Sunday, March 20, 2005

Chính Biên - Quyển thứ XXVII

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 27

Từ Canh Thìn, Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 5 (1520) đến Mậu Thân, Lê Trang Tông, năm Nguyên Hòa thứ 16 (1548), gồm 29 năm.

Canh Thìn, năm [Quang Thiệu] thứ 5 (1520). (Minh, năm Chính Đức thứ 15 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua sai Mạc Đăng Dung (Dong) tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ2399 , và Phạm Gia Mô làm tán lý quân vụ2400 .

Đăng Dung cầu xin cầm nắm tất cả binh quyền để càn quét mọi đám giặc giã. Lễ bộ thượng thư Phạm Gia Mô cho rằng nếu để binh quyền phân tán ở năm phủ2401 thì Đăng Dung không làm được hết đều mình cần phải làm. Gia Mô liền hiệp sức với các bạn đồng liêu, bảo cử Đăng Dung.

Nhà vua bèn dùng Đăng Dung tiết chế các quân doanh thủy và bộ trong mười ba đạo2402 và dùng Gia Mô làm tán lý quân vụ. Thế là quân đội tinh nhuệ và khí giới sắc bén trong nước từ đó về cả trong tay Đăng Dung.

Lời Chua - Phạm Gia Mô: Người Lê Xá, huyện Nghi Dương2403 , đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) niên hiệu Đoan Khánh đời Lê Uy Mục , Gia Mô là thông gia với Đăng Dung.

Vũ Nghiêm Uy ở Tuyên Quang làm loạn. Nhà vua sai Vũ Hộ đánh; Nghiêm Uy phải chạy.

Nghiêm Uy dấy quân khuấy nhiễu cướp bóc xã Trường Thân và xã Đại Đồng. Nhà vua sai Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ đi đánh. Quan quân tiến đến xã Đại Đồng thì Nghiêm Uy chạy trốn vào động núi.

Lời chua - Trường Thân, Đại Đồng: đều là tên xã, thuộc Thu Châu, phủ Yên Bình, Tuyên Quang.

Vũ Hộ: Người Thù Du, huyện Nghi Dương.

Tân Tỵ, năm thứ 6 (1521). (Minh, năm Chính Đức thứ 16 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Gia phong Mạc Đăng Dung tước Nhân quốc công.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua đến chơi nhà Đăng Dung, gia phong Đăng Dung chức thái phó.

Nhà vua sai Đăng Dung đi đánh Trần Cung ở Lạng Nguyên: Trần Cung phải chạy.

Trước kia, Trần Cao2404 trốn lên Lạng Nguyên, triều đình vì bận nhiều việc, nên chưa rời kinh lý đến nơi xa. Cao lén lút chiếm cứ các huyện thuộc Lạng Nguyên và Kinh Bắc, qua 5 năm, truyền cho con là Cung. Cung tiếm hiệu là Tuyên Hòa. Còn Cao thì cắt tóc làm sư, lẩn trốn đâu, không ai biết. Đến đây,

nhà vua sai Đăng Dung thống suất các doanh quân thủy quân bộ đi đến các địa phương Kinh Bắc và Thái Nguyên, lùng bắt được vợ và con gái của Cung, giết chết, còn Cung trốn vào Thất Nguyên.

Sử cũ chua rằng: Có thuyết nói Cung chạy sang nhà Minh, sau bị đóng củi giải về Kinh Đô, giết chết2405 .

Lời chua - Thất Nguyên: Tên huyện, Xem Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 18 (Chb. II, 25 ).

Nhâm Ngọ, năm thứ 7 (1522). (Tháng 8 trở đi là Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 1 ).

Tháng 4, mùa hạ. Bọn Lê Khắc Cương và Lê Bá Hiếu ở Kinh Bắc nổi loạn. Nhà vua sai tướng đi đánh, bắt được giết chết Khắc Cương và Bá Hiếu.

Khắc Cương và Bá Hiếu dấy quân ở địa phương Đông Ngàn2406 và Gia Lâm. Đăng Dung thống suốt các tướng đi đánh, không được; phó đề lãnh tứ thành quân vụ là Lê Thọ chết ở vòng quân. Sau đó, triều đình lại sai tướng khác đi đánh, bèn phá và bắt được bọn Khắc Cương và Bá Hiếu ở Lạng Nguyên, đóng củi đưa về kinh đô, giết chết.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua đi Mộng Sơn.

Bấy giờ Đăng Dung chuyên quyền chinh phạt, uy thế ngày một to, lòng mọi người hướng về Đăng Dung.

Bè đảng của Đăng Dung là Phạm Gia Mô2407 nắm giữ chính quyền trong triều; em rể2408 Đăng Dung là Hữu đô đốc Vũ Hộ làm tổng trấn Sơn Tây, cùng nhau ngầm thông tin tức. Bà con và bè đảng Đăng Dung chằng chịt khắp nơi, câu kết với nhau. Bọn thượng thư Trình Chí Sâm và Nguyễn Ung cũng đều hùa theo.

Đăng Dung tiến người con gái nuôi làm tần ngự trong cung để rình từng lúc động tĩnh của nhà vua. Đăng Dung lại sai em là Quyết giữ quân túc vệ và con trai là Đăng Doanh giữ điện Kim Quang. Chính Đăng Dung tiếm dùng thuyền rồng và lọng phượng, ra vào nơi cung cấm không hề kiêng nể chút nào.

Bọn thị vệ là Nguyễn Cấu, đô lực sĩ là Nguyễn Thọ và Đàm Cử đều là những người tâm phúc của nhà vua thì Đăng Dung giết chết cả.

Nhà vua bí mật bàn cùng bọn nội thần là Phạm Hiến và Phạm Thứ định vời binh sĩ (các địa phương ) đến đánh.

Trước hết nhà vua sai người đến Tây Kinh2409 mật dụ Trịnh Tuy tiếp đón cứu viện. Đêm đến, hồi canh hai, nhà vua bèn cùng bọn Hiến và Thứ chạy đi Mộng Sơn. Hoàng thái hậu và hoàng đệ Xuân đều không kịp biết.

Ngày hôm sau, Đăng Dung biết chuyện, mới dùng binh lính đón chẹn những đường xung yếu, sai bè đảng là Hoàng Duy Nhạc đem quân đuổi kịp đến Thạch Thất. Nhà vua dùng binh lính Thạch Thất bắt được Duy Nhạc, giết chết.

Đăng Dung bèn mưu bàn với thái sư Lạng Quốc công Lê Phụ, Mỹ quận công Lê Điêu, Cẩm sơn hầu Lê Thúc Hựu cùng bọn Phạm Gia Mô và Dương Kim Biêu lập hoàng đệ Xuân lên làm vua. Nhưng Đăng Dung lại sợ nhà vua ở ngoài hiệu triệu quân sĩ trong nước, nên không dám đóng giữ kinh thành,

phải sai đồ đảng là Vũ Hộ đóng quân trấn giữ mạn Bắc Giang và dời Xuân đến huyện Gia Phúc thuộc Hải Dương, đắp lũy Cẩm Giàng để tự vệ.

Bọn Bắc Giang phó đô tướng là Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí và Phạm Tại cùng nhận lãnh lời mật dụ của nhà vua. Họ đem quân cần vương miền Bắc Giang đóng ở các huyện Đông Ngàn và Gia Lâm. Bọn văn thần là Đàm Thận Huy, Nguyễn Hữu Nghiêm đều ở trong quân, giúp việc bày mưu lập kế, cầm cự với Đăng Dung ở Tây Kiều Giang. Đăng Dung ngầm dụ Phạm Tại khiến Tại đưa đường kéo quân đến đánh: bọn Phi Chuẩn và Bá Ký đều thua chạy.

Lời chua - Mộng Sơn: Tên xã, thuộc huyện Minh Nghĩa, Sơn Tây.

Thạch Thất: Tên huyện, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây.

Gia Phúc: Tức huyện Gia Lộc ngày nay, thuộc tĩnh Hải Dương.

Bắc Giang: Tức Kinh Bắc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 28 - 29 ).

Cẩm Giàng: Tên huyện, thuộc phủ Bình Giang, Hải Dương.

Hoàng thái hậu: Họ Trịnh, người Phi Quan, thuộc huyện Thanh Chương2410 , là vợ Cẩm Giang vương,

Nghiêm Bá Ký: người Lương Cầm thuộc huyện Yên Phong2411 .

nguyễn Hữu Nghiêm: Người Phúc Khê, thuộc huyện Đông Ngàn2412 , đỗ tiến sĩ cập đệ tam danh2413 khoa Mậu Thìn (1508) niên hiệu Đoan Khánh đời Lê Uy Mục.

Tháng 8, Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân làm vua.

Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân làm vua.

Đăng Dung đem quần thần rước hoàng đệ Xuân lên ngôi, đổi niên hiệu là Thống Nguyên, làm hành điện ở Gia Phúc, tải vàng bạc, tiền của ở kho tàng trong thành đến chứa tại đó.

Nhà vua2414 quay về đến hành điện Thụy Quang, chia sai các tướng đi đánh giặc: không thắng được. Nhà vua lại đi huyện Từ Liêm.

Nhà vua từ xã Mộng Sơn quay về, ngự ở hành điện Thụy Quang, cho trăm quan đến chầu. Bọn Đàm Thận Huy, Hà Phi Chuẩn, Lê Vĩnh, Lê Quảng và Lê Đình Tú đều đem quân đến hội. Nhà vua sai Đình Tú thúc đẩy đều động các quân doanh thuộc Sơn Nam chia ra đóng giữ các nơi xung yếu như Bộc Độ, Ninh Giang và Nghĩa Lễ, nhưng rồi đều bị Đăng Dung phá tan. Đăng Dung bắt được Đình Tú, đưa đến huyện Gia Phúc2415 , giết chết.

Nhà vua lại sai bọn Nguyễn Kính, Lê Vĩnh, Nghiêm Bá Ký, Kiều Bá Khiêm và Nguyễn Xí chia đường chen đánh ở các huyện Gia Lâm2416 , Văn Giang2417 , Đường Hào2418 , Cẩm Giàng2410 và Lang Tài2411 , cầm cự với quân Đăng Dung đến hàng tháng.

Bấy giờ các xứ Tây, Nam, Bắc đều đã quay theo chính nghĩa, về với nhà vua. Nhưng nhà vua tin dùng bọn hoạn quan Phạm Điền, không nghe theo ý kiến của chư tướng. Nhà vua sai trung sứ đi triệu Trịnh Tuy ở Thanh Hoa; hết bọn này đến lũ khác đi lại hàng 3, 4 lần, Trịnh Tuy vẫn cứ trùng trình ngờ vực, không chịu đến vội. Đăng Dung chia quân thủy, quân bộ tiến phạm bến Đông Hà. Nhà vua sai bọn Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan, Nguyễn Định và Đàm Khắc Nhượng dàn thành doanh trại để đóng giữ, lại bị Đăng Dung đánh úp; quân của Thúc Mậu và Dư Hoan phải lùi. Đồ đảng của giặc là bọn Hưng Hiền bốn người, tay giữ lá chắn, tay cầm cây thương, từ phường Phục Cổ thẳng phạm vào hành điện là chỗ nhà vua đang ở. Các vệ sĩ chống cự lại. Trong khi gấp rút, trăm quan đều tan tác. Nhà vua bèn rút ra đóng ở Nhân Mục2421 . Dân sở tại đua nhau đem dâng cháo hoa.

Ngay ngày hôm ấy, nhà vua dời đi Từ Liêm2422 , đóng tại chùa Trùng Quang làng Thiên Mỗ. Trăm quan dần dần tập hợp lại.

Lời chua - Bộc Độ, Ninh Giang, Nghĩa Lễ: Đều là tên xã, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh.

Gia Lâm: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chb. VII, 34 ).

Đường Hào2423 : Xem Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 4 (Chb. VI, 8 ).

Văn Giang, Lang Tài: Tên hai huyện, đều thuộc phủ Thuận An, Bắc Ninh.

Hành điện Thụy Quang: Không rõ ở đâu.

Nhân Mục: Xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ 2 (Chb. XXV, 22 ).

Từ Liêm: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chb. XI, 31 ).

Thiên Mỗ2424 : Tên xã, thuộc huyện Từ Liêm.

Tháng 9. Nhà vua quay về, đóng ở làng Thượng Yên Quyết2425 .

Nhà vua lại đốc thúc quân các đạo kéo về đến Thượng Yên Quyết ở phía tây kinh thành. Đăng Dung còn bị cản trở vì các tướng Bắc Giang, không dám ngấp nghé nom dòm trong đô thành. Nhà vua lập hành điện ở phía tây kinh đô để coi chầu và dựng nhà thái miếu ở phía đông.

Lời chua - Thượng Yên Quyết: Tên xã, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tháng 10, mùa đông. Trời mưa ra hoàng trùng.

Phương đông có khí đỏ vàng che cả góc trời.

Trịnh Tuy cướp lấy nhà vua đem về Thanh Hoa. Quốc Tử Giám tư nghiệp Lê Hiếu Trung tử tiết.

Trịnh Tuy thống suất các tướng sĩ ở ba phủ2426 và ở các xứ thuộc Thanh Hoa hàng hơn vạn người cùng với Trịnh Duy Thuân ta hộ giá. Thuộc tướng của Tuy là Nguyễn Bá Kỷ vào hầu bên vua. Nội thần là Phạm Điền sợ Bá Kỷ tranh giành quyền bính, bèn tâu vua đem chém, bêu đầu ở ngoài cửa quân doanh Trịnh Tuy. Trịnh Tuy vì thế sinh ra bất bình, bèn cùng bọn Duy Thuân nói phao lên rằng cần đi xem đất

để lập doanh trại. Tối đến, Trịnh Tuy dời quân đến mai phục ở Dịch Vọng2427 ; gần mờ sáng, đem quân hò la ầm ỹ, tiến sát đến chỗ nhà vua. Bấy giờ nhà vua bối rối, không biết xoay xở ra sao. Bọn Tuy bèn cướp lấy nhà vua đem về Thanh Hoa.

Tư nghiệp Lê Hiếu Trung tử tiết. Lại bộ thượng thư Đông các đạo học sĩ thị Kinh Diên2428 là Vũ Duệ và Lại bộ thượng thư là Ngô Hoán cùng với môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo nhà vua, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về Lăng Tẩm Lam Sơn, bái vọng, rồi tự vẫn cả. Đô ngự sử là Nguyễn Văn Vận đi theo ngự giá, bị Đăng Dung giết chết.

Lời cẩn án - về cái chết trung của bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, và Nguyễn Mẫn Đốc, Sử cũ không chép; nay khảo ở Trung Hưng tiết nghĩa lục và Đăng khoa lục bổ sung thêm. Lời chua - Tam Phủ: Tức là ba phủ Hà Trung, Tỉnh Gia và Thiệu Hóa.

Lăng Tẩm Lam Sơn2429 : Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chb. XV, 33 ).

Lê Hiếu Trung: Người Chi Nê2430 , huyện Chương Đức2431 đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống.

Trịnh Duy Thuân: Người Thủy Chú, huyện Lôi Dương2432 .

Vủ Duệ: Người Trình Xá, huyện Sơn Vi2433 , đỗ tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh2434 khoa Canh Tuất2435 (1490) niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Ngô Hoán: Người Thượng Đáp2436 thuộc huyện Thanh Lâm, đỗ tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh2437 khoa Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức.

Nguyễn Mẫn Đốc: Người Xuân Lũng thuộc huyện Sơn Vi, đỗ tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh khoa Mậu Dần (1518), niên hiệu Quang Thiệu.

Nguyễn Văn Vận: Người Ngọc Trục, thuộc huyện Cầm Giàng2438 , đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505), niên hiệu Đoan Khánh đời Lê Uy Mục.

Tháng 11. Đinh Sơn Hầu Giang Văn Dụ dấy quân đánh Đăng Dung: không thắng được.

Văn Dụ dấy quân ở Thanh Oai2439 , các huyện Sơn Miêng, Hoài An, Chương Đức, Thanh Đàm, Thượng Phúc và Phú Nguyên đều hưởng ứng theo. Lê Văn Phúc vội báo tin gấp rút đến Đăng Dung.

Bấy giờ Đăng Dung đang đánh dẹp ở vùng Kinh Bắc, sai tì tướng là bọn Kiều Văn Côn, Lê Bá Ly và Mạc Quyết từ các lộ Phú Nguyên. Thanh Đàm và Thanh Oai đồng thời tiến quân, bốn mặt đánh khép lại: Văn Dụ tan vỡ chạy trốn.

Lời chua - Thanh Oai: Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 31 ).

Thanh Đàm: Tức Long Đàm. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 14 (Chb. VI, 26 ).

Sơn Miêng, Hoài An, Chương Đức: Tên ba huyện, đều thuộc phủ Ứng Hòa, Hà Nội2440 .

Thượng Phúc, Phú Nguyên: Tên hai huyện, đều thuộc phủ Thường Tín2441 . Phú Nguyên nay là Phú Nguyên.

Tháng 12. Hoàng đệ Xuân từ Gia Phúc2442 quay về, đóng ở Bồ Đề.

Quý Mùi, năm thứ 8 (1523). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 2 ). (Minh, năm Gia Tĩnh thứ 2 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua ở Thanh Hoa.

Đăng Dung sai bè đảng là bọn Mạc Quyết, Vũ Hộ và Vũ Như Quế đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hoa. Trịnh Tuy nhân đó, dời nhà vua đến châu Lang Chánh.

Lời Chua - Châu Lang Chánh: Thuộc phủ Thanh Đô, tỉnh Thanh Hoa.

Hoàng đệ Xuân phong Nguyễn Ung làm Lương văn hầu.

Trước kia, nhà vua thấy Ung bám theo Đăng Dung, nên giam Ung ở điện Quỳnh Văn, nhưng chưa kịp giết. Khi nhà vua đi xã Mộng Sơn, Đăng Dung thả Ung ra. Đến đây Ung đem con gái dâng cho Xuân, lại đem con gái khác gả cho Đăng Dung, do đó Ung được phong tước hầu.

Tháng 8, mùa thu. Có sâu cắn lúa.

Mạc Đăng Dung phế nhà vua làm Đà Dương vương.

Bấy giờ nhà vua đang ở châu Lang Chánh. Đăng Dung giả mạo chiếu chỉ của Xuân, phế truất vắng mặt nhà vua.

Lời chua - Đà Dương: Tên xã, thuộc châu Lục Yên, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Giáp Thân, năm thứ 9 (1524). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 3 - Minh, năm Gia Tỉnh thứ 3 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Đăng Dung tự làm bình chương quân quốc trọng sự, thái phó. Nhân quốc công.

Tháng 11, mùa đông. Xuân truy phong Trần Chân làm quận công, phong con Chân là Trần Thực làm Hoằng hưu bá.

Trước kia, Trần Chân bị gian thần gièm pha2443 , nên cùng con em sáu người đều bị giết chết. Đến đây được truy phong.

Ất Dậu, năm thứ 10 (1525). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 4 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 4 ).

Tháng 6, mùa hạ. Đại hạn.

Tháng 10, mùa đông. Đăng Dung đánh bại Trịnh Tuy, bèn cướp lấy nhà vua, đem về phường Đông Hà.

Đăng Dung tự làm đô tướng, thống suất các doanh quân thủy quân bộ vào đánh Trịnh Tuy ở châu Lang Chánh thuộc Thanh Hoa2444 : đánh hãm được hết các quận huyện ở Tây Kinh2445 . Sau đó, Trịnh Tuy chết. Đăng Dung bèn cướp lấy nhà vua ở Lang Chánh, đem về để ở tại phường Đông Hà.

Lời chua - Đông Hà: Tên phường, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức2446 , Hà Nội.

Tháng 12. Đăng Dung giết Phúc lương hầu Hà Phi Chuẩn.

Phi Chuẩn đóng quân ở Bắc Giang. Nghe tin Đăng Dung đã bức hiếp đem nhà vua về rồi, quân của Phi Chuẩn đều giải tán. Phi Chuẩn bị môn đồ2447 bắt, đem đến kinh đô. Đăng Dung sai thắt cổ giết chết Phi Chuẩn.

Bấy giờ hàn lâm hiệu lý Nguyễn Thái Bạt bị Đăng Dung cưỡng ép vời đến, ông giả vờ thanh manh, được đến gần, nhân đó ông nhổ vào mặt Đăng Dung và mắng chửi ầm ỹ. Lễ bộ thượng thư Lê Tuấn Mậu bị Đăng Dung cưỡng ép vào chầu, ông xu xu hòn đá trong ống tay áo, ném Đăng Dung, không trúng. Cả hai đều bị Đăng Dung giết chết.

Lại bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Kinh Bắc Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Hiến sát sứ Nguyễn Tự Cường và Bình hồ bá Nghiêm Bá Ký đều thống suất hương binh2448 chống đánh với Đăng Dung; không thắng được đều tự tử chết.

Đô ngự sử Lai Kim Bảng lánh về quê làng, sau bị Đăng Dung cưỡng ép vời gọi. Khi qua giữa dòng sông Nhị, ông mũ áo chỉnh tề, bái vọng về Lam Sơn2449 , lớn tiếng mắng chửi Đăng Dung, rồi gieo mình xuống sông chết.

Phó đô ngự sử Nguyễn Hữu Nghiêm và Lễ Bộ tả thị lang Lê Vô Cương bị bắt, không chịu khuất phục, đều bị Đăng Dung giết chết.

Nguyễn Thiệu Tri, trước kia, làm Hộ Bộ thượng thư, đã trí sĩ. Nay được tin con là Nguyên Sùng nhận lãnh ngụy chức2450 của Mạc Đăng Dung, ông bèn gọi em của Nguyên Sùng đến, trối trăng mọi việc sau khi mình chết: không cho Nguyên Sùng được làm con. Đêm đến, ông hướng về Lam Sơn bái vọng, rồi tự vẫn chết.

Bây giờ có đến hơn mười người tử tiết. Riêng Lễ Bộ thượng thư Phạm Khiêm Bính trước tiên đi yết kiến, bị Đăng Dung truất xuống làm Hộ Bộ hữu thị lang. Thái bộc tự khanh Nguyễn Mậu theo nhà vua đi Thanh Hoa, kịp khi nhà vua bị Đăng Dung bức hiếp đem về. Nguyễn Mậu về trước để đợi tội, bị Đăng Dung truất xuống làm Tuyên Quang thừa chính sứ.

Lời chua - Lam Sơn: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 2 ).

Đàm Thận Huy: Người Ông Mặc, thuộc huyện Đông Ngàn2451 .

Lê Tuấn Mậu: Người Xuân Lôi, huyện Yên Phong2452 . Đàm Thận Huy và Lê Tuấn Mậu đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Nguyễn Tự Cường: Người Tam Sơn, thuộc huyện Đông Ngàn, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1514) niên hiệu Hồng Thuận, đời Lê Tương Dực.

Nguyễn Thiệu Tri: Người Xuân Lôi, huyện Lập Thạch2453 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất2454 , niên hiệu Hồng Đức.

Nguyễn Duy Tường: Người Lý Hải, thuộc huyện An Lãng2455 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận.

Nguyễn Thái Bạt: Người Bình Lãng, thuộc huyện Cẩm Giàng2456 , đổ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520), niên hiệu Quang Thiệu.

Lại Kim Bảng: Người Kim Lan, thuộc huyện Cẩm Giàng, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Dần (1518), niên hiệu Quang Thiệu.

Lê Vô Cương: Người Thiên Biểu, thuộc huyện An Lãng, đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận.

Bính Tuất, năm thứ 11 (1526). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 5 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 5 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua ở phường Đông Hà.

Tháng 12, mùa đông. Đăng Dung giết nhà vua ở phường Đông Hà.

Đăng Dung mật sai đồ đảng là Lại Kim Bảng giết nhà vua ở phường Đông Hà, đem về táng tại lăng Vĩnh Hưng ở Thanh Đàm2457 . Nhà vua ở ngôi 11năm, thọ 26 tuổi.

Đinh Hợi (1527). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 6 - Từ tháng 6 trở đi, là Mạc Đăng Dung năm Minh Đức thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 6 ).

Tháng 4, mùa hạ. Đăng Dung tự làm An Hưng vương, tự cho mình được hưởng nghi lễ và đồ dùng "cửu tích "2458 .

Đăng Dung từ sau vụ Đông Hà2459 , giả vờ rút lui, sống cách nhàn tản, về ở Cổ Trai, nhưng vẫn từ xa cầm nắm quyền bính triều đình.

Xuân sai bọn Tùng Dương hầu Vũ Hữu và Lan Xuyên bá Phan Đình Tá cầm cờ tiết và đem kim sách đi Cổ Trai ban cho Đăng Dung: mũ áo thiêu rồng đen, đai ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, tán tía; tiến phong Đăng Dung tước An Hưng Vương, và cho thêm "cửu tích ".

Xuân lại ban cho Đăng Dung bài thơ nói về việc Chu Công giúp rập Thành Vương.

Lời chua - Cửu tích: Theo sách Lê Vĩ thì Cửu tích gồm có:

1.Xe, ngựa.

2. Áo mặc.

3. Nhạc khí.

4. Cửa son.

5. Nạp bệ2460 .

6. Hổ bôn2461 .

7. Cung, tên.

8. Phủ việt2462 .

9. Cự sưởng2463 .

Chính thứ ban cho trên đây là cốt để khuyến khích người thiện đã nâng đỡ được kẻ không đũ tài năng.

Sách Bạch hổ thông chép: Biết vỗ về cho dân được yên vui thì ban cho xe và ngựa. Làm được cho dân giàu dân giàu có thì ban cho áo mặc. Làm cho dân được hòa vui, thì ban cho nhạc khí, làm cho số dân tăng nhiều thì ban cho được dùng cửa son. Biết khuyên nhà vua làm điều thiện thì cho được "nạp bệ ". Biết đẩy lùi được điều ác của nhà vua thì ban cho quân hổ bồn. Giết được kẻ có tội thì ban cho cây phủ việt. Đánh dẹp được kẻ phản nghịch thì ban cho cung và tên. Có lòng hiếu thảo đầy đủ thì ban cho rượu cúng tế.

Cổ Trai:Tên xã, xem Lê Uy Mục, năm Đoan Khánh thứ 4 (Chb. XXV, 26 ).

Vũ Hữu: Người làng Mộ Trạch2464 , huyện Đường An2465 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông.

Phan Đình Tá: Người Phù Lưu, huyện Thiên Lộc2466 , đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499), niên hiệu Cảnh Thống, đời Lê Hiến Tông.

Tháng 6. Đăng Dung tự xưng là vua.

Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh đô, ép Xuân nhường ngôi cho mình.

Bấy giờ ban thứ trăm quan để yên chỗ, nhưng chưa có tờ chiếu nhường ngôi. Đăng Dung hạ lệnh cho Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt2467 đứng thảo. Nhưng Phu Duyệt quắt mắt, mắng Đăng Dung: "Thế nghĩa là gì! ".

Đăng Dung bèn sai Đông Các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái phải làm cho xong tờ chiếu. Đăng Dung bèn sai tuyên đọc lời chiếu rồi xưng hoàng đế, đổi năm này (Đinh Hợi, 1527 ) làm năm Minh Đức thứ 1.

Đăng Dung giết hoàng đệ Xuân và hoàng thái hậu Trịnh Thị.

Đăng Dung phế truất Xuân xuống làm Cung Vương, giam luôn với hoàng thái hậu Trịnh Thị ở nội cung phía tây, vài tháng sau ép phải tự tử.

Đăng Dung vào đóng tại thành Thăng Long, lập miếu, dựng điện, truy tôn tổ khảo nhà mình.

Đăng Dung từ Cổ Trai vào ở thành Thăng Long, đặt Hải Dương làm Dương Kinh, lập miếu và cung điện ở xã Cổ Trai. Từ tổ là Mạc Đĩnh Chi đến cha là Hịch gồm 7 đời đều truy tôn làm đế và hậu. Lập con là Đăng Doanh làm thái tử, phong em trai là Quyết làm Tín vương, em trai là Đốc làm Từ vương, em gái là Ngọc Huệ làm công chúa... Lại phong em rễ là Vũ Hộ làm Tĩnh quốc công, cho lấy theo họ Mạc; phong hoạn quan Nguyễn Thế Ân làm Lỵ quốc công.

Bấy giờ trong kinh đô và ngoài các lộ thẩy đều hoang mang. Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê, vỗ về một cách giả tạo để trấn áp lòng người; nào sửa chữa đền miếu nhà Lê cũ, cúng tế theo tuần tiết bốn mùa, nào truy phong thêm cho các bầy tôi tiết nghĩa nhà Lê như bọn Vũ Duệ và Đàm Thận Huy... Đăng Dung lại cầu tìm con cháu các công thần, bề ngoài tỏ ý lục dụng để vỗ về họ.

Nhưng con cháu các nhà công thần ấy hoặc trốn tránh vào rừng núi, hoặc giấu tên ẩn họ, không ra làm quan, hoặc tụ họp làm giặc cướp, hoặc trốn đi ngoại quốc để lánh nạn.

Lời chua - Nguyễn Thế Ân: Người Mộ Trạch huyện Đường An2468 .

Mậu Tý (1528). (Mạc, năm Minh Đức thứ 2 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 7 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Đăng Dung đúc thứ tiền khác.

Đăng Dung muốn thay đổi, lập chính sự mới, nhưng khi cho đúc tiền theo phép cũ thì phần nhiều hỏng cả, bèn đúc thứ tiền mới pha lẫn cả chì và sắt, ban hành trong nước khiến cho thông dụng.

Tháng 2, Đăng Dung phong tước và phẩm trật cho bè đảng mình có hơn kém khác nhau.

phong:

Nguyễn Quốc Hiến làm phò mã đô úy, thái bảo, lâm quốc công, cho đổi theo họ Mạc;

Mạc Quốc Trinh làm thái sư, Lân quốc công;

Mạc Đình Khoa làm tả đô đốc, Khiêm quận công;

Nguyễn Ung làm thiếu bảo, Thông quốc công;

Trần Phỉ làm Lai quận công.

Ngoài ra, bọn Khuất Quỳnh Cửu, Nguyễn Bỉnh Đức, Phạm Gia Mô, Phan Đình Tá, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Mậu, Hà Cảnh Đạo, Mạc Ích Trưng, Nguyễn Tuệ, Nguyễn Địch, Phạm Chính Nghị, Nguyễn Chuyên Mỹ, Nguyễn Độ, Lê Quang Bí và Nguyễn Điển Kính 56 người đều được thăng trật và phong tước có cao thấp khác nhau.

Lời chua - Trần Phỉ: Người Chi Nê2469 , huyện Chương Đức, đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) niên hiệu Đoan Khánh đời Lê Uy Mục.

Khuất Quỳnh Cửu:Người Lôi Trạch, huyện Thạch Thất2470 đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) niên hiệu Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Phạm Chính Nghị: Người làng Hoa Kiều2471 , huyện Lang Tài2472 .

Hà Cảnh Đạo:Người làng Đạo Tú thuộc huyện Siêu Loại2473 .

Nguyễn Chuyên Mỹ: Người làng Thạch Lưu, huyện An Lão2474 .

Nguyễn Bỉnh Đức: Người Thịnh Quang, huyện Quảng Đức2475 . Từ Phạm Chính Nghị, Hà Cảnh Đạo đến Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Bỉnh Đức đều đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận đời Lê Tương Dực.

Nguyễn Tuệ: Người Kim Bài, huyện Thanh Oai2476 .

Nguyễn Địch: Người Lai Xá, huyện Lang Tài, Nguyễn Tuệ và Nguyễn Địch đều đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận đời Lê Tương Dực.

Nguyễn Độ: Người Phù Vệ thuộc huyện Đường Hào, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Dần (1518), niên hiệu Quang Thuận.

Lê Quang Bí: Người Mộ Trạch, huyện Đường An2477 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1526), niên hiệu Thống Nguyên.

Bọn Lê Công Uyên, Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Trường dấy quân đánh Đăng Dung: không thắng được.

Bấy giờ Đăng Dung sau khi làm việc thí nghịch và tiếm ngôi nhà Lê, mưu mô tìm kiếm con cháu các công thần để câu nhử bằng quan tước. Bích Khê hầu Lê Công Uyên là cháu nhà công thần, công phẫn vì chính nghĩa, không chịu khuất phục nhà Mạc, bèn mưu bàn với bọn Nguyễn Ngã và Nguyễn Thọ Trường cùng dấy quân. Họ tấn công vào cửa Chu Tước, nhưng không được; phải chạy vào Thanh Hóa, chiêu tập nhân dân, kéo cờ chư tướng. Đăng Dung sai quân đi đánh. Công Uyên bị Lê Thiệu, người châu Thúy Đả, giết chết, do đó các tướng đều tan vỡ.

Lời chua - Lê Công Uyên: Người huyện Lôi Dương2478 , là cháu nội Lê Văn Linh, khai quốc công thần.

Thúy Đả: Tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 102479 (Chb. XXI, 20 - 21 ).

Đăng Dung quy định binh chế, điền chế là lộc chế2480 .

Đăng Dung cho rằng bấy giờ sau lúc thừa hưởng thái bình, chế độ đã trễ tràng lỏng lẻo, nên muốn sửa sang và chấn chỉnh lại. Đăng Dung bèn sai bọn Nguyễn Quốc Hiến khảo cứu sắp xếp lại chế độ về quân đội, về ruộng đất về bổng lộc. Lại kiểm điểm danh hiệu các vệ, các sở. các ti, tên chức quan, số nhân viên và số quân lính ở trong kinh đô và ngoài các lộ thuộc 5 phủ2481 . Tất cả mọi quy chế trên đây đại khái đều phỏng theo điển lệ đời Hồng Đức (1470 - 1497 ). Đăng Dung lại đặt thêm vệ Hưng Quốc và vệ Chiêu Vũ, cộng với hai vệ Cẩm Y, Kim Ngô đã đặt từ trước, thành bốn vệ. Đặt quân Hải Dương thuộc vệ Hưng Quốc, quân Sơn Nam thuộc vệ Chiêu Vũ, quân Sơn Tây thuộc vệ Cẩm Y, quân kinh Bắc thuộc vệ Kim Ngô. Lại chia người bổ vào các ti ở trong các vệ. Mỗi ti đặt: một chỉ huy sứ, một chỉ huy đồng tri, một chỉ huy thiêm sự, mười trung hiệu, một thư ký, 1.100 trung sĩ, chia làm 22 ban. Ban chia làm 5 giáp. Mỗi giáp đặt một người làm giáp thủ, luân phiên nhau làm túc trực.

Lời chua - Binh chế, điền chế và lộc chế: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XXIII, 5 - 25 ). Những phủ, vệ và ti do Mạc Đăng Dung đặt thêm, không rõ số mục là bao nhiêu.

kỷ Sửu (1529). (Mạc, năm Minh Đức thứ 3 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 8 ). Bầy tôi cũ nhà Lê là Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy đi tố cáo với nhà Minh.

Hai anh em Trịnh Ngung Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh về việc Đăng Dung tiếm ngôi, và xin nhà Minh dấy quân hỏi tội. Đăng Dung hối lộ bầy tôi nơi biên giới nhà Minh để im chuyện đi. Do đấy công việc không xong, hai người đều chết ở nhà Minh.

Triệu tổ Tĩnh hoàng đế2482 ta2483 dấy quân ở Ai Lao.

trước kia làm Thanh Hoa hữu vệ Điện Tiền tướng quân, tước An Thanh hầu, bấy giờ đem con em sang Ai Lao, được quốc vương Ai Lao là Sạ Đẩu dâng cho đất Sầm Châu, bèn do nhân dân đấy và đất đai đấy (tổ chức làm căn cứ địa ); gây nuôi quân lính, thu dùng hào kiệt, ngầm tìm con cháu họ Lê để toan tính công cuộc khôi phục.

Lời chua - Sầm Châu: Thuộc Thanh Hoa, phía tây nam giáp với Ai Lao, có man Mang Hổ cư trú. Khoảng niên hiệu Gia Long (1802 - 1819 ) triều ta2484 , Sầm Châu là cống man2485 ở Thanh Hoa, lại chịu riêng phú thuế và sưu dịch với nước Vạn Tượng. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Vạn Tượng bị Tiêm La đánh phá. Sầm Châu cầu xin phụ thuộc về ta, liền đó ta đổi làm huyện Sầm Nưa, cho lệ thuộc vào phủ Trấn Biên, tỉnh Nghệ An, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), ta thấy đất ấy gần tỉnh Thanh Hoa, nên theo sự thuận tiện của dân Man, lại đặt lệ thuộc phủ Trấn Man.

Đăng Dung mở khoa thi hội.

Từ phép thi đến cách thức ban ơn đều nhất nhất noi theo điển lệ của triều Lê, khoa này, bọn Đỗ Tổng, Nguyễn Hãng và Nguyễn Văn Huy 27 người trúng tuyển. Từ đó về sau, cứ ba năm một khoa thi, giữ làm lệ thường.

Lời chua - Đỗ Tổng: Người Lại Ốc, huyện Văn Giang2486 .

Nguyễn Hãng: Người Vũ Lăng, huyện Thượng Phúc2481 .

Nguyễn Văn Huy: Người Vịnh Cầu, huyện Đông Ngàn2488 .

Canh Dần (1530). (Mạc Đăng Doanh, năm Đại Chính thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 9 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Đăng Dung truyền ngôi tiếm ngụy cho con là Đăng Doanh.

Đăng Dung cướp ngôi được ba năm, bèn truyền ngôi tiếm ngụy cho con trưởng là Đăng Doanh, tự cho mình là già cả, xưng thái thượng hoàng, lui về ở tại Cổ Trai để trấn giữ củng cố chỗ căn bản, nhưng vẫn nắm giữ tất cả quyền bính và định đoạt mọi việc quốc gia. Đăng Doanh tiếm đặt niên hiệu là Đại Chính (1530 - 1540 ).

Lê Ý người Thanh Hoa, dấy quân ở Da Châu.

Tháng 4, mùa hạ. Lê Ý đánh bại Đăng Dung ở sông Mã.

Lê Ý, con công chúa Thái An nhà Lê, căm phẫn họ Mạc tiếm nghịch, bèn tụ hợp quân chúng, chiếm giữ Da Châu, lại xưng niên hiệu Quang Thiệu, báo cáo với gần xa, chiêu tập những người nghĩa dũng. Trong khoảng mười lăm hôm đến một tháng, được đến vài vạn quân, Lê Ý dàn doanh trại, dựng rào lũy chia quân đặt thành từng bộ, từng ngũ đóng đồn ở vùng sông Mã.

Hào kiệt ở các quận huyện đều cho rằng họ Lê lại trung hưng, bèn kéo nhau đến quy phụ. Thanh thế quân đội của Lê Ý rất lừng lẫy.

Nghe biết việc này, Đăng Dung chính mình đốc suất vài vạn quân thủy, quân bộ, đánh nhau với Lê Ý ở sông Mã, bị Lê Ý đánh bại. Đăng Dung bèn rút về, để đồ đảng là bọn Mạc Quốc Trinh ở lại đóng giữ Hoa Lâm. Lê Ý nhân đà thắng lợi, tiến đánh thành Tây Đô2489 , lập đại doanh ở Nghĩa Lộ.

Lời chua - Da Châu: Tức châu Quan Da thuộc tỉnh Thanh Hoa.

Sông Mã: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 18 ).

Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XXI, 16 ).

Hoa Lâm: Tên xã, thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoa.

Nghĩa Lộ: Không rõ ở đâu.

Tháng 8, mùa thu. Lê Ý đánh cho Đăng Doanh đại bại ở Động Bàng.

Khi Đăng Dung thua trận rút về thì Đăng Doanh kéo đại quân vào hội ở phận sông Hoằng Hóa. Hai đạo quân của Đăng Dung và Đăng Doanh đồng thời cùng tiến. Mạc Quốc Trinh được lệnh đem 200 chiến thuyền tiến lên trước. Họ hẹn nhau rằng, ngày hôm sau, tất cả cùng hội binh ở sông Đa Lộc thuộc huyện An Định2490 .

Nghe biết tin này, Lê Ý đặt nghi binh ở Đa Lộc, còn chính mình thì đem toán quân tinh nhuệ, đêm đến lén đi đường tắt, mờ sáng, đến An Sơn2491 .

Bấy giờ thuyền quân Quốc Trinh đang đi qua, Lê Ý nổi pháo hiệu ầm lên, rồi tự đốc suất quân lính đánh tiện ngang vào phía sau quân địch. Quốc Trinh kinh ngạc luống cuống, không biết xoay trở ra sao! Quân bên Mạc tranh nhau bỏ thuyền chạy. Lê Ý ruổi ngựa, dẫn đầu tướng sĩ, đuổi chém hơn 70 thủ cấp địch, quân Mạc đổ vỡ tan tành. Quân Lê Ý thừa thắng, đuổi kẻ thua chạy, chém và bắt được vô kể.

Buổi trưa hôm ấy. Đăng Doanh tiến đến Động Bàng, vì còn chưa biết Quốc Trinh đã bại trận.

Lê Ý khẳng khái ra lệnh cho các tướng: "Bây giờ gặp quân địch to lớn như thế này, nếu ta không cố sức chiến đấu thì đến bao giờ cho khôi phục được ? " Các tướng đều hăng hái tiến lên trước, lại cả phá được địch: chém và bắt sống được hơn vạn người. Quân Mạc bị chết, chồng gối lên nhau ! Đăng Doanh phải chạy về, để Quốc Trinh đóng quân ở lại, cố thủ Tống Giang.

Lời chua - Đa Lộc, An Giang2492 , Động Bàng: Đều là tên xã, thuộc huyện An Định, tỉnh Thanh Hoa.

Tống Giang: Sông này thuộc huyện Nga Sơn2493 , tỉnh Thanh Hoa, chảy về phía đông đến bến Thanh Đán Quan thì đỗ ra biển.

Tháng 12, mùa đông. Lê Ý đánh nhau với quân Mạc; không thắng được bị chết.

Lê Ý, vì lương thực không tiếp tế liền liền được, phải chuyển quân về Da Châu. Cậy mình đã thắng nhiều trận, Ý đâm kiêu căng, khinh địch, không phòng bị. Bấy giờ Ý sai tướng sĩ vào núi vận tải lương thực để doanh trại trống rỗng, sơ hở, đội ngũ không chỉnh tề.

Hay tin, Quốc Trinh lựa lấy toán quân nhanh nhẹn đem 50 chiếc thuyền chiến ngày đêm đi gấp đường, tiến sát đến trại Da Châu. Lê Ý không kịp nghênh chiến, bị quân Mạc bắt được, đóng củi đưa về Thăng Long, buộc chân tay vào xe mà xé xác2494 .

Tân Mão (1531). (Mạc, năm Đại Chính thứ 2 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 10 ).

Nhâm Thìn (1532). (Mạc, năm Đại Chính thứ 3 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 11 ).

Tháng 11, mùa đông. Đăng Doanh sai bọn hoạn quan Dương Chấp Nhất và Tây An bá Lê Phi Thừa chia nhau coi quản Thanh Hoa.

Đăng Doanh sai trung nhân2495 Dương Chấp Nhất làm đại tướng lãnh binh thống quản Thanh Hoa tam phủ đồng tam ti, tổng trấn quân và dân một địa phương. Phi Thừa gièm pha rằng: "Ở Ái Châu2496 , núi sông hiểm trở, đất đai màu mở, quân lính và lương thực đều đầy đũ. Vả lại, nên phân quyền chứ không nên dồn quyền vào cả một người. Nếu do một người chuyên nắm, một khi lỡ có sự biến thì Ái Châu e không phải là đất của triều đình nữa. Nguyện xin xét kỷ cho ". Đăng Doanh bèn đem bảy huyện thuộc Thanh Hoa là Thụy Nguyên, An Định, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Quảng Bình tách ra, giao cho Phi Thừa cai quản, cùng với Chấp Nhất cùng gìn giữ trông nom cho nhau.

Lời chua - Thụy Nguyên: Tức Lương Giang. Xem Bình Định vương năm thứ nhất (Chb. XIII, 2 ).

Vĩnh Lộc: Tên huyện, tên cũ là Vĩnh Phúc, thuộc Thanh Hóa.

Đông Sơn, An Định: Đều là tên huyện, thuộc phủ Thiệu Hóa2497 .

Thạch Thành, Cẩm Thủy: Đều là tên huyện, nay thuộc phủ Quảng Hóa2498 .

Quảng Bình: Nay là huyện Quảng Địa, thuộc phủ Quảng Hóa.

Dương Chấp Nhất: Người huyện Hoằng Hóa2499 .

Lê Phi Thừa: Người Hương Thị, thuộc An Định2500 .

Sao chổi xuất hiện ở phương đông.

Quý Tỵ. Lê Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Nguyên Hòa thứ 1 (1533). (Mạc, năm Đại Chính thứ 4 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 12 ).

Tháng giêng, mùa xuân, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta2501 đón lập hoàng tử Ninh lên ngôi ở Ai Lao.

Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy cho cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừnh, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy.

Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9 - 10 ).

Châu Sầm Nưa: Xem Mạc, năm Minh Đức thứ 3 (Chb. XXVII, 20 ).

Bàn luận về công tôn phù giúp rập nhà vua2502 , phong tước và ban thưởng có tầng bậc khác nhau.

Phong Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta làm thượng phụ, thái sư tước Hưng quốc công, giữ công việc trong và ngoài; phong Đinh Công làm thiếu úy, tước Hùng quốc công. Ngoài ra, các tướng tá khác đều được phong thưởng có tầng bậc khác nhau.

Nhà vua thông hiếu với chúa Ai Lao là Sạ Đẩu, trưng mộ quân lính, điều bát lương thực để tính việc tiến thủ.

Lời chua - Đinh Công: Người huyện Quảng Bình thuộc Thanh Hoa.

Sai sứ sang nhà Minh.

Trước kia, nhiều lần sai người đem thư sang nhà Minh báo cáo về nạn nước, đều bị đồ đảng của giặc đón đường giết chết. Đến đây, sai bọn Trịnh Duy Liểu hơn mười người vượt biển từ Chiêm Thành đi ghé thuyền buôn Quảng Đông, hàng hai năm trời mới đến Yên Kinh, trình bày đầu đuôi về việc Đăng Dung thí nghịch, lén lút chiếm cứ quốc đô, do đó đường sá sang cống mới bị ngăn trở đoạn tuyệt. Vậy xin nhà Minh dấy quân hỏi tội họ Mạc.

Người Minh ngờ rằng có sự dối trá. Duy Liểu bèn viết bức thư hàng vài nghìn lời, tự cho mình là người có nghĩa khí có thể sánh với Thân Bao Tư2503 và Trương Tử Phòng2504 , lời lẽ trong thư trung nghĩa mà đầy giọng căm hờn, hăng hái mà sục sôi tức bực, khiến người đọc phải xót xa.

Nghiêm Tung, Lễ bộ thượng thư nhà Minh, tâu nói: "Những lời điều trần của Duy Liểu chưa chắc đả có căn cứ đích xác. Vậy xin cho lưu Duy Liểu ở lại sứ quán, rồi sai quan sang khám xét sự thực ". Vua Minh bèn sai bọn thiên hộ Đào Phượng Nghi và Trần Tỉ ra đi, cùng với tuần phủ Vân Nam là U ông Văn Thịnh hội khám, xét xem kẻ nào là tên tội nhân chủ phạm.

Lời chua - Trịnh Duy Liểu: Người Thủy Chú, huyện Lôi Dương2500 .

Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục Đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20 - 21 ).

Giáp Ngọ, năm thứ 2 (1534). (Mạc, năm Đại Chính thứ 5. Minh, năm Gia Tĩnh thứ 13 ).

Ất Mùi, năm thứ 3 (1535). (Mạc, năm Đại Chính thứ 6 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 14 ).

Bính Thân, năm thứ 4 (1536). (Mạc, năm Đại Chính thứ 7 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 15 ). Lại sai sứ sang nhà Minh (không rõ tháng nào ).

Sau chuyến Trịnh Duy Liểu đã đi, nhà vua thấy lâu không có tin tức tăm hơi gì, lại sai Trịnh Viên sang Minh. Viên đi đến Vân Nam thì quan hội khám nhà Minh là bọn Đào Phượng Nghi cũng vừa tới nơi, Viên bèn trình bày tất cả sự việc họ Mạc thí nghịch và tình hình vua Lê bôn ba long đong. Viên thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh Mạc. Quan hội khám về triều báo cáo. Vua Minh giao việc này xuống để đình thần bàn xét. Mọi người trong bộ Lễ và bộ Binh đều nói: "Đăng Dung có mười tội to, không thể không đánh được ".

Đinh Dậu, năm thứ 5 (1537). (Mạc, năm Đại Chính thứ 8 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 16 ).

Tháng 2, mùa xuân. Minh dùng Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, đi đánh Mạc Đăng Dung.

Vua Minh đã biết rõ tội trạng tiếm nghịch của Đăng Dung Tuần phủ Vân Nam là U ông Văn Thịnh lại tâu nói Đăng Dung ngầm sai bọn tri châu Nguyễn Cảnh đi sang rình dò hư thực, đến núi Nạp Canh bị thổ xá là Lý Mạnh Quang bắt được luôn với một bài Đại cáo do ngụy Mạc soạn ra, rồi đem trình nộp. Vua Minh cả giận, bèn phong Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc, thượng thư Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, đem quân đi đánh U Ông Văn Thịnh truyền hịch mọi nơi, đem họa phúc dụ bảo.

Lời cẩn án: - Sử cũ, trong năm Nguyên Hòa thứ 1 (1533), chép vua Lê sai Trịnh Duy Liểu sang Minh xin quân [đánh Mạc]; đến năm thứ 2 (1534), chép vua Minh sai tướng sang đánh Đăng Dung. Nay tra trong Minh sử: tháng 2, mùa xuân, năm Gia Tĩnh thứ 16 (Đinh Dậu, 1537 ) chép vua Minh sai tướng sang đánh Đăng Dung thì chính đúng vào năm Nguyên Hòa thứ 5. Này, Duy Liểu sang Minh hàng hai năm mới đến được quốc đô [Trung Quốc]; kịp khi được U Ông Văn Thịnh tâu trình lên thì (triều đình nhà Minh ) mới bàn đến việc ra quân. Vậy xét theo sự thực thì Minh sử đúng. Nay xin cải chính. Lời chua - Núi Nạp Canh: Theo thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư thì núi Nạp Canh ở phủ Lâm An thuộc Vân Nam.

Tháng 4, mùa hạ. Gió bão lớn. Nước biển tràn ngập.

Gió bão lớn, cây đỗ, nhà sụp. Nước biển tràn ngập. người và súc vật phần nhiều chết đuối.

Tước Mạc, Lê Phi Thừa, đầu hàng.

Tây An hầu Lê Phi Thừa nhà Mạc được phân phối cai quản 7 huyện2506 thuộc Thanh Hoa. Khi nghe biết nghĩa quân2507 trỗi dậy, bèn thu vén vơ vét chỗ đinh tam ti mà sang Ai Lao quy thuận nhà Lê. Nhà vua cho Phi Thừa vẫn giữ nguyên quan tước như cũ. Về sau, vì kêu ngạo, ngang ngược và hay oán trách, nên Phi Thừa bị giết chết.

Mậu Tuất, năm thứ 6 (1538). (Mạc, năm Đại Chính thứ 9 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 17 ).

Mùa xuân, Đăng Doanh tuyển mộ hoàng đinh2508 làm lính.

Lời chua - Hoàng đinh: Xem Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống thứ 3 (Chb. XXV, 5 ).

Mạc Đăng Doanh sai bầy tôi là bọn Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh, xin hàng.

Đăng Doanh được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, liền sai đồ đảng là bọn Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đầu hàng sang Minh nói dối trá rằng:

"Tương Dực đế bị nghịch tặc Trần Cao giết hại, Đăng Dung cùng người trong nước tôn lập vua Chiêu Tông. Không bao lâu, Chiêu Tông lại bị gian thần là bọn Đỗ Ôn Nhuận và Trịnh Tuy dụ dỗ dời vào Thanh Hoa, Đăng Dung lại tôn lập Cung đế làm vua. Liền đó Đăng Dung lại đón Chiêu Tông từ Thanh Hoa về. Rồi Chiêu Tông và Cung đế đều bị bệnh chết. Họ Lê không người kế tự. Cung đế, khi bệnh kịch, có bàn với quần thần, cho rằng cha con Đăng Dung có công với nước, bèn vời vào, trao cho ấn chương đế nối coi việc nước. Đăng Dung bèn được người nước suy tôn.

Còn lý do chưa được dâng biểu và sai sứ sang cống, là trước vì Trần Cung chiến giữ lạng Sơn làm nghẽn đường, sau vì quan giữ biên cương đóng cửa ải không tiếp nhận. Đến như người nhận là dòng dõi họ Lê bây giờ chỉ là con của kẻ khác, chứ không phải là con của Chiêu Tông ".

Vua Minh biết rõ những lời trong bài biểu đều là lừa dối bưng bịt. Vả lại, tuy xin hàng, nhưng lời lẽ vẫn không thành khẩn khuất phục, Đăng Dung lại không tự trói nộp mình để đợi tội. Vua Minh bèn quyết đánh, mới sai bọn Cừu Loan và Mao Bá Ôn mau đến Quảng Tây chiêu tập binh lính để tiến đánh nhà Mạc.

Kỷ Hợi, năm thứ 7 (1539). (Mạc, năm Đại Chính thứ 10 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 18 ). Nhà vua sai bọn đại tướng Trịnh Kiểm đi tuần Thanh Hoa, đánh cho quân Mạc đại bại ở Lôi Dương2509 (không rõ tháng nào ).

Nhà vua dùng Trịnh Kiểm làm đại tướng quân, tước Dực quận công, lại phong bọn Trịnh Công Năng và Lại Thế Vinh làm quận công. Họ đều được ban ấn tướng quân, quản lĩnh quân bản bộ, đi lược định các địa phương thuộc Thanh Hoa, tiến đánh quân Mạc ở Lôi Dương: địch bị đại bại.

Lời chua - Lôi Dương: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 1 ).

Trịnh Kiểm: Người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc2510 . Thưở trẻ nghèo hèn, Kiểm đến nương nhờ dưới trướng Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta; được thương yêu và tín cẩn lắm. Rồi Triệu Tổ đề bạt phong Dực Nghĩa hầu và gả cho trưởng nử là Ngọc Bảo. Cho cùng mưu tính công việc, Kiểm nhiều lần lập được chiến công.

Lại Thế Vinh: Người Quang Lãng, huyện Tống Sơn2511 .

Đại hạn.

Tháng 10, mùa đông. Động đất.

Canh Tý, năm thứ 8 (1540). (Mạc, năm Đại Chính thứ 11 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 19 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Đăng Doanh chết.

Con trưởng là Phúc Hải nối ngôi ngụy, tiếm xưng niên hiệu là Quảng Hòa.

Tháng 11, mùa đông. Mao Bá Ôn nhà Minh đóng quân ở ngoài cửa ải. Mạc Đăng Dung đến cửa quân tướng Minh, xin hàng, và đem đất năm động hối lộ nhà Minh.

Trước kia, tướng Minh là bọn Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã đến Quảng Tây, trưng tập các lang binh2512 cùa thổ quan ở các tỉnh Lưỡng Quảng2513 , Phúc Kiến và Hồ Quảng2514 . Lại truyền hịch đi Vân Nam sai tập hợp binh lính để chờ đợi nhật kỳ xuất quân.

bọn Cừu Loan lại bàn:

Chia chính binh2515 làm ba đội tiểu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh;

Chia kỳ binh2516 làm hai toán tiểu binh; toán xuất phát từ châu Quy Thuận gọi là Sơn Tiểu, toán xuất phát từ núi Ô Lôi gọi là hải tiểu.

Kể cả chính binh và kỳ binh trên đây cộng 22 vạn người.

Lại chia quân Vân Nam ở ghềnh Liên Hoa làm ba toán tiểu binh, mỗi toán gồm 21.000 người. Tất cả đều lên đường, đồng thời xuất phát.

Lại truyền hịch sang ta dụ bảo về nghĩa phục hưng nước đã mất, nối lại dòng họ đã tuyệt, sự đánh dẹp chỉ nhằm một mình cha con Đăng Dung là kẻ có tội. Còn ai biết đem quận huyện nào ra hàng thì liền được trao cho chức quan ở quận huyện ấy để cai quản. Ai bắt hay chém cha con Đăng Dung mà ra hàng thì cứ tính theo từng tên tội nhân một, mỗi tên là được thưởng hai vạn nén vàng và được cho làm quan đến phẩm trật cao sang.

Tướng Minh lại dụ bảo cha con Đăng Dung nếu biết tự trói nộp mình đợi tội, thành khẩn dâng hết các sổ sách về đất đai và nhân dân thì được tha cho tội chết.

Bọn Bá Ôn đóng quân dựng đồn ở gần nơi biên giới.

Bấy giờ Đăng Doanh đã chết rồi. Đăng Dung được tin, cả sợ, sai sứ giả đến cửa quân của tướng Minh, trần tình, nguyện xin ra khỏi bờ cõi, đầu hàng, và kính cẩn vâng theo lệnh trên phân xử.

Lời lẽ của Đăng Dung rất là khiêm nhún thiết tha. Bọn Bá Ôn vâng theo lời chiếu của vua Minh, ưng thuận, hẹn đến mồng 3 tháng 112517 cho Đăng Dung sang làm lễ đầu hàng.

Bọn Bá Ôn thiết lập mạc phủ và tướng đài ở Nam Quang để chờ đợi. Đến kỳ đã định, Đăng Dung để Phúc Hải ở lại coi giữ việc nước, còn mình cùng với người cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quang đi sang: ai nấy buộc dây thao vào cổ2518 , đi chân không, gieo mình vào nơi mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản.

Đăng Dung lại xin dâng đất các động Ti phù, Kim Lặc. Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu nhà Minh. Lại xin nhà Minh ban cho chính sóc2519 và ấn chương đã ban từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao..

Bọn Bá Ôn vâng theo lời chiếu của vua Minh dụ bảo Đăng Dung hãy cho đái tội, về nước, đợi mệnh lệnh phân xử sau.

Đăng Dung lại sai Văn Minh và Nguyễn Văn Thái đem tờ hàng biểu sang Yên Kinh.

Lời cẩn án - Sử cũ chép Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, xin nộp các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La phù và An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng cho lệ thuộc vào Khâm Châu. Nay xét Khâm Châu chí của nhà Thanh, chỉ thấy chép đời Gia Tĩnh (1522 - 1566 ), Đăng Dung nộp trã năm động Ti Phù, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc mà thôi, chứ không thấy nói đến động An Lương. Lại tra cứu đến Quảng Yên sách thì động An Lương hiện nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh nước ta. Có lẽ, về động An Lương, Đăng Dung chưa từng dâng nộp, mà chỉ là do sử cũ chép sai sự thực đó chăng? Lại xét: Trong năm Mạc Minh Đức thứ 2, tức là năm Minh Gia Tĩnh thứ 7 (1528), Sử cũ chép

Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận; vua Minh thu nhận. Từ đó, Nam, Bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu. Nhưng, nay tra cứu bản đồ nước ta thì có Quý Hóa châu và Thuận Châu. Hai châu này hiện nay thuộc tỉnh Hưng Hóa. Trong Đại Thanh nhất thống chí tuy có chép châu Quy Thuận nguyên thuộc phủ Trấn An tỉnh Quảng Tây nhà Thanh đấy thật, nhưng hai châu mà sử cũ gọi là Quy Thuận có lẽ tức là Quy Hóa và Thuận Châu đó thôi. Lại xét Minh sử thông giám kỷ sự: hồi năm Mạc Đại Chính thứ 9 (1538), Mạc Đăng Dung được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, sai sứ xin hàng, nói dối là họ Lê không có người kế tự, cha con Đăng Dung có công với nước, được mọi người suy tôn; còn Đăng Dung sở dĩ không dâng được biểu chương, cho sứ sang tiến cống, là chỉ vì trước kia bị Trần Cung chiếm cứ Lạng Sơn làm nghẽn đường, đến sau lại bị quan giữ biên cương đóng cửa ải, không tiếp nhận. Này, từ năm Gia Tĩnh thứ 7 (1528) đến năm thứ 17 (1538), trải hàng 10 năm chưa từng có sứ đi thông hiếu, thế mà sử cũ, ở năm Gia Tĩnh thứ 7, đã vội chép rằng "Đăng Dung tính chuyện cắt đất dâng nộp hai châu Quy, Thuận, từ đó Nam, Bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu ". Về việc này, những điểm sử cũ chép đó điều xa sự thực, nên nay rút bớt đi mà chép phụ vào đây để tham khảo. Lời chua - Bằng Tường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 11 (Chb. VI, 24 ).

Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo phù thứ 4 (Chb. VII, 17 ).

Tự Minh: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 6 (Chb. VI, 40 ).

Núi Ô Lôi: Thuộc Khâm Châu, phủ Liêm Châu nhà Thanh.

Ghềnh Liên Hoa: Thuộc huyện Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh.

Nam Quan2520 : Ở về phía tây nam châu Bằng tường, phủ Thái Bình thuộc tỉnh Quảng Tây nhà Thanh.

Quảng Yên: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 35 ).

Châu Vĩnh An: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14 (Chb. II, 23 - 24 ).

An Lương: Theo Quảng Yên sách thì An Lương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.

Ti Phù: theo Khâm Châu chí thì Ti Phù còn tên nữa là Ti Lẫm, ở thôn Ti Lẫm thuộc Thiêm Lãng đô.

Liểu Cát: Còn tên nữa là Hà Châu, ở thôn Liểu Cát thuộc Như Tích đô.

Kim Lặc: Còn tên nữa là Tư Lặc, ở thôn Tư Lặc thuộc Như Tích đô.

La Phù: Ở thôn La Phù thuộc Như Tích đô.

Cổ Sâm: Ở thôn Cổ Sâm thuộc Như Tích đô.

Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đi tuần đất Nghệ An.

Triệu Tổ trẩy đến đâu, phần nhiều hào kiệt ở đấy điều theo, gần xa đều hàng phục.

Tân Sửu, năm thứ 9 (1541). (Mạc Phúc Hải, năm Quảng Hòa thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 20 ).

Tháng 8, mùa thu Đăng Dung chết.

Tháng 10, mùa đông. Nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô thống sứ ti, trao cho Đăng Dung chức đô thống sứ; đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ti, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh.

Mao Bá Ôn sai người gấp đem tờ tấu về nói với vua Minh rằng: "Đăng Dung phần sợ uy thế, phần mến đức độ, đã tự trói nộp mình đợi tội, dâng đất đai, theo chính sóc2521 . Còn Lê Ninh xưng là dòng dõi Lê kia, thế hệ trong gia phả không được rõ ràng, nay chưa thể bằng cứ vào đâu được. Nếu cho rằng Đăng Dung có tội, chưa nên khinh suất trao cho tước và phong đất đai, thì còn cháu nội hắn là Phúc Hải kia hiện đang chờ đợi mệnh lệnh, không dám noi theo thói cũ, tự tiện coi giữ đất nước. Vậy nếu Phúc Hải được nhờ ơn trên thương xót tha thứ, bóc bỏ tước cũ, liệu ban cho phẩm trật mới, hay là ban cho những chức sắc khác như đô hộ hoặc tổng quản giống việc nhà Hán, nhà Đường ngày trước đã làm, khiến hắn được coi quản vỗ về An Nam. Hằng năm bảo hắn lên tận Nam Quan đón lãnh bản lịch Đại thống do triều đình ban cho. Lễ cống năm trước, hắn còn thiếu, nay xin cứ kiểm tra, chiếu theo lệ ngạch, bắt năm sau phải bổ sung cho đầy đủ.

Còn Lê Ninh theo sự điều tra khám xét hiện nay của các ti, thì ngành ngọn thế nào khó biết được rõ ràng đích xác. Trịnh Duy Liểu, trong khi nhằm đường lén lút đi tới động châu Thạch Lâm giáp gần Quảng Tây, cũng không biết rõ mặt mũi Lê Ninh thế nào; cho nên có người gọi là Lê Ninh, có người gọi là Lê Hiến, có người gọi là Quang Chiếu, có người gọi Quang Hòa, có người lại cho là do họ Trịnh mạo xưng ra.

Còn Lê Ninh ở động Tất Mã Giang mà Trịnh Viên nói đó tuy có đấy thật, nhưng lai lịch của Lê Ninh này không được rõ lắm, mà từ sự trạng2522 đến tuổi và diện mạo như Trịnh Viên đã trình bày lại khác với người mà Trịnh Duy Liểu đã báo cáo trước. Những người và sự việc này thật đều khó phán đoán và quyết định.

Vậy đối với Trịnh Duy Liểu, nên tuỳ tiện an trí ngay ở một chỗ nào đó thuộc Quảng Đông, rồi liệu cấp cho ruộng đất và nhà ở, đừng để long đong đến nổi không được yên chỗ.

Xử trí như thế ngõ hầu mới được hết lẽ và ổn thỏa ".

Vua Minh giao việc này cho đình thần bàn xét. Mọi người đều đồng ý như lời Bá Ôn đã bàn.

Nhà Minh bèn đổi nước An Nam làm đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm đô thống sứ, phẩm trật và bậc tòng nhị2523 , ban cho ấn chương khác và cho đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức và chế độ mà Đăng Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt tuyên phủ ti, mỗi tuyên đặt một tuyên phủ đồng tri, một tuyên phủ phó sứ và một tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của đô thống sứ. Tất cả các ti trên đây đều lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ti.

Hằng năm nhà Minh sẽ ban cho chính sóc, và đặt lệ là cứ ba năm một lần cống.

Còn về Lê Ninh thì cứ sai bầy tôi trấn thủ điều tra khám xét; nếu quả là con cháu họ Lê, sẽ trao cho cai quản bốn phủ thuộc Thanh Hoa, nếu là giả dối không thực, sẽ không cho.

Lời chua - Châu Thạch Lâm: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. XV, 27 ).

Tất Mã Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 18 )2524 .

Bốn phủ thuộc Thanh Hoa: Tức là phủ Hà Trung, phủ Tĩnh Gia, phủ Thiệu Hóa và phủ Thọ Xuân.

Mười ba lộ: Không rõ là những lộ nào. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông có đặt ra mười ba đạo thừa tuyên2525 , có lẽ tức là mười ba lộ này chăng.

Nhâm Dần, năm thứ 10 (1542). (Mạc, năm Quảng Hòa thứ 2 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 21 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua tự làm tướng cầm quân đi tuần hành đất Thanh Hoa.

Bấy giờ nhà vua sửa soạn chính mình cầm quân đi trận, dùng Thụy quận công Hà Thọ Tường làm ngự doanh đề thống. Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta thân hành đôn đốc tướng sĩ các doanh đi trước, tấn công Thanh Hoa và Nghệ An. Quân trẫy đến đâu thì nhiều tướng cũ và hào kiệt ở đấy đều theo. Thanh thế quân đội rất lừng lẫy.

Lời chua - Hà Thọ Tường: Người Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy2526 .

Tháng 8, mùa thu. Mạc Phúc Hải sai bầy tôi là Nguyễn Điển Kính sang nhà Minh.

Nhà Minh ban cho Đăng Dung sắc, ấn và lịch Đại Thống. Phúc Hải sai sứ đem sản vật địa phương sang đáp tạ.

Lời chua - Sản vật địa phương: Theo truyện Mạc Phúc Hải trong Thông sử của Lê Quý Đôn thì những sản vật địa phương mà nhà Mạc đem sang tạ ơn nhà Minh gồm có:

Đồ vật Số lượng Trọng lượng

Lư hương, bình hoa bằng vàng 4 bộ 190 lạng2527

Rùa vàng 1 con 90 -

Hạc2528 bạc 1con 51 -

Đài2529 bạc 1 chiếc 51 -

Lư hương và bình hoa bằng bạc 2 bộ 150 -

Mâm bạc 12 chiếc 641 -

Trầm hương2530 60 cân

Tốc hương2531 48 cân

Giáng chân hương2524 30 nén

Sừng tê 20 cái

Ngà voi 30 chiếc

Còn các sản vật trong lễ cống hàng năm cũng như vậy, đặt làm lệ thường.

Tháng 12, mùa đông. Nhà Minh cho Mạc Phúc Hải được nối chức An Nam đô thống sứ ti đô thống sứ.

Trước kia, nhà Minh trao cho Đăng Dung làm chức đô thống sứ. Mệnh lệnh vua Minh thoạt ban xuống thì vừa gặp lúc Đăng Dung chết. Bọn Bá Ôn xin cho cháu nội Đăng Dung là Phúc Hải được nối chức, vua Minh ưng thuận.

Quý Mão, năm thứ 11 (1543). (Mạc, năm Quảng Hòa thứ 3. Minh, năm Gia Tĩnh thứ 22 ). Nhà vua tiến quân đến Tây Đô. Hoạn quan nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu hàng.

Nhà vua tiến quân đến thành Tây Đô, đóng quân doanh ở Nghĩa Lộ, Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất, hoạn quan nhà Mạc, làm tổng trấn ở đó, đem các con em của mình đến bái kiến ở cửa quân. Ba quân nhà Lê cả mừng. Nhà vua cho Dương Chấp Nhất cầm giữ binh quyền.

Lời chua - Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XII, 16 ).

Nghĩa Lộ: Không rõ ở đâu.

Vua Lê gia phong cho Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta làm thái tể.

Thăng Triệu Tổ lên làm thái tể đô tướng, tiết chế2533 tướng sĩ các quân doanh.

lời cẩn án - Sử cũ chép bấy giờ Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đang ở Ai Lao, vua Lê sai Trịnh Công Năng vời đến. Triệu Tổ, ngay hôm ấy, lên đường, vào yết vua Lê ở hành tại. Nhà vua cả mừng, gia phong lên chức này. Nay xét Công nghiệp diễn chí và bản thảo Tiền biên của Quốc sử quán, đều không thấy nói đến việc này. Bây giờ cứ theo sự việc mà xét thì năm trước đã chép Triệu Tổ tổng đốc các quân, tấn công Thanh Hoa; đến năm này lại chép Triệu Tổ còn ở Ai Lao; thế là trước sau trái nhau. E rằng sử cũ chép lầm, nay xin rút bỏ.

Giáp Thìn, năm thứ 12 (1544). (Mạc, năm Quảng Hòa thứ 4 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 23 ).

Ất Tị, năm thứ 13 (1545). (Mạc, năm Quảng Hòa thứ 5 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 24 ).

Tháng 4, mùa hạ. Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta rước vua Lê đi trận, tiến đánh Sơn Nam.

Tháng 5. Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta mất ở quân doanh. Vua Lê phong Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta2534 làm Hạ Khê hầu, quản lãnh quân đội đi đánh giặc.

Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô2535 , hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất.

Vua Lê xuống chiếu tặng phong là Chiêu Huân Tĩnh Công, đặt tên thụy là Trung Hiến, đem về táng tại núi Thiên Tôn ở Bái Trang thuộc huyện Tống Sơn2536 . Lại phong con trưởng là Uông làm Lãng quận công, con thứ là Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế làm Hạ Khê hầu, lãnh quân đi đánh giặc.

Trước kia, Chấp Nhất theo Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, rất được thân yêu. Kịp khi Chấp Nhất đi trấn thủ Thanh Hoa, được tin Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế dấy quân ở Ai Lao, tôn lập vua Lê, nhà Mạc bảo Chấp Nhất trá hàng, rình kẻ hở để làm hại. Vua Lê không ngờ rằng hắn trá hàng cứ giao cho cầm quân theo đi đánh dẹp; do đấy Triệu Tổ mới bị nó phản. Chấp Nhất lại trốn về nhà Mạc.

Lời chua - Tống Sơn: Tên huyện, thuộc phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoa.

Núi Thiên Tôn: Chính Lăng Triệu Tổ ở nơi này. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) triều ta phong cho núi Thiên Tôn này là núi Triệu Tường.

Tháng 8, mùa thu. Dùng Trịnh Kiểm làm đô tướng, tiết chế các doanh quân thủy quân bộ, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, gia phong thái sư, tước Lạng quốc công.

Bấy giờ trong quân mới mất chủ tướng2537 , mọi người tinh thần dao động, bèn cùng nhau bàn tính rút lui về Tây Kinh2538 để củng cố lấy chỗ căn bản. Nhà vua gia phong Trịnh Kiểm chức này, giao cho chính quyền, từ quyền quân sự ở ngoài đến sự vụ quốc gia, công việc đánh dẹp và phong tước bổ chức đều được tùy tiện quyết định rồi tâu lên nhà vua biết.

Bính Ngọ, năm thứ 4 (1546). (Mạc, năm Quảng Hòa thứ 6 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 25 ). Lập hành điện ở sách Vạn Lại.

Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó.

Lời chua - Sách Vạn Lại: Thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa.

Tháng 5, mùa hạ. Mạc Phúc Hải chết.

Con là Phúc Nguyên nối ngôi ngụy tiếm đặt niên hiệu Vĩnh Định (1547)2539 .

Đinh mùi, năm thứ 15 (1547). (Mạc Phúc Nguyên, năm Vĩnh Định thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 26 ).

Mậu Thân, năm thứ 16 (1548). (Mạc, năm Cảnh Lịch thứ 1 - Minh, năm Gia Tĩnh thứ 27 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua mất.

ngôi 16 năm, thọ 34 tuổi.

Thái tử Huyên lên ngôi (tức là Lê Trung Tông).

Đại xá, kể từ năm sau là niên hiệu Thuận Bình năm thứ 1.

Tháng 3. Táng [Lê Trang Tông ] tại Cảnh Lăng.

Dâng tôn hiệu là Dụ hoàng đế, miếu hiệu là Trang Tông.

Lời chua - Cảnh Lăng: Ở phía nam Lam Sơn.

--

2399 Tức là Tổng chỉ huy quân đội trong toàn quốc.

2400 Một chức như trợ lý trong quân đội, có nhiệm vụ xem xét giúp đỡ việc quân, không dặt thường xuyên.

2401 Xem Chb. XX, 2.

2402 Tức là 12 đạo năm 1466 (xem Chb. XX, 7, 8 ) và đạo Quảng Nam đặt năm 1471 (xem Chb. XXII, 6 - 8 ).

2403 Nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

2404 Xem Chb. XXVI, 25 - 26.

2405 Xem Toàn Thư quyển XV, tờ 54a.

2406 Đất huyện Đông Ngàn cũ nay thuộc các huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh) và Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm,( Hà Nội).

2407 Gia Mô thông gia với Đăng Dung.

2408 Chồng của em gái.

2409 Tức Thanh Hóa.

2410 Thuộc tỉnh Nghệ An.

2411 Thuộc tỉnh Bắc Ninh.

2412 Nt.

2413 Tức thám hoa.

2414 Từ đây đến lúc Chiêu Tông bị giết, phàm tiếng "nhà vua " đều chỉ Chiêu Tông.

2415 Nay là huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương.

2416 Nay thuộc Hà Nội.

2417 Nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

2418 Nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng yên.

2419 Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

2420 Nay là một phần huyện Gia Lương.

2421 Tức làng Mọc, nay là xã Nhân Chính thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.

2422 Nay là huyện Từ Liêm Hà Nội.

2423 Đất huyện Đường Hào cũ, nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng yên.

2424 Nay là xã Tây Mỗ và Đại Mỗ thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.

2425 Nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

2426 Xem "lời chua " ở sau của Cương mục.

2427 Tức làng Vòng nay là phường Dịch Vọng thuộc quận Cầu Giấy Hà Nội.

2428 Chức quan hầu nhà vua học tập ở tòa Kinh Diên.

2429 Thuộc Thanh Hóa.

2430 Nay là thôn Chi Nê thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

2431 Nay là huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

2432 Nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

2433 Nay là huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ.

2434 Tức trạng nguyên.

2435 Nguyên văn Cương mục in lầm là Canh Thìn nay tra trong Toàn thư XIII 64 chép khoa Canh Tuất (1490) có Vũ Duệ và Ngô Hoán... đỗ tiến sĩ cập đệ ... vậy xin cải chính.

2436 Nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

2437 Tức bảng nhãn.

2438 Nay thuộc huyện Cầm Giàng, tỉnh Hải Dương.

2439 Nay là huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây.

2440 Nay là huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức và Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Tây.

2441 Nay là các huyện Thường Tín, Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây.

2442 Nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

2443 Trần Chân, người La Khê. (Nay thuộc thị xã Hà Đông ), tước Thiết sơn bá, sau khi đánh đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ (đinh sửu, 1517 ), nắm nhiều quyền bính trong tray. Về sau có kẻ đặt bài vè để vu oan giá họa cho Trần Chân, nên bị Lê Chiêu Tông giết chết (xem Toàn thư XV, 43; Cương mục, Chb. XXVI, 38 ).

2444 Từ đây trở xuống cũng như từ đây ngược lên đầu triều Lê Thái Tông, Cương mục thường chép Thanh Hóa là Thanh Hoa là theo sự thay đồi từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Đến triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), vì kiêng tên mẹ Thiệu Trị, lại đổi là Thanh Hóa.

2445 Tức Thanh Hóa.

2446 Nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2447 Người môn đồ này không rõ tên là gì, chỉ thấy Toàn thư XV, 64 chép tước là Tử Nhạc bá.

2448 Tức là dân quân.

2449 Chỗ lăng tẩm các vua nhà Lê.

2450 Vì nhà Mạc bị Cương mục liệt vào hạng triều đại tiếm nghịch, không được kể là chính thống, nên phàm quan chức nhà Mạc đều bị chép là "ngụy chức ", hay "ngụy quan ".

2451 Nay là thôn Ông Mặc, xã Hương Mạc, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.

2452 Nay là thôn Xuân Lôi, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

2453 Nay là thôn Xuân Lôi, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, Vĩnh phúc.

2454 Đây là lỗi in của Cương mục, thực ra suốt triều Hồng Đức (1470 - 1497 ) không có khoa nào là khoa "Mậu Tuất ". Vậy nếu là Mậu Thân thì là 1488; nếu là Canh Tuất thì là 1490.

2455 Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

2456 Nay thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

2457 Nay là Thanh Trì, thuộc Hà Nội.

2458 Theo chế độ phong kiến xưa, khi thiên tử muốn tỏ ý ưu đãi một đại thần nào thì ban cho đồ quý giá và cho hưởng nghi lễ đặc biệt để biểu dương khác với mọi người. Chính thứ ban cho ấy gọi là "cửu tích ". Muốn rõ từng thứ một, xin xem "lời chua " ở sau của Cương mục.

2459 Tức là việc giết Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà.

2460 Được phép xây ngay thềm bậc lên xuống ở trong nền nhà, chứ không phải xây lộ thiên ở ngoài.

2461 Những tay dũng sĩ.

2462 Phủ: cái búa, việt:: búa lớn.

2463 "cự sưởng " một thứ rượu dùng về việc cúng tế.

2464 Nay là thôn Mộ Trạch thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương.

2465 Thời Lê thuộc phủ Thượng Hồng. Thời Nguyên do phủ Bình Giang kiêm lý. Phủ Bình Giang sau là huyện Bình Giang.

2466 Sau đổi Can Lộc thuộc Hà Tĩnh (xem thêm Cương mục, Tb, IV, 23; Đại Nam nhất thống chí, XIII, 5, tỉnh Hà Tĩnh ).

2467 Người xã Kim Đâu, huyện Thanh Miện nay thuộc tỉnh Hải Dương.

2468 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

2469 Nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.

2470 Nay là thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Tây.

2471 Tục gọi Huê kiều (cầu hoa ).

2472 Nay là huyện Gia Lương, Bắc Ninh.

2473 Nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

2474 Nay là thôn Thạch Lựu, xã An Thái, huyện An Lão, Hải Phòng.

2475 Nay thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.

2476 Nay là thôn Kim Bài, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Tây.

2477 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương.

2478 Nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

2479 Nguyên văn Cương mục in lầm là Quang Thuận thứ 7.

2480 Tức là chế độ về quân đội, về ruộng đất và về bổng lộc.

2481 Xem Chb. XX, 2.

2482 Tức là Nguyễn Kim, người Bái Trang, huyện Tống Sơn, thuộc Thanh Hóa, tổ của Triều Nguyễn. Vì Cương mục do sử thần triều Nguyễn chép nên khi nói về Nguyễn kim, chỉ tôn xưng miếu hiệu, không chép thẳng tên. Và từ đây trở đi, phàm chỗ nào chép về tổ tiên và vua chúa triều Nguyễn đều kèm theo chữ "ta " (ngã ) cả.

2483 Nt.

2484 Nguyên văn là " bản triều ". Đó là do Quốc sử quán triều Nguyễn chép, nên gọi triều Nguyễn là "triều ta ". Các chỗ khác trong sách này cũng đều chung một lệ ấy.

2485 Dân thiểu số này, hằng năm, chỉ phải giữ lễ tiến cống, chứ không phải chịu phú thuế và sưu dịch với triều đình nhà Nguyễn.

2486 Nay là thôn Lại Ốc, xã Long Hưng,, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

2487 Nay thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

2488 Nay thuộc xã Đồng Nguyên, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

2489 Tức thành Thanh Hóa.

2490 Thuộc Thanh Hóa.

2491 Toàn thư XV, 75 chép là "An Sơn Giang " (cũng thuộc Thanh Hóa ).

2492 Chắn là "An Sơn " mà Cương mục in lầm.

2493 Theo Đại Nam nhất thống chí XVI, 42 (Thanh Hóa tỉnh, thượng ) thì sông Tống Giang ở địa phận huyện Tống Sơn.

2494 Toàn thư XV, 76 chép sau khi Lê Ý bị bắt, quân gia tan rã, hoặc chạy sang Ai Lao, nhập vào dưới cờ Nguyễn Kim, hoặc tản về thôn quê, làm ăn sinh sống.

2495 Tức hoạn quan.

2496 Tức Thanh Hóa.

2497 Đều thuộc Thanh Hóa.

2498 Nt.

2499 Đều thuộc Thanh Hóa.

2500 Nt.

2501 Xem chú giải số 1 và số 2 ở Chb XXVII, 19.

2502 Chỉ việc lập Lê Trang Tông.

2503 Người nước Sở đời Xuân Thu. Khi quân Ngô đánh phá nước Sở, Bao Tư sang Tần cầu cứu, khóc đến bảy ngày làm vua Tần cảm động, phải dấy quân cứu nước Sở.

2504 Tên tự của Trương Lương, trung với nước Hàn, mưu sát Tần Thủy Hoàng ở Bác Lãng Sa để báo thù cho nước. Sau giúp Hán Cao Tổ, thống nhất thiên hạ.

2505 Nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

2506 Xem Chb. XXVII, 24.

2507 Chỉ đám quân do Nguyễn Kim lãnh đạo, lập Lê Trang Tông ở Ai Lao để khôi phục nhà Lê.

2508 Dân đinh 17 tuổi.

2509 Thuộc Thanh Hoa.

2510 Nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

2511 Nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

2512 Binh lính của thổ ti ở các địa phương thuộc vùng Quảng Tây... dưới triều Minh. Quân này rất hung tợn, hành quân đến đâu thường hay hiếp dâm, và cướp bóc.

2513 Quảng Đông và Quảng Tây.

2514 Tức là đất lưỡng Hồ gồm Hồ Nam và Hồ Bắc.

2515 Xem chú giải số 2, ở Chb. XIII, 28.

2516 Xem chú giải số 1 ở Chb. XIII, 28.

2517 Năm Kỷ Hợi, 1539.

2518 Tỏ ý tự trói cổ mình đem nộp để chịu tội.

2519 Tức là mồng 1 tháng giêng. Ngày xưa, mỗi một triều đại lên vì đều có thay họ và đổi chính sóc, như: nhà Ân thì đặt tháng 12 của nhà Hạ làm tháng giêng, nhà Chu thì dùng tháng 11 của nhà Hạ làm tháng giêng. Vì thế, khi nói là phải theo chính sóc của một triều đại nào, tức là phải lệ thuộc vào triều đại ấy.

2520 Nay gọi Mục Nam Quan.

2521 Xem chú thích ở Chb. XXVII, 33.

2522 Tiểu sử hoặc lược truyện của một nhân vật.

2523 Còn kém chánh nhị phẩm.

2524 Theo Chb. XX, 18 thì chỉ là "Mã Giang " chứ không chép là "Tất Mã Giang ".

2525 Theo Chb. XX, 7 - 8 thì đời Lê Thánh Tông có đặt 12 thừa tuyên, kể cả phủ Phụng Thiên thì là mười ba (xem thêm Chb. XXI, 16 - 21 ). Còn nếu là mười ba đạo thì xem chú giải số 2 ở Xhb. XXVII, 1.

2526 Thuộc Thanh Hóa.

2527 Lạng ta. mỗi lạng là một phần mười sáu trong một cân ta (mỗi cân ta bằng sáu lạng tây ).

2528 Hạc, dùng cắm nến để thờ cúng.

2529 Đồ dùng để đựng chén rượu cúng.

2530 Xem chú thích số 4 ở Chb. XIV, 24.

2531 Xem chú thích số 4 ở Chb. XIV, 24.

2532 Xem chú giải ở Chb. XV, 29.

2533Cầm quyền chỉ huy và chi phối.

2534 Tức chúa tiên, tên là Nguyễn Hoàng, con thứ của Triệu tổ (Nguyễn Kim ), sau vào trấn trong thuận Hóa (1558), gây thành cục điện chia đôi đất nước và Bắc Nam phân tranh hàng mấy chục năm trời.

2535 Nay thuộc Ninh Bình.

2536 Thuộc Thanh Hóa.

2537 Chỉ Nguyễn Kim.

2538 Tức Thanh Hóa.

2539 Sau đổi làm Cảnh Lịch (1548 - 1553), lại đổi Quang Bảo (1554 - 1561).

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home