mũ hơi lõm vào, thẳng chỗ lõm xuống ấy làm một vòng sắt (cầu mũ), nằm ngang ở trước vòng sắt có cái ống suốt ngang để có thể tháo vòng sắt ra hoặc tra vào được.
Mũ cao sơn: Cũng chế như kiểu mũ viễn du, nhưng không lõm xuống, đứng thẳng, không có ống suốt tháo ra lắp vào.
Mũ khước phi: Chế như kiểu mũ trường quan, cao 7 tấc, rộng 5 tấc, làm bằng cật tre, nhưng bên dưới co lại.
Mũ thái cổ: Theo Lễ ký , thì mũ thái cổ là mũ của người mới gia quan, mũ vải thâm.
Còn các mũ khác kiểu chế như thế nào không rõ.
Đinh Sửu, năm thứ 10 (1397). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 30).
Tháng giêng, mùa xuân. Quý Ly sai Lại bộ thượng thư1093 Đỗ Tỉnh (có chỗ chép là Mẫn) đi Thanh Hoá dựng kinh đô mới.
Trước đây, Quý Ly kiến nghị muốn dời kinh đô đến Yên Tôn, Hành khiển Phạm Cự Luận can ngăn. Quý Ly nói: "Chí ta đã quyết định từ trước, nhà ngươi còn nói làm gì nữa?". Đến nay, Quý Ly sai Đỗ Tỉnh đến Yên Tôn xem xét đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tôn miếu, đàn thờ thần xã1094 , mở phố sá, đường ngõ, có ý muốn dời kinh đô đến đấy. Viên xu mật chủ sự thị sử là Nguyễn Nhữ Thuyết lại dâng thư can, đại lược nói: "Ngày trước nhà Chu, nhà Ngụy thiên đô, sau đều không sao ngóc lên được. Nay đất Long Đỗ1095 , có núi Tản Viên, có sông Nhị Hà, cao sâu phẳng rộng, từ trước, các đời đế vương mở cơ nghiệp dựng nước, không đời nào không lấy đất này làm nơi căn bản, vì thế mà mặt bắc chống giặc Nguyên thì quân Nguyên bị giết, mặt nam đánh Chiêm Thành thì giặc Chiêm nộp đầu, những việc ấy chả phải nhờ ở địa thế tiện lợi mới được như thế là gì? Dám xin nghĩ lại một chút, để làm kế vững vàng cho nước nhà. Còn như Yên Tôn địa thế nhỏ hẹp hẻo lánh, chỗ này là nơi sơn cùng thủy tận, không thể định cư được, trông cậy vào nơi hiểm trở, thì có ích gì? Cổ ngữ có câu: "Cần ở đức, không cần nơi hiểm trở". Quý Ly không nghe. Sau, đến kỳ xét công trạng các quan, khi trông thấy tên Nhữ Thuyết, Quý Ly nói anh này là người nói "cần ở đức, không cần ở nơi hiểm trở" đây, rồi truất bỏ, không dùng nữa.
Lời chua - Động Yên Tôn: Nay ở xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, nền cũ của thành vẫn còn, bên tả bên hữu thành đều sát với núi đá, hai con sông Lương và sông Mã hợp lưu ở đằng trước, vì thế nên Nguyễn Nhữ Thuyết nói là địa thế nhỏ hẹp, hẻo lánh, thủy tận sơn cùng.
Long Đỗ: Tức thành Đại La. Lúc Cao Biền nhà Đường mới đắp thành này, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ, vì thế mới thành tên1096 .
Tản Viên: Tên núi. Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (Chính biên I, 34).
Nhị Hà: Tức sông Phú Lương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chính biên II, 13).
Tháng 4, mùa hạ. Đổi gọi các lộ, các phủ là trấn.
Quý Ly muốn dời kinh đô vào Thanh Hóa, mới đổi Thanh Hóa làm Thanh Đô trấn, lại đổi Quốc Oai lộ làm Quảng Oai trấn, Đà Giang lộ làm Thiên Hưng trấn, Nghệ An lộ làm Lâm An trấn, Trường Yên lộ làm Thiên Quan trấn, Diễn Châu lộ làm Vọng Giang trấn, Lạng Sơn phủ làm Lạng Sơn trấn, Tân Bình phủ làm Tân Bình trấn. Bãi bỏ chức đại tiểu ti xã1097 , duy chức quản giáp1098 vẫn đặt như cũ.
Lời cẩn án - Về việc này, tên đất theo cũ hay đổi mới, chia ra hay hợp lại, không thể hiểu rõ được, hoặc giả chỉ đổi có bấy nhiêu nơi gọi là trấn, còn các nơi khác vẫn gọi là lộ, hoặc đổi tất cả làm trấn mà tên đất vẫn theo như cũ , Sử cũ không trình bày rõ rang, tất cả đều không có chứng cớ đích xác, sẽ khảo cứu sau. Lời chua - Thanh Hóa, Đà Giang, Nghệ An, Lạng Sơn: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 20-23, 30, 31).
Quốc Oai: Xem Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).
Trường Yên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chính biên II, 11).
Diễn Châu1099 : Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điền Lộ thứ nhất (Tiền biên IV, 20).
Tân Bình: Tức Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ nguyên niên (Chính biên III, 29).
Quy định chức quan giữ việc ở lộ, phủ, châu và huyện.
Ở lộ đặt An phủ sứ và chức phó, ở phủ đặt trấn phủ sứ và chức phó, ở châu đặt thông phán và thiêm phán, ở huyện đặt lệnh úy và chủ bạ. Quan chức ở lộ thống trị phủ, phủ thống trị châu, châu thống trị huyện. Phàm những sổ hộ, tiền, thóc, ngục tụng ở phủ, châu, huyện đều tổng hợp lại làm sổ trong một lộ, cứ đến cuối năm báo cáo lên sảnh1100 , để tiện tra khảo. Lại đặt các chức đô đốc, đô hộ, đô thống, tổng quản, thái thú để quản trị công việc. Bổ dụng phó tướng Lê Hán Thương quản lĩnh Đô hộ phủ ở lộ Đông Đô, Thái bảo Trần Nguyên Hàng quản lĩnh thống phủ ở lộ Bắc Giang, Trần Nguyên Trữ quản lĩnh đô thống phủ ở lộ Tam Giang, Thiếu bảo Vương Nhữ Chu coi giữ công việc quân dân ở lộ Thiên Trường phủ, Hành khiển Hà Đức Lân làm thái thú ở lộ Tân An phủ.
Lời cẩn án - Ở lộ đã có chức an phủ, mà lại còn đặt đô hộ và đô thống, ở phủ đã có chức trấn phủ, mà lại còn đặt tri phủ và thái thú, có lẽ cốt để cho công việc được thống nhất mà các viên quan đứng đầu phải kiêm việc trông coi, vì thế, nên đều dùng các viên đại thần giữ những chức ấy. Chẳng qua lúc bấy giờ Quý Ly sắp cướp ngôi vua nhà Trần, cho nên đặt ra các chức quan trọng đại, để phân phối công việc cho các người trong đảng mình. Lời chua - Đông Đô: Tức thành Thăng Long. Lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây đô, Thăng Long là Đông đô.
Tam giang: Từ đời Lý trở về trước, là những đất ở châu Phong và châu Chân Đăng; đến đời Trần mới đặt làm lộ Tam Giang, vì địa thế ở đấy có ba con sông: Lô, Thao và Đà, cho nên nhân đất mà đặt tên; nhà Lê chia ra làm các phủ Thao Giang, Đà Giang và Đoan Hùng; nay là địa phận các phủ Lâm Thao1101 , Đoan Hùng1102 và Quảng Oai thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa và Sơn Tây.
Sảnh: Tức Thượng thư. Trung thư môn hạ sảnh.
Tháng 5. Đặt chức học quan ở các lộ, cấp cho ruộng hoặc nhiều hoặc ít có khác nhau.
Tờ chiếu nói: "Đời cổ1103 ở trong nước có nhà quốc học1104 , ở đảng1105 có nhà tự1106 , ở toại1107 có nhà tường1108 , chủ ý cốt làm cho giáo hóa được sáng tỏ, phong tục được thuần hậu, chính sách ấy trẫm rất hâm mộ. Nay thể lệ về nhà học của nước đã đầy đủ, nhưng ở châu ở huyện hãy còn thiếu sót, thì làm thế nào mà mở rộng được đạo dạy dân? Vậy hạ lệnh cho phủ và châu thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đều đặt một viên quan giáo thụ giữ về việc học, cấp cho ruộng theo đẳng cấp sau này: phủ và
châu hạng lớn 15 mẫu, hạng trung bình 12 mẫu, hạng nhỏ 10 mẫu, để lấy hoa lợi ruộng ấy mà chi dùng vào việc học trong phủ hoặc châu. Viên quan cai trị ở lộ đôn đốc viên quan giữ việc học phải dạy bảo học trò, cho thành người tài năng văn nghệ. Hằng năm, cứ đến cuối năm, lựa chọn người nào ưu tú tiến cống vào triều, trẫm sẽ thân hành thi lại rồi cất nhắc bổ dụng".
Lời chua - Hải Đông: Tức An Bang1109 .
Sơn Nam, Kinh Bắc: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 26-28).
Tháng 6. Lập phép hạn điền.
Trước đây, các nhà tôn thất thường sai nô tì đắp đê ngăn nước mặn ở địa phận những nơi ven biển, hai ba năm khai khẩn thành ruộng, lập làm trang trại riêng. Đến nay lập phép hạn điền, chỉ có đại vương và trưởng công chúa1110 thì ruộng không bị hạn định, còn thứ nhân không được quá 10 mẫu ruộng. Người nào ruộng quá hạn định thì phải nộp vào quan, người nào phạm tội được phép đem ruộng chuộc tội.
Tháng 10, mùa đông. Quý Ly bắt em nhà vua rời kinh đô vào Thanh Hóa và giết hai người cung nữ.
Nhà vua đi An Sinh để bái yết lăng tẩm, Quý Ly bắt ép xa giá cùng đi đến sông Đại Lại; lúc ấy cung nhân là Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm nói kín với nhà vua là nếu thiên đô, tất nhiên có việc cướp ngôi. Quý Ly nghe biết chuyện cho rằng viên miếu lệnh là Lê Hợp và viên phụ đạo ở Cổ Lũng là Lương Ông đều đồng mưu, nên giết cả mấy người này. Rồi sai Hành khiển Lương Nguyên Bưu dỡ các điện Thụy Chương và Thiên An bắt dân các châu Từ Liêm và Nam Sách chở gạch ngói và gỗ đến kinh đô mới: khi đi đường thủy, gặp gió bão, bị chìm đắm mất quá nửa.
Lời chua - Cổ Lũng: Tên huyện. Nhà Lê đổi là Hữu Lũng; nay theo như cũ, thuộc tỉnh Bắc Ninh1111 .
Phụ đạo: Tên quan thổ tù.
Từ Liêm: Tên huyện, đặt từ thời nhà Đường; nhà Trần gọi là châu; nhà Lê lại đặt làm huyện; nay theo như cũ, thuộc tỉnh Hà Nội1112 .
Nam Sách1113 : Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 14 (Chính biên X, 6).
Sông Đại Lại: Xem Trần Nghệ Tông, năm Đại Khánh thứ nhất (Chính biên X, 26).
Mậu Dần, năm thứ 11 (1398). (Từ tháng 3 trở về sau, thuộc Thiếu Đế năm Kiến Tân thứ nhất. - Minh, năm Hồng Vũ thứ 31).
Tháng 3, mùa xuân. Nhà vua truyền ngôi cho Hoàng thái tử An1114 . Thái tử lên ngôi, tôn Khâm thánh hoàng hậu làm hoàng thái hậu. Quý Ly tự xưng là đại vương, thay vua giữ chính quyền trong nước.
Quý Ly có chí cướp ngôi vua đã lâu, nhưng trót thề với Nghệ Tông1115 , nay trái lời thề cũng có ý ngại, bèn ngầm sai đạo sĩ1109 Nguyễn Khánh ra vào trong cung, khuyên nhà vua rằng: "Cảnh tiên thanh
thú, khác hẳn trần gian, các thánh đế triều ta chỉ ham chuộng về Phật giáo, chưa có vị nào giao du với người tiên đắc đạo. Nay bệ hạ ở nơi cửu ngũ1117 tôn nghiêm, nhọc lòng với muôn việc, chi bằng truyền ngôi cho đông cung theo tiên tu đạo để cho cái đức khiêm cung thuần hoà ngày thêm sáng sủa". Nhà vua nhận lời, bèn tâu lục văn1118 phụng lĩnh đạo giáo ghi tên vào sổ tu tiên. Quý Ly dựng cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại, rước vua ra ở. Nhà vua bèn hạ chiếu truyền ngôi, đại lược tờ chiếu nói: "Trẫm lúc trước vẫn mến tưởng phong vị thanh tao, không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc1119 . Vả lại, trẫm là người không có đức, làm nhục đến ngôi vua, thực không sao đương nổi công việc. Nay truyền ngôi để nghiệp lớn được lâu dài. Hoàng thái tử An cần được lên ngôi vua (tức là Thiếu Đế), phụ chính thái sư Lê Quý Ly lấy danh nghĩa là quốc tổ1120 thay giữ chính quyền, trẫm tự xưng là Thái thượng nguyên quân hoàng đế, bồi dưỡng lòng trai khiết ở cung Bảo Thanh, để thoả được ý muốn trước kia của trẫm".
Lúc ấy Thái tử mới 3 tuổi, khi nhận tờ chiếu truyền ngôi, không biết lạy. Quý Ly sai Thái hậu lạy đằng trước để Thái tử theo sau. Quý Ly tự xưng là Khâm đức Hưng liệt đại vương. Bảng văn1121 nói "Trung thư, Thượng thư sảnh phụng Nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ"1122 . Ngày hôm ấy lên ngự điện ở kinh đô mới, làm lễ khánh thành, ban yến cho các quan từ hàng ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai con gái được ngày đêm dạo chơi ngắm cảnh ở cửa nam kinh thành.
Lời chua - Núi Đại Lại: Xem Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 12 (Chính biên XI, 6).
Đo đạc ruộng cho dân. Giáng chức Hành khiển Hà Đức Lân làm Thượng thư bộ Hộ.
Hạ lệnh cho dân, người nào có ruộng phải cung khai báo cáo số mẫu ruộng, trên mặt ruộng phải cắm thẻ tiêu đề họ tên của mình, các quan ở lộ, phủ, châu và huyện phải hội đồng kiểm xét đo đạc, làm thành sổ sách 5 năm mới xong. Ruộng nào không có người cung khai đoan nhận, thì nhà nước lấy làm ruộng công. Lúc ấy, Đức Lân nói kín với người nhà rằng: "Đặt ra phép này chỉ để ăn cướp ruộng của dân đấy thôi". Quý Ly nghe biết, liền giáng chức Đức Lân.
Kỷ Mão, Thiếu Đế năm Kiến Tân thứ 2 (1399). (Minh, năm Kiến Văn thứ 1).
Quý Ly giết Thượng hoàng ở quán Ngọc Thanh.
Sau khi đã truyền ngôi vua, Thuận Tông dời ra ở quán Ngọc Thanh. Quý Ly ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông nom coi sóc. Thuận Tông hỏi Cẩn: "Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?". Cẩn không nỡ nói rõ. Quý Ly làm thơ bảo Cẩn rằng: "Nếu nguyên quân1123 không chết, thì nhà ngươi phải chết". Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết.
Lời chua - Quán Ngọc Thanh: Nay ở thôn Đạm Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
Bọn Thái bảo Trần Nguyên Hàng và thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không xong, lại bị Quý Ly giết.
Bọn Thái bảo Trần Nguyên Hàng và thượng tướng quân Trần Khát Chân bàn định đến ngày hội họp tuyên thệ1124 sẽ giết Quý Ly. Đến ngày ấy, hội thề ở Đốn Sơn, Quý Ly lên trên lầu nhà Khát Chân để xem, nghi vệ y như thiên tử đi tuần du. Lúc ấy Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm vững tay kiếm muốn xông lên, Khát Chân trừng mắt nhìn, hai người bèn không quả quyết tiến lên nữa. Quý Ly thấy chột dạ, liền đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ để xuống. Ngưu Tất quăng thanh kiếm xuống đất, nói: "Cả lũ chỉ chết uổng mất thôi!". Việc ấy bị tiết lộ, Thái bảo Nguyên Hàng, trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, thượng thư Hà Đức Lân, Hành khiển Lương Nguyên Bưu và bọn Phạm Ông Thiện, Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng người thân thích liêu thuộc hơn ba trăm bảy mươi người đều bị hại, gia sản bị tịch thu. Những người liên can bị bắt, hết năm này sang năm khác chưa xong. Ở ngoài đường sá, người ta chỉ lấy mắt nhìn nhau, dầu hai người cũng không dám nói chuyện. Lễ hội thệ từ đây bãi bỏ.
Lời chua - Đốn Sơn: Nay ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, còn có miếu thờ Khát Chân1125 .
Tháng 6. Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ chương hoàng.
Quý Ly ở cung Nhân Thọ, bảng văn đề là "phụng nhiếp chính quốc tổ chương hoàng", mặc áo sắc bồ hoàng (sắc vàng), khi đi ra đi vào dùng 12 cây lọng vàng, y như nghi trượng thiên tử, nhưng còn xưng là "dư"1126 chưa dám xưng là "trẫm"1127 . Còn con Hán Thương xưng quyền chức Thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên; Nguyên Trừng làm Tư đồ.
Tháng 7, mùa thu. Quý Ly bắt giam Nguyễn Dụng Phủ, rồi lại tha.
Dụng Phủ dâng thư lên Quý Ly đại lược nói: "Chương hoàng là hiệu gì? Bồ hoàng là sắc gì? Đối với việc tiên đế1128 phó thác thì sao?". Quý Ly nổi giận, bắt giam mấy ngày, sau lại tha ra.
Lời chua - Dụng Phủ: Người ở Hoằng Hóa thuộc Thanh Hóa.
Tháng 8. Quân ở Đà Giang nổi dậy. Tháng 12, mùa đông. An phủ sứ ở lộ Đông Đô là Nguyễn Bằng Cử dẹp yên được.
Trước đây, Nguyễn Nhữ Cái ở Đà Giang, trốn đến Thiết Sơn làm bảo sao (tiền giấy) giả, gặp lúc Thuận Tông bị hại, Khát Chân bị chết, Nhữ Cái liền chiêu dụ dân lành, được hơn một vạn người, đi lại quấy rối cướp bóc ở quãng sông Đáy, sông Đà, núi Tản, núi Lịch; châu, huyện không thể chống cự nổi. Quý Ly sai Bằng Cử điều binh đi đánh, dẹp yên được.
Lời chua - Đà Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 30).
Đông Đô: Xem Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chính biên XI, 29).
Sông Đáy: Phát nguyên từ núi Tam Đảo, chảy qua địa phận các huyện Tam Dương và Lập Thạch thuộc tỉnh Sơn Tây1129 , đổ vào sông Bạch Hạc.
Núi Tản: Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 2 (Chính biên III, 32).
Núi Lịch: Ở địa phận huyện Sơn Dương, tỉnh Sơn Tây1130 .
Thiết Sơn: Nay không rõ ở đâu.
Canh Thìn, năm thứ 3 (1400). (Từ tháng 3 trở về sau thuộc Hồ Quý Ly, năm Thánh Nguyên thứ 1. - Minh, năm Kiến Văn thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế.
Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói: "Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi1131 , nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế1132 ở dưới đất được?". Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời, xưng là hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu và đổi họ mình là họ Hồ, truất Thiếu Đế làm Bảo Ninh đại vương, vì Thiếu Đế là cháu ngoại1133 , nên không giết chết.
Lời chua - Quý Ly1134 gốc tích họ Hồ, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn1135 . (Con Ngu Yên là Vĩ Mãn, được Chu Vũ vương phong cho ở đất Trần, gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm họ), cho nên đổi họ là Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu .
Quý Ly đặt chức liêm phóng sứ1136 ở các lộ.
Quý Ly sai liêm phóng sứ chia nhau đến các lộ, bí mật dò hỏi kẻ hay người dở về quan lại, việc lợi hại ở dân gian, để thi hành việc giáng truất hay cất nhắc bọn quan lại. Điều lệ này định làm thể thức lâu dài. Từ đấy, chức thú1137 chức lệnh1138 mới luôn luôn thay đổi.
Tháng 8, mùa thu. Thi thái học sinh1139 .
Lưu Thúc Kiệm, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành, Bùi Ứng Đẩu, tất cả 20 người đều dự trúng tuyển.
Lời chua - Thúc Kiệm: Người huyện Gia Định thuộc Bắc Giang1140 .
Nguyễn Trãi: Người huyện Thường Phúc thuộc Sơn Nam1141 .
Vũ Mộng Nguyên: Người huyện Đông Sơn, thuộc Thanh Hóa.
Hoàng Hiến: Người huyện Tiên Du, thuộc Bắc Giang1142 .
Nguyễn Thành: Người huyện Thần Khê1130 .
Ứng Đẩu: Người huyện Sơn Vi1144 .
Quý Ly sai tướng là bọn Trần Tùng, Đỗ Mẫn đem quân đánh Chiêm Thành, nhưng không thắng, rút quân về.
Chúa Chiêm Thành là La Ngại mất, con là Ba Đích Lại mới lập làm chúa, Quý Ly muốn nhân cơ hội ấy để cầu lợi, mới dùng Đỗ Mãn làm đô tướng thủy quân Trần Vấn làm chức phó, Trần Tùng làm Đô tướng bộ quân, Đỗ Nguyên Thác làm chức phó, quản lĩnh mười lăm vạn quân, tiến đến biên cảnh Chiêm Thành. Tùng nghe lời Đinh Đại Trung, dẫn đạo quân bộ đi ven theo chân núi, cách xa với đạo quân thủy, lúc ấy nước lũ đã xô đến, ba ngày tướng sĩ không có lương, phải nướng mai rùa, da thú để ăn1145 , bèn kéo quân về. Quý Ly cho rằng Tùng đi con đường hiểm trở, làm trái mất quân cơ, đáng phải tội chết chém, nhưng vì có công trong lúc ở nơi tiềm để1146 , nên đem công chuẩn tội, miễn cho tội chết, phải đày làm lính.
Lời chua - Tùng, Vấn: Sau đều được cho đổi họ là họ Hồ (họ Quý Ly).
Quý Ly truyền ngụy vị1147 cho con là Hán Thương, tự xưng là thái thượng hoàng, cùng giữ chính quyền trong nước. Hán Thương lập vợ là Trần Thị làm hoàng hậu.
Hán Thương là con thứ của Quý Ly và là em Nguyên Trừng. Mẹ Hán Thương, Huy Ninh công chúa, là con gái Trần Minh Tông. Trước kia Quý Ly vẫn có ý muốn lập Hán Thương nối ngôi, nhưng chưa quả quyết, bèn ngụ ý vào cái nghiên đá, ra một câu đối cho Nguyên Trừng đối lại, để dò xét khí khái Nguyên Trừng: "Thử nhất quyền kỳ thạch, hữu thời vi vân, vi vũ, dĩ nhuận sinh dân"1148 . (Viên đá nhỏ bằng nắm tay, có lúc làm mây, làm mưa, để thấm nhuần cho nhân dân). Nguyên Trừng đối lại: "Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống, tác lương, dĩ phù xã tắc"1149 . (Cây thông nhỏ chừng ba tấc, sau này làm cột, làm xà, để phù trì xã tắc). Quý Ly bèn lập Hán Thương nối ngôi.
Hán Thương sai sứ sang nhà Minh.
Hán Thương sai sứ sang nhà Minh nói dối là dòng dõi họ Trần đã tuyệt tự, xin lấy danh nghĩa là cháu ngoại tạm quản lý công việc trong nước.
Đánh thuế thuyền buôn.
Chia các thuyền buôn làm ba hạng: thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Thượng đẳng mỗi chân chèo nộp thuế 5 quan, trung đẳng 4 quan, hạ đẳng 3 quan.
Tân Tị (1401). Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ nhất. (Minh, năm Kiến Văn thứ 3).
Tháng 2, mùa xuân. Hán Thương đổi tên lịch Hiệp kỷ1150 nhà Trần làm lịch Thuận thiên .
Tháng 3. Sét đánh vào đông cung của Hán Thương.
Lúc ấy sét đánh chết 3 người.
Tháng 4, mùa hạ. Làm sổ hộ.
Trước đây, Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng: "Làm thế nào có được trăm vạn quân để đối địch với giặc phương bắc?". Đồng tri xu mật sứ Hoàng Hối Khanh nhân xin họp nhân số lại làm thành sổ hộ: từ 2 tuổi trở lên đều ghi vào sổ; người ở kinh kỳ đến trú ngụ các nơi phiên trấn bắt phải về nguyên quán, kê tên vào sổ, không được ẩn lậu. Khi sổ hộ làm xong, kiểm điểm người từ 15 đến 60 tuổi, được gấp bội hơn số trước. Từ đấy, tuyển quân lính được thêm nhiều hơn.
Lập phép hạn chế dùng gia nô.
Lúc ấy, bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hi Chu và Đồng Thức lựa theo ý họ Hồ, nên thường khuyên Hán Thương giết con cháu nhà Trần, giảm bớt số điền nô, để đè nén thế lực họ Trần. Hán Thương mới lập ra phép hạn chế gia nô. Những người được phép dùng gia nô, cứ theo cấp bậc của mình mà dùng nhiều dùng ít khác nhau; số gia nô thừa phải đem sung công. Gia nô đều ghi dấu hiệu vào trán.
Lời chua - Ghi dấu hiệu vào trán: Quan nô làm hình dáng "hỏa châu"1151 ; gia nô của công chúa ghi hình dáng "dương đường" (chưa rõ hình thế nào); gia nô của đại vương ghi "khoanh đỏ", của quan nhất hay nhị phẩm đều ghi "một khoanh đen", của quan tam phẩm trở xuống ghi "hai khoanh đen".
Sửa đắp thành Tây Đô.
Trước đây, bên ngoài thành tại kinh đô mới, Quý Ly bắt dân Thanh Hóa trồng tre gai làm như cái thành bao la ở ngoài và bắc cầu cống, đặt hàng quán, đào khe cừ, để tiện đi lại. Còn thành Tây Đô thì thân thành đều xây bằng đá, sau lại bị đổ. Nay Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để sửa đắp lại.
Quy định quan chế và hình luật.
Tháng 10, mùa đông. Hán Thương bổ dụng Nguyễn Phi Khanh làm Hàn lâm viện học sĩ.
Phi Khanh trước tên là Ứng Long, đỗ thái học sinh triều nhà Trần, lấy con gái Nguyên Đán, Trần Nghệ Tông lấy cớ là dòng dõi hàn vi mà lại lấy con gái tông thống nhà vua1152 , nên bỏ không dùng. Đến nay Hán Thương mới cất nhắc bổ dụng và cho đổi tên là Phi Khanh.
Lời chua - Phi Khanh: Thân phụ Nguyễn Trãi.
Nhâm Ngọ (1402). Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2. (Minh, năm Kiến Văn thứ 4).
Tháng 2, mùa xuân. Hán Thương duyệt quân đội.
Tháng 6, mùa hạ. Bổ dụng Đồng Thức làm Ngự sử trung tán.
Đồng Thức cũng đỗ thái học sinh triều nhà Trần. Hán Thương ví Đồng Thức như Ngụy Trưng nhà Đường1153 , nên ban cho họ là họ Ngụy.
Lời chua - Thức: Người ở Chí Linh, Nam Sách1154 .
Tháng 7, mùa thu. Hán Thương sai tướng là Đỗ Mãn đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành dâng đất xin hàng, Đỗ Mãn đem quân về.
Hán Thương thấy bọn Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành không thành công, phải rút về1155 , lại dùng Đỗ Mãn làm đô tướng, Nguyễn Vị và Nguyễn Bằng Cử làm chiêu thảo sứ, đem đại quân sang đánh. Khi đại binh kéo đến biên giới Chiêm Thành, Đinh Đại Trung làm tiên phong, gặp tướng Chiêm Thành là Chế Thất Nan1156 , hai bên giao chiến đều bị chết. Chúa Chiêm Thành là Ba Đích Lại hoảng sợ, sai người cậu là Bố Điền đem dâng các sản vật địa phương và dâng đất Chiêm động; để xin cho rút quân. Khi Bố Điền đến nơi, Quý Ly bắt ép thay làm tờ biểu khác dâng cả đất Cổ Lũy nữa. Rồi đem hai đất ấy chia làm 4 châu là: Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, đặt chức An phủ sứ lộ Thăng Hoa để trấn trị, còn ở đầu nguồn thì đặt làm trấn Tân Ninh.
Lời chua - Chiêm Động: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 10 (Chính biên X, 20).
Cổ Lũy: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 13 (Chính biên X, 5).
Tân Ninh: Nay là các đất Chiên Đàn, Ô Da và Thu Bồn tỉnh Quảng Nam.
Bổ dụng Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa.
Cảnh Chân dâng thư xin theo việc cũ nhà Hán, nhà Đường, hiệu triệu nhân dân nộp thóc để việc phòng bị biên giới được đầy đủ; những người đã nộp thóc thì hoặc ban tước cho, hoặc tha tội cho, tùy theo số thóc nộp nhiều hay ít. Quý Ly phê vào thư ấy rằng: "Biết được mấy chữ mà dám nói những việc đời Hán, đời Đường, thật đúng như lời cổ ngữ: "Người ngọng hay nói chỉ tổ làm trò cười mà thôi".
Bổ dụng Chế Ma Nô Đã Nan, người Chiêm Thành, làm Cổ Lũy thượng hầu.
Lúc còn triều nhà Trần, Ma Nô Đã Nan chạy sang nước ta, trao cho làm hiệu chính hầu; đến nay đổi phong chức này, sai trấn trị hai châu Tư và Nghĩa, để chiêu tập khuyên bảo những người thuộc về dòng giống Chiêm Thành. Việc này là có ý mưu đồ tiến lấy đất Chiêm.
Lời chua - Ma Nô Đã Nan: Con chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga.
Tháng 8, mùa thu. Hán Thương cử hành lễ tế giao, chưa đến lúc lễ thành đã thôi.
Theo phép cũ1157 , nghi vệ lễ tế giao1158 rất long trọng, chia ra 3 hạng lễ là: lễ lớn, lễ trung bình và lễ nhỏ.
Lễ lớn: 3 năm một lần cử hành, thiên tử ngồi xe thái bình1159 , khắc gỗ làm hình 40 người tiên mặc áo gấm năm màu, cầm cờ tinh dẫn đường đi trước, hoặc thiên tử đi thuyền ở hồ Chu Tước1160 dùng gấm làm dây kéo thuyền.
Lễ trung bình: 2 năm một lần cử hành, thiên tử ngồi cỗ ỷ bách cầm.
Lễ nhỏ: hằng năm cử hành một lần, thiên tử ngồi cỗ ỷ nhỏ.
Lễ tế giao này suốt đời nhà Trần chưa cử hành lần nào, đến nay Hán Thương mới đắp đàn giao ở Đốn Sơn, chọn ngày lành, đi xe vân long, ra cửa nam thành, trăm quan và cung tần, mạng phụ1161 theo
thứ tự đi sau. Mũ áo đàn bà, kém mũ áo của chồng một bậc, người đàn bà nào chính bản thân làm nên sang hiển, thì mũ áo không phải kém mũ áo của chồng. Lúc làm lễ, Hán Thương vì dâng chén rượu, run tay, rượu đổ xuống đất, nên thôi không làm trọn lễ.
Quy định lại phép đánh thuế tô1162 và thuế dung1163 .
Trước kia, về triều nhà Trần, tư điền của dân cứ mỗi mẫu thu thóc 3 thăng; đất bãi trồng dâu, mỗi mẫu thu tiền 9 quan hoặc 7 quan. Đinh nam mỗi năm nộp tiền 3 quan1164 . Đến nay Hán Thương thay đổi lại cho thi hành: mỗi mẫu ruộng thu thóc 5 thăng; đất bãi trồng dâu chia ra 3 bậc: bậc cao nhất mẫu mẫu thu 5 quan, bậc trung bình mỗi mẫu 4 quan, bậc thấp nhất mỗi mẫu 3 quan. Thuế đinh nam thì căn cứ vào số ruộng để đánh thuế: người nào có ruộng từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu tiền 3 quan; người nào ruộng kém số ấy sẽ được giảm bớt dần; người không có ruộng cùng trẻ bồ côi và đàn bà góa mà có ruộng đều được miễn thuế dung.
--
995 Nay, Thủy Vĩ thuộc tỉnh Lào Cai.
996 Nay, Thủy Vĩ thuộc tỉnh Lào Cai.
997 Nhân Vinh, vợ là Huy Ninh công chúa, sau khi Nhân Vinh mất, Nghệ Tông đem Huy Ninh gả cho Quý Ly. Người con gái này gọi Quý Ly bằng bố dượng.
998 Một hoạn quan do ta tiến sang nhà Minh.
999 Nguyên văn là "ba la mật". Đây theo Nhật dụng thường đàm (tờ 30), Hoàng Việt địa dư chí (quyển I, tờ 3a), Từ nguyên và Từ Hải mà dịch là mít. Còn Mô phạm pháp hoa từ điển , trang 27, thì cho là "dứa".
1000 Chỉ việc Minh Thái Tổ cho sứ sang ta đòi các thứ cây như trên đã chép.
1001 Theo Toàn thư VIII, 9, chính tên là Hồ Tông Thốc; còn Cương mục vì kiêng húy triều Nguyễn, nên đổi là Hồ Tôn Thốc.
1002 Giống ý câu tục ngữ: "Một người làm quan, cả họ được nhờ".
1003 Thảo nhàn: Tự tìm lấy cảnh nhàn rỗi. Hiệu tần: theo sách Trang Tử , Tây Thi đau bụng, nhăn nhó; một chị người làng, mặt mũi xấu xí, thấy Tây Thi nhăn nhó, cho là đẹp, về cũng ôm bụng bắt chước nhăn nhó. Do điển này, người ta dùng danh từ "hiệu tần" để chỉ sự "học đòi một cách vụng về".
1004Sử ký VIII, 27 chép là ... thi tập.
1005 Tức Tể tướng.
1006 Văn võ gồm tài, vua tôi một dạ.
1007 Đứng đầu một cung. Là một chức hầu cận vua.
1008 Cũng là một chức hầu cận, ở gần nhà vua.
1009 Xem thêm Chính biên , quyển X, tờ 49.
1010 Một danh từ người dưới xưng hô một viên quan nào đó. Chữ "đại nhân" ở đây chỉ Hồ Quý Ly.
1011 Đế Hiện, con trưởng Trần Duệ Tông, cháu Trần Nghệ Tông, xem thêm Chính biên , quyển X, tờ 41.
1012 Con út Trần Nghệ Tông, tên là Ngung, được phong làm Chiêu Định vương.
1013 Tên một xã thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
1014 Theo tục lệ nhà Trần, đáng lẽ Trần Nghệ Tông phải gọi Đế Hiện là "quan gia" mới đúng, đây gọi thẳng bằng "đại vương" là có ý gay gắt, không nhận cho được nối ngôi vua nữa.
1015 Chỉ việc Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành bị chết tại trận. Xem Chính biên quyển X, tờ 40.
1016 Chỉ Đế Hiện.
1017 Chỉ Hồ Quý Ly.
1018 Tức là nhà nước.
1019 Giải tán giáp binh.
1020 Một chức quan ở viện Xu mật, được tham gia bàn bạc những việc cơ mật của triều đình.
1021 Chỉ việc Quý Ly trước bị thua bỏ trốn về, sau xin giải tán binh quyền, không đem quân ra đánh nữa.
1022 Một chức quan chỉ huy quân đội thời cuối Trần.
1023 Nay huyện Tiên Lữ vẫn thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Hưng Nhân thuộc tỉnh Thái Bình.
1024 Câu này trích trong bài "Bằng đảng luận" của Âu Dương Tu: "Tiên nhân vô bằng, duy quân tử tắc hữu bằng".
1025 Vô lại: có nhiều nghĩa, nhưng có hai nghĩa này thông dụng: Người không có nghề nghiệp, không làm gì lợi cho gia đình; người hung hãn giết người.
1026 Một chiến cụ thời cổ, có máy để bắn đạn bằng đá. Người chế ra súng này là Phạm Lãi, người thời Xuân Thu, qua đời Hán đến đời Tống đều dùng chiến cụ này, đến đời nhà Nguyên mới chế bằng sắt, nặng 5, 6 trăm cân, dài 5, 6 thước, trang bị bằng thuốc có chất nảy lửa và đạn bằng đá, để bắn quân địch.
1027 Nơi vua đặt ngự doanh ở ngoài kinh thành, gọi là hành tại.
1028 Chỉ việc may được Ba Lậu Kê chỉ bảo, nên mới giết được chúa Chiêm Thành.
1029 Chức tương đương với Tể tướng.
1030 Diệu bị bọn Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết năm Canh Ngọ, 1390 (Chính biên XI, 11-12).
1031 Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 6.
1032 Nguyên văn là: "Dương Liễu đa ngôn, chúng giai bế khẩu". Xem lời chua của Cương mục ở dưới.
1033 Chỉ việc Đặng Tất đưa thư tố cáo với Quý Ly về lời đàm luận của Phan Mãnh và Bỉnh Khuê.
1034 Câu phê này có 10 chữ: "Đặng Tất xuất thân như thử, thị nhị nhân da?" . Ý nói: Đặng Tất viết thư mách Quý Ly về lời đàm luận của Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê, làm cho hai người này bị giết, mà mình được xuất thân làm quan, đấy là nhân cách kém. Thế mà sau nàylại biết phò Đế Ngỗi, đánh quân Minh xâm lược, thì lại là nhân cách tốt. (Xem thêm Chính biên quyển XII, tờ 22, 28).
1035 Thâm hiểm thay quan thái sư họ Lê! - Lê Quý Ly sau này xưng là Phụ quốc thái sư, nên chúng tôi cho "Lê sư" là quan thái sư họ Lê. Nhưng theo Đại Việt sử ký bản kỷ , thì có chỗ (quyển 9 tờ 23) tác giả (có thuyết nói là Ngô Thì Sĩ) lại chua là lời sấm Lê Thái Tổ khởi binh, thì chữ "Lê sư" lại có nghĩa là binh lính của Lê Lợi. Câu đồng dao thời đại phong kiến phần nhiều có tính chất huyền bí, khó hiểu thế nào cho thật đúng được.
1036 Nguyên văn là "Quân bất mật tắc thất thần", một câu trong "Hệ tử thượng" kinh Dịch , dùng để giải nghĩa hào "sơ cửu" quẻ Tiết.
1037 Mỗi đô 80 người. Xem thêm Chính biên quyển VII tờ 10 về việc định quân ngũ.
1038 Những châu ở gần.
1039 Tên là Đán, con Văn vương, định quan chế, dựng lễ pháp; đời sau nói đến lễ nhạc, phần nhiều nhắc đến Chu Công.
1040 Tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người đời Xuân thu, sửa lại 6 kinh, để tuyên dương phép tắc của đế vương đời trước, là một ông tổ về nho giáo.
1041 Nước ta có Văn Miếu bắt đầu từ đời Lý Thánh Tông (1070), trong Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử và bốn vị phối hưởng, bảy mươi hai vị hiền (Xem thêm Chính biên quyển III tờ 30).
1042 Tượng trưng vị chính của thiên tử.
1043 Con gái nước Tống, vợ Linh công nước Vệ, là người tà dâm, việc chép trong thiên Ung Dã .
1044 Khổng Tử ở nước Vệ sang nước Tần, bị hết lương ăn, người đi theo bị đói, không đứng dậy được, việc chép ở thiên Vệ Linh công .
1045 Họ Công Sơn Phất Nhiễu là quan thái tể của họ Quý nước Lỗ, giữ ấp Phí để chống lại họ Quý: Phật Hất là quan thái tể ấp Trung Mâu. Hai việc này đều chép ở thiên Dương Hóa .
1046 Hàn Dũ người ở Nam Dương, tự Thoái Chi, cũng gọi là Hàn Xương Lê, vì tiên tổ Hàn Dũ người ở Xương Lê. Hàn là một danh nho đời Đường.
1047 Theo bài tán ở truyện Lý Phùng Cát trong Đường thư thì người nào ngoài miệng nói đạo nghĩa thánh hiền mà việc làm như kẻ cắp chợ, gọi là "đạo nho". Có lẽ vì Hàn Dũ làm bài "Phật cốt biểu" cực lực bài bác đạo Phật, sau bị giáng chức ra Triều châu, lại giao du thân mật với nhà sư Đại Điên, lời nói và hành động trái ngược nhau, nên Quý Ly cho là "đạo nho".
1048 Chính tên là Chu Đôn Di, tự Mậu Thúc, cũng gọi là Liêm Khê tiên sinh, có làm thuyết Thái Cực đồ và sách Thông thư , Chu là ông tổ trong phái lý học đời Tống.
1049 Trình Hiệu và Trình Di, hai anh em đều là học trò Chu Mậu Thúc. Trình Hiệu, đời gọi là Minh Đạo tiên sinh, Hiệu có sửa định lại sách Tính Lý và thuyết Thái Cực đồ . Trình Di, em Trình Hiệu, tên tự là Chính Thúc, đời gọi là Y Xuyên tiên sinh. Di có làm truyện kinh Dịch và truyện kinh Xuân Thu .
1050 Tên là Thê, tự là Trung Lập, đời gọi là Quy Sơn tiên sinh, Dương là học trò Trình Di, chuyên tâm về việc trứ tác và giảng dạy.
1051 Tên là Tùng Ngạn, tự là Trọng Tố, cũng gọi là Dự Chương tiên sinh, La là học trò Dương Quy Sơn, ở ẩn để đọc sách, không có chí về công danh. La thường nói: "Sĩ phu ra làm quan, căn bản là phải chính trực, trung hậu".
1052 Tên là Đồng, tự Nguyên Trung, cũng gọi là Diên Bình tiên sinh, tinh thông về lý học. Diên Bình là học trò La Trọng Tố và là thày học Chu Hi.
1053 Xem chú thích số 2 ở Cương mục , quyển đầu, tờ 13.
1054 Chỉ việc Hồ Quý Ly phê bình các tiên nho như bọn Hàn Dũ, Chu Tử,...
1055 Bức tranh vẽ bốn quan to ở bốn triều đại đã từng giúp vua khi mới lên ngôi.
1056 Chu Công tên là Đán, giữ chức chủng tế nhà Chu. Khi Chu Vũ vương Phát mất, con là Tụng nối ngôi (tức là Thành vương) mới 13 tuổi, Chu Công thay Thành vương trông coi mọi việc, nhờ có Chu Công mà xã tắc nhà Chu mới yên.
1057 Hoắc Quang giữ chức đại tư mã đại tướng quân dưới triều Hán Vũ đế. Khi Hán Vũ đế mất, con là Phất Lăng mới 9 tuổi lên nối ngôi (tức là Hán Chiêu đế), Hoắc Quang một tay nắm hết quyền bính trong nước để giúp Chiêu đế.
1058 Gia Cát Lượng, tức Khổng Minh, giữ chức thừa tướng dưới triều Chiêu Liệt đế, nhà Hậu Hán (tức Lưu Bị). Khi Lưu Bị mất, con là Lưu Thiện tuy đã trưởng thành, nhưng rất ngu hèn. Gia Cát Lượng phải giúp Lưu Thiện về mọi việc mới chống chọi được với nước Ngụy và nước Ngô.
1059 Tô Hiến Thành giữ chức thái úy dưới triều Lý Cao Tông. Khi Cao Tông mất, con là Long Cán mới 3 tuổi lên nối ngôi. Hiến Thành thay Long Cán điều khiển công việc trong nước. Nhiều lần vợ Lý Cao Tông muốn thay đổi người khác làm vua, Hiến Thành nhất định không nghe. Bức tranh tứ phụ này, về ba người trên theo điển ở sử Trung Quốc, về Tô Hiến Thành theo điển ở triều Lý nước ta.
1060 Chỉ Trần Thuận Tông.
1061 Em Nghệ Tông, bị tử trận khi đi đánh Chiêm Thành.
1062 Bốn câu thơ chữ Hán này, sách Cương mục đã chua ở dưới.
1063 Một phương pháp riêng của nhà thuật số dùng để tản tự, họ đem những danh từ huyền bí tách ra từng nét, hoặc hợp nét nọ vào với nét kia, chữ nọ vào với chữ kia, hoặc gán ghép vào các giống vật, các câu thành ngữ để đoán mọi sự việc.
1064 Theo tục nhà Trần, hằng năm, vua hội họp bầy tôi làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ (xem thêm Chính biên quyển VI, tờ 5).
1065 Quý Ly có hai người cô đều lấy Trần Minh Tông, một người sinh ra Nghệ Tông, một người sinh ra Duệ Tông. Vợ Quý Ly lại là Huy Ninh công chúa, một tôn nữ nhà Trần.
1066 Thời đại phong kiến, mỗi khi bầy tôi biết mình có lỗi thì tháo bỏ mũ đương đội trên đầu để tạ tội.
1067 Một tước phong cho Đế Hiện khi bị giáng truất. Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 5-6.
1068 Chỉ việc Quý Ly chỉ tay lên trời thề nguyền.
1069 Sách Cương mục chua chữ "xích chủy" chỉ Quý Ly. Chua như thế có phần đúng, nhưng chưa được rõ. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thì chữ "chủy" nghĩa đen là mỏ loài chim, mõm loài thú, hay cũng có thể là miệng của người. Nghĩa chữ "chủy" cũng như nghĩa chữ "khẩu". Trong Từ thư không có danh từ "xích chủy", chúng tôi tưởng nghĩa "xích chủy" cũng như nghĩa "xích
1070Bạch kê: nghĩa đen là gà trắng. Theo về thuật số học, 12 hàng chi từ tí đến hợi, mỗi chi đều cầm tinh một giống vật, như tuổi tí cầm tinh con chuột, tuổi hợi cầm tinh con lợn, ... Nghệ Tông tuổi Tân Dậu, "tân" thuộc hành kim, loàn kim sắc trắng, "dậu" cầm tinh con gà, vì thế mới dùng chữ "bạch kê" để ám chỉ tuổi Tân Dậu.
1071 Chữ "vương" ở trong lòng chữ "khẩu" thành chữ ___ "quốc" (lối viết đơn giản của ta xưa). Theo quan điểm phong kiến, nước là của vua, nên mới đặt chữ "vương" trong một ô vuông, để tượng trưng ông vua là chủ trong một chu vi rộng lớn ấy. Nhưng theo lối viết đơn giản bây giờ, đặt chữ "ngọc" ___ ở trong một ô vuông, chỉ thêm một nét chấm, mà nghĩa chữ "quốc" bây giờ khác hẳn với chữ "quốc" thời phong kiến.
1072 Tức là chức Kinh Sư đại doãn, như Nguyễn Trung Ngạn đã được làm năm Tân Tị (1341) dưới triều Trần Dụ Tông (Chính biên IX, 40).
1073Tự đây là nơi quan thự ở thời phong kiến, như Thái thường tự , Hồng lô tự ... tuy cùng mặt chữ nhưng khác nghĩa với "tự" là chùa.
1074 Xem thêm Chính biên quyển IX, tờ 44.
1075 Chỉ Chiêm Thành.
1076 Chỉ lời gièm pha của Quý Ly.
1077 Chỉ Quý Ly. Xem thêm chú thích số 6 ở Chính biên quyển XI, tờ 20.
1078 Nguyên văn là "tiền hữu sàm nhi bất kiến, hậu hữu nhi bất tri". Lời Đổng Trọng Thư trong Hán Thư .
1079 Nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.
1080 Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 16-17 việc Quý Ly giết Nhật Chương (việc năm Nhâm Thân, 1392).
1081 Xem thêm Chính biên quyển VIII, tờ 14: việc Trần Kiện, Trần Văn Lộng.
1082 Giữ chức đại tư mã dưới triều Bình Đế nhà Tây Hán, sau giết Bình Đế. Lập nhụ tử Anh, Vương Mãng nắm hết chính quyền trong nước, tự xưng là Hoàng đế giả, cuối cùng cướp ngôi vua nhà Hán, đặt tên nước là Tân.
1083 Phù hiệu có chạm hình con lân bằng vàng.
1084 Nguyên văn chữ Hán là ___ ___. Riêng chữ ___ có hai âm: "Hoạch" và "họa" nên hai chữ này có thể đọc là "hoạch lư" cũng có thể đọc là "họa lư". Theo chú thích trong Từ nguyên thì danh từ này có nhiều nghĩa: a) nhà ở của người bầy tôi thân cận với nhà vua để định kế hoạch trong nước; b) nhà có chạm trổ; c) nhà có vẽ hình các vua hiền đời trước; d) nhà của một chức quan về triều nhà Hán.
1085 Một thiên trong sách Thượng thư , do Chu Công Đán làm ra để khuyên răn Thành vương nhà Chu. Trong sách phần nhiều nhấn mạnh về việc làm vua phải biết việc cày cấy của dân khó nhọc, không nên đánh thuế nặng, ... Hai chữ "vô dật" nghĩa là chớ có ở dưng, chớ có chơi bời làm lãng phí thì giờ.
1086 Tức là quốc âm.
1087 Chỉ Trần Thuận Tông.
1088 Sáu chữ này nghĩa là giúp vua giữ chính quyền trong nước kiêm cả việc dạy bảo vua.
1089 Có lẽ một chức đứng đầu nhà sư.
1090 Người tu luyện pháp môn cửa phật.
1091 Xem Chính biên , quyển XI, tờ 1, chú thích số 1 về chữ "thị giả".
1092 Xem lời chua ở Chính biên quyển VI, tờ 9.
1093 Bộ quan trọng nhất trong sáu bộ, phụ trách công việc tuyển bổ cất nhắc, bãi miễn các quan.
1094 Đàn thờ thần thổ địa. Theo tục xưa, từ vua đến dân đều lập đàn thờ thần thổ địa để cầu phúc.
1095 Tức Thăng Long, nay là Hà Nội. Xem thêm "Lời chua" ở sau của Cương mục .
1096 Xem thêm Tiền biên quyển V, tờ 10-11.
1097 Xem thêm Chính biên quyển VI, tờ 21-22.
1098 Xem thêm Chính biên quyển II, tờ 24-25.
1099 Xem thêm Chính biên quyển XXI, 21-22: chỗ chú thích về Nghệ An.
1100 Xem lời chua của Cương mục ở dưới.
1101 Hai phủ này bây giờ đều thuộc tỉnh Phú Thọ.
1102 Hai phủ này bây giờ đều thuộc tỉnh Phú Thọ.
1103 Chỉ đời tam đại: Hạ, Thương và Chu ở Trung Quốc.
1104 Nhà học của cả nước, từ đời nhà Tùy trở về sau gọi là Quốc Tử giám.
1105 Đời cổ cứ 500 nhà ở chung một nơi gọi là "đảng".
1106 Tên trường hương học, nhà Hạ gọi là "hiệu", nhà Thương gọi là "tự" nhà Chu gọi là "tường". Về sau, trường huyện học cũng gọi là "tường", như trường ở một ấp, gọi là ấp tường; trường một huyện gọi là huyện tường...
1107 Những địa phận ở nơi biên viễn xa kinh kỳ ngày xưa gọi là "toại".
1108 Tên trường hương học, nhà Hạ gọi là "hiệu", nhà Thương gọi là "tự", nhà Chu gọi là "tường", như trường ở một ấp, gọi là ấp tường; trường một huyện gọi là huyện tường...
1109 Xem thêm Chính biên quyển XXI, tờ 29.
1110 Chị hoặc em ruột vua.
1111 Nay thuộc tỉnh Lạng Sơn.
1112 Nay là đất huyện Từ Liêm (Hà Nội) và Hoài Đức (Hà Tây).
1113 Xem thêm Tiền biên quyển V, tờ 22.
1114 Nguyên văn trong Cương mục chép là ___ và chua ở dưới rằng "đã khảo cứu trong Tự điển , và Bị khảo Bổ di đều không có chữ này, không rõ âm là gì". Ở đây chúng tôi chỉ căn cứ vào tự dạng có chữ "an" ở trên, nên phiên là An cho đủ âm mà thôi.
1115 Xem thêm Chính biên quyển XI tờ 20.
1116 Người tôn sùng đại giáo của Lão tử. Xem thêm chú thích số 4 ở Chính biên quyển VIII, tờ 39.
1117 Tượng trưng ngôi vua, do hào Cửu Ngũ trong quẻ Kiều là một quẻ thuần dương, ở kinh Dịch : "Long phi tại thiên, lợi kiến đại nhân". Ý nói rồng bay trên trời, thì thiên hạ thấy có ông vua đức độ to lớn.
1118 Nguyên văn chép là "tấu lục". Những bí quyết của nhà đạo giáo đều gọi là "lục". Người thụ đạo, lúc bắt đầu được nhận năm ngàn lục văn, sau được nhận tam động lục. Lục văn đều viết chữ trắng, ghi tên các thiên tào, quan thuộc và tá lại.
1119 Đời xưa xe của vua, ngoài bọc lụa sắc vàng, nên gọi là hoàng ốc, sau người ta dùng chữ hoàng ốc để tượng trưng ngôi vua.
1120 Vợ Thuận Tông là con gái trưởng Quý Ly, Thái tử An gọi Quý Ly bằng ông ngoại.
1121 Tờ yết thị dán vào cái bảng treo ở cửa kinh thành cho mọi người biết.
1122 Năm chữ "Trung thư, Thượng thư sảnh" là nêu rõ chức quan có trách nhiệm làm tờ yết thị dán trên bảng. Cả 14 chữ này nghĩa là: quan chức trong sảnh Trung thư, Thượng thư vâng theo thánh chỉ của vị nhiếp chính cai giáo hoàng đế (tức Quý Ly). - Riêng hai chữ "Thánh chỉ" nghĩa là chỉ dụ của thánh ban ra, theo chế độ phong kiến chỉ có vua mới được dùng hai chữ này.
1123 Theo Đạo đức kinh thì những người tu hành thành tiên, con trai gọi là chân nhân, con gái là nguyên quân. Chữ "nguyên quân" ở đây chỉ Trần Thuận Tông vì Thuận Tông sau khi truyền ngôi cho con, tự xưng là Thái Thượng Nguyên quân hoàng đế.
1124 Xem thêm chú thích số 4 ở Chính biên quyển XI, tờ 20.
1125 Theo Đại Nam nhất thống chí thì Đốn Sơn là gia hương Trần Khát Chân. Khi bị hành hình, Khát Chân đứng trên Đốn Sơn kêu ba tiếng thật to rồi chết, ở địa phương này có 29 đền thờ Khát Chân.
1126 Chữ "dư" ___ và chữ "trẫm" ___ theo Việt Nam đều nghĩ là ta, nhưng theo chế độ phân biệt đẳng cấp đời phong kiến thì chữ "dư" dùng chung cho người trên đối với người dưới, chữ "trẫm" để riêng cho vua xưng với thần dân.
1127 Chữ "dư" ___ và chữ "trẫm" ___ theo Việt Nam đều nghĩ là ta, nhưng theo chế độ phân biệt đẳng cấp đời phong kiến thì chữ "dư" dùng chung cho người trên đối với người dưới, chữ "trẫm" để riêng cho vua xưng với thần dân.
1128 Chỉ Trần Nghệ Tông.
1129 Hai huyện này nay đều thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
1130 Nay thuộc tỉnh Tuyên Quang. Lúc toàn quốc kháng chiến gọi là Châu Tự do.
1131 Năm ấy Quý Ly đã 65 tuổi.
1132 Chỉ Trần Nghệ Tông.
1133 Xem chú thích số 2 ở Chính biên quyển XI, tờ 32.
1134 Xem thêm tiểu sử Hồ Quý Ly: Chính biên quyển X, tờ 31-32.
1135 Một vua đời thượng cổ Trung Quốc, Ngu Thuấn được Đường Nghiêu truyền ngôi cho. Sau thường gọi đời ấylà đời Đường - Ngu, hay đời Nghiêu - Thuấn.
1136 Như chức thanh tra bây giờ.
1137 Thú: thái thú; lệnh: lệnh doãn. Những chức quan đứng đầu ở phủ, ở châu hoặc ở huyện.
1138 Thú: thái thú; lệnh: lệnh doãn. Những chức quan đứng đầu ở phủ, ở châu hoặc ở huyện.
1139 Tức khoa thi tiến sĩ.
1140 Nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.
1141 Nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
1142 Nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
1143 Nay là xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
1144 Nay thuộc huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ.
1145 Nguyên văn câu này: "Chính giáp, bì dĩ vi thực". Chữ "giáp" nghĩa đen là con rùa, con ba ba; chữ "bì" nghĩa đen là loài thú đã chết mà da còn cả lông. Có lẽ lúc ấy đạo quân của Trần Tùng phải vào núi tìm kiếm thức ăn, nhưng chỉ tìm được mai rùa và da loài thú chưa thối nát đem nướng ăn.
1146 Tiềm: Náu hình, ẩn nấp. Để: Một danh từ để gọi dinh thự các vương hầu. Thời đại phong kiến, nhà ở của tước vương khi chưa lên ngôi vua gọi là "tiềm để", lấy nghĩa chữ "long tiềm tại uyên" (rồng nương mình dưới vực) trong kinh Dịch.
1147 Ngụy vị nghĩa đen là ngôi vua giả dối. Theo quan điểm của nho gia phong kiến, thì bầy tôi cướp ngôi vua, không được liệt vào chính thống, vì thế, nên chép ngôi vua của Quý Ly là "ngụy vị".
1148 Theo truyện Công dương thì hơi đá bốc lên trên không thành mây, mây tụ lại thành mưa.
1149 Xã tắc là một danh từ tượng trưng cho quốc gia. Theo Ngô Thì Sĩ, thì Nguyên Trừng biết chắc mình không được nối ngôi, nên ngụ ý vào cây gỗ thông để nói tài mình chỉ đáng giúp nước, không đáng làm vua. Ngô lại phê phán thêm: Bố con Quý Ly đều là dùng trí thuật lừa dối lẫn nhau.
1150 Xem thêm Chính biên quyển IX, tờ 39-40.
1151 Theo Tùy Đường gia hoại và truyện Nam Man trong Đường thư thì hoả châu là một viên ngọc có sắc óng ánh, sản ở Lâm Ấp, viên lớn bằng quả trứng gà. Có lẽ lúc bấy giờ theo hình dáng viên ngọc này ghi vào trán những người quan nô.
1152 Trần Nguyên Đán là tằng tôn (chắt) Trần Quang Khải, tôn thất nhà Trần.
1153 Ngụy Trưng, một tể tướng nhà Đường. Ngụy hình dáng thấp bé, nhưng can ngăn vua một cách mạnh bạo. Thời Đường Thái Tông, Ngụy dâng hơn hai trăm tờ sớ can ngăn, đều là đích đáng, Thái Tông phải kính sợ.
1154 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.
1155 Xem thêm Chính biên quyển XI, tờ 37-38.
1156 Sách Toàn thư và Đại Việt sử ký bản kỷ đều chép là Chế Cha Nan.
1157 Phép cũ ở đây không nói rõ là phép của triều nào, có lẽ đặt từ triều nhà Lý, không phải của nhà Trần. Vì phần dưới đoạn văn này chép rằng: "Suốt đời triều Trần, chưa cử hành lễ tế này".
1158 Giao là một nơi xa kinh thành phỏng trăm dặm. Đời cổ, gặp tiết đông chí, vua tế trời ở Nam Giao, gặp tiết hạ chí, tế đất ở Bắc Giao, nên tế trời đất gọi là lễ tế giao.
1159 Xe thái bình chế từ triều Lý, xem Chính biên quyển III, tờ 12.
1160 Hồ Chu tước thuộc phường Bích Câu, xem Chính biên quyển XXVI, tờ 29.
1161 Đàn bà được vua phong hiệu cho gọi là mạng phụ. Có 2 hạng mạng phụ là: nội mạng phụ và ngoại mạng phu. Nội mạng phụ là những người được phong hiệu ở trong cung, như bọn phi tần, ngoại mạng phụ là công chúa, vợ tước vương và đàn bà nhờ chồng mà được phong, như quận quân, hiệu quân, phu nhân, nhụ nhân, ...
1162 Thuế ruộng đất.
1163 Thuế lực dịch.
1164 Xem thêm Chính biên quyển V, tờ 22-23 về phép thuế khóa triều nhà Trần.
--
0 Comments:
Post a Comment
<< Home