Chính Biên - Quyển thứ XVIII
K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XVIII
Từ Mậu Thìn, Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (1448) đến Kỷ Mão, Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ 6 (1459), gồm mười hai năm.
Mậu Thìn, năm (Thái Hòa) thứ 6 (1448). (Minh, năm Chính Thống thứ 13).
Tháng 2, mùa xuân. Đèo Mạnh Vượng, tri châu Phục Lễ, có tội. Triều đình cho phép Mạnh Vượng được chết, rồi trao chức Chiêu thảo sứ cho em hắn là Dao.
Mạnh Vượng là người tham lam, tàn bạo, ngầm dùng thuốc độc giết chết người trong bộ lạc của hắn. Nhiều người oán giận. Việc đến triều đình. Triều đình cho phép Mạnh Vượng được chết, rồi tịch thu cả nhà, phong cho em hắn là Dao làm chức Chiêu thảo sứ1787 , vẫn cứ coi quản công việc Phục Lễ.
Lời chua - Phục Lễ: Tức châu Ninh Viễn. Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 17).
Miền Đông đạo1788 đồn ngoa rằng có sứ nhà Minh sang ta. Triều đình sai bọn Lê Khắc Phục đi lên biên giới.
Bấy giờ Đông đạo đồn ngoa rằng sứ nhà Minh đến nơi biên giới để hội đồng với ta làm việc khám nghiệm. Triều đình sai Trình Dục, Đông đạo tham tri, đến tận nơi để thăm dò. Dục vừa mới đến biên giới, đã vội quay về tâu rằng quan khâm sai nhà Minh kết hợp với các quan trấn thủ Quảng Đông đem nhiều binh mã đến. Triều đình liền sai bọn Tư khấu Lê Khắc Phục, tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Văn Phú, Hữu thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật cùng với Tây Đạo1789 Đồng tri Nguyễn Thúc Huệ đi lên biên giới, chờ đợi để hội khám. Lại sai Nam Sách lộ1790 Đồng tri Lê Thiệt đem hơn vạn quân kết hợp với quân sĩ ở trấn An Bang làm việc tuần phòng biên giới. Mọi người đều được ban cho tiền nhiều ít có khác nhau. Lại sắc sai miền Đông đạo chuẩn bị làm việc khao quân. Vì thế, trăm họ nôn nao nhộn nhạo.
Khi đến biên giới, mọi người ở lại hàng tuần1791 , hàng tháng, chẳng hề thấy có tin tức gì cả. Ai nấy mua các hàng hóa Trung Quốc rồi về, nói thác ra rằng quan khâm sai nhà Minh vì cớ riêng, không đến được. Quan Ngự sử đài là Hà Lật, vì bè đảng, không chịu nói. Triều đình cũng bỏ qua, không xét hỏi đến việc này nữa.
Lời phê - Còn ra thể thống gì nữa! Lời chua - Nguyễn Mộng Tuân: Người làng Viên Khê, huyện Đông Sơn1792 .
Đông đạo, Tây đạo: Đều xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 5).
An Bang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19, 29).
Mưa đá.
Nhà vua hầu Hoàng Thái hậu đi vào Lam Kinh.
Sai bọn Lê Thận và Lê Bí ở lại trấn giữ Đông Kinh, còn các vương đều cho đi hộ giá, nhà vua hầu Hoàng Thái hậu vào Thanh Hóa, bái yết các lăng tẩm, ban cho các quan tùy tùng ăn yến ở hành điện1793 và thưởng cho họ tiền bạc nhiều ít có khác nhau.
Lời phê - Bấy giờ nhà vua còn thơ ấu, đi xa sao được! Về việc này, chính Lê thái hậu và các đại thần khó chối trách nhiệm. Lời chua - Lam Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên XV, 33).
Bồn Man1794 đến dâng lễ cống.
Bồn Man đến cống: sừng tê, vàng bạc và một con voi có ba ngà. Nhà vua hạ chiếu ban cho sứ giả Bồn Man: đoạn hồng, lụa, đồ sứ, rồi cho về.
Gác Thừa Thiên đã hoàn thành.
Trước kia, sai sửa chữa gác Thừa Thiên; đến đây làm xong. Quy chế lần này lại càng rộng rãi tráng lệ hơn trước.
Tháng 4, mùa hạ. Ra lệnh cấm chiếm ruộng đất công làm của riêng.
Cấm quan, quân và dân không được chiếm ruộng đất công để làm vườn, ao.
Cho Lê Xí được khai phục quan chức, làm Thiếu bảo tri quân dân sự.
Thái phó Lê Văn Linh chết.
Văn Linh là bậc khai quốc công thần, là vị nguyên lão đã giúp ba triều đại1795 , có mưu trí, có tài cán, biết sự việc một cách đại thể. Khi ở triều đường, có nhiều kiến nghị sáng suốt. Vụ án Lê Sát, Văn Linh vẫn cứ thẳng thắn can ngăn, không a dua, được dư luận đồng tình. Nhưng phải cái là tham của, ăn hối lộ, tin sùng các thầy chùa. Cũng vì những điều đó, người ta đánh giá ông kém đi một chút. Thọ 72 tuổi.
Lời phê - Lê Văn Linh là kẻ về bè với Lê Sát. Nay sử lại chép như thế này, còn biết đâu là tà với chính nữa? Bắt đầu ra lệnh cho thân quân thay đổi phiên nhau, vào làm túc vệ.
Lê Thái Tổ khi mới dẹp yên cả nước, có đặt ra Ngự tiền võ đội, từ chức Quản lãnh trở xuống đều phải túc trực thường xuyên, không được thay đổi. Đến đây, triều đình bàn rằng gần nay luôn năm có nạn hạn hán và sâu cắn lúa, từ nhà nước đến tư gia đều túng thiếu, thế mà vệ sĩ ngày một tăng thêm, làm phí phạm lương bổng cung cấp; do đó mới chia làm ba phiên, lần lượt thay nhau vào làm túc vệ.
Lời chua - Võ đội: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, tướng hiệu ở các vệ quân hễ ai có phạm lầm lỗi gì thì sung làm võ đội túc vệ, trong đội có chức Quản lãnh.
Giảm bớt số tướng hiệu ở các vệ quân.
Theo thể chế cũ, thì trong các quân Ngự tiền, mỗi quân có tám tướng hiệu; trong năm quân Thiết đột, mỗi quân có bốn tướng hiệu. Đến đây, các đại thần bàn rằng số võ biền có nhiều, chỉ tổ làm thêm gánh nặng cho dân, vậy xin giảm bớt, mỗi quân chỉ đặt hai tướng hiệu thôi. Nhà vua nghe theo.
Lời chua - Các quân Ngự tiền: Xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 1 (Chính biên XVI, 2).
Thiết đột: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên XV, 3).
Răn dạy các quan lại.
Lời dụ răn bảo văn võ trăm quan: "Nhà nước đã cấp bổng lộc theo thường lệ để gây nuôi đức tính thanh lêm, lại có pháp luật chung để cho mọi người tuân giữ. Thế mà ngày nay còn có những kẻ không giữ phép nước, ăn hối lộ, làm việc riêng tây. Những khách qua đường chẳng ai là không than oán. Đó không phải chuyện nhỏ đâu. Từ nay mà đi, ai nấy phải nên giữ mình cho trong sạch, chấp hành phép công. Kẻ nào còn cứ mê man không chừa, nếu việc lộ ra thì sẽ khép vào tội nặng hơn mức bình thường. Cấp trên không biết răn dạy cấp dưới, bạn đồng liêu không biết khuyên bảo lẫn nhau, sẽ đều bị tội đúng như pháp luật đã định".
Hạn hán. Nhà vua chính mình đi lễ cầu đảo. Tha những tù phạm bị tình nghi.
Trước kia, quan Ngự sử đài là bọn Hà Lật và Đồng Hanh Phát đàn hặc các Thẩm hình đại phu là bọn Trình Mân, Nguyễn Văn Kiệt và Lê Bá Viễn về việc để đọng hình ngục. Nhà vua sai bọn Lật đến viện Ngũ hình để kiểm soát, thấy còn đọng lại đến 125 bản án chưa xét xử dứt khoát. Bấy giờ các đại thần mới tâu xin nhà vua sai các quan ở Ngự sử đài năm đạo1796 kết hợp với ti Tường hình duyệt hết các bản án, đừng để cho việc hình ngục phải ứ đọng, gây đau khổ cho dân. Biếm truất bọn Trình Mân và Văn Kiệt mỗi người xuống một tư1797 .
Đến đây, hạn hán. Nhà vua đem trăm quan đến cung Cảnh Linh và chùa Báo Ân, làm lễ đảo vũ. Rồi rước tượng phật Pháp Vân đến chùa Báo Thiên, hạ lệnh cho sư tụng kinh cầu đảo. Nhà vua hầu hoàng thái hậu đến dự lễ. Ngày ấy, tha cho 24 người tù bị tình nghi.
Lời phê - E rằng chưa nắm được sự thực1798 . Lời chua - Cung Cảnh Linh: Xem Lý Thần Tông, năm Thiên Thuận thứ 1 (Chính biên IV, 21).
Pháp Vân: Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 2 (Chính biên III, 32).
Chùa Báo Thiên: Xem Lý Thần Tông, năm Thiên chương bảo tự thứ 5 (Chính biên IV, 32).
Hạ chiếu cho bầy tôi và dân chúng tiến cử người hiền lương, chân phương, ngay thẳng và dám nói.
Nhà vua hạ chiếu cho các quan ở Kinh Diên, ở Ngự sử đài, ở Trung thư sảnh và ở Hàn lâm viện ai nấy điều trần về những lý do gây nên hạn hán. Các đại thần là bọn Lê Thụ đều dâng biểu chương tự đàn hặc mình và cầu xin miễn chức. Nhà vua ban sắc dụ không ưng thuận. Nhân đó có lời chiếu rằng:
"Mấy năm vừa đây, nào lụt, nào hạn, nào hoàng trùng, tai biến dồn dập xảy đến! Có lẽ vì chính sự và mệnh lệnh của trẫm trên không thuận theo lòng trời, dưới không ăn hợp với ý dân, hay là những đại thần phụ chính làm việc giúp rập điều lý có sai trái để gây nên nông nỗi thế chăng?
"Vậy, thần dân các ngươi ai nấy đều nên trình bày cho trẫm biết rõ những điều sai trái thiếu sót. Hễ thấy có người hiền lương, chân phương, thẳng thắn và dám nói thì cho phép tiến cử ngay. Các người phải căn cứ vào sự thực mà điều trần, chứ đừng vin dẫn những lời văn suông của người xưa làm gì".
Lời phê1799 - Nhà vua bấy giờ nào đã biết gì1800 , chẳng qua chỉ là lời văn suông thôi. Tháng 6. Tha thái phó Lê Liệt ra khỏi ngục1801 .
Bấy giờ vụ án Lê Liệt để kéo dài đến bốn năm, không xử dứt khoát. Đến đây, tông chánh Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan xin lựa uốn phép nước, mở rộng ơn trên, bèn tha cho Lê Liệt, rồi lại tha cả vợ con của Liệt.
Tháng 7, mùa thu. Miền Tây Đạo1802 đói kém lớn. Triều đình xuất thóc trong kho nhà nước ra cho dân vay.
Tri Tây đạo là Nguyễn Phú tâu trình rằng địa phận ba trấn Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng và các lộ Đà Giang thuộc miền rừng núi, ruộng đất cứng rắn xấu kém, luôn năm hạn hán và hoàng trùng, nhân dân phải nheo nhóc đói kém. Vậy xin xuất thóc gạo trong kho nhà nước ở sở tại để phát chẩn và cho dân vay. Nhà vua hạ chiếu y theo.
Lời chua - Tuyên Quang, Đà Giang: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 27, 30).
Quy Hóa: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 41).
Gia Hưng: Tức Lâm Tây. Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chính biên II, 41).
Sao Huỳnh Hoặc đóng ở phận sao Tâm.
Hai sao lấp ló vào giới phận của nhau, lẩn quẩn (câu dĩ) đến hơn một tuần1803 .
Lời chua - Huỳnh hoặc: Phần "Thiên quan thư" trong Sử ký (Trung Quốc) chép: Sao Huỳnh Hoặc, ở phương nam, thuộc hành hỏa, chủ về mùa hạ. Ngày bính đinh (tức ngày hỏa), người làm vua mà thiếu sót về lễ phép và không sáng suốt về sự nhìn nhận thì bị trời phạt bằng cách có sao Huỳnh hoặc xuất hiện. Sao Huỳnh hoặc mọc thì có binh lửa, lặn thì tan binh đao. Huỳnh hoặc là điềm rối loạn, tàn phá, tật bệnh, tang tóc, đói kém, binh đao.
Sao Tâm: Chòm sao Tâm là nơi minh đường1804 : ngôi sao lớn ở giữa là chính vị thiên vương, ngôi sao ở phía trước là chỉ thái tử, ngôi sao ở phía sau là chỉ con thứ của vua. Mục "Chính nghĩa" trong phần "Thiên quan thư" của Sử ký trên đây chép rằng: "Khi đóng ở phận sao khác, gọi là thù". Đây có nghĩa là sao Huỳnh hoặc xuất hiện mà đóng ở phận sao Tâm.
Câu dĩ (lẩn quẩn): Theo phần "Thiên văn chí" trong sách Quân khuy tập yếu , thì "câu" có nghĩa là quanh về tả, lại vòng về hữu, như hình chữ "câu"; "dĩ" có nghĩa là đi rồi lại lại, lại rồi lại đi, quanh co như hình chữ "dĩ".
Tồn Bồn Man cầu xin phụ thuộc về ta. Triều đình đem đất của Tồn Bồn Man đặt làm châu Quy Hợp.
Lời chua - Tồn Bồn Man: Đất này ở về phía tây tỉnh Nghệ An, đông nam giáp miền thượng du Nghệ An và phần rừng rú thuộc Quảng Bình, tây bắc giáp châu Ninh Biên thuộc Hưng Hóa và miền thượng du thuộc Thanh Hóa, phía dưới tiếp giáp với Quỳ Châu và Tương Dương thuộc Nghệ An.
Tồn Bồn Man còn tên nữa là Bồn Man, Cầm Lư thị nối đới làm thổ tù. Khi Lê Thái Tổ đã khai quốc, Bồn Man mới bắt đầu đến triều cống. Dưới triều Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 5 (1447), Bồn Man đến tiến cống voi và xin phụ thuộc về ta. Nhà vua xuống chiếu cho đổi Bồn Man làm châu Quy Hợp lệ thuộc vào phủ Lâm An.
Theo Nhất thống chí của Lê Định1805 thì châu Quy Hợp có 12 sách và động, đều là dân người Mán cả. Có quan quân đóng ở đó để phòng thủ. Từ đồn Quy Hợp này đi lên phía tây thì đến phủ Trấn Ninh, đường dài 1.929 tầm1806 . Đó là con đường mà nước Vạn Tượng sang ta triều cống tất phải đi qua.
Các đại phu ty Tường hình là bọn Lê Bá Viễn và Phạm Phúc đều bị bãi chức.
Trước kia, Bá Viễn khám xét việc kiện tụng, lời lẽ trong án văn có liên quan đến Ngự sử trung thừa là Hà Lật. Hà Lật căm giận, bèn chắp nhặt những lời phao đồn mà hặc bọn Bá Viễn sử dụng pháp luật quá nghiêm khắc, không đáng cho giữ pháp ty.
Nhà vua sai quan [Ngự sử đài] năm đạo1807 tra xét việc đó. Bọn Bá Viễn cũng dâng biểu hặc lại Hà Lật rằng, trước kia, Hà Lật phạm tội, bây giờ lại giữ chức Ngự sử. Vậy xin đối chất với Lật.
Hà Lật lại tâu: "Từ Tam đại1808 trở đi, chưa từng nghe nói bao giờ có chuyện người bị hặc trở kiện lại người đàn hặc. Nay bọn Bá Viễn tranh kiện với thần, thế là họ coi khinh người làm tai mắt của bệ hạ. Vậy thần nếu nhân đó mà phải bãi chức thì cố nhiên là không có gì đáng tiếc cả, nhưng chỉ sợ, sau đây, hễ ai giữ chức Ngự sử này, sẽ phải im hơi nín tiếng, không dám nói".
Bấy giờ bọn Lê Khả và Lê Khắc Phục tâu: "Bọn Bá Viễn dám hặc lại quan Ngự sử đài! Vậy xin nên bãi chức họ đi". Nhà vua nghe theo.
Cấm dân gian không được mặc quần áo và dùng đồ đạc trái với quy chế đã định.
Bấy giờ thói tục đua chuộng xa xỉ và tiếm lấn. Nhà vua bèn ra lệnh cho Lễ bộ định rõ điều cấm: dân gian không được mặc áo màu vàng, đi hài, mang giày và dùng đồ đạc chạm rồng, vẽ phượng.
Tháng 8. Bãi miễn chức quan Giám sát ngự sử của Cao Mô.
Cao Mô, trước kia, khi mới vào Ngự sử đài giữ chức can ngăn, có dâng sớ nói không thể để cho quốc cữu Nguyễn Phụ Lỗ tham dự chính sự được. Việc này làm trái ý hoàng thái hậu. Cao Mô bèn cáo bệnh, xin bãi chức. Nhà vua ưng thuận.
Lời chua - Nguyễn Phụ Lỗ: Người Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Môn hạ sảnh Hữu ti lang trung thiêm tri Tây đạo1809 là Bùi Hanh có tội, bị miễn chức.
Bùi Hanh tâu rằng ngày 16 tháng 8 ấy có nguyệt thực, nhưng không đúng. Ngự sử Đồng Hanh Phát hặc tội Bùi Hanh. Bùi Hanh cứ thản nhiên, không có vẻ lo sợ, khi lên điện tâu việc, vẫn cứ nhơn nhơn như không. Đồng Hanh Phát tâu rằng: "Tôi, thẹn mình giữ chức can ngăn, đối với chính sự và việc dùng người, hễ thấy nên hay chăng, được hay hỏng, đều phải tranh luận. Cổ ngữ có nói: "Lời gì có động đến nhà vua thì thiên tử thay đổi nét mặt, việc gì có quan hệ đến triều đình thì tể tướng phải chờ đợi nhận tội. Nay Bùi Hanh không biết hối lỗi, vẫn cứ nhơn nhơn tự đắc. Như vậy há những chỉ khinh nhờn hạng bầy tôi can ngăn thôi đâu, rất đỗi lại còn khinh miệt cả phép nước nữa. Vả, Bùi Hanh vốn là kẻ tiểu nhân gian tà dối trá. Thời vua Thái Tổ, Bùi Hanh đã bị phế bỏ vì nói càn bậy. Đến triều vua Thái Tông, Bùi Hanh lại dùng tà thuật để phô ngón lừa gạt. Bệ hạ1810 lúc mới cư tang, tình cờ gặp phải tai biến, dịch lệ. Bùi Hanh bèn mượn chuyện âm dương xung khắc để giải thích, rồi tâu xin để tang ngắn hạn cho khỏi thiên tai. Truy nguyên những việc Bùi Hanh đã làm phần nhiều đều là lừa dối phỉnh gạt. Tôi sợ đời sau cho rằng dùng nhà âm dương1811 làm chức Tham tri và kẻ bói toán làm chức An phủ là bắt đầu từ bệ hạ trước. Vậy không thể không xét kỹ được". Nhà vua bèn bãi chức Bùi Hanh, cho xuống làm Thái sử lệnh.
Bạch Khuê, An phủ sứ lộ Quốc Oai, nghe biết việc này, phát sợ, vội xin từ chức. Trước kia, Bùi Hanh và Thái chúc Bạch Khuê đều nhờ có ngón thuật số, dần dà quen biết và làm thân với các nhà đại thần. Bùi Hanh thì xin làm Môn hạ Hữu ti lang trung thiêm tri Tây Đạo; Bạch Khuê thì xin làm An phủ sứ. Các đại thần đều đứng bảo cử1812 cho hai người này. Hạng sĩ phu thấy vậy, lấy làm hổ thẹn vì phải đứng cùng hàng quan với họ. Có kẻ đề chữ vào bên cầu cửa Đông rằng: "Thiên địa bĩ, lộ an phủ; nhật nguyệt khuy, đạo tham tri" . Nghĩa là trời đất gặp vận bĩ, hàng lộ có quan an phủ; mặt trời mặt trăng khuyết; hàng đạo có quan tham tri1813 . Đến đây, cùng một ngày, Bùi Hanh và Bạch Khuê đều bị truất. Dư luận lấy làm hả.
Lời chua - Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).
Thổ tinh xâm phạm vào Thái âm1814 .
Lời chua - Thổ tinh: Phần "Thiên văn chí" trong Quản khuy tập yếu chép rằng: Sao Trấn Tinh1815 ở trung ương, thuộc hành thổ, lấn vào giới phận của Thái âm, quanh quẩn không đi khỏi. Xâm nhập từ 7 tấc trở vào, gọi là "phạm", tia sáng bắn vào nhau, cũng gọi là "phạm".
Tháng 9. Tu sửa đền miếu ở Lam Kinh.
Ra lệnh cho Lê Khả đôn đốc phu và thợ tu sửa đền miếu ở Lam Kinh.
Lục dụng con của Lê Ngân, Đại đô đốc cũ.
Lê Ngân là công thần khai quốc, bị chết một cách vô tội; con là Nho Tôn bấy lâu phải chìm đắm nơi hàng ngũ quân lính. Triều đình thương xót, bèn trao cho Nho Tôn chức Đại đội trưởng trong Bảo ứng quân.
Lời chua - Lê Ngân: Người Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên thuộc Thanh Hóa.
Bảo ứng quân: Theo "Binh chế chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì Bảo ứng quân thuộc trong sáu quân Ngự tiền.
Tháng 11, mùa đông. Gả Vệ quốc trưởng công chúa cho Lê Quát.
Quát là con Thái úy Lê Thụ. Công chúa mới lên mười. Nhà vua hạ chiếu cho Tư khấu Lê Khắc Phục đứng chủ trương về việc hôn nhân.
Bấy giờ Lê Thụ lo liệu việc sắm sính lễ. Những kẻ bon chen xu phụ đua nhau đem lễ đến dâng. Lê Thụ lại nhờ các trấn, các lộ lo kiếm trâu dê để dùng vào việc cưới. Các trấn, các lộ nhân đó bắt dân đóng góp cung ứng để mua lòng Lê Thụ. Ngự sử Đồng Hanh Phát có đàn hặc về việc này. Lê Thụ bỏ mũ, tạ tội với nhà vua; nhưng, những đồ người ta đưa biếu, Thụ vẫn đều nhận cả, không từ chối. Hanh Phát không đề cập đến việc đó nữa, rồi lại đem đồ lễ đến nhà Lê Thụ và nói xin lỗi. Những người thức giả đều chê cười Hanh Phát.
Các thổ tù ở Tuyên Quang là bọn Nông Thế Ôn, Dương Thắng Kim và Nguyễn Châu Quốc làm phản. Dẹp yên và giết chết cả.
Trước kia, bọn Thế Ôn ở Bảo Lạc, Thắng Kim ở Thám Già và Châu Quốc ở An Phú đều cậy có địa thế hiểm trở xa khơi, không chịu cung nộp phú thuế và sưu dịch. Đến đây, chúng định mưu cùng nhau liên hợp quân lại, giữ lấy bản châu, nổi lên làm phản. Việc lên đến triều đình. Nhà vua sai Lê Luân, Tổng quản Tuyên Quang, đem quân bản trấn đi đánh dẹp, bắt được bọn Thế Ôn và Thắng Kim, giải về kinh đô, giết chết.
Lời chua - Bảo Lạc: Xem Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ chiêu thắng thứ 9 (Chính biên III, 44, 45).
Thám Già: Tên sách1816 xưa.
An Phú: Tên đất xưa, thay đổi ra sao, không rõ.
Tháng 12. Nhập nội Đô đốc đình thượng hầu là Lê Chích chết.
Hồi mới khởi nghĩa, Lê Chích dâng sách lược bàn đánh lấy Trà Long trước. Lê Thái Tổ nghe theo1817 . Do đó, hạ được Trà Long, hàng được Ngọc Ma, vây được thành Nghệ An, lược định được Tân Bình và Thuận Hóa, thu nạp được vài vạn quân, quay cờ trẩy ra Tây Đô, chia quân đi lấy các đất đai khác. Người ta đều phục Lê Chích là người nhìn xa được sự việc và bày mưu được đúng sát.
Khoảng niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), Lê Chích, vào trấn thủ Hóa Châu, Chiêm Thành hai lần vào lấn cướp, ông đánh phá được. Oai danh của ông lừng lẫy cả cõi nam. Về sau, vì có công đi đánh Chiêm Thành, ông được thăng Nhập nội đô đốc. Đến đây, ông mất, tặng phong là Nhập nội tư không Bình chương sự, đặt tên thụy là Trinh Vũ.
Lời chua - Trà Long: Xem Bình Định vương năm thứ 7 (Chính biên XIII, 17).
Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16, 17, 21-23).
Tân Bình: Tức Lâm Bình. Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 3 (Chính biên III, 34).
Thuận Châu, Hóa Châu: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 23-24).
Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp xưa. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên III, 20-21).
Kỷ Tỵ, năm thứ 7 (1449). (Minh, năm Chính Thống thứ 14). Tháng giêng, mùa xuân. Mở yến tiệc. Biểu diễn nhã nhạc "Bình Ngô phá trận".
Trước kia, Lê Thái Tổ dùng việc võ dẹp yên thiên hạ, Lê Thái Tông nhớ nghĩ đến công đức đời trước, có đặt ra nhã nhạc "bình Ngô phá trận". Đến đấy, nhân dịp yến tiệc, triều đình sai tấu nhạc này: trong đám công thần có người cảm động đến phát khóc.
Đặt lại phép thi lại điển.
Theo lối cũ, thi lại điển bằng ám tả, viết chữ, làm toán và kinh nghĩa. Ai trúng cách thì được sung vào làm việc ở các cục. Đến đây, triều đình bàn bỏ bớt ám tả và kinh nghĩa, chỉ chuyên thi có môn viết và môn toán thôi. Phép thi lại điển bỏ ám tả và kinh nghĩa là bắt đầu từ đây.
Định rõ thể lệ cho những người có chân ấm được miễn đi lính.
Theo thể lệ cũ, về việc tuyển lính, chỉ có con quan lục phẩm mới được miễn, còn từ thất phẩm trở xuống đều không được. Đến đây, nghị định lại: từ lục phẩm trở lên, đời cháu cũng cho hưởng ấm, được miễn; con các quan thất phẩm và bát phẩm cũng được dự miễn. Còn các hoạn quan ai nấy đều được miễn cho một người thân thích của mình.
Đào sông Bình Lỗ.
Sai Tư khấu Lê Khắc Phục đôn đốc các cục Bách Tác, vệ quân Tứ Xương, Thiên Khai và quân dân Thái Nguyên đào sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh tới cầu Phù Lỗ, thông suốt đến Bình Than để sự đi lại ở Thái Nguyên được tiện lợi.
Lời chua - Sông Bình Lỗ: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 8 (Chính biên VIII, 36).
Vệ quân Tứ Xương, Thiên Khai: Không khảo được.
Thái Nguyên: Tức là Ninh Sóc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19, 32).
Lãnh Canh: Tức Lãnh kinh. Xem Lý Nhân Tông, năm Quảng Hựu thứ 5 (Chính biên III, 47).
Phù Lỗ: Tên đất xưa. Nay đổi là xã Phù Lỗ, thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh1818 .
Bình Than: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).
Quý Do, em vua nước Chiêm Thành, giết vua Chiêm là Ma Ha Quý Lai, tự lập làm vua, sai sứ sang ta dâng lễ cống, nhưng triều đình khước từ, không nhận.
Quý Do, sau khi tự lập làm vua, sai bầy tôi là bọn Giáo Nễ Mỗ Bàn Thoa dâng tiến sản vật địa phương. Nhà vua nói: Là tôi mà giết vua, là em mà giết anh, Quý Do thật là tên đại ác từ xưa đến giờ. Vậy nên khước từ mọi đồ dâng cống, không nhận. Nhân đó nhà vua sai bọn Nguyễn Hữu Quang, Đồng tri Hữu ti sự và Trình Ngự, Điện trung thị ngự sử, đem tờ dụ sang Chiêm Thành vặn hỏi về việc này.
Trước kia, Hữu Quang đi sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm giữ lại; đến khi Quý Lai lên làm vua, Hữu Quang được về. Vì vậy, nay mới có mệnh lệnh cho Hữu Quang đi Chiêm Thành.
Tháng 4, mùa hạ. Nhập nội thị trung1819 đình thượng hầu Lê Lễ chết.
Lê Lễ, sức vóc khoẻ hơn người, nối đời làm thần bộc nhà Lê Thái Tổ. Khi mới khởi nghĩa, Lễ có nhiều công trong việc giúp Bình Định vương thoát khỏi vòng vây, vượt qua nguy hiểm. Ông làm đến Nhập nội thị trung, tước Đình thượng hầu. Lê Thái Tổ, khi sắp mất, có khóc bảo ông rằng: "Trẫm nếu không còn sống, thì ai người biết khanh nữa!". Về sau, ông bị Nguyễn Thị Lộ gièm pha, phải giáng xuống
làm Thái tử thiếu bảo. Đến đây, 82 tuổi, khi bệnh nặng, ông được khai phục quan chức. Liền đó ông chết, được đặt tên thụy là Trung tiết.
Hạn hán. Nhà vua hạ chiếu tự xét mình. Buổi tối hôm ấy, mưa.
Đại hạn. Nhà vua đảo vũ ở cung Cảnh Linh; lại sai Bùi Cầm Hổ đến núi Tản Viên và núi Tam Đảo làm lễ cầu mưa, nhưng đều không ứng nghiệm. Nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.
Bài chiếu đại lược nói: "Luôn mấy năm nay hạn hán, thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán!
"Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?
"Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng?
"Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng?
"Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng?
"Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo bóc lột chăng?
"Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?
"Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng?
"Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ hư văn, làm cho ơn trách không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?
"Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng?
"Người làm chủ súy đạo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng?
"Chằm đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống1820 chăng?
"Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng?
"Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa thuận của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?".
Tờ chiếu vừa ban xuống, thì buổi tối hôm ấy, trời mưa.
Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ, đại lược nói: "Cô giả, những đời thịnh trị hễ gặp có tai biến tất biết răn sợ: vua thì xét mình, đại thần thì nhận tội, trên dưới đồng lòng kính cẩn sợ hãi để làm cho thiên tai qua khỏi. Quốc triều ta, từ niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) đến khoảng Thiệu Bình (1434-1439) và Đại Bảo (1440-1442), thóc lúa luôn được phong đăng, phúc trời nhuần thấm. Ngày nay, từ khi bệ hạ nối ngôi đến giờ, việc làm chưa có gì là lỗi lầm, thế mà nước lụt và hạn hán vẫn tiếp diễn, tai biến luôn xảy ra. Đó đều vì bọn thần không biết tuyên dương đức ý của nhà vua, và làm lầm lỡ về việc điều hòa khí âm khí dương. Thật đúng như lời trong tờ chiếu sáng suốt đã vạch ra đó.
"Vậy, cúi mong nhà vua cho vời bọn thần đến Chính sự đường để xét hỏi về việc quân, việc nước: điều gì nên làm, điều gì nên bỏ, chỉ cốt sát với sự thực, chứ không làm chuyện giấy tờ hư văn".
Thái hậu hạ chiếu đáp rằng: "Những chính sự tệ hại ngày nay có lẽ là sự tiến cử không công bằng, hoặc là cậy công mà gửi gắm nhau, hoặc là buông rộng thả dài cho bọn nô tỳ làm bậy, khuấy nhiễu làm hại dân lành. Những tệ hại đó đều nên sửa đổi".
Lê Khả, một hôm, nhân lúc bãi trào, lui gót, thấy phía trước nhà Vân tập đường có tấm lưới săn, liền sai cất đi và nói: "Đừng để hoàng thượng trông thấy kẻo gợi cho mai sau say đắm về việc đi săn".
Lời chua - Núi Tản Viên: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (Chính biên I, 34).
Tam Đảo: Tên núi, ở huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng, tỉnh Sơn Tây1821 .
Bắt đầu xây dựng các đàn thờ cúng ở kinh đô.
Ra lệnh cho xem đất ở kinh đô, chọn chỗ để lập các đàn thờ Thành hoàng kinh đô, thần Gió, thần Mây, thần Sét, thần Mưa và bách linh cô hồn để theo mùa mà thờ cúng.
Giảm nhẹ thuế đầm.
Bọn Ngự sử trung thừa Hà Phủ dâng thư nói rằng: "Biết lỗi, không phải khó; sửa lỗi, mới là khó; nói đến điều thiện, không phải khó; làm được điều thiện, mới là khó. Nay trời làm hạn hán, bệ hạ đã ban chiếu trong có nói: "Chằm khô cạn, không có cá, dân phải nộp thuế khống. Vậy xin giảm thuế đầm để tỏ ơn huệ thực sự". Triều đình nghe theo.
Tháng 5. Cấp phu quét tước cho Văn Miếu và các trường học ở các lộ.
Nguyễn Hữu Phu, An phủ sứ lộ Khoái Châu, xin cấp cho Văn Miếu và các trường học ở các lộ mỗi nơi 20 người phu quét tước và cho các giáo thụ mỗi viên hai người phu, để làm bổng thường. Triều đình nghe theo.
Lời chua - Khoái Châu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình long ứng thứ 4 (Chính biên V, 32).
Nguyễn Hữu Phu: Người làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng1822 , đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo1823 .
Sao Kim Tinh xuyên qua giới phận mặt trăng.
Lời chua - Sao Kim Tinh xuyên qua giới phận mặt trăng: Theo phần "Thiên văn chí" trong Quản khuy tập yếu1824 thì Kim tinh Thái bạch là sao đóng ở phương tây. Khi ông vua đối với ngũ thường1825 có thiếu sót về nghĩa và đối với ngũ sự1826 có lầm lỗi về lời nói, làm trái nghịch với tiết lệnh mùa thu và thương tổn đến khí hành kim1827 thì sự trừng phạt của trời sẽ tỏ ra ở điểm có sao Thái Bạch xuất hiện. Khi mặt trăng chuyển vần, hễ sao Thái Bạch đi vào giới phận mặt trăng mà suốt qua thì gọi là "quán".
Mưa. Đại xá cho cả nước.
Giáng Thị ngự sử1828 Lưu Thúc Khiêm xuống làm Yên Lãng Chuyển vận phó sứ và giáng Giám sát ngự sử1829 Nguyễn Cư Đạo xuống làm Quốc tử giám trực giảng1830 .
Trước kia, bọn Thúc Khiêm và Cư Đạo đàn hặc bọn Chính sự viện đồng tham nghị là Cao Doãn Cung, Trình Hoằng Nghi, Nguyễn Bá Thanh và Mai Tử Kiệt rằng họ làm đại thần ở Chính sự viện mà chỉ ngồi không, ăn hại, chẳng hề làm được việc gì, tuổi đã bảy mươi hãy còn tham lam bổng lộc và ngôi vị. Vậy nên bắt họ phải về hưu để kích lệ lòng liêm sỉ. Bọn Doãn Cung bèn xin thôi việc cả. Nhà vua ưng thuận.
Bấy giờ Tả hữu nạp ngôn là bọn Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Phó và Nguyễn Viết vào hầu vua học tập ở tòa Kinh Diên. Bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Tử Tấn, theo lệ, cũng đến tuổi cáo lão, thế mà vẫn cứ luyến tiếc địa vị, không có ý về hưu, e rằng không được dư luận dung thứ. Họ, vì thế, đều xin hưu trí. Nhà vua cố giữ lại. Họ bèn đem nhau đến lạy tạ, rồi lại giữ chức như cũ. Nhưng vì bọn Thúc Khiêm hay bới việc mà đàn hặc, nên trong lòng bọn Đào Công Soạn vẫn căm.
Đến đây, bọn Thúc Khiêm đều bị biếm truất.
Lời chua - Yên Lãng: Tên huyện, nay thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây1831 .
Nguyễn Cư Đạo: Người Đông Khối thuộc huyện Gia Định1832 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo.
Dùng Nguyễn Thúc Huệ làm Môn hạ hữu nạp ngôn và Bùi Hanh làm Tham nghị chính sự.
Quan giữ việc can ngăn là Đồng Hanh Phát dâng sớ nói rằng: "Chức quan cao trọng ở bản triều1833 chỉ là Tể tướng và Hành khiển thôi. Thúc Huệ xuất thân từ một tiểu lại, trước kia làm Tham tri Bắc đạo1834 , lấy nê việc này việc khác, bòn rút vơ vét của dân làm cho một lộ xác xơ, hết cả tiền của! Khi vâng mạng đi sứ ngoại quốc, Thúc Huệ bày chước quỷ quyệt, kinh doanh việc tư, đến nỗi người ngoài phải coi là một tên "đầu quỷ", làm nhục đến cả quốc thể là thế đó. Vậy còn dùng hắn làm gì! Bùi Hanh thì dùng tà thuật làm mê hoặc bề trên1835 khiến cho chúa thượng giẫm theo con đường lầm lỗi là để tang ngắn hạn1836 đã từng vì tội phỉnh gạt mà bị bãi chức. Thế mà nay lại cho Bùi Hanh thăng lên Chính sự viện tham nghị! Vả lại, "chính" là ngay thẳng. Bản thân người làm chính sự nếu không ngay thẳng thì làm việc ngay thẳng thế nào được? Hào "Lục tam" trong quẻ Giải1837 nói rằng: "Phụ thả thừa, trí khấu chí"1838 , có lẽ đúng như Thúc Huệ và Bùi Hanh đó chăng?".
Hoàng thái hậu bèn đem việc này hỏi ý kiến Tể tướng. Bọn Lê Khả thưa rằng: "Dùng người, không nên cầu toàn trách bị quá. Bọn thần thăm dò, chưa kiếm được người nào khác, chỉ thấy bọn Thúc
Huệ đang tại chức đều làm chạy việc. Còn đối với hạng tân tiến, bọn thần chưa biết rằng họ có là người hiền năng hay không, nên không dám đề cử một cách khinh suất". Do đó hoàng thái hậu quyết ý cứ dùng.
Lời chua - Bắc đạo: Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chính biên XIII, 32).
Tháng 7, mùa thu. Đặt lại quân hiệu.
Đổi quân hiệu Hỏa đồng1839 làm Thần lôi, Thần điện; quân hiệu Thiện trạo1840 làm Hải hồng, Hải mã, Hải kình, Hải thu; quân hiệu Bát nhiêu1841 làm Hải hoạt.
Lời chua - Hỏa đồng, Thiện trạo, Bát nhiêu: Theo "Binh chế chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì Lê Thái Tổ, khi đã lấy được thiên hạ, đặt các quân hiệu, có những danh hiệu như: Hỏa đồng, Thiện trạo, Bát nhiêu, v.v...
Sai sứ đi Chiêm Thành.
Trước kia, triều đình sai Nguyễn Hữu Quang đem tờ dụ đi vặn hỏi Chiêm Thành (về việc giết vua cũ là Ma Ha Quý Lai). Chúa Chiêm sai bầy tôi là bọn Bô Sa Phá Tham Tốt theo Hữu Quang đến nước ta. Nhà vua vặn hỏi về tội thí nghịch1842 . Sứ Chiêm không trả lời được. Đến đây, triều đình sai bọn Thượng thư Trình Dục vâng mạng đem thư sang dụ bảo Chiêm Thành và đòi lại những người nước ta còn ở lại Chiêm Thành. Người Chiêm vâng theo, tiễn đưa bọn Trình Nguyên Đĩnh 70 người trở về nước.
Tháng 10, mùa đông. Một người ở kinh đô đẻ ra đứa con có hai đầu.
Tháng 11. Dùng bọn giám sinh Lỗ Thuần làm Duyên lại.
Trước kia, dùng bọn giám sinh Nguyễn Cương Trung và Nguyễn Tự Đắc làm Chuyển vận phó sứ ở các lộ. Đến đây, dùng bọn Lỗ Thuần và Phạm Công Niêm 30 người làm Duyên lại ở các đạo. Giám sinh bổ làm thuộc lại là bắt đầu từ đây.
Lê Quán Chi có tội, nhưng được tha, không trừng trị.
Quán Chi là con Lê Khuyển, đang đêm, tụ họp đám đông đánh chết người. Việc phát giác, Quán Chi bị bắt bỏ ngục. Khi cung khai, Quán Chi tiêu xưng đến các con em của một số nội quan và nhà quyền quý hàng hơn mười đứa. Án đã kết. Hoàng thái hậu cho rằng Lê Khuyển là bậc đại thần, cầm quân cấm vệ, nên bà mới buông lỏng pháp luật mà tha Quán Chi. Bà ra lệnh chỉ thu lấy tiền đền mạng. Các quan trong Ngự sử đài là bọn Lê Lâm không dám nói... Trong đám con trẻ ở kinh đô đến nỗi có kẻ phải nắm tay một cách tức bực mà rằng: "Tôi chỉ giận mình không được làm ngự sử!".
Lời phê - Nhân chuyện này, có thể biết được thời sự bấy giờ ra sao. Lời chua - Lê Lâm: Người làng Hạ Bì, huyện Bất Bạt1843 .
Quy định rõ ràng về luật hộ.
Trước kia, Lê Thái Tổ muốn làm việc chia ruộng, nên về chế độ công điền công thổ, có đặt ra điều lệ và cấm lệnh một cách đặc biệt tường tận, còn đối với điền sản tư gia, chương trình hãy còn sơ lược. Đến đây, quy định rõ ràng thành mười bốn điều về điền sản, đặt thành luật lệnh hẳn hoi.
Lời chua - Mười bốn điều: Theo "Hình luật chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì khoảng năm Thái Hòa (1443-1453) có bổ sung thêm chương "Điền sản" gồm mười bốn điều.
Điều thứ 1 - Khi chồng chết, mà vợ trước có con, vợ sau không con thì điền sản của nhà chồng chia làm ba phần: con người vợ trước được hai phâần; bản thân người vợ sau được một phần để ăn gầy1844 . Người vợ sau nếu chết đi hay cải giá thì điền sản lại phải truy hoàn. Kẻ nào vi phạm sẽ phải phạt 50 roi.
Điều thứ 2 - Người con có vợ rồi, khi chết mà vô tự1845 tì điền sản của người con đó trừ khi cha mẹ hãy còn, sẽ để cha mẹ quản lý, bằng không sẽ chia đều làm hai phần: một phần để lại ở bản tông1846 dùng vào việc hương hỏa thờ cúng; một phần chia cho người vợ để ăn gầy đến trọn đời. Nếu người vợ đi cải giá thì phải truy hoàn. Kẻ nào vi phạm, sẽ phải phạt 50 roi.
Điều thứ 3 - Người vợ chết đi mà không có con, thì điền sản của bản thân người vợ ấy chia làm ba phần: một phần trả về gia đình nhà người vợ ấy nhận lấy mà quản lý; hai phần để cho người chồng ăn gầy đến trọn đời. Khi người chồng chết đi thì hai phần điền sản ấy lại phải truy hoàn cho bà con bên họ người vợ. Kẻ nào vi phạm sẽ bị phạt 50 roi.
Điều thứ 4 - Chồng đã chết, con còn bé, người mẹ đi cải giá mà lén lút bán điền sản của con thì phạt 50 roi; truy lại số tiền đã bán ấy trả lại cho chủ mua, còn ruộng trả về cho người con. Nếu người chồng sau đứng tên con của người chồng trước mà lén lút bán tài sản ấy thì phạt 60 trượng. Kẻ tri tình1847 mà còn cứ mua thì phạt 80 trượng, và mất cả số tiền đã mua.
Điều thứ 5 - Khi cha mẹ hãy còn, mà con trai con gái bán vụng trộm điền sản thì con trai phải phạt 60 trượng, con gái 50 roi. Truy số tiền đã bán trả lại chủ mua, còn điền sản hoàn lại cha mẹ.
Điều thứ 6 - Ông bà, cha mẹ đều chết cả, con cháu hãy còn nhỏ bé, thế mà người họ đồng tông tự tiện đem bán điền sản của các người con cháu ấy thì phải phạt 60 trượng.
Điều thứ 7 - Dưỡng tử có đủ giấy tờ làm con nuôi hẳn hoi và trong giấy tờ nói rõ là sẽ chia cho điền sản, thì khi chia điền sản, được phép chiếu theo đầu con mà quân phân, nhưng phải kém một phần để tỏ ra có khác với con đẻ. Kẻ nào vi phạm sẽ phạt 50 roi.
Điều thứ 8 - Kẻ đã làm con nuôi họ khác, khi thấy có số ruộng tuyệt tự của người họ mình mà lại cầu xin chia cho suất mình thì phải chịu kém người họ đồng tông một nửa phần. Kẻ nào vi phạm sẽ phạt 60 trượng.
Điều thứ 9 - Bán vụng trộm điền thổ của người khác, từ 10 mẫu trở lên phải khép vào tội đồ. Kẻ tri tình mà vẫn cứ mua thì phải phạt 80 trượng.
Điều thứ 10 - Ruộng đất đã cầm đợ rồi, sau không xin chuộc lại theo số tiền đã đợ ấy mà lại đem bán đợ hay bán đứt cho người khác thì phạt 50 roi, truy lấy số tiền trả lại cho chủ mua đợ.
Điều thứ 11 - Bán đợ ruộng đất, muốn chuộc mà không cho chuộc mà ngược lại, không muốn chuộc mà cưỡng ép bắt chuộc, đều phạt 80 trượng. Nếu để quá kỳ hạn rồi, chủ bán mới cưỡng ép đòi chuộc thì cũng phải tội như thế (kỳ hạn, nghĩa là ruộng mùa, lấy tháng 3 làm kỳ hạn; ruộng chiêm, lấy tháng 9 làm kỳ hạn).
Điều thứ 12 - Kẻ nào tranh chiếm ruộng đất của người ta rồi bán chạy cho người khác thì phạt 50 roi.
Điều thứ 13 - Nô tì bán vụng trộm ruộng đất của người gia trưởng thì phạt 90 trượng, thích chữ vào mặt, đày đi châu gần1848 . Ruộng đất, hoàn lại người chủ. Kẻ tri tình mà cứ mua thì phạt 50 roi, truy lại số tiền đã mua bán ấy nộp vào quan.
Điều thứ 14 - Con trai đã từ 16 tuổi và con gái đã từ 20 tuổi trở lên, ruộng đất của phần mình bị người trong họ hay người ngoài cày cấy hoặc cư trú đã quá kỳ hạn rồi mới tranh nhận (kỳ hạn nghĩa là người trong họ thì 30 năm, người ngoài thì 20 năm) thì phạt 80 trượng và mất hẳn ruộng đất ấy. Nếu vì cớ gặp cơn binh lửa hoặc phiêu bạt rồi sau mới về thì không câu nệ theo lệ luật này.
Canh Ngọ, năm thứ 8 (1450). (Minh, Cảnh Đế, năm Cảnh Thái thứ 1).
Tân Mùi, năm thứ 9 (1451). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 2).
Tháng 4, mùa hạ. Vì có nhiều tai biến, nhà vua hạ chiếu rộng ban ơn điển vỗ về thương xót.
Tờ chiếu nói rằng: "Luôn mấy năm nay, nào tai biến, nào hạn hán dồn dập xảy đến! Nếu không ban ơn huệ một cách thực sự để yên ủi lòng dân thì lấy gì đáp ứng được trời cao mà làm ngừng được tai biến? Vậy nay tha thuế; quân và dân người nào bấy lâu phải đi trốn tránh thì cho phép ra thú, sẽ được miễn tội; những vụ án ngục kiện tụng nào còn để đọng thì cho phép những quan coi giữ về các vụ ấy tâu lên cho đầy đủ để nhà vua xét".
Tháng 7, mùa thu. Giết Thái úy Lê Khả và con là Quát luôn với Tư khấu Lê Khắc Phục và con là Bá Nhai.
Lê Khả, khi làm tể tướng, đảm nhiệm lấy việc giúp vua sửa đổi điều lỗi và tiếp nhận những lời khuyên can, nhưng Khả sử dụng pháp lệnh một cách quá nghiêm khắc, không hề nể nang hay khoan gượm gì cả. Do đấy, triều đình ai cũng len lét sợ Khả. Có kẻ gièm pha với thái hậu rằng Lê Khả cùng với cha con Khắc Phục ngầm kết vây cánh bè đảng. Thái hậu tin lời, bèn giết luôn cha con Lê Khả và cả cha con Khắc Phục.
Tháng 10, mùa đông. Sứ nhà Minh sang ta.
Trước kia, Minh Anh Tông (1436-1449)1849 đi tuần phía bắc1850 , em là Thành vương Kỳ Ngọc trông coi việc nước, nhân đó tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Cảnh Thái1851 và sai bọn hành nhân trong ti Hành nhân là Biên Vĩnh và Tiến sĩ là Trình Huệ sang ta báo cáo về việc Cảnh Thái mới lên ngôi. Nhà vua sai bọn Đồng tri Đông Đạo1852 là Trình Chân và Trung thư thị lang là Nguyễn Đình Mỹ sang Minh chúc mừng.
Lời chua - Nguyễn Đình Mỹ: Người Chi Long thuộc huyện Kim Hoa.
Nhâm Thân, năm thứ 10 (1452). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 3).
Tháng 4, mùa hạ. Giam Thái úy Lê Thụ vào ngục.
Lê Thụ phải tội vì không biết dạy con là Lê Thị để hắn làm việc phù chú bùa ếm.
Tháng 7, mùa thu. Vì có tai biến, nhà vua lại hạ chiếu răn mình và đôn đốc bách quan.
Bài chiếu nói rằng: "Luôn mấy năm đây, tai biến dồn dập xảy đến, dân chúng ít được sinh sống thỏa thuê, trẫm lấy làm lo sợ lắm. Bây giờ muốn nghĩ cách làm để qua khỏi tai biến, gây được vui hòa, thì há chẳng nên tuân theo hiến chương đã lập thành và sửa bỏ những chính sự có tệ hại hay sao? Vậy nên cất dùng những người thanh liêm, tài năng, sa thải những kẻ đần độn, đớn kém, thi hành việc thăng chức và giáng chức cho xứng đáng, tha thuế khóa, xét xử án ngục oan uổng, chẩn tế cứu giúp những người quan, quả, cô, độc1853 ".
Tháng 10, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.
Bấy giờ Minh Cảnh đế (1450-1456) lập Hoàng thái tử, có sai Hình bộ lang trung là Trần Kim và Hành nhân ti hành nhân là Quách Trọng Nam sang ta báo cáo và ban cho các cây hàng tấm màu sắc và có hoa. Nhà vua sai bọn Thẩm hình viện là Phạm Du, Hàn lâm viện trực học sĩ là Nguyễn Bá Ký, chỉ huy là Lê Thượng và Thị ngự sử là Lê Chuyên sang Minh để đáp tạ và đưa đồ mừng.
Lời chua - Nguyễn Bá Ký: Người làng Vân Nội thuộc huyện Chương Đức1854 , đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1448) năm Thái Hòa1855 .
Quý Dậu, năm thứ 11 (1453). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 4).
Tháng 2, mùa xuân. Ân xá.
Tháng 11, mùa đông. Nhà vua bắt đầu chính mình cầm chính quyền. Đại xá cho cả nước. Đổi lại niên hiệu.
Kể từ năm sau (1454) là niên hiệu Diên Ninh thứ 1. Ban bố những điều đại xá cho cả nước. Truy tặng các công thần Lê Lễ, Lê Bị và Lê Triện mỗi người thêm tước một tư1856 . Cấp cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả và Lê Khắc Phục mỗi người 100 mẫu ruộng quan. Thường thời vỗ về thăm hỏi những người quan, quả, cô độc1857 . Biểu dương những nghĩa phu1858 , tiết phụ1859 do các quan địa phương đã tâu trình.
Lời phê1860 - Thì ra những việc trước đây đều là vẽ vời hão cả. Cứ xem trong Quang Thuận trung hưng ký1861 mà Sử cũ đã chép phụ đó1862 thì đủ biết. Rồi đây, Lê Nhân Tông mắc phải nạn lớn1863 , thì ra trong đám tôi con đầy rẫy ở triều đình bấy giờ đều không có người nào là hiền đức cả. Đáng trách biết bao! Giáp Tuất, năm Diên Ninh thứ 1 (1454). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 5).
Tháng giêng, mùa xuân. Đúc tiền Diên Ninh.
Ất Hợi, năm thứ 2 (1455). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 6). Sai Quốc tử bác sĩ Phan Phu Tiên sửa lại1864 bộ Việt sử (Sử cũ không chép tháng).
Bộ Việt sử này chép từ đời Trần Thái Tông (1225-1257) đến lúc người Minh rút về nước (1427), gồm 10 quyển.
Lời chua - Phan Phu Tiên: Người làng Đông Ngạc1865 , huyện Từ Liêm, đỗ khoa minh kinh năm Kỷ Dậu (1429), niên hiệu Thuận Thiên1866 .
Tháng 10, mùa đông. Châu Ngọc Ma có con chuột lớn bằng con lợn.
Lời chua - Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 10).
Bính Tý, năm thứ 3 (1456). (Minh, năm Cảnh Thái thứ 7). Tháng giêng, mùa xuân. Mở yến tiệc linh đình. Tháng 2. Phong Cầm Công, thổ tù châu Quy Hợp, làm Trấn viễn tướng quân.
Nhà vua sai viên ngoại lang Trịnh Dao đem sắc thư đến yên ủi dụ bảo Cầm Công và ban cho áo dệt kim tuyến, mũ cao sơn, yên ngựa và bàn ghế.
Lời cẩn án - Sử cũ chép là Hợp Châu. Nay xét Nghệ An chí thì châu Quy Hợp là đất Bồn Man xưa1867 , Cầm thị nối đời làm thổ tù. Vậy xin cải chính. Nhà vua đi Lam Kinh.
Nhà vua đi Tây Kinh1868 bái yết lăng tẩm, dùng bọn Lê Hiên và Lê Lựu sung chức Lưu thủ Đông Kinh1869 .
Lời chua - Lam Kinh: Tức Tây Kinh. Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chính biên XV, 26)1870 .
Mưa đá.
Nhà vua đến Lam Kinh. Đêm hôm ấy, mưa đá.
Nhằm ngày rằm, nhà vua đem các quan đi bái yết sơn lăng, sắm đủ lễ vật để cáo miếu, đánh trống đồng, tấu đại nhạc: hàng võ thì biểu diễn điệu múa "bình Ngô phá trận", hàng văn thì biểu diễn múa "chư hầu đến chầu". Cách đó vài ngày, nhà vua ban yến và tặng phẩm cho các quan đi hộ giá1871 có hơn kém khác nhau. Rồi bàn đặt tên cho các cung điện ở Lam Kinh; chính điện gọi là Quang Đức, điện phía trước gọi là Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là Diễn Khánh.
Nhà vua từ Lam Kinh về đến kinh đô.
Mặt trời có quầng.
Có cái quầng, màu xanh, vàng, đỏ, trắng, như hình cầu vồng, bao quanh mặt trời.
Tháng 3. Nhà vua sai bọn Nhập nội đô đốc Lê Ê và Nhập nội hành khiển Đào Công Soạn đi lên địa giới Thái Nguyên để hội đồng với người Minh làm việc khám xét về biên giới, nhưng tam ti1872 nhà Minh không đến. Bọn Lê Ê bèn trở về.
Trước kia, bọn Triệu Nhân Chính, Tri châu châu An Bình nhà Minh, và Nông Hồng Nguyên1873 , Tri châu châu Hạ Tư Lang thuộc trấn Thái Nguyên bên ta, cùng xâm lấn bờ cõi của nhau1874 . Việc nầy bên ta đã tâu lên vua Minh để tranh biện cho rõ rệt. Vua Minh sắc sai bọn tổng binh quan An Viễn hầu là Liễu Truyền kết hợp với ba ti Đô1875 , Bố1876 , Án1877 ở Quảng Tây đến tận nơi biên giới để hội đồng với các kỳ mục nước ta, đem bọn Nhân Chính và Hồng Nguyên ra đối chất, rồi tâu các lý do một cách đầy đủ và minh bạch để vua Minh nghe.
Nhà vua bèn sai bọn Lê Ê đi lên đầu địa giới Thái Nguyên để chờ đợi, nhưng ba ti nhà Minh không đến, bọn Lê Ê quay về.
Lời chua - An Bình: ên châu, xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 5 (Chính biên XVII, 17).
Hạ Tư Lang: Xem Lý Thái Tông, năm Kiền phù hữu đạo thứ 3 (Chính biên III, 3).
Tháng 5, mùa hạ. Ban chiếu răn dạy trăm quan phải cẩn thận làm tròn chức vụ.
Tờ chiếu nói rằng: "Người làm tôi phải nên giữ trọn chức vụ.
"Đại thần thì giúp vua, điều hòa xoay chuyển trời đất, tiến cử người hiền, gạt bỏ những kẻ không tốt để mưu tính cho việc chính trị được hay.
"Người cai quản quân đội thì vỗ về thương yêu binh sĩ, luyện tập võ nghệ, không nên bắt quân lính làm việc riêng cho mình và xâm phạm xà xẻo của công.
"Các Hành khiển ở năm đạo1878 phải nên trình bày điều lợi và điều hại, phân biệt cái tốt và cái xấu; cần phải làm cho xong xuôi ổn thoả tất cả những việc nên làm ở địa phương.
"Các quan ở Ngự sử đài thì nên giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện.
"Nội mật viện thì nên tuân giữ điển chương pháp độ, giãi bày tâu trình một cách tường tận rõ ràng.
"Quan giữ hình ngục thì nên xét xử công bằng, cởi gỡ oan uổng, cốt sao cho thấu được dân tình.
"Các chức ở phủ, ở lộ, ở châu, ở huyện thì nên biểu dương ý tốt của nhà vua, vỗ về dân chúng.
"Các học quan thì nên cẩn thận gìn giữ quy luật việc học, dạy dỗ lớp người hậu tiến khiến cho ai nấy đều được thành tài.
"Cho đến những người coi kho tàng hay là làm việc ở các cục, các thự cũng đều phải nên kính cẩn gìn giữ phận sự mình, chớ để thiếu sót chức vụ".
Nước đầm ở Lam Kinh ngầu đỏ.
Lời chua - Đầm: Theo "Địa dư chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì phía sau Lam Kinh có cái hồ cực rộng lớn, hứng nhiều dòng nước dồn vào. Đầm đây, có lẽ là cái đầm này.
Cấp phát tiền bổng hàng năm cho trăm quan.
Trước kia, các vương, các công chúa và các đại thần văn võ bách quan đều chiếu theo phẩm trật cao hay thấp mà được hưởng số hộ để ăn lộc nhiều hay ít. Đến đây, lại cấp thêm cho tiền bổng hằng năm có hơn kém khác nhau.
Lê Lựu, Đô đốc Tây đạo, tâu rằng: "Tôi không có công trạng gì, được ăn lộc đến năm mươi hộ đã là quá phận mong ước rồi, thế mà nay lại được cấp cho tiền bổng hàng năm nhiều gấp đôi! Vậy xin từ, không dám nhận".
Lời chua - Hộ ăn lộc, tiền bổng: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn thì đầu đời Lê, chế độ bổng lộc để nuôi dưỡng thế này: hoặc ban cho năm mươi hộ hay một trăm hộ để người được hưởng cứ lấy thuế ở các hộ ấy mà ăn. Cũng có khi ban thêm lộc điền nữa. Lại quy định: phàm các vương, các công chúa và các đại thần văn võ bách quan, hàng năm, được cấp tiền bổng có hơn kém khác nhau. Ngoài ra, không khảo được hơn nữa.
Biểu dương người tiết phụ họ Nguyễn ở Nam Sách.
Nguyễn Thị (không rõ tên), người làng Đào Cốc, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách1879 , là vợ xã quan Nguyễn Văn Điều. Từ khi chồng chết, bà ở góa, không có điều tiếng gì. Việc lên đến triều đình. Nhà vua hạ chiếu ban cho tấm biển màu vàng biểu dương ở chỗ cổng nhà bà. Con cháu được miễn sai dịch để ở nhà hầu hạ phụng dưỡng bà.
Lời chua - Nam Sách: Tức Nam Sách: Xem thuộc Tần1880 , Tề Vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tiền biên V, 22).
Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).
Tháng 6. Tha Thái úy Lê Thụ ra khỏi ngục1881 .
Tháng 10, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.
Bấy giờ sứ nhà Minh sang ban cho áo cổn và mũ miện. Nhà vua sai bọn Trung thư thị lang Nguyễn Đình Mỹ sang nhà Minh dâng lễ tuế cống và tạ ơn về việc ban mũ áo.
Tháng 11. Có con hổ lọt vào trong thành.
Hổ vào chùa Diên Hựu ở trong thành. Nhà vua sai võ sĩ đâm chết.
Lời chua - Chùa Diên Hựu: Xem Lý Thái Tông, năm Sùng Hưng đại bảo thứ 1 (Chính biên III, 14).
Đinh Sửu, năm thứ 4 (1457). (Minh, Anh Tông, năm Thiên Thuận thứ 1).
Tháng 9, mùa thu. Sai sứ sang nhà Minh.
Bấy giờ Minh Anh Tông lại làm vua, lập con là Kiến Thâm làm Hoàng thái tử. Vua Minh sai bọn Thượng bảo khanh1882 Hoàng Gián sang ta báo cáo về việc đó và ban cho các cây hàng tấm màu sắc và có hoa. Nhà vua sai bọn Tả nạp ngôn Lê Hy Cát, Hàn lâm viện thị giảng Trịnh Thiết Trường và khởi cư xá nhân Nguyễn Thiên Tích sang Minh đáp tạ và dâng đồ mừng.
Lời chua - Lê Hy Cát: Người Lam Sơn, huyện Lương Giang1883 .
Trịnh Thiết Trường: Người làng Đông Lý, huyện An Định1884 đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), năm Đại Bảo.
Gió to từ tháng 8 đến tháng 9 này.
Mậu Dần, năm thứ 5 (1458). (Minh, năm Thiên Thuận thứ 2).
Kỷ Mão, năm thứ 6 (1459). (Từ tháng 10 trở đi là Nghi Dân năm Thiên Hưng thứ 1 - Minh, năm Thiên Thuận thứ 3).
Tháng 10, mùa đông. Lạng Sơn vương Nghi Dân giết nhà vua và Hoàng thái hậu mà tự lập làm vua. Thị hậu phó chưởng1885 Đào Biểu tử tiết.
Nhà vua ở ngôi được 17 năm thì bị giết, thọ 19 tuổi.
Trước kia, Dương Thị, mẹ Nghi Dân, phạm tội với vua Thái Tông, nên bị phế. Vì mẹ như vậy, Nghi Dân không được lập, ngầm có ý khác, ngấp nghé nom dòm ngôi báu. Cùng với chỉ huy Lê Đắc Ninh mưu cuộc nổi loạn, Nghi Dân, đang đêm, đem đồ đảng là bọn Phạm Đồn, Phan Ban và Trần Lăng hơn trăm tên vô lại bắc thang trèo vào thành. Đắc Ninh, đêm ấy, đúng phiên túc trực, đem Cấm quân làm nội ứng. Nghi Dân bèn giết nhà vua ở trong cung cấm. Ngày hôm sau, Hoàng thái hậu cũng bị hại. Thị hậu phó chưởng Đào Biểu tử tiết.
Nghi Dân liền tiếm ngôi, xưng đế, đổi niên hiệu là Thiên Hưng, đại xá cho cả nước, ban cho văn võ bách quan mỗi người được tước một tư1886 , sai bọn Thị chế Trần Phong, Lương Như Hộc và Trần Bá Linh sang Minh cầu xin phong vương.
Lời chua - Phạm Đồn, Phạm Ban: Đều là người huyện Thanh Lâm1887 .
Trần Phong: Người huyện Tiên Lữ1888 , đỗ khoa hoành từ năm Tân Hợi (1431) niên hiệu Thuận Thiên.
Trần Bá Linh: Người Thị Cầu, huyện Võ Giàng1889 , đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo.
--
1787 Một chức quan ở trong ty Quân dân chiêu thảo do nhà Lê đặt trông coi việc đánh bắt trộm cướp.
1788 Gồm các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách thượng, Nam Sách hạ và trấn An Bang (Xem Chính biên XV, 5).
1789 Nay gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La.
1790 Nay thuộc Hải Dương.
1791 Mười ngày là một tuần.
1792 Thuộc tỉnh Thanh Hóa.
1793 Cung điện để nhà vua nghỉ ngơi ở dọc đường.
1794 Xem "Lời chua" của Cương mục (Chính biên XVIII, 8).
1795 Tức là triều Lê Thái Tổ (1428-1433), triều Lê Thái Tông (1434-1442) và triều Lê Nhân Tông (1443-1459).
1796 Tức Ngự sử đài của từng đạo, như Tây đạo Ngự sử đài, Đông đạo Ngự sử đài, Bắc đạo Ngự sử đài, Nam đạo Ngự sử đài và Hải tây đạo Ngự sử đài. Các viên quan ngự sử này đều tập trung ở kinh đô, mỗi người có nhiệm vụ phải giám sát các quan ở hàng đạo của mình, hễ thấy họ có gì sai trái lầm lỗi thì đàn hặc ngay tại triều đình để trung ương xét xử: đồng thời cũng bàn nói những việc hưng lợi trừ hại cho dân bản đạo.
1797 Xem chú giải số 2 ở Chính biên X, 18.
1798 Chỉ việc bọn Ngự sử Hà Lật đàn hặc bọn Thẩm hình Trình Mân, ...
1799 Về lời chiếu của Lê Nhân Tông.
1800 Bấy giờ Lê Nhân Tông mới lên bảy.
1801 Năm Giáp Tý (1444), Liệt đang làm thái phó, vì có người gièm pha, nên bị Lê thái hậu bắt giam vào ngục, đến đây (1448) mới được tha: cách hai năm sau, vợ con của Liệt mới được phóng thích (theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn và Chính biên XVII, 27).
1802 Gồm các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Gia Hưng (xem Chính biên XV, 5).
1803 Một tuần là mười ngày.
1804 Tượng trưng nơi cung ở của thiên vương để ban bố chính sự và mệnh lệnh.
1805 Tức là Nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (1760-1813). Quang Định, tự là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai, nguyên quán ở huyện Phú Vinh, thuộc Thừa Thiên, vào ngụ tại Gia Định (thuộc Nam Bộ), đỗ năm 1788, làm đến thượng thư triều Gia Long. Ông viết tốt, vẽ khéo. Năm 1802, sang sứ Trung Quốc, đi đến đâu ông cũng thường làm thơ và vẽ cảnh đến đó. Bộ Nhất thống dư địa chí này soạn xong năm 1806, gồm có 10 quyển và 1 quyển đầu. Nội dung nói về cương giới, phong tục, thổ sản và đặc biệt là đường sá giao thông.
1806 Đơn vị đo lường xưa, 8 thước cổ là một tầm (theo Từ Nguyên , trang 467).
1807 Xem chú giải ở Chính biên XVIII, 5.
1808 Ba triều đại Trung Quốc xưa: Hạ, Thương, Chu.
1809 Xem Chính biên XV, 5 và chú giải ở Chính biên XVIII, 1.
1810 Chỉ Lê Nhân Tông.
1811 Tức là ông đồng ông bóng.
1812 Cũng như ngày nay gọi là "bảo đảm".
1813 Ám chỉ bấy giờ gặp thời vận đen tối, không ra sao, nên mới có chuyện Bạch Khuê làm an phủ sứ ở lộ và Bùi Hanh làm tham tri ở đạo.
1814 Tức mặt trăng.
1815 Một tên khác của Thổ tinh.
1816 Xem chú giải ở Chính biên I, 1.
1817 Xem Chính biên XIII, 17.
1818 Nay là xã Phù Lỗ thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
1819 Tức là chức Hành khiển ở cung quan, hay ở Trung thư sảnh được dự bàn những việc lớn của triều đình.
1820 Nguyên văn Cương mục là "bồi nạp", có nghĩa là phải nộp thuế để bồi thường hoặc đền bù. Còn Toàn thư XI, 79, chép là "bội nạp" thì có nghĩa là nộp gấp đôi, đóng thuế gấp hai lần.
1821 Nay Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - Theo Đại Nam nhất thống chí , thì huyện Tam Dương trước thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Sơn Tây, nhưng đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830) đã đổi thuộc phủ Vĩnh Tường (trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Yên, hiện nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
1822 Nay là thôn Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
1823 Tức năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông.
1824 Đây dịch theo Cương mục . Còn theo Vận phủ thập di quyển IV, tờ 15b thì là phần "Thiên văn chí" trong Hán thư (Hán thư Thiên văn chí).
1825 Năm đạo thường phải tuân giữ theo quan niệm luân lý của nhà nho: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
1826 Tức là mạo (nét mặt), ngôn (lời nói), thị (sự trông), thính (sự nghe), tư (sự suy nghĩ).
1827 "Kim", là một trong năm hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), thuộc về mùa thu.
1828 Chức quan đứng đầu Ngự sử đài, hàm tam phẩm.
1829 Chức quan trong Ngự sử đài hàm thất phẩm.
1830 Một chức quan trong Quốc tử giám đứng dưới Tư nghiệp.
1831 Đất huyện Yên Lãng cũ nay thuộc huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Sóc Sơn (Hà Nội).
1832 Sau đổi là Gia Bình, nay là Gia Lương thuộc tỉnh Bắc Ninh.
1833 Chỉ triều Lê.
1834 Nay gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
1835 Chỉ việc Bùi Hanh nói tinh vượn đen ăn mặt trời và bày việc giết vượn thật để làm bùa ếm ở trong cung (xem Chính biên XVI, 8- 9).
1836 Chỉ việc Bùi Hanh đưa ra cái thuyết âm dương khắc hại nhau để xin bỏ đồ trở và cúng trừ tai biến (xem Chính biên XVII, 25-26).
1837Dịch kinh đại toàn , quyển X, tờ 29.
1838 Ý nói hào "Lục tam" (quẻ Giải trong kinh Dịch) thuộc về âm, bản chất mềm yếu, đáng phải ở dưới, lại nhoi lên trên, ở không đúng chỗ; cũng như kẻ tiểu nhân đáng phải ở dưới để gánh vác, vậy mà lại đi xe, thế nào rồi cũng gây nên cái nạn tranh giành cướp giật (theo lời Truyện trong kinh Dịch). Đây dùng để chỉ bọn Thúc Huệ và Bùi Hanh là hạng người xấu, không xứng đáng làm chức to.
1839 Binh chủng sử dụng những ống hỏa hổ (ống chứa thuốc nổ) để đánh trận.
1840 Binh chủng giỏi bơi thuyền.
1841 Binh chủng phụ trách việc bơi chèo thuyền chiến.
1842 Xem Chính biên III, 15.
1843 Nay là xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
1844 Hưởng phần giữ lại để dưỡng lão.
1845 Không người nối dõi, tức là không con.
1846 Họ đồng tông nhà mình.
1847 Người biết rõ sự tình.
1848 Châu Nghệ An (xem Chính biên XV, 10).
1849 Đây dịch theo nguyên văn là "bắc thú", nhưng thực tế thì Minh Anh Tông bị Dã Tiên, một tù trưởng ở phương Bắc Trung Quốc bắt giữ, khi đi đánh viên tù trưởng này. Về sau, được thả về, Minh Anh Tông lại làm vua lần thứ hai (1457-1464) nữa.
1850 Đây dịch theo nguyên văn là "bắc thú", nhưng thực tế thì Minh Anh Tông bị Dã Tiên, một tù trưởng ở phương Bắc Trung Quốc bắt giữ, khi đi đánh viên tù trưởng này. Về sau, được thả về, Minh Anh Tông lại làm vua lần thứ hai (1457-1464) nữa.
1851 Tức là Minh Cảnh Đế (1450-1456).
1852 Xem Chính biên XV, 5.
1853 Xem chú giải các số 1, 2, 3, 4 ở Chính biên XIII, 6.
1854 Nay thuộc xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
1855 Tức là năm Thái Hòa thứ 6 đời Lê Nhân Tông.
1856 Xem chú giải số 2 ở Chính biên X, 18.
1857 Xem chú giải các số 1, 2, 3, 4 ở Chính biên XIII, 6.
1858 Người chồng giữ tình chung thủy đối với vợ.
1859 Người đàn bà trinh tiết.
1860 Về việc Lê Nhân Tông từ nay chính mình cầm quyền, chứ không như trước đây phàm các chiếu chỉ và chính lệnh đều do bọn quyền thần bày đặt ra toàn là chuyện hão huyền cả.
1861 Nội dung tập Quang Thuận trung hưng ký này đại ý nói: Lê Nhân Tông bấy giờ còn bé, thái hậu Nguyễn Thị cầm quyền, triều thần hầu hết là vô học, bất tài, tham ô, thối nát, hối lộ công khai, văn giáo mịt mờ bế tắc, làm cho dân tình xao xuyến, đường sá nôn nao, trình bày một cảnh tượng đầy suy đốn!
1862 Xem Toàn thư bản kỷ XI, 96-97.
1863 Chỉ việc Lê Nhân Tông bị Nghi Dân giết hồi tháng 10 năm Kỷ Mão, 1459 (Xem Chính biên XVIII, 34).
1864 Nguyên văn là "tu".
1865 Tục gọi là làng Vẽ. Nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
1866 Xem thêm chú giải số 3, "Lời tổ Biên dịch", ở Cương mục tập I, trang 6.
1867 Xem lời chua của Cương mục ở Chính biên XVIII, 8.
1868 Tức Thanh Hóa (xem thêm Lời chua ở dưới của Cương mục ).
1869 Tức Thăng Long, nay là Hà Nội.
1870 Xem thêm Thuận Thiên năm thứ 6 (Chính biên XV, 33).
1871 Đi theo hầu xa giá nhà vua.
1872Tức là Đô chỉ huy, Bố Chính ty và Án sát ty.
1873Cương mục Chính biên XVII, 17 chép là Nông Kính.
1874 Xem Chính bên XVII, 17.
1875 Đô chỉ huy ty coi về quân sự.
1876 Bố chính ty coi về tài chính và thuế khóa.
1877 Án sát ty coi về tư pháp.
1878 Xem Chính biên XIII, 32 và XV, 5, 6.
1879 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.
1880 Đây dịch theo nguyên văn, Đảng phải chép là "đương Tấn" (ngang với Tấn) mới đúng.
1881 Về việc Lê Thụ bị tội, xem thêm Chính biên XVIII, 27.
1882 Chức quan do nhà Minh đặt, có nhiệm vụ gữ các bảo tỉ, ấn tín, v.v...
1883 Thuộc Thanh Hóa.
1884 Thuộc Thanh Hóa.
1885 Một chức quan ở trong nội cung, hầu cận nhà vua.
1886 Xem chú giải số 2 ở Chính biên X, 18.
1887 Nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
1888 Nay thuộc huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên.
1889 Nay là phường Thị Cầu, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
--
0 Comments:
Post a Comment
<< Home