Chính Biên - Quyển thứ XXX
K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 30
Tứ Quý Tỵ, năm Quang Hưng thứ 16 (1593 ) đến Kỷ Hợi, năm Quang Hưng thứ 22 (1599) đời Lê Thế Tông, gồm bảy năm.
Quý Ty, năm [Quang Hưng ] thứ 6 (1593). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 24 - Năm này nhà Mạc bị diệt).
Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Tùng tiến quân ra huyện Thanh Lâm, bắt được Mạc Kính Chỉ và họ hàng của Kính Chỉ, đều bị giết chết cả.
Trước kia, Kính Chỉ lẩn lút ở vùng Đông Triều, hay tin Mậu Hợp đã bị bắt làm tù binh, đóng giữ huyện Thanh Lâm, tiếm lên ngôi ngụy ở xã Nam Giản huyện Chí Linh, đổi niên hiệu là Bảo Định, rồi lại đổi là Khang Hựu. Bọn Kính Phu, Kính Thành và Kính Thận vài trăm người là chỗ họ thân với chúa Mạc cùng các bầy tôi văn võ cũ đều đem nhau về với Kính Chỉ. Nhà Mạc yết bản chiêu mộ, trong khoảng chốc lát, các huyện hưởng ứng được đến 6, 7 vạn quân.
Bấy giờ Mạc Toàn, con Mậu Hợp, thấy lòng người không phục mình, cũng theo về với Kính Chỉ. Về sau, Mạc Toàn lại trốn đi, bị quan quân bắt được.
Trịnh Tùng, nhân đó, sai bọn Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê và Ngô Đình Nga tiến đến huyện Thanh Lâm. Kính Chỉ tung quân đánh úp: Thất Lý chết trận, Đình Nga bị thương nặng, Văn Khuê và Bách Niên phải chạy, còn quân thì tan vỡ. Quân lương và khí giới của quan quân đều mất về tay giặc. Bấy giờ Hải Dương và Kinh Bắc nhiều phần quy phụ về với Mạc.
Trịnh Tùng lại sai thái úy Hoàng Đình Ái đốc suất các quân doanh thủy và bộ tiến đến Cẩm Giàng, Kính Chỉ dốc hết quân ra giữ Thanh Lâm, lấy một dãy Hàm Giang làm chỗ phân chia Nam, Bắc. Hai bên luôn luôn huy động quân đội để chống và giữ. Ban ngày, cờ xí tung bay, ban đêm, hỏa pháo ran nổ, trong khoảng hàng tuần, hàng tháng, quân hai bên cầm cự nhau, không lúc nào dám cỡi bỏ áo giáp. Ở Thanh Lâm, Kính Chỉ lại đắp thêm hào lũy theo dọc ven sông để cho sự phòng thủ được bền vững.
Đến đây, Trịnh Tùng thân hành quản đốc đại quân qua sông Nhị, đêm ngày đi gấp đường, đến Cẩm Giàng, đại hội với các tướng, cả thủy lẫn bộ cùng tiến:
Hoàng Đình Ái thống lãnh tướng sĩ các dinh, tiến đến Thanh Lâm để đánh vào phía hạ lưu;
Trịnh Tùng thân đốc đại binh để đánh phía thượng lưu;
Nguyễn Hữu Liêu thống suất quân thủy để bao vây và đón chặn đường đi cửa của quân Mạc.
Quan quân bốn mặt đánh khép lại: quân Mạc đổ vỡ tan tành.
Kính Chỉ và thân thuộc của hắn đều lẫn trốn vào rừng núi. Quan quân đuổi đến Đông Triều, bắt được bọn An Sơn vương Mạc kính Thành và Hoàng Lượng công Mạc Lý Hựu, đều đem chém cả. Số giặc bị bắt làm tù binh và những thuyền bè khí giới của Mạc bị tước không sao xiết kể.
Khi đến Chí Linh, quan quân lại chia nhau đi càn quét, bắt được Kính Chỉ ở thôn Tân Manh luôn với bọn Kính Phu, Kính Thận, Kính Giản, Kính Tuân và quan liêu văn võ của Mạc đến hơn 60 người. Trịnh Tùng bèn quân về Thăng Long. Các tướng đưa đến những người trong họ hàng bè lũ nhà Mạc bị bắt làm tù binh, đều chém cả ở bến Cỏ. Riêng lấy đầu Kính Chỉ đem vào bêu ở Thanh Hoa. Họ Mạc bị diệt.
Lời phê - Dựa vào công lao trước của cha. Trịnh Tùng có công rất to, mà mang tội cũng nặng lắm. Không làm như vậy thì không đủ để diệt nhà Mạc mà phù Lê được. Mạc tuy bị diệt rồi, nhưng Trịnh lại lù lù ở đó thì cũng lại là một Mạc (thứ hai ) nữa thôi! Lời chua - Mạc Kính Chỉ: Con Mạc Kính Điển.
Kính Phu, Kính Thận, Kính Giản, Kính Tuân: Đều là em Kính Chỉ.
Nam Giản: Tên xã, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XII, 25 ).
Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28 ).
Thanh Lâm, Cẩm Giàng: Đều là tên huyện, thuộc tỉnh Hải Dương.
Tân Manh: Tên thôn, thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên.
Hàm Giang (sông ): Ở địa phận xã Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng.
Tháng 4, mùa hạ. Xa giá vua Lê trẩy ra Thăng Long, ngự ở tòa chính điện, nhận lễ triều hạ, đại xá cho cả nước.
Trịnh Tùng đã diệt nhà Mạc rồi, tu tạo cung điện [ở Thăng Long ], một tháng hoàn thành, bèn sai các đại thần văn võ sắm sữa nghi trượng đi đón xa giá. Tháng 3, nhà vua khởi hành từ dinh Vạn Lại; đến tháng 4 này, trẩy tới kinh đô. Ngày Canh Tý, nhà vua ngự ở toà chính điện, nhận lễ bách quan chầu mừng, đại xá cả nước.
Bản xét công lao các bầy tôi trong cuộc trung hưng. Ban thưởng tước phong cho họ các tầng bậc khác nhau.
Gia phong:
Hoàng Đình Ái làm hữu tướng thái úy, Vinh quốc công;
Nguyễn Hữu Liêu làm thái úy, Dương quốc công;
Quận công Trịnh Đỗ làm thái phó;
Trịnh Đồng và Trịnh Nành làm thái bảo;
Lê Bách và Hà Thọ Lộc làm thiếu úy;
Ngô Cảnh Hựu và Trịnh Văn Hải làm thiếu bảo;
Lại bộ thượng thư Nguyễn Mậu Tuyên làm thiếu phó tước Quỳnh quận công.
Còn mọi người khác cũng đều được ban thưởng thêm tước trật có cao thấp khác nhau.
Lời chua - Thái úy, thái phó, thái bảo: Đều chánh nhất phẩm.
Thiếu úy, thiếu phó, thiếu bảo: Đều chánh nhị phẩm. Cả hai đều xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 15 - 16 ).
Nguyễn Mậu Tuyên: Người Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương2719 .
Tháng 5. Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta từ Thuận Hóa vào chầu được tấn phong thái úy Đoan Quốc Công, cầm quân đi đánh giặc.
Trước kia, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta ở Thuận Hóa hơn 20 mươi năm, từ nhân dân đến các man di thảy đều mến phục. Bờ cõi và biên giới đều phẳng lặng yên ổn. Đến đây ngài đem tướng sĩ và binh thuyền vào chầu, dâng nộp sổ sách về quân, dân và kho tàng ở hai xứ Thuận, Quảng. Nhà vua xuống chiếu gia phong cho Gia Dụ làm tả đô đốc ở Trung quân đô đốc phủ, giữ công việc trong phủ, hàm thái
úy, tước Đoan quốc công, tổng đốc tướng sĩ bản doanh, thống lãnh quân thủy ở các xứ Nam đạo2720 và 300 chiếc thuyền cả lớn lẫn nhỏ, đi đánh bọn giặc ở vùng đông nam.
--
2719 Đất huyện Lôi Dương cũ, nay thuộc hai huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
2720 Nay gồm các huyện Châu Giang, Kim Động, Ân Thi, Phù Tiên (Hưng Yên ), Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân (Hà Nam ), Hưng Hà, Tiên Hưng cũ (Thái Bình ).
--