Chính Biên - Quyển thứ XIX
K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XIX
Từ Canh Thìn, Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ nhất (1460) đến Ất Dậu, Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 6 (1465), gồm sáu năm.
Canh Thìn, Thánh Tông Thuần hoàng đế, năm Quang Thuận thứ nhất (1460). (Nghi Dân, năm Thiên Hưng thứ 2. - Minh, Anh Tông, năm Thiên Thuận thứ 4).
Tháng 2, mùa xuân. Có sao Bột xuất hiện ở vị trí sao Dực.
Lời chua - Bột: Theo Hán thư âm nghĩa1890 ngôi sao khác thường, gọi là sao Bột; tia sáng của sao tỏa ra bốn mặt gọi là bột, cũng gọi là sao Sàm Sang.
Dực: Theo Đại thanh nhất thống chí , sao Dực và sao Chẩn đứng về vị trí thuần vĩ, thuộc dã phận nước An Nam.
Nghi Dân chia đặt quan chức làm sáu bộ, sáu khoa, lại bàn đặt chức ở phủ, huyện và châu.
Quan chức hồi đầu triều Lê: ở trong kinh chỉ đặt hai bộ: Lại bộ và Lễ bộ, còn các bộ Hộ, Binh, Hình, Công và sáu khoa chưa sắp đặt được đầy đủ. Năm đạo1891 ở ngoài kinh sư đều đặt chức Hành khiển giữ việc quân và dân; lại chia đặt quan chức ở phủ, lộ, trấn, huyện, châu, để lệ thuộc vào quan Hành khiển. Đến nay Nghi Dân mới đặt thêm bốn bộ: Hộ, Binh, Hình, Công cùng với hai bộ Lại và Lễ làm thành sáu bộ. Lại đặt sáu khoa là: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Về chức quan ở ngoài thì Nghi Dân bàn đặt lại quan chức ở phủ, huyện và châu.
Lời chua - Hành khiển năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5-6).
Chức quan ở lộ, phủ, trấn, châu và huyện hồi đầu triều Lê: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 71892 (Chính biên XX, 7).
Sáu bộ, sáu khoa: Quan chức và nhiệm vụ, xem Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 2 (Chính biên XXII, 12-26)1893 .
Nghi Dân đổi đặt lại chức quan ở phủ huyện châu: Sự sắp xếp thế nào nay không khảo cứu được.
Tháng 5, mùa hạ. Sao Xuy Vưu kỳ1894 xuất hiện, chiều dài chạy suốt trên không.
Sao Xuy Vưu bạch kỳ1895 chiếu dài từ đông sang tây tỏa ánh sáng ngang trời.
Lời chua - Xuy Vưu kỳ: Theo phần "Thiên quan thư" trong Sử ký thì cờ xí Xuy Vưu1896 giống cái chổi mà đằng sau cong, hình dáng giống lá cờ thường. Nếu sao Xuy Vưu kỳ xuất hiện thì vua chúa sẽ phải đi đánh dẹp bốn phương.
Tháng 6. Đại thần, bọn Lê Xí, giết đảng phản nghịch là tên Đồn1897 , tên Ban, truất Nghi Dân làm Lệ Đức hầu, rồi giết đi.
Cướp ngôi vua được 8 tháng, Nghi Dân tin nuông bọn gian tà, giết hại đại thần, thay đổi hết phép tắc của tiên tổ. Người trong nước ai cũng oán giận. Ngày 6 tháng 6, các đại thần là:
- Thái bảo Lê Xí và Lê Liệt.
- Nhập nội Điểm kiểm Bình chương quân quốc trọng sự Lê Lăng.
- Nhập nội Đại hành khiển Lê Vĩnh Trường.
- Xa kỵ vệ đồng tổng tri Lê Niệm.
- Ngự tiền hậu quân tổng tri Lê Nhân Thuận.
- Ngự tiền trung quân tổng tri Lê Nhân Khoái.
- Ngự tiền thủy quân tổng tri Trịnh Văn Sái.
- Bắc đạo thiêm tri Trịnh Đạc.
- Điện tiền đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung.
- Thiết đột tả quân đại đội trưởng Nguyễn Yên.
- Điện tiền ti chỉ huy Lê Yên và Lê Giải bàn định với nhau rằng: "Lạng Sơn vương1898 câu kết với tên Đồn, tên Ban, dám làm việc giết vua cướp ngôi tức là hạng ác nghịch nhất nước; chúng ta mang danh nghĩa là những bầy tôi công lao với nước, cố cựu trong triều, thế mà đứng ở triều đình với kẻ giết vua cướp ngôi, thì còn mặt mắt nào trông thấy tiên đế1899 ở dưới đất được nữa!".
Sau khi ở trong triều lui ra, các đại thần đều ngồi cả tại nhà nghị sự, bọn Lê Xí đứng đầu xướng suất việc nghĩa, trước hết giết tên Đồn, tên Ban ở ngay trước nhà nghị sự, sau đóng các cửa thành lại, rồi sai bọn Nhân Thuận thống lĩnh cấm binh bắt đảng phản nghịch là lũ Trần Lăng hơn một trăm người đều giết hết. Các đại thần định nghị: truất Nghi Dân làm Lệ Đức hầu, bắt phải thắt cổ tự tử.
Lời phê - Việc làm của bọn Lê Xí, so với việc Chu Bột giết bọn họ Lữ mà lập Hán Văn đế1900 cũng không hổ thẹn gì cả. Trong nước có người trọng thần, chính cần ở lúc này. Lời cẩn án - Sử cũ chép quan, tước của bọn Lê Xí, Lê Liệt và Lê Niệm như thế này: "Bình chương quân quốc trọng sự á quận hầu Lê Xí và Lê Liệt; Tư mã tham dự triều chính Đình thượng hầu Lê Niệm". Nhưng tra trong Thông sử1901 : Lúc giết Nghi Dân thì Lê Xí và Lê Liệt cùng giữ chức Thái bảo; Lê Niệm giữ chức Xa kỵ đồng tổng tri, còn tước Á
quận hầu của Xí và Liệt, tước Đình thượng hầu của Niệm là sau khi nhà vua [Thánh Tông] lên ngôi rồi mới phong cho. Vì thế nay cải chính lại. Lời chua - Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn;
Lê Lăng: Con của Lê Triện. Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 9).
Nguyễn Đức Trung: Người làng Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn1902 .
Lê Niệm: Người làng Đức Giang, huyện Lương Giang1903 .
Theo mục "Quan chức chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép về quan chế hồi đầu triều Lê:
Thái bảo: Một chức trọng yếu trong hàng đại thần.
Điểm kiểm bình chương quân quốc trọng sự: Chức tể tướng.
Đại hành khiển: Chức tể tướng thứ hai.
Những đại thần nào vào hạng thân cận với vua hoặc được vua tin dùng đều được thêm chữ "nhập nội"1904 .
Xa kỵ vệ: Một vệ trong 14 vệ của Thiết đột quân.
Ngự tiền quân: Có các danh hiệu: Trung quân, Tiến quân, Tả quân, Hữu quân và Hậu quân.
Ngự tiền thủy quân: Gọi là quân Thiện trạo (quân lành nghề bơi thuyền).
Các quân kể trên đều có đặt chức quan đứng đầu là Tổng tri, Đồng tổng tri.
Lịch triều hiến chương lại chép: Hồi đầu triều Lê chia trong nước làm năm đạo, các lộ Bắc Giang, Lạng Sơn và Thái Nguyên thuộc về Bắc đạo. Ở đạo có chức Hành khiển đứng đầu, thứ nhì đến chức thiêm tri. Hai chức quan này chia nhau giữ sổ sách quân và dân.
Điện tiền ti: Có chức đô chỉ huy sứ và chức chỉ huy sứ, những chức quan này đều là tướng hiệu chầu chực ở trong nội điện.
Thiết đột: Chia ra năm hiệu quân là: trung, tiền, hậu và tả, hữu, mỗi quân có đặt chức Tổng quản đứng quản lĩnh, mỗi đội đều có đặt một Đại đội trưởng.
Các đại thần rước Bình Nguyên vương1905 Tư Thành vào cung điện lên ngôi vua. Đại xá cho cả nước.
Các đại thần cùng nhau bàn rằng: "Ngôi vua rất trọng đại, người giữ ngôi vua là rất khó khăn, nếu không phải người có đức độ lớn không thể nào đương nổi. Nay Gia vương1906 là người sáng suốt, có tài trí, có đạo đức, các vương khác không thể so bì kịp, lòng người ai cũng trông mong, như thế có thể biết được ý trời đã định". Rồi các đại thần liền dùng xa giá rước vương ở Gia để1907 , vương vào trong cung, lên ngôi vua ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận, đại xá cho cả nước.
Lời cẩn án - Sử cũ chép: "Đại thần bàn định rước Gia vương lập làm vua". Nay xét: Vua Thánh Tông trước được phong là Bình Nguyên vương, đến lúc Nghi Dân cướp ngôi, đổi phong là Gia vương. Vì thế, ở đây đổi đi mà chép tước cũ của nhà vua là "Bình Nguyên vương". Chép như thế là có ý không tán thành việc Nghi Dân phong tước cho nhà vua. Lời chua - Vương: Tên húy là Tư Thành, lại một tên húy nữa là Hạo, con thứ tư của Lê Thái Tông, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 2 (1441). Năm Thái Hòa1908 thứ 3 (1445), được phong Bình Nguyên vương; năm Diên Ninh thứ 6 (1459), Nghi Dân cướp ngôi vua, đổi phong là Gia vương.
Gia vương: Theo quan chế triều Lê, hoàng tử được phong vương thì dùng tên một phủ làm hiệu để phong, chữ "gia" ở đây tức là phủ Gia Hưng.
Bình Nguyên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên II, 18).
Gia để: Sử cũ chua: "Có một thuyết nói là Tây để". Về việc này Sử cũ chua thế này: "Sau khi đã giết Nghi Dân, đại thần đi rước Cung vương Khắc Xương, Cung vương cố ý từ chối, mới đến rước nhà vua ở Tây để".
Truy tặng tước cho nội quan Thị hậu phó chưởng là Đào Biểu và giết tên Lê Đắc Ninh.
Trước kia, Nghi Dân mưu tính việc khởi loạn, bí mật câu kết với Điện tiền đô chỉ huy Lê Đắc Ninh làm tay ứng viện ở trong nội thành. Lúc Nghi Dân cất lẻn vào trong cung thành, gặp Đắc Ninh đương phiên chầu chực, Ninh đem cấm binh giúp Nghi Dân làm việc bạo nghịch, nên Nhân Tông và Thái hậu đều bị hại. Lúc ấy nội quan Thị hậu phó chưởng là Đào biểu tử tiết theo vua1909 sau gia sản của Biểu bị tịch thu sung công. Khi nhà vua đã lên ngôi, truy tặng Đào Biểu tước một tư1910 và ban cho 5 mẫu tự điền1911 , trả lại điền sản bị tịch thu từ trước cho vợ con, để nêu gương trung nghĩa của Đào Biểu. Một mặt địn tội giúp việc bạn nghịch của Đắc Ninh rồi đem giết đi.
Lời chua - Một tư: Cũng như một bậc. Theo quan chế trong nội điện triều nhà Lê, thì người nào giữ chức Thị hậu chánh chưởng ở cung Thiên Hòa được hàm tùng lục phẩm, trong tờ cáo thụ được phong là mậu lâm tá lang; người nào giữ chức Thị hậu phó chưởng, được hàm chánh thất phẩm, trong tờ cáo thụ được phong là cẩn sự lang. Nay truy tặng cho Đào Biểu tước một tư, tức là chức thị hậu chánh trưởng, hàm tùng lục phẩm, cáo thụ mậu lâm tá lang.
Từ tháng 2 đến tháng 6 không mưa. Ngày Quý Dậu. Truy tôn miếu hiệu Nhân Tông và tôn thụy Hoàng thái hậu. Chiều hôm ấy có mưa.
Từ mùa xuân đến mùa hè không mưa. Sau khi nhà vua đã lên ngôi, cáo phó việc tang Nhân Tông và Thái hậu cho mọi người biết, lại làm lễ phụ tế1912 Nhân Tông ở nhà thái miếu, dâng tôn hiệu là Khâm văn nhân hiếu tuyên minh hoàng đế, miếu hiệu là Nhân Tông; truy dâng tôn thụy Thái hậu họ Nguyễn là Tuyên từ nhân ý chiêu túc hoàng thái hậu. Chiều hôm ấy mới mưa.
Lời chua - Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn thì: Tuyên từ hoàng thái hậu: họ Nguyễn, tên húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, thuộc Thanh Hóa,
được tuyển vào chầu Thái Tông phong là thần phi1913 , sinh ra Nhân Tông, sau khi Thái Tông mất, Nhân Tông tôn làm Hoàng thái hậu, hậu bị hại trong lúc Nghi Dân khởi loạn.
Tôn mẹ là Tiệp Dư1914 họ Ngô làm Hoàng thái hậu.
Thái hậu, họ Ngô, người làng Động Bàng huyện An Định, bố là Ngô Từ, thờ Lê Thái Tổ, vì có công được phong hàm Thái bảo. Trước kia, Thái hậu được tuyển vào hầu Thái Tông, phong làm Tiệp Dư1915 , sinh nhà vua ở cung Khánh Phương. Sau khi nhà vua đã lên ngôi, tôn làm Hoàng thái hậu.
Lời chua - An Định: Tên huyện, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 7, mùa thu. Nhà vua ra sắc lệnh: Từ nay, những việc trong cung cấm không ai được tiết lộ ra bên ngoài.
Nhà vua răn sợ về việc khởi loạn đời Diên Ninh1916 , bèn ra sắc lệnh cho bọn quan chức trong Nội mật và người trong cung: phàm có chiếu chỉ của vua và các việc trong cung không được tiết lộ trước cho những thân thích hoặc người ngoài biết.
Nhà vua lại ra sắc lệnh cho những người bói rùa, bói cỏ thi, người theo đạo Lão, đạo Thích không được giao thiệp với người trong cung cấm.
Ra sắc lệnh cho các quân hiệu giảng tập về quân sự.
Nhà vua ra sắc dụ cho các viên Tổng quản ở các vệ quân 5 đạo và ở phủ, ở trấn: Phàm đã có quốc gia, tất phải có quân sự để phòng bị. Vậy từ nay các viên Tổng quản phải dựa theo trận đồ, nghiêm ngặt đốc sức các đội ngũ luyện tập, để quân sĩ học tập được thành thuộc, không được quên phòng bị về mặt quân sự.
Lời chua - Vệ quân năm đạo: Ở vệ đặt chức Tổng quản. Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5).
Tháng 8. Hạ chiếu: Đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ húy của Cung từ hoàng thái hậu.
Nhà vua lấy cớ rằng: Cung từ hoàng thái hậu họ Phạm, tên húy là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi nào có họ "Trần" đổi chép làm chữ "Trình".
Lời chua - Cung từ hoàng thái hậu: Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, hậu, tên húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai1917 huyện Lôi Dương là vợ Lê Thái Tổ và là mẹ đẻ của Lê Thái Tông. Lúc Thái Tổ khởi nghĩa, hậu bị mất trước. Đến lúc Thái Tổ mất, Thái Tông nối ngôi vua, truy tôn hậu làm Cung từ quang hoàng thái hậu.
Hạ chiếu cho quân và dân nộp thóc, sẽ trao cho quan tước.
Phàm quân và dân, người nào tình nguyện nộp thóc, sẽ tùy theo số thóc nộp nhiều hay ít trao cho quan tước: người nộp 200 hộc thóc sẽ ban cho hàm chánh thất phẩm, chức tản quan1918 ; nộp 150 hộc sẽ ban cho hàm tòng thất phẩm, chức tản quan; nộp 100 hộc sẽ ban cho hàm tòng bát phẩm, chức tản quan; con trai các viên tản quan này đều được miễn tuyển làm lính; người nào nộp 70 hộc sẽ ban cho hàm tòng cửu phẩm, chức tản quan, viên quan này chỉ có bản thân mình được miễn dao đài tạp dịch.
Tháng 10, mùa đông. Định thứ tự trên dưới những bầy tôi có công: tiến phong1919 Á quận hầu Lê Xí tước Quỳ quận công, Lê Liệt tước Lân quận công, Đình thượng hầu Lê Niệm tước Kỳ quận công, còn bọn Lê Lăng đều tùy theo công trạng lớn nhỏ được phong tước cao thấp khác nhau.
Nhà vua mới lên ngôi; bổ dụng Lê Xí, Lê Liệt làm Nhập nội Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, phong tước Á quận hầu; Lê Niệm làm Nhập nội Tư mã, phong tước Đình thượng hầu. Đến nay lại sai bọi Lê Xí, Lê Liệt xét những bầy tôi có công đánh giết đảng phản nghịch kê riêng từng loại công lao theo thứ tự trên dưới tâu lên nhà vua.
Theo thứ tự thì, Lê Thân Nhuận là người đầu tiên cùng các đại thần xướng suất việc nghĩa, lại chém ngay tên phản nghịch Trần Lăng trước tiên, nên công được đứng hàng thứ nhất, rồi đến Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Yên, Lê Vĩnh Trường, Lê Bô và Lê Giải đứng hàng thứ nhì; bọn Lê Bảo, Lê Quyết Trung, Lê Nhân Quý và Lê Lật 49 người đều có tham dự bàn định mưu kế đứng hàng thứ ba. Ngoài ra, còn bọn Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngôn, Lê Sư Lộ 6 người đều được sắp xếp thứ tự theo công lao của từng người.
Tiến phong Lê Xí tước Quỳ quận công, Lê Liệt tước Lân quận công, Lê Niệm làm Thái phó, tước Kỳ quận công, Lê Lăng làm Thái bảo, Lê Thọ Vực làm Tả đô đốc và Lê Khang làm Văn Chấn hầu.
Lời chua - Lê Thọ Vực: Theo tập Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo, thì Lê Thọ Vực người làng Thái đường, huyện Vĩnh Lộc1920 là con của Thái bảo Lê Sao.
Lê Lỗi: Theo lời chua của Sử cũ , thì Lê Lỗi là con của Lê Nhữ Lãm.
Quan chế triều Lê, bầy tôi có công được liệt vào hạng phong tước là quốc công hoặc quận công, thì dùng chữ tên của một phủ hoặc một huyện để làm hiệu phong tước: Quỳ quận công tức phủ Quỳ Châu; Lân quận công tức phủ Trà Lân; Kỳ quận công tức huyện Kỳ Sơn.
Hạ lệnh: viên quan nào không có con, chuẩn y cho một người con thừa kế được thừa ấm.
Phàm quan viên trong kinh sư, ngoài các đạo, theo thể lệ con được ấm sung, mà viên quan ấy không có con trai, thì được phép nuôi một người con của thân thích trong họ mình làm thừa kế để tập ấm.
Lời chua - Ấm sung: Theo Thiên nam dư hạ tập của Lê Hồng Đức1921 thì thể lệ ấm tử của các quan viên như thế này:
- Con trưởng và các con thứ của quan văn quan võ hàm nhất nhị phẩm;
- Con trưởng của viên quan hàm tam phẩm: nếu người con trưởng ấy, là người không biết chữ thì sung vào ngạch tuấn sĩ vệ cẩm y, nếu là người thông hiểu nghĩa sách, thì khảo haạch, rồi cho sung vào ngạch nho sinh quán Sùng văn:
- Các con thứ của viên quan hàm tam phẩm và con trưởng của các viên quan hàm tứ, ngũ, lục, thất và bát phẩm: những người này, nếu người nào không thông hiểu nghĩa sách, thì lựa chọn để bổ sung vào vệ Vũ Lâm; nếu người nào thông hiểu nghĩa sách thì cho sung vào ngạch nho sinh cục Tú Lâm; người nào có tài làm lại, thì khảo hạch, rồi cho sung vào ngạch lại điển1922 ở các nha môn trong kinh đô hoặc ngoài các đạo.
Biểu dương người có đức hiếu và đễ là Nguyễn Liêm.
Nguyễn Liêm, người làng Mỗ Xá, phủ Ứng Thiên, nổi tiếng là người hiếu hạnh với cha mẹ, hòa thuận với anh em. Nhà vua ban cho biển ngạch1923 hạ lệnh cho sở tại dựng một cái lầu cao ở ngoài cổng1924 để biểu dương cho mọi người biết và tha dao đài tạp dịch cho bản thân Nguyễn Liêm.
Lời chua - Ứng Thiên: Tên phủ, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 5 (Chính biên II, 18).
Ra sắc lệnh: những người ở ven biên giới không được giao thông với người nước ngoài.
Nhà vua chú ý về việc phòng bị ngoài biên giới, nên ra sắc lệnh cho các lộ, phàm người nào ở biên giới, phải canh giữ cửa ải cẩn thận, không được đi lại giao thiệp với người nước ngoài.
Đem ruộng ban cho cấp bầy tôi có công.
Ban cấp ruộng thế nghiệp cho 30 người bầy tôi có công: Lê Xí và Lê Liệt mỗi người đều được 350 mẫu; Lê Lăng 300 mẫu; Lê Niệm 200 mẫu; Lê Nhân Thuận 150 mẫu; bọn Lê Thọ Vực, Nguyễn Sư Hồi và Lê Nhân Khoái mỗi người đều 130 mẫu. Còn từ Trịnh Văn Sái trở xuống 22 người đều được cấp ruộng nhiều ít khác nhau.
Lời chua - Nguyễn Sư Hồi: Con của Lê Xí, Sư Hồi cũng được dự vào hạng có công trong lúc trung hưng1925 , được phong chức Tả đô đốc, nhưng chưa được ban cho quốc tính1926 .
Hạ lệnh cho bọn Lê Xí kê khai chi tiết những bầy tôi có công, người nào đáng được hoặc không đáng được ban cho quốc tính cùng con những người ấy có người nào chưa được cất nhắc, rồi tâu bày.
Nhà vua ra sắc lệnh cho các tể thần1927 là bọn Lê Xí kê khai chi tiết những bầy tôi có công cả người hãy còn sống lẫn người đã mất, người nào đáng được hoặc không đáng được ban cho quốc tính, cùng con những người ấy có ai chưa được cất nhắc, tâu bày lên để vua hiểu rõ. Nhân đấy Lê Xí xin cho bọn Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí và Lê Ngang được đối xử theo như thể lệ bầy tôi có công đã bị mất. Nhà vua nói: "Khoảng niên hiệu Diên Ninh1928 , Đỗ Bí và Lê Ê giữ chức vụ quan trọng, cầm cân trong nước; Lê Ngang và Lê Thụ trong tay thống lĩnh quân cấm lữ, đáng lẽ ngay lúc Nghi Dân khởi loạn, các viên ấy phải tiễu trừ bọn loạn tặc, biến nguy cơ thành trị an, mới là phải. Thế mà các viên ấy chỉ tráo mắt ngồi nhìn, không có mưu kế gì cả, để cho con cá dữ được lọt khỏi lưới; đến khi mưu tính việc khởi nghĩa lại không cẩn mật rồi bị giết chết, như thế là trong tội lỗi lại thêm một tầng tội lỗi nữa. Các viên ấy so bì thế nào được với người bầy tôi có công?".
Lời chua - Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thì lúc Nghi Dân cướp ngôi vua, các tể phụ đại thần1929 là bọn Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang và Lê Thụ bàn mưu giết Nghi Dân, vì việc tiết lộ, nên bọn này đều bị hại.
Định thể lệ xét đoán kiện tụng.
Các quan giữ việc hình ngục xét hỏi kiện tụng: việc kiện nào đã quyết đoán xong thì phải tâu trình, mỗi tháng ba lần. Thể lệ này sẽ thi hành vĩnh viễn.
Nhà vua lại ra sắc lệnh từ nay những việc sau này nhất thiết nghiêm cấm: một là việc nào quan trên đã quyết đoán xong mà người đương sự lại còn khiếu tố một cách khiên cưỡng; hai là hai bên kiện nhau tranh ruộng đất, mà một bên thấy mình đuối lý rồi tự tiện đem ruộng đất tương tranh ấy bán chạy cho người thế gia.
Tháng 12. Hạ lệnh cho bọn Lê Liệt đi đánh Bồn Man.
Thị tộc Lư Cầm1930 làm tù trưởng ở Bồn Man, chiếm cứ núi rừng khe động, không dâng lễ cống theo chức phận. Nhà vua hạ lệnh cho Thái phó Lê Liệt làm đốc tướng, Thái phó Lê Lựu và Thái bảo Lê Lăng làm phó đốc tướng, thống lĩnh các đạo quân chia đường đi đánh Bồn Man.
Lời chua - Bồn Man: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chính biên XVIII, 8).
Tuyển lính.
Theo chế độ cũ, về việc lựa chọn quân ngũ, thì: con của các quan văn, quan võ từ hàm lục phẩm trở lên cùng giám sinh ở Quốc tử giám đều được miễn, ngoài ra, con các viên quan từ hàm thất phẩm trở xuống, cùng các sắc1931 quân và dân, người nào có từ 3 con trai trở lên, chỉ miễn cho một người, còn đều tuyển lấy sung vào quân ngũ. Đến nay nhà vua hạ lệnh việc tuyển đinh tráng để bổ sung quân ngũ vẫn theo như chế độ cũ.
Lời chua - Chế độ cũ: Xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ nhất (Chính biên XVI, 5).
Làm sổ hộ.
Lê định cứ 6 năm một kỳ làm sổ hộ, các quan phủ, huyện và châu phái người dẫn xã quan vào kinh sư, xã quan đều đem tên và số về hộ khẩu của xã mình đăng ký vào sổ mới theo đúng sự thực.
Bổ dụng Nguyễn Như Đổ làm Lại bộ thượng thư.
Nguyễn Như Đổ thấy Đỗ Bất Một tuổi đã già, xin cho được thôi việc quan. Nhà vua nói: "Trước kia, nhà ngươi nhận lời thỉnh thác, xin bổ Bất Một làm Tổng tri vệ Bắc Bình, lúc ấy trong triều đã xôn xao bàn tán; bây giờ nhà ngươi lại xin cho Bất Một được lấy chức Tổng binh để thôi việc. Nhà ngươi thật là người gian dối quá độ từ nay phải cẩn thận răn chừa mới được".
Nhà vua lại bảo Nguyễn Như Đổ rằng: "Trong triều đình, nếu quân tử được tiến dụng, là gốc rễ tiến lên đời thịnh trị, nếu tiểu nhân tiến dụng, là đường ngõ bước vào đời loạn lạc, trẫm cùng các khanh phải khuyến miễn nhau luôn luôn, để mong đưa nước nhà đến đời thịnh trị".
Nhà vua dụ bảo quần thần rằng: "Bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ và Phạm Du đều là phường a dua nịnh hót, cốt sao làm đẹp lòng người ta, đến khi bàn luận công việc triều đình thì chúng khóa miệng thin thít chẳng nói câu gì; chỉ có bọn Nguyễn Mậu, Trần Thốc và Nguyễn Thiện là những người trung thành với vua và yêu nước, gặp việc gì họ cũng nói hết lời. Hôm trước đây, Nguyễn Mậu nói việc không được đúng sự thật, mà trẫm không buộc vào pháp luật, là có ý để báo đáp lại Nguyễn Mậu hay tâu bày những lời phải trái".
Nhà vua lại dụ bảo Nguyễn Mậu rằng: "Nhà ngươi luôn luôn hết lòng với nước, việc gì tốt thì nói là công của vua, tuy nhà ngươi không theo kịp được họ Phòng, họ Đỗ1932 , nhưng xử trí việc khó khăn, trấn trị nơi bận rộn như Đái Trụ1933 , tâu bày tường tận như Nghiện Bác1934 , thì nhà ngươi so với hai người kia cũng không hổ thẹn gì. Vậy ban cho bạc lạng để khen thưởng khuyến miễn. Nhà ngươi càng phải mài giũa đức tính hơn nữa, làm thế nào kỳ vọng cho ta tiến lên đời thịnh trị. Đối với trẫm nếu có điều gì lầm lỗi, nhà ngươi cứ nói thẳng, không nên giấu giếm".
Lời chua - Nguyễn Như Đổ: Người làng Đại Lan, huyện Thanh Đàm1935 , đỗ tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh1936 khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo1937 .
Nguyễn Mậu: Người làng Bích Du, huyện Thụy Anh1938 đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1447) niên hiệu Thái Hòa1939 .
Tân Tỵ, năm thứ 2 (1461). (Minh, năm Thiên Thuận thứ 5).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du đến Tây Kinh bái yết sơn lăng.
Lời chua - Tây Kinh: Tức Lam Kinh. Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên XV, 31, 33).
Tháng 3. Sét đánh vào cửa Thừa Thiên.
Vì có tai dị sét đánh, nhà vua mặc đồ thường phục thân dẫn bầy tôi đến điện Thừa Thiên, lạy tạ trời đã ra oai quở trách.
Lời chua - Cửa Thừa Thiên: Xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (Chính biên XVII, 12).
Hạ lệnh cho các quan phủ huyện khuyên bảo đốc giục nhân dân làm ruộng và trồng dâu.
Nhà vua ra sắc lệnh cho các quan ở phủ, huyện và ở xã khuyên bảo đốc giục quân và dân đều phải siêng năng về nghề nghiệp mưu sinh, để đủ ăn đủ mặc, không được bỏ việc gốc1940 theo việc ngọn1941 , không được mượn cớ là làm công nghệ để chây lười. Những người có nghề nghiệp làm ruộng, nếu không siêng năng cày cấy trồng trọt sẽ phải tội.
Tháng 7, mùa thu. Động đất.
Cấm dựng chùa quán mới.
Lúc ấy, dân gian tôn sùng đạo Phật, phần nhiều dựng chùa quán để cầu mong công đức một cách càn dỡ. Nhà vua ra sắc lệnh phàm các chùa quán, chỗ nào không có ngạch cũ, thì không thiện tiện dựng mới.
Tháng 11, mùa đông. Đại xá cho trong nước.
Vì cớ mới sinh được Hoàng trưởng tử Tranh.
Tháng 12. Ban phát "Huấn dân đại cáo"1942 .
Ban phát "Huấn dân đại cáo" cho cả nước, từ phủ đến châu, huyện, mỗi nơi một bản.
Lời chua - Huấn dân đại cáo: Nay không thể khảo cứu được.
Bổ dụng Lê Lộng làm Đô đốc Bình chương quân quốc trọng sự.
Lời cẩn án - Quan chế hồi đầu triều Lê: Chức Đô đốc đứng đầu về võ ban; Bình chương quốc quân trọng sự là chức của tể tướng. Hai chức này đều bổ dụng hàng đại thần văn võ sung vào. Nay Lê Lộng làm Đô đốc Bình chương quân quốc trọng sự, có lẽ là lấy danh nghĩa đứng đầu võ ban mà kiêm giữ chức tể tướng. Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (1462). (Minh, năm Thiên Thuận thứ 6). Tháng giêng, mùa xuân. Tế Giao.
Từ năm nay trở đi, cứ đến đầu mùa xuân làm lễ tế Giao. Việc này hàng năm sẽ cử hành theo lệ thường.
Nhà vua dụ bảo Ngự sử Ngô Sĩ Liên và Khiên Nhân Thọ rằng: Trẫm mới lên ngôi vua giữ chính quyền, đầu mùa xuân tế Giao là noi theo điển lễ cũ của tiên tổ, mà các khanh lại cho là không phải, thế là các khanh coi nước ta cũng như các nước phiên thần đời cổ. Vả lại, trong lúc Lệ Đức hầu1943 cướp ngôi, Sĩ Liên có nhiệm vụ chấn chỉnh phong hóa và phép tắc trong nước, Nhân Thọ có nhiệm vụ tham tán mưu kế ở nơi màn trướng của vua, nói về phần tín nhiệm và đãi ngộ kể cũng đã hậu. Nay Lệ Đức hầu mất nước, các ngươi không biết chết theo với người đã cho mình ăn lộc ngày trước. Các ngươi thật là bầy tôi gian tà bán nước".
Lời chua - Theo Lê triều hội điển thì lễ tế Giao hồi đầu triều Lê như thế này:
Đắp đàn ở phía nam kinh thành: đàn chính giữa chiều dài 15 thước, chiều cao 5 tấc, đàn này tế chung cả trời đất; hai đàn bên tả và bên hữu, mỗi đàn chiều dài 16 thước, chiều cao 3 tấc, hai đàn này chia ra tế các vì sao và thần núi, sông. Bốn xung quanh đàn trồng cây, mặt trước đàn mở ba cửa.
Ngô Sĩ Liên: Người làng Chúc Sơn, huyện Chương Đức1944 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo1945 .
Tháng 2. Cho phép trong nước được hội họp uống rượu.
Tháng 3. Nguyễn Sư Hồi có tội, được nhà vua tha cho, không bắt trừng trị.
Sư Hồi cùng bọn Lê Niệm, Trịnh Văn Sái, Lê Thọ Vực và Nguyễn Lỗi không hòa hợp với nhau. Muốn hãm hại bọn Lê Niệm, Sư Hồi tự làm bài thơ nặc danh vu khống cho bọn này chực làm nghiêng đổ nguy hại đến xã tắc. Bài thơ ấy chưa kịp truyền bá ra ngoài thì bị phát giác, mọi người đều xin bắt tội Sư Hồi. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: "Sư Hồi có công trong lúc trung hưng1946 , cha hắn là Xí lại có công lao lớn đối với nước1947 , nên tha tội chết cho hắn". Nhà vua lại dụ bảo bọn Lê Thọ Vực rằng: "Bài thơ yêu quái ấy chưa chắc đã phải Sư Hồi soạn ra, các khanh không nên vin vào việc ấy mà hằn thù lẫn nhau". Bọn Thọ Vực đều dập đầu lạy tạ.
Dương Quốc Minh tâu với nhà vua rằng: "Sư Hồi cùng cha hắn là Xí nhận của đút lót của người ta 80 lạng bạc". Nhà vua sai viên Tư lễ giám Nguyễn Áng đem tờ sắc đến quở trách Sư Hồi để lấy lại số bạc đã ăn đút lót ngày trước và răn bảo rằng: "Nhà người có lỗi chớ ngại đổi, may ra sẽ không có sự ăn năn sau này". Ngay lúc ấy lại nhận được lá thư nặc danh nói Sư Hồi sắp làm việc phản quốc. Nhà vua dụ bảo Sư Hồi rằng: "Trẫm ngự ngôi báu đến nay đã bốn năm, cha con ngươi trong một nhà được ban ân thụy khuê1948 , ấn thụ1949 hết lần này đến lần khác, vinh hiển sung sướng như thế, không một người bầy tôi nào sánh kịp. Nay trẫm đang đặt tín nhiệm vào nhà ngươi, dầu có lá thư này, lòng tín nhiệm của trẫm cũng không kém trước; nhưng sau khi nhận được lá thư này, về phần nhà ngươi, chẳng lại cần phải giữ cái đạo phòng thân một cách sâu sắc hơn nữa hay sao?".
Tháng 4, mùa hạ. Định phép thi hương.
Học trò trong nước, không kể các hạng quân hoặc dân, người nào xin thi, đều cho phép viên quan bản quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực có đạo đức, hạnh kiểm, mới cho ứng thi. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và xui nguyên giục bị đều không được dự thi; người làm nghề chèo hát và người đã từng can tội vào bè đảng và bọn phản nghịch làm quan ở triều đình cướp nước, mà có tai tiếng là người gian ác, thì bản thân những người ấy và con cháu đều không được dự thi.
Những người được dự thi, thì trên mặt quyển thi phải đề đủ họ, tên, căn cước, niên canh, quán chỉ của bản thân và của cha mẹ mình, lại phải kê rõ mình chuyên trị về kinh sách nào1950 .
Phép thi: Trước hết có một kỳ ám tả, để loại bỏ bớt những người học kém. Còn những người không bị loại thì phải thi bốn kỳ: kỳ đệ nhất, thi năm bài kinh nghĩa và truyện nghĩa; kỳ đệ nhị, thi bài chiếu, bài chế và bài biểu; kỳ đệ tam, thi thơ, phú; bài thơ dùng luận Đường, bài thơ dùng cổ thể, hoặc thể ly tao, thể văn tuyển; kỳ đệ tứ, thi một bài văn sách, đầu bài hỏi về sách Kinh, sách Sử và thời sự.
Thời gian thi: Tháng tám năm nay học trò vào thi, người nào được trúng tuyển sẽ được kê vào danh sách trình lên bộ Lễ, đến trung tuần tháng giêng năm sau những người ấy sẽ được vào thi hội.
Hạ chiếu trưng cầu lời nói trung thực.
Lúc ấy nhân có mưa đá và gió sấm, nhà vua hạ chiếu trưng cầu lời nói thẳng. Môn hạ sảnh hữu ty lang trung là Hoàng Thanh dâng thư tâu bày bảy việc:
1. Thuận theo lẽ âm dương để đón lấy khí hòa của trời đất.
2. Thân ra giảng sách ở Kinh Diên để tôn sùng đạo học chính thống.
3. Chú trọng việc lập ngôi trừ tự1951 để gốc rễ của nước được vững bền.
4. Tiết kiệm dùng tiền tài để việc kinh phí được đầy đủ.
5. Thận trọng chọn người làm thú tể1952 để trao cho trách nhiệm chăn nuôi nhân dân.
6. Thời thường luyện tập quân ngũ, để việc võ bị được nghiêm chỉnh.
7. Đặt sở đồn điền, để thức ăn tích trữ ở biên giới được dồi dào.
Trong bảy điều này, được nhà vua nhận lời sẽ lựa chọn lấy những điều cần thiết.
Lời chua - Hoàng Thanh: Người làng Lương Xá, huyện Chương Đức1948 , đỗ khoa hoành từ năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời Lê Thái Tổ.
Môn hạ hữu ty lang trung: Xem quan chế chép ở năm Quang Thuận thứ 6 (Chính biên XIX, 32).
Tháng 8, mùa thu. Giết Thái úy là Lê Lăng.
Sau khi cùng các đại thần giết được bè đảng bọn nghịch, Lăng bàn nên lập Cung vương Khắc Xương, nhưng vì Lê Xí không đồng ý mới đón lập nhà vua. Nhà vua nghe biết việc này, có ý không bằng lòng. Đến khi lên ngôi, Lăng lấy tư cách là công thần giúp việc chính trị, nhưng Lăng cương cường bộc trực làm cho nhà vua phải nể ngại, thường sai Nguyễn Lỗi đem bạc lạng đến cho và dụ bảo rằng: "Nhà ngươi phải cẩn thận, trước thế nào sau thế ấy, một mực thanh khiết công bằng, tính khí nhà người cương trực quá, bên ngoài làm ra nghiêm nghị mà trong bụng thì nhu ác, người nào có điều không vừa ý mình, thì đẩy xuống tận đất đen, người nào không trái ý mình thì âu yếm ẵm lên trên đùi, chả phải vì thế mà nghị luận bên ngoài lấy làm chưa thỏa mãn đó sao? Nhà ngươi nên răn chừa mới được".
Lê Lăng được tiến dần lên đến chức Thái úy. Nay có người tố cáo là Lăng ngấm ngầm mưu toan làm việc trái phép; nhà vua giận, sai giết đi, tịch thu nhà cửa và đem tội trạng của Lăng bá cáo cho trong kinh thành, ngoài các đạo được biết. Người ta đều cho là Lăng bị giết oan.
Lời phê - Vua Thánh Tông còn như thế, có lẽ vì đạo đức chưa được tinh thuần chăng? Thế mà cứ sính văn chương, thích biện bác, thì có làm gì? Lời cẩn án - Lê Lăng không đáng tội phải chết. Sử cũ chép lầm là "Lê Lăng ngấm ngầm mưu toan làm việc trái phép". Nay tham khảo tiểu truyện Lê Lăng chép ở Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, cải chính lại. Định thể lệ về tuổi trí sĩ1954 cho các quan văn quan võ.
Các quan văn quan võ, người nào 65 tuổi muốn xin trí sĩ1955 ; những giám sinh, nho sinh, sinh đồ được bổ sung làm lại điển ở các nha môn, nay đã quá 60 tuổi muốn về hưu dưỡng, đều phải do bộ Lại tâu bày rõ ràng đầy đủ.
Lời chua - Giám sinh: Người nào thi hương bốn kỳ, đều trúng tuyển, được sung vào học tại Quốc tử giám, gọi là giám sinh.
Nho sinh: Con cháu quan viên được sung vào học ở Chiêu văn quán hoặc Tú lâm cục, gọi là nho sinh.
Sinh đồ: Người nào thi hương trúng được ba kỳ gọi là sinh đồ. Hồi đầu triều Lê, lại điển ở các nha môn, phần nhiều bổ dụng giám sinh, nho sinh hoặc sinh đồ.
Định thể lệ về việc các quan dâng tờ đề bản và tấu bản.
Phàm tờ đề bản hoặc tấu bản của các quan trong kinh đô, ngoài các đạo, thì chính viên quan phải thân thủ tự mình ký tên, không được mượn lại điển viết thay.
Nhà vua ra sắc lệnh định thể lệ về đề bản và tấu bản:
1) Phàm các nha tâu việc, những bản giấy tâu về việc tuân theo chỉ dụ thi hành, gọi là đề bản;
2) Tất cả các việc công và tư do quan lại hoặc bách tính tâu bày, gọi là tấu bản.
Trung thư sảnh bí thư giám học sĩ Lương Như Hộc tâu rằng: "Các bản chương tấu của các nha môn, nếu gặp lúc viên quan chính thức hiện khuyết hoặc công xuất, thì viên quan tá nhị thừa lệnh giữ ấn tín được phép ký tên ở dưới chỗ đề năm tháng". Nhà vua theo lời tâu này.
Lời chua - Trung thư sảnh: Theo mục "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, quan chế hồi đầu triều Lê, ở Trung thư sảnh có chức Bí thư giám học sĩ.
Tháng 12, mùa đông. Sai sứ thần sang nhà Minh.
Trước đây, nhà vua sai bọn Đinh Lan, Nguyễn Phục và Nguyễn Đức Do sang nhà Minh báo cáo về việc Nhân Tông mất; bọn Nguyễn Nhật Thăng, Phan Duy Trinh và Nguyễn Tự sang xin phong tước. Nhà Minh sai Lưu Trật, hành nhân trong ty Hành nhân, sang dụ bảo việc tế Nhân Tông; bọn Tiền Phổ, Hàn lâm viện thị độc học sĩ, và Vương Dự, Lễ khoa cấp sự trung, đem sách mệnh tuyên phong nhà vua làm An Nam quốc vương. Đến nay, nhà vua sai các sứ thần sang Minh: Lê Công Lộ tạ ơn về việc dụ tế; Trần Bàn tâu bày công việc, Bùi Hựu tạ ơn việc sách phong; lại sai bọn Lê Văn Hiển, Hoàng Văn Ngọ và Tạ Tử Điên sung vào việc cống nạp hàng năm và xin nhà Minh ban cho mũ áo.
Lời chua - Nguyễn Phục: Người làng Đoàn Lâm, huyện Trường Tân.
Lê Công Lộ: Người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh1956 . Lộ là con thái úy Lê Khả, nguyên gốc là họ Trịnh, được ban cho quốc tính là họ Lê.
Trần Bàn: Người làng Từ Sơn, huyện Quế Dương1957 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) năm Đại Bảo đời Lê Thái Tông.
Bùi Hựu: Người làng Lam Điền, huyện Chương Đức1958 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) năm Đại Bảo đời Lê Thái Tông.
Tạ Tử Điên: Người làng Ỷ La, huyện Từ Liêm1959 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448) năm Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.
Lập con là Tranh làm Thái tử, hạ chiếu đại xá.
Bổ dụng Lê Xí làm Nhập nội Hữu tướng quốc.
Lời chua - Hữu tướng quốc: Theo mục "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, quan chế hồi đầu triều nhà Lê, Tả Hữu tướng quốc là chức Tể tướng, bổ dụng các quan văn võ đại thần.
Quý Mùi, năm thứ 4 (1463). (Minh, năm Thiên Thuận thứ 7).
Tháng giêng, mùa xuân. Miễn việc hội họp điểm duyệt cho các quân.
Theo quy chế cũ, hằng năm cứ đầu mùa xuân, các quân ở năm đạo đều hội họp ở kinh sư để kiểm điểm tập dượt. Đến nay được miễn, vì năm trước có chiếu chỉ đại xá.
Lời chua - Năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5).
Tháng 2. Bắt đầu định ba năm thi đại tị một lần.
Theo quy chế cũ, cứ 5 năm hoặc 6 năm một lần thi hội, chưa có thời gian nhất định; đến nay nghị định dùng những năm sửu, thìn và tuất, cứ ba năm thi đại tị một lần.
Biểu dương nhà người đàn bà trinh tiết là Nguyễn Thị1960 .
Nguyễn Thị người làng Đại hữu lệ, huyện Thanh Đàm, có tiếng là trinh tiết; nhà vua ban cho biển ngạch treo ở nhà để biểu dương trinh tiết của Nguyễn Thị, lại miễn dao dịch cho một người con hoặc cháu để hầu hạ phụng dưỡng.
Lời chua - Thanh Đàm: Tức Long Đàm, xem Trần Thái Tông năm Thiên ứng chính bình thứ 14 (Chính biên VI, 26).
Tháng 3. Môn hạ hữu ty lang trung Hoàng Thanh mất.
Thanh, tên tự là Trực Khanh, đỗ khoa hoành từ năm Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ. Lúc bắt đầu Thanh được sung vào Ngự tiền học sinh, sau thờ Lê Thái Tông, được thăng dần đến Hàn lâm viện thị độc; năm Quang Thuận thứ 3 (1462), được cất nhắc lên chức Môn hạ hữu ty lang trung, dâng tờ sớ tâu bày bảy việc1961 , nhà vua ngợi khen và thu nhận. Đến nay mất, hưởng thọ 53 tuổi.
Hoàng Thanh là người quang minh, tiết tháo, tinh thuần, ngay thẳng. Sĩ phu đều suy tôn. Lương Như Hộc có làm bài tán đề di tượng1962 Hoàng Thanh rằng: "Nói về đạo lý, thì uẩn súc bên trong được đầy đủ, thi thố ra ngoài được chu đáo; nói về bổn phận, thì làm con giữ hết đạo hiếu, làm tôi giữ hết đạo trung, từng trải thờ bốn triều vua, tiết tháo một lòng, trước sau không bao giờ thay đổi".
Lời chua - Môn hạ sảnh: Xem năm Quang Thuận thứ 6 (Chính biên XIX, 32).
Tháng 4, mùa hạ. Định cấm lệnh ở trong hoàng thành.
Phàm người nào giả mạo quân sắc mang kiếm đội mũ để vào trong hoàng thành đều phải luận vào tử hình.
Tháng 7, mùa thu. Đại hạn, nhà vua lánh đến ở cung điện nhỏ, bớt thức ăn, triệt bỏ âm nhạc.
Động đất.
Nhà vua dụ bảo bầy tôi trong triều rằng: "Trước đây, trời làm hạn hán lâu ngày, Nguyễn Phục khuyên trẫm nên tĩnh tâm để xem xét tai biến, sau giữ gìn được, không xảy ra sự gì. Tuy thế, những bậc thánh nhân xem hiện tượng trên không để suy xét sự biến thiên của thời tiết; xem văn hóa của dân gian để thay đổi phong tục cho thiên hạ, chứ có thể nào nhân lúc trong nước không có việc gì đáng lo ngại mà nhãng quên việc răn sợ được hay sao?".
Giáp Thân, năm thứ 5 (1464). (Minh, năm Thiên Thuận thứ 8). Tháng giêng, mùa xuân. Định lễ phẩm tế thần cô hồn.
Phàm quỷ thần nào không có chủ cúng tế, đều được tế cả, chia ra ba bậc là thượng, trung, hạ, lễ phẩm đều dựa theo lễ phẩm tế bách thần. Hàng năm, nhà vua sai quan phủ đến kính tế. Lễ này ghi làm điều lệ nhất định.
Tháng 2. Nhà vua đi tuần du đến Tây Kinh.
Tháng 7, mùa thu. Truy tặng Lê Trãi tước Tán trù bá và bổ dụng người con của Nguyễn Trãi.
Trước kia, Nguyễn Trãi bị tru di cả họ, lúc ấy người vợ thiếp của ông là Phạm Thị đương có mang, trốn đi Bồn Man, sinh con là Anh Vũ. Lớn lên, Anh Vũ thi đỗ hương cống. Đến nay, nhà vua thương Nguyễn Trãi phải tội oan, truy tặng tước Tán trù bá, cấp trả lại một trăm mẫu tự điền, hạ chiếu lục dụng người con, bổ Anh Vũ chức Đồng tri châu.
Lời chua - Bồn Man: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chính biên XVIII, 8).
Nguyễn Đình Mỹ, Thượng thư bộ Binh1963 , vì phạm tội, biếm chức làm Tả thị lang bộ Binh1964 .
Lúc bấy giờ Đình Mỹ làm Thượng thư bộ Binh, Thiêm đô ngự sử Nguyễn Thiện hặc tâu: "Đình Mỹ là người siểm nịnh không thể giao phó cho giữ công việc xu mật được". Nhà vua dụ bảo Đình Mỹ rằng: "Dùng đồ thì cần đồ mới, dùng người thì nên tìm người cũ. Nho thần kỳ cựu như bọn nhà ngươi bây giờ không có mấy người. Nay nhà ngươi phạm tội đáng phải bãi chức, nhưng trẫm yêu tài nhà người nên chỉ biếm chức thôi. Này, pháp lệnh là của chung của nhà nước, trẫm cùng các khanh đều phải theo cả. Nhà người phải nghĩ cho kỹ mới được!
Nhà vua lại dụ bảo Nguyễn Thiện rằng: "Khoảng năm Thái Hòa (1443-1453) và Diên Ninh (1454- 1459)1965 trên từ tể tướng, dưới thì trăm quan, thi nhau tranh giành tư lợi, ăn của đút và đưa đón một cách công khai. Nhà ngươi thấy thế, bảo Nguyễn Đình Mỹ là tiểu nhân không thể tin dùng được, nhưng từ khi trẫm lên ngôi báu đến nay đã 5 năm, Đình Mỹ đem hết tâm lực lui tới nhanh nhẹn, phục dịch siêng năng, xét ra Đình Mỹ trước thì siểm nịnh, sau thì tốt lành, như thế thì có hại gì đâu? Trước kia Lệ Đức hầu1966 yêu chuộng những thứ kỳ dị, lúc ấy Nguyễn Như Đổ và Trần Phong nhân có việc sang Trung Quốc, mua chuộc ngàn kế, khép mở trăm chiều, thì có ai tin được không?".
Lời chua - Nguyễn Thiện: Người Hương Quất, huyện Tứ Kỳ1967 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.
Tháng 11, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.
Trước đây, nhà Minh sai Thượng bảo tự khanh là Tô Lăng Tín sung chức chánh sứ và viên hành nhân trong Hành nhân ti là Thiệu Chấn sang nước ta báo cáo việc Hiến Tông (nhà Minh) lên ngôi vua và ban cho sắc dụ cùng mũ, áo, lụa hoa. Đến nay nhà vua sai sứ thần sang nhà Minh:
- Phạm Bá Khuê giữ việc dâng hương;
- Lê Hữu Trực, Dương Hải và Phạm Khánh Dung giữ việc mừng Hiến Tông lên ngôi vua;
- Lê Vinh, Phạm Cư và Trần Văn Chân giữ việc tạ ơn vua Minh ban cho lụa hoa.
Lời chua - Phạm Bá Khuê: Người làng Nhân Lý, huyện Thanh Lâm1968 .
Dương Hải: Người làng My Sơn, huyện Thủy Đường1969 . Phạm Bá Khuê và Dương Hải đều đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông.
Phạm Cư: Người làng La Phù, huyện Thượng Phúc1970 đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo đời Lê Thái Tông.
Tháng 12. Hạ chiếu cho các quan giữ việc hình ngục: phàm người nào phạm tội mà tình lý còn đáng ngờ, thì xét tội giảm xuống một bậc.
Hạ chiếu: Những người công thần nào đã được ban cho quốc tính, đến đời con cháu lại giữ nguyên họ cũ của mình.
Nhà vua hạ dụ bảo bầy tôi rằng: "Đức Thái Tổ ta, gội gió tắm mưa để bình định thiên hạ, lúc ấy bầy tôi có công giúp việc sáng nghiệp, cùng chịu sự khó nhọc khổ sở, nghĩa là vua tôi, ân như cha con, hai bề đều đủ; vì cớ ấy nên đặc ân ban cho quốc tính để tỏ lòng quyến ái khác thường. Nhưng nếu con cháu các người, đời nọ truyền đời kia cứ theo quốc tính, e rằng sẽ bỏ mất dòng họ của tổ tiên gốc rễ nhà mình, thì có phần trái với đạo dùng chữ hiếu để dạy thiên hạ. Vậy từ nay người công thần nào đã được ban cho quốc tính, chỉ dùng cho bản thân mình, đến đời con cháu lại đều theo về họ cũ".
Lời phê - Phải lắm1971 . Ất Dậu, năm thứ sáu (1465). (Minh, Hiếu Tông, năm Thành Hóa thứ nhất).
Tháng giêng, mùa xuân. Định thể lệ thăng giáng các viên quan xét hỏi việc hình ngục.
Nhà vua hạ lệnh cho các quan giữ việc kiện tụng bàn định liệt kê các viên đạiphu trong năm viện hình: người nào xét xử kiện tụng, không oan uổng, không quá đáng, thì liệt vào một hạng; người nào bình thường, liệt vào một hạng; người kém cỏi, liệt vào một hạng. Người xét kiện không oan uổng, không quá đáng, sẽ được khen thưởng; người bình thường, được giữ chức như cũ; người kém cỏi, sẽ bổ đi giữ chức Chuyển vận.
Lời chua - Ngũ hình viện: Theo mục "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Thẩm hình, Tường hình, Tả hình, Hữu hình và Tư hình gồm 5 viện, đều đặt chức đại phu.
Định ngày tế Văn miếu ở các lộ.
Văn miếu ở các lộ tế vào hai ngày đinh1972 về mùa xuân, mùa thu chỉ được tế Thập triết1973 . Việc này là theo lời tâu của Nguyễn Đình Mỹ.
Tháng 2. Hạ lệnh cho Tả đô đốc Lê Thọ Vực tuyển duyệt dân đinh.
Nhà vua dụ bảo Thọ Vực rằng: "Nhà ngươi là người bầy tôi hiền có công dẹp loạn, nay trẫm đặc mệnh giữ việc tuyển duyệt dân đinh, nhà ngươi nên hết lòng thành, nén lòng tham, để không phụ lòng trẫm ký thác, đây là trẫm rất trông mong ở nhà ngươi đấy".
Lời cẩn án - Theo mục "Quốc dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì phép tuyển duyệt dân đinh, cứ ba năm làm sổ hộ một lần, gọi là tiêu điển; 6 năm một lần, gọi là đại điển. Nơi sở tại đều đặt trường tuyển duyệt, nhà vua hạ lệnh cho các quan văn võ đại thần mỗi ban một người chịu trách nhiệm đôn đốc về việc này; các viên quan ấy sức bắt các tổng xã chia loại để kê khai chính hộ, khách hộ4. Khi tuyển duyệt, trước hết tra xét hạng chức sắc, bỏ bớt những người mạo nhận cầu may; sau duyệt đến nhân đinh, chia ra 6 hạng là: hạng tráng, hạng quân, hạng dân, hạng lão, hạng cố và hạng cùng. Nhà nào có 3 suất đinh: 1 người sung vào hạng tráng, 1 người sung vào hạng quân và 1 người sung vào hạng dân; nhà có 4 suất đinh: 1 người sung vào hạng tráng, 1 người sung vào hạng quân và 2 người sung vào hạng dân; nhà có 5 suất trở lên: 2 người sung vào hạng tráng, 1 người sung vào hạng quân, còn thì sung vào hạng dân. Lão
nhiêu, đốc tật1974 , phế tật1975 và hạng cố, hạng cùng thì kê thành một loại riêng. Người phiêu lưu và người bỏ làng trốn tránh không rõ tông tích thì để ngoài không kê vào sổ. Dân đinh trưởng thành đến 18 tuổi, kê tên vào sổ, trong số người này trước hết chọn lấy người mạnh khoẻ làm lính, còn thì loại ra làm hạng dân. Người nào lậu tên trong sổ sẽ phải tội sung quân1976 . Lời chua - Tráng hạng: Người sung vào quân ngũ để làm việc gọi là tráng hạng.
Quân hạng: Người ở nhà làm ruộng, khi nào khuyết ngạch lính, thì theo thứ tự để bổ sung, gọi là quân hạng.
Cố hạng: Người nghèo đói túng thiếu, phải đi làm thuê cho người khác, gọi là cố hạng.
Tháng 3. Bắt đầu đặt sáu viện, sắp xếp lại tên quan.
Hồi đầu triều Lê, sắp xếp quan chức, phần nhiều theo như triều Trần khi trước, trên có Tả Hữu tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự, thứ đến bộ Lễ, bộ Lại, viện Nội mật và ba sảnh là Trung thư, Hoàng môn và Môn hạ. Viên chức trong bộ, viện, sảnh chia nhau nắm chính quyền trong nước. Lại đặt chức Hành khiển ở năm đạo, kiêm giữ sổ sách quân và dân ở các đạo ngoài kinh sư. Còn tên quan ở sáu bộ và sáu khoa vẫn chưa đặt đủ. Đến lúc Nghi Dân cướp ngôi vua, mới sắp xếp riêng sáu bộ là: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Công, Hình; lại đặt thêm sáu khoa là: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Đến nay, đổi sáu bộ làm sáu viện, mỗi viện đều đặt chức Thượng thư và Tả Hữu thị lang, đổi Trung thư khoa làm Lại khoa, Hải khoa là Hộ khoa, Đông khoa làm Lễ khoa, Nam khoa làm Binh khoa, Tây khoa làm Hình khoa, Bắc khoa làm Công khoa, đặt chức Đô cấp sự trung; bãi bỏ chưức Hành khiển ở các đạo, đặt ty Tuyên chính sứ, mỗi ty đều đặt chức Tuyên chính sứ.
Lời chua - Sáu viện: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, năm Quang Thuận mới đặt sáu viện. Sách ấy lại chua rằng: Như viện Nghi lễ, viện Ty bình và viện Khâm hình, còn ba viện nữa đều chưa khảo cứu được".
Quan chế hồi đầu triều Lê, đại lược lấy chức Tả Hữu tướng quốc Điểm kiểm Bình chương quân quốc trọng sự làm chức trọng yếu của văn vũ đại thần, thứ nhì đến chức Thượng thư hai bộ Lại và Lễ, liêu thuộc trong hai bộ có chức Lang trung, Viên ngoại lang và Chủ sự.
Viện Nội mật: Đứng đầu là viên Tri viện sự, thứ nhì đến viên Thiêm tri viện sự, Đồng tri viện sự.
Trung thư sảnh: Đứng đầu là viên Trung thư lệnh, thứ nhì đến Thị lang.
Hoàng môn sảnh: Đứng đầu là chức Thị lang.
Liêu thuộc ở Trung thư sảnh và Hoàng môn sảnh đều có các chức Trước tác và Xá nhân.
Môn hạ sảnh: Chia ra tả ty và hữu ty. Đứng đầu là chức Tri ty sự, thứ nhì đến Thị lang, dưới nữa có chức Lang trung và Khởi cư xá nhân.
Hành khiển ở năm đạo: Đều dùng chức quan trong kinh kiêm giữ.
Lê Thánh Tông mới đặt sáu viện: đứng đầu trong một viện là chức Thượng thư, thứ nhì đến Tả Hữu thị lang, dưới nữa có các chức lang trung, viên ngoại lang và tư vụ.
Sáu khoa: Đứng đầu trong một khoa là chức Đô cấp sự trung, thứ nhì đến Cấp sự trung.
Ty Tuyên chính sứ ở năm đạo: Đứng đầu là chức Tuyên chính sứ, thứ nhì đến Tham chính và Tham nghị, dưới nữa có viên Chủ sự. Sở xét hỏi ngục tụng thì viên suy quan là chức thủ lĩnh.
Năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5).
Sửa điện Kính Thiên.
Lời chua - Điện Kính Thiên: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 13).
Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua đi tuần du đến Xương Giang, khi trở về cung, ban thưởng cho người theo hầu xa giá mỗi người một tư.
Lời chua - Xương Giang: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 12).
Hạ sắc lệnh: phàm quan chức ở ngoài các đạo, nếu viên quan nào can tội cần cứu xét, thì quan trên không được phép thiện tiện bắt hỏi.
Lê Cảnh Huy, Thượng thư viện Ty Binh, tâu: "Phàm các kiện về quan chức ở ngoài các đạo can phạm mà cần phải cứu xét: nếu là việc thường thì quan trên làm giấy tư đi cho viên quan can phạm biết, để viên quan ấy cung khai rõ ràng, rồi xét nghĩ; nếu là việc trọng đại, thì tâu bày lên cho vua biết, rồi mới được đòi hỏi cứu xét". Lời tâu của Cảnh Huy được nhà vua chuẩn y.
Hạ lệnh cho quan chức bộ Lễ đôn đốc sửa đổi phong tục ở dân gian.
Lúc ấy phong tục ở dân gian khinh bạc: nhà có việc tang, mê hoặc về đạo Phật, thường nhân đến tiết trung nguyên1977 , đặt đàn làm chay, phần nhiều đủ cả rượu nhắm để mời tân khách, thêm vào đấy bày ra hát xướng, chơi đùa và các trò tạp kỹ khác; mượn tiếng là báo hiếu, mà thực ra là một chỗ để mua vui. Vậy hạ lệnh từ nay ở dân gian, những nhà có tang đều phải tuân theo lễ phép, không được theo lệ tục cũ, để phong hóa được thuần hậu; nếu ai trái lệnh sẽ bị tội nặng.
Hoàng thái tử bắt đầu đi học.
Lúc ấy thái tử mới lên 5 tuổi.
Dựng điện Cẩn Đức.
Lời chua - Điện Cẩn Đức: Nay không rõ ở đâu.
Tháng 9, mùa thu. Trần Phong, Thượng thư viện Khâm hình, có tội, phải giáng chức làm Tuyên chính sứ Tây Đạo1978 .
Lúc ấy, Phong làm Thượng thư viện Khâm hình. Nhà vua dụ bảo bầy tôi trong triều rằng: "Trần Cẩn là em của Phong, Cẩn phạm tội, trẫm thường đem việc ấy hỏi Phong, thì Phong nhân tiện đấy mà thêu dệt thêm cái sở đoản của Cẩn, không có gì là tình nghĩa anh em cả. Nay hãy giáng chức, nếu Phong biết nghĩ mà gột rửa được lỗi trước, một niềm giữ được điều trung điều hiếu, thì trẫm cũng mong đợi hiệu quả của Phong sau này".
Lời chua - Việc Trần Cẩn can tội, nay không khảo cứu được.
Tháng 10, mùa đông. Hữu tướng quốc Quỳ quận công Lê Xí mất.
Xí là bậc công thần khai quốc, trải thờ bốn triều vua, công nghiệp đức vọng làm chỗ dựa chắc chắn của triều đình. Sau khi nhà vua đã lên ngôi, Xí là người có công, được phong lên chức Thái phó, tước Á quận hầu, giúp vua giữ việc chính trị trong nước, rồi lại được gia phong lên tước Quỳ quận công, càng ngày càng được nhà vua tin dùng.
Xí thường tâu cất nhắc người làm Trấn phủ sứ, nhà vua không chuẩn y và dụ bảo rằng: "Nhà ngươi muốn đem người vũ bền làm trấn phủ, nghĩa chữ "trấn phủ", người vũ biền có thể hiểu được à? Này, Tang Văn Trọng còn mang tiếng chê là người thiết vị1979 đấy, huống hồ bây giờ lại lấp mất đường tiến thân của người hiền tài, mà khơi cái nguồn cho những kẻ kiêu hãnh cầu may hay sao?".
Lê Xí sau lại được gia chức Nhập nội Hữu tướng quốc, nhà vua dụ bảo rằng: "Xã tắc1980 an hay nguy là ở mấy người các ngươi. Vậy phàm các ngươi có tâu bày chính sự, thì trẫm ở trong triều quyết đoán, bọn các ngươi ở ngoài thừa hành, phải hết lòng hết sức, mong cho ta tiến đến đời thịnh trị". Sau đó, Xí được tiến đến chức Thái uý.
Đến nay Xí bị bệnh, nhà vua ban cho sắc dụ nói: "Trước kia, trẫm ở nơi phiên để1981 , không có bụng gì đi xe hoàng ốc1982 , các ngươi trừ diệt được đồ đảng nghịch tặc, cùng lòng suy tôn ủng hộ trẫm lên ngôi vua1983 . Trẫm ngự ngôi vua đến nay đã 5 năm, chưa kịp báo đền công giúp rập của nhà ngươi, vậy nhà ngươi nên nghĩ đến việc nước mà cố gắng ăn cơm cháo, uống thuốc thang, để bảo dưỡng lấy tính mệnh trọng đại của mình, đấy là điều mà trẫm mong muốn". Nhà vua lại bảo Sư Hồi rằng: "Người ngày trước cầu trời đất, tế quỷ thần, cũng có thể trừ được đại họa. Vậy ngươi phải hết lòng thành vì cha cầu phúc". Ấy Lê Xí được vua tin yêu quyến luyến đến như thế. Khi mất, hưởng thọ 69 tuổi, nhà vua thương xót mãi, truy tặng chức Thái sư, đặt tên thụy là Nghĩa Võ, sau được gia phong tước Cương quốc công.
Tháng 11. Hạ chiếu đại xá.
Lấy cớ là khánh thành hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức.
Lời phê - Phiếm lạm, không thiết thực. Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ1984 Nguyễn Bá Ký mất.
Bá Ký đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông, ban đầu được bổ chức Hàn lâm tri chế cáo, sau thăng lên Trực học sĩ, vâng mạng triều đình sang sứ bên nhà Minh, khi trở về nước, được gia chức Tả ty lang trung ở Trung thư sảnh, vào chầu Kinh diên1985 . Lúc nhà vua đã lên ngôi, càng ngày Bá Ký càng được vua thân yêu tin dùng, sau được gia phong chức Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ.
Nhà vua làm văn, có phần sơ lược bỏ mất nghĩa trong kinh, sử, Bá Ký ngỏ lời can, nhà vua khen là người trung. Đến nay Bá Ký mất, nhà vua sai Phạm Hổ, Ty lễ giám, đem sắc văn đến dụ cáo rằng: "Nhà ngươi thờ vua thì trung thành, giữ mình thì chính trực, sớm hôm giúp rập đã sáu năm nay, lòng trung thành yêu nước của nhà ngươi giữ mãi được đến lúc chết". Ấy Bá Ký được vua quyến luyến thương nhớ như thế đấy.
Ban bố phép tập trận đồ của quân thủy, quân bộ đã được nhà vua xét duyệt1986 .
Thủy trận có các phép: trung hư, thường sơn, xà mãn, thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn, và yển nguyệt; bộ trận có các phép: trương cơ, tương kích và kỳ binh... Nhà vua lại ban bố 31 điều quân lệnh về thủy trận1987 , 32 điều quân lệnh về tượng trận1988 , 27 điều quân lệnh về mã trận1989 , 42 điều về bộ trận của quân túc vệ kinh sư1990 .
Nhà vua lại dụ bảo các vệ quân ở năm đạo và bọn Tổng quản, Tổng tri rằng: "Phàm đã có quốc gia, tất phải có vũ bị, vậy thì nên nhân lúc nhà nông nhàn rỗi, tạm hoãn những việc không cần, mỗi tháng cứ đến ngày rằm là ngày binh lính đến phiên thay đổi, thì lượng lưu lại một số để canh giữ, còn bao nhiêu người thì một hai ngày đầu, Tổng quản, Tổng tri được phép dựa vào trận đồ, điều chỉnh dốc sức chia thành từng đội, từng ngũ, dạy chúng biết phép ngồi đứng tiến lui, nghe rõ tiếng hiệu lệnh về chiêng trống, làm cho quân sĩ tập quen việc bắn cung tên, không quên việc vũ bị, đến ngày thứ tư trở đi mới được sai phái. Nếu người nào không biết dụng tâm dạy bảo luyện tập, dám làm điều phiền tạp nhũng nhiễu, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức".
Lời chua - Vệ quân năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5-6).
--
1890 Theo phần Kinh tịch chí trong Tùng thư thì sách Hán thư âm nghĩa có hai bộ: một bộ 7 quyển, tác giả Vi Chiêu, một bộ 12 quyển, tác giả Tiêu Cai. Ở đây Cương mục không nói rõ tên tác giả, nên không rõ câu này đã dẫn ở sách Hán Thư âm nghĩa nào.
1891 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 5.
1892 Nguyên văn trong Cương mục in lầm chữ "thất" ra chữ "lục".
1893 Xem thêm Chính biên quyển VII tờ 30-31.
1894 Xuy Vưu: tên người. Theo truyền thuyết thì đời thượng cổ Trung Quốc, Xuy Vưu pháp thuật cao cường, đánh nhau với Hoàng đế ở đất Trác Lộc, Xuy Vưu kỳ nghĩa đen là cờ của Xuy Vưu nhưng ở đây là tên một ngôi sao khác thường.
1895 Xuy Vưu: tên người. Theo truyền thuyết thì đời thượng cổ Trung Quốc, Xuy Vưu pháp thuật cao cường, đánh nhau với Hoàng đế ở đất Trác Lộc, Xuy Vưu kỳ nghĩa đen là cờ của Xuy Vưu nhưng ở đây là tên một ngôi sao khác thường.
1896 Xuy Vưu: tên người. Theo truyền thuyết thì đời thượng cổ Trung Quốc, Xuy Vưu pháp thuật cao cường, đánh nhau với Hoàng đế ở đất Trác Lộc, Xuy Vưu kỳ nghĩa đen là cờ của Xuy Vưu nhưng ở đây là tên một ngôi sao khác thường.
1897 Có một âm nữa là Truân.
1898 Tước cũ của Nghi Dân. Xem Chính biên quyển XVII, tờ 21.
1899 Chỉ Lê Thái Tổ.
1900 Sau khi Hán Cao Tổ mất, vợ là Lữ hậu chuyên quyền, Lữ Lộc và Lữ Sản toan cướp ngôi vua nhà Hán. Thái úy nhà Hán là Chu Bột đem quân giết Lữ Lộc, Lữ Sản cùng đồ đảng họ Lữ, lập con Hán Cao Tổ làm vua, tức Hán Văn đế.
1901 Tức Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn biên soạn ngày tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).
1902 Nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
1903 Huyện Lương Giang cũ nay là các huyện Đông Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
1904 Trên phần hiện hàm được đề thêm hai chữ "nhập nội". Ví dụ nhập nội tư mã, nhập nội hành khiển, nhập nội thiếu bảo, v.v...
1905 Xem Lời cẩn án và Lời chua của Cương mục ở dưới.
1906 Xem Lời cẩn án và Lời chua của Cương mục ở dưới.
1907 Phủ đệ của Gia vương.
1908 Niên hiệu Lê Nhân Tông.
1909 Xem thêm Chính biên quyển XVIII, tờ 34-35.
1910 Xem Lời chua của Cương mục ở dưới.
1911 Hoa lợi ruộng này dùng vào việc cúng tế giỗ chạp.
1912 Người chết dầu là con cháu, nhưng cứ sau ngày chết một trăm ngày rước bài vị người ấy lên nhà Thái miếu để được phụ thờ với tiên tổ gọi là lễ phụ.
1913 Cũng như quý phi, một danh hiệu của phi tần, vợ vua chúa đời phong kiến.
1914 Danh hiệu một nữ quan ở trong cung, cũng là vợ vua, nhưng cấp bậc thấp hơn các hàng phi tần.
1915 Niên hiệu Lê Nhân Tông (1454-1459).
1916 Niên hiệu Lê Nhân Tông (1454-1459).
1917 Nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
1918 Viên quan giữ chức nhàn tản, hoặc viên quan không có nhiệm vụ nhất định, khi nào có việc gì cần sẽ dùng đến, khác với viên quan giữ việc phiền kịch như hành chính, việc hình ngục, việc quân sự, v.v...
1919 Được phong chức tước cao hơn chức tước cũ.
1920 Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
1921 Niên hiệu Lê Thánh Tông (1470-1497).
1922 Những chức có nhiệm vụ thảo thiện giấy tờ như trát về công văn, như bọn thơ lại, thông lại, đề lại hoặc thừa phái, lục sự sau này.
1923 Dùng một phiến gỗ hình chữ nhật, trên mặt phiến gỗ ấy khắc những chữ mà vua chúa đã ban ân cho một người nào đó. Thông thường thì xung quanh phiến gỗ ấy có trạm chỗ và sơn son thếp vàng, những chữ khắc vào phiến gỗ ấy thì sơn then.
1924 Nhà nào được vua chúa biểu dương, thì ngoài cổng nhà ấy dựng một cái chòi cao, mặt ngoài cái chòi quay ra đường treo cái khung hình vuông có đề chữ, để người qua lại trông thấy. Ví dụ: những chữ "Tiết nghĩa môn" hoặc "Hiếu đễ môn", v.v...
1925 Chỉ vào lúc quân thần giết được Nghi Dân, rước Thánh Tông lên ngôi vua.
1926 Theo quan niệm đời phong kiến, cho họ của vua chúa đương thời là họ quý (hoàng gia quý phái), nên người bầy tôi nào có công được vua chúa tin yêu, thì vua ban ân cho được mang theo họ của vua, nhưng chỉ ban ân cho bản thân người ấy thôi, còn con cháu vẫn mang theo họ cũ của mình.
1927 Một danh từ để gọi các viên quan quyền cao chức trọng thứ nhất, thứ nhì trong triều.
1928 Niên hiệu Lê Nhân Tông (1444-1459).
1929 Cũng như tế thần đã chua ở trên.
1930 Thị tộc này, nguyên văn trong sách Cương mục chép hai chỗ có đôi chút khác nhau. Ở đây chép Lư Cầm, ở quyển XVIII tờ 8 chép Cầm Lư. Chúng tôi tham khảo những sách hiện có, thì Phương đình địa chí (quyển 4 tờ 27) của Nguyễn Văn Siêu chép Lư Cầm; Đại Nam nhất thống chí (quyển 14 tờ 10) của Cao Xuân Dục chép Cầm Lư. Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 12 tờ 6) chỉ chép có một chữ Cầm. Vì thế, không rõ tên thị tộc này thế nào là đúng, sẽ khảo cứu sau.
1931 Vì quân và dân có nhiều hạng người: quân thì có quân thủy, quân bộ, quân điều khiển ngựa voi, ...; dân thì có người làm thợ, người làm ruộng, người đi buôn... nên gọi chung là các sắc.
1932 Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối, hai người danh nhân dưới triều Thái Tông nhà Đường.
1933 Một viên quan giữ chức Dân bộ thượng thư dưới triều Đường Thái Tông, Đái Trụ là một người minh mẫn, quả quyết.
1934 Một hiền thần đời Tống, thờ bốn triều vua, ở triều đình giữ chức tướng văn, ra ngoài biên cương giữ chức tướng võ, danh tiếng lừng lẫy cả lân bang.
1935 Nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
1936 Tức bảng nhãn.
1937 Niên hiệu Lê Thái Tông.
1938 Nay là thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
1939 Niên hiệu Lê Nhân Tông.
1940 Chỉ việc làm ruộng.
1941 Chỉ việc buôn bán và công nghệ.
1942 Lời cáo giới trọng đại của vua chúa để dạy bảo dân.
1943 Chỉ Nghi Dân.
1944 Nay là thôn Chúc Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
1945 Niên hiệu Lê Thái Tông.
1946 Sư Hồi cùng các đại thần bắt giết Nghi Dân, rước Thánh Tông, lập làm vua.
1947 Nguyễn Xí theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, lập được nhiều chiến công, sau khi trong nước đã bình định, xét công đánh giặc, chiến công của Xí đứng vào hàng thứ năm, được ban cho quốc tính. Xí lại giúp Thái Tông, Nhân Tông và sau lại cùng các thần bắt giết Nghi Dân lập Thánh Tông làm vua.
1948 Một thứ ngọc quý.
1949 Một thứ dây thao dùng để buộc quả ấn. Hai thứ này chỉ người bầy tôi nào có công to, giữ chức trọng, mới được vua chúa ban cho. Kích thước ngọc khuê và màu sắc dây thao, đã có thể lệ định sẵn.
1950 Trong Tứ thư và Ngũ kinh , học trò đã chuyên môn nghiên cứu về kinh nào phải khai rõ trên mặt quyển thi.
1951 Tức hoàng thái tử để sẽ nối ngôi vua sau này.
1952 Danh từ để gọi chung các viên quan gần gụi với nhân dân như những viên đứng đầu ở lộ, phủ, châu hoặc huyện.
1953 Nay là xã Chi Lăng, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
1954 Thôi làm quan, về ở nhà riêng. Danh từ "trí sĩ" trước kia dùng riêng cho các quan, sau này quan hoặc lại điền thôi làm việc về, đều gọi chung là hưu trí.
1955 Thôi làm quan, về ở nhà riêng. Danh từ "trí sĩ" trước kia dùng riêng cho các quan, sau này quan hoặc lại điền thôi làm việc về, đều gọi chung là hưu trí.
1956 Nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
1957 Nay là xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
1958 Nay thuộc xã Lan Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
1959 Nay thuộc xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây.
1960Toàn thư chép là Nguyễn Thị Bồ.
1961 Xem thêm Chính biên XIX, 20 ở trên.
1962 Tượng truyền thần, để di truyền lại cho con cháu.
1963 Tương đượng với Bộ trưởng Bộ quốc phòng bây giờ, hàm nhị phẩm.
1964 Tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hàm tam phẩm.
1965 Đều là niên hiệu Lê Nhân Tông.
1966 Một tước mà Nghi Dân bị phế truất.
1967 Nay là thôn Phương Quất, xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
1968 Nay là thôn Nhân Lý, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Thanh, Hải Dương.
1969 Nay là thôn My Sơn, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
1970 Nay thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
1971 Chỉ việc Lê Thánh Tông không để cho con cháu quần thần bị mất gốc rễ của tổ tông.
1972 Chữ "đinh" thuộc về một hàng trong mười hàng can, can chi phối hợp với nhau, thành những ngày đinh sửu, đinh mão, đinh tỵ, đinh mùi, đinh dậu và đinh hợi. Mỗi mùa 90 ngày thì 9 ngày có chữ "đinh", vì thế nên mỗi năm cứ đến mùa xuân và mùa thu, thì mỗi mùa chọn lấy một ngày có chữ "đinh" để làm lễ tế Văn miếu. Sở dĩ dùng ngày "đinh" là lấy ý rằng "đinh" thuộc hàng hỏa, hỏa là tượng trưng cho văn chương.
1973 Mười người lỗi lạc trong môn đồ Khổng Tử, tức là Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung, Tể Ngã, Tử Cống, Nhiễm Hữu, Quý Lộ, Tử Du, Tử Hạ và Tử Trương. Theo lễ giáo thời phong kiến, ở kinh sư và các lộ đều có Văn miếu thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập triết, nhưng có lẽ về thời Lê sơ, các lộ chỉ được thờ Thập triết, còn Khổng Tử là bậc thánh sư, Tứ phối là bậc đại hiền, thì do kinh sư thờ tế.
1974 Những hộ khẩu nào bỏ quê quán cũ của mình, mà đến trú ngụ ở một xã khác gọi là khách hộ.
1974 Hai mắt bị mù, hai chi thể bị hỏng.
1975 Một mắt bị mù, một chi thể bị hỏng.
1976 Một tội đày đi nơi cực xa hoặc chung thân hoặc một kỳ hạn lâu dài.
1977 Ngày rằm tháng 7 âm lịch. Theo truyền thuyết hôm ấy là ngày "vong nhân xá tội".
1978 Các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Gia Hưng thuộc về Tây đạo. Nay gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La.
1979 Tang Văn Trọng: Một viên đại phu giỏi giang ở nước Lỗ về thời Xuân Thu, Tang Văn Trọng biết Liễu Hạ Huê là người hiền, mà không cất nhắc để dùng, nên Khổng Tử chê là "thiết vị". Ý nói không xứng đáng với ngôi mình hiện giữ, không khác gì người đi ăn trộm được của mà giữ một cách thầm vụng.
1980 Tượng trưng cho quốc gia.
1981 Chế độ đời phong kiến, phủ đệ của các tước vương tước hầu ở bên ngoài kinh thành gọi chung là "phiên để". Chữ "phiên" nghĩa đen là cái phên, cái giậu, ý nói nhà của vương hầu như cái phên, cái giậu ở ngoài để bảo vệ kinh thành của vua ở trong. Lê Thánh Tông lúc chưa lên ngôi vua, được phong làm Bình Nguyên vương, rồi lại đổi phong là Gia vương. Chỗ ở của Gia vương lúc ấy gọi là Tây để.
1982 Xe của thiên tử đi, ngoài bọc lục màu vàng, nên sau dùng chữ "hoàng ốc" để tượng trưng xe của thiên tử.
1983 Xem thêm Chính biên quyển XIX tờ 2-6, việc Lê Xí giết Nghi Dân, phò lập Thánh Tông.
1984 Một chức quan có nhiệm vụ và chức năng gần giống như Hàn lâm viện và Đông các học sĩ.
1985 Nơi vua chúa đọc sách, ở đây ý nói Bá Ký được vào Kinh Diên cùng vua giảng bàn nghĩa sách.
1986 Câu này, nguyên văn trong Cương mục chép không rõ nghĩa. Ở đây chúng tôi dịch theo Toàn thư cho dễ hiểu hơn.
1987 Quân chiến đấu ở dưới nước.
1988 Quân chiến đấu bằng voi. Lê Thánh Tông có đặt 4 vệ Tuần tượng.
1989 Quân chiến đấu bằng ngựa. Lê Thánh Tông có đặt 4 vệ Mã nhân.
1990 Lê Thánh Tông có đặt 2 vệ Kim Ngô và Cẩm Y, 4 vệ Hiệu lực, 4 vệ Thần võ, là quân túc vệ trong kinh thành.
--
0 Comments:
Post a Comment
<< Home