Saturday, March 19, 2005

Chính Biên - Quyển thứ VII

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ VII

Từ năm Kỷ Mùi, Trần Thánh Tông, niên hiệu Thiệu Long thứ 2 (1259) đến năm Bính Tuất, Trần Nhân Tông, niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1294), gồm 28 năm.

Kỷ Mùi, Thánh Tông hoàng đế năm Thiệu Long thứ 2 (1259) (Tống, năm Khai Khánh thứ 1).

Tháng 6, mùa hạ. Phong cho Nguyễn Giới Huân làm Đại hành khiển thượng thư Tả Phụ; Lê Phụ Trần làm Thủy quân đại tướng quân.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua đi bái yết sơn lăng.

Đặt quan để coi giữ sơn lăng.

Canh Thân, năm thứ 3 (1260). (Tống, năm Cảnh Định thứ 1; Mông Cổ, Thế tổ Hốt Tất Liệt năm Trung Thống thứ 1).

Ngày Mậu Thìn, mồng một, tháng 3, mùa xuân. Nhật thực. Ngày Nhâm Thìn, xung quanh mặt trời có hai vòng sắc sáng.

Tân Dậu, năm thứ 4 (1261). (Tống, năm Cảnh Định thứ 2; Mông Cổ, năm Trung Thống thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Tuyển lính.

Tuyển dân đinh các lộ, người nào khỏe mạnh sung làm lính; ngoài ra sung làm người sắc dịch ở sảnh, ở viện, ở cục và sung vào đội tuyển phong ở lộ, phủ, huyện.

Thi lại viên.

Thi bằng phép viết và phép tính, người nào trúng tuyển được bổ làm duyện lại638 ở nội lệnh sử639 . Còn ti Thái Y640 , ti Thái Chúc641 thì thi những người tinh thông nghề nghiệp chuyên môn, người nào trúng tuyển về môn gì, sẽ được sung bổ vào chức việc ti ấy.

Tháng 6, mùa hạ. Sứ thần nước Mông Cổ sang.

Trước đây Hiến Tông nước Mông Cổ sai Nạp Thích Đinh sang dụ nhà vua rằng: "Ngày trước nước Mông Cổ sai sứ sang thông hiếu, thì sứ thần bị bắt không được trở về, vì thế mới có cuộc hành quân năm trước; đến khi sai hai sứ thần sang chiêu an, lại bị trói đưa trả lại, nay đặc phái sứ thần sang hiểu dụ một lần nữa, nếu quyết lòng xin phụ thuộc vào Trung Quốc thì vua phải thân hành sang chầu". Nhà vua tiếp được thư, trả lời rằng: "Đợi khi nào có chiếu chỉ của Thiên tử, lúc ấy sẽ cho ngay con sang làm con tin". Đến đây, Thế Tổ nước Mông Cổ mới lên ngôi, lại sai Lễ bộ lang trung là Mạnh Giáp, Viên ngoại lang là Lý Văn Tuấn sang dụ rằng: "Quan lại, sĩ thứ nước An Nam, phàm áo mũ lễ nghi đều được theo chế độ cũ

nước mình. Trung Triều642 đã hạ lệnh răn bảo quan lại ở ngoài biên giới không được thiện tiện đem quân xâm nhiễu, vậy hai bên đều nên giữ việc trị an như cũ". Khi bọn Mạnh Giáp đã đến nơi, nhà vua ban yến ở cung Thánh Từ. Sau nhà vua sai viên Thông thị đại phu là Trần Phụng Công, viên ký ban các vệ là Nguyễn Thám và Viên ngoại lang là Nguyễn Diễn sang Mông Cổ đáp lễ, vua Mông Cổ ban sách phong và cho ba súc gấm tây cẩm, sáu súc gấm vàng. Lại định lệ ba năm một lần sang cống kể bắt đầu từ năm Trung Thống thứ 4 (1263) và bắt phải tuyển những học trò, thầy thuốc, thầy số, thầy bói và các thợ, mỗi hạng ba người, cùng với trầm hương, tê giác, đồi mồi, trân châu, ngà voi, chén, các hạng kể trên, phải đưa sang cùng một lúc.

Vua Mông Cổ cho Nạp Thích Đinh sung làm quan Đạt lỗ hoa xích, đi lại giám sát việc cai trị, nhà vua sai Dương An Dưỡng sang tạ ơn, vua Mông Cổ đáp lại bằng đai ngọc, the lục, thuốc bắc và yên ngựa, cương ngựa.

Lời chua - Đạt lỗ hoa xích: Tên chức quan của Mông Cổ, dịch ra nghĩa là quan trưởng ấn, chức quan này giám sát việc cai trị quận huyện.

Bổ dụng Chiêu Minh đại vương là Quang Khải làm Thái uý.

Người anh nhà vua là Quốc Khang nhiều tuổi, nhưng vì tài trí tầm thường không dùng được, nên dùng Quang Khải làm tướng.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Chế độ nhà Trần, tước vương, tước hầu đều ở dinh thự riêng tại các làng. Khi triều yết thì về kinh, khi xong việc lại trở về dinh thự riêng của mình. Đến lúc vào làm Tể tướng trong triều mới thống lĩnh hết cả công việc trong nước, nhưng cũng chỉ giữ đại cương mà thôi, còn quyền xếp đặt thì thuộc chức Hành khiển, như thế thì người chức nhỏ làm giữ việc nặng, người chức lớn lại giữ việc nhẹ. Bởi vì muốn bảo toàn cho Tể tướng, nên không muốn để Tể tướng phải phiền lòng về nhiều việc. Vả lại, xem như năm Nguyên Phong643 , giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu đều đem hương binh và thổ hào sung vào đội quân cầu vương; việc chính biến năm Đại Định644 , vương hầu lại đem dân các thôn trang sắm sửa nghi trượng (tử tú long đại) để đón vua mới. Như thế thì chế độ nhà Trần cũng làm tăng được sức mạnh của khí thế "duy thành"645 . Lời chua - Đại Định: Niên hiệu tiếm thiết của Dương Nhật Lễ.

Long Đại: Tức là nghi trượng khi thiên tử đi ra ngoài cung điện. Theo mục "Nghi vệ chí" trong Tống thư, tử tú long đại là nghi trượng của thiên tử.

Nhâm Tuất, năm thứ 5 (1262). (Tống, năm Cảnh Định thứ 3; Mông Cổ, năm Trung Thống thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Đem làng Tức Mặc thăng lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh ở phủ ấy.

Thượng hoàng đến chơi hành cung ở Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân. Các ông già trong làng người 60 tuổi trở lên, cho quan tước hai tư646 , đàn bà thì cho hai tấm lụa. Nhân đấy đổi làng Tức Mặc làm

phủ Thiên Trường; dựng cung gọi là Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi rồi về ở, phía tây cung dựng chùa Phổ Minh; lại dựng một cung riêng để cho tự quân647 khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó, gọi là cung Trùng Hoa; đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến hầu hạ, và đặt chức Lưu thủ để trông coi.

Lời chua - Tức Mặc: Xem Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (Chb. VI, 4).

Tháng 3. Hạ chiếu cho các quân đội tập trận.

Quân thủy và quân bộ đều phải sửa soạn chiến khí, chiến thuyền, diễn tập chiến trận ở bãi phù sa sông Bạch Hạc.

Lời chua - Sông Bạch Hạc: Ở địa phận huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây648 . Sông này phía trên giáp với sông Thao, sông Đà, phía dưới thông với sông Phú Lương.

Tháng 6, mùa hạ. Sứ thần nhà Tống sang.

Nhà Tống thấy nhà vua đã được Thượng hoàng truyền ngôi cho rồi, nên hạ chiếu cho tập phong làm An Nam quốc vương và gia phong vua Thái Tông làm Đại vương.

Tháng 9, mùa thu. Xét tình trạng những người bị tội.

Người bị tội dầu nặng dầu nhẹ đều được tha bổng, duy lúc quân Mông Cổ sang xâm lược mà ai hàng giặc thì không được tha.

Quý Hợi, năm thứ 6 (1263). (Tống, năm Cảnh Định thứ 4; Mông Cổ, năm Trung Thống thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Mưa đá.

Tháng 3. Sét đánh điện Thiên An.

Lời chua - Điện Thiên An: Xem Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (Chb. II, 33).

Tháng 9, mùa thu. Phát sinh bệnh dịch.

Tháng 12, mùa đông. Mưa to, gió lớn.

Giáp Tí, năm thứ 7 (1264). (Tống, năm Cảnh Định thứ 5; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Trần Thủ Độ mất.

Thủ Độ dầu không có học vấn gì, nhưng có tài lược. Thái Tông được thiên hạ là do mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên Thủ Độ là một chỗ dựa vững chắc của nhà Trần, quyền bính lấn át cả vua. Bây giờ có người đã hặc649 Thủ Độ, khi người ấy trông thấy Thái Tông, liền chảy nước mắt mà tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu, mà quyền bính của Thủ Độ to quá, thế thì xã tắc sẽ ra thế nào?". Thái Tông lập tức đi xe đến chơi nhà riêng Thủ Độ và đem cả người ấy đi theo, rồi theo lời hặc ấy bảo cho Thủ Độ biết. Thủ Độ thưa rằng: "Câu nói ấy đúng sự thực", nói xong liền đem tiền lụa thưởng cho người ấy.

Thái Tông thường có ý muốn cho anh ruột Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, Thủ Độ từ chối, nói rằng: "An Quốc là anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy là người hiền tài thì tôi xin từ chức để nhường cho anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy không phải hiền tài thì không nên dùng, chứ nếu cả hai anh em đều làm tướng, thì đối với thiên hạ còn ra thế nào?". Do đấy Thái Tông mới bỏ ý nghĩ ấy.

Nước ta về triều Lê, các quan chức có 24 thông tư, bậc thấp nhất là từng cửu phẩm, một tư, bậc cao nhất là quốc công đủ 24 tư (Cương mục thông giám Chính biên quyển XXII tờ 25).

Thủ Độ dầu làm quan đến Tể tướng, mà không việc gì là không để ý đến, vì thế mới giúp nhà Trần dựng nên cơ nghiệp đế vương, mà cũng giữ trọn vẹn được thân mình. Thái Tông có làm văn bia ở sinh từ Thủ Độ để tỏ ý quý mến hơn người khác.

Nhưng xét ra, những việc giết vua triều trước650 và thông dâm với vợ vua651 , việc gì Thủ Độ cũng nhẫn tâm làm cả. Như thế Thủ Độ là bầy tôi có công với triều Trần, mà là người có tội với triều Lý.

Tháng 3. Bổ dụng Khâm Thiên đại vương là Nhật Hiệu làm Tướng quốc Thái uý.

Nhà vua muốn dùng Nhật Hiệu làm Thái sư, nhưng Nhật Hiệu cố ý từ chối không nhận, có lẽ hắn thẹn về việc viết chữ vào mạn thuyền khi trước; vì thế quan chức của hắn mới thêm hai chữ "tướng quốc", và phong hắn làm Tướng quốc Thái uý thống lĩnh mọi công việc trong nước.

Lời chua - Việc viết chữ vào mạn thuyền: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chb. VI, 41).

Tháng 7, mùa thu. Sao chổi mọc ở phương Đông Bắc.

Thượng hoàng ban yến cho bầy tôi ở điện Diên Hiền, chợt thấy sao chổi mọc về phương Đông Bắc, dài suốt một phương trời, Thượng hoàng ra coi, rồi bảo rằng: "Ta xem ngôi sao này tia sáng rất lớn, đuôi mọc rất dài, chắc không phải sự tai biến ứng về nước ta", rồi lại cho ăn yến đến xong tiệc. Tháng 10 năm ấy, vua nhà Tống mất.

Lời phê - Câu nói này cũng may mà trúng, vì chính Thái Tông thấy rõ được công việc nhà Tống lúc bấy giờ, nên nói khiên cưỡng mà thôi, chứ biết thế nào được đạo trời. Ất Sửu, năm thứ 8 (1265). (Tống, Độ Tông, năm Hàm Thuần thứ 1; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Nước Chiêm Thành sai sứ thần sang cống.

Nước Chiêm Thành từ khi bị Thái Tông sang đánh đến nay, sợ oai, phải một lòng thần phục, nên trong một đời nhà vua sáu lần sang cốngNước Chiêm Thành từ khi bị Thái Tông sang đánh đến nay, sợ oai, phải một lòng thần phục, nên trong một đời nhà vua sáu lần sang cống652 .

Tháng 3. Đổi ti Bình Bạc653 ở kinh sư làm Đại an phủ sứ.

Viên quan nào giữ chức An phủ ở các lộ, sau khi mãn lệ khảo công, thì được cất nhắc lên giữ chức An phủ ở Thiên Trường, lại qua một lần khảo công nữa, được cất nhắc lên Thẩm hình viện, rồi mới được thực thụ chức Đại an phủ ở kinh sư. Cách đề bạt như thế, là có ý coi trọng chức quan đứng đầu địa phương trong kinh thành.

Tháng 7, mùa thu. Nước to, nhà vua hạ chiếu ân xá.

Nước lên to, tràn vào phường Cơ Xá, người và súc vật phần nhiều bị chết đuối, vì thế mới hạ chiếu ân xá.

Lời chua - Cơ Xá: Xem Lý Nhân Tông, năm Long Phù thứ 8 (Chb. VI, 6).

Bính Dần, năm thứ 9 (1266). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 2; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Sai sứ sang Mông Cổ.

Sứ thần Mông Cổ sang nước ta ban hành tờ chiếu đổi niên hiệu mới và trao cho niên lịch năm Bính Dần, vì thế nhà vua sai Dương An Dưỡng đem thư sang Mông Cổ: 1) Xin định lại những phẩm vật địa phương phải cống nạp; 2) Xin miễn việc phải nộp học trò, thầy thuốc và thợ thuyền; 3) Xin cho Nạp Thích Đinh làm Đạt lỗ hoa xích dài hạn. Mông Cổ dầu nhận lời, nhưng không được bao lâu lại đòi nước ta phải nhận 6 việc: 1) vua phải thân sang chầu; 2) cho con em sang làm con tin; 3) phải kê nộp số dân trong nước; 4) phải nộp một số quân; 5) phải nộp tô thuế; 6) vẫn đặt quan để giám sát việc cai trị.

Tháng 10, mùa đông. Hạ chiếu cho vương hầu được phép đặt điền trang.

Tước vương, tước hầu, công chúa, phò mã và cung tần đều được phép chiêu mộ những người phiêu tán nghèo đói làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành trang hộ. Vương, hầu có điền trang bắt đầu từ đây trước.

Đinh Mão, năm thứ 10 (1267). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 3; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 4).

Tháng 3, mùa xuân. Định thể lệ phong ấm cho những người trong tôn thất.

Con các vương, hầu, công chúa trong hoàng tông thuộc về dòng chính được phong ấm, gọi là "kim chi ngọc điệp" (cành vàng lá ngọc); cháu ba đời những người ấy phong là quận vương, cháu bốn đời ban cho tước minh tự, cháu năm đời ban cho tước thượng phẩm, theo với thế thứ ở "ngũ phục đồ"654 .

Lời cẩn án - Thể lệ phong ấm triều nhà Trần, theo Sử cũ chép lại, phần nhiều không hiểu rõ được, như con thứ của vua phong là thượng vị hầu, mà con trưởng của các tước vương thì phong vương, con thứ cũng phong là thượng vị hầu, như thế đã không theo thế thứ. Đến như việc tập ấm, mà cháu ba đời của vương, hầu, công chúa cũng phong đến quận vương, thì thật là lộn xộn. Việc này sẽ khảo cứu sau. Tháng 4, mùa hạ. Kén chọn học trò lấy người nào có tài năng văn học sung bổ vào giữ việc ở quán, các, sảnh và viện.

Theo quy chế cũ, chức Hành khiển chưa bao giờ dùng người văn học,chỉ có người hầu cận trong nội655 mới được làm. Lúc ấy Đặng Kế giữ chức Hàn lâm viện học sĩ656 , Đỗ Quốc Tá giữ chức Trung thư sảnh trung thư lệnh657 . Người có văn học được giữ quyền bính bắt đầu từ đây trước.

Tháng 5. Phong cho em là Ích Tắc tước Chiêu Quốc vương.

Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh, chăm học, am hiểu kinh truyện và lục nghệ, lại có tài làm văn chương; những nghệ thuật nhỏ như đá cầu, đánh cờ, không việc gì là không tinh hiểu. Thường mở trường học ở bên hữu chỗ nhà riêng, họp tập những người văn sĩ bốn phương, cấp cho cơm áo để cùng nhau giảng tập, như các ông Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, đến 20 người, đều là những người sau này có giúp ích cho đời cả.

Lời chua - Đĩnh Chi: Người ở Chí Linh thuộc Hải Dương.

Bùi Phóng: Người ở Hải Dương, không rõ về huyện nào.

Tháng 8, mùa thu. Định đội ngũ trong quân lính.

Mỗi quân chia ra 30 đô, mỗi đô 80 người, chọn những người trong tôn thất hiểu vũ nghệ, thông binh pháp, đứng ra cai quản.

Lời chua - Sách Ngũ đại sử chép: Quân lính nhà Hậu Đường có "Phủng thánh đô". Sách ấy chua rằng: "Đô, là tên quân ngũ".

Phong cho em là Nhật Duật tước Chiêu Văn Vương.

Nhật Duật là con thứ sáu của Thượng hoàng, lúc sinh ra, ở hai bắp cánh tay có viết chữ "chiêu văn", vì thế lấy chữ ấy làm hiệu phong vương.

Mậu Thìn, năm thứ 11 (1268). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 4; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ chiếu cho tước vương, tước hầu thuộc họ tôn thất vào chầu trong nội điện.

Nhà vua thường bảo các người trong tôn thất rằng: "Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tông, người nối cơ nghiệp tổ tông nên cùng anh em trong tôn thất cùng hưởng phú quý. Dầu rằng cả thiên hạ cùng phụng thờ một người658 , đó là sự tôn kính điển thường theo về danh phận, nhưng anh em là xương thịt rất thân, gặp lúc lo thì cùng lo, gặp lúc vui thì cùng vui. Trẫm với các khanh, nói về tình thân cũng như thân thể một người không thể chia cắt được. Các khanh nên đem lời nói này của trẫm truyền bá cho con cháu, để ghi nhớ không bao giờ quên, thế là phúc trạch muôn đời của tông miếu, xã tắc nhà ta đấy". Đến nay nhà vua hạ chiếu cho tước vương, tước hầu trong họ nội thất, sau khi bãi trào thì vào chầu trong Nội Điện và Lan Đình, cùng nhau ăn uống; có khi trời tối không về được, thì trải gối dài, chăn rộng, kê giường liền sát vào nhau để cùng nằm chung, yêu kính nhau về đủ mọi mặt. Nhưng đến khi có lễ lớn, như thiết triều, khánh hạ, ban yến, tế tự, thì thứ vị người tôn người ti rất nghiêm chỉnh rõ ràng. Vì thế lúc bấy giờ vương hầu ai cũng hòa mục, kính sợ, không người nào có thái độ khinh nhờn kiêu căng.

Lời phê - Nhà Trần thu được nhiều hiệu lực của tôn thất là do ở việc này, cũng do việc này mà thân mật với nhau quá, rồi đi đến chỗ chung chạ loạn luân. Thế mới biết "thiên hạ không có việc gì toàn lợi, cũng không có việc gì toàn hại", câu cổ nhân nói thật là đúng lắm. Còn như câu vua Trần nói "nên cùng anh em trong tôn thất cùng hưởng phú quý", thì trái với cái ý "nuôi người hiền tài, cầu người tuấn kiệt" của đế vương đời xưa. Tháng 6, mùa hạ. Đại hạn.

Tháng 7, mùa thu. Nước to.

Tướng quốc Thái uý là Nhật Hiệu mất.

Dân bị nạn đói lớn.

Tháng 12, mùa đông. Sứ thần Mông Cổ sang.

Mông Cổ sai Hốt Lung Hải Nha sang thay Nạp Thích Đinh làm Đạt lỗ hoa xích, Trương Đình Trân làm chức phó. Khi hai người đến nơi, nhà vua nhận tờ chiếu, không lạy, bảo bọn Đình Trân rằng: "Các ông làm quan một triều, tôi đây là vua một nước, có lẽ nào các ông làm lễ ngang hàng với tôi được?". Đình Trân nói: "Sứ thần của thiên vương dầu nhỏ, nhưng theo thứ tự, được đứng trên hàng các vua chư hầu". Sau việc này, vua Mông Cổ sai trung thư gửi công điệp sang nói về việc nhà vua nhận tờ chiếu không lạy, không dùng lễ "vương nhân"659 đối đãi với sứ thần, trong công điệp lại viện dẫn nghĩa trong

kinh Xuân thu660 để trách móc. Nhà vua sai phúc đáp lại rằng: "Sứ thần không nên làm lễ ngang hàng với vua một nước. Vả lại, trước đây thiên triều đã có dụ cho mọi việc trong nước tôi cứ được theo tục cũ của bản quốc. Thế thì việc nhận chiếu chỉ của thiên triều đem kính để tại chính điện, còn vua thì lui xuống ở nhà riêng, đấy là điển lệ cũ của nước tôi đấy". Trung thư nước Mông Cổ lại gửi công điệp sang, lấy cớ rằng sứ thần của triều đình dầu chức nhỏ, nhưng phải coi mệnh lệnh của thiên tử là trọng hơn cả. Trước kia vì triều đình nhận thấy nước nào cũng đều có tập tục riêng, không bắt phải thay đổi vội, nên hạ chiếu cho được theo tục nước ấy, chứ có lẽ nào lấy việc không lạy chiếu chỉ của triều đình mà bảo là theo tục cũ được hay sao?". Nhà vua không thuận theo những lời trong công điệp ấy, rồi sai Lê Đà và Đinh Củng Viên sang Mông Cổ biện bạch về việc này.

Kỷ Tị, năm thứ 12 (1269). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 5; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 6).

Tháng 5, mùa hạ. Đất nứt ra. Sao đổi ngôi.

Tháng 6. Đại hạn. Xét những tù phạm tội. Mưa.

Tháng 8. Nước to.

Tháng 9. Cho Tĩnh quốc vương là Quốc Khang làm Phiêu kỵ đô thượng tướng quân661 , giữ việc cai trị Diễn Châu.

Nhà vua với Quốc Khang thường đùa bỡn ở trước mặt Thượng hoàng. Quốc Khang múa điện múa của người rợ mọi, Thượng hoàng cởi áo bông trắng đương mặc ban cho. Nhà vua thấy thế, cũng múa điệu múa người rợ mọi để đòi thưởng áo bông. Quốc Khang nói: "Quý nhất là ngôi hoàng đế, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay vua cha cho tôi vật nhỏ mọn này mà chú hai lại muốn cướp lấy hay sao?". Thượng hoàng cười ầm lên, vẫn để cho Quốc Khang cái áo ấy, rồi cùng nhau vui đùa chán mới thôi. Quốc Khang đi nhận chức Tri Diễn Châu mới được 6 tháng, liền lập nhà riêng ở Diễn Châu, xung quanh làm hành lang giải vũ rất là lộng lẫy. Nhà vua nghe tin, cho người đi dò xét, Quốc Khang sợ, mới dùng nhà riêng ấy làm nơi thờ phật.

Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ nhất (Tb. IV, 20).

Canh Ngọ, năm thứ 13 (1270). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 6; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 7).

Tháng 7, mùa thu. Nước ngập đầy kinh thành.

Tháng 9. Nhà vua đi du lịch, đến hành cung phủ Thiên Trường.

Tân Mùi, năm thứ 14 (1271). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 7; Mông Cổ, năm Chí Nguyên thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Xét các tù phạm tội.

Ngày mồng một, tháng 2. Đất động.

Tháng 3. Bổ dụng Chiêu Minh đại vương là Quang Khải làm Tướng quốc Thái uý662 , thống lĩnh mọi việc trong nước.

Tháng 10, mùa đông. Sứ thần nước Mông Cổ sang.

Năm ấy, Mông Cổ đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ thần sang dụ nhà vua vào chầu; nhà vua từ chối là có bệnh.

Nhâm Thân, năm thứ 15 (1272). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 8; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Sách Đại việt sử ký đã biên soạn xong.

Trước đây, Hàn lâm học sĩ kiêm Quốc tử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh biênchép sách Quốc sử từ đời Triệu Vũ đế đến đời Lý Chiêu Hoàng, nay sách ấy đã biên soạn xong, tất cả 30 quyển, đem dâng; nhà vua hạ chiếu ban khen.

Tháng 4, mùa hạ. Sai viên ngoại lang là Lê Kính Phu sang hội với người nhà Nguyên, biện luận việc cương giới.

Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với người nhà Nguyên rằng: "Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được". Việc đó sau cũng thôi. Khi bấy giờ nhà Tống giữ được một xó đất ở Lâm An, thường bị người nhà Nguyên sang đánh; người nhà Tống có kẻ dùng 30 chiếc thuyền đem gia quyến vượt biển sang xin phụ thuộc với nước ta; nhà vua cho những người ấy ở phường Giai Tuân ngoài kinh thành.

Lời chua - Dưới chữ "Ngột Lương" có lẽ còn có chữ bị mất. Trong Nguyên sử không chép rõ.

Đồng trụ: Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ 19 (Tb. II, 13-14).

Tháng 6. Mặt trời dao động.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua hạ chiếu trưng cầu người hiền lương663 minh kinh664 .

Những người này được vào hầu vua ở Kinh Diên665 và bổ sung chức Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám.

Quý Dậu, năm Bảo Phù thứ 1 (1273). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 9; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 10).

Tháng 3, mùa xuân. Sét đánh 7 chỗ ở ngoài cửa Đại Hưng.

Lời chua - Cửa Đại Hưng: Xem Lý Nhân Tông, năm Duệ Vũ thứ nhất (Chb. IV, 11).

Tháng 11, mùa đông. Bổ Nhân Túc vương là Toàn làm Nhập nội phán Đại tôn chính phủ đại tôn chính666 .

Giáp Tuất, năm thứ 2 (1274). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 10; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 11).

Tháng 7, mùa thu. Nước to.

Tháng 12, mùa đông. Lập con trưởng là Khâm làm Hoàng thái tử.

Tuyển học trò người có đức hạnh vào hầu đông cung667 , cử Lê Phụ Trần làm Thiếu sư kiêm chức Trừ cung giáo thụ; Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung chức Nội thị học sĩ. Nhà vua thân thủ viết thơ để dạy Thái tử, lại làm hai quyển Di hậu lục ban cho.

Lời chua - Di hậu lục: Nay thất truyền.

Ất Hợi, năm thứ 3 (1275). (Tống, Cung đế, năm Đức Hựu thứ 1; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 12e).

Mùa xuân, tháng giêng. Thi Thái học sinh.

Trước đây, thi lấy học trò, chia ra kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên668 ; đến nay, lại hợp lại một. Khoa thi này Đào Tiêu đỗ trạng nguyên, Quách Nhẫn đỗ thám hoa và 27 người đỗ Thái học sinh669 xuất thân670 có đẳng đệ khác nhau.

Lời chua - Khoa này khuyết tên người đỗ bảng nhãn.

Đào Tiêu: Người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Quách Nhẫn: Người huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Ngày mồng một, tháng 6, mùa hạ. Nhật thực đến hết.

Tháng 11, mùa đông. Sai sứ sang nhà Nguyên.

Trước đây, nhà Nguyên lại sai Diệp Thức Nghễ sang thay làm Đạt lỗ hoa xích. Nhà vua sai đáp thư cho nhà Nguyên rằng: "Chức Đạt lỗ hoa xích chỉ có thể đặt ở các nước man di ngoài biên giới, còn nước tôi như cái phên cái giậu che chở cho một phương, mà lại đặt chức quan ấy để kiểm soát công việc, thì chả bị nước khác chê cười hay sao? Xin đổi quan chức ấy làm dẫn tiến sứ". Vua Nguyên không nghe, lại đem sáu việc yêu sách trước ra trách vấn, có ý muốn kiếm cớ để gây mối binh đao. Không những thế, thỉnh thoảng lại sai quân đi tuần ngoài biên giới để xem xét địa thế nữa. Viên thủ thần ở biên giới phía Bắc cho chạy trạm về tâu, vì thế nhà vua mới sai bọn Lê Khắc Phục và Lê Túy Kim sang công cán bên nhà Nguyên, là có ý muốn dập tắt mối binh lửa.

Lời chua - Túy Kim: Trong Nguyên sử chép là Văn Túy.

Bính Tí, năm thứ 4 (1276). (Tống, năm Đức Hựu thứ 2; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 13).

Tháng 2, mùa xuân. Sai Đào Thế Quang sang Long Châu.

Khi ấy nhà Nguyên muốn gây sự khiêu khích ở ngoài biên giới, cho nên nhà vua sai Thế Quang sang Long Châu, mượn tiếng là đi mua thuốc để dò xem hư thực thế nào.

Lời chua - Long Châu: Thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp giới với tỉnh Lạng Sơn nước ta.

Tháng 3. Mặt trời dao động, hai vì sao va chạm nhau.

Trong mặt trời có vết đen lớn bằng quả trứng gà, xô đi xô lại một hồi lâu; lại có hai vì sao va chạm nhau ở giữa trời, một vì sao sa xuống.

Đinh Sửu, năm thứ 5 (1277). (Tống, năm Cảnh Viên thứ 2; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 14).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua tự làm tướng đi đánh Nhẫm Bà la, bắt được bộ đảng của bọn ấy hơn ngàn người rồi trở về.

Lời chua - Nhẫm Bà la: Động của người Mán. Sách Thanh Nhất thống chí chép là Ổn Bà la, thuộc một lộ trong phủ Bố Chính, nay chưa biết rõ chỗ nào.

Tháng 4, mùa hạ. Thượng hoàng mất.

Truy tôn tên thụy là Thống thiên ngự cực long công mậu đức hiển hòa hựu thuận thần văn thánh vũ nguyên hiếu hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tông. Thượng hoàng làm vua 33 năm, nhường ngôi 19 năm, hưởng thọ 60 tuổi.

Trước đây, Thượng hoàng sang nhà ngự đường, bỗng thấy con rết leo vào áo mặc, sợ hắt đi, nó rơi xuống đất, có tiếng lạch cạch, trông ra thì là cái đinh sắt. Thượng hoàng bói một quẻ và đoán rằng: "Điềm này ứng với năm đinh". Đến nay đúng như quẻ đã bói671 . Ngày hôm ấy Thiều Dương công chúa vừa ở cữ chợt nghe tiếng chuông liên thanh ở điện đình, công chúa nói: "Đó chả phải là báo hiệu không lành đó sao?". Những người bên cạnh nói dối thế nào cũng không nghe, òa lên khóc thảm thiết, rồi chết. Người trong nước lấy làm thương tiếc.

Lời chua - Thiều Dương công chúa: Con gái thứ của Thượng hoàng.

Tiếng chuông: Theo thể lệ nhà Lý, nhà Trần, gặp lúc vua mất, thì chuông ở triều đình khua vang lên để báo hiệu.

Tháng 5. Nước to. Đất rạn nứt ra.

Tháng 10, mùa đông. Yên táng Thượng hoàng ở Chiêu Lăng.

Lời chua - Chiêu Lăng: Ở phủ Long Hưng.

Mậu Dần, năm thứ 6 (1278). (Tống, Đế Bính, năm Tường Hưng thứ 1; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 15).

Tháng 2, mùa xuân. Phát sinh chứng tật dịch; kinh thành bị hỏa tai.

Đương đêm, nhà dân ở ngoài kinh thành bị hỏa tai; nhà vua ra ngoài thành, sai Nội thư gia672 là Đoàn Khung kiểm điểm những người đến cứu chữa. Khung kiểm điểm xong, tâu bày người đến trước đến sau để vua nghe. Nhà vua hỏi: "Sao nhà người biết?". Khung thưa rằng: "Người nào đầu tóc ướt mà bám đầy tro bụi, đó là người đến trước mà cố sức cứu chữa; người nào không có mồ hôi mà tro bụi phất phơ, đó là người đến sau mà không kịp cứu chữa". Nhà vua khen là phải.

Phong cho con là Đức Việp tước Tá Thiên đại vương.

Tháng 6. Có vì sao lớn sa xuống.

Vì sao lớn đổi ngôi sang phương Nam, sa xuống giữa biển, hơn ngàn vì sao nhỏ theo sau, tiếng ầm ầm như sấm, đến vài khắc mới thôi. Đó là cái điềm nhà Tống mất nước.

Tháng 8, mùa thu. Đất động.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua truyền ngôi cho Thái tử là Khâm.

Thái tử lên ngôi, xưng là Hiếu Hoàng. Bầy tôi dâng tên hiệu là: Pháp thiên ngự cực anh liệt vũ thánh minh nhân hoàng đế (tức là Nhân Tông). Tôn vua cha làm Quang Nghiêu từ hiếu thái thượng hoàng đế, và tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm Nguyên thánh thiên cảm hoàng thái hậu.

Sứ thần nhà Nguyên sang.

Nhà Nguyên nghe tin Thái Tông mất, muốn nhân trong nước có tang, đem quân sang đánh, mới sai Lễ bộ thượng thư là Sài Xuân từ Giang Lăng đi thẳng đến Ung Châu để sang địa giới nước ta. Khi Sài Xuân đã đến nơi, viện lẽ là nhà vua không xin mệnh lệnh Trung Quốc mà tự lập để chất vấn và dụ phải vào chầu. Nhà vua theo lệ cũ, đặt tiệc thết đãi ở hành lang, Sài Xuân không đến dự tiệc. Ngày hôm sau, đổi lại thết tiệc ở điện Tập Hiền. Nhân khi ấy, nhà vua nói với Sài Xuân là vì mình sinh trưởng ở nơi cung cấm thâm nghiêm, chưa quan phong thổ, không thể vào chầu được. Sài Xuân trở về. Nhà vua sai Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế đem thư sang nhà Nguyên. Các quan nhà Nguyên cho là trang sức lời lẽ để

che tội lỗi, họ bàn nhau muốn tiến quân sang biên giới nước ta, nhưng vua nhà Nguyên chưa quyết định, rồi giữ bọn Đình Toản lại, không cho về.

Lời cẩn án - Theo Nguyên sử loại biên, trước đây đường đi của sứ thần chỉ do cửa quan Lê Hóa, phủ Thiện Xiển (thuộc Vân Nam). Đến nay sai Sài Xuân đi từ Giang Lăng đến Ung Châu, lại theo đường khác, yêu sách nhiều thứ, đòi hỏi nhiều khoản, có ý muốn gây hấn. Thế mà Sử cũ lại chép sứ thần nước ta là Lê Khắc Phục trở về nước, gặp quân Nguyên dẹp yên được nhà Tống, nên đổi đi theo đường Hồ Quảng, Sài Xuân cùng đi với Khắc Phục sang nước ta. Chép như thế có phần sai lầm, nay theo Nguyên sử cải chính lại . Kỷ Mão, Nhân Tông hoàng đế, năm Thiệu Bảo thứ 1 (1279). (Tống, năm Tường Hưng thứ 2; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 16).

Tháng giêng, mùa xuân. Nước Chiêm Thành sang cống.

Nhà vua mới lên ngôi, nước Chiêm Thành cho bầy tôi là Chế Năng và Cha Diệp sang cống. Bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, nhà vua không nhận.

Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-21).

Lập Trần thị làm hoàng hậu.

Hậu là con gái lớn Hưng Đạo vương Quốc Tuấn, trước nạp vào cung làm hậu phi, nay sách lập làm hoàng hậu.

Canh Thìn, năm thứ 2 (1280). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 17).

Tháng giêng, mùa xuân. Ban hành thước công.

Thước đo gỗ, thước đo vải cùng một kích thước.

Tháng 2. Duyệt sổ dân đinh.

Tháng 10, mùa đông. Được mùa to.

Năm ấy được mùa, ruộng lúa ở làng Trà Kiều một rò lúa nở hai bông.

Lời chua - Trà Kiều: Tên làng, thuộc Khoái Lộ, nay thay đổi không rõ chỗ nào.

Sai hoạn quan là Trần Hùng Thao kiêm giữ chức quan Kiểm pháp673 .

Em Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung là Thiên Thữ kiện nhau với người ta. Nói về tình và lý, thì Thiên Thữ đều đuối cả. Nhưng viên quan xử kiện có ý bênh vực, cố làm thiên lệch đi; gặp lúc nhà vua ra chơi ngoài thành, người kia đón xe vua, tâu bày. Nhà vua nói "đó là họ sợ nể Khắc Chung đấy thôi", liền sai Nội thư hỏa chính chưởng là Trần Hùng Thao kiêm giữ chức quan kiểm pháp, để xét hỏi lại việc này, quả nhiên Thiên Thữ trái lý. Bọn "thanh sam" được giữ chức Kiểm pháp bắt đầu từ đây.

Lời phê - Được đằng này, hỏng đằng khác, chỉ gây ra mầm họa loạn. Lời chua - Khắc Chung: Người ở Giáp Sơn thuộc Hải Dương sau được ban cho quốc tính.

Thanh sam: Đồ mặc của hoạn quan, nên mới dùng để chỉ hoạn quan.

Trịnh Giốc Mật ở Đà Giang làm phản, Chiêu Văn vương Nhật Duật đi dụ, Giốc Mật ra đầu hàng.

Thổ tù ở Đà Giang là Trịnh Giốc Mật tụ họp dân chúng cướp bóc. Nhà vua sai Nhật Duật đi đánh. Nhật Duật dẫn quân đến Đà Giang, Giốc Mật sai người đến doanh trại quân nộp thệ từ và nói: "Giốc Mật không dám trái mệnh lệnh triều đình, nếu ân chủ đi một người một ngựa đến, thì Giốc Mật xin ra hàng

ngay". Nhật Duật nhận lời, rồi đem năm sáu tiểu đồng cùng đi. Các tướng tá đều can ngăn; Nhật Duật nói: "Nếu y phản trắc với ta, thì triều đình đã có người khác đến, không cần phải lo". Kịp khi Nhật Duật đến nơi, người Mán đứng vây bọc hai ba lần, đều cầm gươm giáo quay đầu vào trong doanh trại. Nhật Duật cứ vào thẳng. Giốc Mật mời ngồi. Nhật Duật thông hiểu tiếng Mán, lại am hiểu cả phong tục của họ, cùng họ ăn bằng tay, uống bằng mũi. Người Mán thích lắm. Giốc Mật liền đem cả gia thuộc đến trại Nhật Duật xin hàng. Mọi người thấy thế, đều vui vẻ kính phục. Khi Nhật Duật về kinh, dẫn Giốc Mật và vợ con hắn vào yết kiến, nhà vua khen ngợi. Sau cho Giốc Mật về, để con hắn ở lại kinh sư, Nhật Duật hết lòng yêu thương giáo dục, lại xin phong tước cho, triều đình ban cho con hắn tước thượng phẩm, sau cũng cho về.

Lời chua - Đà Giang: Tức Hưng Hóa, xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 30).

Tân Tị, năm thứ 3 (1281). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 18).

Tháng giêng, mùa xuân. Lập nhà học ở phủ Thiên Trường.

Chế độ nhà Trần khi trước, không cho hiệu quân Thiên Thuộc được học tập văn nghệ, là cốt chú trọng về sức khỏe. Đến đây, lập nhà học ở phủ Thiên Trường, nhưng vẫn cấm người làng Thiên Thuộc không được vào học.

Lời chua - Thiên Trường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 15 (Chb. VI, 28).

Quân Thiên Thuộc: Nhà Trần đem làng Tức Mặc là làng cũ của mình đặt tên là làng Thiên Thuộc, những binh sĩ do làng ấy ứng tuyển gọi là quân Thiên Thuộc.

Nhâm Ngọ, năm thứ 4 (1282). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 19).

Tháng 2, mùa xuân. Nước Chiêm Thành sai sứ sang cống.

Chúa Chiêm Thành sai bầy tôi là Bố Bà Ma đem cống con voi trắng.

Tháng 6, mùa hạ. Bọn Trần Di Ái phạm tội, xử vào tội đồ.

Trước đây, nhà Nguyên nhiều lần sai sứ sang dụ nhà vua vào chầu, nhà vua đều không theo. Sau nhà Nguyên lại sai Thượng thư là Lương Tăng sang dụ rằng: Nếu thật vua không thân sang chầu được thì phải đem đủ vàng ngọc sang để thay mình. Thêm vào đấy phải nộp người hiền tài, người làm thợ và người phương kỹ674 , mỗi hạng hai người. Vì thế nhà vua mới cho chú họ là Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục đi thay mình. Lúc ấy nhà Nguyên lại lập ti tuyên phủ ở nước ta, cho Bốc Nhan Thiếp Mộc Nhi giữ sứ mạng, đặt liêu thuộc riêng; nhà vua cũng không nhận. Nhà Nguyên lấy làm căm giận, bèn lập Di Ái làm vua, phong Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Trung thư lệnh, rồi sai Sài Xuân đem một nghìn quân hộ tống về nước. Nhà vua sai người đón đường giết chết. Bọn Di Ái trốn về nước; nhà vua hạ chiếu trị tội, bắt chịu tội đồ làm lính.

Lời cẩn án - Sử cũ chép: "Sài Xuân đem quân đưa Di Ái về nước ta, thái độ ngạo mạn không giữ lễ phép, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, lính canh cửa ngăn lại, Sài Xuân cầm roi ngựa đánh vào đầu người lính ấy bị thương; khi đi đến điện Tập Hiền, thấy màn trướng trần thiết, hắn mới xuống ngựa. Nhà vua sai Quang Khải đến quán sứ tiếp kiến, hắn nằm yên không ra tiếp, Quang Khải đi thẳng vào chỗ nằm, cũng không chịu dậy. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn được tin ấy, liền cắt tóc, mặc áo vải, hóa trang làm hình dạng người sư Trung Quốc, rồi tâu với vua xin đến quán sứ để xem xét hành động của Sài Xuân. Khi đến nơi, Sài Xuân đứng dậy, vái chào và mời ngồi, pha trà cùng uống, khi ra về, Sài Xuân tiễn ra tận cửa; mọi người đều lấy làm kinh dị". Nay tham khảo sách Nguyên sử loại biên và sách Thiên nam hành kỷ (của Từ Minh Thiện nhà Nguyên) chép về phần dụ, chiếu, cũng nói rằng: "[Vua An nam] tiếng nói

là khâm mộ phong hóa Trung Quốc, mà thực ra chưa đến triều yết lần nào. Đến khi cho chú về tạm giữ giới nước ấy, thì lại ngang nhiên kháng cự, làm việc chém giết một cách càn giỡ". Cứ như thế thì khi Sài Xuân đem quân sang nước ta, đã bị quân ta đón đánh giết chết ở trên biên giới rồi, có lẽ nào lại đến cửa Dương Minh mà kiêu ngạo càn giỡ được nữa? Hay là việc này xảy ra lúc Sài Xuân sang dụ Thánh Tông vào năm Bảo Phù thứ 6, mà Sử cũ chép lầm vào đoạn sách này, nay theo Nguyên sử cải chính lại. Lời chua - Di Ái: Còn một tên nữa là Trần Ái.

Tháng 8, mùa thu. Có cá sấu đến sông Phú lương.

Nhà vua sai quan Hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn thả xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi; nhà vua thấy việc đó giống như việc Hàn Dũ675 , cho Nguyễn Thuyên được đổi họ là họ Hàn.

Lời phê676 - Việc này quyết nhiên không có, chẳng qua do tính hiếu kỳ mà phụ hội xằng xiên. Lời chua - Sông Phú Lương: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Nguyễn Thuyên: Người Thanh Lâm, thuộc Hải Dơng, có tài làm thơ phú bằng Quốc ngữ, nhiều người bắt chước. Vì thế sau này làm thơ Quốc âm gọi là Hàn luật677 .

Tháng 10, mùa đông. Có tin ở ngoài biên báo về kinh rằng: nhà Nguyên đem quân sang nước ta. Nhà vua ra bến đò Bình Than. Khởi phục678 Trần Khánh Dư cho giữ chức Phó đô tướng quân.

Nhà Nguyên sai bọn Toa Đô, Đường Ngột Ngại đem quân sang đánh Chiêm Thành. Một mặt khác lại bàn định cho thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, cùng với Tả thừa là Lý Hằng đem năm mươi vạn quân, nói mượn đường nước ta để hội họp quân đi đánh Chiêm Thành và trưng thu lương thực nước ta để tiếp tế cho quân ăn. Mặt ngoài nói thế, nhưng kỳ thực là sang xâm lấn. Viên quan trấn thủ ở Lạng Giang là Lương Uất được tin, cho ngay người đem việc ấy về triều tâu bày. Nhà vua sai sắp xe đi ra bến Bình Than, hội họp vương hầu trăm quan lại để bàn kế đánh giữ.

Nói về Trần Khánh Dư. Lúc đầu năm Nguyên Phong679 , Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư từng có công đánh giặc, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân rồi thăng đến tử phục680 thượng vị hầu; sau vì tư thông với Thiên Thụy công chúa, phải tội cách hết quan tước và tịch thu tài sản. Khánh Dư phải lui về ở Chí Linh, làm nghề bán than, cùng chung sức với bọn tôi đòi, làm việc nặng nhọc. Lúc ấy Khánh Dư chở thuyền qua bến Bình Than, người chân sào đều đội nón cói, mặc áo cánh bằng vải gai. Nhà vua trông thấy, trỏ vào thuyền Khánh Dư bảo với các quan hầu cận rằng: "Người kia chả phải Nhân Huệ vương đấy ư?". Nói xong liền cho quân sĩ bơi chiếc thuyền nhỏ đuổi theo. Khi quân sĩ theo kịp, hô lên rằng: "Có mệnh lệnh vua cho triệu ông đấy!". Khánh Dư nói: "Lão già này là người bán than, có việc chi mà vua triệu?". Quân sĩ đem câu nói ấy về tâu. Nhà vua nói: "Đúng là Nhân Huệ vương rồi, người thường chắc không dám nói thế". Lại sai nội thị đến triệu. Khi Khánh Dư đến, mặc áo cánh bằng vải gai và đội nón cói vào yết kiến. Nhà vua nói: "Không ngờ người nam nhi như thế mà lưu lạc đến như thế?", liền hạ chiếu tha tội cho. Khánh Dư tiến lên thuyền vua vái tạ. Vua ban cho áo của vua thường mặc và cho ngồi

ở dưới hàng các tước vương. Những lời nghị luận của Khánh Dư đều hợp ý vua. Nhà vua cho phục chức và phong làm Phó đô tướng quân.

Nói về Trần Quốc Toản. Lúc ấy có Hoài Văn hầu là Quốc Toản, cũng theo xa giá. Vì còn ít tuổi, không được dự bàn việc quân, Quốc Toản lấy làm hổ giận lắm, trong tay cầm quả cam, không biết bóp nát ra lúc nào; khi đã lui về, cùng với hơn ngàn người gia đồng và thân thuộc sắm sửa binh khí, chiến thuyền, kéo cờ đề sáu chữ "Phá cường tặc báo hoàng ân"681 . Kịp lúc quan quân đánh nhau với quân Nguyên, Quốc Toản thường xông pha đi trước quân lính, quân giặc trông thấy là phải tránh lui, không ai dám đối địch.

Lời chua - Bình Than: Tên bến đò, ở địa phận xã Trần Xá, huyện Chí Linh.

Chí Linh: Đất Bàng Châu xưa, một tên nữa là Bàng Hà; thuộc Minh đổi là huyện Chí Linh; nhà Lê cũng theo tên ấy; nay thuộc tỉnh Hải Dương.

Thoát Hoan: Sách Cương mục tục biên (Trung Quốc) chép là Thác Hoan.

Thiên Thụy công chúa: Vợ Quốc Nghiện, con trai Hưng Đạo vương.

Khánh Dư, Quốc Toản: Đều là tôn thất nhà Trần.

Bổ dụng Chiêu Minh vương Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư682 , Đinh Củng Viên làm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ683 .

Quý Mùi, năm thứ 5 (1283). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 20).

Tháng 2, mùa xuân. Trần Lão có tội, phải luận vào tội đồ.

Trần Lão là họ tôn thất, được phong thượng vị hầu, vì làm thư nặc danh nói xấu chính sự trong nước, nhà vua hạ chiếu luận tội, nhưng cho phép nộp một ngàn quan tiền để chuộc tội và bắt đi đày làm binh lính.

Mưa đá to.

Tháng 10, mùa đông. Bổ dụng Hưng Đạo vương Quốc Tuấn làm Quốc công, tiết chế684 thống lĩnh tất cả các quân.

Lúc ấy, Trung phẩm làm Hoàng Ư Lệnh và Nội thư gia là Nguyễn Chương sang sứ bên nhà Nguyên trở về, nói: Nhà Nguyên sai Thái tử là A Thai và Bình chương là A Thích hội họp 50 vạn quân ở Hồ Quảng, định đến sang năm kéo sang cướp nươc ta. Bấy giờ nhà vua thân hành đem các vương hầu điều động tất cả quân thủy quân bộ, thao diễn chiến trận, hạ lệnh cho Quốc Tuấn làm Quốc công, tiết chế thống lĩnh tất cả các sắc quân; chọn trong hàng tướng tá nếu người nào có tướng tài thì phân phối cho thống lĩnh đội ngũ của từng bộ phận.

Lời cẩn án - Khi quân Nguyên kéo sang nước ta, thống tướng là thái tử Thoát Hoan, thế mà sứ thần nước ta về lại nói thái tử là A Thai, và nói quân Nguyên nhiều đến 50 vạn. Có lẽ sứ thần cũng chỉ nghe lời đồn đại ở ngoài, cho nên không thể nào khỏi sai lầm được. Lời chua - Chế độ nhà Trần, người nào lấy tư cách là thân vương vào triều làm tướng văn thì xưng là "công". Quốc Tuấn lấy tư cách thân vương làm tướng võ, nên cũng xưng là "quốc công".

Giáp Thân, năm thứ 6 (1284). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 21).

Tháng giêng, mùa xuân. Đào sông Tô Lịch.

Lời chua - Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31).

Tháng 2. Đất ở đàn tế thần xã685 bị nứt ra.

Chỗ đất nứt dài bảy thước, rộng bốn tấc, sâu không biết chừng nào.

Tháng 8, mùa thu. Duyệt binh một cách to lớn.

Nhà vua hạ lệnh cho Hưng Đạo vương Quốc Tuấn điều khiển các sắc quân của vương, hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, rồi chia quân ra đóng giữ bến Bình Than và các nơi xung yếu.

Lời chua - Đông Bộ Đầu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị bình long ứng thứ 5 (Chb. V, 33).

Ngày mồng 4, tháng 9. Mặt trăng và sao Kim tinh xuất hiện lúc ban ngày.

Xuất hiện về phương Tây - Nam, cách nhau hơn một thước.

Lời chua - Kim Tinh: Sao Thái Bạch.

Tháng 11, mùa đông. Sai sứ sang nhà Nguyên.

Nhà Nguyên họp quân sĩ ở Hồ Quảng686 , hẹn ngày sang xâm lấn nước ta. Nhà vua sai trung đại phu là Trần Phủ sang hành tỉnh687 Kinh Hồ bên Nguyên xin hoãn quân, nhà Nguyên không bằng lòng, sai Thái tử Thoát Hoan thống lĩnh các quân, nói thác là sang đánh Chiêm Thành, mà thực là chia đường sang cướp nước ta. Nhà vua cho triệu những kỳ lão trong nước vào thềm điện Diên Hồng mời ăn uống, hỏi mưu kế, các kỳ lão đều nói rằng: "Phải đánh!". Không có một người nào nói khác cả.

Tháng 12. Quân Nguyên xâm phạm và cửa ải nước ta. Quân quan của ta đánh với quân Nguyên, bị thất bại, nhà vua chạy sang Hải Đông.

Thoát Hoan nhà Nguyên kéo quân đến cửa ải nước ta, đưa thư sang mượn đường; nhà vua đưa thư trả lời rằng: "Từ nước tôi đến Chiêm Thành, đường thủy, đường bộ đều không tiện cả". Rồi liền hạ lệnh cho Hưng Đạo vương Quốc Tuấn chia quân ra chống cự phòng thủ. Quân Nguyên kéo đến Lộc Châu, lại sai Bả tổng688 là A Lý sang nói rõ về lý do cất quân là cốt sang đánh Chiêm Thành, chứ không có ý gì khác. Quan quân ta ngăn cản ở núi Kheo Cấp, quân Nguyên không tiến sang được. Chúng liền tiến theo cửa ải Khả Ly, quan quân ta chống cự lại không được; chúng bèn vào cửa Chi Lăng, quan quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp. Nhà vua ngự chiếc thuyền nhỏ sang Hải Đông, lúc ấy trời đã chiều mà chưa ăn cơm sáng, có tiểu tốt là Trần Lai đem cơm gạo hẩm dâng lên, nhà vua khen là người trung nghĩa, cho tước Thượng phẩm.

Lời chua - Vạn Lại: Tên xã, nay đổi là Vạn An thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh.

Hải Đông: Tức Yên Bang. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19).

Lộc Châu: Nguyên trước thuộc lộ Tư Minh (Trung Quốc), đến năm Tuyên Đức thứ nhất (1426) triều Minh, mới thuộc vào nước ta. Triều nhà Lê nhân đấy hợp với đất châu Bình Tây đổi tên là châu Lộc Bình, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Núi Kheo Cấp: Nay là phố Kỳ Lừa, châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn.

Cửa ải Khả Ly: Nay không biết ở đâu.

Cửa Chi Lăng: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 2 (Chb. I, 17).

Hưng Đạo vương Quốc Tuấn hội họp quân các lộ ở Vạn Kiếp.

Nhà vua sang Hải Đông, hạ lệnh cho Quốc Tuấn điều khiển quân dân các lộ Vân Trà, Ba Điểm, chọn người nào khỏe mạnh cho làm tiền phong, vượt biển kéo vào mặt nam, thế quân dần dần phấn chấn; quân các đạo khác được tin đều đem nhau đến hội họp. Hưng Vũ vương Nghiện, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Nghiễn, thân đốc sất các đạo quân ở Bàng Hà, Na Ngạn, Vân Trà, Long Nhỡn, số quân tất cả có hai mươi vạn. Các tướng đến hội họp ở Vạn Kiếp, đều chịu dưới quyền tiết chế của Hưng Đạo vương.

Trước đây, Quốc Tuấn có gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Quốc Tuấn đối đãi với hai người này rất hậu. Khi quân Nguyên kéo đến nơi, Yết Kiêu chịu trách nhiệm giữ thuyền ở bến Bãi, còn Dã Tượng thì đi theo Hưng Đạo vương. Lúc quan quân bị thua, chu sư689 đều tan vỡ, ý Hưng Đạo vương muốn theo đường núi rút lui, Dã Tượng nói: "Yết Kiêu chưa gặp chúa công, tất không dời thuyền đi nơi khác". Hưng Đạo vương vội vàng đi đến bến Bãi, quả nhiên thấy một mình thuyền Yết Kiêu còn đỗ ở đấy, ông mừng nói: "Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được, tất phải nhờ có sáu cái xương trụ ở cánh, nếu không có sáu cái xương trụ cứng rắn, thì chim hồng hộc cũng như loài chim thường thôi!". Bấy giờ, nhân chiều gió, thuyền chèo đi như bay, quân Nguyên đuổi theo không kịp. Khi đến Vạn Kiếp, mới hội quân các lộ lại, rồi chia ra đóng ở Bắc Giang để chống cự.

Lời chua - Vân Trà, Bà Điểm: Đều tên xã, thuộc lộ Hải Đông.

Na Ngạn: Tên huyện. Xem Lý Nhân Tông, năm Thiên phù khánh thọ thứ nhất (Chb. IV, 18).

Long Nhỡn: Tên huyện, nhà Lê đổi là Phượng Nhỡn; nay theo tên ấy, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Bến Bãi: Nay không rõ chỗ nào.

Bổ dụng Đinh Củng Viên quyền giữ việc Nội mật ở cung Thánh Từ.

Ất Dậu, năm Trùng Hưng thứ 1 (1285). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 22).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai Chi hậu cục thủ690 là Đỗ Khắc Chung sang doanh trại quân Nguyên.

Quân Nguyên đã lấy được các cửa ải ở Lạng Sơn, tiến đến sông Vạn Kiếp, Quốc Tuấn đem thuyền chiến bày trận cách sông Vạn Kiếp mười dặm, gọi là trận "dực thủy"; Thoát Hoan tung quân ra đánh, quân ta phải rút lui, thuyền chiến của ta bị quân Nguyên bắt. Chúng bèn ra sức cướp bóc ở Gia Lâm, Vũ Ninh và Đông Ngàn. Bắt được quan quân, thấy người nào cánh tay cũng có hai chữ "sát Thát"691 thích bằng mực đen, chúng giận lắm, đem giết hết cả; rồi tiến đến bến Đông Bộ Đầu, kéo lên một lá cờ lớn.

Nhà vua muốn sai người đi dò xem tình hình quân giặc hư thực thế nào, mà khó tìm được người đương nổi việc ấy. Lúc ấy, Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung tình nguyện đi; nhà vua ngợi khen, nói: "Ai ngờ trong đám ngựa kéo xe muối, lại có ngựa kỳ, ngựa ký692 như thế", bèn sai Khắc Chung sang doanh trại quân Nguyên xin hòa.

Khi Khắc Chung đến nơi, Ô Mã Nhi trách móc về hai chữ "sát Thát" và nói: "Nước anh dám khinh lờn đại binh của thiên triều, cái lỗi ấy to lắm đấy!". Khắc Chung trả lời: "Con chó trong nhà cắn người lạ, là vì không phải chủ của nó. Việc thích chữ vào cánh tay là do lòng trung phẫn của người nước tôi, tự ý thích vào đấy". Ô Mã Nhi nói: "Đại binh từ phương xa đến đây, sao không theo lễ nghi nghênh tiếp, mà lại dám kháng cự lại mệnh lệnh?". Khắc Chung nói: "Hiền tướng không bắt chước sách lược bình định nước Yên693 ngày trước, đóng quân ở địa đầu quan ải, trước hết đưa thư báo tin; hiền tướng không đem lòng tốt đến với nước tôi, đấy là lỗi của hiền tướng; nay tự đem quân đến ức hiếp nhau thì, dầu con thú đến lúc cùng tất phải đánh lại, con chim đến lúc cùng tất phải mổ lại, huống chi là người?". Ô Mã Nhi nói: "Đại binh chỉ mượn đường sang đánh Chiêm Thành, nếu vua nước anh thân đến đây cùng nhau hội kiến, thì trong nước được yên, không xâm phạm tơ hào gì cả. Nếu trái lại, thì chỉ trong khoảng giây phút, non sông đều bị san phẳng, đến lúc ấy, dầu có muốn hối lại cũng không được nữa".

Khắc Chung cáo từ ra về. Mã Nhi bảo với tướng tá rằng: "Người này trong lúc bị uy hiếp mà lời lẽ và khí sắc vẫn bình tĩnh như thường, không hạ thấp vua mình là chú Chích694 , không tâng bốc ta là vua Nghiêu695 , chỉ nói "chó trong nhà cắn người lạ", ứng đối thật là khéo léo, người này có thể nói là "không làm nhục mệnh lệnh của vua phó thác cho"696 . Trong nước họ có người như thế, chưa dễ đã làm gì họ được".

Khắc Chung về đến hành doanh bên ta, thì quân Nguyên cũng theo chân kéo đến đánh nhau với quân ta.

Lời chua - Gia Lâm: Tên huyện.

Vũ Ninh: Tên châu, nhà Lê đổi là huyện Vũ Giàng; nay vẫn theo tên ấy. Hai huyện này đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Đông Ngàn: Tức châu Cổ Pháp. Xem Lê Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chb. II, 6).

Quân Nguyên xâm phạm vào kinh thành.

Thoát Hoan đã lấy được Bắc Giang, quân ta lập đồn trại theo bờ sông phía nam để phòng ngự. Quân Nguyên bắn súng, hô to thách đánh. Nhà vua sai Nguyễn Hiệu Nhuệ sang doanh trại quân Nguyên xin tướng nhà Nguyên rút quân; Thoát Hoan không nghe, bèn bắc cầu phao qua sông, đóng doanh lũy sát chân thành. Ngày hôm sau, kéo quân vào tành, thì lúc bấy giờ nhà vua đã chạy ra ngoài rồi, Thoát Hoan cho quân đuổi theo.

Lời chua - Bắc Giang: Tức Kinh Bắc, xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 28).

Nhà vua sai Thượng tướng Quang Khải đem quân đóng giữ Nghệ An.

Tướng nhà Nguyên là Toa Đô trước kia đem thuyền chiến ra Quảng Châu, vượt biển sang đánh Chiêm Thành, nhưng đánh không được. Vua nhà Nguyên hạ chiếu cho Toa Đô do đường bộ đem quân về phối hợp với quân của Thoát Hoan. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nghe được tin ấy, xin nhà vua sai Quang Khải đem quân vào đóng ở Nghệ An. Việc này cốt để chẹn lối đường xung yếu mà Toa Đô sẽ đi qua.

Lời cẩn án - Đạo quân của Toa Đô: Sử cũ chép là từ Vân Nam sang Lão Qua đến Chiêm Thành. Nhưng xét con đường ấy vừa xa vừa hiểm trở, không phải lối đường đem quân đi được. Tra trong truyện Toa Đô ở Nguyên sử thì chép là "Toa Đô do đường biển tiến quân". Nay theo Nguyên sử. Lời chua - Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21).

Tháng 2. Trần Kiện đầu hàng nhà Nguyên, bị Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Địa Lô đón đường bắn giết đi.

Quân của Toa Đô kéo về đến Nghệ An, đi đến đâu đánh tan đến đấy, quân của Quang Khải không thể chống lại được. Trần Kiện cùng với thuộc hạ là Lê Trắc đem gia quyến đón đường đầu hàng; Toa Đô sai người đưa bọn Trần Kiện về Yên Kinh. Khi đến Lạng Giang, thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đánh bọn Trần Kiện ở trại Ma Lục. Người gia nô của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Trần Kiện. Lê Trắc, phải cõng xác Trần Kiện, ở trên mình ngựa, đương đêm chạy trốn, chạy được vài mươi dặm, đến Kheo Ôn, Trắc mới chôn xác Trần Kiện ở đấy.

Lời chua - Lạng Giang: Tức Lạng Sơn. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31).

Trại Ma Lục: Thuộc Lạng Giang, nay không rõ đích xác chỗ nào.

Kheo Ôn: Tên huyện, nhà Lê đổi là châu Ôn; nay vẫn theo tên ấy, thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Kiện: Con vợ lẽ của Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, trước kia Quốc Khang cai trị Nghệ An, nên con cháu đều ở đấy.

Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đánh nhau với quân nhà Nguyên ở bãi Tha Mạc, bị bại trận. Bình Trọng bị giết chết.

Quân nhà Nguyên đóng ở bãi Tha Mạc, Bình Trọng kéo quân đến đánh với quân giặc, bị thua to và bị bắt, Bình Trọng không chịu ăn uống gì. Tướng Nguyên tra hỏi về việc nước, Bình Trọng không trả lời. Tướng Nguyên hỏi: "Có muốn nhận tước vương đất Bắc không?". Bình Trọng quát to, nói: "Ta thà làm con ma ở đất Nam, không thèm nhận tước vương đất Bắc". Vì thế, Bình Trọng bị giết chết. Nhà vua được tin này, vật vã thương khóc.

Lời chua - Trần Bình Trọng: Con cháu Lê Đại Hành, ông cha Bình Trọng làm quan triều Trần Thái Tông, được ban cho quốc tính (họ của nhà vua).

Tha Mạc: Tức sông Thiên Mạc, xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chb. VI, 42).

Tháng 3. Nhà vua rước Thượng hoàng chạy vào Thanh Hóa.

Lúc ấy quân Nguyên đuổi theo riết, nhà vua phải mời Thượng hoàng cùng ngự vào một chiếc thuyền con, chạy ra nguồn Tam Trĩ; một mặt khác, sai người kéo chiếc thuyền của vua vẫn ngự đi ra ngả núi Ngọc Sơn để đánh lừa quân Nguyên. Tướng Nguyên do thám biết được mưu ấy, mới sai Hữu thừa là Khoan Triệt, Tả thừa là Lý Hằng chia đường đuổi theo. Nhà vua phải đổi đi đường bộ đến xã Thủy Chú, rồi lại đi thuyền đến sông Nam Triệu, qua cửa biển Đại Bàng vào Thanh Hóa.

Khi bấy giờ nhà vua phải chạy loạn long đong, mà Hưng Đạo vương Quốc Tuấn vốn có danh vọng và tài trí lỗi lạc khác thường, lại còn hiềm khích về việc An Sinh vương ngày trước697 , vì thế nên nhiều người có lòng nghi ngờ; hơn nữa, khi Quốc Tuấn đi theo vua thường cầm cái trượng bằng gỗ, đầu trượng có cắm mũi sắt nhọn, nên ai cũng liếc mắt trông. Quốc Tuấn liền rút bỏ cái đầu sắt nhọn ấy, chỉ cầm cái trượng trơ những gỗ mà đi, bấy giờ người ta mới yên tâm.

Lời chua - Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20).

Nguồn Tam Trĩ: Nay ở xã Tam Trĩ, châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên.

Cửa biên Ngọc Sơn: Nay ở châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên, về phía đông biển thông với đường đi Khâm Châu (Trung Quốc).

Thủy Chú: Tên xã.

Sông Nam Triệu: Tức sông Bạch Đằng. Xem thuộc Tấn, năm Thiên phúc thứ 3 (Tb. V, 20).

Cửa biển Đại Bàng: Nay ở xã Đại Bàng, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương698 .

Trần Ích Tắc đầu hàng nhà Nguyên.

Lời phê - Người ta có tài văn học mà như thế, thì văn học làm gì699 ! Ích Tắc tự phụ là người thông minh mà không được thỏa mãn nguyện vọng, thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam. Nay quân Nguyên sang xâm lấn, Tắc đầu hàng ngay, cốt mong cho mình được làm vua trong nước. Muốn cơ mi Ích Tắc, nhà Nguyên phong cho hắn tước An Nam quốc vương. Lúc ấy Văn Chiêu hầu là Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu là Tú Hoãn và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đều đem cả gia quyến đầu hàng nhà Nguyên.

Lời chua - Vân Đồn: Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 43).

Văn Lộng, Tú Hoãn: Đều là tôn thất nhà Trần.

Tháng 4, mùa hạ. Chiêu Văn vương Nhật Duật đánh thắng được quân Nguyên ở cửa Hàm Tử.

Quân Toa Đô từ Chiêm Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay tiến về đóng ở Tây Kết. Nhà vua bàn với quần thần rằng: "Quân giặc đi muôn dặm đường để đánh úp nước người ta, vì không đánh được mà phải bỏ đi, bây giờ nhân lúc chúng mỏi mệt, mà đem quân đã được nghỉ ngơi dưỡng sức của ta để đối địch với quân mỏi mệt của chúng, đánh ngay một trận phủ đầu cho chúng mất hết nhuệ khí, thì tất nhiên phá tan được". Bàn luận xong rồi, nhà vua liền hạ lệnh cho Chiêu Văn vương Nhật Duật, Chiêu Thành vương (không rõ tên), Hoài Văn hầu Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ đón đánh. Khi quân ta đến cửa Hàm Tử, hai bên đánh nhau kịch liệt. Trong toán quân của Nhật Duật có người nhà Tống mặc áo bên Tống, cầm cung tên theo quân ta đi đánh. Thượng hoàng tự nghĩ quần áo và tiếng nói người Tống với người Thát700 giống nhau, sợ quân ta không phân biệt được, mới sai người đi thông báo rằng: "Đấy là quân Thát của Chiêu Văn vương đấy, nên nhận cho kỹ". Quân Toa Đô ở phương xa đến, thấy trong toán quân có mặc quân phục nhà Tống, đều sợ, chúng ngờ là có quân Tống sang giúp quân ta, vì thế mà quân Nguyên bị tan vỡ lớn. Toa Đô phải lui quân đóng ở cửa biển Thiên Trường để tìm lương ăn.

Nguyên trước đây, lúc nhà Tống bị mất, nhiều người bên Tống chạy sang nước ta, Nhật Duật đều thu dụng được, có một người tên là Triệu Trung, rất khỏe mạnh, Nhật Duật dùng làm gia tướng, vì thế, kể công đánh thắng được quân Nguyên, Nhật Duật đóng góp rất nhiều.

Lời chua - Cửa Hàm Tử: Ở bãi Hàm Tử, huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên.

Ô, Lý: Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chb. I, 27).

Châu Hoan, Châu Ái: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-22).

Tây Kết: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 2 (Chb. I, 18).

Tháng 5. Nhà vua mời Thượng hoàng tự làm tướng đánh quân Nguyên, phá tan quân Toa Đô ở Tây Kết, chém được Toa Đô.

Trước đây, Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản đem quân dân các lộ đánh bại được quân Nguyên ở Chương Dương, thu phục được kinh thành; bọn Thoát Hoan, A Thích nhà Nguyên phải vượt qua sông Phú Lương để chạy. Khi ấy, nhà vua mời Thượng hoàng từ Thanh Hóa tiến quân ra, lại thắng được quân Nguyên ở phủ Trường Yên. Về phần quân Nguyên: quân của Toa Đô và quân của Thoát Hoan đóng cách nhau đến hai trăm dặm, lúc Thoát Hoan phải rút quân lui, Toa Đô vẫn chưa biết, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi đem quân từ đường biển ra đánh ở sông Thiên Mạc, định phối hợp với cánh quân Thoát Hoan để nương tựa lẫn nhau.

Quân tuần tiễu nhà Nguyên đi đến huyện Phù Ninh, gặp viên Phụ đạo tử là Hà Đặc đặt mưu kế để lừa, rồi đem toàn lực ra đánh, đuổi quân giặc chạy đến đất A Lạp. Vì đánh hăng quá, nên Hà Đặc bị tử trận, quân chúng của Hà Đặc đều mất về tay giặc. Em Hà Đặc là Chương701 nhân khi giặc sơ hở, lấy trộm được áo giáp và cờ hiệu của giặc, chạy về dâng nộp quân ta. Quân ta liền dùng quân trang ấy đánh vào dinh trại giặc, quân Nguyên không phòng bị, tan vỡ.

Quân ta702 tiến đến bến đò Đại Mang, Tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển đầu hàng, lại đánh cho quân Nguyên bị thua to ở Tây Kết, chém được nguyên soái là Toa Đô. Ô Mã Nhi nhân đêm trốn chạy vào Thanh Hóa; quan quân đuổi theo, bắt sống được hơn năm vạn người. Mã Nhi dùng một chiếc thuyền vượt ra biển chạy thoát đươợc. Lúc nhà vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, có lòng thương, nói: "Đạo làm tôi nên như thế", liền cởi cái áo đương mặc, sai quan gói thủ cấp đem chôn.

Lời cẩn án - Trận đánh thắng được giặc ở Chương Dương, thu phục được kinh thành, là chiến công to nhất lúc bấy giờ . Sử cũ chép việc này không được rõ ràng . Lại xét: Sử cũ chép: "Quân tuần tiễu của nhà Nguyên đến Phù Ninh, Hà Đặc đan tre làm hình người, cắm tên vào cây để lừa giặc"703 . Nhưng huyện Phù Ninh thuộc thượng du tỉnh Sơn Tây704 ngày nay, Toa Đô từ đường biển tiến quân ra đánh vào sông Thiên Mạc, thế mà quân tuần tiễu lại đến huyện Phù Ninh, xa cách nhau hàng ba bốn ngày đường, tất nhiên không có lẽ như thế. Việc này ngờ là Sử cũ chép lầm, sẽ nghiên cứu sau. Lời chua - Chương Dương: Tên bến đò, ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội ngày nay705 .

A Lạp: Tên đất. Nay không rõ chỗ nào.

Đại Mang: Tên bến đò. Nay không rõ chỗ nào.

Phụ đạo tử: Chức tù trưởng ở phiên trấn, cũng như thổ Tri châu thổ Tri huyện bây giờ.

Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đánh cho quân Nguyên phải thua to ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan trốn về nước.

Lời phê - Một mình nguyên soái rút lui sau cùng!

Quân Nguyên nhiều lần bị thua, lại gặp mùa hè mưa nắng thất thường, quân sĩ chết hại rất nhiều, mới quyết kế rút lui về nước. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn dự bị đặt quân mai phục để đón đường ra đánh. Khi quân Nguyên đến sông Vạn Kiếp, chưa kịp sang đò, quân mai phục liền nổi lên đánh, quân sĩ nhà Nguyên chết mất quá một nửa, tướng sĩ phải liều chết chống cự, mới hộ vệ Thoát Hoan được khỏi chết.

Lời phê - Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào706 . Lời chua - Tư Minh: Tên phủ, xem Trần Thái Tông năm Nguyên Phong thứ 6 (Chb. VI, 40).

Tháng 6. Nhà vua rước Thượng hoàng trở về hoàng cung.

Có thủy tai lớn.

Đưa trả tù binh Chiêm Thành trở về nước họ.

Tướng nước Chiêm Thành là bọn Ba Lậu Kê, Na Liên, vì đi theo Toa Đô, bị quân ta bắt được. Nay nhà vua sai viên trung phẩm phụng ngự là Đặng Du Chi đưa trả họ về nước.

Tháng 8, mùa thu. Phong quan tước cho những bầy tôi có công, tùy theo công trạng mà phong cấp bậc cao thấp khác nhau. Lại trị tội những kẻ đã đầu hàng giặc.

Tháng 9. Đổi lại niên hiệu; Đại xá cho trong nước; Gia tôn huy hiệu cho tiên đế và tiên hậu.

Tháng 10, mùa đông. Hạ chiếu xét duyệt sổ hộ khẩu707 trong nước.

Bầy tôi trong triều can ngăn, lấy cớ rằng nhân dân vừa bị khó nhọc khổ sở, việc xét định số hộ khẩu không phải là việc cần kíp lúc này. Nhà vua nói: "Chỉ có thể nhân lúc này xét định hộ khẩu, không nên để nước ngoài có ý dòm dỏ cho là dân ta điêu tàn". Bầy tôi đều xưng tụng và kính phục.

Lời phê708 - Nói khiên cưỡng, vô lý. Bính Tuất, năm thứ 2 (1286). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 23).

Tháng giêng, mùa xuân. Tha cho tù binh nhà Nguyên được trở về nước.

Tháng 6, mùa hạ. Hạ chiếu cho các vương hầu trong tôn thất chiêu mộ binh lính.

Thoát Hoan bị thua chạy về nước, vua nhà Nguyên giận lắm, hạ chiếu bãi đạo quân sang đánh Nhật Bản, rồi sai đóng ba trăm chiếc thuyền, định đến tháng 8, kéo ra Khâm, Liêm hội với quân 3 tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây, mượn tiếng là đưa Trần Ích Tắc về nước Nam để đem đại binh sang xâm lấn. Thượng thư là Lưu Tuyên can rằng: "Mới rồi dụng binh không thành công, hiện nay những người đau thương chưa khỏi, nay lại đem đại binh sang đánh, sự đó không nên". Tỉnh thần Hồ Nam là Tuyến Ca cũng dâng sớ nói: "Dụng binh luôn mấy năm, quân sĩ chết mất nhiều, bốn hạng dân709 bỏ cả nghề nghiệp, nay lại động dụng đến số quân hàng trăm vạn, như thế không phải là đạo thương yêu sĩ dân". Vua nhà Nguyên y theo lời tâu, hạ chiếu cho năm nay hãy tạm nghỉ và cho Ích Tắc ở tại Ngạc Châu. Nhà vua được tin, đem việc ấy hỏi Hưng Đạo vương. Quốc Tuấn thưa rằng: "Nước ta lâu nay thái bình, dân không biết việc binh bị, vì thế năm mới rồi quân Nguyên sang ăn cướp, hoặc cũng có kẻ hàng

giặc, hay trốn tránh; nhờ được oai linh của tổ tông, thần vũ của bệ hạ, nên đánh đâu được đấy, trong nước mới được thái bình. Nếu bây giờ giặc lại kéo sang thì ta đã luyện tập về việc chiến đấu, quân địch đi xa mỏi mệt, vả lại chúng vẫn sợ về việc Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán bị thua, không sẵn lòng chiến đấu. Theo ý tôi nhận xét, tất thế nào cũng phá tan được". Nhà vua khen là phải, bèn hạ lệnh cho Quốc Tuấn đốc suất các vương hầu, chiêu mộ binh lính, sắm sửa binh khí, để phòng khi chiến đấu hoặc phòng thủ.

Ban cho Đinh Củng Viên tước Nội minh tự.

Củng Viên xin thôi không nhận tạm giữ công việc trong cung Thánh Từ nữa, nhà vua y cho, nên có lệnh ban tước này.

--

638 Một chức trong hàng lại điển, giữ việc từ hàn ở trong cơ quan.

639 Cơ quan hành chính.

640 Giữ việc thuốc thang điều trị cho vua chúa.

641 Giữ nghi lễ tế tự.

642 Triều đình Trung Quốc.

643 Niên hiệu đời Trần Thái Tông.

644 Dương Nhật Lễ cướp ngôi vua nhà Trần (1369), tôn thất nhà Trần đem quân đón Trần Húc (con Trần Minh Tông) ở Đà Giang về giết được Nhật Lễ, khôi phục ngôi vua nhà Trần, tức Trần Nghệ Tông.

645 Thơ Bản trong thiên Tiểu nhã kinh Thi có câu "tông tử duy thành", người tôn thất như cái thành bảo vệ triều đình. Người làm vua nên lấy đạo nghĩa đối đãi tôn thất, thì cái thành mới vững.

646Tư: Tư cách. Có những điển như sau: mục "Bách quan chí" trong Đường thư chép: Xét công trạng các quan chia ra nhiều tư: thượng tư, thứ tư và hạ tư, người bạch đinh và vệ sĩ không có tư ( Từ Hải trang 26). Mục "Tuyển cử chí" trong Đường thư chép: Lại bộ thượng thư Bùi Quang Đỉnh mới đặt thể lệ theo tư cách, các viên chức không kể người hiền người ngu, tất phải hợp tư cách mới được bổ dụng, nghĩa là theo địa vị để tuyển dụng có một cách thức nhất định. ( Từ Hải , tờ 1274 và Từ Nguyên , Dậu tập, tờ 97).

647 Hoàng tử nào được vua cha truyền ngôi cho lên làm vua gọi là tự quân.

648 Nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

649 Vạch trần tội lỗi của người khác cho mọi người biết.

650 Chỉ việc Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.

651 Chỉ việc Thủ Độ thông dâm với Thiên Cực công chúa là vợ Lý Huệ Tông, sau lại lấy làm vợ mình.

652 Năm Thiên Long thứ 8, 9, 10, 12, 13 và năm Thiệu Bảo thứ nhất. Trong sáu lần cống, có hai lần cống voi trắng.

653 Chức quan đứng đầu địa phương ở kinh sư: Chức quan này giữ việc xét xử quyết đoán các việc kiện tụng, nên gọi là bình bạc (Xem thêm Chb. VI, 10).

654 Ngũ phục là những người cùng một tông tộc, theo thế thứ trong họ, mặc tang phục để tang nhau, chia ra 5 hạng: 1- Trảm thôi: mặc áo xổ gấu để tang 3 năm; 2- Tư thôi hay là cơ niên: mặc áo vén gấu để tang 1 năm; 3- Đại công: để tang 9 tháng; 4- Tiểu công: để tang 5 tháng; 5- Ti ma: để tang 3 táng; Năm thứ tang phục này, có hình vẽ ở trong luật, nên gọi là "ngũ phục đồ".

655 Tức bọn hoạn quan.

656 Chức quan đứng đầu Viện Hàn lâm có nhiệm vụ trông coi việc soạn thảo những chế, cáo, chiếu, chỉ của vua.

657 Chức quan có nhiệm vụ giúp vua ý kiến lời khuyên về các việc trọng đại trong triều.

658 Trỏ vào ông vua đương thời.

659 Người của thiên tử sai đem mệnh lệnh đến ban bố cho vua chư hầu.

660 Thời Xuân thu, thiên tử nhà Chu suy yếu, không còn uy quyền gì đối với chư hầu, nhưng nếu có khi nào thiên tử nhà Chu sai người đến hội họp với các chư hầu, thì người sai đi ấy quan chức dầu nhỏ, trong kinh Xuân thu , Khổng Tử vẫn chép chữ "vương nhân" đứng trên các chư hầu, dầu chư hầu ấy là nước lớn như nước Tề, nước Tấn, nước Tống, v.v... vẫn phải ở dưới; đấy là một lệ trong mười lệ chép kinh Xuân thu .

661 Chức quan võ, chỉ phong cho hoàng tử. Thống lĩnh quân đội toàn quốc. Tuy nhiên không thực quyền. Thời Trần khi có ngoại xâm, chức chỉ huy quân đội toàn quốc thường giao cho người có tài năng trong hoàng tộc như trường hợp của Trần Quốc Tuấn.

662 Quan đứng đầu triều, như Tể tướng nhưng được coi trọng hơn.

663 Người có văn học tài trí.

664 Người thông hiểu nghĩa Ngũ Kinh, Tứ thư.

665 Nơi vua chúa đến ngự để đọc sách.

666 Chức quan đứng đầu Tôn chính phủ, có nhiệm vụ soạn gia phả, giữ sổ sách ghi chép về họ hàng của nhà vua và hoàng tộc.

667 Xem chua đông cung ở Chb. V, 16.

668 Xem thêm kinh, trại trạng nguyên ở Chb. VI, 38.

669 Xem chua ở Chb. VI, 30.

670 -nt-

671 Vì năm nay là Đinh Sửu.

672 Tên quan, xem thêm Chb. III, 47.

673 Chức quan coi về việc xử kiện như Chánh án, Thẩm phán ngày nay.

674 Những người làm nghề thầy thuốc, thầy bói, xem tướng, xem số... đều gọi là hạng phương kỹ.

675 Hàn Dũ, một văn hào đời Đường. Năm Nguyên Hòa thứ 14 đời Đường Hiến tông (819), Hàn Dũ làm thứ sử Triều Châu, biết được sông ở Triều Châu có cá sấu làm hại dân. Hàn liền đem dê lợn và làm bài văn tế cá sấu vứt xuống sông, tự nhiên sấm gió nổi lên, cách mấy hôm sau không thấy bóng cá sấu nữa.

676 Chỉ việc cá sấu.

677 Luật thơ do họ Hàn (Hàn Thuyên) đặt ra.

678 Được trả lại chức cũ mà trước đã bị cách.

679 Niên hiệu Trần Thái Tông (1251-1258).

680 Chức quan mặc áo màu tía. Quan chế nhà Trần, phẩm phục màu tía là quan chức bậc cao. Xem thêm Chính biên quyển IX, tờ 14.

681 Phá tan giặc mạnh, báo đáp ơn vua.

682 Quan đứng đầu triều, cai quản cả hai ban văn võ.

683 Quan đứng đầu Viện Hàn lâm trông coi việc soạn thảo những chế, cáo, chiếu, chỉ của nhà vua.

684 Như chức Tổng tư lệnh quân đội ngày nay.

685 Đàn thờ thần thổ địa.

686 Triều nhà Nguyên đặt hành trung thư tỉnh ở Hồ Quảng, thống lĩnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây ( Từ Nguyên , tị tập tờ 126).

687 Triều nhà Nguyên đặt hành trung thư tỉnh ở các lộ, gọi là hành tỉnh, đời sau mới dùng danh từ "hành tỉnh" làm tên gọi khu vực hành chính, cũng gọi tắt là tỉnh ( Từ Hải , trang 1204).

688 Một chức về hàng quan võ của Mông Cổ.

689 Quân thủy, chiến đấu ở dưới sông.

690 Quan hầu cận ở bên cạnh vua.

691 Nước Mông Cổ có tên riêng là Thát Đát. "Sát Thát" là giết quân Thát Đát, tức quân Mông Cổ xâm lược.

692 Tên hai thứ ngựa khỏe nhất, hay nhất, bền bỉ nhất trong các loại ngựa, một ngày có thể chạy được ngàn dặm. Câu này ý nói người ở hàng quan nhỏ mà có lòng trung nghĩa, có can đảm, có tài năng lỗi lạc.

693 Thời đại Hán Sở, nước Yên, nước Triệu là hai nước vừa lớn vừa mạnh ở gần nhau. Đại tướng nhà Hán là Hàn Tín sau khi đã phá được nước Triệu, thế quân lừng lẫy. Hàn Tín đem quân đóng ở địa đầu nước Yên, đưa thư hiểu dụ; vua Yên sợ, xin hàng.

694Chích: có nhiều thuyết khác nhau: Sử ký chính nghĩa nói: Chích là một người đại bợm ở thời Hoàng đế; Trang tử nói: em Liễu Hạ Huệ (thời Xuân Thu) tên là Đạo Chích; Lý Kỳ chua sách Hán thư nói: Chích là một đại đạo thời nhà Trần.

695 Nghiêu, một ông vua thời đại thượng cổ Trung Quốc, tương truyền là một thánh quân. Chiến quốc sách chép: con chó của Chích cắn ông Nghiêu, không phải con chó ấy quý Chích mà ghét Nghiêu đâu, nó chỉ cắn cái người không phải chủ của nó.

696 Câu của Khổng Tử trả lời học trò là Tử Công chép trong thiên "Tử lộ" sách Luận ngữ .

697 Quốc Tuấn là con An Sinh vương Trần Liễu, Trần Cảnh (Thái Tông) cướp vợ của Trần Liễu, Trần Liễu vẫn căm giận, đã một lần khởi binh phản lại Thái Tông. Khi Trần Liễu mất, có dặn lại Quốc Tuấn cướp lấy thiên hạ để báo thù.

698 Nay thuộc huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng.

699 Xem thêm tiểu sử Ích Tắc chép ở Chính biên quyển VII, tờ 9.

700 Thát, tức Thát Đát, tên riêng của Mông Cổ. Xem thêm lời chua "sát thát" ở Chính biên quyển VII, tờ 33.

701 Em Hà Đặc là Chương bị quân Nguyên bắt ( Đại Việt sử ký quyển V tờ 65).

702 Đạo quân này do Thánh Tông và Nhân Tông chỉ huy, từ Thanh Hóa tiến đến bến đò Đại Mang (sử dẫn trên).

703 Hà Đặc dùng tre đan thành hình người to lớn, ngoài mặc áo, đêm đến, cho đem ra đem vào. Lại dùi những cây to thành lỗ, rồi lấy những mũi tên lớn cắm vào lỗ ấy, để giặc trông thấy tưởng là sức bắn suốt được cây ( Đại Việt sử ký toàn thư quyển V, tờ 49 và Đại Việt sử ký quyển V, tờ 65).

704 Nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

705 Nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

706 Lời phê kết thúc bằng tám chữ "nhược ngộ kỳ tha, vị khả chi dã". Tám chữ này nghĩa không được rõ cho lắm, vì chữ "tha" có thể là người khác hoặc lúc khác. Vậy tám chữ này ý nói nếu gặp vua tôi khác không anh dũng được như vua tôi nhà Trần, hoặc lúc khác không được hưng thịnh như lúc nhà Trần mới nổi lên, thì chưa biết tình thế sẽ biến chuyển ra sao.

707 Hộ là tính theo từng bếp; khẩu là tính theo đầu người.

708 Chỉ vào câu nói của Trần Nhân Tông.

709 Sĩ, nông, công, thương.

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home