Saturday, March 19, 2005

Chính Biên - Quyển thứ XVI

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XVI

Từ Giáp Dần, Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 1 (1434) đến Bính Thìn, năm Thiệu Bình thứ 3 (1436). Gồm 3 năm.

Giáp Dần, Thái Tông Văn hoàng đế, năm Thiệu Bình thứ 1 (1434). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 9).

Mồng 1, tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đi bái yết thái miếu.

Tết Nguyên đán, nhà vua dẫn đầu trăm quan đi bái yết thái miếu.

Sai sứ sang nhà Minh.

Trước kia, nhà Minh sai bọn Từ Kỳ đem sắc văn sang hỏi về số người Minh còn bị giam giữ và số vàng trong lệ tuế cống1565 . Đến đây, nhà vua sai bọn Môn hạ thị lang Nguyễn Phú (sau đổi là Nguyễn Truyền) và Lang trung Phạm (Thì) Trung đem sang đưa cho nhà Minh1566 .

Sắc sai trăm quan tiến cử người hiền.

Nhà vua dụ rằng: "Các ngươi là quan liêu đã được trẫm tin dùng. Trước đây, vì lòng cầu hiền để lo trị nước, đã ra lệnh cho ai nấy được tiến cử một người; đến nay vẫn chưa thấy đáp ứng mệnh lệnh, là cớ làm sao?".

Lại dụ: "Những người được tiến cử mới đây đều là hạng tầm thường cả. Từ nay về sau, các người nên lưu tâm xem xét dò tìm: Hoặc giả còn có những người ẩn tích ở nơi đồng nội rừng rú nếu quả thực là bậc tài đức đều trội thì các ngươi nên cùng nhau đứng lên đề cử chung để làm thỏa ý thiết tha cầu hiền của trẫm".

Điểm duyệt quân đội và chiếu dụ.

Sắc sai các quân Ngự tiền và vệ quân năm đạo đúng ngày 20 tháng này1567 phải nhất tề tập hợp ở Đông Kinh để thao diễn. Chỉ có các quân ở Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa được phép tới bản trấn1568 ở địa phương mình để điểm duyệt. Ai trái lệnh, phải trị tội.

Lời chua - Các quân Ngự tiền: Theo "Binh chế chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì Lê Thái Tổ có đặt ra sáu quân Ngự tiền, như:

1. Ngự tiền võ sĩ;

2. Ngự tiền trung quân;

3. Tả, Hữu, Tiền, Hậu, Dực thánh quân1569 ;

4. Phủng thánh quân;

5. Thời lôi quân;

6. Bảo ứng quân.

Vệ quân năm đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5- 6).

Đông Kinh: Tức Thăng Long. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên II, 10).

Tân Bình: Tức Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chính biên III, 29).

Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16-17).

Hạ lệnh cho con cháu về ngành đích của các quan văn võ từ lục phẩm trở lên được vào học ở Quốc Tử Giám.

Nhà vua ra lệnh cho con cháu về ngành đích của trăm quan từ lục phẩm trở lên, ngoài những công việc đê điều và báo tin có động ở biên giới không được vin lệ xin miễn ra, còn tiền thuế thân và tạp dịch khác đều được tha cả. Hạng con cháu này đều được khai tên vào học trong Quốc Tử Giám để đợi bổ dụng.

Nhà vua đến trường đua1570 , xem quần thần hội thề.

Hồi đầu thời Lý, hằng năm, cứ đến tháng trọng xuân1571 , hội họp quần thần ăn thề ở đền thờ thần Đồng Cổ. Nhà Trần vẫn làm theo. Đến đời Hồ Quý Ly, vì có vụ Trần Khát Chân1572 , nên lễ minh thệ này mới phế bỏ. Đầu đời Lê, lễ này cũng bỏ qua, không nói tới. Đến đây, bọn Lê Sát mới xin với nhà vua, lập đàn thờ ở trường đua, khấn cáo với thần linh trên trời dưới đất, tập hợp trăm quan văn võ trong kinh đô và ngoài các đạo, cắt tiết ngựa bạch làm lễ ăn thề. Nhà vua tới xem.

Lời phê1573 - Lê Thái Tổ là bậc hiền triết sáng suốt, cẩn thận trong việc lựa chọn tôi hiền để giúp vua nhỏ, thế mà lại dùng bọn Lê Sát là những kẻ vô học, chẳng biết chính luật là gì, nên mới noi theo quy chế hội thề là thói hủ lậu của Lý, Trần. Sau này Lê Thái Tông buông tuồng rông rỡ đến nỗi chuốc lấy tai vạ1574 , chưa chắc đã không phải vì cớ giúp rập không có người tốt. Vậy đức tốt của Lê Thái Tổ so với Hán Cao Tổ (206-195 tr.c.ng.)1575 và Hán Văn Đế (179-157 tr.c.ng.)1576 còn kém xa. Lời chua - Trường đua: Có thuyết nói phía tây thành Đông Kinh; thuyết khác lại cho là ở Trung Hà thuộc huyện Vĩnh Thuận.

Đền Đồng Cổ1577 : Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 19 (Chính biên II, 29-30).

Tháng 2. Bọn Hoàng Nguyên Ý, thổ tù Lạng Sơn, định làm phản, dẹp yên được.

Trước kia, Nguyên Ý cùng bọn Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh và Nguyễn Công Đình lấy tư cách là thổ tù quy thuận triều đình. Vì có công, họ đều được phong chức quản lãnh, vẫn cứ coi quản dân chúng ở bản thổ. Bọn Tuyên úy Lê Đồ không biết cách vỗ về chế ngự, nên bọn Ý đều oán, chực làm loạn. Nhân bấy giờ có tên Phi Báo, gia nô của Nguyên Ý phạm tội với chủ, bèn cáo tỏ với bọn Lê Bồ về tình trạng Nguyên Ý mưu phản. Bọn Lê Bồ tâu việc này lên triều đình. Nhà vua sai Lê Văn An, tư mã Bắc đạo, đem quân Thiết Đột và quân bản đạo1578 đi đánh. Kịp khi Văn An đến nơi, Văn Ngạc đã bị thổ binh giết chết. Bọn Nguyên Ý đều bỏ vợ con, trốn sang nhà Minh. Văn An bèn bắt bớ thân thuộc bọn Nguyên Ý và hơn nghìn thổ dân đem về. Nhà vua tha cho thổ dân được về làm ăn như cũ, còn thân thuộc của bọn Nguyên Ý thì bắt làm nô, chia cấp cho các nhà công thần.

Lời chua - Lạng Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 31).

Nguyễn Thế Ninh, Nguyễn Công Đình: Theo phần Liệt truyện trong Minh sử thì Thế Ninh và Công Đình đều đem bộ thuộc sang quy phụ nhà Minh, xin cư trú tại đất Đống Châu thượng và hạ thuộc Long Châu.

Bắc đạo, Thiết Đột: Đều xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 3-5).

Khảo hạch học sinh các lộ.

Trước kia, Lê Thái Tổ có hạ chiếu cho trong nước về việc dựng nhà học, gây nhân tài, lựa lấy con em các nhà lương thiện ở dân gian sung làm hiệu sinh các lộ, rồi cất đặt các nhà nho học làm thầy để dạy dỗ. Đến đây, nhà vua ra lệnh cho tập hợp ở dinh quan bản đạo để quan trên sát hạch xem sự tiến tới ra sao, lấy trúng tuyển hơn một nghìn người, chia làm ba bậc: bậc nhất và bậc nhì được bổ vào Quốc Tử Giám, bậc ba cho về trường hàng lộ để đọc sách. Cả ba bậc này đều được miễn sai dịch.

Giết Tư khấu Lê Nhân Chú. Biếm truất Nam đạo hành khiển Lê Khắc Phục xuống làm đại tông chánh. Đày Nguyễn Đức Minh đi châu xa1579 .

Lê Sát làm thủ tướng, mọi việc đều quyết định theo ý mình. Sát thấy Nhân Chú không ăn cánh, nên gièm pha rồi giết chết. Lại biếm truất em Nhân Chú là Khắc Phục. Sau đó có bức thư nặc danh dán ở vách tường một ngôi đền bên đường rằng:

"Đại tư đồ Sát đồng mưu với đô đốc Vấn giết chết Ông Sĩ". Ông Sĩ là tên tự của Nhân Chú. Giám sinh Nguyễn Đức Minh gọi mọi người đến xem rồi bóc ném ngay xuống nước. Bọn Sát ngờ rằng thư nặc danh ấy do Đức Minh làm ra. Trải qua nhiều lần tra hỏi, Đức Minh vẫn không nhận. Toan đem chém, nhưng tòa pháp ti cho là một án còn đáng ngờ, nên đày Đức Minh đi châu xa, tịch thu cả nhà.

Sai sứ đi tuyển thêm binh lính.

Bấy giờ sổ quân không được đầy đủ. Nhà vua sai bọn Đại Tư đồ Lê Sát, Tư khấu Lê Ngân, Tư mã Lê Liệt và Lê Bôi tuyển lựa đinh tráng các đạo làm binh lính. Các danh sắc1580 như viên tử là con các quan võ từ lục phẩm trở lên và như giám sinh ở Quốc Tử Giám, lại như các công nô và tư nô do vua ban cho ở các nhà quan đều được miễn quân dịch. Trong quân và dân nhà nào có ba con trai thì một con được miễn. Còn ngoài ra đều phải tuyển mộ cả.

Xóa tên Trình Hoành Bá trong sổ làm quan bắt sung làm lính.

Trước kia, vua Thái Tổ thường hay đau yếu, Quận vương Tư Tề ngông cuồng rông rỡ, nhà vua hãy còn trẻ thơ. Còn Trần Hãn là dòng dõi họ Trần, Phạm Văn Xảo là người Kinh lộ, họ đều có công giúp rập khai quốc, được dân chúng để ý trông cậy. Vua Thái Tổ đem lòng nghi kỵ vì sợ họ có ý gì khác. Trình Hoành Bá cùng bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Nguyễn (Tông) Chí và Lê Đức Dư đón biết ý muốn bề

trên như thế, bèn đua nhau dâng mật sớ tâu xin trừ diệt họ. Hễ có người nào không vừa ý chúng thì chúng lại buộc là bè đảng của hai nhà Trần, Phạm; do đấy số người bị liên lụy rất nhiều. Về sau, Lê Thái Tổ xét rõ biết rằng bọn Hoành Bá đều là tiểu nhân xảo trá đảo điên, đã ruồng rẫy chúng rồi; nhưng vẫn lo chúng sẽ lại ngóc lên được, nên đã răn dạy là đừng dùng chúng nữa. Đến đây, Lê Sát cho rằng Hoành Bá có tài, đáng tiếc, nên lại muốn dùng Hoành Bá. Các quan giữ việc can ngăn là Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: "Tiên đế1581 đã có chỉ dụ dặn không nên dùng bọn Hoành Bá nữa mặc dầu chúng có tài; thế mà nay lại cất dùng, đó là trái ý Tiên đế". Vì vậy, nay mới xóa tên Hoành Bá và bắt sung làm lính.

Lời chua - Nguyễn Thiên Tích: Người Nội Duệ thuộc huyện Tiên Du1582 , đỗ khoa hoành từ năm Tân Hợi, Thuận Thiên thứ 4 (1431) đời Lê Thái Tổ.

Bùi Cầm Hổ: Người Độ Liêu thuộc huyện Can Lộc1583 .

Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán. Rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân đến Đông Kinh1584 để đảo vũ.

Bấy giờ trời mãi không mưa. Nhà vua sai rước tượng Phật đến Đông Kinh, để làm lễ cầu đảo. Quan giữ việc can ngăn là Nguyễn Thiên Hựu tâu rằng: "Xin Bệ hạ tu đức, xét tù oan ức, thải bớt cung nữ, nếu mà trời còn không mưa thì chém tôi để tạ tội với thiên hạ". Tờ sớ của Thiên Hựu dâng lên, Lê Sát ghét rằng nói thẳng. Gặp bấy giờ có mưa nhỏ, Lê Sát bèn gọi Thiên Hưu đến hỏi: "Tối hôm qua chẳng mưa nhỏ đấy ư?". Lại có tin báo có mưa từ các lộ Thanh Hóa, Tuyên Quang gửi đến tâu trình, Lê Sát liền đem cả mọi tin này bảo cho Thiên Hựu biết, Thiên Hựu không đối đáp ra sao được.

Lời chua - Chùa Pháp Vân: Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 2 (Chính biên III, 31-32).

Tuyên Quang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 30).

Ân xá.

Vì cớ hạn hán, nhà vua ân xá cho vài mươi người tù phạm tội nhẹ.

Giáng chức Nhập nội thiếu bảo Lê Khả xuống làm Tuyên úy đại sứ ở Lạng Sơn1585 .

Lê Khả không ưa nhau với thủ tướng Lê Sát, xin rút lui, bèn bị giáng xuống làm chức Tuyên úy đại sứ ở Lạng Sơn. Sau đó lại bổ làm Đồng quản lãnh1586 ở quân vệ Nam Sách hạ1587 .

Lời chua - Nam Sách (chữ Sách là sách lược) : Tức Nam Sách (chữ sách là sổ sách). Xem ngang với Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tiền biên V, 22).

Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu.

Bố Đề, chúa Chiêm Thành, hay tin vua Lý Thái Tổ mới mất, nhà vua nhỏ tuổi, lên nối ngôi, bèn chính mình đem quân ra gần ngoại thành rồi sai thuyền chiến lén vào cửa Việt thuộc Hóa Châu, cướp bắt vài người sở tại để dò hỏi tình hình hư thực trong nước ta. Nhân dân Hóa Châu đuổi đánh, bắt được hai tên lính Chiêm, giải ra Kinh đô. Nhà vua sai diễu võ dương uy ở trường đua, cho dẫn tù binh Chiêm Thành đến xem rồi tha cho về.

Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên III, 20-21).

Hóa Châu: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (Chính biên VIII, 44).

Cửa Việt: Ở huyện Đăng Xương 26 dặm về phía đông bắc, thuộc đạo Quảng Trị ngày nay. Nguyên trước tên là cửa biển An Việt, năm Minh Mạng thứ 1 (1820) đổi gọi là Việt An.

Lập đàn cúng ở điện Cần Chính.

Bấy giờ vì hạn hán lâu ngày có tổn hại đến nghề nông, lại vì chiếc thuyền ngự do Nghệ An dâng tiến bị sét đánh, nên làm đàn cúng để trừ tai.

Thái sử Bùi Hanh mật tâu rằng ngày mồng 1 tháng 5 có tinh con vượn đen hút khí mặt trời, nên có nhật thực thì trong nước có tai biến. Nếu giết con vượn thật để yểm trừ thì tai biến có thể qua khỏi. Lê Sát tin lời, bèn tâu xin ra lệnh cho dân ở miền núi thuộc Tuyên Quang và Thái Nguyên săn bắt vượn, đưa đến Kinh đô. Tới ngày đã được vượn, nhà vua nghỉ thiết trào, làm phép yểm trừ ở trong cấm cung, trăm quan không dự biết việc này.

Lời phê1588 - Càn bậy quá lắm! Lời chua - Tuyên Quang, Thái Nguyên (tức Ninh Sóc): Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19, 30, 31, 32).

Tháng 5. Quy định rõ ngạch thuế bãi dâu.

Đầu niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), đã quy định các ngạch thuế khóa, nhưng chỉ mới làm kỹ về thuế dân đinh, thuế đầm và thuế ao, còn thuế bãi dâu hãy còn sơ lược. Đến đây, quy định rõ ràng lại để làm luật lệ lâu dài.

Sai bọn Tư mã Lê Liệt đi kinh lược Tân Bình và Thuận Hóa.

Vì Chiêm Thành vào lấn cướp, nên nhà vua sai Lê Liệt thống suất các quân Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa đi kinh lược nơi biên giới. Nhà vua ra mệnh lệnh rằng: "Khi ra trận đánh giặc, từ tướng hiệu trở xuống hễ ai dám trái lệnh và thụt lùi thì cho Lê Liệt được phép chém trước tâu sau". Nhà vua lại sai bọn Nhập nội thiếu úy Lê Khôi và Tổng quản Lê Truất liền đó xuất quân đi tiếp ứng.

Khi họ kéo quân đến Hóa Châu thì Bố Đề1589 đã rút lui từ trước rồi. Họ định kéo quân về, bỗng gặp việc tên Thành (không rõ họ), phụ đạo người Mán Hóa Châu, bị xâm lấn bởi tên Luận (không rõ họ), cũng là phụ đạo, đến xin cứu viện, bọn Lê Liệt liền kéo quân đến giúp. Tên đầu sỏ dân Mán được tin đại quân đã đến, tức thì đang đêm trốn mất. Bọn Liệt bắt được hơn nghìn người và đem vài mươi thớt voi đem về.

Lời chua - Thành, Luận: Đều là tên người, làm chức phụ đạo.

Sai sứ sang nhà Minh.

Nhà vua sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Trụ và Hoàng môn thị lang Thái (Sái) Quân Thực đem biểu văn và sản vật địa phương sang Minh cầu xin phong vương.

Bài biểu tấu về việc này do Đại hành khiển Lê Trãi soạn; Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn sửa đổi vài chữ. Trãi nổi giận, nói: "Bọn các ngươi là hạng bày tôi tụ liễm1590 . Nạn hạn hán ngày nay đều do các ngươi gây ra cả!". Thúc Huệ đem chuyện này mách Lê Sát và Lê Vấn. Lê Vấn nổi giận, trách Lê Trãi rằng: "Những cớ gây nên tai nạn và hạn hán là do nhà vua và thủ tướng đó thôi, chứ không phải lỗi tại bọn này1591 . Sao ông trách nhau quá lắm thế!". Lê Trãi xin lỗi, nói: "Thúc Huệ là hạng tài mọn, chỉ chăm đục khoét vơ vét, thế mà hắn giữ chức then chốt trong nước, hễ có tâu bày điều gì, hắn chỉ muốn làm thiệt dân, đem lợi về nhà quan để dua nịnh bề trên; cho nên tôi mới nhân việc này mà nói ra đó thôi, chứ không phải có ý phúng thứ và dị nghị nhà vua và thủ tướng gì đâu". Lê Sát vẫn không nguôi giận. Cuối cùng bài tấu vẫn không sửa đổi.

Có bảy tên trộm đều là tái phạm, đáng bị tử hình. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ, vì e phải giết nhiều quá! Nhà vua đem việc này hỏi Thừa chỉ Lê Trãi. Trãi thưa: "Hình phạt không bằng nhân nghĩa, thì rõ ràng rồi, bây giờ một chốc giết bảy mạng người thì e không phải là việc làm có đức cao cả. Kinh thư có nói: "An nhữ chỉ"1592 , nghĩa là phải làm cho được đúng chỗ. Thí dụ như trong cung là đúng chỗ của bệ hạ, thỉnh thoảng có đi tuần du chỗ khác, thì không thể thường được thoải mái; đến khi trở về cung, mới thật được đúng chỗ. Ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy". Bọn Sát bèn bảo Lê Trãi: "Ông là người nhân nghĩa, có thể cảm hóa người ác trở nên người thiện, thì đây, xin giao cho ông bọn trộm này". Rồi bọn Sát đem bảy tên tù phạm này giao cho Trãi đứng bảo quản1593 . Trãi nói: "Bọn chúng là đồ hung ác gian giảo. Pháp luật và chế độ của triều đình cũng không răn chừa được chúng, nữa là Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa nổi!". Do đấy, chỉ chém hai tên cầm đầu còn thì khép vào tội lưu.

Lời phê1594 - Trãi là bậc có tài, vậy mà vẫn không khỏi có tính kiêu căng, cho nên sau này mới chuốc lấy tai vạ1595 . Thế mới biết Trương Tử Phòng là bậc cao kiến1596 , đời sau ít ai sánh kịp . Có khí sắc xanh đỏ như cầu vồng xuất hiện ở phía đông bắc.

Sương sa.

Sửa chữa chùa Báo Thiên, giết người thợ tên là Cao Sư Đãng.

Bấy giờ điều động thợ sơn làm ở chùa Báo Thiên. Sư Đãng phải nhọc nhằn làm việc, có nói vụng rằng: "Thiên tử thì kém đức để đến nỗi có nạn hạn hán; đại thần thì ăn hối lộ, cất dùng kẻ nọ người kia chẳng làm được công trạng gì cả! Có hay gì mà còn nịnh Phật?". Có người đem chuyện này cáo tỏ với Lê Sát. Sát nổi giận, sai bắt Sư Đãng giao cho quan coi hình ngục xét xử. Thẩm hình là Nguyễn Đình Lịch khép Sư Đãng vào tội thả lời yêu quái càn bậy, đáng phải chết chém. Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cẩm Hổ tâu xin giảm tội tử hình cho Sư Đãng. Nhà vua toan nghe theo. Lê Sát nói: "Trước kia, Nguyễn Đức Minh làm thư nặc danh, đáng phải tội giết chết để rao cho mọi người biết1597 , trở đi nghe lời Thiên Hựu, giảm nhẹ tội cho Đức Minh. Nay nếu lại tha Cao Sư Đãng thì răn kẻ khác thế nào được?". Bèn sai chém Sư Đãng.

Lời chua - Chùa Báo Thiên: Xem Lý Thánh Tông, năm Long Thụy thái bình thứ 3 (Chính biên III, 22).

Tháng 6. Ai Lao sai sứ đến triều cống.

Ai Lao và Bồn Man sai sứ giả đến cống sản vật địa phương. Nhà vua ban cho lụa bạch và áo dệt kim tuyến, rồi cho về.

Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tiền biên IV, 10).

Bồn Man: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chính biên XVIII, 8).

Mù sa dày đặc cả khoảng không.

Nước biển tràn ngập.

Mưa.

Sắc sai trăm quan làm lễ lạy tạ.

Đày Bùi Ư Đài, Đồng tri Bắc đạo, đi châu xa1598 .

Bùi Ư Đài thấy tai biến và điềm gở dồn dập xảy đến, bèn dâng tờ sớ gồm bốn điều, trong đó:

"1- Ở trong, nên lựa lấy những chỗ hoàng huynh, quốc cữu mà là bậc lão thành am tường thông thuộc các điển lệ và việc cũ, khiến cho ở bên tả hữu để dạy nhà vua. Ở ngoài, nên cất đặt người hiền giữ chức sư phó để làm cột trụ cho nhà nước, gương mẫu cho trăm quan.

"2- Đầu quốc triều ta1599 , những quan văn võ can phạm tội lỗi đều phải phạt tội đồ, tội lưu, thế là tiên đế1600 có ý răn dạy những kẻ gian tà. Nay lại cho họ được khai phục, làm việc cai quản quân và dân. Như vậy là làm trái với ý tiên đế1601 , không hợp với đạo trời đất".

Thấy tờ sớ này, Lê Sát giận lắm, sai chép ra hai điều trên đây để dâng lên vua và tâu: "Tiên đế1602 cho rằng bọn thần đều là chỗ tôi con lâu đời theo hầu trận mạc, vạn tử nhất sinh để lập được triều đình, lại xét rõ rằng bọn thần là người mộc mạc và lành, cho nên khi sắp băng hà, mới phó thác bệ hạ cho bọn thần. Nay những lời Ư Đài nói đó có ý ngờ vực bọn thần lừa dối che dấu bệ hạ điều gì, nên mới khuyên bệ hạ tìm chỗ họ hàng mà có công lao để phòng ngừa bọn thần. Vậy xin giao Ư Đài xuống cho pháp ti1603 xét xử. Nếu Ư Đài quả có ý ly gián vua và tôi thì nên theo pháp luật nhà nước mà trị tội, không nên tha".

Nhà vua ngẫm nghĩ hồi lâu, nói: "Những lời Ư Đài nói đấy đâu đến như vậy!". Lê Sát vẫn cứ cố chấp tâu mãi đến vài bốn lần, nhưng nhà vua không nghe.

Bọn Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: "Ư Đài khuyên bệ hạ không nên ủy nhiệm đại thần, thế là trái với lời chiếu để lại của tiên đế1604 . Việc này không thể không xét hỏi được". Nhà vua bèn đày ải Ư Đài đi châu xa.

Lời phê1605 - Bầy tôi trung thực có lẽ lại nên như thế sao? (Bọn Nguyễn Thiên Hựu) cầm roi ngựa hầu Cấp Trường nhụ1606 cũng chưa xứng đáng .

Lời chua - Đồng tri: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì Lê Thái Tổ đặt chức Hành khiển ở năm đạo1607 chia giữ công việc sổ sách quân và dân, đứng đầu là Hành khiển, thứ đến Tham tri và Đồng tri.

Truy tôn mẹ là Phạm Thị làm Cung từ quốc thái mẫu.

Trước kia, Lê Thái Tổ không lập hoàng hậu, chỉ đặt mấy người làm phi như Trịnh Thần phi, Phạm Huệ phi... mà thôi. Thái mẫu1608 đây cũng là vợ lẽ Thái Tổ, đã mất từ trước; đến đây, mới truy tôn và lập miếu riêng để thờ ở Lam Kinh.

Lời chua - Lam Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên XV, 33).

Tháng 7, mùa thu. Cấm dân không được vượt bậc mà khiếu nại kiện cáo.

Nhà vua hạ chiếu: "Đường lối trị dân cốt làm cho không phải dùng đến hình phạt. Gần đây, thấy quân dân thường hay vượt bậc kêu thưa kiện cáo, làm phải bắt bớ liên lụy đến nhiều người, trẫm chán lắm.

"Vậy, từ nay, phàm vụ kiện tụng nào là việc trọng đại thì mới cho phép tâu thẳng lên triều đình, còn những việc kiện nhỏ trước phải thưa ở xã quan xét xử rồi mới lên huyện; huyện không xử xong, bấy giờ mới lên lộ, lên phủ, lên đạo, cứ theo bậc mà làm. Việc ruộng đất cũng vậy".

Mở hội Vu Lan. Tha tù phạm.

Tha cho 50 người tù vào hạng tội nhẹ. Ban 220 quan tiền cho các sư.

Lời chua - Hội Vu Lan: Kinh Phật chép rằng: Mục Liên có mẹ phải sống trong ngục Ngạ Quỉ. Phật bảo Mục Liên làm hội Vu Lan bồn vào ngày rằm tháng bảy, dùng bách vị ngũ quả đựng trong bồn để cúng giàng chư Phật mười phương, rồi sau mẹ của Mục Liên mới ăn uống được1609 . Thích thị yếu lãm chép rằng: " Vu Lan , là tiếng Phạn, cũng như Hoa văn nói là cứu đảo huyền "1610 .

Tháng 8. Bàn mở khoa thi tiến sĩ.

Nhà vua hạ chiếu rằng: "Muốn có công hiệu về việc tìm người hiền, trước phải kén lấy kẻ sĩ; đường lối kén lấy kẻ sĩ, đầu tiên phải mở khoa thi. Khi đức Thái Tổ mới lập quốc, bắt tay ngay vào mở trường học, thờ Khổng Tử bằng lễ thái lao1611 , tỏ ra rất mực sùng nho trọng đạo; nhưng đến khoa thi tiến sĩ vẫn chưa kịp mở.

"Trẫm nay nối trí tiên đế, mong tìm được những người hiền tài cho thoả ý trẫm bấy lâu vẫn chờ đợi bằng cách để trống chỗ ngồi bên tả1612 .

"Điều lệ về khoa cử và trường thi đặt như thế này: Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 (1438), ở các đạo, mở khoa thi hương; đến năm thứ 6 (1439) thi hội ở đô sảnh đường1613 . Từ đó về sau, cứ ba năm một lần thi, đặt làm thành lệ lâu dài. Ai trúng tuyển, đều được cho là tiến sĩ xuất thân.

"Phép thi:

"Kỳ thứ nhất, kinh nghĩa một bài, Tứ thư nghĩa1614 mỗi sách một bài, tất cả đều phải 300 chữ trở lên;

"Kỳ thứ hai, bài chiếu, bài chế và bài biểu;

"Kỳ thứ ba, thơ và phú;

"Kỳ thứ tư, văn sách một bài, hạn từ 1000 chữ trở lên".

Đặt phép khảo hạch công trạng các quan văn võ.

Sắc sai các quan văn võ đều phải do trưởng quan mà mình tùy thuộc đứng ra sát hạch;

Quan văn ở huyện, ở lộ, ở trấn thì do Hành khiển bản đạo sát hạch;

Tướng hiệu và võ biền ở các trấn thì do Tổng quản bản đạo sát hạch;

Các viên thuộc ở sảnh, ở viện và ở các cục thì do Thiếu bảo và Hữu bật sát hạch;

Các viên thuộc ở Tả, Hữu ban thì do Áp nha và Nội Mật viện sát hạch.

Tất cả đều phải kê khai thành bản sự trạng về nết tốt và về lầm lỗi, chia làm ba bậc, cần được rõ ràng, thỏa đáng, không được thiên lệch, tư vị.

Lời chua - Hành khiển, Tổng quản: Đều xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 6).

Sảnh viện cục, Nội mật viện, Tả, Hữu ban, Áp nha: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì, đầu đời Lê Thái Tổ cất đặt quan chức, văn ban có Trung thư sảnh, Hoàng môn sảnh, Hạ môn sảnh, Nội thị sảnh, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Quốc sử viện, Thái sử viện và Ngự tiền tam cục; võ ban có Tả, Hữu ban, Điện tiền đô Áp nha. Tất cả các chức trên đây đều là quan ở kinh đô.

Thiếu bảo, Hữu bật: Trong Đại Việt bản kỷ thực lục của Ngô Sĩ Liên cũng có chép đến mấy chức này, như: Nhập nội thiếu bảo Trần Lựu làm tổng tri coi quản công việc quân và dân ở Lạng Sơn và An Bang; Nhập nội hữu bật Lê Văn Linh sung làm tham đốc. Còn Thiếu bảo và Hữu bật giữ chức vụ gì, không khảo cứu được.

Ngự sử phó trung thừa Nguyễn Thiên Hựu xin trí sự1615 . Nhà vua ưng cho.

Thiên Hựu làm chức gián quan, bàn nói tấu bày thường thường trái ý vua, nên xin về hưu; sau đó, được khai phục làm An phủ sứ ở Thanh Hóa.

Xuất quân đi cứu Ai Lao, rồi lại bãi binh.

Trước kia, bàn gia (vua) Ai Lao là Côn Cô bị Nữu Tại, là bầy tôi, đánh và bức bách. Côn Cô sai sứ giả đến cầu cứu. Nhà vua sai quản hạt1616 Lê Bạn đến hiệu dụ và dàn xếp. Đến đây, Ai Lao lại sai bầy tôi đến dâng sản vật địa phương và xin quân cứu. Nhà vua sắc sai Thiếu uý Xa Miên ở Mộc Châu đem quân Mán Nam mã đến cứu viện. Khi đến nơi thì Nữu Tại đã giết Côn Cô mà lập Dụ Quần, người trong họ của Côn Cô, làm bàn gia (vua) rồi. Ai Lao lại đem dâng ba thớt voi và vàng bạc để xin hàng. Triều đình bỏ qua việc Ai Lao, không xét hỏi đến nữa, hạ lệnh cho Xa Miên kéo quân về.

Lời chua - Bàn gia: Tiếng gọi vua nước Ai Lao.

Côn Cô: Tên chúa nước Ai Lao.

Nữu Tại: Có lẽ là tên quan Ai Lao.

Mộc Châu: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 15).

Xa Miên: Theo Hưng Hóa lục của Hoàng Trọng Chính thì họ Xa nối đời làm thổ tù ở Mộc Châu.

Nam mã: Tên châu, cũng gọi là Mã Nam. Theo Hưng Hóa lục của Hoàng Trọng Chính thì đầu đời Lê chia từ phía nam sông Mã vào đến động Trình Hằng là Mã Châu; nay gộp cả vào với huyện Trình Cố1617 .

Chiêm Thành sai sứ đến xin hòa.

Sứ giả Chiêm Thành đem dâng sản vật địa phương, xin hòa và thân thiện. Lê Sát hỏi sứ Chiêm rằng: "Nước ngươi lén vào biên giới, cướp bóc và bắt người ở Hóa Châu, là cớ làm sao?". Sứ Chiêm thưa: "Quốc vương tôi được tin tiên hoàng đế1618 băng hà và hoàng đế ngày nay lên ngôi, nhưng vì giữa hai nước không có sứ giả thông tin, nên quốc vương tôi mới sai tướng quân đem quân đi thăm dò tin tức. Chẳng dè viên tướng này lại làm trái ý chỉ đã dặn bảo, dám lén bắt sáu người Hóa Châu đem về. Quốc vương tôi nổi giận, xử phạt từ đại tướng trở xuống phải tội chặt chân, còn số người bị bắt kia đều hộ tống về trả Hóa Châu, không dám xâm phạm gì cả".

Triều đình tuy biết sứ Chiêm chống chế dối trá nhưng thấy rằng Chiêm Thành biết tự ý cho sứ đến xin hòa trước, nên cũng dằn lòng dung thứ.

Sai sứ đi Chiêm Thành.

Bấy giờ Chiêm Thành lại xin hòa thân thiện; nhà vua sai bọn Chuyển vận sứ Lê Thọ Lão và Khởi cư xá nhân Thái Huệ Trù đi đáp lễ.

Tháng 10, mùa đông. Sâu cắn lúa.

Hoàng trùng cắn hại lúa má. Nhà vua sai các quan chia đường đi khám xét tại chỗ.

Tháng 11. Sứ nhà Minh sang.

Sứ nhà Minh là bọn Quách Tế và Chu Bật cùng sang với bọn Lê Vĩ là sứ bộ ta đi cáo phó1619 quay về. Sứ Minh sang làm lễ tế điếu (vua Thái Tổ).

Nhà vua sai bọn Ngự tiền học sĩ Nguyễn Thiên Tích sang Minh đáp lễ và tạ ơn.

Bấy giờ các sứ Minh, là bọn Từ Vĩnh Đạt1620 , Chương Xưởng1621 và Quách Tế, nối tiếp nhau, vâng mạng vua Minh, sang sứ ta. Triều đình (nhà Lê) tặng tiễn thức gì, thảy đều không chịu nhận cả. Chỉ có những người tùy tùng sứ bộ mang theo nhiều thứ hàng tàu, yêu cầu ta mua với một giá đắt.

Điện Lam Kinh1622 bị hỏa tai.

Có băng.

Rét quá, mặt đất đóng băng, cây cối trên núi héo chết.

Lời phê - Lạ! Truy phong ông và cha của Đại tư đồ Lê Sát.

Nhân tiết vạn thọ, tha tô thuế.

Nhân gặp ngày lễ sinh nhật nhà vua, tha tô ruộng và thuế đinh.

Tháng 12. Lê Thụ, Tổng quản Tiền quân, có tội. Nhà vua giao cho pháp ti1623 bàn xét. Sau đó, tha cho Lê Thụ.

Lê Thụ, trong khi đang có quốc tang1624 , lấy vợ lẽ và bắt binh lính làm việc riêng cho mình: xây cất nhà cửa đồ sộ. Thụ lại giao thông với người nước ngoài về việc mậu dịch. Quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc Thụ về những việc ấy.

Bấy giờ các đại thần phần nhiều cũng sai binh lính làm việc tư: xây dựng nhà cửa cho mình. Nhà vua sai Thiên Tước đi khắp nơi để xem xét cho đúng sự thật. Khi Thiên Tước trở về, nhà vua vặn hỏi: "Các đại thần khác không làm những việc ấy ư? Sao khanh lại chỉ đàn hặc một mình Lê Thụ?". Thiên Tước thưa: "Lê Thụ là đại thần nhận lãnh mạng lệnh tiên đế đã phó thác, đáng lẽ phải nên giữ mình cho thẳng thắn để làm gương cho trăm quan. Xem mấy việc mà Thụ đã làm tỏ ra khinh miệt phép nước quá lắm! Vậy thần đâu dám nín tiếng im hơi? Nay thần vâng theo sắc sai đi xem xét khắp cả các nhà đại thần, thần đâu dám không làm hết chức trách?". Thiên Tước lại dâng sớ nói cả những ai có làm nhà mới, chẳng hạn như bọn Tham tri Đông đạo là Lê Định xuống đến Quản lãnh gồm hơn 20 người. Nhà vua đều không xét hỏi, chỉ giao Lê Thụ xuống cho pháp ti bàn xét. Bọn Lê Vấn và Lê Ngân đều tìm cách bào chữa cho Thụ.

Nhà vua tha tội cho Thụ, chỉ sắc sai Thụ phải bỏ người vợ lẽ mới cưới và phải truy nộp 15 lạng vàng và 100 lạng bạc là số tiền đã buôn bán riêng.

Lời phê1625 - Người có trách nhiệm can ngăn và chính lệnh đương thời đều sai trái cả! Lời chua - Vàng bạc do buôn bán riêng: Bản kỷ thực lục của Ngô Sĩ Liên chép: "Bản triều1626 cấm bầy tôi và nhân dân không được lén lút buôn bán với ngoại quốc". Theo "Hình luật chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, phàm kẻ nào lén lút bán muối cho người ngoại quốc thì phải phạt lưu đi châu xa.

Phong Đèo Mạnh Vượng, thổ tù châu Phục Lễ, làm Nhập nội tư mã, coi quản công việc quân và dân ở bản châu như cũ.

Mạnh Vượng là con Cát Hãn. Trước kia, Cát Hãn làm phản, Lê Thái Tổ đi đánh, Cát Hãn cùng Mạnh Vượng đều trốn xa; sau đó xin hàng, được tha tội, phong Tư mã, coi quản công việc trong châu. Đến đây, Cát Hãn chết, Mạnh Vượng lên thay cha, nối chức cũ, có vào chầu. Nhà vua sắc phong cho Mạnh Vượng làm Nhập nội tư mã, vẫn coi quản công việc quân và dân ở trong châu, tước quan phục hầu.

Lời chua - Phục Lễ: Tức châu Ninh Viễn, xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 5 (Chính biên XV, 30).

Rước thần chủ Thái Tổ và thần chủ quốc thái mẫu1627 lên nhà thái miếu làm lễ tế "phụ"1628 .

Nhà vua sai Nhập nội thái bảo Lê Quốc Hưng và Nhập nội hữu bật Lê Văn Linh làm lễ cáo nhà thái miếu, rước thần chủ Thái Tổ lên làm lễ "phụ", lại rước thần chủ bà Cung từ quốc thái mẫu lên cùng thờ cúng tại đó.

Nhà vua sai các văn võ hội họp ở đô sảnh đường, bàn việc bỏ đồ tang. Bọn Hành khiển Lê Trãi cùng bàn rằng nên mặc đồ trắng trong 27 ngày nữa rồi sẽ bỏ đồ trở.

Trước đó, thần chủ Thái Tổ còn để ở điện Kiền Đức, nhà vua mỗi khi coi chầu, vẫn đứng ở cột trụ về phía đông của điện Hội Anh để xét xử chính sự. Đến đây, khi ra, khi vào, có tiền hô hậu hét, coi triều thì ngồi cỗ ỷ sơn son, tuy có đặt nhã nhạc nhưng không tấu nhạc. Bầy tôi dâng biểu yên ủi nhà vua.

Lời cẩn án - Theo lễ, để trở cha, xô gai ba năm, không cứ kẻ sang người hèn đều như nhau cả. Từ Hán Văn đế1629 có đặt ra lối để tang ngắn hạn, do đấy người đời mới sau nối gót làm theo. Ở đây, tang Lê Thái Tổ vừa mới được giỗ đầu, đã vội bàn bỏ đồ trở, có lẽ cho rằng để tang một năm là đã đủ báo hiếu rồi chăng? Nguyễn Trãi là bậc tôi hiền làm việc giúp rập ở thời bấy giờ, không biết giảng rõ điển lễ sửa đổi điều sai trái của nhà vua, lại đi khuyên bảo hãy mặc áo trắng 27 ngày rồi sẽ bỏ đồ tang. Thế là lễ gì? Thật là vô căn cứ quá! Lời chua - Điện Kiền Đức, điện Hội Anh: Đều ở trong thành Đông Kinh.

Châu Nam Mã cầu xin phụ thuộc nước ta. Nhà vua ưng thuận.

Châu Nam Mã trước kia thuộc nước Ai Lao; đến đầu đời Lê, thổ tù là Đạo Miện hâm mộ chính nghĩa, theo về với nước ta. Đến đây, Đạo Miện sai con vào chầu, cầu xin phụ thuộc bản quốc. Nhà vua ban khen, trao cho chức Đại tri châu và ban mũ áo. Sau đó, nhà vua cho rằng Nam Mã là dân Mán, mới quy phụ, tráo trở bất thường, nên bàn đặt chức lưu quan1630 , dùng Lê Thiêm làm Phòng ngự sứ để coi quản châu Nam Mã.

Ất Mão, năm thứ 2 (1435). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 10).

Mồng 1, tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua coi triều. Cử nhạc.

Tết Nguyên đán. Nhà vua dẫn đầu trăm quan đi bái yết thái miếu. Lúc trở về cung, nhà vua mặc đồ trắng1631 , ra coi chầu, tiền hô hậu hét. Cử nhạc. Bầy tôi đều mặc áo phục1632 , dâng biểu yên ủi nhà vua.

Lời phê1633 - Đều trái lễ cả! Làm vậy không phải là cách để phòng ngừa gìn giữ cho vua trẻ. Dụ Quần, vua Ai Lao, sai sứ đến triều cống.

Bàn gia (vua) Ai Lao là Dụ Quần sai bầy tôi là bọn San Mạc, Nại Mẫu đến dâng lễ cống: đồ uống rượu bằng vàng bạc1634 và voi.

Mở yến tiệc linh đình.

Cho trăm quan văn võ ở kinh đô và ngoài các lộ ăn yến 5 ngày.

Giảng tập võ nghệ ở sân rồng nơi cung điện.

Ra lệnh cho vệ quân các đạo đều đến điểm duyệt tại bản trấn; các quân Ngự tiền thì giảng tập võ nghệ ở sân rồng nơi cung điện.

Nhà vua đến đất Bạo Động, duyệt quân đội tập phép chiến trận.

Nhà vua đi Bạo Động, xem vệ quân năm đạo tập trận lục chiến. Khi trở về, lại duyệt thủy binh tập thủy chiến ở Nhị Hà.

Lời chua - Bạo Động1635 : Nay không rõ ở đâu.

Nhị Hà: Tức sông Phú Lương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chính biên II, 13).

Tháng 2. Sứ nhà Minh sang.

Nhà Minh sai Lễ Bộ Hữu thị lang Chương Xưởng đem sắc sang, cho nhà vua tạm quyền coi giữ việc nước An Nam. Nhà vua sai bọn Quản lãnh Phan Tử Viết và đại phu Trình Nguyên Hi sang nhà Minh đáp lễ và tạ ơn.

Sai quan làm lễ thích điện1636 cúng tiên sư là Khổng Tử.

Chọn lấy ngày đinh1637 , sai Lê Quốc Hưng làm lễ thích điện ở Văn Miếu. Hằng năm đặt làm lệ thường.

Thái Quân Thực và Nguyễn Trụ1638 có tội, bị đày.

Trước kia, khi sai sứ sang nhà Minh, các quan theo thứ tự trước sau, xin để Trụ sung vào sứ bộ, còn Quân Thực làm kỳ nhân1639 . Quân Thực có ý bất bình. Khi đến Yên Kinh, nhà Minh theo cấp bậc, ban áo: Quân Thực được thứ áo không có hoa dệt kim tuyến, trong lòng lại càng hậm hực tức tối, mắng chửi bừa lên. Trụ cũng nổi xung, cãi nhau, đánh lộn: Trụ bị thương ở mặt. Rồi hai bên thưa nhau ở Hồng lô tự nhà Minh. Trụ lại đi riêng đến Long Châu, nhận đồ tặng tiễn của nội quan nhà Minh. Trụ còn nói vụng với quan bạn Tống là Lữ Hồi nhà Minh về chuyện tiên đế nghe lời gièm pha, dùng hình phạt không đúng mức1640 . Những việc này bị phát giác. Nhà vua giao Quân Thực và Trụ xuống cho pháp ti bàn xét. Đình thần đều cho rằng hai người vâng mạng đi sứ làm việc ngoại giao, vì tức giận đánh nhau, làm nhục quốc thể: Tội đáng chết; nhưng nghĩ vì họ trước kia đã có công lao, nên cho giảm nhẹ. Nhà vua bèn đày Quân Thực đi châu xa1641 , đày Trụ đi châu gần1642 .

Lời chua - Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo Phù thứ 4 (Chính biên VII, 17).

Tháng 3. Sáu quả bảo ấn đã đúc xong.

Trước kia, dùng vàng bạc đúc sáu quả bảo ấn:

1- Thuận Thiên thừa vận chi bảo , để dùng vào việc truyền ngôi;

2- Đại thiên hành hóa chi bảo , để dùng vào việc đánh dẹp;

3- Chế cáo chi bảo , để dùng đóng vào bài chiếu hoặc bài chế;

4- Sắc mệnh chi bảo , để dùng vào việc ra hiệu lệnh, thưởng hay phạt;

5- Ngự tiền chi bảo , để dùng đóng vào sổ sách;

6- Ngự tiền tiểu bảo , để dùng vào việc cơ mật;

Đến nay, sáu ấn báu này đã đúc xong, nhà vua sai Hữu bật Lê Văn Linh làm lễ cáo nhà thái miếu.

Lộ Lạng Sơn và lộ Nam Sách có bệnh dịch.

Xứ La La Tư sai sứ sang triều cống.

Xứ La La Tư giáp với Vân Nam, ăn mặc cũng như Vân Nam.

Lời chua - La La Tư: Theo Nguyên sử loại biên thì La La Tư tuyên úy ti do nhà Nguyên thiết lập, thuộc lộ Vân Nam, đến đời Minh, thuộc vệ Vĩnh Xương.

Tháng 4, mùa hạ. Sâu cắn lúa.

Ra lệnh cho xã quan các lộ làm lễ cúng trừ tai.

Hạ lệnh cho các quan không được coi thường việc dùng sức dân chúng.

Vì bấy giờ việc canh nông đang cần kíp, nhà vua ra sắc bảo các tướng và các quan ở lộ, huyện, trấn thuộc các đạo không được động dụng sức dân một cách khinh thường.

Bọn đại tư đồ Lê Sát xin nhà vua kén lựa những bậc nho thần vào hầu đọc sách ở tòa Kinh Diên. Sự tâu xin này không được trả lời.

Nhà vua ở trong cung, chơi đùa với bọn hầu cận sã suồng. Các đại thần tâu xin dùng bọn Lê Trãi và Trình Thuấn Du để cùng với vài ba đại thần, thay đổi phiên nhau, vào hầu nhà vua ở tòa Kinh Diên. Nhà vua trả lại tờ tâu, không nhận.

Nguyễn Cung, một tên tiểu thụ1643 lại càng được nhà vua cưng chiều. Bọn Lê Sát xin giết Nguyễn Cung, nhà vua không nghe. Bọn Sát bèn cáo bệnh, không vào chầu. Quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước tâu rằng: "Bậc thánh, chẳng ai bằng Nghiêu, Thuấn, thế mà còn phải lấy Quân Trù và Thành Chiêu làm thầy. Từ xưa, các bậc đế vương sở dĩ tăng tiến được thánh đức, chưa từng có ai không nhờ ở học vấn, huống chi bệ hạ ngày nay, đương lúc tuổi sức còn mạnh, đối với đường lối trị nước xưa nay, nào đã có thể biết khắp được đâu? Bọn đại tư đồ Lê Sát xin lựa các nho thần ở bên tả hữu, chừng có ý muốn cho bệ hạ trở nên như Nghiêu, Thuấn đó thôi. Vậy sao bệ hạ lại coi thường mưu chước quan trọng làm vì lợi ích xã tắc ấy mà nỡ trái ý trung thành của bọn Lê Sát khiến họ đâm ra đau buồn, không vào chầu được? Nguyện xin bệ hạ nghĩ lại, coi trọng mệnh lệnh gửi gắm của tiên đế thì bốn biển được nhờ phúc của bệ hạ đấy".

Nhà vua lại cưỡi voi, cho lồng chạy ở trong sân hậu cung. Nhân bấy giờ có người tiến con dê rừng. Nhà vua cho voi chọi nhau với dê rừng. Con dê vùng lên, xông vào húc: voi sợ, lùi về phía sau, sa xuống giếng. Bọn Thiên Tước và Lê Sát lại dâng lời can ngăn. Nhà vua lặng im.

Thiên Tước lại cùng bọn Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ, nói: "Đức tiên đế gội gió, chính mình mặc áo giáp, đội mũ trụ, nhọc tinh thần, mệt thể chất hàng hơn 10 năm, mới dẹp yên được thiên hạ. Bệ hạ được nối cơ nghiệp sẵn sàng, đáng nên lưu tâm vào học thuật, chăm cầu người hiền để lo toan cho nước được thêm thịnh trị. Thế mà nay đại thần xin lựa văn thần vào hầu học tập ở Kinh Diên, bệ hạ lại bỏ qua, không xét! Đó là một điều không nên.

"Tiên đế chọn người làm mẫu sư1644 để khuyên dạy ở trong cung, thế mà bệ hạ lại khinh nhường quở mắng, không nghe! Đó là hai điều không nên.

"Thần phi và Huệ phi1645 vào cung để khuyên răn dạy bảo thì bệ hạ vội trước sai đóng cửa, không cho vào. Đó là ba điều không nên.

"Trong đám bệ vệ quản lãnh1646 thấy bệ hạ không đọc sách, lại cầm cung đi bắn chim, có người đứng ra can ngăn, nhưng bệ hạ không nghe, lại giơ cung để bắn người ta! Đó là bốn điều không nên.

"Tiên đế lựa lấy con em các công thần để hầu bệ hạ học tập, nhưng bệ hạ đều nhạt nhẽo, xa lánh; chỉ chơi đùa với những kẻ hầu cận sã suồng. Đó là năm điều không nên.

"Phàm người làm vua tất phải tìm kiếm bậc hiền tài, thưởng cho những người biết nói thẳng, cố can ngăn và có công lao; thế mà nay bệ hạ lại chơi đùa và ban thưởng cho hoạn quan. Đó là sáu điều không nên.

"Thần đang giữ chức can ngăn, sợ hãi đợi tội, dám chẳng hết lòng tâu bày. Nguyện xin bệ hạ những khi ra coi triều, hoặc tiếp các đại thần, hoặc nghe bầy tôi tâu bày chính sự, phải nên giữ vẻ tôn nghiêm, bình tĩnh, ngay thẳng. Bằng dung nghi hòa nhã của thiên tử, bệ hạ kính trọng bậc đại thần, yên ủi người có công, dung nạp những người can ngăn thẳng thắn để mở rộng đường ngôn luận, thấu suốt tình hình kẻ dưới, như vậy chính nhà vua cũng sẽ trở nên được bậc đại hiếu, biết nối chí và noi theo việc làm của vua cha, chứ chẳng riêng vì Thành Vương nhà Chu và Thái Giáp nhà Thương được độc chiếm tiếng khen ấy đâu".

Thấy tờ sớ này, nhà vua giận lắm, sắc sai bọn tả hữu bọn Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối đến khắp nhà bọn Thiên Tước vặn hỏi xem tên họ những ai đã mách bảo Thiên Tước những chuyện trên đây. Thiên Tước thưa rằng: "Đó là Lê Lãnh, Đồng tổng quản ở vệ quân Bắc Giang hạ, đã bảo cho biết. Chúng tôi chỉ cốt hết lòng yêu vua, làm tròn chức vụ, dù chết cũng chẳng lo gì!". Bọn Cảnh Xước bèn trở về.

Ngày hôm sau, Thiên Tước vào chầu tâu: "Ngu Thuấn1647 là bậc thánh nhân, thế mà Bá Ích còn khuyên răn đừng có buông tuồng biếng nhác. Đường Thái Tông1648 là bậc vua hiền, thế mà Ngụy Trưng1649 còn khuyên phải đề phòng mười điều sai lầm có thể đi dần đến chỗ xấu1650 . Chúng tôi lạm giữ chức can ngăn, sợ nhà vua mắc lỗi, nên mới trổ sức, giãi lòng ngu dại điên rồ. Nếu bệ hạ tiếp nhận những lời can ngăn này thì hạng người cắt cỏ, kiếm củi hoặc làm thợ thuyền sẽ đều cởi mở mà trình bày được hết điều ấp ủ và đức thánh minh của bệ hạ sẽ càng thêm sáng tỏ lớn lao". Nhà vua có ý nghe ra.

Lời chua - Trình Thuấn Du: Người Tân Hưng thuộc huyện Duy Tiên1651 , đỗ khoa minh kinh năm Kỷ Dậu, Thuận Thiên thứ 2 (1429).

Sắc sai trăm quan phải tu tỉnh, chăm lo làm tròn chức vụ.

Nhà vua ra sắc dụ bảo các quan văn võ trong kinh và ngoài các lộ: "Gần nay ít kẻ biết giữ phép công, tuân theo pháp luật: Người giữ tiền bạc, để bê trễ đọng lại, cố ý làm khó khăn; kẻ coi quân đội, không thương xót binh lính. Còn cai trị dân, thì không lo chăn dắt nuôi dậy, chỉ buông tha cho bọn giàu có, riêng trút sai dịch vào hạng bần cùng; xử kiện thì không giữ công bằng, chỉ nghĩ đến bè đảng và ăn hối lộ; làm việc thì không cần mẫn, chỉ chè chén và tiệc tùng. Những kẻ canh giữ quan ải, không nghĩ đến việc kiểm tra xét hỏi, chỉ mưu tính buôn bán để làm giàu.

"Các người cùng hưởng lộc trời, chăn dân của trời, thế mà làm việc như vậy há chẳng trái nghịch với trời sao? Từ nay các ngươi nếu biết sửa đổi lỗi trước, noi theo đường thiện, hết lòng trung ái, thương yêu quân và dân, hòa thuận giữa bạn đồng liêu, công bằng xét xử việc hình ngục và kiện tụng, khuyến khích canh nông và tằm tang, dẹp yên trộm cướp, trao dồi đức hiển vinh, con cháu sẽ được hưởng phúc. Nếu không thế thì nhà nước đã có pháp luật đây".

Bắt đầu đặt ra thể lệ cấp phát giấy tờ "lộ dẫn". Phàm quân và dân ở các lộ vào kinh đô vì có việc công hoặc vì buôn bán, hay là các nha thuộc kinh đô có việc đi ra các lộ đều phải do quan trên, mà mình thuộc quyền, cấp phát cho giấy tờ chứng nhận. Các nơi quan ải và bến sông phải kỹ càng kiểm tra xét hỏi giấy tờ rồi mới cho phép đi lại thông đồng.

Lời phê1652 - Bầy tôi vừa mới can ngăn, vua đã tức thì ban ra sắc lệnh: cả hai đều không phải có ý thành thực tu tỉnh khuyên răn lẫn nhau. May mà trong nước được vô sự, là vì nhờ công đức của Lê Thái Tổ còn để lại đó thôi. Thăm dò xét hỏi về thực trạng của các quan lại ở trong kinh đô và ngoài các lộ, rồi cho thăng chức hoặc biếm truất có khác nhau.

Trước kia, nhà vua bí mật sai đi dò hỏi về thực trạng thanh liêm hay tham nhũng của các quan lại ở trong kinh đô và ngoài các lộ để tâu vua biết. Đến đây, ban thưởng cho những người làm việc lâu năm mà siêng năng chịu khó, chia làm hai bậc:

Bậc nhất, thưởng tước 1 tư1653 tiền 5 quan;

Bậc nhì, thưởng tước 1 tư1654 .

Còn những kẻ tham ô, làm trái phép nước, từ Tuyên uý, tướng hiệu đến Tuyên phủ, Chuyển vận và Tuần sát gồm 53 người đều bắt giao cho quan pháp ti xét hỏi.

Ban cho sư Huệ Hồng áo phẩm phục màu lục pha đỏ (phi) .

Lời chua - Huệ Hồng: Sư chùa Báo Thiên.

Áo màu lục pha đỏ (phi): Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chính biên XV, 22).

Tháng 8. Sâu cắn lúa.

Đúc tượng Thái Tổ và tượng Quốc thái mẫu1655 bằng vàng.

Đúc tượng xong, sai nhà sư làm phép điểm nhỡn, rồi sau mới rước lên nhà thái miếu để thờ.

Lời phê - Tầm bậy1656 ! Mở kỳ thi tại Tập Đường để sát hạch những giáo chức và những người quân và dân có học.

Bấy giờ các giáo quan phần nhiều không xứng đáng với chức vụ, lại hay chê bai nói xấu lẫn nhau. Việc này lên đến triều đình. Nhà vua sai các giáo chức ở Quốc Tử Giám và ở các lộ cùng với những người quân và dân có học vấn đều tập hợp để thi ở Vân Tập Đường, rồi căn cứ vào đấy sẽ xét kỹ để bổ dụng hoặc sa thải. Chân giáo chức nào khuyết sẽ lấy những người quân và dân đã thi đỗ mà bổ dụng vào.

Giảm thuế.

Bấy giờ bàn việc giảm nhẹ ngạch thuế khóa. Sắc sai: phàm đất bãi công ở sở tại đều chia cấp cho quân và dân làm sản nghiệp đời đời: quân thì 5 sào, dân thì 4 sào, đều được miễn thuế. Còn riêng hạng quan, quả1657 đều không được miễn. Phan Thiên Tước nói: "Chính sự của vương giả, đối với những người quan, quả, phải thương xót trước, nay ơn huệ chỉ nhuần thấm đến quân và dân, còn hạng quan, quả phải riêng chịu khô héo! Thể thống chính sự há nên như vậy ư?". Do đấy, hạn người quan, quả cũng được miễn tô 3 sào.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua đi đến Đông Tân, xem thi bơi1658 .

Lời chua - Đông Tân: Ở bờ sông Nhị, phía đông thành Đông Kinh.

Điểm duyệt quân đội và chiến cụ.

Sắc sai các quân: Hạn đến ngày 15 tháng 111659 đều tới điểm duyệt tại chỗ đã xác định.

Mồng 1, tháng 11. Nhật thực, nhưng không cứu chữa1660 .

Theo lời mật tấu của Bùi (Thì) Hanh, không cứu chữa khi có nhật thực.

Có sấm sét. Cầu vồng mọc.

Trời có tiếng kêu như sấm sét. Kinh đô động đất.

Bồn Man đến triều cống.

Bồn Man giáp với châu Ngọc Ma, thấy Cầm Quý ở Ngọc Ma không giữ lễ cống (nhà Lê), sợ vạ lây đến mình, nên phải quy phục trước, và đem dâng cống các sản vật địa phương, ngà voi, sừng tê. Nhà vua ban khen, thưởng cho áo dệt kim tuyến.

Lời chua - Bồn Man: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chính biên XVIII, 8).

Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 10).

Nhà vua sai bọn Tổng quản Lê Bôi và Tham đốc1661 Lê Văn Linh đi đánh châu Ngọc Ma, bắt được Cầm Quý, giải về Kinh đô, giết chết.

Cầm Quý có hơn vạn quân. Khi Thái Tổ mới khởi nghĩa Quý đem quân đi theo, được trao chức Thái úy; sau đó, Quý ngờ vực và hối hận, tự ý rút lui. Nhưng cậy chỗ ở là nơi hiểm trở xa khơi, Quý

không dâng nộp cống phú. Hắn là người tham lam tàn bạo, thê thiếp có đến hàng trăm, cung thất làm rất đồ sộ, cột nhà bằng đồng. Hắn bắt dân dưới quyền mình đóng góp nặng nề. Lê Thái Tổ đã định đi đánh, nhưng vì bận nhiều việc khác, nên chưa rảnh làm đến việc này. Đến đây, nhà vua sai bọn Lê Bôi đem các quân và binh lính ở trấn Nghệ An chia các đường tiến đánh: đến đâu thắng đấy, bắt được Quý, đóng cũi giải về kinh đô, giết chết.

Vét sông Đông Ngàn.

Điều động các quân vét sông Đông Ngàn để sự chuyển chở binh lương được thông đồng.

Lời chua - Đông Ngàn: Tức Cổ Pháp. Xem Lê đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chính biên II, 6).

Bính Thìn, năm thứ 3 (1436). (Minh, Anh Tông, năm Chính Thống thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ sang nhà Minh.

Nhà vua sai Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ sang nhà Minh, cầu xin phong vương.

Tháng 5, mùa hạ. Ân xá.

--

1565 Lễ tiến cống hàng năm. Xem thêm Chính biên XV, 29.

1566 Về việc này, Cương mục cũng như Toàn thư (quyển XI, tờ 1b-2a) không chép rõ là đưa trả nhà Minh số người còn bị giữ lại hay là số vàng tuế cống.

1567 Tức tháng giêng năm Giáp Dần (1434).

1568 Chỗ trấn mình ở. Thí dụ như quân ở Thanh thì gọi Thanh Hóa là bản trấn, quân ở Nghệ thì gọi Nghệ An là bản trấn.

1569 Quân hiệu này nếu chia tách ra thì là Tả Dực thánh quân, Hữu Dực thánh quân, Tiền Dực thánh quân và Hậu Dực thánh quân.

1570 Có thể là trường đua ngựa hoặc bãi tập bắn ở đương thời.

1571 Tháng 2 âm lịch.

1572 Trần Khát Chân cùng các đồng đảng mưu giết Hồ Quý Ly nhưng thất bại. Xem Chính biên XI, 34.

1573 Về việc Lê Thái Tổ tin dùng Lê Sát.

1574 Chỉ việc Lê Thái Tông chết ở Lệ Chi Viên.

1575 Chỉ việc Hán Cao Tổ, khi sắp mất biết rõ trong các bầy tôi có người hiền như Tào Tham, Vương Lăng, Trần Bình và nhất là Chu Bột, người có thể giữ cho họ Lưu (họ Hán Cao Tổ) được vững vàng yên ổn, nên đặt lại cho Chu Bột làm Thái úy.

1576 Chỉ việc Hán Văn Đế biết Chu Á Phu là một tướng tài giỏi, nên phong làm Trung uý, và dặn lại Cảnh Đế nên dùng Chu Á Phu khi có việc nguy cấp.

1577 Hiện nay đền này vẫn còn ở Hà Nội.

1578 Tức là quân ở Bắc đạo thuộc quyền Lê Văn An.

1579 Châu Bố Chính (Xem Chính biên XV, 10).

1580 Những người có chức vị ở trong xã hội phong kiến, cũng như đời sau gọi là "chức sắc" hoặc "cước sắc".

1581 Chỉ Lê Thái Tổ.

1582 Thuộc tỉnh Bắc Ninh.

1583 Nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

1584 Tức Đông Đô được đổi làm Đông Kinh từ năm Canh Tuấtn, 1430 (xem Chính biên XV, 26).

1585 Cũng như Cương mục, toàn thư XI, 7b chép việc Lê Khả làm Tuyên úy đại sứ ở trấn Lạng Sơn này vào tháng 4 năm Giáp Dần (1434), nhưng đến việc Lê Khả nhậm chức quân vệ ở Nam Sách hạ thì chép là đồng tổng quản, chứ không phải là đồng quản lãnh , và đặt vào chỗ tháng 6 năm Đinh Tị, 1437 ( Toàn thư XI, 40a)

1586 Cũng như Cương mục, toàn thư XI, 7b chép việc Lê Khả làm Tuyên úy đại sứ ở trấn Lạng Sơn này vào tháng 4 năm Giáp Dần (1434), nhưng đến việc Lê Khả nhậm chức quân vệ ở Nam Sách hạ thì chép là đồng tổng quản, chứ không phải là đồng quản lãnh , và đặt vào chỗ tháng 6 năm Đinh Tị, 1437 ( Toàn thư XI, 40a)

1587 Cũng như Cương mục, toàn thư XI, 7b chép việc Lê Khả làm Tuyên úy đại sứ ở trấn Lạng Sơn này vào tháng 4 năm Giáp Dần (1434), nhưng đến việc Lê Khả nhậm chức quân vệ ở Nam Sách hạ thì chép là đồng tổng quản, chứ không phải là đồng quản lãnh , và đặt vào chỗ tháng 6 năm Đinh Tị, 1437 ( Toàn thư XI, 40a)

1588 Chỉ việc Bùi Hanh nói tinh vượn đen hút khí mặt trời và xin yểm bằng con vượn thật.

1589 Chúc Chiêm Thành (xem Chính biên XVI, 8).

1590 Đánh thuế nặng để làm giàu cho bề trên.

1591 Chỉ bọn Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước.

1592 Chữ trong thiên Ích tắc, kinh Thư , lời Hạ Vũ khuyên vua Thuấn, ý nói thuận theo chính đạo mà đứng chính chỗ chỉ thiện.

1593 Chịu trách nhiệm nhận lĩnh và bảo đảm.

1594 Chỉ việc Trãi giận mắng bọn Nguyễn Thúc Huệ góp ý kiến xin sửa lại vài chữ trong bài tấu.

1595 Chỉ việc sau này Trãi bị tru di tam tộc vì vụ án trại Vải (Lệ Chi Viên).

1596 Trương Lương, tên tự là Tử Phòng, giúp mưu bày kế cho Hán Cao Tổ thống nhất thiên hạ. Khi Hán Cao Tổ làm vua, vì có công, Trương Lương được phong Lưu hầu; về sau, đi tu tiên, thoát ra ngoài vòng danh lợi.

1597 Xem Chính biên XVI, 5.

1598 Xem Chính biên XV, 10 và XVI, 5.

1599 Tức đầu triều Lê.

1600 Chỉ Lê Thái Tổ.

1601 Chỉ Lê Thái Tổ.

1602 Chỉ Lê Thái Tổ.

1603 Tức tòa tư pháp giữ việc xét xử hình ngục.

1604 Chỉ Lê Thái Tổ.

1605 Chỉ việc Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ về hùa với Lê Sát, buộc tội Bùi Ư Đài.

1606 Tên tự của Cấp Ảm, người Bộc Dương đời Hán. Dưới triều Hán Vũ đế (140-87 tr.c.ng.). Cấp Ảm được vời làm cửu khanh, rất cương trực trong những việc can ngăn và đàn hặc ở triều đình, khiến cho vua cũng phải e dè kiêng nể. Hán Vũ đế thường nói: "Đời xưa có hạng bầy tôi làm trụ cột cho xã tắc, xem như Cấp Ảm bây giờ có thể gần bằng đấy".

1607 Xem việc năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5).

1608 Tức Phạm Thị, tên là Trần, mẹ đẻ Lê Thái Tông.

1609 Theo kinh nhà Phật, khi mẹ của Mục Liên ở nơi địa ngục, hễ đồ ăn vừa vào đến miệng liền hóa thành lửa bỏng, nên không ăn được gì cả.

1610 Nghĩa là cứu người bị treo ngược, ý nói cấp cứu người đang ở trong cảnh vô cùng đau khổ.

1611 Lễ tế tam sinh gồm có bò, dê và lợn.

1612 Một nghi thức xưa để tỏ ý trọng đãi người hiền.

1613 Xem "Lời chua" của Cương mục ở Chính biên XV, 23.

1614 Tứ thư, tức là bốn sách của nhà nho: Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh tử .

1615 Như hưu trí.

1616 Một chức quan ở đương thời.

1617 Thuộc tỉnh Thanh Hóa.

1618 Chỉ Lê Thái Tổ.

1619 Lê Vĩ sang Minh cáo phó (tin Lê Thái Tổ mất), tháng 11, năm Giáp Dần, 1434 (theo Toàn thư XI, 17b-19a).

1620 Từ Vĩnh Đạt sang sứ ta năm Kỷ Dậu, 1429 (Chính biên XV, 25).

1621 Chương Xưởng sang ta năm Tân Hợi, 1431 (Chính biên XV, 29).

1622 Điện này làm từ cuối năm Quý Sửu, 1433 (Chính biên XV, 33).

1623 Xem chú giải ở Chính biên XVI, 13.

1624 Tang vua Lê Thái Tổ. Xem thêm chú giải ở Chính biên V, 19.

1625 Chỉ việc Thiên Tước đàn hặc Lê Thụ và việc Lê Thái Tông đối xử với một số đại thần phạm lỗi.

1626 Ngô Sĩ Liên là người triều Lê, nên gọi Lê là bản triều.

1627 Tức bà Cung Từ, mẹ đẻ Lê Thái Tông.

1628 Xem chú giải số 3 ở Chính biên IV, 25.

1629 Hán Văn đế (179-157 tr.c.ng.), trước khi mất, còn để tờ chiếu lại, đại ý nói: Phàm những chỗ họ thân phải trở 9 tháng thì rút xuống chỉ để 15 ngày, phải trở 5 tháng thì để 14 ngày, sau khi chôn cất. Còn quan lại và nhân dân trong nước thì kể từ sau khi ban bố mệnh lệnh theo lời di chiếu, chỉ để tang ba ngày. Mãn tang rồi, phàm những việc lấy vợ, gả chồng, cúng tế, uống rượu, ăn thịt đều không cấm (Theo Tư trị thông giám , của Tư Mã Quang) quyển XV, trang 508-509.

1630 Về việc này, Toàn thư XI, 25b chép rõ hơn: "Dùng Lê Thiêm làm Phòng ngự sử, coi quản công việc quân và dân ở châu Nam Mã, châu Tàm thượng, châu Tàm hạ và huyện Lan Hòa". Và: "Nhân bấy giờ các Mường Ai Lao bề ngoài tuy quy thuận, nhưng vẫn tráo trở bất thường, nên triều đình phải đặt quan để cai quản". Như vậy hai chữ "lưu quan" đây là do Cương mục đặt thêm sau, chứ Toàn thư không có. Lưu quan, Từ nguyên (trang 871), nghĩa là quan lại do chính phủ trung ương ủy nhiệm ở những địa phương thông thường, đối lại với thổ quan là người bản thổ trong các dân tộc như Miêu, Dao, nối đời giữ chức. Theo Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật thì lưu quan là chức quan được luân lưu thay đổi.

1631 Vì theo đề nghị của Nguyễn Trãi, trước khi bỏ tang, còn mặc đồ trắng trong 27 ngày (Chính biên XVI, 22).

1632 Đồ mặc của người không có tang.

1633 Về việc Lê Thái Tông mặc đồ trắng ra coi triều v.v...

1634 Nguyên văn là "Kim ngân tửu khí", chép như vậy không được sáng nghĩa, nên mấy chữ này cũng có thể dịch là "vàng, bạc, đồ dùng uống rượu...".

1635 Tên đất.

1636 Làm lễ đặt chén rượu ở trước thần vị để tế tiên sư.

1637 Ngày "thượng đinh" gọi tắt, tức nhảy đứng vào ngôi thứ tư trong mười thiên can (như giáp, ất, bính, đinh, ...) thuộc thượng tuần (từ mồng 1 đến mồng 10) tháng 2 hay tháng 8 âm lịch.

1638Toàn thư XI, 24a chép là Nguyễn Tông Trụ.

1639Kỳ nhân , nghĩa đen, là người già, trạc 60 tuổi. Còn cương vị và nhiệm vụ của kỳ nhân trong sứ bộ đương thời thế nào, chưa rõ.

1640 Chỉ việc Lê Thái Tổ giết Lê Hãn (tức Trần Nguyên Hãn) và Lê Văn Xảo (tức Phạm Văn Xảo). Xem Chính biên XV, 20, 27.

1641Châu Bố chính . Xem Chính biên XV, 10 và XVI, 5.

1642 Châu Nghệ An. Xem Chính biên XV, 10.

1643 Hạng bầy tôi bé nhỏ ở trong cung.

1644 Người nữ sư vừa săn sóc vừa dạy dỗ hạng vua trẻ tuổi.

1645 Tức là Trần Thị và Phạm Huệ Phi, hai người vợ lẽ Lê Thái Tổ, đều là dì ghẻ của Lê Thái Tông.

1646 Chức quan võ gần vua ở đương thời.

1647Cương mục in là Nghiêu, Thuấn. Đây theo Toàn thư XI, 22b chép là "Ngu Thuấn" đúng hơn, vì bấy giờ Bá Ích khuyên răn Ngu Thuấn đừng biếng nhác, đừng buông tuồng (vô đại, vô hoang) thì Nghiêu đã chết rồi (xem Thiên đại vũ mô trong Kinh thư ).

1648 Tên là Thế Dân, con Đường Cao Tổ, trị vì từ năm 627 đến năm 649.

1649 Ngụy Trưng, tên tự là Huyền Thành, người Khúc Thành đời Đường, khi làm quan dưới triều Đường Thái Tông, Trưng có dâng đến hơn hai trăm bản tấu để can ngăn, lời lẽ thiết tha thành khẩn, được nhà vua kính sợ.

1650 Nguyên văn là "Thập tiệm", tức là mười điều Đường Thái Tông tỏ ra dần dần không được tốt bằng khi mới lên ngôi: 1- Sai sứ đi xa hàng muôn dặm để lùng tuấn mã và kiếm đồ báu lạ; 2- Do lòng xa xỉ kiêu rông, định dùng nhân lực vào việc doanh tạo; 3- Buông thả lòng ham muốn, làm nhọc người ta; 4- Suồng sã với tiểu nhân, xa lánh quân tử; 5- Thích nhận những của hiếm có, ham làm những sự để chơi; 6- Yêu hay ghét ai chỉ tùy theo ý riêng của mình; 7- Ham thú săn bắn; 8- Nét mặt không có thái độ để tiếp người dưới và hay vặn hỏi lỗi nhỏ của người ta; 9- Gây to kiêu ngạo, dùng nhằm việc võ; 10- Làm cho dân khổ vì diêu dịch đến nhọc mệt, xơ xác, oán thán, chia lìa.

1651 Thuộc tỉnh Hà Nam.

1652 Về việc ra sắc lệnh khuyên bảo trăm quan tu tỉnh, chăm lo làm tròn chức vụ.

1653 Xem chú giải số 2 ở Chính biên VII, 4.

1654 Xem chú giải số 2 ở Chính biên VII, 4.

1655 Tức bà Cung Từ, mẹ Lê Thái Tông.

1656 Chỉ việc sai sư điểm nhỡn cho hai pho tượng vàng.

1657Quan: đàn ông không vợ. Quả: đàn bà góa chồng.

1658Toàn thư XI, 31b chép rõ là "xem năm quân (ngũ quân) thi bơi". Như vậy cuộc thi bơi này chỉ riêng có quân đội được dự thôi.

1659 Năm Ất Mão, 1435.

1660 Theo mê tín xưa, nhật thực là một tai biến, nên gặp khi nhật thực, người ta thường cứu chữa bằng mọi hình thức như gõ mâm, nồi, đập nong, mẹt, v.v...

1661 Chức quan nằm trong một vệ ở đầu thời Lê. Đứng đầu mỗi vệ là Đề đốc, Tham đốc đứng thứ hai.

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home