Saturday, March 19, 2005

Chính Biên - Quyển thứ IV

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ IV

Từ Nhâm Thân (1092), Lý Nhân Tông năm Hội Phong thứ nhất đến Kỷ Tỵ (1149), Lý Anh Tông năm Đại Định thứ 10, gồm 58 năm.

Nhâm Thân, năm Hội Phong thứ 1 (1092). (Tống, năm Nguyên Hựu thứ 7). Quy định phép thu tô.

Năm ấy, khắp trong nước được mùa; định rõ thể lệ thu tô: mỗi mẫu ruộng thu 3 thưng lúa để cung cấp lương thực cho quân đội.

Quý Dậu, năm thứ 2 (1093). (Tống, năm Nguyên Hựu thứ 8).

Giáp Tuất, năm thứ 3 (1094). (Tống, năm Thiệu Thánh thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ sang nước Chiêm Thành.

Chiêm Thành không tiến cống. Nhà vua sai Hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích đi trách hỏi.

Ất Hợi năm thứ 4 (1095). (Tống, năm Thiệu Thánh thứ 2).

Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán. Thả tù phạm bị giam cứu; tha tô thuế, trời mưa.

Bính Tý, năm thứ 5 (1096). (Tống, năm Thiệu Thánh thứ 3).

Tháng 3, mùa xuân. Thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản nghịch, bị bắt đi an trí ở Thao Giang.

Trước kia, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý. Tên này có phép thuật lạ. Nhân thế, Văn Thịnh manh lòng toan sự kia khác. Bấy giờ vua chơi hồ Dâm Đàm, đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên nổi đám sương mù, có chiếc thuyền từ đám sương mù ấy vụt tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo lao theo, thì đám sương mù ta đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy, té ra là thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao, nên không nỡ giết, bắt đi an trí ở trại Thao Giang, thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp.

Lời phê - Văn Thịnh do văn học được đỗ đầu, làm quan đến cực phẩm, mà hành vi còn thế, thì lòng người còn lường biết thế nào được! Lời chua - Sông Thao: Ở phía Bắc huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa.

Đại Lý: Xem Lý Thái Tông năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 5 (Chb. III, 19).

Dâm Đàm: Có tên nữa là Lãng Bạc. Xem thuộc Hán, Quang Vũ, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 11).

Đinh Sửu, năm thứ 6 (1097). (Tống, năm Thiệu Thánh thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Xuống chiếu định ra hội điển432 .

Nhà vua hạ chiếu cho các quan kiểm điểm hiệu đính các điều lệ về điển chương cũ, biên tập và quy định lại rồi cho thi hành.

Tháng 8, mùa thu. Sao mọc ban ngày.

Mậu Dần, năm thứ 7 (1089). (Tống, năm Nguyên Phù thứ 1).

Tháng 8, mùa thu. Động đất.

Có sao chổi mọc.

Lời chua - Sao chổi: Theo sách Tinh kinh, sao chổi là do yêu khí sao Thái Bạch sinh ra, hình dáng giống như cái chổi, nên gọi là "sao chổi".

Kỷ Mão, năm thứ 8 (1099). (Tống, năm Nguyên Phù thứ 2).

Canh Thìn, năm thứ 9 (1100). (Tống, năm Nguyên Phù thứ 3).

Tháng 12, mùa đông. Phát sinh bệnh dịch dữ dội.

Tân Tỵ, năm Long Phù thứ 1 (1101). (Tống, Huy Tông, năm Kiến Turng tĩnh quốc thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Dùng Lý Thường Kiệt kiêm chức Nội thị phán thủ đô áp nha, Hành điện nội ngoại đô tri sự.

Lời chua - Theo sách Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, Hành điện nội ngoại đô tri sự là trong chức của bậc đại thần. Còn Phán thủ đô áp nha thì chức chế ra sao chưa rõ.

Sửa lại chùa Diên Hựu.

Chùa này do Lý Thái Tông làm ra để cầu trường thọ; đến đây tu sửa lại. Lại đúc quả chuông lớn. Đúc xong, đánh thử, chuông không kêu, đem bỏ ở ngoài ruộng. Ruộng ấy sản nhiều rùa, nên người ta gọi là "chuông Quy điền"433 .

Lời chua - Chùa Diên Hựu: Xem Lý Thái Tông, năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 1 (Chb. III, 14).

Nhâm Ngọ, năm thứ 2 (1102). (Tống, năm Sùng Ninh thứ 1).

Tháng 2, mùa xuân. Có nạn nước lớn.

Quý Mùi, năm thứ 3 (1103). (Tống, năm Sùng Ninh thứ 2).

Tháng 10, mùa đông. Lý Giác ở Diễn Châu làm phản. Nhà vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua, chạy sang Chiêm Thành.

Lý Giác vì học được phép thuật kỳ lạ, kết cỏ buộc cây làm thành hình người, có thể sai khiến chúng nó bay nhảy đâm đánh được, gọi là quân tướng nhà trời. Nhiều người Diễn Châu theo về với hắn. Giác bèn giữ Diễn Châu, làm phản. Việc ấy lên đến triều đình. Nhà vua hỏi ai có thể làm tướng đi dẹp được. Bầy tôi cử Lý Thường Kiệt. Nhà vua nói: "Giác là tay giặc kiệt hiệt, ta cần phải chọn lấy người khỏe mạnh để đối địch. Thường Kiệt giữ việc binh đã lâu, nay già rồi; nếu lại giao cho việc quân, thì không phải cách mà trẫm dùng để đối xử với bậc lão thần". Thường Kiệt khấu đầu, nói: "Tôi, trước kia chưa thông thạo mưu lược làm tướng, bình Chiêm, đánh Tống, may mà thành công, đó là điều nhờ oai linh của bệ hạ và sức lực của các tướng thần. Ngày nay nhờ ơn nước, tôi được hưởng ngôi cao lộc hậu đến thế này, nếu tôi ngồi nhìn để cho đứa giặc là Giác kiêu rông thì chết không nhắm mắt được". Thường Kiệt xin đi đánh. Nhà vua khen và ưng cho. Quân kéo đến Diễn Châu, đánh kịch liệt, cả phá được giặc. Lý Giác chạy sang Chiêm Thành, còn dư đảng thì quan quân dẹp yên được cả.

Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1(Tb. IV, 20).

Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20- 22).

Nước Chiêm Thành xâm lược châu Lâm Bình, châu Bố Chính và châu Minh Linh, rồi chiếm giữ ba châu ấy.

Lý Giác trốn sang Chiêm Thành, nói hết cả tình hình nước ta hư thực ra sao; chúa Chiêm là Chế Ma Na tin lời, bèn cất quân vào lấn cướp, chiếm lấy ba châu Bố Chính... là những đất mà Chế Củ đã dâng trước.

Lời chua - Việc Chế Củ dâng đất ba châu: Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29). Đến năm Thái Ninh thứ 4 (1075), đổi châu Địa Lý làm Lâm Bình, châu Ma Linh làm Minh Linh.

Giáp Thân, năm thứ 4 (1104). (Tống, năm Sùng Ninh thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành thua, chúa Chiêm phải trả lại đất ba châu mà hắn đã xâm chiếm.

Thường Kiệt đánh bại được quân Chiêm; Chế Ma Na sợ, phải trả lại đất ba châu đã chiếm.

Ất Dậu, năm thứ 5 (1105). (Tống, năm Sùng Ninh thứ 4).

Mùa xuân, tế thần Cao Môi434 .

Tháng 6, mùa hạ. Thái úy Lý Thường Kiệt mất.

Thường Kiệt có tướng tài, tinh thông thao lược, ban đầu sung làm Hoàng môn chi hậu435 , rồi thăng đến Thái úy, trải làm quan vớ ba triều, đánh Tống, bình Chiêm, công danh ngày càng cao, được nhà vua cưng yêu không ai sánh bằng. Đến đây, ông mất, được tặng phong Kiểm hiệu Thái úy Bình chương quân quốc trọng sự Việt quốc công; cho em là Thường Hiến nối phong tước hầu.

Tháng 9, mùa thu. Lại sửa chùa Diên Hựu.

Phía trước chùa xây ngọn bảo tháp, đào ao bích trì, trồng hoa sen; xung quanh có hành lang chạy dài, bắc cầu lượn vào. Hằng tháng, cứ mồng một và ngày rằm, ngự giá đến vãn cảnh.

Bính Tuất, năm thứ 6 (1106). (Tống, năm Sùng Ninh thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Sao chổi hiện ra ở phương tây, chuôi sao dài suốt một góc trời. Sao Thái Bạch mọc ban ngày. Nhà vua hạ chiếu ân xá.

Duy những người bè đảng với kẻ phản nghịch thì không được tha.

Đinh Hợi, năm thứ bảy (1107). (Tống, năm Đại Quan thứ nhất).

Mùa hạ. Động đất.

Mậu Tý, năm thứ 8 (1108). (Tống, năm Đại Quan thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Đắp đê ngăn nước sông ở phường Cơ Xá.

Lời chua - Phường Cơ Xá: Bây giờ thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.

Mùa hạ. Không mưa.

Kỷ Sửu, năm thứ 9 (1109). (Tống, năm Đại Quan thứ 3).

Mùa xuân, dựng đài Động Linh.

Dựng đài Động Linh để cầu đảo.

Canh Dần, năm Hội tường đại khánh thứ 1 (1110). (Tống, năm Đại Quan thứ 4).

Tháng 8, mùa thu. Nước Chiêm Thành đến tiến cống.

Tân Mão, năm thứ 2 (1111). (Tống, năm Chính Hòa thứ 1).

Mùa thu. Đâu đấy được mùa cả.

Nhâm Thìn, năm thứ 3 (1112). (Tống, năm Chính Hòa thứ 2).

Quý Tỵ, năm thứ 4 (1113). (Tống, năm Chính Hòa thứ 3).

Giáp Ngọ, năm thứ 5 (1114). (Tống, năm Chính Hòa thứ 4).

Ất Mùi, năm thứ 6 (1115). (Tống, năm Chính Hòa thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Lập ba Hoàng hậu.

Lập ba hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên và Chấn Bảo; lại lập 36 cung nhân. Bấy giờ nhà vua nóng lòng cầu tự, thường lập đàn tràng cầu đảo. Thái hậu thì làm hơn một trăm cảnh chùa; lại phát tiền kho nội phủ chuộc những gái nghèo đã bị cầm đợ mà gả cho người không có vợ.

Bính Thân, năm thứ 7 (1116). (Tống, năm Chính Hòa thứ 6).

Đinh Dậu, năm thứ 8 (1117). (Tống, năm Chính Hòa thứ 7).

Tháng 3, mùa xuân. Nhà vua đi Ứng Phong xem xét việc cày ruộng.

Mùa xuân, dân cày ruộng công. Nhà vua đến hành cung Ứng Phong để xem xét. Từ đấy, xem cày, thăm gặt là việc thường hàng năm.

Thái hậu nói với nhà vua rằng: "Luật lệnh về việc trộm trâu thi hành đã lâu. Gần đây, những người trốn tránh ở kinh thành, hương ấp, phần nhiều làm nghề trộm trâu; mà sự giết thịt trâu lại càng quá lắm. Hiện nay, vài nhà nông dân mới có một con trâu, thì nhờ vào đâu mà đủ sinh sống?". Nhà vua cho là phải; xuống chiếu, phàm những kẻ trộm trâu hay là giết trâu thì cả vợ lẫn chồng đều phải phạt 80 trượng, bị tội đồ và bồi thường trâu; người láng giềng không cáo tỏ phải phạt 80 trượng.

Lời chua - Ứng Phong: Thuộc tỉnh Nam Định. Xưa là huyện Hiển Khánh, nhà Lý đổi làm Ứng Phong; nhà Trần đổi làm Kiến Hưng; khi thuộc Minh đổi làm phủ Kiến Bình; nhà Lê gọi là phủ Nghĩa Hưng, tức là phủ Nghĩa Hưng bây giờ.

Tháng 6, mùa hạ. Không mưa. Làm lễ đảo vũ ở hành cung Ứng Phong.

Bấy giờ ngự giá đến Ứng Phong xem xét việc cày ruộng; nhân tiện, làm lễ đảo vũ.

Tháng 7, mùa thu. Linh Nhân hoàng thái hậu mất.

Tháng 8. Làm lễ an táng Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu.

Làm lễ hỏa táng. Lấy ba người hầu gái đem tuận táng436 . Đặt tên thụy cho hoàng thái hậu là Phù Thánh.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua đi Khải Thụy xem xét việc gặt lúa.

Lời chua - Khải Thụy: Tên đất. Bấy giờ đặt hành cung ở đấy. Nay không biết đích là chỗ nào.

Lập Dương Hoán làm Thái tử.

Dương Hoán là con của Hoàng đệ Sùng Hiền hầu (không rõ tên). Bấy giờ nhà vua đã nhiều tuổi, chưa có kế tự mới xuống chiếu chọn lấy những con cái trong họ tôn thất để nuôi làm con. Kịp khi Dương

Hoán sinh, nhà vua cho nuôi ở trong cung; năm này lên hai tuổi, nhà vua yêu là người thông minh lanh lẹn, lập làm Thái tử.

Mậu Tuất, năm thứ 9 (1118). (Tống, năm Tuyên Hòa437 thứ 1).

Tháng 2, mùa xuân. Nước Chân Lạp sai sứ đến tiến cống.

Bấy giờ khánh thành ngọn Bảo tháp, nhà vua sai bày đồ nghi trượng ở trước điện Linh Quang, cho dẫn sứ giả Chân Lạp đến xem.

Lời chua - Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).

Tháng 3. Tuyển lính cấm quân.

Trước đó, tuyển những hoàng nam438 khỏe mạnh làm binh lính, đến đây quy định hiệu quân cấm vệ, bèn tuyển 350 người đại hoàng nam439 sung vào các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long. Lại cấm những nô bộc tư gia không được xăm mực vào ngực, vào chân làm mạo theo hình dạng của cấm quân.

Lời chua - Xăm mực vào ngực và chân: Thích hình dạng văn hoa vào ngực và chân rồi đồ mực.

Tháng 5, mùa hạ. Hạn hán. Hạ chiếu đảo vũ. Trời mưa.

Tháng 7, mùa thu. Chiêm Thành đến tiến cống.

Bấy giờ nước Chiêm Thành sai sứ đến dâng lễ cống. Gặp dịp khánh thành chùa Thắng Nghiêm thánh thọ, bèn mở hội thiên phật để cho sứ Chiêm Thành xem.

Kỷ Hợi, năm thứ 10 (1119). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 1).

Tháng 4, mùa hạ. Chức Đô tào là Phan Điền dâng con hươu trắng, được nhà vua chấp nhận.

Lời cẩn án - Sử của Ngô Thì Sĩ chua rằng: Xét: đoạn sử về đời Lý Nhân Tông . Sử cũ chép rằng hươu trắng 6 lần, chương trắng4 2 lần; chim sẻ trắng và rùa lạ mỗi thứ 4 lần; hươu đen, phượng non, ngựa trắng mọc cựa và ngựa hồng mọc cựa mỗi thứ 1 lần; đều được nhận cả. Lời chua - Đô tào: Tên một chức quan.

Tháng 8, mùa thu. Nhà vua xem bơi trải, thết yến các bầy tôi.

Nhà vua ngự ở điện Linh Quang, để xem bơi thuyền thi; thết bầy tôi ăn yến. Tự đấy, hằng năm đặt làm lệ thường.

Lời chua - Điện Linh Quang: Ở đầu bến sông Phú Lương441 .

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua tự làm tướng đi đánh động Ma Sa, bắt được động trưởng động ấy là Nguỵ Bàng. Tháng 12, hoàn cung, làm lễ dâng tù binh ở nhà thái miếu.

Bấy giờ động Ma Sa không giữ lễ cống, nhà vua sửa soạn đi đánh, sai đóng hai chiếc thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan; lại hạ chiếu cho chư quân đóng thuyền chiến, sửa võ khí. Đến đây, trước khi

xuất quân, duyệt lấy những người khỏe mạnh trong các quân Vũ Tiệp, Vũ Lâm bổ vào các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Phù Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô và Ngự Long: hạng giỏi cho làm hỏa đầu, hạng kém cho làm binh lính. Rồi hội họp chư quân ăn thề ở sân rồng, hiểu dụ cho biết ý nghĩa xuất quân. Đoạn, ban phát khí giới cho tướng sĩ. Nhà vua ngự thuyền Cảnh Hưng, thân đốc sáu quân, ra đi từ bến Thiên thu; đánh trống hò reo thẳng tiến. Tinh thần quân sĩ hăng hái gấp trăm lần. Quân kéo đến động Ma Sa, đánh kịch liệt, phá tan được địch, bắt được động trưởng là Ngụy Bàng và vài trăm đồ đảng, rồi sai người đi chiêu dụ nhân dân động ấy khiến cho lại trở về yên nghiệp làm ăn. Nhà vua rút quân về, làm lễ dâng tù binh ở nhà Thái miếu, khao thưởng tướng sĩ linh đình, ban cho tiền và lụa, kẻ nhiều người ít khác nhau.

Lời phê442 - Tóm lại, đời Lý, những sự gọi là đánh dẹp, ngay như Chiêm Thành tuy là một "nước" cũng chẳng qua cùng hạng với Tiêm La, Cao Miên vậy thôi, còn thì đều là những đám mán mọi phụ thuộc ở trong nước cũng như là mán Thạch Bích443 ngày nay, chứ không phải là hạng nước kình địch hay nước lân cận hùng cường đáng lo ngại gì đâu, thế mà thường cứ khoe khoang rối rít: nào đặt tôn hiệu, nào đổi năm đầu; vua tôi đương thời kể đã hiếu danh và khéo nịnh nhau lắm nhỉ! Lời chua - Ma Sa: Tên một động. Nay là đất châu Đà Bắc tỉnh Hưng Hóa.

Sân rồng: Sân rồng trước điện Thiên An.

Bến Thiên thu: Không khảo được.

Canh Tý, năm Thiên Phù duệ vũ thứ 1 (1120). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Bầy tôi kính dâng tôn hiệu lên nhà vua.

Dâng tôn hiệu là Thiên Phù duệ vũ; nhân dịp đó xin đổi niên hiệu. Nhà vua y theo.

Đâu đấy được mùa cả.

Tân Sửu, năm thứ 2 (1121). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 3).

Tháng 3, mùa xuân. Có người dâng cây cau một gốc đẻ bảy mầm; nhà vua từ chối không nhận.

Nhà sư Vương Ái dâng cau một gốc đẻ bảy mầm. Thái sử Trần Độ nói: "Thứ này không đáng kể là điều lành". Do đó, nhà vua không nhận.

Lời phê - Đáng khinh bỉ!444 Lời chua - Cây cau: Theo sách Bản thảo , cây cau thẳng gióng, không cành, lá mọc ở ngọn cây, buồng ra từ nơi bẹ lá, mỗi một buồng cau hàng vài trăm quả, hình dạng như quả trứng gà.

Tháng 5, mùa hạ. Có nạn nước lớn.

Nước tràn đến ngoài cửa Đại Hưng.

Lời chua - Cửa Đại Hưng: Cửa Nam kinh thành.

Tháng 7, mùa thu. Phát sinh nhiều hoàng trùng445 .

Nhâm Dần, năm thứ 3 (1122). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 4).

Quý Mão, năm thứ 4 (1123). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 5).

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua đi Ứng Phong, xem xét việc gặt lúa. Tháng 11, về cung.

Năm ấy, được mùa. Nhà vua đi xem gặt về; các nhà thuộc ngành đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật đều dâng thơ mừng.

Nhà vua cho rằng trâu bò là loài giúp ích cho việc cày cấy, có lợi cho người ta không phải là ít, bèn xuống chiếu: Dân gian cứ 10 nhà là một bảo, phải giữ lẫn cho nhau, không được giết trâu, nếu ai vi phạm sẽ bị xử theo pháp luật.

Giáp Thìn, năm thứ 5 (1124). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đi Ứng Phong xem dân cày ruộng. Tháng 2, về cung.

Tháng 7, mùa thu. Hạn hán.

Tháng 10, mùa đông. Xây đài Uất La.

Trước đây, xây đài Chúng Tiên và đài Tử Tiêu; đến đây, xây đài Uất La, đều làm vào tháng mạnh đông446 cả.

Tháng 12. Lại dùng Lê Bá Ngọc làm Lễ bộ thị lang.

Bá Ngọc, ban đầu, do chân nho học được vào hầu vua, dần thăng đến Lễ bộ thị lang. Năm Hội tường447 thứ 9 (1118), bị bãi chức và giáng làm Nội nhân thư gia; năm Thiên Phù448 thứ 2 (1121), thăng Nội thường thị; đến đây, lại làm Thị lang.

Lời chua - Thư gia: Xem Lý Nhân Tông năm Quảng Hựu thứ 5 (Chb. III, 47).

Ất Tỵ, năm thứ 6 (1125). (Tống, năm Tuyên Hòa thứ 7).

Tháng giêng, mùa xuân. Thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Mạc Hiền phạm tội, bị phát lưu đi châu Nghệ An.

Mạc Hiền đem cả gia quyến trốn sang Cống Động thuộc Ung Châu nhà Tống; người Tống bắt lấy, đưa đến Giang Nam giao trả nước ta. Nhà vua sai Trung thư Lý Hiến sang nhận, giải về, phạt Mạc Hiền tội lưu, đày đi châu Nghệ An, vợ và con phải sung công.

Lời chua - Quảng Nguyên: Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb. II, 43).

Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).

Ung Châu: Xem Đinh Toàn, năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Điện Sùng Dương làm xong; mở tiệc lớn để khánh thành.

Trước đó làm điện Sùng Dương, đến đây mới làm xong, mở yến tiệc ba ngày đêm.

Tháng 6, mùa hạ. Rồng vàng hiện ra ở hành cung Lợi Nhân.

Nhà vua đi Ứng Phong, ngự giá đến Lợi Nhân, có con rồng vàng hiện ở nơi bí các nhà hành cung; cung nữ và hoạn quan đều trông thấy cả. Có chiếu chỉ tuyên bảo cho bầy tôi biết.

Nhà vua có tính thích những điềm tốt lành. Bấy giờ những hạt sương móc trên không sa xuống có vị ngọt449 , chính tay ngự viết tám chữ "Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế" (Cả nước yên ổn, nhà vua muôn năm) rồi cho tạc vào bia.

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ - Đoạn sử về đời Lý Nhân Tông, Sử cũ chép rồng vàng hiện ra đến 10 lần, nhưng đến rồng vàng hiện ra ở hành cung Lợi Nhân năm nay, là việc tự dối mình một cách quá đáng. Lời phê - Những điềm tốt lành, ngòi bút Sử cũ ghi chép không ngớt, nhưng đồng thời những việc dữ điềm dở nào có ít đâu, như thế phỏng có ích gì! Lời chua - Lợi Nhân: Tên một châu. Bây giờ là phủ Lý Nhân thuộc Hà Nội450 . Theo Hà Nội sách451 thì từ khi thuộc Minh trở về trước, gọi là châu Lợi Nhân; đến nhà Lê, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), đổi là phủ Lỵ Nhân; khoảng năm Minh Mạng (1820- 1840), đổi là Lý Nhân. Như thế thì gọi là Lỵ Nhân đến Lê mới đổi. Sử cũ ở đây chép lầm là Lỵ Nhân; nay xin đính chính.

Tháng 11, mùa đông. Xuống chiếu quy định: phàm kẻ nào đánh người đến chết bị phạt 100 trượng và phải tội đồ.

Trước kia, có chiếu chỉ định rõ: dân không được đánh nhau bằng tre gỗ và những đồ sắc bén; đến đây nhắc lại điều lệ nghiêm cấm đã định: phàm kẻ nào đánh giết người thì bị phạt 100 trượng, thích 50 chữ và phải tội đồ.

Dùng bọn Lý Phụng 20 người làm quan lại coi việc hình ngục để xét xử những kiện tụng dân gian. Triều đình lại nhận thấy những giặc cướp trốn tránh phần nhiều được nhà quyền thế giấu giếm che chở, mà những lại viên đi truy nã cũng không tố giác ra, nên xuống chiếu: phàm ai mà ẩn giấu những kẻ trốn tránh cũng phải tội như người trốn tránh; lại viên nào không đem việc ấy cáo tỏ với quan trên thì phạt 80 trượng.

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ - Giết người thì phải tử hình, đó là pháp luật từ xưa, chứ đâu chỉ có đánh người đến chết mà chỉ xử vào tội phạt trượng và tội đồ? Chính sự và hình phạt quá hỏng đến thế! Bính Ngọ, năm thứ 7 (1126). (Tống, Khâm Tông, năm Tĩnh Khang thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Tha tù phạm bị giam cứu.

Bấy giờ mở hội quảng chiếu đăng452 7 ngày đêm. Những tù giam ở đô hộ phủ đều được tha cả. Lại xuống chiếu: đương mùa xuân không được đẵn cây.

Lời chua - Đô hộ phủ: Xem Lý Thánh Tông (Chb. III, 28), năm Long chương thiên tự thứ 2.

Tháng 2. Nhà vua ngự điện Thiên An, xem đá cầu.

Cho các vương, hầu đánh cầu, nhà vua ngự xem ở điện Thiên An.

Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán mãi đến tháng 7, mùa thu.

Tháng 11 nhuận, mùa đông. Sai sứ sang nhà Tống, sứ bộ đi đến Quế Châu, lại trở về.

Trước đó, người Tống trao trả Mạc Hiền, nhà vua cho là một việc có nghĩa; đến đây, sai bọn Lệnh thư gia Nghiêm Thường và Ngự khố thư gia Từ Diên đem vàng, bạc, sừng tê, ngà voi sang tặng nhà Tống. Bọn Nghiêm Thường đi đến Quế Châu thì ty Kinh lược nhà Tống bảo rằng: "Năm nay, ở Đông Kinh và các xứ Hồ Nam, Đỉnh, Phong đều có việc điều động binh mã để đánh người Kim, cho nên dọc đường những ngựa tải và phu trạm đâu đâu cũng hiếm. Vậy sứ giả hãy đi về". Bấy giờ bọn Nghiêm Thường mới trở về nước. (Năm ấy, người Kim vào vây Biện Kinh453 , bắt hai vua Tống450 đem về đất Bắc. Nhà Tống loạn to).

Lời chua - Quế Châu: Xem Lý Thái Tông năm Sùng Hưng đại bảo thứ 5 (Chb. III, 19).

Đinh Mùi, năm Thiên Phù khánh thọ thứ 1 (1127). (Tống, Cao Tông, năm Kiến Viêm thứ 1).

Tháng 2, mùa xuân. Bầy tôi kính dâng tôn hiệu.

Dâng 4 chữ Khoan Từ Thánh Thọ làm tôn hiệu.

Mưa dầm từ tháng giêng mãi đến tháng này (tháng 2).

Tháng tư, mùa hạ. Trời mưa ra thóc.

Bấy giờ ngự giá đến Ứng Phong xem xét việc gặt lúa. Trời mưa.

Tháng 10, mùa đông. Sao Thiên Cẩu ở trên không sa xuống: tiếng vang như sấm sét.

Lời chua - Thiên cẩu: Theo sách Tinh kinh , bảy vì sao Thiên cẩu ở về phía tây nam sao Quỷ, nằm ngang giữa sông Ngân Hà. Sử Cương mục tục biên (Trung Quốc) chép rằng: Thiên cẩu là một vì ác tinh. "Sa"455 , là từ trời rơi xuống lưng chừng khoảng không mà không xuống đến tận đất.

Nhà vua mất. Di chiếu trối trăng rằng ba ngày thì trừ phục456 , không xây dựng lăng tẩm.

Nhà vua se mình, cho vời bọn Thái uý Lưu Khánh Đàm và Thị lang Lê Bá Ngọc đến nhận di chiếu. Ngày Đinh Mão, nhà vua mất ở điện Vĩnh Quang, tên thụy là Hiếu từ thánh thần văn vũ hoàng đế, miếu hiệu là Nhân Tông; ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi.

Tờ di chiếu đại lược nói: "Trẫm xót xa trong lúc tuổi thơ, lên nối ngôi báu, đứng trên các vương hầu, năm mươi sáu năm nay lúc nào cũng kính cẩn sợ hãi. Nhờ tổ tông khôn thiêng, hoàng thiên phù hộ, trong nước được yên hàn, biên giới không có giặc giã, khi chết, bài vị được bày dưới bài vị đấng tiên quân, thế là may rồi. Thái tử Dương Hoán có thể noi theo điển lệ cũ, lên ngôi hoàng đế. Bọn các ngươi là Khánh Đàm và Bá Ngọc phải cùng nhau ở bên cạnh vua, hết lòng giúp đỡ, để cho vua các ngươi trở nên có hiền đức. Lại phải sửa sang giáo mác, đề phòng sự không ngờ. Đó là mệnh lệnh của trẫm, không được bỏ qua. Lễ tang thì xong ba ngày cho bỏ tang phục, thôi hẳn khóc thương. Lễ an táng thì theo lối tiết kiện của Hán Văn đế, không xây lăng tẩm riêng mà chỉ nên chôn cất ở bên cạnh lăng đức Tiên đế để trẫm được hầu hạ Tiên đế".

Thái tử Dương Hoán lên ngôi (tức là Lý Thần Tông).

Ngày hôm ấy, truyền bảo các vương hầu và bách quan đều ở cả ngoài cửa Đại Hưng để đợi mệnh lệnh. Còn các cửa thành thì đóng lại, cấm người đi lại ra vào. Sai các vệ sĩ bày khí giới và nghi trượng ở dưới điện Thiên An. Một lát, mở cửa nách bên hữu. Thái tử cho vời bầy tôi vào, hiểu dụ rằng: "Ngôi trời không thể để trống mãi được; ta còn thơ ấy lên nối ngôi, chỉ sợ không làm nổi. Các người phải hết tâm lực, giúp đỡ nhà vua, ngõ hầu không phụ tấm lòng Tiên đế đã phó thác, mà con cháu các người cũng được đời hưởng lộc trời". Bầy tôi đều khấu đầu lễ tạ.

Xuống chiếu cho bầy tôi bỏ đồ tang phục.

Lời phê457 - Trái rồi!

Ngày Quý Mùi, quần thần chịu tang phục ở ngoài các Vĩnh Bình; ngày Giáp Thân, bầy tôi dâng biểu xin nhà vua ngự ở chính điện; ngày Ất Dậu, nhà vua ngự ở điện Thiên An, coi chầu, xuống chiếu cho bầy tôi bỏ đồ trở. Ngày hôm ấy, ngự giá đi Na Ngạn xem cung nữ lên đàn thiêu tuận táng.

Lời chua - Na Ngạn: Bây giờ là huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh458 .

Mậu Thân (1128), Lý Thần Tông hoàng đế, năm Thiên Thuận thứ 1 (Tống, năm Kiến Viêm thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Đại xá.

Phàm ruộng đất của dân bị sung công đều được trả lại hết; những tội phối dịch thuộc hạng điền nhi và lộ ông đều được tha cả.

Lời chua - Điền nhi, lộ ông: Sử của Ngô [Thì] Sĩ chua rằng: Điền nhi và lộ ông đều là những tội đồ dịch. Còn phép phối dịch ra sao, bây giờ không thể khảo được.

Tôn Thần anh phu nhân làm Hoàng thái hậu.

Lời chua - Thần anh phu nhân: Sử cũ chép là mẹ nuôi, nhưng ghi chép không được kỹ càng, vậy chưa biết có phải không.

Xuống chiếu cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng.

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ - Phép phủ vệ459 nhà Đường là ngụ binh ư nông460 . Nhà Lý, ban đầu đã làm theo phép ấy, về sau thay đổi thất thường; đến đây mới trở lại làm theo phép cũ. Đó là một chính sự tốt của Lý Thần Tông khi mới cầm quyền. Bắt đầu ra ngự ở tòa Kinh Diên461 .

Xét những người có công giúp đỡ khi vua lên ngôi; gia phong quan tước cho bọn Lê Bá Ngọc.

Dùng Lê Bá Ngọc làm Thái uý, gia phong tước hầu; Nội nhân hỏa đầu Dương Anh Nhị và Lưu Ba làm Thái phó, tước Đại liêu ban; Lý Khánh, Nguyễn Phúc và Cao Y làm Thái bảo, tước nội thượng chế; Trung thừa Mâu Du Đô làm Gián nghị đại phu; Ngự khố thư gia Từ Diên làm ngoại lang; chi hậu quản giáp Lý Sơn làm điện tiền chỉ huy sứ, tước đại liêu ban; Linh nhân462 Ngô Toái được phong tước thượng chế. Lại ban tiền lụa cho bọn Lưu Khánh Đàm, Lê Bá Ngọc, Lưu Ba, Mâu Du Đô, và thưởng vàng, lụa cho trăm quan có từng đẳng hạng khác nhau.

Lời chua - Hỏa đầu: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 16 (Chb. II, 25).

Đại liêu ban: Xem Lý Thái Tông, Thiên Thành thứ 3 (Chb. II, 35).

Thượng chế: Một tước cao ở thời bấy giờ, để phong cho những người có công.

Quản giáp: Đặt từ Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 16 (Chb. II, 24-25).

Thư gia: Xem Lý Nhân Tông, năm Quảng Hựu thứ 5 (Chb. III, 47).

Chân Lạp vào cướp. Tháng 2, sai Lý Công Bình đi đánh bại được quân địch.

Nước Chân Lạp đem hơn hai vạn người vào cướp Nghệ An. Việc lên đến triều đình. Nhà vua sai Công Bình đi đánh, đánh bại quân địch, bắt được tướng và quân của địch gồm một trăm sáu mươi chín

người. Tin thắng trận báo về đến kinh đô, nhà vua cho là nhờ công đức Phật phù hộ, thân đến lễ tạ ở cung Thái Thanh, cung Cảnh Linh và các đền chùa trong thành.

Lời chua - Thái Thanh, Cảnh Linh: Tên riêng hai cung. Cung Thái Thanh. Xem Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 4 (Chb. II, 36). Cung Cảnh Linh, ở trong kinh thành.

Ân xá.

Những tội nhân ở Đô hộ phủ đều được tha; lại xá tội cho 130 người bị biếm truất.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Lý Nhân Tông thường nhân dịp mở hội mà tha tội nhân, đã là không phải, song còn mượn tiếng là vì gặp dịp hội chùa, còn ở đây thì không nhân có việc gì mà tự nhiên xá tội. Nói chung ra, tội nhân phạm pháp, có nặng, có nhẹ khác nhau, nếu nhất khái tha cả thì may mắn cho bọn tiểu nhân, nhưng không phải phúc cho người lương thiện. Bầy tôi kính dâng tôn hiệu.

Đặt tôn hiệu là Thuận Thiên quảng vận Khâm minh nhân hiếu hoàng đế.

Nhà vua bảo bầy tôi rằng: "Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, may được thiên hạ vô sự, nước ngoài sợ oai, đó là công đức của các khanh. Vậy các khanh nên cẩn thận chăm lo chức phận, chớ có biếng nhác để giúp những điều trẫm còn thiếu sót". Gián nghị đại phu Mâu Du Đô tiến lên nói: "Bệ hạ nói đến điều ấy là phúc cho xã tắc đấy, nếu giữ được trước sao sau vậy thì bọn tôi còn ai dám không hết lòng hết sức để đáp lại ý chí của thánh thượng?". Nhà vua ngợi khen câu trả lời ấy lắm.

Lập Lý thị làm Lệ Thiên Hoàng hậu.

Lập con gái của Chỉ huy sứ Lý Sơn làm Hoàng hậu; lại lập con gái của Lê Xương, và là cháu của Lê Bá Ngọc, làm Minh Bảo phu nhân. Thăng thưởng cho Lý Sơn lên tước hầu, giữ việc quân dân ở Lạng Sơn; ban cho Lê Xương tước đại liêu ban.

Lời chua - Lạng Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31).

Đại liêu ban: Xem Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 3 (Chb. II, 35).

Mưa dầm mãi không tạnh.

Hội họp các bầy tôi tuyên thệ ở điện Thiên An.

Hội thề ở sân rồng; nhà vua ngự xem ở điện Thiên An; ban xiêm, áo, tiền, lụa cho quần thần từng bậc từng hạng khác nhau.

Lời chua - Hồi Lý Thái Tông mới lên ngôi, có cuộc hội thề ở Thần miếu463 , đọc lời tuyên thệ rằng: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thì thần minh chu diệt". Vậy cuộc hội thề ở điện Thiên An dưới triều Lý Thần Tông này và hai triều Lý Anh Tông, Lý Cao Tông sau đây có lẽ cũng là phỏng theo cái ý hội minh từ đời Lý Thái Tông còn sót lại.

Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán. Nhà vua thân đi đảo vũ. Trời mưa.

Tháng 6, hội họp các bầy tôi, tuyên thệ ở cửa Đại Hưng.

Vì cớ sắp làm lễ an táng Lý Nhân Tông hoàng đế.

Lời chua - Cửa Đại Hưng: Xem Lý Nhân Tông464 năm Thiên phù duệ vũ thứ 2 (Chb. IV, 11).

Táng ở lăng Thiên Đức.

Trước đây, sai Mâu Du Đô xem đất để xây lăng; đến đây, làm lễ an táng.

Lời chua - Lăng Thiên Đức: Xem Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 10 (Chb. II, 20-21).

Tháng 8, mùa thu. Nước Chân Lạp vào cướp. Nhà vua sai bọn Nguyễn Hà Viêm và Dương Ổ đi đánh bại được quân địch.

Giặc kéo hơn bảy trăm chiếc thuyền đến Nghệ An. Nhà vua sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở phủ Thanh Hóa và Dương Ổ ở châu Nghệ An đem quân đi đánh, đánh bại được địch. Chân Lạp lại đưa thư xin triều đình sai người sang sứ nước Chân Lạp, nhưng nhà vua không trả lời.

Lời chua - Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).

Nghệ An, Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-23).

Tháng 11, mùa đông. Gia phong Trương Bá Ngọc làm Thái sư.

Bá Ngọc họ Lê, đến đây đổi làm họ Trương.

Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1129). (Tống, năm Kiến Viêm thứ 3). Tháng giêng, mùa xuân. Lý An Dậu dâng con hươu trắng, nhà vua ban cho tước đại liêu ban.

An Dậu dâng con hươu trắng, nhà vua ban cho tước đại liêu ban. Về sau lại có Lý Lộc dâng thư nói núi Tản Viên có hươu trắng; Lý Tử Khắc nói huyện Để Giang có hươu trắng; nhà vua sai người đến săn, bắt được. Ban cho Lý Lộc tước đại liêu ban, dùng Tử Khắc làm Xu mật sứ. Từ đó những kẻ bon chen danh lợi hay đem vật lạ đến dâng.

Lời chua - Tản Viên: Tên núi. Xem Lê Đại Hành năm Ứng Thiên thứ 7.

Để Giang: Tên huyện; thuộc tỉnh Sơn Tây. Từ Trần trở về trước gọi là Để Giang; nhà Lê đổi là Sơn Dương, tức là huyện Sơn Dương bây giờ.

Tôn cha là Sùng hiền hầu làm Thái thượng hoàng, mẹ là Đỗ thị làm Hoàng thái hậu.

Lời bàn của sử thần Lê Văn Hưu - Lý Thần Tông là con họ Tôn Thất, được Lý Nhân Tông nuôi làm con để nối ngôi báu, đáng lẽ phải nhận Lý Nhân Tông là cha, mà gọi chính cha sinh Sùng hiền hầu là hoàng thúc, phong sinh mẫu Đỗ Thị làm vương phu nhân, như lối Tống Hiếu Tông với Tú An Hy Vương và với phu nhân Trương Thị, để căn bản được thống nhất mới phải; thế mà, nay lại đi tôn Sùng hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ Thị làm Hoàng thái hậu, chả hóa chia ra "hai gốc" đấy dư? Có lẽ vì cớ bấy giờ Lý Thần Tông hãy còn thơ ấu mà các công khanh ở triều đình như Lê Bá Ngọc, Mâu Du Đô lại là người không biết lễ, nên mới như thế? Tháng 2. Không mưa. Ân xá.

Nhà vua trai giới để cầu đảo; hạ chiếu tha những người có tội trong nước.

Danh tiết lục của Trần Ký Đằng chép rằng: từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa, nhà vua thân đi đảo vũ, không linh ứng, nhân bảo các quan hầu: "Trẫm là người ít đức, can phạm đến Trời, làm mất hòa khí: mùa xuân năm ngoái mưa dầm, mùa xuân năm nay đại hạn; Trẫm thấy lo quá! Các khanh nên nghĩ xem trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho". Viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh tiến lên nói rằng: "Ba tháng xuân là mùa xuân sinh nở muôn vật, trời không mưa xuống thì sự sinh sống của các loài sao cho được thỏa thuê? Hoặc giả hình ngục có sự oan uổng không đúng, hại đến khí hòa? Kinh thư có câu: "Tiếm hằng dương nhược"465 , nghĩa là chính lệnh của nhà vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc, thì

điềm dữ sẽ phản ứng lại là nắng nhiều. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại". Nhà vua cho là phải, xuống chiếu tha các tội nhân trong nước. Tháng 4, mưa. Người ta gọi Trần Ngọc Khánh là "Thần Thiện Gián"466 .

Tháng 8, mùa thu. Mới chế thần chủ Lý Nhân Tông; đến tháng 8 nhuận, làm lễ phụ467 rước thần chủ tế ở nhà Thái thất.

Canh Tuất, năm thứ 3 (1130). (Tống, năm Kiến Viêm thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Tuyển con gái nhà các quan sung vào hậu cung.

Con gái nhà các quan không được gả chồng vội, đợi sau cuộc tuyển, khi không được lựa vào hậu cung mới được đi lấy chồng.

Xuống chiếu bảo con gái dân gian không được bắt chước lối trang sức trong cung; tư nô nhà các quan không được lấy ép con gái nhà dân ở kinh đô; nô tỳ nhà vương hầu và bách quan không được cậy thế hiếp đáp đánh đập quân và dân, nếu ai phạm cấm thì chủ nhà phải tội đồ, còn nô bộc thì bị sung công.

Lời phê468 - Trái lẽ! Tháng 5, mùa hạ. Thái thượng hoàng mất469 .

Đặt tên thụy là Cung hoàng.

Tháng 6. Hạn hán.

Tháng 9. Mùa thu. Mưa dầm mãi không tạnh. Tha các tù phạm bị giam cứu.

Nhà vua sai làm lễ kỳ tình470 . Tha hết tù ở Đô hộ phủ.

Nhà vua xem bơi trải.

Nhà vua ở điện Linh Quang xem bơi thuyền thi. Từ đó năm nào cũng giữ làm lệ thường.

Tháng 10, mùa đông. Có cuộc duyệt binh lớn.

Khi mới lên ngôi, nhà vua sai Mâu Du Đô tuyển trong quân Long Dực lấy những người khỏe mạnh bổ vào các quân Tả Ngọc Giai, Hữu Ngọc Giai, Tả Hưng thánh, Hữu Hưng thánh, Tả Quảng thành, Hữu Quảng thành, Tả Vũ đô, Hữu Vũ đô. Đến đây, ra ngự ở điện Thiên Linh, duyệt sáu quân, chia định cấp bậc.

Sứ nhà Tống sang.

Bấy giờ nhà Tống tránh nạn người Kim uy hiếp, phải qua sông Trường Giang, đóng kinh đô ở Lâm An. Nhà vua sai sứ sang nhà Tống báo cáo về việc lên kế vị. Nhà Tống sách phong làm Giao Chỉ quận vương. Nhà vua sai Viên ngoại lang Lý Phụng Ân và Lệnh thư gia Doãn Anh Khái sang nhà Tống đáp lễ.

Lời chua - Lâm An: Tên phủ. Theo sách Thanh Nhất thống chí , phân phủ Lâm An thuộc tỉnh Chiết Giang; đầu đời Tống gọi là Hàng Châu; đến năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), đặt sở hành tại471 ở đấy, đổi lên làm phủ Lâm An, tức là phủ Hàng Châu bây giờ.

Tháng 12. Nhà vua đánh cầu ở điện Thiên An.

Bấy giờ nước Chiêm Thành sang cống, nhà vua đánh cầu ở sân rồng điện ThiênAn, cho sứ Chiêm Thành dự xem.

Tân Hợi, năm thứ 4 (1131). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 1).

Tháng 5, mùa hạ. Hạn hán. Xuống chiếu cầu đảo. Trời mưa.

Tháng 7, mùa thu. Bầy tôi dâng biểu mừng năm được mùa.

Lời phê - Trước sau vừa đây, nào hạn hán, nào mưa dầm, thế mà ở đây chép mừng năm được mùa, như vậy có đáng tin được không hay chỉ là dua nịnh? Tháng 9. Mưa dầm mãi không tạnh.

Tháng 12, mùa đông. Có người dâng cá xương472 , cá công473 . Nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi chúc mừng.

Nhà vua rất thích những vật kỳ lạ. Phàm có hươu trắng, hươu đen, chim sẻ trắng, rùa trắng, đều đem dâng cả. Lúc ấy Đỗ Khánh, Tả Vũ tiệp binh, dâng cá xương và cá công sắc vàng; nhà vua lấy là điềm lành, xuống chiếu cho bầy tôi chúc mừng. Cáp môn sứ Lý Phụng Ân nói rằng: "Cá này là vật nhỏ mọn, mà bệ hạ lấy làm điềm lành. Vậy nếu có người đem con lân, con phượng đến dâng, thì nên như thế nào?". Do đấy, việc này mới thôi. Bấy giờ Vương Cửu, Tả Hưng vũ binh, dâng con rùa, trên mai rùa có những vết thành nét chữ, bèn xuống chiếu cho các học sĩ, các thày chùa, các đạo sĩ theo hình vết ấy mà suy đoán, thì tán ra tám chữ "Thiên thư hạ thị, Thánh nhân vạn tuế"474 .

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Vằn vết con rùa đen trắng xen lẫn, bấy giờ nhân đấy mà tán ra hình chữ để làm đẹp lòng nhà vua đấy thôi, chứ có văn tự thực đâu. Lời chua - Xương: Cá hầu. Theo sách Chính tự thông , nó sinh ở biển nam, phần trên đầu gồ lên liền với sống lưng, mình tròn, thịt dày, chỉ có một xương sống, thịt mềm, ăn được.

Công: Con cá chiết. Theo sách Loại thiên , giống cá này sinh ở trong biển, giống như con cua, ăn được.

Nhâm Tý, năm thứ 5 (1132). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 2).

Tháng 4, mùa hạ. Rồng vàng hiện ra ở cung Lệ Quang.

Tháng 5. Có nạn gió to.

Tháng 8, mùa thu. Chân Lạp và Chiêm Thành cùng vào cướp. Nhà vua sai Dương Anh Nhị đi đánh bại được quân địch.

Giặc đến Nghệ An. Nhà vua sai Thái úy Anh Nhị hội quân với nhân dân Thanh Hóa và Nghệ An đánh kịch liệt phá tan quân địch.

Tháng 12, mùa đông. Nhà vua làm lễ nghênh xuân ở đình Quảng Văn.

Khánh thành điện Cảm Linh, ban yến cho bầy tôi.

Giết Thượng thư Lý Nguyên.

Thứ phi Chương Anh là con gái Lý Nguyên có lỗi, do đấy Nguyên bị tội, chết ở trong ngục.

Sứ nhà Tống lại sang.

Gia phong nhà vua làm Nam Bình vương.

Lời cẩn án - Từ đầu đời Lý đến đây, sứ nhà Tống sang sách phong, trước phong là Quận vương, rồi gia phong là Nam Bình vương. Lý Thần Tông, năm Thiên Thuận thứ 3 (1130), nhà Tống mới phong làm Giao Chỉ quận vương1 như thế thì ở đây đáng phải gia phong là Nam Bình vương mới đúng. Về việc này, Sử cũ chép phong là Giao Chỉ quận vương thì lầm; nay xin đính chính. Năm Quý Sửu, niên hiệu Thiên chương bảo tự thứ 1 (1133). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 3).

Giáp Dần, năm thứ 2 (1134). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Mưa dầm mãi không tạnh.

Tháng 12, mùa đông. Bầy tôi kính dâng tôn hiệu lên nhà vua. Đại xá.

Đặt tôn hiệu là Thuận thiên duệ vũ tường linh cảm ứng khoan nhân quảng hiếu hoàng đế.

Ất Mão, năm thứ 3 (1135). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 5).

Tháng 2, mùa xuân. Chân Lạp và Chiêm Thành đều đến tiến cống.

Từ mùa xuân đến mùa hạ không mưa.

Tháng 4, mùa hạ, xuống chiếu cho Lý Công Tín được vào trong cung cấm tâu bày các công việc.

Công Tín vốn họ Phí, trước kia, do chức Phụng ngự thư gia thăng lên đến Tả ty lang trung, rồi được cho đổi là họ Lý; đến đây nhà vua tin dùng, cho phép được vào thẳng trong cung cấm tâu bày mọi việc, không bị ngăn cấm khi lui tới.

Tháng 7, mùa thu. Thái sư Trương Bá Ngọc mất.

Bá Ngọc, trước đây, do chân nho học, vào hầu, dần thăng đến Lễ bộ thị lang. Từ chính sự trong triều đến kế hoạch ngoài biên, phần nhiều đều do ông xếp đặt quy định.

Khi Lý Nhân Tông mất, chính ông nhận lĩnh mệnh lệnh của nhà vua dặn lại. Ông làm đến ngôi sư phó, công lao to, danh vọng lớn, công đức hơn cả mọi người trong triều. Ông là bậc đại thần có đức tính hiền lương ở đời bấy giờ.

Tháng 12, mùa đông. Điện Diên Sinh làm xong.

Khởi công làm từ mùa đông năm trước, đến đây mới xong, nhân thế mở đàn tiếu476 linh đình.

Bính Thìn, năm thứ 4 (1136). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 6).

Tháng 3, mùa xuân. Thái uý Lưu Khánh Đàm mất.

Khánh Đàm là bậc cố mệnh477 đại thần, có công giúp đỡ nhà vua, đến đây Khánh Đàm mất.

Nhà vua đã khỏi tật; ban hiệu quốc sư cho Minh Không.

Nhà vua có tật, thầy thuốc chữa không công hiệu; Minh Không chữa khỏi; được ban hiệu quốc sư. Lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để cho Minh Không được quyền sử dụng478 .

Lời chua - Minh Không: Người huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, làm sư chùa Giao Thủy479 .

Tháng 10, mùa đông. Thái úy Dương Anh Nhị mất.

Anh Nhị là bậc đại thần có công giúp đỡ nhà vua, nhiều lần đã đánh bại được Chiêm Thành và Chân Lạp, công danh ngày một lẫy lừng. Đến đây, ông mất.

Tháng 12. Nhà vua đi Thanh Hóa, xem bắt voi.

Đinh Tỵ, năm thứ 5 (1137). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 7).

Tháng giêng, mùa xuân. Chân Lạp vào cướp. Nhà vua sai Lý Công Bình đi đánh bại được quân địch.

Được tin nước Chân Lạp đến cướp Nghệ An do trạm tâu về, nhà vua xuống chiếu cho Thái úy Công Bình đem quân đi đánh; quân Chân Lạp bị thua.

Tháng 2. Nghệ An động đất. Nước sông đỏ như máu.

Tháng 3. Không mưa. Nhà vua cầu đảo chùa Báo Thiên. Tối hôm ấy mưa.

Lời chua - Chùa Báo Thiên: Tức chùa Sùng Khánh, ở phường Báo Thiên. Chùa này mới làm từ đời Lý Thánh Tông, năm Long Thụy thứ 3 (1056).

Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán.

Tháng 9, mùa thu. Chùa Linh Cảm làm xong. Ân xá.

Trước đây, chùa Quảng Nghiêm tư thánh làm xong, mở hội phật pháp, tha người phạm tội; đến đây chùa Linh Cảm làm xong, lại tha tội nhân trong nước.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua đi Lợi Nhân, xem xét gặt lúa. Tháng 12 về cung.

Mậu Ngọ, năm thứ 6 (1138). (Từ tháng 10 trở về sau, là triều Lý Anh Tông hoàng đế, năm Thiệu Minh thứ 1. Tống, năm Thiệu Hưng thứ 8).

Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán. Nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị.

Sai tả ty lang trung Ngụy Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về việc đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở đàn vu480 . Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở đàn vu và chùa Báo Thiên.

Tháng 9, mùa thu. Lập con là Thiên Tộ làm Thái tử, đổi phong Thái tử cũ là Thiên Lộc làm Minh Đạo vương.

Trước đây, nhà vua đã lập Thiên Lộc làm con kế tự, kịp lúc nhà vua bị đau, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh mưu với nhau muốn đổi lập người khác; họ ngầm đưa lễ đút lót viên Tham tri chính sự Từ Văn Thông. Đến đây, bệnh kịch quá, nhà vua sai Văn Thông thảo tờ di chiếu; Văn Thông không dám xin thay đổi, cứ cầm bút chần chừ không viết. Giây lát, ba phu nhân đến, cùng khóc lóc, nói: "Chúng tôi nghe: cổ giả lập con kế tự bao giờ cũng dùng con vợ cả, chứ không dùng con vợ thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi, chắc rồi mẹ hắn kiêu rông, bọn chúng tôi thoát sao khỏi nạn?". Nhà vua bèn xuống chiếu rằng: "Thiên Tộ dầu còn nhỏ, nhưng là con vợ đích, thiên hạ ai cũng biết cả rồi. Vậy cho Thiên Tộ nối ngôi của Trẫm". Do đấy, mới đổi lập lại Thái tử.

Lời phê481 - Thế là gây loạn từ gốc!

Lời cẩn án - Sử cũ chép "Trước kia đã lập Thiên Lộc làm con kế tự". Rồi dưới lại chép rằng "phong Thái tử Thiên Lộc làm Minh Đạo vương". Thế là Thiên Lộc đã chính thức ở ngôi đông cung từ lâu rồi, duy được lập từ năm nào. Sử cũ bỏ sót không chép. Thiên Tộ là con phu nhân họ Lê, mà trong tờ chiếu ở đây lại bảo là con vợ đích, thế là sử chép không rõ; xin hãy để lại, sẽ khảo sau. Lời chua - Thiên Tộ: Bấy giờ mới lên ba tuổi.

Vua Lý Thần Tông mất.

Đặt tên thụy là: Quảng nhân sùng hiếu văn vũ hoàng đế, miếu hiệu là Thần tông, ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi.

Tháng 10, mùa đông. Thái tử Thiên Tộ lên ngôi (tức Lý Anh Tông), đổi niên hiệu mới. Đại xá.

Tôn mẹ là Cảm thánh phu nhân Lê Thị làm hoàng thái hậu.

Hội họp bầy tôi tuyên thệ ở điện Thiên An.

Năm Kỷ Mùi, Lý Anh Tông hoàng đế, niên hiệu Thiệu Minh thứ 2 (1139). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 9). Sứ nhà Tống sang.

Sách phong nhà vua làm Giao Chỉ quận vương.

Năm Canh Thân, niên hiệu Đại Định thứ 1 (1140). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 10).

Tháng 3, mùa xuân. Dùng Đỗ Anh Vũ làm cung điện lệnh quản lĩnh cả công việc trong và ngoài.

Anh Vũ là em Đỗ thái hậu, được Lê thái hậu tin yêu nên bổ dụng cho chức này.

Lời chua - Đỗ thái hậu: Mẹ Lý Thần Tông.

Lê thái hậu: Mẹ Lý Anh Tông. Sử của Ngô [Thì] Sĩ chua rằng: Anh Vũ, trạng mạo đẫy đà, đẹp đẽ, múa khéo, hát hay, lên 8 tuổi, được tuyển làm thượng lâm tử đệ; 16 tuổi, Lý Thần Tông cho vào trong nội, hầu nơi màn trướng. Gặp Anh Vũ, Lê Hậu phải lòng.

Từ mùa xuân đến mùa hạ không mưa.

Tháng 10, mùa đông. Đâu đấy được mùa cả.

Người thầy bói là Thân Lợi nổi loạn482 .

Tân Dậu, năm thứ 2 (1141). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 11).

Tháng 2, mùa xuân. Sai bọn Lưu Vũ Xứng đi đánh Thân Lợi ở Bồ dinh, bị thua trận.

Trước đây, Thân Lợi tự xưng là con Lý Nhân Tông, đem đồ đảng đến châu Thái Nguyên, từ Tây Nông kéo ra, qua đất Lục Lệnh, vào giữ châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông, tụ tập những kẻ vong mạng, chiêu mộ thổ binh, định mưu nổi loạn; đến đây, tự xưng là Bình vương, lập hậu phi, phong vương hầu, ban quan tước cho bè đảng. Bấy giờ đồ đảng Thân Lợi chỉ chừng độ hơn một nghìn người, đi đến đâu cũng nói phao lên rằng Thân Lợi giỏi thuật dụng binh, để truật những dân ở các khê động nơi biên giới. Đâu đấy đều sợ hãi, không ai dám chống cự lại. Khi tin từ biên giới cáo cấp về, nhà vua sai Gián nghị đại phu Lưu Vũ Xứng đi đường bộ, Thái phó Hựa Viêm đi đường thủy, đem quân đến đánh. Bộ tướng của Vũ Xứng là bọn Tô Tiệm và Trần Thiềm kéo quân đi trước; gặp thủy quân của Thân Lợi, hai bên giao chiến, Tô Tiệm thua, bị giết tại trận. Thân Lợi đắp ải Bác Nhự để chống lại quan quân. Vũ Xứng hết sức đánh mới hạ được. Khi Vũ Xứng kéo quân về đất Bồ Đinh, Thân Lợi tung cả thủy quân ra đánh. Vũ Xứng thua, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Nay xét: Năm Thiệu Hưng thứ 9 (1139) nhà Tống, Quảng Tây súy ty nói rằng: "Thời Lý Nhân Tông có người cung thiếp1 sinh được con trai, vua Nhân Tông không nhận. Khi Lý Thần Tông lên ngôi, người con ấy chạy sang nước Đại Lý, đổi họ là Triệu, lấy tên là Trí Chi, tự xưng là Nam Bình vương. Kịp khi Thần Tông mất rồi, hắn quay về nước, muốn tranh ngôi với Lý Anh Tông. Anh Tông đem quân chống lại, Trí Chi cầu xin nhà Tống xuất quân cứu giúp. Suý ty đem sự đó tâu lên, nhưng vua Tống xuống chiếu từ chối". Vậy có lẽ Trí Chi với Thân Lợi cùng là một người: Khi tự giới thiệu ở Quảng Tây để xin Tống cứu viện thì lấy tên là Trí Chi, và nói dối là con vợ lẽ của Lý Nhân Tông để lừa gạt nhà Tống đấy thôi. Còn như xưng hiệu Nam Bình vương cũng là chứng cớ hợp với sử chép Thân Lợi tiếm hiệu là Bình vương; nhưng không biết rõ được gốc ngọn của Thân Lợi ra sao. Lời chua - Thái Nguyên: Tức là Ninh Sóc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31).

Tây Nông: Xem Lý Thái Tông, năm Kiền phù hữu đạo thứ 1 (Chb. II, 44).

Hạ Nông: Thuộc tỉnh Thái Nguyên, tức là tổng Thượng Nông và tổng Hạ Nông thuộc châu Bạch Thông bây giờ.

Lục Lệnh, Thượng Nguyên, Bồ Đình, Bác Nhự: Đều không khảo được.

Tháng 4, mùa hạ. Thân Lợi phá phủ Phú Lương. Nhà vua sai Đỗ Anh Vũ đi đánh: Thân Lợi thua chạy, Tô Hiến Thành đuổi bắt được Lợi.

Thân Lợi ra giữ Tây Nông, đem người các xứ Thượng Nguyên, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông, ... đánh phá được phủ Phú Lương, chiếm đóng phủ lỵ, rồi cùng với đồ đảng mưu cướp kinh đô. Nhà vua sai Anh Vũ đem quân đi đánh. Bấy giờ quân Thân Lợi tiến đóng ở Quản Dịch, gặp quân Anh Vũ đánh kịch liệt, quân Lợi bị thua, chết không biết bao nhiêu mà kể. Đảng nó là Dương Mục thủ lĩnh châu Vạn Nhai, và Chu Ái, thủ lĩnh động Kim Kê, đều bị bắt. Thân Lợi trốn thoát, chạy sang châu Lục Lệnh. Nhà vua lại sai Anh Vũ đi đánh, bắt được đảng Thân Lợi hơn hai nghìn người làm tù binh. Thân Lợi chạy sang Lạng Châu. Nhà vua xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân đuổi đánh, bắt được Thân Lợi đưa sang đến quân doanh Anh Vũ, đóng cũi đem về kinh đô; giao cho quan lại trị tội: chém Thân Lợi và những kẻ đồng mưu 20 người, còn thì cứ theo nặng nhẹ mà luận tội.

Lời chua - Phú Lương, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông: Đều thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Phú Lương: Nhà Lý gọi là phủ, nhà Trần cũng theo như vậy; nhà Lê đổi làm huyện, tức là huyện Phú Lương bây giờ.

Tuyên Hóa: Nhà Lý gọi là huyện, nhà Trần cũng theo như vậy; nhà Lê đổi là châu Định Hóa, tức là Định Châu bây giờ.

Cảm Hóa, Vĩnh Thông: Xem Lý Thái Tông, năm Thiên cảm thánh vũ thứ 1 (Chb. III, 11).

Tây Nông: Xem Lý Thái Tông, năm Kiền phù hữu đạo thứ 1 (Chb. II, 44).

Vạn Nhai: Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb. II, 42-43).

Quảng Dịch, động Kim Kê: Không khảo được.

Lạng Châu: Xem Đinh Đế Toàn, năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1142). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 12).

Tháng 10, mùa đông. Sai Dương Tự Minh đi Quảng Nguyên, chiêu tập người trong châu trước kia xiêu giạt tan tác.

Quảng Nguyên là đất thượng du, năm Anh Vũ chiêu thắng thứ 1 (1076), bị nhà Tống xâm lấn, đổi tên là Thuận Châu, đến năm thứ 4 (1079) trả về ta; đến đây, nhà vua sai Tự Minh đến châu lỵ chiêu tập những người trong châu đã bị xiêu giạt hay đi trốn tránh.

Tháng 12, quy định thể lệ cầm bán ruộng đất.

Phàm ai cầm cố những ruộng thực điền thì trong hạn 20 năm được phép chuộc lại; phàm những ruộng hoang bị người khác cày cấy rồi thì trong hạn một năm được phép thưa kiện mà nhận lại, quá hạn ấy đều cấm chỉ. Những ruộng đất đã bán đứt rồi hiện có văn khế và khoán ước thì không được chuộc nữa. Kẻ nào vi phạm sẽ bị phạt 80 trượng. Tranh nhau ruộng ao, mà đem đồ binh khí483 đánh nhau đến tử thương thì phạt 80 trượng, và phải tội đồ; còn ruộng, ao thì trả cho phía người bị tử thương.

Nhà vua lại xuống chiếu: phàm tranh nhau ruộng, ao, tài vật, không được chạy vạy nhờ cậy nhà quyền thế, kẻ nào vi phạm thì phạt 80 trượng và bị tội đồ. Lại hạ chiếu: các vụ xử việc ngục tụng là theo luật lệ đã đặt, nếu ai tranh giành một cách cưỡng ép thì phạt 60 trượng.

Tha tội cho đảng Thân Lợi.

Trước đây, quan quân bắt được đảng Thân Lợi hơn hai nghìn người, đưa về kinh đô. Nhà vua ngự điện Thiên Khánh, tra hỏi, đã đem chém 20 kẻ đồng mưu và tha cho những người bị ức hiếp mà phải theo, còn hơn 400 người thì bắt đi lưu đày. Đến đây, Tô Hiến Thành nói với nhà vua rằng: "Đảng Thân Lợi nổi loạn, giết nhiều quan quân, bệ hạ chỉ hành hình có 20 người, thực là có lòng nhân đức. Nhưng, xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn truyền nối trong vòng hơn trăm năm, thế mà số người bị tội chết và bị tội lưu chỉ có bốn tên đầu sỏ gian ác484 ; ngày nay phát lưu đến hàng hơn trăm485 người, có phải là bản tâm bệ hạ đâu? Tôi xin tha tội cho chúng, để mọi người được nhuần thấm ơn vua, thì lòng nhân đức của bệ hạ không khác gì Nghiêu Thuấn". Nhà vua y theo lời, xuống chiếu tha tội phóng trụ và lưu đày cho đồ đảng Thân Lợi.

Quý Hợi, năm thứ 4 (1143). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 13). Từ mùa xuân đến mùa hạ hạn hán. Nhà vua thân làm lễ đảo vũ. Tháng 6, mưa.

Giáp Tý, năm thứ 5 (1144). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 14).

Tháng 2, mùa xuân. Gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh.

Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương, vâng mạng đi chiêu an những người trong châu Quảng Nguyên, rồi được cai quản các khê động ở nơi biên giới; đến đây, lấy công chúa, được phong phò mã lang.

Tháng 5, mùa hạ. Mâu Du Đô dâng chim sẻ trắng, được phong làm Thái sư.

Trước đây Du Đô là Gián nghị đại phu, bị bãi chức; đến đây được phong Thái sư, được đóng ở nơi xa486 mà quản lĩnh các công việc khê động ở miền biên giới.

Lời phê - Hạng người gọi là có tài năng487 mà còn như vậy488 , đủ biết thói đời bấy giờ là thế nào, mà tước lộc cũng chẳng có gì đáng quý. Ất Sửu, năm thứ 6 (1145). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 15).

Tháng 4, mùa hạ. Mưa dầm mãi không tạnh.

Tháng 8, mùa thu. Người Thổ nhà Tống là Đàm Hữu Lượng vào cướp châu Quảng Nguyên. Nhà vua sai bọn Dương Tự Minh đi đánh bại được giặc.

Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang nước ta, nói dối là vâng sứ mạng nhà Tống đi chiêu dụ dân chúng ở biên thùy. Dân các khê động ở duyên biên theo về với hắn nhiều lắm. Hắn bèn chiếm giữ đất Thông Nông, đem đồ đảng cướp bóc Quảng Nguyên. Gặp lúc ấy kinh lược súy ty tỉnh Quảng Tây nhà Tống đưa thư sang bảo ta đánh giúp để bắt Hữu Lượng. Nhà vua xuống chiếu cho bọn Dương Tự Minh, Nguyễn ữ Mai và Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Lại sai Thái sư Mâu Du Đô đem quân kế tiếp tiến lên. Tự Minh đánh phá được Thông Nông, Hữu Lượng thua chạy. Ta bắt được đồ đảng nó là lũ Bá Đại 21 người, trao trả cho nhà Tống. Nhà cầm quyền ở Ung Châu (Tống) làm ra cáo sắc giả để đón Hữu Lượng về. Hữu Lượng liền cùng với đồ đảng hơn 20 người, đem dâng ấn đồng và địa đồ. Khi đến trại Dương Sơn, viên tri châu Ung Châu là Triệu Nguyên bắt lấy đưa đến suý ty chém chết.

Lời chua - Quảng Nguyên: Tên châu. Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb. II, 43).

Tư Lang: Tên châu. Xem Lý Thái Tông, năm Kiền phù hữu đạo thứ 3 (Chb. III, 3).

Thông Nông: Bây giờ là tổng Thông Nông, châu Thạch Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Ung Châu: Xem Đinh Đế Toàn năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Cáo sắc: Sử của Ngô (Thì) Sĩ chép là "quan cao thân". Ý nói lấy quan tước để chiêu dụ Hữu Lượng.

Dựng chùa Vĩnh Long phúc thánh.

Bính Dần, năm thứ 7 (1146). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 16).

Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán, xuống chiếu đảo vũ; trời mưa.

Sao chổi mọc.

Tháng 8, mùa thu. Tuyển lính cấm quân.

Xuống chiếu cho quản giáp và chủ đô: tuyển lính cấm quân, nên lựa lấy ở những nhà đông con chứ không được bắt con nhà cô độc.

Đinh Mão, năm thứ 8 (1147). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 17).

Tháng 10, mùa đông khảo sát ngạch quan lại ở phủ Phú Lương và làm lại hộ tịch489 .

Phủ Phú Lương, trước kia, bị Thân Lợi chiếm đóng; đến đây, sai Đỗ Anh Vũ khảo sát ngạch quan lại và làm sổ hộ tịch để tâu lên.

Tháng 11. Hoàng thái hậu Đỗ Thị mất.

Đặt tên thụy là Chiêu Hiếu.

Mậu Thìn, năm thứ 9 (1148). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 18).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua thân đi cày ruộng tịch điền.

Nhà vua đi Lợi Nhân, làm lễ cày tịch điền, sau đến Ứng Phong, xem xét dân cày ruộng rồi về cung.

Tháng 10, mùa đông. Cung Quảng Từ làm xong.

Cung này là chỗ ở của Lê Thái hậu, làm từ năm Đại Định thứ 5 (1144); đến đây mới xong.

Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 19).

Tháng 2, mùa xuân. Thiết lập Vân Đồn trang490 .

Bấy giờ các nước Qua Oa491 và Tiêm La có nhiều thuyền buôn đóng ở Hải Đông. Ta bèn lập trang ở trên cù lao để cho họ ở, gọi là Vân đồn trang.

Lời chua - Hải Đông: Tức là An Bang. Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19).

Vân Đồn: Thuộc Hải Đông. Nhà Lê đổi làm châu Vân Đồn, bây giờ là tổng Vân Hải, huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên.

Qua Oa: Theo Minh sử , nước Qua Oa ở về phía tây nam nước Chiêm Thành có tên khác là Hạ cảng hoặc Thuận Tháp, tính người hung tợn, kẻ bé người lớn đều đeo dao, hễ trái ý nhau một chút thì liền đánh giết nhau ngay. Sách Việt chí chép rằng: trong kinh Phật gọi là "Quỷ khốc" tức là nước này.

Tiêm La: Theo sách Thanh Nhất thống chí , Tiêm La, về đời Tùy Đường gọi là nước Xích Thổ, ở về phía Tây Nam nước Chiêm Thành là một tộc loại của nước Phù nam; sau chia làm hai: nước Tiêm và nước La Hộc. Hồi đầu niên hiệu Nguyên Trinh (1295- 1296) đời Nguyên, vào cống nhà Nguyên. Về sau, nước La Hộc mạnh hơn, thôn tính cả đất Tiêm, mới đặt tên nước là Tiêm La Hộc. Dưới triều Hồng Vũ (1368-1398) nhà Minh, Tiêm La Hộc vào chầu, vua Minh ban cho ấn "Tiêm La quốc vương". Tự đó mới gọi là nước Tiêm La.

Tháng 4, mùa hạ. Đại xá.

Mở hội phật pháp ở trước sân rồng. Đại xá các tội nhân.

--

432 Một loại sách chép thể lệ công việc về điển chương chính sự của một đời.

433 Được kể là An Nam tứ khí (bốn thứ đồ của Việt Nam): 1. Chuông Quy Điền; 2. Tháp Báo Thiên; 3. Vạc Phổ Minh; 4. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm.

434 Vị thần chuyên chủ về việc để người cầu con.

435 Hầu cận nhà vua ở cửa Hoàng cung.

436 Lối xưa có tục đem đồ vật hoặc người thật mà chôn theo kẻ chết gọi là "tuận táng".

437 Chính thực là "Trọng Hòa" mới đúng. Đến năm sau, tức năm Kỷ Hợi (1119), Tống Huy Tông mới đổi niên hiệu làm Tuyên Hòa thứ 1. Đây chắc là sử Cương mục in lầm.

438 Xem thêm Chính biên quyển III tờ 5.

439 Xem thêm Chính biên quyển III tờ 5.

440 Một loại thú giống con hươu, mà nhỏ hơn, không có sừng.

441 Tức sông Nhị Hà.

442 Về việc dâng tù binh và khảo thưởng quân lính.

443 Thạch Bích: một dân tộc mán ở miền núi Thạch Bích tỉnh Quảng Ngãi (Trung Bộ). Dưới triều Gia Long (1802-1819). Lê Văn Duyệt có đi đánh dẹp mán này.

444 Chỉ việc dâng cây cau. Ý nói nhà sư ấy đáng khinh bỉ.

445 Sâu cắn lúa.

446 Tháng đầu mùa đông, tức là tháng 10 âm lịch.

447 Tức Hội tường đại khánh.

448 Tức Thiên Phù duệ vũ.

449 Nguyên văn là "cam lộ" (móc ngọt).

450 Nay thuộc tỉnh Hà Nam.

451 Xem chú giải ở Chb. I, 9.

452 Hội chơi đèn.

453 Kinh đô nhà Tống.

454 Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông.

455 Nguyên văn là "vẫn", ta thường gọi là "sao sa" hay "đổi ngôi".

456 Bỏ đồ trở.

457 Về việc sớm bỏ tang phục.

458 Nay thuộc tỉnh Bắc Giang.

459 Nhà Đường, chia trong nước làm 10 đạo, đặt các phủ lệ thuộc vào các vệ. Mỗi phủ, đặt một người làm chức chiết xung đô úy. Từ việc đi trận đến việc túc vệ, phủ binh tùy theo đường xa hay gần mà chia phiên nhau.

460 Đặt quân đội ở ngay trong đám nông dân: khi vô sự thì làm ruộng, khi có việc thì ra chiến đấu.

461 Nơi nhà vua học tập.

462 Chức quan coi về việc nhạc.

463 Miếu thần núi Đồng Cổ.

464 Cương mục Chb. IV, 23 in lầm là Thánh Tông.

465 Một trong năm cữu trưng chép trong thiên Hồng phạm . Lời Cơ Tử trình bày với Chu Vũ vương.

466 Ông họ Trần khéo can gián.

467 Sau ngày chết một trăm ngày, rước thần chủ đến tế ở thái miếu gọi là "lễ phụ".

468 Chỉ việc bắt con gái nhà các quan đợi sau cuộc tuyển, không được vào cung, mới cho đi lấy chồng.

469 Sùng hiền hầu.

470 Cầu hửng tạnh.

471 Chổ để thiên tử ở khi đi tuần du.

472 Nguyên văn là "xương". Theo Từ Nguyên tập "hợi" trang 58, "xương" là thứ cá biển dài hàng một thước (thước Trung Quốc), mình dẹp mà tròn, đầu nhỏ, cổ rụt, đầu, lưng và vây đều màu xanh da trời, bụng màu nhàn nhạt, vảy rất nhỏ, thịt trắng, xương mềm, nhiều mỡ. Xem thêm Lời chua ở dưới Cương mục .

473 Nguyên văn là "công". Theo Khang Hy tự điển , "công" là tên một thứ cá. Xem thêm Lời chua ở dưới của Cương mục .

474 Sách nhà trời bảo cho hạ giới biết: thánh nhân (chỉ nhà vua) muôn năm.

475 Xem Cương mục Chb. IV, 27.

476 Đàn cúng do đạo sĩ cúng để cầu chúc cho nhà vua sống lâu.

477 Người vâng nhận mệnh lệnh của nhà vua dặn lại khi sắp chết.

478 Nghĩa là cho Minh Không một số làng xã gồm có vài trăm gia đình để Minh Không được lấy tô thuế mà ăn lộc và được có người phục vụ công việc ở chùa mình tu; vài trăm họ ấy không phải đóng tô thuế và cùng sưu dịch cho nhà nước nữa.

479 Tức chùa Keo thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

480 Đàn tế chuyên dùng khi có hạn hán thì làm lễ cầu mưa. Theo truyện Công dương trong kinh Xuân thu , vua thân hành đến đàn Nam Giao cầu đảo, cho đồng nam, đồng nữ mỗi bên tám người vừa múa vừa hô to "vu! vu!...". Vì thế gọi là đàn vu.

481 Chỉ việc trước đó bỏ đích lập thứ, sau lại bỏ con lớn lập con bé.

482 VSL III 3a viết là Ông Thân Lợi.

483 Vợ lẽ ở trong cung nhà vua.

483 Như gươm, dao, v.v...

484 Cung Công bị tội lưu, Hoan Đâu bị đem đi an trí, Tam Miêu bị phóng trục, Cổn bị giam cầm đến chết.

485 Ý nói một số nhiều, chứ không cứ phải đúng một trăm.

486 Nguyên văn là "dao lĩnh" nghĩa là chịu trách nhiệm giữ chức cai trị ở một nơi nào đó, nhưng bản thân lại đóng ở một nơi xa, chứ không đến làm việc tại chỗ.

487 Chỉ Mâu Du Đô.

488 Chỉ việc dâng chim sẻ trắng.

489 Sổ kê khai từng hộ.

490 Trang cũng như bây giờ gọi là phố xá, nơi tập trung nhiều hàng hóa để tiêu thụ đi các nơi.

491 Sách ta cũng như một số sách Trung Quốc phần nhiều viết Qua Oa nhưng theo Từ Nguyên (trang 954), thì là Trảo Oa (Java).

--

0 Comments:

Post a Comment

<< Home